Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI
Hãy gặp Thiền sư nếu cuộc sống của mình không thay đổi tốt đẹp hơn (Phần 2)
May mắn thay, tôi tham dự khóa học như bao nhiêu người khác. Dĩ nhiên, vào ngày thứ 2, tôi cảm thấy muốn bỏ đi. Chẳng qua vì tập quán trong đầu, tôi nghe người khác nói rằng khi họ Thiền, họ thấy ánh sáng này, ánh sáng kia, nhưng tôi chẳng thấy ánh sáng nào cả. Truyền thống của tôi cho rằng nếu ta thấy được ánh sáng linh thiên, đây là giai đoạn giải thoát. “Hãy nhìn xem! Những người này họ thấy được ánh sáng linh thiên, còn tôi chẳng thấy gì cả”, và tôi còn nhớ lời của một Vị Thánh nhân nói: “Một con lạc đà có thể đi xuyên qua lỗ kim, nhưng người giàu có không thể đi qua cổng thiên đàng”. Tôi nghĩ rằng: “Mình là người giàu có nên cách tu tập này không hợp với tôi. Tất cả những người này, họ là Thầy giáo, Giáo sư Đại học, Bác sĩ, những người tốt, những người có tâm từ bi. Họ có thể thấy được ánh sáng linh thiêng này và những thứ khác. Tôi không thể thấy được. Vậy tại sao còn phí thời giờ của tôi ở đây làm gì? Tốt hơn là nên đi về và tôi thu xếp quần áo”.
Một trong những Thiền sinh tốt bụng cùng khóa, là một Giáo sư dạy lịch sử ở trường Đại học. Thấy tôi thu xếp đồ đạc và muốn bỏ về, cô nói với tôi: “Chỉ một ngày nữa thôi! Vào ngày đầu tiên, ông đã có nhiều cảm giác. Thường thường, người ta chỉ có cảm giác vào ngày thứ 3. Ông có những cảm giác này và Thiền sư rất hài lòng với sự tu tập của ông. Tại sao ông muốn bỏ về? Ánh sáng không có gì là quan trọng cả. Đừng cho nó là quan trọng, hãy ở lại thêm một ngày”. Tôi rất mang ơn cô ấy vì đã ngăn không cho tôi bỏ về. Nếu không, tôi đã vĩnh viễn bỏ con đường tu tập tuyệt diệu này. Tôi đã ở lại và chiều tối hôm đó, tôi bước vào cái cốc nhỏ để ngồi Thiền.
Khi ngồi xuống, ánh sáng xuất hiện. Ánh sáng này, ánh sáng kia hiện ra, bởi vì giờ đây, tâm tôi không còn ham muốn ánh sáng nữa, tôi ở cùng với cảm giác. Đột nhiên, một âm thanh tới, và với hiện tượng này là âm thanh linh thiên: “Ồ! Đây là âm thanh linh thiên, đây là một Vị linh thiên, đây là ánh sáng linh thiêng”. Tôi nghĩ: “Không, Thầy tôi đã dạy đừng chú trọng đến những thứ này, chỉ chú trọng đến cảm giác”.
May mắn thay, tôi đã trải qua hết những kinh nghiệm đó. Vào ngày thứ 5 hay thứ 6, toàn bộ giáo lý làm tôi rất mê say. Là một lãnh tụ của cộng đồng Ấn Giáo, tôi thường thuyết giảng về nhiều Kinh điển như Kinh Vệ Đà. Những lời giáo huấn tương tự được đưa ra khắp trong Kinh này. Đó là: “Hãy thoát khỏi ham muốn, khỏi ghét bỏ, giận dữ, thoát khỏi cái này, cái kia”. Nhưng làm sao để thoát khỏi những thứ ấy? Chẳng có phương pháp nào cả, chỉ là lời giáo huấn suông, lời thuyết giảng suông. Và với phương pháp Thiền Vipassana, tôi thấy rằng đây là phương pháp ứng dụng.Ở đây, tôi có được phần ứng dụng, một phương pháp Thiền huyền diệu, giúp tôi thoát khỏi ham muốn. Tôi đã không thể thoát khỏi sự ham muốn, sợ hãi, ngã mạn, giận dữ của mình. Và phương pháp Thiền này cho tôi con đường thực tế để thoát khỏi những tiêu cực này, nên tôi rất mê say.
Sau 10 ngày, tôi thấy: “Phải, có vài thay đổi đã đến trong đời tôi, thay đổi đã diễn ra”. Tôi bắt đầu tận dụng phương pháp Thiền này. Tôi cảm thấy rất may mắn là được sinh ra trong xứ sở Miến Điện, nơi đã duy trì được phương pháp Thiền này, trong sự tinh khiết ban đầu của nó, dù chỉ với rất ít người. Họ đã giữ nguyên lời Đức Phật dạy trong sự tinh khiết thuở ban đầu, và giữ gìn phương pháp của Đức Phật trong sự tinh khiết thuở ban đầu. Và tôi gặp được Vị Thánh nhân này với đầy lòng từ ái, Vị ấy đã dạy Dhamma cho tôi.
Trong 14 năm, tôi vừa chu toàn bổn phận của một Cư sĩ tại gia, vừa tiếp tục tu tập theo phương pháp này. Sau 14 năm, việc xảy ra là cha mẹ tôi phải rời khỏi Miến Điện về Ấn Độ. Mẹ tôi bị bệnh nặng, một loại tâm bệnh nào đó. Tôi biết rằng nếu tập Vipassana, mẹ tôi sẽ khỏi bệnh đó. Nhưng vào dạo ấy, chính phủ Miến Điện không cấp giấy phép xuất cảnh cho kiều dân. Tôi cảm thấy rất biết ơn chính phủ Miến Điện đã cấp giấy phép xuất cảnh để tôi đi Ấn Độ dạy Vipassana cho mẹ tôi. Và tôi rất biết ơn chính phủ Ấn Độ đã cho phép tôi ở lại lâu hơn, để dạy phương pháp Thiền này cho mẹ tôi. Khóa đầu tiên được khai giảng ngay trong tháng đầu tiên khi tôi đến Ấn Độ.
Đức Phật có nói rằng: “Ta không thể đền đáp hết công ơn dưỡng dục của cha mẹ, khó lắm. Cho dù có phụng sự cha mẹ suốt đời mình, không hề làm việc gì khác, ta vẫn không thể trả hết món nợ này. Chỉ có một cách duy nhất để trả hết món nợ của mình với cha mẹ là nếu cha mẹ chưa vững vàng trong Sīla, hãy giúp cha mẹ củng cố, vững vàng trong Sīla. Nếu cha me đã vững vàng trong Sīla nhưng chưa có Samādhi, hãy giúp cha mẹ củng cố, vững vàng trong Samādhi. Nếu cha mẹ đã vững vàng trong Sīla và Samādhi nhưng chưa có Paññā, hãy giúp cha mẹ củng cố, vững vàng trong Paññā. Nếu cha mẹ đã có Sīla, Samādhi, Paññā nhưng chưa thực chứng mục đích tối hậu Nibbāna (Niết bàn), hãy giúp cha mẹ chứng nghiệm được Nibbāna”.
Tôi cảm thấy rất may mắn là mình đã có thể đền đáp được công ơn cha mẹ. Đấy là một khóa Thiền ít người gồm cha mẹ tôi và 12 người khác tham dự, vài người quen biết, vài người không quen. Tôi đến Ấn Độ chỉ trong 3 tháng để trao truyền Dhamma cho cha mẹ, đặc biệt là mẹ tôi. Rồi 12 người này, sau khi xong khóa Thiền, bắt đầu năn nỉ: “Xin dạy thêm thêm một khóa nữa. Cha tôi sẽ tham dự, vợ tôi, chồng tôi, con trai, con gái tôi…. Ehipassiko, đây là đặc tính của Dhamma, hãy đến mà xem.
Thế là một khóa nữa, rồi một khóa nữa, rồi một khóa nữa. Tôi không biết thời kỳ 3 tháng này trôi qua lúc nào. Rồi hết tháng này đến tháng khác, hết năm này qua năm khác, hết khóa này đến khóa khác, dòng sông Hằng của Dhamma bắt đầu trôi chảy tại quốc gia, nơi nó khởi nguồn. Khi tôi còn ở Miến Điện, nhiều người ở đó có niềm tin rất mãnh liệt. Thầy tôi cũng có niềm tin này.
Hình như khi Dhamma huyền diệu này được vua Asoka truyền tới Miến Điện. Hai Vị Arahan, hai Bậc Giác Ngộ được gửi đến đó, Sona và Budhada. Khi được gửi đến đó, Thầy của hai Vị này đã nói rằng “Hai Vị hãy mang Pháp bảo này đến một xứ sở, là nơi sẽ duy trì được tinh khiết, nguyên thủy của nó qua nhiều thế kỷ. Phương pháp Thiền này sẽ bị mất đi ở mọi nơi khác, nhưng nó sẽ tồn tại ở xứ đó. Tên nước đó thời ấy là Surbana Burmese, vùng đất vàng, xứ sở hoàng kim. Chính xứ sở hoàng kim này sẽ bảo trì được viên ngọc quý này sau khi Đức Phật qua đời 2500 năm”. Một lần nữa, Pháp bảo này sẽ tới Ấn Độ, được củng cố vững chắc ở đấy, rồi lan truyền đi khắp thế giới. Thầy tôi thường nói: “Bây giờ, 2500 năm đã qua rồi”. Tôi không biết có thể vì tình cờ, đây là năm tôi thọ nhận Dhamma,năm thứ 2500 đã qua và đây là năm đầu tiên của Sāsana (Phật pháp) kế tiếp.
Sự phục hưng của Dhamma bắt đầu. Đây là lúc tôi được tiếp nhận Dhamma. Thầy tôi nói: “Chuông đồng hồ Vipassana giờ đây đã điểm. Vipassana phải được lan truyền”. Thành thật mà nói lúc ấy chuyện này với tôi nghe như thứ niềm tin mang tính cách giáo phái: “Tại sao là 2500? Tại sao không là 2400? Tại sao không là 2600? Tại sao lại 2500? Lý do đằng sau đó là gì? Nghe qua, nó chẳng có tính cách khoa học chút nào”, nhưng đó là niềm tin. Nhưng khi đến Ấn Độ, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy điều đang xảy ra. Khi đến đó, tôi đã ghi chép một danh sách những người biết tôi hay những người tôi biết. Danh sách này không quá số 100, không đến 100 người trong một nước dân số có đến hàng trăm triệu. Không đến 100 người biết tôi hay những người tôi biết.
Giờ đây, trong các khóa Thiền, người ta bắt đầu tới. Những người tôi không biết và họ đến từ tất cả các giáo phái hay cộng đồng khác, khó mà tin được. Và không những người bình thường, Cư sĩ mà còn có những lãnh tụ các cộng đồng hay giáo phái, các Tu sĩ, các Tỳ Kheo Phật Giáo, các tu sĩ Ấn Giáo, hàng trăm linh mục Thiên Chúa Giáo, mục sư và các nữ tu…. Có đến hàng trăm, hàng ngàn, họ tới vì lẽ gì? Tại sao họ tới? Một số rất đông người với địa Vị xã hội khác nhau, họ tới vì lẽ gì? Phép màu nào thế? Tôi không biết họ, họ không biết tôi. Nhưng làm thế nào những người này say mê Dhamma? Dần dần, điều đó trở nên rõ ràng hơn.
Người ta đến với khóa Thiền và khi tôi tiếp xúc với họ, thấy họ, gặp họ, thảo luận với họ, nói chuyện với họ, bên trong tôi bắt đầu cảm thấy rằng mình đã biết người này từ lâu rồi. Tôi đã biết người này, phải đã biết người này từ nhiều kiếp rồi. Người này chắc cũng đã ngồi Thiền Vipassana chung với tôi, bây giờ, thời điểm đã tới, người này đã sẵn hạt giống Vipassana, hạt giống Dhamma. Giờ đã tới lúc, người này tiến triển trong Dhamma. Và không những người này tự giúp chính mình mà còn giúp những người khác. Họ có tiềm năng không những tự giúp chính họ mà còn giúp được cho những người khác.
Tôi cũng để ý thấy rằng có người đã đến chỉ để nhận lấy hạt giống Dhamma. Họ đã làm những việc rất tốt lành, những Dhamma rất thiện lành. Và sự chính mùi của những việc tốt đó đã giúp họ nhận được hạt giống Dhamma. Cho dù, ta có thuộc vào nhóm chỉ đến để nhận lấy hạt giống Dhamma hay ta đã có sẵn hạt giống Dhamma, và giờ đây, ta đến để phát triển hạt giống đó, loại châu báu huyền diệu này mình đã có. Hãy sử dụng hạt giống ấy một cách đúng đắn, đừng vứt bỏ nó đi.
Tôi đã thấy một khuyết điểm lớn ở vài Thiền sinh mà tôi thường nhắc nhở nhiều lần. Người ta đến để thử phương pháp Thiền này, không có gì sai cả. Người ta trước hết nên thử cái gì mới. Nhưng nếu cứ thử, chỉ thử không thôi, ta sẽ không bao giờ đủ nghiêm chỉnh để nỗ lực tu tập. Tôi thấy có người đến Ấn Độ để tìm kiếm kinh nghiệm đặc biệt này, hay kinh nghiệm đặc biệt kia: “Hãy để tôi hút thử cần sa hay ma túy”.
Rồi họ đến với các Đạo sĩ, tập luyện với các Đạo sư. Cũng thế, họ đến với Goenka, một kinh nghiệm với Goenka, một chuyến đi học Đạo Goenka. Ta đã thử tất cả các chuyến đi khác. Bây giờ là chuyến đi học với Goenka. Làm như thế, ta sẽ được lợi ích gì? được rồi, hãy làm một chuyến thử nghiệm với Goenka. Hãy làm 1, 2 hay 3 chuyến, nhưng cuối cùng thì hãy quyết định.
Nếu ta thấy rằng phương pháp Thiền nào khác tốt cho mình thì hãy nghiêm chỉnh tập luyện và thu thập lợi ích từ phương pháp Thiền ấy. Nhưng nếu chỉ tập hời hợt, một tí ở chỗ này, một tí ở chỗ khác thì suốt đời mình chỉ phí phạm thời giờ mà thôi. Con đường giải thoát là con đường rất nghiêm túc. Nó không giản dị là thứ giải trí tinh thần, tiêu khiển trí thức hay để giải khuây. Giống như có người khát nước, cần nước và bắt đầu đào giếng tìm nước. Ta đã đào giếng sâu được hơn vài ba thước, thì có người nói: “Đừng, đừng, đừng, nước ở đằng kia tốt hơn”. Và ta bắt đầu đào giếng ở đó ba thước nữa. Ba thước chỗ này, ba thước chỗ kia, nếu suốt đời cứ đào ba thước như thế, ta sẽ không tìm được chút nước nào cả. Vậy thì, hãy thử 1,2 lần, không sao cả, nhưng rồi hãy quyết định:
“Tôi phải đi vào tầng lớp sâu thẳm, nơi có nước”, hãy quyết định đi. Nếu con đường này thích hợp với mình: “Tôi thấy nó có vẻ rất hợp lý dựa vào sự thật, có tính khoa học, không liên quan gì đến bất cứ hạng Đạo sư nào, không liên quan gì đến bất cứ loại giáo điều nào hay bất cứ đức tin nào. Nó chỉ là môn khoa học thuần túy về thân và tâm. Phương pháp Thiền này đã giúp ích cho tôi, mang lại kết quả tốt đẹp cho tôi”.
Nếu thế thì hãy nỗ lực luyện tập, hãy nỗ lực luyện tập. Về phần tôi, tôi biết chắc chắn đây là châu báu, thứ châu báu vô giá. Không gì trên đời này có thể so sánh được với phương pháp Thiền này. May mắn thay, ta hiện đang có nó. Hãy tận dụng phương pháp Thiền này vì lợi ích của chính mình và những người khác. Dhamma là châu báu huyền diệu, người ta có thể thoát mọi khổ đau của cuộc đời.
Nguyện cho tất cả Quý vị tham dự khóa Thiền 10 ngày tận dụng được châu báu huyền diệu này, và thoát khỏi tất cả mọi khổ đau. Hãy tận hưởng an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự.
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)