Phần 14
Câu Hỏi Dakarakkhasapañhā
Một hôm, vào cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nữ tu-sĩ Bherī nghĩ ra câu hỏi gọi là Dakarakkhasapañhā: Câu hỏi Dạ-xoa dưới nước.
Vị nữ tu-sĩ Bherī chỉ muốn hỏi riêng một mình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta về câu hỏi ấy mà thôi.
Bà tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo có một câu hỏi muốn hỏi riêng Đại-vương, kính xin Đại-vương cho cơ hội.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Kính thưa nữ tu-sĩ Bherī, kính mời bà hỏi, nếu Quả-nhân biết thì Quả-nhân sẽ giải đáp.
Được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho cơ hội, nên vị nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, giả dụ Đại-vương đi du thuyền trên biển, trong chiếc thuyền gồm có bảy người là:
1- Đại-vương,
2- Mẫu-hậu Calākadevī,
3- Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī,
4- Hoàng đệ Tikhiṇamanti,
5- Bạn hữu Dhanusekha,
6- Quân-sư Kevaṭṭa,
7- Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Một Dạ-xoa dưới nước (Dakarakkhasa) nổi lên bắt chiếc thuyền, với yêu cầu rằng:
“- Tâu Đại-vương, trong chiếc thuyền này gồm có bảy người, xin Đại-vương ban cho tôi từng người để ta ăn thịt theo tuần tự từ Ngài.ưi thứ nhất đến người thứ sáu, tôi sẽ tha chết một người.”
– Tâu Đại-vương, nếu Dạ-xoa dưới nước yêu cầu như vậy, thì Đại-vương ban cho Dạ-xoa ăn thịt từng người theo tuần tự từ người thứ nhất đến người thứ sáu như thế nào?
Nghe câu hỏi mà vị nữ tu-sĩ Bherī đặt ra hỏi, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:
– Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, nếu Dạ-xoa dưới nước yêu cầu như vậy thì Quả-nhân sẽ ban cho Dạ-xoa ăn thịt mỗi người theo tuần tự như sau:
1- Người thứ nhất, Mẫu-hậu Calākadevī.
2- Người thứ nhì, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī
3-Người thứ ba, Hoàng đệ Tikhiṇamanti.
4- Người thứ tư, bạn hữu Dhanusekha.
5- Người thứ năm, quân-sư Kevaṭṭa.
6- Người thứ sáu chính là Quả-nhân.
Khi ấy, Quả-nhân truyền bảo Dạ-xoa ấy rằng:
– Ngươi hãy ăn thịt Quả-nhân đây!
– Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, thà Quả-nhân chịu hy sinh sinh-mạng cho Dạ-xoa ăn thịt là người thứ sáu, chứ không bao giờ chịu hy sinh Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt.
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giải đáp câu hỏi như vậy, vị nữ tu-sĩ Bherī đã biết được Đức-vua thật tâm tôn trọng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Sau khi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giải đáp câu hỏi dakarakkhasapañhā xong, bà muốn cho các quan quân trong triều đình, những người trong hoàng gia, dân chúng trong kinh-thành Uttarapañcāla đều biết đến tài đức của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cho nên bà tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:
– Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương truyền lệnh cho tất cả các quan quân trong triều đình, những người trong hoàng gia, dân chúng trong kinh-thành Uttara-pañcāla tụ hội tại sân rồng trước cung điện, và Đại-vương ngự trên ngai vàng.
Khi ấy, bần đạo sẽ tâu hỏi lại câu hỏi dakarakkhasa-pañhā này, rồi kính xin Đại-vương giải đáp lại như vậy, trước tất cả mọi tầng lớp người tham dự, để cho mọi người biết đến tài đức vẹn toàn của Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita được rõ ràng như vầng trăng sáng trên hư không trong đêm rằm.
Xét Về Đức (Guṇa) Với Lỗi (Dosa)
Lý do Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban cho Dạ-xoa ăn thịt mỗi người trong chiếc thuyền theo tuần tự từ người thứ nhất đến người thứ sáu như sau.
1- Người thứ nhất là Thái hậu Calākadevī
Vị nữ tu-sĩ Bherī biết câu chuyện bà Calākadevī là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Mahācūḷanī. Bà ngoại tình với vị Bà-la-môn Chabbhi, vị quan lớn trong triều đình của Đức-vua Mahācūḷanī, bà lập mưu kế đầu độc Đức-vua Mahācūḷanī bị băng hà, rồi đưa vị Bà-la-môn Chabbhi lên ngôi vua, và bà vẫn là Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī của vị Bà-la-môn Chabbhi. Khi ấy, Thái-tử Cūḷanī đang còn thơ ấu.
Một hôm, vị Bà-la-môn Chabbhi nhìn thấy Thái-tử Cūḷanī nên nghĩ rằng: “Khi Thái-tử Cūḷanī trưởng thành, nó sẽ giết ta để trả thù, rồi lấy lại ngôi vua cha. Vậy, ta nên giết Thái-tử Cūḷanī ngay khi còn thơ ấu.”
Nghĩ xong, vị Bà-la-môn Chabbhi bàn với Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī về chuyện giết Thái-tử Cūḷanī. Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī vì thương yêu Thái-tử Cūḷanī nên tâu dối rằng:
– Tâu Bệ-hạ, vì yêu Bệ-hạ nên thần thiếp đã đầu độc Đức-vua Mahācūḷanī. Nay, sá gì Thái-tử Cūḷanī, cũng nên giết nó cho xong. Thần thiếp có kế giết Thái-tử chết mà không ai biết.
Vị Bà-la-môn Chabbhi tin theo lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī. Bà gọi người đầu bếp của vị Bà-la-môn Chabbhi vào truyền bảo rằng:
– Này người đầu bếp! Thái-tử Cūḷanī với con trai Dhanusekha của ngươi cùng sinh một đêm, là bạn hữu thân thiết với nhau. Nay, vị Bà-la-môn Chabbhi muốn giết Thái-tử để tránh hậu họa về sau.
Vì vậy, ta gửi Thái-tử Cūḷanī ngủ chung với Dhanusekha trong phòng của ngươi. Ngươi đem ba bộ xương dê bỏ vào trong phòng ngủ của ngươi.
Đến đêm khuya, mọi người đều ngủ say, ngươi dẫn Thái-tử Cūḷanī và Dhanusekha ra khỏi phòng, rồi dùng lửa đốt phòng ấy. Ngươi hãy dẫn Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha của ngươi trốn ra cửa nhỏ, đi sang nước khác để sinh sống. Ta ban cho ngươi nhiều thứ của cải quý giá, nhờ ngươi trông nom, săn sóc nuôi dưỡng Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha của ngươi trong đất nước khác.
Ngươi nói Thái-tử Cūḷanī là con của ngươi, không nên tiết lộ tông tích của Thái-tử Cūḷanī.
Tuân theo lệnh truyền của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī, người đầu bếp đem ba bộ xương dê vào để trong phòng ngủ của mình. Thi hành theo kế của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī, đêm khuya, mọi người đều ngủ say, châm lửa đốt cháy phòng ngủ, rồi người đầu bếp dẫn Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha trốn ra khỏi kinh-thành Uttarapañcāla, đi đến kinh-thành Sāgala, đất nước Maddaraṭṭha.
Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī tâu dối Bà-la-môn Chabbhi rằng:
– Tâu Đức phu quân, phòng ngủ của người đầu bếp đã bị cháy rụi. Trong phòng có ba người: Người đầu bếp, con trai của ông và Thái-tử Cūḷanī đều bị chết thiêu. Đây là bộ xương của Thái-tử Cūḷanī. Như vậy, mưu đồ của Đức phu quân đã được thành tựu như ý.
Người đầu bếp sau đó xin vào làm bếp, được Đức-vua Madda chấp thuận. Hằng ngày, Thái-tử Cūḷanī và cậu Dhanusekha thường vào cung điện chơi với Công-chúa Nandā của Đức-vua Madda. Công-chúa Nandā đem lòng thương yêu Thái-tử Cūḷanī.
Một hôm, Đức-vua Madda truyền gọi người đầu bếp vào hỏi rằng:
– Này người đầu bếp! Hai đứa trẻ ấy là con của ai vậy?
– Tâu Bệ-hạ, hai đứa trẻ ấy là con của tiện dân.
– Này người đầu bếp! Vì sao 2 đứa trẻ không giống nhau?
– Tâu Bệ-hạ, bởi vì hai đứa trẻ ấy khác mẹ.
Theo dõi và để ý thấy tư cách của Thái-tử Cūḷanī, Đức-vua Madda biết chắc đứa trẻ Cūḷanī không phải là con trai của người đầu bếp, nên truyền bảo rằng:
– Này người đầu bếp! Người hãy nói sự thật, Trẫm biết chắc rằng đứa trẻ Cūḷanī không phải con trai của ngươi. Nó là con của ai?
Nếu ngươi không tâu thật thì Trẫm sẽ truyền lệnh chém đầu ngươi.
Nghe Đức-vua Madda truyền bảo như vậy, người đầu bếp sợ chết nên tâu rằng:
– Tâu Bệ-hạ, nếu như vậy thì tiện dân xin tâu chuyện này chỗ vắng vẻ.
Đức-vua Madda cho cơ hội, người đầu bếp tâu rõ mọi sự thật về cuộc đời Thái-tử Cūḷanī. Đức-vua Madda chấp thuận cho Công-chúa Nandā kết hôn với Thái-tử Cūḷanī.
Nữ tu-sĩ Bherī, căn cứ vào chuyện này mà tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương là người mẹ có ân đức lớn nhất đối với Đại-vương, Bà không chỉ có công ơn sinh thành dưỡng dục Đại-vương trưởng thành, mà còn cứu sống Đại-vương bằng kế đánh lừa vị Bà-la-môn Chabbhī. Bà đem xương dê nói rằng bộ xương của Thái-tử Cūḷanī.
Như vậy, Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương đã có công ơn sinh thành dưỡng dục và bảo vệ sinh-mạng của Đại-vương. Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban Mẫu-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên?
Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thưa rằng:
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, Mẫu-hậu Calākadevī rất thương yêu Quả-nhân, có ân đức lớn nhất đối với Quả-nhân. Quả-nhân biết công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẫu-hậu Calākadevī, Bà luôn luôn bảo vệ Quả-nhân.
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Mẫu-hậu Calākadevī có những lỗi như sau:
* Mẫu-hậu Calākadevī đã già rồi mà thích trang điểm lộng lẫy bằng những đồ nữ trang quý giá, thích tiếp xúc chuyện trò với các cô gái trẻ. Đó là điều không nên.
* Mẫu-hậu Calākadevī thích chuyện trò cười cợt với những người gác cửa thành, người luyện tập voi, ngựa, cho đến quá giờ đóng cửa thành. Đó là điều không nên.
* Mẫu-hậu tự viết chiếu chỉ với lời lẽ của Quả-nhân truyền rằng:
“Mẫu-hậu Calākadevī của Trẫm đang độ tuổi hồi xuân. Vậy, khanh đến hầu hạ Mẫu-hậu của Trẫm.” Rồi trao lính hầu đem đến vị quan trấn nhậm tỉnh thành ấy.
Vị quan ấy đến chầu Trẫm, rồi đọc giữa triều đình làm cho Quả-nhân vô cùng xấu hổ.
– Thưa nữ tu-sĩ, đó là lý do mà Quả-nhân ban Mẫu-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên.
2- Người thứ nhì là Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của Hoàng Thái-hậu Calākadevī như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, Đại-vương ban Hoàng Thái-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là người có ân-đức đối với Đại-vương từ khi còn nhỏ cho đến nay.
– Tâu Đại-vương, bà Nandādevī là Chánh-cung Hoàng-hậu cao quý hơn các hoàng-hậu và các cung phi mỹ nữ khác trong triều đình. Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī xinh đẹp tuyệt trần, có giọng nói thanh tao rất hay, là người biết chiều chuộng Đại-vương, bà thường ngự chung với Đại-vương như hình với bóng. Bà rất mực thương yêu Đại-vương.
Khi Đại-vương là cậu bé Cūḷanī đi theo người đầu bếp trốn sang kinh-thành Sāgala đất nước Maddaraṭṭha, được ở trong cung điện của Đức-vua Madda. Cậu Cūḷanī chưa lộ rõ tông tích, thường chơi với Công-chúa Nandā của Đức-vua Madda. Công-chúa Nandā đem lòng thương yêu cậu Cūḷanī.
Một hôm nọ, cậu Cūḷanī nổi giận đánh Công-chúa Nandā, Công-chúa chỉ âm thầm khóc mà thôi, không dám cho Đức Phụ-vương biết, vì sợ Đức Phụ-vương sẽ hành phạt cậu Cūḷanī.
Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là người rất thông minh, không hay giận hờn, đặc biệt biết chiều chuộng Đại-vương. Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì.
Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo lỗi của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī như sau:
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī biết Quả-nhân đang say đắm nơi bà. Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī xin Quả-nhân ban cho bà những món đồ trang sức quý giá mà Quả-nhân đã ban cho các bà hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa của Quả-nhân rồi. Đáng lẽ, bà không nên xin nơi Quả-nhân những món trang sức ấy, nhưng vì Quả-nhân đang say đắm nơi bà, nên Quả-nhân đã hứa sẽ ban cho bà những món trang sức ấy.
Bà truyền bảo các bà hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa rằng: “Những món đồ trang sức ấy, Hoàng-thượng đã ban cho ta rồi. Vậy, các ngươi hãy mang lại dâng cho ta.”
Các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa phải đem những món đồ trang sức ấy đến dâng cho bà, rồi họ khóc vì tiếc món đồ trang sức của họ từ trước.
Thấy các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa của Quả-nhân khóc vì tiếc như vậy, Quả-nhân cảm thấy khổ tâm.
Đó là lý do mà Quả-nhân ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì.
3- Hoàng-đệ Tikhiṇamanti của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:
-Tâu Đại-vương, Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng Hoàng đệ Tikhiṇamanti của Đại-vương là người có công lớn đối với Đại-vương và triều đình của Đại-vương.
– Tâu Đại-vương, Hoàng đệ Tikhiṇamanti là người ngự đi thỉnh Đại-vương từ kinh-thành Sāgala, đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla, làm lễ đăng quang nối ngôi vua cha.
Hoàng đệ Tikhiṇamanti có công lớn giúp Đại-vương làm phát triển đất nước, làm cho 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện bộ-châu phải thần phục Đại-vương, làm cho đất nước Kapilaraṭṭha phồn vinh và hùng mạnh, đặc biệt Hoàng đệ Tikhiṇamanti là người có mưu trí bậc nhất.
Khi bà Calākadevī sinh hạ hoàng tử Tikhiṇamanti trong lúc là Chánh-cung Hoàng-hậu của vị Bà-la-môn Chabbhī, nên ông tưởng rằng Tikhiṇa-manti là con của mình và hoàng-tử Tikhiṇamanti cũng tưởng rằng vị Bà-la-môn Chabbhī là phụ thân của mình. Cho nên, vị Bà-la-môn Chabbhī ban cho hoàng-tử một thanh gươm báu đặc biệt.
Về sau, một vị quan trung thành với cố Đại-vương Mahācūḷanī tâu với hoàng-tử Tikhiṇamanti rằng:
– Tâu hoàng-tử Tikhiṇamanti, hoàng-tử không phải là con của vị Bà-la-môn Chabbhī, bởi vì khi hoàng-tử còn là thai nhi trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī của Đức-vua Mahācūḷanī., khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī ngoại tình với vị Bà-la-môn Chabbhī, quan lớn trong triều, khiến dùng thuốc độc giết Đại-vương Mahācūḷanī, rồi vị Bà-la-môn chiếm ngôi vua.
Như vậy, căn cứ theo thời gian, hoàng-tử là con của cố Đại-vương Mahācūḷanī, không phải là hoàng-tử của vị Bà-la-môn.
Nghe vị quan trung tín tâu như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti nổi cơn thịnh nộ nghĩ rằng:
“Ta sẽ giết vị Bà-la-môn Chabbhī này bằng mưu kế.”
Một hôm, vào chầu vị Bà-la-môn Chabbhī, hoàng-tử Tikhiṇamanti trao thanh gươm báu cho vị quan giữ cửa cung điện lâu đài của vị Bà-la-môn Chabbhī, rồi đến gặp vị quan lớn thân tín trong cung điện, truyền bảo rằng:
– Này vị quan lớn! Ngươi hãy đến gặp vị quan giữ cửa cung điện lâu đài của vị Bà-la-môn Chabbhī nói với vị quan ấy rằng:
“Thanh gươm báu này là của tôi.”
Hai ngươi tranh chấp lớn tiếng với nhau, rồi chờ ta gọi vào.
Sau khi truyền bảo xong, hoàng-tử Tikhiṇamanti vào chầu vị Bà-la-môn Chabbhī. Nghe hai vị quan lớn tiếng với nhau ở bên ngoài cửa cung điện lâu đài, hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền bảo người lính ra xem có chuyện gì mà họ lớn tiếng với nhau.
Tuân lệnh hoàng-tử, người lính đi ra ngoài cửa cung điện lâu đài, nghe biết chuyện rồi vào thưa rằng:
– Tâu hoàng-tử, hai vị quan ấy tranh chấp với nhau về thanh gươm báu. Vị quan lớn bảo rằng:
“Thanh gươm báu này là của tôi.”
Vị quan giữ cửa bảo rằng:
“Thanh gươm báu này là của hoàng-tử Tikhiṇamanti giao tôi giữ.”
Nghe người lính tâu như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti tâu với vị Bà-la-môn Chabbhī rằng:
– Tâu Đức Phụ-vương, thanh gươm báu mà Đức Phụ-vương ban cho con, con giao cho vị quan giữ cửa lâu đài giữ. Nay, vị quan lớn bảo rằng: “Thanh gươm báu ấy là của ông ta.” Như vậy, sự thật như thế nào?
Vị Bà-la-môn Chabbhī truyền bảo rằng:
– Nếu như vậy thì hãy cho truyền gọi hai vị quan ấy đem thanh gươm báu vào, ta nhớ rõ thanh gươm báu ấy, ta sẽ phán xét.
Khi hai vị quan đem thanh gươm báu vào, hoàng-tử Tikhiṇamanti cầm thanh gươm báu, tuốt gươm ra khỏi vỏ, trình cho vị Bà-la-môn Chabbhī, tâu rằng:
– Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương xem kỹ thanh gươm báu này.
Khi vị Bà-la-môn đến gần xem kỹ thanh gươm báu ấy, không thận trọng, ngay tức khắc, hoàng-tử Tikhiṇamanti đưa thanh gươm báu cắt cổ ông ta, cái đầu rơi xuống dưới chân của mình, rồi hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền lệnh đem thi thể ra ngoài cung điện.
Vị Bà-la-môn Chabbhī bị hoàng-tử Tikhiṇamanti giết chết, các quan trong triều đều vui mừng, bởi vì ông là vị quan phản phúc với cố Đại-vương Mahācūḷanī.
Hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền lệnh trang hoàng cung điện lộng lẫy và kinh-thành Uttarapañcāla cho đẹp đẽ, để tổ chức lễ đăng quang hoàng-tử Tikhiṇamanti lên nối ngôi Đức Phụ-vương Mahācūḷanī của mình.
Khi ấy, bà Calākadevī, Mẫu-hậu của hoàng-tử Tikhiṇa-manti truyền bảo rằng:
– Này hoàng-nhi Tikhiṇamanti yêu quý! Sự thật, con chính là hoàng-tử của Đại-vương Mahācūḷanī, không phải con của vị Bà-la-môn Chabbhī. Con còn vị Hoàng-huynh là Thái-tử Cūḷanī hiện đang còn sống ở tại kinh-thành Sāgala, đất nước Maddaraṭṭha.
Nghe Mẫu-hậu Calākadevī truyền bảo như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti dẫn đầu bốn đội quân hùng hậu ngự đến kinh-thành Sāgala, đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, thỉnh Hoàng-huynh Cūḷanī và Công-chúa Nandā trở về kinh-thành Uttarapañcāla, làm lễ đăng quang Thái-tử Cūḷanī lên nối ngôi vua cha, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha to lớn cho đến nay.
Như vậy, hoàng-đệ Tikhiṇamanti là người có lòng tôn kính hỗ trợ đắc lực cho Đại-vương.
Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban hoàng-đệ Tikhiṇa-manti cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba?
Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, hoàng đệ Tikhiṇamanti ngự đến kinh-thành Sāgala đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, thỉnh Quả-nhân trở về kinh-thành Uttarapañcāla lên nối ngôi vua cha, trị vì đất nước lớn Kapilaraṭṭha này.
Hoàng-đệ Tikhiṇamanti có công lớn làm cho các vùng trong nước phát triển, chinh phục được 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu đều thần phục Quả-nhân, làm cho đất nước Kapilaraṭṭha giàu mạnh hùng cường, đặc biệt hoàng-đệ Tikhiṇamanti là người có tài thiện xạ, có mưu trí sâu sắc, … nhưng hoàng-đệ thường huênh hoang với mọi người rằng:
“Hoàng huynh Cūḷanī Brahmadatta của tôi đang ngự ở kinh-thành Sāgala đất nước nhỏ bé Maddaraṭṭha, tôi đi đến thỉnh Hoàng-huynh của tôi ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla đất nước to lớn Kapilaraṭṭha, làm lễ đăng quang Hoàng-huynh Cūḷanī Brahmadatta lên nối ngôi vua cha, có uy quyền lớn và an hưởng mọi sự an-lạc như vậy.”
Ngày trước, hoàng-đệ Tikhiṇamanti ngự đến chầu mỗi buổi sáng. Nhưng nay, hoàng-đệ Tikhiṇamanti có khi đến chầu, có khi không, không giữ phép luật của triều đình.
Đó là lý do mà Quả-nhân ban hoàng đệ Tikhiṇamanti cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba.
4- Bạn hữu Dhanusekha của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo về hoàng-đệ Tikhiṇamanti như vậy, vị nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, Đại-vương ban cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba là hoàng-đệ Tikhiṇamanti, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng bạn-hữu Dhanusekha là người bạn thân thiết tín cẩn của Đại-vương.
Bạn-hữu Dhanusekha cùng sinh trong một đêm với Đại-vương trong kinh-thành Uttarapañcāla này, là người bạn-hữu thân thiết từ thuở nhỏ cùng khổ cùng vui với Đại-vương cho đến nay, luôn luôn đi theo Đại-vương như hình với bóng, là người bạn hữu có sự tinh-tấn không ngừng ngày đêm trong công việc mà Đại-vương giao phó, có một lòng trung thành tuyệt đối với Đại-vương. Đặc biệt, bạn-hữu Dhanusekha có tài bắn cung đệ nhất, không ai sánh được.
Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban bạn-hữu Dhanu-sekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư?
Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, bạn-hữu Dhanusekha là người bạn thân thiết từ thuở nhỏ cùng khổ cùng vui với Quả-nhân. Ngày xưa, bạn-hữu Dhanusekha hay vỗ tay cười lớn như thế nào, đến nay cũng vẫn giữ tính hay vỗ tay cười lớn như thế ấy.
Nay, Quả-nhân là Đức-vua mà bạn-hữu Dhanusekha hành động, nói năng như ngang hàng với Quả-nhân, không biết tôn kính như Đức-vua.
Quả-nhân có ban cho bạn-hữu Dhanusekha một ân huệ là được phép đến chầu Quả-nhân bất cứ lúc nào, nhưng khi Quả-nhân đang chuyện trò thân mật với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī nơi kín đáo, bạn-hữu Dhanusekha đi vào không xin phép trước, không biết tôn trọng Quả-nhân.
Đó là lý do mà Quả-nhân ban bạn-hữu Dhanusekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư.
5- Quân-sư Kevaṭṭa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của bạn-hữu Dhanusekha như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu:
– Tâu Đại-vương, Đại-vương ban bạn-hữu Dhanu-sekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư, bởi do những lỗi ấy cũng nên. Nhưng quân-sư Kevaṭṭa là một vị thầy giỏi về các bộ môn của Bà-la-môn, hiến nhiều kế sách, có tài điều binh khiển tướng giúp Đại-vương chiến thắng dễ dàng 101 kinh-thành, bắt 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này đều thần phục Đại-vương, thu phục 101 nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu trở thành các nước chư hầu của Đại-vương. Cho nên, Đại-vương có uy quyền lớn trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban vị quân-sư Kevaṭṭa cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ năm?
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:
– Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, trong các buổi hội triều, Quả-nhân ngự trên ngai vàng chủ trì, phía dưới có các quan văn võ, các khanh tướng sĩ mà vị quân-sư Kevaṭṭa trợn mắt nhìn Quả-nhân như giận giữ Quả-nhân.
Đó là lý do mà Quả-nhân ban vị quân-sư Kevaṭṭa cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ năm.
6- Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta
Tiếp theo nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, Đại-vương truyền bảo rằng: “Quả-nhân ban mỗi người cho Dạ-xoa ăn thịt theo tuần tự từ người thứ nhất là Mẫu-hậu Calākadevī cho tới người thứ năm là vị quân-sư Kevaṭṭa, đến người thứ sáu cuối cùng chính là Quả-nhân.
Quả-nhân chịu hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, chứ không chịu hy sinh quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt. Quả-nhân chịu băng hà, để cho quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita sống.”
– Tâu Đại-vương, Đại-vương là một Đại-Hoàng-đế cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, có 101 Đức-vua của 101 nước nhỏ đều chịu thần phục Đại-vương làm các nước chư hầu. Đại-vương là Đại-Hoàng-đế có nhiều uy quyền nhất, thống lĩnh các đội binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân, Đại-vương làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này. Đại-vương có 16.000 cung phi mỹ nữ xinh đẹp như thiên-nữ đêm ngày hầu hạ, Đại-vương đang hưởng mọi sự an-lạc cao quý trong đời.
– Tâu Đại-vương, sinh-mạng là nơi yêu quý nhất của mỗi chúng-sinh, Đại-vương là người cao quý nhất trong thần dân thiên hạ trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này. Sinh-mạng của Đại-vương thật là cao quý biết dường nào!
Vậy, lý do nào mà Đại-vương dám hy sinh sinh-mạng của mình chịu cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita?
– Tâu Đại-vương, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là con người như thế nào mà Đại-vương dám hy sinh sinh-mạng của mình, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vậy?
Nghe vị nữ tu-sĩ Bherī tâu hỏi như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:
– Thưa nữ tu-sĩ Bherī, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ nước khác đến giúp Quả-nhân trị vì đất nước Kapilaraṭṭha cho được phát triển mạnh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho thần dân thiên hạ.
Thật sự Quả-nhân chưa thấy, chưa phát hiện một điều lỗi nào dù chỉ là cái lỗi nhỏ của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cả.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt. Cho nên, Quả-nhân dù phải hy sinh sinh-mạng của mình, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vẫn xứng đáng lắm. Bởi vì quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita còn sống có khả năng đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài cho toàn thể hoàng tộc của Quả-nhân, trong triều đình của Quả-nhân, trong toàn cõi đất nước của Quả-nhân, trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Vì vậy, Quả-nhân không thể ban quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, mà chính Quả-nhân sẽ hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu vậy.
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng tài đức cao thượng, trí-tuệ siêu-việt của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ví như vầng trăng rằm sáng tỏ trên hư không trong trẻo.
Muốn cho mọi người phát sinh đức-tin trong sạch nơi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, nên nữ tu-sĩ Bherī khuyên những người đến tụ hội tại sân trước cung điện gồm đủ các giai cấp từ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, các Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, những người trong hoàng tộc của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, 101 Đức-vua chư hầu trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, các quan trong triều, các đoàn quân, tòan thể dân chúng trong kinh-thành Uttarapañcāla rằng:
– Thưa tất cả quý vị, quý vị đã nghe Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, có khả năng đem lại cho mình và cho tất cả mọi chúng-sinh, nhất là nhân loại và chư thiên, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai.
Vì vậy, Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta dám hy sinh các sinh-mạng những người thân yêu của mình ban cho Dạ-xoa ăn thịt theo tuần tự từ người thứ nhất cho đến người thứ năm, rồi cuối cùng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita còn sống trên chiếc thuyền giữa biển.
– Thưa tất cả quý vị, trí-tuệ là pháp cao thượng, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ nên được mọi người, chư thiên, phạm thiên tôn kính lễ bái cúng dường.
Như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, có tài đức vẹn toàn, rất xứng đáng cho mọi người chúng ta tôn kính đảnh lễ cúng dường quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita một cách cung kính.
Nghe lời khuyên dạy của nữ tu-sĩ Bherī, mọi người đều vô cùng hoan hỷ cung kính đảnh lễ quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita với tấm lòng tôn kính.
Tích Mahosadhajātaka, hoặc tích Umaṅgajātaka, trong tích này, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama của chúng ta, đang tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ và các pháp-hạnh ba-la-mật khác, để bồi bổ và tích lũy cho được đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama trong thời vị-lai.
Như vậy, công-tử Mahosadhapaṇḍita vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ những gì mà những người khác không thể thấy được, không thể biết được. Đó là do nhờ trí-tuệ siêu-việt mà Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đã tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ.
Trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ấy có khả năng khống chế, đè bẹp những tà-kiến của người khác, dẹp bỏ những ý đồ đen tối của người khác, có khả năng phá tan các mưu kế thâm độc của các kẻ thù một cách dễ dàng, để thực hiện những điều mong ước trở thành hiện thực.
Đức-Phật dạy rằng:
– Này Chư tỳ-khưu, không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt khống chế, đè bẹp mọi tà thuyết của người khác một cách dễ dàng như vậy, mà trong các tiền-kiếp của Như-Lai khi còn là Đức-Bồ-tát cũng có trí-tuệ siêu-việt khống chế, đè bẹp những tà-kiến, dẹp bỏ những ý đồ đen tối của người khác, còn phá tan các mưu kế thâm độc của các kẻ thù, đặc biệt nhờ trí-tuệ siêu-việt nên biến kẻ thù trở thành người thân yêu của mình nữa. (Như trong tích Mahosadhajātaka).
Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết về tích Maho-sadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka xong, chư tỳ-khưu phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời giáo huấn của Đức-Phật, nên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
– Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng.
Còn có số chưa trở thành bậc Thánh-nhân nào vẫn còn là hạng phàm nhân vô cùng hoan hỷ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, cố gắng tinh tấn tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh-nhân trong thời vị lai.