Phần 9

Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp

Nghĩ xong, quân-sư Kevaṭṭa tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

Tâu Chúa-thượng, hạ thần sẽ bày ra mưu kế đấu nhau bằng Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Này quân-sư, Dhammayuddha: Trận-Đấu-Pháp là thế nào?

Quân-sư Kevaṭṭa tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta rằng:

Tâu Chúa-thượng, Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp là đấu tài trí giữa hai bậc đại-trí với nhau, nghĩa là chỉ có hai bậc đại-trí sử dụng tài trí mưu kế đấu với nhau mà thôi.

Một bậc đại-trí của nước bên này đấu trí với một bậc đại-trí của nước kia. Trên đấu trường chỉ có hai bậc đại-trí mà thôi.

Trong hai bậc đại-trí ấy, nếu bậc đại-trí của nước nào cúi đầu đảnh lễ bậc đại-trí của nước kia, thì nước ấy coi như đã bị thua, còn nước kia coi như đã thắng. Nước thắng sẽ chiếm lấy nước thua.

Tâu Chúa-thượng, như vậy, gọi là Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp giữa hai bậc đại-trí với nhau, không sử dụng đến binh hùng tướng mạnh.

Tâu Chúa-thượng, trong Trận Đấu-Pháp này, kẻ hạ thần ở thế thượng phong, bởi vì hạ thần là người lớn tuổi, còn Thừa-tướng Mahosadha còn trẻ tuổi hơn hạ thần. Cho nên, khi gặp hạ thần, Thừa-tướng Mahosadha sẽ cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của hạ thần.

Ngay khi ấy, hạ thần sẽ lớn tiếng dõng dạc tuyên bố cho toàn thể các Đức-vua, các đoàn binh của hai nước biết rằng: “Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita của Đức-vua Vedeha đất nước Videha đã bị thua, còn quân-sư Kevaṭṭa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đất nước Kapilaraṭṭha đã thắng.”

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu giải thích rõ như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ, tán dương rằng:

Này quân-sư, Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp này thật là diệu kế.

Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha viết thư cột trên đầu mũi tên lén bắn vào bên trong kinh-thành, để báo tin cho quan Thừa-tướng biết rõ Dhamma-yuddha: Trận Đấu-Pháp mà quân-sư Kevaṭṭa bày ra. 

Nhận được tin của lính điệp viên, quan Thừa-tướng nghĩ rằng: “Nếu ta thua quân-sư Kevaṭṭa thì ta đâu phải là Mahosadhapaṇḍita.”

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền viết tối hậu thư gửi đến Đức-vua Vedeha rằng:

“Bổn Vương xin thông báo cho Đức-vua Vedeha được rõ: “Ngày mai, Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha sẽ diễn ra giữa hai bậc đại-trí của hai nước:

Nước Kapilaraṭṭha của bổn vương sẽ đề cử một bậc đại-trí.

Nước Videharaṭṭha của Đức-vua Vedeha cũng đề cử một bậc đại trí.

*Nếu bậc đại-trí của nước nào thắng thì nước ấy thắng.

* Nếu bậc đại-trí của nước nào thua thì nước ấy thua. Nước thắng chiếm lấy nước thua.”

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền một vị quan làm sứ giả đem tối hậu thư đến trình Đức-vua Vedeha trong kinh-thành Mithilā, nước Videharaṭṭha.

Nhận được tối hậu thư của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta, Đức-vua Vedeha truyền gọi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đến, để cho biết nội dung tối hậu thư ấy, quan Thừa-tướng tâu rằng:

Tâu Hoàng-thượng, hay lắm! Kính xin Hoàng-thượng trả lời tối hậu thư rằng:

“Tâu Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, Bổn vương chấp thuận Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha này.”

Dân chúng trong kinh-thành Mithilā sẽ xây dựng một đấu trường tại cửa thành hướng Tây. Kính xin mời Đại-vương cùng 101 Đức-vua chư hầu, các đoàn quân đến chứng kiến gần chỗ đấu trường vào ngày mai.”

Viết bức thư theo lời tâu trình của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita xong, Đức-vua Vedeha đóng dấu ấn, rồi trao cho sứ giả của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đem về trình tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta của họ.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho dân chúng xây dựng một đấu trường tại cửa thành hướng Tây. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Chắc chắn quân-sư Kevaṭṭa sẽ bị thua nhục nhã vào ngày mai.”

Sáng ngày hôm ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự đến cửa thành hướng Tây, ngồi cách xa đấu trường, phía sau là các đoàn quân đứng chỉnh tề. Tất cả Đức-vua cùng các quan, quân, tướng sĩ đứng chờ chứng kiến sự kiện quan trọng sẽ xảy ra tại trên đấu trường kia.

* Quân-sư Kevaṭṭa trang phục chỉnh tề đến tại đấu trường sớm, ngồi chờ đợi Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

* Cũng sáng ngày hôm ấy, quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống ngon lành, mặc bộ đồ triều phục sang trọng từ nước Kāsi giá 1.000 Kahāpana, trang điểm các đồ trang sức quý giá, ngồi trên chiếc xe ngựa báu sang trọng cùng với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng vào chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Muôn tâu Đức Phụ-vương, hạ thần xin phép đi đến đấu trường.

Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Con cần đem theo thứ gì?

Muôn tâu Đức Phụ-vương, con xin phép đem theo viên ngọc maṇi báu để đánh lừa quân-sư Kevaṭṭa. 

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Phụ-vương chấp thuận.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đón nhận viên ngọc maṇi báu, rồi đảnh lễ Đức-vua Vedeha, xin phép đi với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng. Quan Thừa-tướng ngồi trên chiếc xe ngựa báu sang trọng giá 900 nghìn Kahāpana, đi thẳng ra cửa thành hướng Tây, cửa thành mở ra, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita xuất hiện như sư tử chúa cùng với đoàn tùy tùng đông đảo phía sau. Quan Thừa-tướng bước xuống xe, đi bộ đến nơi đấu trường với dáng đi như con sư tử chúa.

Nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu đều tán dương ca tụng rằng:

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân mà không một ai trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này sánh được.

Quân-sư Kevaṭṭa đã ngồi chờ đợi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tại nơi đấu trường, trời nắng nóng, mồ hôi chảy ra nhễ nhại và nghĩ rằng: “Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita sắp đến.”

Nhìn thấy Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi đến, bước lên đấu trường, quân-sư Kevaṭṭa liền đứng dậy đón tiếp quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita và nói rằng:

Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cả hai chúng ta đều là bậc đại-trí. Khi tôi đã đến đất nước của Thừa-tướng lâu ngày rồi, mà Thừa-tướng không cho người đem quà gì tặng cho tôi cả, tại sao Thừa-tướng đối xử như vậy?

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đáp rằng:

Thưa quân-sư Kevaṭṭa, tôi đã biết quân-sư đến đất nước của tôi lâu ngày rồi, nhưng tôi tìm chưa được món quà xứng đáng để biếu quân-sư, mãi đến hôm nay mới tìm được viên ngọc maṇi báu này. Viên ngọc maṇi báu này không phải dễ có được.

Nhìn thấy viên ngọc maṇi báu ấy sáng chói, thật là vô giá nằm trong tay của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, quân-sư Kevaṭṭa nghĩ rằng:

“Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita muốn biếu viên ngọc maṇi báu ấy cho ta”, nên quân-sư Kevaṭṭa ngửa hai bàn tay ra chờ đón nhận viên ngọc maṇi báu ấy.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nói rằng:

Xin quân-sư Kevaṭṭa vui lòng nhận viên ngọc maṇi báu này.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita buông thả mạnh viên ngọc maṇi báu ngay trên đầu ngón tay của quân-sư Kevaṭṭa, viên ngọc maṇi báu ấy nặng vừa chỉ đụng trên đầu ngón tay của quân-sư Kevaṭṭa mà thôi, quân-sư Kevaṭṭa không thể nắm được, nên viên ngọc maṇi báu liền rơi xuống đất gần hai bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

* Với tâm tham muốn tối tăm quên mình, quân-sư Kevaṭṭa cúi rạp người xuống ngay hai bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy.

Ngay khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đưa một tay nắm cổ của quân-sư Kevaṭṭa đè cái mặt xuống đất rồi chà qua xát lại làm cho da mặt của quân-sư Kevaṭṭa trầy da, máu chảy ra đầy mặt, và một tay kia nắm chặt tấm choàng bào dở hỏng lên mặt đất, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nói giọng lớn, vang dội ra khoảng không gian rộng lớn rằng:

Này quân-sư Kevaṭṭa! Quân-sư không nên đảnh lễ tôi. 

Này quân-sư Kevaṭṭa! Quân-sư hãy đứng lên, tôi còn nhỏ tuổi đáng con cháu của quân-sư. Quân-sư không nên đảnh lễ tôi.

Tất cả mọi người gần xa đều nghe rõ tiếng nói của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita như vậy, cho nên, nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng, bạn hữu của bậc đại-trí reo hò, la lớn lên rằng:

Quân-sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Tiếng vang dội ra khắp mọi nơi, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngồi chứng kiến, thấy quân-sư Kevaṭṭa cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, còn nghe rõ tiếng nói của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Quân-sư Kevaṭṭa của ta đã đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thừa-tướng Mahosadha. Như vậy, Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha này, quân-sư Kevaṭṭa của ta đã bị thua rồi. Còn Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã thắng rồi, chắc chắn họ sẽ không tha mạng sống của ta.

Nghĩ vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta lên ngựa báu của mình chạy thoát thân, trở về kinh-thành Uttara-pañcāla. Còn 101 Đức-vua chư hầu cũng nhìn thấy quân-sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadha và nhìn thấy Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã lên ngựa báu chạy thoát thân, nên 101 Đức-vua chư hầu cũng lên ngựa của mình chạy theo, các đoàn binh đông đảo của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hỗn quân, hỗn quan, cũng tìm cách chạy thoát thân.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita buông thả, xô đẩy quân-sư Kevaṭṭa ra xa, trên gương mặt của quân-sư bị trầy trụa máu tươm từ trán, lỗ mũi, hai gò má, miệng, cằm. Quân-sư Kevaṭṭa ngồi dậy, lau mặt đầy máu, nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:

Này kẻ si-mê! Ngươi đừng hòng thấy ta đảnh lễ ngươi!

* Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bảo lính của mình nhặt viên ngọc maṇi báu trao lại cho quan Thừa-tướng rồi lên xe ngựa báu, dẫn đầu nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng trở vào kinh-thành Mithilā.

* Quân-sư Kevaṭṭa cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, đau khổ về thể xác lẫn tâm hồn, đi thất tha thất thểu, lên ngựa đuổi theo sau các đoàn quân. Quân-sư Kevaṭṭa bị những người lính khinh thường, mắng nhiếc thậm tệ.

Quân-sư Kevaṭṭa gặp lại Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu, tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, hạ thần không phải đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, mà sự thật quan Thừa-tướng lừa hạ thần bằng cách đánh rơi viên ngọc maṇi báu xuống tại chỗ hai bàn chân của quan Thừa-tướng. Khi hạ thần cúi đầu xuống để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy, thì hạ thần bị quan Thừa-tướng đè cái đầu sát mặt đất, rồi chà qua xát lại cái mặt của hạ thần bị trầy trụa, máu chảy tươm đầy mặt như thế này.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

Thưa quân-sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm thế nào?

Quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Thưa Chúa-thượng, bây giờ Chúa-thượng nên kéo quân lại bao vây kinh-thành Mithilā, cấm không cho dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ nữa. Dân chúng bên trong kinh-thành Mithilā bị giam lâu ngày, cảm thấy bực bội khó chịu, cuối cùng phải mở cửa thành.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của Chúa-thượng xâm nhập vào trong kinh-thành, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu kế sách như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu, và tán dương: “Đó là diệu kế.”

Trên gương mặt của quân-sư Kevaṭṭa nhiều vết thương chảy máu, nên ông xin phép Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, trở về kinh-thành Uttarapañcāla, để chữa bệnh. Như vậy, thực hiện theo kế sách ấy mà không có quân-sư Kevaṭṭa.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dẫn các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī trở lại bao vây hãm kinh-thành Mithilā, cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ nữa.

Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin báo cho quan Thừa-tướng biết kế sách ấy của quân-sư Kevaṭṭa.

Nhận được tin từ những người lính điệp viên báo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Nếu các đoàn binh của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta vây hãm kinh-thành Mithilā lần này lâu ngày, còn cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh-thành này như bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều.

Vậy, ta nên tìm kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa.”

Khổ-Nhục-Kế

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tìm người có tài đức hơn người, có trí-tuệ thông minh sáng suốt, có đức nhẫn-nại chịu đựng mọi sự hành hạ thể xác, nhất là có một lòng trung thành tuyệt đối yêu nước, yêu dân tộc.

Quan Thừa-tướng nhận xét thấy một người có đủ những đức tính này đó là vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đã từng là vị quan lớn trong triều đình. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính mời vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến, rồi thưa rằng:

Kính thưa thầy Anukevaṭṭa, hiện nay các đoàn quân gồm có 18 akkhobhiṇī quân của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta và 101 Đức-vua chư hầu bao vây hãm kinh-thành Mithilā lần này lâu ngày. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh-thành này sẽ bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều.

Kính thưa thầy, tôi nghĩ ra một kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này phải bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa.

Tôi đã xem xét nhiều người mà không tìm thấy ai có đủ đức tính như thầy. Cho nên, tôi ra lệnh cho lính mời thầy đến đây, kính xin thầy đảm đương một công việc rất hệ trọng của đất nước và dân tộc của chúng ta.

Kính thưa thầy, nay sức lực của thầy còn có khả năng đảm đương nổi được không?

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thưa như vậy, vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa bèn hỏi rằng: 

Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, tôi sẽ đảm đương công việc như thế nào, xin quan Thừa-tướng trình bày cho tôi rõ.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thưa rằng:

Kính thưa thầy, kính xin thầy nhẫn-nại chịu đựng thực hiện “khổ-nhục-kế” như vầy:

Xin thầy lên đứng trên bờ thành, khi nhìn thấy những người lính canh gác trên thành sơ ý, thầy ném đồ ăn xuống cho lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rồi kêu gọi rằng:

“- Này hỡi các bạn! Các bạn hãy đến lấy đồ ăn, bánh trái mà dùng cho được khoẻ mạnh. Các bạn ráng chịu đựng chờ đợi một thời gian ngắn nữa, khi dân chúng bị nhốt trong kinh-thành Mithilā này cảm thấy bực bội khó chịu như con gà bị nhốt trong lồng, thời gian không lâu nữa, chắc chắn họ sẽ mở cửa thành đón rước các bạn vào bên trong kinh-thành, để bắt Đức-vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem dâng cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trị tội.”

Nghe thầy nói như vậy, những người lính của tôi sẽ bắt thầy, mắng nhiếc, đánh đập, hành hạ thầy, trói hai tay, lấy sợi dây cột người thầy, thòng dây thả thầy ra bên ngoài thành, để cho lính của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nhìn thấy. Những người lính sẽ mắng nhiếc thầy rằng: “Này kẻ phản bội đất nước, ngươi hãy đi theo quân giặc của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đi!”

Khi những người lính ngoại thành dẫn thầy đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nhìn thấy thầy như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ truyền hỏi thầy rằng:

“- Này ngươi đã làm tội gì mà bị hành hạ như vậy?”

Khi ấy, xin thầy tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta rằng: 

“- Tâu Đại-vương, trước đây hạ thần là vị quan lớn trong triều đình của Đức-vua Vedeha, hạ thần thường hay chống đối kế sách của Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, nên Thừa-tướng ghét hạ thần và tâu với Đức-vua Vedeha cách chức hạ thần. Hạ thần rất căm thù Thừa-tướng Mahosadha. Vì vậy, khi nghe tin các đoàn binh của Đại-vương bao vây hãm kinh-thành Mithilā, hạ thần rất vui mừng, leo lên trên bờ thành, nhìn thấy quân binh của Đại-vương, quan sát thấy lính của Thừa-tướng Mahosadha canh gác thưa thớt, không để ý, nên hạ thần ném đồ ăn, bánh xuống cho lính của Đại-vương ăn cho được khoẻ mạnh, rồi kêu gọi chờ đánh chiếm kinh-thành.

Lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thấy hạ thần hành động và nghe như vậy, nên báo cho Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết.

Để trả thù hạ thần, Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã ra lệnh cho lính đánh đập, hành hạ, rồi trói hạ thần thòng dây thả ra bên ngoài cửa thành. Những người lính mắng nhiếc hạ thần là kẻ phản bội đất nước. Nhờ lính của Đại-vương nhìn thấy hạ thần như vậy, nên đem hạ thần đến chầu Đại-vương. Thật là diễm phúc cho cuộc đời của hạ thần.”

Khi được gần gũi, thân cận với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, thầy tìm mọi cách làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tin tưởng nơi thầy, rồi thầy tâu rằng:

“- Tâu Đại-vương, bậy giờ hạ thần rất căm thù Thừa tướng Mahosadhapaṇḍita và ghét Đức-vua Vedeha.

Vậy, từ nay hạ thần chỉ có một lòng một dạ trung thành phục vụ Đại-vương mà thôi.

Tâu Đại-vương, hạ thần đã từng phục vụ trong triều đình Đức-vua Vedeha lâu năm, nên biết rõ các địa hình, địa thế quan trọng trong và ngoài kinh-thành, các đường nước xung quanh kinh-thành, chỗ nào nguy hiểm có nhiều cá sấu, chỗ nào ít nguy hiểm, … hạ thần đều biết rõ. Cho nên, hạ thần biết đường dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong, để chiếm lấy kinh-thành Mithilā, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đem dâng lên Đại-vương trị tội.”

Nghe thầy tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tin nơi thầy, nếu Đức-vua truyền cho thầy dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong kinh-thành, thì thầy ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước nơi có nhiều cá sấu, nên một số quân lính bị cá sấu cắn bị thương. Nhìn thấy cảnh bị thương như vậy, số đông quân lính còn lại không dám băng qua đường nước, mặc dù thầy ra lệnh.

Khi ấy, thầy trở về tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta rằng:

“- Tâu Đại-vương, hạ thần ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước ít nguy hiểm, vì ít cá sấu, để xâm nhập vào bên trong kinh-thành, nhưng các đoàn quân anh dũng ấy không tuân theo lệnh của hạ thần.

Tâu Đại-vương, hạ thần biết trong các đoàn quân ấy, có một số quân lính đã bị Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita mua chuộc, ăn hối lộ của y, nên họ không còn trung thành tuyệt đối với Đại-vương.

Thật vậy, khi Đại-vương thực hiện kế sách gì thì nhóm quân lính này đều báo tin cho Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết cả. Nhờ vậy, Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita đều phá được kế sách của Đại-vương.

Tâu Đại-vương, hạ thần còn biết rõ 101 Đức-vua chư hầu của Đại-vương đều nhận đồ hối lộ từ Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Nếu Đại-vương không tin hạ thần thì xin Đại-vương truyền lệnh cho 101 Đức-vua chư hầu mặc triều phục đến chầu. Khi ấy, Đại-vương sẽ thấy rõ sự thật.”

Nghe thầy tâu như vậy, để biết rõ hư thật thế nào, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ truyền lệnh mời 101 Vua chư hầu đến chầu. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chính mình nhìn thấy 101 Đức-vua chư hầu mặc long bào, mang thanh gươm báu, mang đôi hia vàng, vòng vàng đeo cổ, mỗi thứ đều nổi lên dòng chữ “Mahosadha-paṇḍita kính dâng món quà này lên Đức-vua.”

Dòng chữ này chỉ có một mình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy mà thôi. Do nguyện lực của tôi.

Còn 101 Đức-vua chư hầu hoàn toàn không thấy, không biết gì cả. Khi nhìn thấy rõ đúng sự thật như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tin theo lời của thầy và phát sinh nỗi lo sợ, sẽ truyền lệnh rằng: “Xin mời các Đức-vua ngự trở về chỗ ở của mình.”

Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi thầy rằng: “Này khanh! Bây giờ Trẫm phải hành động thế nào?” Thầy nên tâu với Đức-vua rằng:

“- Tâu Đại-vương, hạ thần biết Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita là người có tà thuật, có mưu ma chước quỷ, có thể làm mê hoặc được mọi người nghe theo y, Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍitacũng có thể làm mê hoặc sai khiến các đoàn binh của Đại-vương làm phản, bắt Đại-vương nạp cho quan Thừa-tướng được.

Nếu Đại-vương ngự tại nơi này lâu ngày, thì sẽ không an tòan sinh-mạng của Đại-vương.

Tâu Đại-vương, để bảo vệ sự an toàn sinh-mạng của Đại-vương và của hạ thần. Vậy, vào canh giữa đêm nay, thỉnh Đại-vương ngự đi khỏi nơi này, để Đại-vương và hạ thần tránh khỏi được sự chết đau đớn do tay của người khác.” 

Nghe lời tâu như vậy, chắc chắn Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ làm theo. Khi Đức-vua đã ngự đi ra khỏi doanh trại, thầy tiễn đưa một đoạn đường dài, rồi thầy trở lại báo tin cho nhóm lính điệp viên biết.

Lắng nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita trình bày mưu kế từ đầu đến cuối như vậy, vị Bà-la-môn Anu-kevaṭṭa thưa rằng:

Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, kế này hay lắm! Tôi sẽ thi hành đúng như lời chỉ dẫn của quan Thừa-tướng.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thưa rằng:

Kính thưa thầy, kính xin thầy ráng nhẫn-nại, chịu đựng để thực hiện “khổ-nhục-kế” này.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa thưa rằng:

Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, trong thân thể của tôi chỉ ngoại trừ sinh-mạng, hai tay, hai chân, hai con mắt, hai lỗ tai ra, còn lại các bộ phận khác tôi ráng nhẫn-nại, chịu đựng được cả.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita kính biếu những phẩm vật quý giá đến gia đình vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa, đó là phần thưởng đầu tiên.

Sau đó mọi người thi hành khổ-nhục-kế hết sức tự nhiên đúng theo bài bản rất nhập vai như thật.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa bị đánh đập hành hạ mà những người lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đều nhìn thấy, rồi đặt vị Bà-la-môn vào chiếc võng thòng dây thả xuống nằm bên ngoài cửa thành.

Quân lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy, đưa ông vào tâu trình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta xét hỏi. Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tin tưởng và phong làm thống soái. 

Mọi sự việc sau xảy ra giữa vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta theo tuần tự từ đầu đến cuối đúng như điều mà quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đã trình bày với vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa.

Nghe vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa tâu dối là quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có mưu ma chước quỷ, có thể sai khiến quân lính làm phản và sợ không an toàn tánh mạng như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Thật đáng lo sợ! Ta không còn dám tin vào người nào cả. 101 Đức-vua chư hầu đều nhận đồ hối lộ của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, ngay cả quân-sư Kevaṭṭa cũng chịu nhận hối lộ viên ngọc maṇi báu của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cho nên trên mặt bị nhiều vết thương đang nằm chữa trị.

Bây giờ, ta chỉ còn cách âm thầm trốn ra khỏi nơi này là thượng sách mà thôi”.

Nghĩ xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa rằng:

Này Bà-la-môn Anukevaṭṭa! Ngoài khanh ra, Trẫm không biết tin vào ai nữa. 

Vậy, khanh hãy lo sửa soạn các con ngựa báu cài vào chiếc long xa cho Trẫm.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Đại-vương, hạ thần xin tuân lệnh.

Biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chịu ngự trốn đi khỏi nơi ấy, nên vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến tìm những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita báo cho biết: “Vào canh chót đêm nay, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ngự trốn đi khỏi nơi này. 

Vậy, các ngươi hãy cài ngựa báu vào chiếc long xa, thay đổi giây điều khiển dừng lại sang vị trí phi nhanh (Đức-vua muốn dừng lại thì con ngựa càng phi nhanh). 

Tất Cả Quân Lính Chạy Trốn Không Kịp Mặc Áo

Hôm ấy, vào canh giữa đêm, đến giờ vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đem chiếc long xa đến trước chỗ nghỉ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Mọi quân lính đều đang ngủ ngon, vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, thỉnh Đức-vua ngự lên chiếc long xa cùng ông lên ngựa tiễn đưa Đức-vua ngự trốn đi khỏi doanh trại, do những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita canh gác. Cho nên, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta âm thầm lặng lẽ ngự đi trốn khỏi doanh trại mà những người khác không biết được.

Chiếc long xa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phi nhanh như bay không ngừng, con ngựa của vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đưa một quãng đường dài thì quay lui trở lại doanh trại, báo cho những người lính điệp viên gác trại ấy biết rồi la lớn lên:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không có trong doanh trại”, rồi họ báo cho 101 Đức-vua chư hầu, vừa thức dậy tất cả đều hoảng sợ tưởng rằng: “Quân lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã xâm nhập vào doanh trại bắt Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đi rồi, chắc chắn họ không tha mạng cho chúng ta”, nên 101 Đức-vua chư hầu đều vội vã lên ngựa chạy trốn thoát thân, không kịp mặc áo.

Nghe tiếng ồn ào xôn xao làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī thức dậy tưởng rằng: “Quân lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tiến quân xâm nhập vào doanh trại, bắt Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu dẫn đi rồi”. Cho nên, mỗi người lính không kịp mặc áo, tìm có được phương tiện nào thì dùng phương tiện ấy chạy trốn thoát thân, có số đông quân lính không có phương tiện nên chạy bộ trốn thoát. 

Các doanh trại đều trống vắng các đoàn binh, chỉ còn các thứ khí giới, đồ đạc để lại mà thôi.

Sáng ngày hôm sau, các quân lính trong kinh-thành Mithilā mở cửa thành đi đến các doanh trại, nhìn thấy các thứ khí giới, đồ đạc, các dụng cụ, lương thực, v.v… bỏ lại nhiều vô số kể, nên trình cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:

Kính thưa quan Thừa-tướng, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 cùng chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī quân lính đều bỏ chạy trốn khỏi nơi này cả thảy, bỏ lại các khí giới, các dụng cụ, lương thực, v.v… chúng tôi phải làm thế nào?

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita truyền bảo rằng:

Này các ngươi! Tất cả mọi khí giới, các dụng cụ, lương thực, v.v… của kẻ thù bỏ lại đều thuộc về chúng ta. Vậy, các ngươi đem những vật dụng của 101 Đức-vua đem dâng lên Đức-vua Vedeha. Những vật dụng của các quan thì các người đem nạp trong kho của ta. Những vũ khí, dụng cụ, phương tiện thì các ngươi đem nạp vào kho của triều đình. Những thứ vật dụng, đồ dùng của lính, lương thực, v.v… thì các ngươi lấy sử dụng và cho dân chúng đem về nhà làm của riêng.

Các quân lính và tòan thể dân chúng trong kinh-thành Mithilā và dân chúng ngoại thành lấy các thứ vật dụng, lương thực, v.v… suốt thời gian nửa tháng mới hết.

Dân chúng trong kinh-thành Mithilā và dân chúng ngoại thành dọn dẹp các đồ dùng khác suốt thời gian bốn tháng mới xong.

Khen Thưởng Vị Thầy Bà-La-Môn Anukevaṭṭa

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tán dương, ca tụng vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa có công lớn làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân lính bỏ chạy khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita ban những phần thưởng quý giá đến vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa.

Từ đó về sau, kinh-thành Mithilā, đất nước Videha-raṭṭha được phồn vinh, dân chúng sống trong cảnh thanh bình, được an cư lạc nghiệp.

Đức-vua Vedeha ngự tại kinh-thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha được thái bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp. 

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha và 101 Đức-vua chư hầu trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, trải qua một năm thái bình, không chiến tranh.

Một hôm, quân-sư Kevaṭṭa soi gương nhìn thấy trên mặt nhiều vết sẹo trên trán, đôi má, cằm, … nên nghĩ rằng:

“Đây là những vết sẹo do Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đè đầu chà qua sát lại trên mặt đất, đến nay vẫn còn lưu lại trên gương mặt. Thật là một điều vô cùng xấu hổ đối với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng toàn thể các đoàn binh lính nữa.”

Quân-sư Kevaṭṭa phát sinh tâm thù hận Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nên nghĩ rằng:

“Làm cách nào ta có thể trả được mối thù này?”

Quân-sư Kevaṭṭa nghĩ ra mưu thâm kế độc để giết hại Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app