Phần 15

Tích Mahosadhajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅga-jātaka này, khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, còn các hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana.

Bà Sumanādevī, nay kiếp hiện-tại là Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī. 

Đức-vua Vedeha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyaka.

Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, nay kiếp hiện-tại là bà Maṅgalikā.

Vị quân-sư Senaka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

Vị quân-sư Pukkusa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Poṭṭhapāda.

Vị quân-sư Kāminda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ambaṭṭha.

Vị quân-sư Devinda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Pilotika.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Vị quân-sư Kevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

Bà Mẫu-hậu Calākādevī của Đức-vua Cūḷanī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Thullanandinī.

Công-chúa Pañcālacandī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Sundarī.

Con chim vẹt Suvapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

Con chim sáo Sāḷikā, nay kiếp hiện-tại là Bà Mallikādevī.

Nữ tu-sĩ Bherī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

Bà Amarā, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bimbāsundarī (Yasodharā).

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama. 

Theo bộ Chú-giải Jātakaṭṭhakathā bản dịch chữ Thái những nhân vật trong tích Mahosadhajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana.

Bà Sumanādevī, nay kiếp hiện-tại là Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī.

Đức-vua Vedeha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī.

Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Gotamī.

Vị quân-sư Senaka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

Vị quân-sư Pukkusa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Poṭṭhapāda.

Vị quân-sư Kāminda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ambaṭṭha.

Vị quân-sư Devinda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Soṇadaṇḍaka.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Vi Bà-la-môn Anukevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

Hoàng đệ Tikhiṇamanti, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Nanda.

Bạn hữu Dhanusekha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.

Bà Mẫu-hậu Calākādevī của Đức-vua Cūḷanī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Thullanandikā.

Thái-tử Pañcālacanda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha. 

Công-chúa Pañcālacandī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Sundarī.

Con chim vẹt Suvapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

Con chim sáo Sāḷikā, nay kiếp hiện-tại là Bà Mallikādevī.

Nữ tu-sĩ Bherī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

Vị quân-sư Kevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

Bà Amarā, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bimbāsundarī (Yasodharā).

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, có tám pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tạo mọi phước thiện bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giữ gìn giới, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có đức-nhẫn nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật. 

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phát-nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có tâm-từ đối với mọi người, mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có tâm-xả đối với mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita

Tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka này, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh làm công-tử của gia đình phú hộ Sirivaḍḍhaka, tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Từ khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita mới lên bảy tuổi có trí-tuệ siêu-việt hơn hẳn tất cả mọi người trong đời, không có một ai sánh được.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là một trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ đó là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sáng suốt thấy rõ, biết rõ các pháp.

Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammā-sambuddha), Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsam-bodhisatta) cần phải thực-hành đầy đủ ba bậc pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật: pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung và pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc thượng. 

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác dù tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc nào cũng chỉ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và cho tất cả mọi người, mọi chúng-sinh khác mà thôi.

Trí-tuệ siêu-việt ấy có được do từ đâu?

Trí-tuệ siêu-việt ấy có được do hai nguyên nhân:

Trí-tuệ siêu-việt do nhờ tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp quá-khứ hỗ trợ.

Trí-tuệ siêu-việt do phát sinh trong kiếp hiện-tại.

Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Paññāsutta về Trí-tuệ phát sinh trong kiếp hiện-tại, được tóm lược 8 điều chính yếu. Chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ muốn có được trí-tuệ cần phải hội đủ tám nhân phát sinh trí-tuệ như sau:

1- Tỳ-khưu đến nương nhờ nơi Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, làm bậc Tôn Sư của mình, hết lòng tôn kính, có tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật hoặc nơi bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật.

Đó là nhân thứ nhất phát sinh trí-tuệ.

2- Tỳ-khưu lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, thường đến hầu đảnh lễ Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn bạch hỏi những điều chưa hiểu rằng:

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp này có ý nghĩa như thế nào? Bạch Ngài.

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp này thực-hành như thế nào? Bạch Ngài, v.v…

Đức-Phật giảng giải cho hiểu rõ những pháp ấy.

Đó là nhân thứ nhì phát sinh trí-tuệ.

3- Khi tỳ-khưu nghe hiểu rõ những pháp ấy làm cho thân tâm thanh-tịnh.

Đó là nhân thứ ba phát sinh trí-tuệ.

4- Tỳ-khưu là người có giới, giữ gìn giới tỳ-khưu, thực-hành các pháp hành tỳ-khưu, biết cẩn trọng trong sáu môn (nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn) thanh-tịnh, thường thấy tai hoạ lớn trong lỗi nhỏ, giữ gìn giới tỳ-khưu cho được trong sạch thanh-tịnh.

Đó là nhân thứ tư phát sinh trí-tuệ.

5- Tỳ-khưu là bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, ghi nhớ thuộc lòng các Pháp-học Phật-giáo, thấu suốt pháp-hành Phật-giáo, có chánh-kiến thanh-tịnh, thuyết giảng chánh-pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, ý nghĩa sâu sắc, văn chương lưu loát.

Đó là nhân thứ năm phát sinh trí-tuệ.

6- Tỳ-khưu là người có chánh tinh-tấn không ngừng diệt các bất-thiện-pháp, để các thiện-pháp phát sinh, có đức nhẫn-nại, có sự tinh-tấn không ngừng, không từ bỏ phận sự, làm tăng trưởng mọi thiện-pháp.

Đó là nhân thứ sáu phát sinh trí-tuệ.

7- Tỳ-khưu đi vào nơi chư tỳ-khưu-Tăng hội, không nói chuyện nhảm, không nói lời vô ích, khi thì tự mình thuyết-pháp, khi thì thỉnh mời Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết-pháp, không thì im lặng như bậc Thánh-nhân.

Đó là nhân thứ bảy phát sinh trí-tuệ.

8- Tỳ-khưu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn chấp thủ rằng:

Sắc-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của sắc-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của sắc-uẩn chấp thủ là như vậy.

Thọ-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của thọ-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của thọ-uẩn chấp thủ là như vậy.

Tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy.

Hành-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của hành-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của hành-uẩn chấp thủ là như vậy.

Thức-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của thức-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của thức-uẩn chấp thủ là như vậy.

Đó là nhân thứ tám phát sinh trí-tuệ.

Trí-Tuệ Có Ba Loại

Sutamayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do nghe từ các bậc thiện-trí, do học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp.

Cintāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp.

Bhavanāmayapaññā: Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là bốn Thánh-đạo-tuệ và bốn Thánh-quả-tuệ.

* Trí-tuệ phát sinh do nghe như thế nào?

Hạng thanh-văn đệ-tử có đức-tin trong sạch nơi bậc đại-thiện-trí, đến gần gũi thân cận với bậc đại-thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí. 

Đó là gọi là trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Chánh pháp là những pháp nào?

Chánh-pháp đó là 37 pháp Bodhipakkhiyadhamma:

37 pháp phát sinh bốn Thánh-đạo như sau:

* 4 pháp niệm-xứ (Satipaṭṭhāna):

1- Niệm thân: Thân là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Thân có 14 đối-tượng thuộc về sắc-pháp.

2- Niệm thọ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Thọ có một đối-tượng chia ra chín loại thọ, thuộc về danh-pháp.

3- Niệm tâm: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Tâm có một đối-tượng chia ra làm 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

4- Niệm pháp: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Pháp có năm loại thuộc về sắc-pháp, danh-pháp .

* 4 pháp tinh-tấn (Samappadhāna):

1- Tinh-tấn ngăn các ác-pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh.

2- Tinh-tấn diệt ác-pháp đã phát sinh.

3- Tinh-tấn làm cho thiện-pháp phát sinh.

4- Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.

* 4 pháp thành-tựu (Iddhipāda):

1- Thành tựu do hài lòng.

2- Thành tựu do tinh-tấn.

3- Thành tựu do quyết tâm.

4- Thành tựu do trí-tuệ.

* 5 pháp-chủ (Indriya):

1- Tín pháp-chủ. 

2- Tấn pháp-chủ.

3- Niệm pháp-chủ. 

4- Định pháp-chủ.

5- Tuệ pháp-chủ.

* 5 pháp-lực (Bala):

1- Tín pháp-lực. 

2- Tấn pháp-lực.

3- Niệm pháp-lực. 

4- Định pháp-lực.

5- Tuệ pháp-lực.

 

* 7 pháp giác-chi (Bojjhaṅga):

1- Niệm giác-chi. 

2- Phân tích giác-chi.

3- Tinh-tấn giác-chi. 

4- Hỷ giác-chi.

5- Tịnh giác-chi. 

6- Định giác-chi.

7- Xả giác-chi.

 

* 8 pháp chánh-đạo (Magga):

1- Chánh-kiến. 

2- Chánh-tư-duy.

3- Chánh-ngữ. 

4- Chánh-nghiệp.

5- Chánh-mạng. 

6- Chánh-tinh-tấn.

7- Chánh-niệm. 

8- Chánh-định.

 

Nếu trường hợp các hàng thanh-văn đệ-tử không có cơ hội trực tiếp lắng nghe bậc đại-thiện-trí, thì nên đọc sách Tam-tạng Pāḷi, Chú-giải Pāḷi, hoặc nghe máy ghi âm lời giảng giải chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí, hoặc nghiên cứu sách của bậc đại-thiện-trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Đó cũng gọi là trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

* Trí-tuệ phát sinh do suy xét, tư duy như thế nào?

Sau khi có trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí làm nền tảng, rồi các hàng thanh-văn đệ-tử nên suy xét kỹ, tư duy sâu sắc, hiểu biết đúng đắn về chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Đó gọi là trí-tuệ phát sinh do suy xét, do tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp.

* Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?

Sau khi có trí-tuệ phát sinh do nghe và trí-tuệ phát sinh do hiểu biết đúng đắn, suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, rồi các hàng thanh-văn đệ-tử nên thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ ba trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc bốn Thánh-đạo, bốn Thánh-quả và Niết-bàn.

Đó gọi là trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như sau:

* Hạng thanh-văn đệ-tử phàm nhân thuộc hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

* Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

* Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

* Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được bảy loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Đó gọi là trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Cho nên, trong mười pháp-hạnh ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật là pháp-hạnh cao cả hơn chín pháp-hạnh ba-la-mật còn lại.

(Xong pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ)

Pháp-Hạnh Trí-Tuệ Ba-La-Mật Bậc Hạ

Tích Sambhavajātaka (Sam-bha-va cha-tá-ká)

Trong tích Sambhavajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là cậu bé Sambhavakumāra tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Phật thuyết về tích Sanbhavajātaka đề cập đến Đức-Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ. Tích này được bắt nguồn như sau:

Đức-vua Dhanañcayakorabya có vị bà-la-môn thừa-tướng Sucirata là vị quân-sư của Đức-vua, dạy Đức-vua tạo mọi phước-thiện như bố-thí, thọ-trì ngũ-giới, v.v… nghiêm chỉnh thực-hành mười pháp-vương trị vì đất nước cho được thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp.

Một hôm, Đức-vua Dhanañcayakorabya suy tư về câu hỏi gọi là dhammayāga: (cúng-dường pháp), nên thỉnh vị bà-la-môn thừa-tướng Sucirata lên ngồi trên pháp-tòa, cung-kính lễ bái, rồi bạch hỏi câu hỏi bằng 4 câu kệ có ý nghĩa như sau:

Kính bạch vị quân-sư Sucirata, Trẫm đã được lên ngôi vua cao cả trong đất nước này, Trẫm còn muốn ngôi vị cao hơn nữa, được làm lễ suy tôn lên ngôi đại-vương bá chủ trị vì trong tòan trái đất này bằng thiện-pháp, không phải là tà-pháp. Trẫm hoàn toàn không thích bằng tà-pháp.

Kính bạch vị quân-sư Sucirata, thật ra, thực hành theo đúng thiện-pháp, đó là phận-sự của Đấng minh-quân.

Kính bạch vị quân-sư Sucirata, do nhân nào Trẫm sẽ không bị chê trách trong kiếp hiện-tại này và những kiếp sau nữa, và Trẫm sẽ được tán dương ca tụng cả trong cõi người lẫn trong cõi trời dục-giới? Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ nhân ấy.

Kính bạch vị quân-sư Sucirata, Trẫm mong muốn thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo attha và dhamma ấy. Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha và dhamma ấy.

Giảng Giải

Đức-vua Dhanañcayakorabya ngự tại kinh-thành Inda-patta rộng lớn bảy do-tuần, trị vì vùng Kuru rộng lớn 300 do-tuần. Đức-vua còn muốn trở thành ngôi vị đại-vương bá chủ trị vì trong tòan cõi trái đất này bằng thiện-pháp, không phải tà-pháp, bởi vì Đức-vua thực-hành theo thiện-pháp thì thần dân thiên hạ cũng thực-hành thiện-pháp, cho nên, thực-hành thiện-pháp đó là phận sự của đấng minh-quân trong đời.

Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi vị bà-la-môn quốc-sư Sucirata rằng:

“Trẫm nên thực-hành attha và dhamma như thế nào? Để Trẫm không bị chê trách trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai của Trẫm, không bị tái-sinh kiếp sau tronng cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Khi Trẫm trở thành Đại-vương cao cả, sẽ được tán dương ca tụng trong cõi người và cõi trời dục-giới.

Khi Trẫm thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo attha và dhamma ấy, sẽ dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, và tế độ, hỗ trợ cho các chúng-sinh khác cũng chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha và dhamma ấy.

Nghĩa hai pháp attha và dhamma

Attha có nghĩa là phalavipāka: quả của nhân.

Dhamma có nghĩa là tassa atthassa hetubhūtaṃ: nhân của quả ấy.

Sau khi vị bà-la-môn quân-sư Sucirata nghe Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi câu hỏi như vậy, biết đó là câu hỏi vô cùng sâu sắc, câu hỏi này chỉ nên bạch hỏi đến Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi, nếu không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì chỉ nên bạch hỏi đến Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mà thôi.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata suy xét rằng:

“Ta không phải là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, nên không có khả năng giải đáp câu hỏi này được. Ta không thể tự cho mình là paṇḍita (bậc thiện-trí).”

Biết mình không có khả năng giải đáp câu hỏi ấy của Đức-vua, cho nên, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tâu với Đức-vua Dhanañcayakorabya bằng câu kệ rằng:

Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương muốn biết thực-hành theo attha và dhamma nào, đó là câu hỏi vô cùng sâu sắc, ngoài vị bà-la-môn Vidhura ra, không có vị nào có có khả năng chỉ dạy attha và dhamma ấy được.

Thật ra, câu hỏi của Đức-vua Dhanañcayakorabya là câu hỏi rất sâu sắc và vô cùng vi-tế, ngoài khả năng hiểu biết của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata. Vì vậy, vị bà-la-môn quân-sư không thấy phần khởi đầu, phần cuối cùng của câu hỏi, giống như người đi vào chỗ tăm tối. Vị bà-la-môn quân-sư biết chỉ có vị bà-la-môn Vidhura có trí-tuệ xuất sắc, là vị quan thừa-tướng của Đức-vua Bārāṇasī mới có khả năng giải đáp được câu hỏi này mà thôi.

Ngoài vị bà-la-môn Vidhura ấy ra, không có vị nào khác có khả năng chỉ dạy attha và dhamma rõ ràng được.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tâu rõ như vậy, nên Đức-vua Dhanañcayakorabya truyền thưa rằng:

Kính thưa vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, Trẫm xin phái quân-sư làm sứ giả đem theo một tấm vàng để ghi chép lời attha và dhamma của vị bà-la-môn Pháp-sư Vidhura, và 1000 thỏi vàng làm quà cúng-dường đến vị Pháp-sư. Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata ngồi trên chiếc xe sang trọng cùng với nhóm thuộc hạ rời khỏi kinh-thành Indapatta, đi thẳng đến kinh-thành Bārāṇasī.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata cùng với nhóm thuộc hạ đến tư dinh của vị bà-la-môn Vidhura vào buổi sáng, thấy vị bà-la-môn Vidhura đang dùng bữa ăn sáng.

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, vốn là bạn đồng môn cùng học một thầy với nhau trong thời trẻ, nên vị bà-la-môn Vidhura tỏ ra vô cùng hoan hỷ, mời dùng bữa ăn sáng với nhau.

Sau khi dùng bữa ăn sáng xong, hai vị bà-la-môn bạn hữu hàn huyên tâm sự với nhau, vị bà-la-môn Vidhura bèn hỏi rằng:

Này bạn thân mến! Bạn đến thăm tôi có việc gì vậy?

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với vị bà-la-môn Vidhura rằng:

Kính thưa vị bà-la-môn Vidhura, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi câu hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy, tôi mới giới thiệu về bạn là người có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy, nên Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp bạn, xin hỏi câu hỏi về attha và dhamma.

Bây giờ, tôi đã hỏi bạn về attha và dhamma rồi. Kính xin bạn giải đáp chỉ dạy attha và dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya hỏi câu hỏi về attha và dhamma, vị bà-la-môn Vidhura đang bận lo công việc đại sự khác, nên không có cơ-hội giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy, nên vị bà-la-môn Vidhura thưa với vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

Kính thưa vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, tôi đang bận công việc đại sự khác, nên bây giờ không có cơ hội giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy.

Xin bạn thông cảm, tôi có công-tử lớn tên Bhadrakāra là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn cả tôi, công-tử ấy có khả năng giải đáp câu hỏi về attha và dhamma ấy. Bạn hãy nên đến tư thất của nó.

Nghe vị bà-la-môn Vidhura giới thiệu đến công-tử như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tìm đến tư thất của công-tử Bhadrakāra, thấy của công-tử Bhadrakāra đang ngồi trong nhà giữa nhóm người thuộc hạ

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đến, công-tử Bhadrakāra ra đón rước mời vào phòng khách tiếp đãi tử tế niềm nở, cung-kính lễ bái, rồi thưa hỏi nguyên-nhân đến gặp công-tử hôm nay.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với công-tử Bhadrakāra rằng:

Thưa công-tử Bhadrakāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy, Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha và dhamma, thì phụ thân của công-tử giới thiệu đến gặp công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy.

Bây giờ, tôi đã hỏi công-tử câu hỏi về attha và dhamma rồi. Kính xin công-tử giải đáp về attha và dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcaya-korabya thưa hỏi như vậy, công-tử Bhadrakāra kính thưa rằng:

Kính thưa phụ thân Sucirata, con đang bị phiền-não khống chế hằng ngày, nên tâm của con không được sáng suốt. Vì vậy, con không thể giải đáp câu hỏi về attha và dhamma ấy cho phụ thân được. Con có người em trai tên Sañjayakumāra là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn con nhiều, em của con có khả năng giải đáp câu hỏi về attha và dhamma ấy cho phụ thân được. Xin phụ thân tìm đến tư thất của em con. 

Nghe công-tử Bhadrakāra giới thiệu người em như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rời khỏi tư thất của công-tử Bhadrakāra, tìm đến tư thất của công-tử Sañjayakumāra.

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đến, công-tử Sañjayakumāra ra đón rước mời vào phòng khách tiếp đãi tử tế niềm nở, cung-kính lễ bái, rồi thưa hỏi nguyên-nhân đến gặp công-tử hôm nay.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với công-tử Sañjayakumāra rằng:

Thưa công-tử Sañjayakumāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy, Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha và dhamma ấy, phụ thân của công-tử không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử lớn Bhadrakāra. Công-tử Bhadrakāra cũng không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy.

Bây giờ, tôi đã hỏi cậu về attha và dhamma ấy rồi. Kính xin cậu giải đáp câu hỏi, chỉ dạy attha và dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcaya-korabya thưa như vậy, cậu Sañjayakumāra kính thưa rằng:

Kính thưa phụ thân Sucirata, con đang bị ác-nghiệp làm khổ tâm, tử thần theo dõi ngày đêm, nên tâm bị phiền-não làm ô nhiễm. Vì vậy, con không thể giải đáp câu hỏi về attha và dhamma ấy cho phụ thân được. Con có người em trai tên Sambhavakumāra mới lên 7 tuổi, nhưng là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn con gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần, em trai của con có khả năng giải đáp câu hỏi về attha và dhamma ấy cho phụ thân được. Xin phụ thân tìm đến gặp em của con.

Nghe công-tử Sañjayakumāra giới thiệu người em như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata bảo rằng:

Này các người! Câu hỏi về attha và dhamma này phi thường đến thế sao? 

Tôi đã từng hỏi người cha là vị bà-la-môn Vidhura là bậc thiện-trí có trí-tuệ xuất sắc không giải đáp câu hỏi, mà giới thiệu tôi tìm đến công-tử lớn tên Bhadrakāra, công-tử Bhadrakāra không giải đáp câu hỏi ấy, mà lại giới thiệu tôi tìm đến công-tử Sañjayakumāra. Tôi đã tìm đến công-tử Sañjayakumāra, công-tử cũng không giải đáp câu hỏi ấy, mà lại giới thiệu tôi tìm đến công-tử Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi. 

Vậy công-tử trẻ Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi mà có khả năng giải đáp câu hỏi về attha và dhamma này được hay sao?

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata truyền bảo như vậy, công-tử Sañjayakumāra kính thưa với vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

Kính thưa phụ thân Sucirata, xin phụ thân không nên nghĩ rằng: “Sambhavakumāra còn thơ ấu”. Nếu phụ thân muốn nghe giải đáp câu hỏi ấy, thì phụ thân hỏi câu hỏi về attha và dhamma ấy thì sẽ biết rõ ngay.

Công-tử Sañjayakumāra tán dương ca tụng tài đức của công-tử Sambhavakumāra em trai như sau:

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng.

Như mặt trăng di chuyển trên bầu trời trong sáng không có mây che, ánh trăng tỏa sáng hơn các vì sao như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt sáng ngời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng. 

Kính thưa phụ thân Sucirata, tháng 5 trong mùa mát trời đẹp hơn các tháng khác về màu xanh của cây, và các thứ hoa như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt sáng ngời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng.

Kính thưa phụ thân Sucirata, núi Himavanta (núi Hi-mã-lạp-sơn) gọi là gandhamādana có nhiều loại cây rừng, là chỗ trú ngụ của chư vị thiên-nam, thiên-nữ xinh đẹp có mùi hương thơm tho tỏa khắp mọi nơi với thiên dược như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng.

Kính thưa phụ thân Sucirata, ngọn lửa rừng cháy dữ dội, các cây nhỏ cây lớn đều làm mồi của lửa không biết chán, cháy lan lên đến đỉnh núi cao vào ban đêm, ánh sáng rực rỡ toả khắp mọi nơi trong rừng như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng.

Kính thưa phụ thân Sucirata, mọi người biết được ngựa báu do nhờ bốn chân ngựa phi đường xa, không phải là hình dáng màu sắc, mọi người biết được bò khỏe mạnh cao quý do nhờ chuyên chở hàng hóa trên đường xa, mọi người biết được bò sữa tốt do nhờ có nhiều sữa tốt, chư bậc thiện-trí biết được bậc thiện-trí cao thượng do nhờ đàm đạo về chánh-pháp với nhau như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha và dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha và dhamma ấy rõ ràng.

Khi công-tử Sañjayakumāra tán dương ca tụng tài đức của công-tử Sambhavakumāra em trai mới lên bảy tuồi như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata hỏi rằng:

Này công-tử Sañjayakumāra! Công-tử Sambhava-kumāra em trai của công-tử hiện nay ở đâu vậy?

Khi ấy, công-tử Sañjayakumāra đứng dậy dẫn vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đi đến cánh cửa sổ, rồi chỉ xuống dưới có công-tử Sambhavakumāra, có màu da trong sáng như màu vàng, đang chơi đùa với các bạn trẻ gần cửa ra vào lâu đài. 

Xin mời Ngài đi xuống gặp công-tử Sambhava-kumāra hỏi câu hỏi về attha và dhamma ấy, công-tử Sambhavakumāra sẽ giải đáp câu hỏi của Ngài, rồi Ngài sẽ hiểu biết rõ về attha và dhamma ấy.

Sau khi nghe công-tử Sañjayakumāra chỉ dẫn như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata bước xuống lâu đài, đi thẳng về phía công-tử Sambhavakumāra đang đứng vui chơi với các bạn trẻ.

Thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đứng trước mặt, nên công-tử Sambhavakumāra bèn thưa rằng:

Kính thưa vị bà-la-môn, Ngài đến đây có việc gì không?

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata kính thưa rằng:

Kính thưa công-tử Sambhavakumāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga như vậy, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy. Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha và dhamma ấy, thì phụ thân của công-tử không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử Bhadrakāra. Công-tử Bhadrakāra không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến công-tử Sañjayakumāra. Công-tử Sañjayakumāra cũng không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha và dhamma ấy. Đó là nguyên-nhân tôi tìm đến gặp công-tử hôm nay, kính xin công-tử giải đáp hỏi câu hỏi dhammayāga ấy.

Kính thưa công-tử Sambhavakumāra, Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi tôi câu hỏi như sau:

“Này quân-sư Sucirata, Trẫm đã được lên ngôi vua cao cả trong đất nước này, Trẫm còn muốn ngôi vị cao hơn nữa, được làm lễ suy tôn lên ngôi đại-vương bá chủ trị vì trong toàn trái đất này bằng thiện-pháp, không phải là tà-pháp. Trẫm hoàn toàn không thích bằng tà-pháp.

Này quân-sư Sucirata, thật ra, thực-hành theo đúng thiện-pháp, đó là phận-sự của Đấng minh-quân.

Này quân-sư Sucirata, do nhân nào Trẫm sẽ không bị chê trách trong kiếp hiện-tại này và những kiếp sau nữa, và Trẫm sẽ được tán dương ca tụng cả trong cõi người lẫn trong cõi trời dục-giới? Xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ nhân ấy.

Này quân-sư Sucirata, Trẫm mong muốn thực hành nghiêm chỉnh đúng theo attha và dhamma ấy. Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha và dhamma ấy.”

Đó là câu hỏi của Đức-vua Dhanañcayakorabya mà tôi không có khả năng giải đáp được, tôi cũng đã hỏi câu hỏi này đến vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, đến công-tử Bhadrakāra, đến công-tử Sañjayakumāra là huynh của công-tử đều không giải đáp câu hỏi của tôi. Đó là nguyên-nhân tôi tìm đến gặp công-tử hôm nay.

Kính xin công-tử giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, chỉ rõ về attha và dhamma ấy cho tôi.

Khi ấy, công-tử Bồ-Tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đang đứng giữa đường nhận lời sẽ giải đáp câu hỏi ấy với giọng nói phát ra âm thanh vang khắp kinh-thành Bārāṇasī khoảng 12 do-tuần. Đức-vua và các quan trong triều đình cùng tòan thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đều đến tụ hội nghe công-tử Bồ-Tát Sambhavakumāra đứng giữa đám đông đại chúng trả lời câu hỏi ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, xin phụ thân hãy lắng nghe, tôi sẽ giải đáp câu hỏi của Ngài bằng lời của bậc thiện-trí, còn Đức-vua Dhanañcayakorabya hiểu biết được attha và dhamma ấy, rồi có thực-hành theo đúng attha và dhamma ấy được hay không, điều ấy không biết.

Công-tử Bô-tát Sambhavakumāra giải đáp câu hỏi của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

Kính thưa phụ thân Sucirata, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác giải đáp câu hỏi ấy như thế nào, tôi sẽ giải đáp câu hỏi ấy cũng như thế ấy, để cho Đức-vua của Ngài hiểu biết được, sau khi Đức-vua đã hiểu biết được attha và dhamma ấy, rồi Đức-vua có thự- hành hoặc không thực hành theo attha và dhamma ấy, điều ấy tùy thuộc vào khả năng của Đức-vua của Ngài, tôi không có lỗi.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotam,a giải đáp câu hỏi dhammayāga bằng năm câu kệ như sau:

Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu Đức-vua của phụ thân truyền hỏi các quan rằng:

“Hôm nay, chúng ta nên tạo mọi phước-thiện.”

Nếu các quan tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, ngày mai, chúng ta sẽ tạo mọi phước-thiện.

Đức-vua của Ngài thuộc dòng dõi Yudhiṭṭhila không để cho ngày hôm ấy trôi qua với sự dể duôi (thất niệm) khi đại-thiện-tâm phát sinh. Vì vậy, Đức-vua không nên nghe theo lời tâu của vị quan ấy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu khi Đức-vua truyền hỏi câu hỏi, thì phụ thân chỉ nên tâu rằng: ngũ-uẩn chấp-thủ đều có trạng-thái vô-thường mà thôi.

Người phàm-nhân si mê không biết suy xét, nên có ác-tâm nghĩ trong tà-kiến. Còn Đức-vua của phụ thân có đại-thiện-tâm nghĩ trong chánh-kiến, chỉ nên thực-hành 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý mà thôi.

Phụ thân nên tâu lên Đức-vua như vậy.

Kính thưa phụ thân Sucirata, Ngài nên tâu lên Đức-vua rằng: Không nên coi thường kiếp người đang sinh sống trong cõi thiện-giới, không nên tạo ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới, không nên hành-ác bằng thân, khẩu, ý, không nên có tà-kiến, không nên tạo mọi ác-nghiệp cho quả khổ.

Kính thưa phụ thân Sucirata, con đã giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, Đức-vua nào mong muốn thực-hành đúng theo attha là quả của nhân, dhamma là nhân sinh quả ấy, thì Đức-vua ấy sẽ có mọi thiện-pháp được tăng trưởng như vầng trăng sáng trong thời-kỳ trăng lên như vậy.

Đức-vua ấy được hoàng tộc yêu mến, được các quan quân trong triều cùng với thần dân thiên hạ trong nước đều kính yêu.

Sau khi Đức-vua ấy băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam cao-thượng trên cõi trời dục-giới ấy, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app