BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Nhờ quan sát cảm giác, ta thoát khỏi khổ đau

Sự giác ngộ của Đức Phật là Ngài đi sâu vào tận bên trong, và tìm hiểu xem đối với các cảm giác này, người ta cứ tiếp tục phát sinh ra bất thiện và khổ đau như thế nào. Nhờ quan sát cảm giác, người ta có thể thoát khỏi khổ đau và điều bất thiện như thế nào. Có người đã khám phá ra định luật vốn sẵn có này, định luật ấy đã có sẵn. Và rồi, vì lòng từ bi, người ấy bắt đầu chỉ dạy định luật ấy cho người khác hay truyền phương pháp Thiền này cho người khác. Người ta áp dụng theo phương pháp ấy và thoát khỏi khổ đau.

Điều này đã xảy đến cho hàng ngàn người thời Đức Phật còn tại thế. Và trong 25 thế kỷ sau đó, bất cứ ai thực hành cũng đã thu thập cùng một lợi lạc. Ngay trong tương lai và ngày nay, những ai thực hành cũng sẽ thu thập cùng một lợi lạc như thế. Luật là luật, nó không bao giờ thay đổi, cùng một thứ luật: “Dhamma là vĩnh cửu, cùng một thứ luật phổ biến khắp nơi”.

Vào thời của Đức Phật, rất nhiều người khốn khổ thoát khỏi khổ đau không phải vì được Ngài làm phép lạ hay thần thông, mà vì phương pháp Thiền này đã được truyền dạy cho họ. Một ví dụ là Angulimala, một thanh niên đầy uất hận, anh ta đã thề sẽ giết 1000 người. Nhiều oán hận đến thế nên anh đã giết 999 người và đang kiếm người thứ 1000. Bây giờ, làm sao nhớ số người anh ta đã giết? Khi giết xong một người, anh ta cắt một ngón tay xâu thành vòng chuỗi đeo quanh cổ và tiếp tục đếm bao nhiêu ngón. Đó là lý do tại sao anh ta được gọi là Angulimala (Người đeo vòng chuỗi các ngón tay). Khi tìm người thứ 1000, anh ta gặp Đức Phật, hay đúng hơn, Đức Phật vì lòng từ bi, đến để giúp anh ta thoát khỏi đau khổ. Không thần thông, không phép lạ, Ngài truyền dạy cho anh ta cùng một phương pháp Thiền. Anh bắt đầu nhận ra rằng mình là con người khốn khổ nên nỗ lực tu tập ngày đêm. Và anh ta thoát khỏi khổ đau, đạt đến đích cuối cùng, trở thành con người hoàn toàn giải thoát, một A La Hán đầy lòng từ bi, tình thường và hảo ý đối với người khác. Và rồi anh ta đi hết làng này đến làng khác, hết thôn này đến thôn khác, hết thị trấn này đến thị trấn khác giảng dạy rằng: “Mọi nơi, ai cũng rất khổ. Bản thân tôi là người vô minh, vì vô minh, tôi đã hại chính mình và nhiều người khác. Giống như tôi, có những người tự hại mình và người khác. Nếu những người ấy có được phương pháp Thiền, chắc chắn họ sẽ thoát khỏi khổ đau”.

Như thế, vì lòng từ ái, anh ta đã đi đến nhiều nơi khác nhau và giảng dạy Dhamma, phương pháp Thiền này cho người khác. Dù đã là Tu sĩ, vẫn có người nhận ra anh ta: “Ô! Người này chính là Angulimala, người này đã giết mẹ tôi hay cha tôi, vợ tôi, chồng tôi, con trai tôi, …”. Vì lòng giận dữ, người ta ném đá vào anh ta, đánh anh ta. Máu bắt đầu từ người anh chảy ra nhưng từ trong tâm, chỉ có lòng từ bi tuôn chảy: “Ồ! Những người khổ đau, tôi cũng khổ đau không kém. Vì vô minh, tôi đã hại chính mình và những người khác. Hãy nhìn xem phương pháp Thiền này sẽ giúp Quý vị như thế nào. Quý vị sẽ thoát khỏi mọi khổ đau, hãy thử phương pháp Thiền này”. Đầy lòng từ bi! Trọn cuộc đời đầy lòng từ bi! Như vậy, nhiều người dễ dàng thoát khỏi khổ đau.

Dĩ nhiên, nhờ thực hành phương pháp Thiền này, hiểu rằng chỉ phương pháp Thiền này thôi có thể giải thoát chúng ta ra khỏi khổ đau. Nếu ta không thoát khỏi điều bất thiện hay Saṅkhāra của mình, ta sẽ không thoát khỏi khổ đau.

Một ví dụ khác, có một người đàn bà khổ đau tên là Kisa Gotami, lấy chồng sau nhiều năm mà không có con nên bà ta ao ước có được đứa con. Nhiều năm sau đó, bà sinh được một đứa con. Bất hạnh thay, hai năm sau, đứa bé chết. Do phát sinh nhiều ràng buộc vào đứa con của mình, nay đứa bé lại chết đi nên sự khổ đau của bà đi đến cùng tột. Không chịu đựng nổi, bà ôm xác đứa con vào lòng và không chịu cho ai mang xác đứa bé ra chỗ thiêu hay bãi tha ma: “Không! Con tôi chưa chết, nó đang ngủ, xin hãy làm cho nó thức dậy, xin hãy làm điều gì đó”. Người ta nói: “Bà ơi! Thằng bé đã chết. Không có cách gì mong đợi cậu bé sẽ tỉnh lại”.

Nhưng bà ta đã hoàn toàn mất trí rồi: “Không! Tôi không thể bỏ nó được. Con trai tôi chưa chết! Xin làm ơn làm điều gì đó cho mẹ con tôi, xin hãy làm ơn!”. Một người sáng suốt đã nói với bà ta rằng: “Không ai có thuốc nào có thể cứu sống cái xác chết cả. Bà nên đến gặp Đức Phật. Ngài có trung tâm Thiền ở đây, hãy đến đó, có thể Ngài sẽ giúp cho bà được”.

Bà đến gặp Đức Phật và đặt xác con dưới chân Ngài rồi khóc lóc: “Con trai tôi chưa chết, người ta bảo nó đã chết. Cho dù nó có chết, xin Ngài hãy làm ơn ra tay cứu nó. Xin làm ơn!”. Đức Phật thấy bà quá xúc động, tâm trí đã mất bình tĩnh đến nỗi lời giảng dạy thông thường sẽ không có hiệu quả gì. Ngài có cách dạy riêng nên bảo bà: “Được rồi! Bà hãy đi vào làng, xin vài hạt mè”. Bà ta rất vui mừng: “Đức Phật sẽ làm gì đây cho con trai tôi”. Ngài nói tiếp: “Khoan! Hãy lắng nghe đúng đắn sự chỉ dẫn này, bà phải mang về đây những hạt mè từ nhà nào hay gia đình nào đã không có người chết”. Rồi bà đến từng nhà, từ đường này sang đường khác và hỏi xin vài hạt mè:
Con trai tôi đã chết và Đức Phật sẽ giúp cho chúng tôi, xin làm ơn cho tôi vài hạt mè.
Ồ! Bà có thể lấy mấy bao mè cũng được. Cầu chúc cho con trai bà sống trở lại.
Thế trong gia đình Quý vị có ai chết không?
Vâng! Cha tôi đã chết hay mẹ tôi đã chết, hoặc chồng tôi đã chết, Anh tôi đã chết…

Rồi bà đến căn nhà kế bên, rồi nhà kế bên nữa…, Bà ta không tìm thấy căn nhà nào mà không có người chết cả. Đến lúc ấy đã hết ngày và bà tỉnh ngộ: “Không có nhà nào, gia đình nào không có người chết. Đây là định luật tự nhiên, con người sinh ra để rồi phải chết không sớm thì muộn”. Bây giờ, tâm của bà đã thích hợp để học Dhamma. Rồi bà ta trở lại gặp Đức Phật và Ngài truyền dạy cho bà Dhamma, cũng cùng Dhamma này: “Quan sát hơi thở ra vào, quan sát cảm giác, đi sâu hơn và bà sẽ thấy rằng tất cả những khổ đau của mình sẽ biến đi hết lớp này đến lớp khác”.

Bà Kisa Gotami này trở thành một Vị Arahan (A La Hán) hoàn toàn giải thoát. Sau đó, bà dành hết cuộc đời mình phục vụ chúng sinh: “Có nhiều người mẹ như tôi, nhiều chị em gái như tôi. Ồ! Họ khổ sở lắm. Nếu họ có được Dhamma huyền diệu này, họ sẽ thoát khỏi khổ đau”. Vì lòng từ bi, trong tinh thần Dhamma, bà ta tiếp tục phục vụ chúng sinh.

Một người khổ sở khác là Patacara, con gái của một Phú hộ. Bà mất chồng, có được hai con trai, bà mất cả hai con. Bà mất anh, mất mẹ, mất cha,… không còn ai thân thuộc trong thế giới mênh mông này. Bà trở nên quẫng trí, hoàn toàn mất trí. Bà trần truồng chạy trên các đường phố thành Savatthi. Người ta ném đá vào người bà, nhưng bà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả.

Nhờ những Pārami (phẩm hạnh tốt) và các Kamma (nghiệp tốt) trong quá khứ, bà gặp Đức Phật. Khi đó, Ngài đang giảng Dhamma cho thính chúng, bà ta đi ngang qua nên Ngài nói: “Con của ta, hãy lại đây!”. Bà đến đó, ngồi xuống trong vài giây, rồi tỉnh lại nhận ra rằng mình đang trần truồng. Có ai đó ném cho bà tấm vải để che thân. Từ đó, bà được gọi là Patacara. Đức Phật ban cho bà Dhamma, cũng cùng phương pháp Thiền này. Bà nỗ lực tu tập và bà thoát khỏi khổ đau.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app