Phần 6

Bốn Vị Quân-Sư Bị Mắc Mưu Kế

Bà Amarā vốn là người có trí-tuệ, mưu kế cao siêu, bà biết rõ bốn vị quân-sư này đã có âm mưu đê tiện, vu oan giá họa làm hại Đức phu-quân Mahosadhapaṇḍita của bà, họ là những kẻ trộm cắp bốn báu vật của Đức-vua.

Đây là cơ hội tốt để bà minh oan cho Đức phu-quân. Bà hoan hỷ nhận đủ bốn món quà quý giá của bốn vị quân-sư đem đến biếu, rồi Bà Amarā kính mời bốn vị quân-sư cùng đến gặp Bà trong cùng một đêm, nhưng đặc biệt, Bà hẹn mỗi vị quân-sư đến khác giờ rằng:

Kính thưa quân-sư, tiện nữ kính mời quân-sư nhớ đến vào đúng đêm ấy và đúng vào giờ ấy. Kính xin quân-sư đến đúng hẹn.

Bà Amarā nghĩ rằng: “Ta sẽ làm cho bốn vị quân-sư si mê này phải xấu hổ giữa triều đình.”

Nghĩ xong, bà Amarā bảo những gia nhân đào một cái hầm sâu quá đầu người, đổ phẩn và nước tiểu vào hầm ấy, rồi đậy nắp hầm bằng một tấm ván, có chốt cài chặt.

Khi mở chốt, nếu người nào bước lên tấm ván thì người ấy sẽ rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, rồi nắp hầm tự động đậy trở lại như trước. Trên nắp hầm, Bà lót một tấm thảm xinh đẹp để ngụy trang.

Trong căn phòng được trang hoàng kết hoa rất xinh đẹp đáng hài lòng, mọi công việc đều được bí mật hoàn thành tốt đẹp.

* Vào đêm hôm hẹn ấy, vị quân-sư Senaka ăn uống no say, trang phục nghiêm trang. Đúng theo giờ mà Bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Senaka đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Senaka đã đến.

Biết vị quân-sư Senaka đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, đêm nay tiện nữ sẽ thuộc về quân-sư rồi. Kính mời quân-sư vào phòng tắm nước hoa trước.

Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Senaka ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, vừa bước vào phòng, ông ta vừa đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, rồi nắp hầm đậy trở lại như trước. Quân-sư Senaka đứng chịu trận dưới hầm phẩn và nước tiểu kín đáo tối tăm, chịu mồi hôi thối kinh khủng như thế.

* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Pukkusa đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Pukkusa đã đến.

Biết vị quân-sư Pukkusa đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với ông giống như vị quân-sư Senaka.

Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Pukkusa ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông ta rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, đụng phải cái đầu của vị quân-sư Senaka, ông hoảng hốt la lên rằng:

Ngươi là người hay hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá!

Vị quân-sư Senaka bảo rằng:

Ta là quân-sư Senaka đây! Còn ngươi là ai vậy?

Thưa quân-sư Senaka, tôi là quân-sư Pukkusa.

Hai vị quân-sư đứng chịu trận dưới hầm phẩn và nước tiểu tối tăm, chịu ngửi mùi hôi thối kinh khủng như thế.

* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Kāminda đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Kāminda đã đến.

Biết vị quân-sư Kāminda đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với ông giống như hai vị quân-sư trước.

Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Kāminda ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông ta rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, đụng phải hai cái đầu của hai vị quân sư, ông hoảng hốt la lên rằng:

Các ngươi là người hay các hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá! 

Chúng ta là quân-sư Senaka và quân-sư Pukkusa đây, còn ngươi là ai vậy?

Thưa hai vị quân-sư, tôi là quân-sư Kāminda.

Ba vị quân-sư đứng chịu trận dưới hầm phẩn và nước tiểu tối tăm, chịu ngửi mùi hôi thối kinh khủng như thế.

* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Devinda đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Devinda đã đến.

Biết vị quân-sư Devinda đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với ông giống như ba vị quân-sư trước.

Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Devinda ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông ta rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, đụng phải ba cái đầu của ba vi quân sư, ông hoảng hốt la lên rằng:

Các ngươi là người hay các hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá!

Chúng ta là quân-sư Senaka, quân-sư Pukkusa và quân-sư Kāminda đây, còn ngươi là ai vậy?

Thưa ba vị quân-sư, tôi là quân-sư Devinda.

Bốn vị quân-sư đứng chịu trận dưới hầm phẩn và nước tiểu tối tăm, nắp hầm kiên cố, chịu ngửi mùi hôi thối kinh khủng như vậy. Ba vị quân-sư thưa với vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, bây giờ chúng ta có cách nào để thoát ra khỏi hầm phẩn và nước tiểu hôi thối, tối tăm kinh khủng này không?

Vị quân-sư Senaka bảo rằng: 

Chúng ta đều là những hạng người khốn nạn, đê hèn, rồi còn phải chịu bao nỗi xấu hổ khác hơn thế nữa!

Bốn vị quân-sư bị bà Amarā nhốt dưới hầm phẩn và nước tiểu tối tăm, ngột ngạt suốt đêm hôm ấy.

Sáng ngày hôm sau, bà Amarā bảo những người gia nhân lôi cổ bốn vị quân-sư lên khỏi hầm, dội nước tắm cho họ, rồi lấy dao cạo trọc đầu và râu của họ, lấy viên gạch chà xát trên da đầu cho chảy máu, để hành hạ họ.

Mỗi vị quân-sư được đặt nằm ngửa, trần truồng trên một tấm ván, trên ngực mỗi vị có một thứ báu vật mà chính họ đã ăn trộm của Đức-vua, và một tấm biển có ghi rõ tên người tớ gái, tên cha mẹ cô và tên người chủ đã sai cô đem bán cho bà Amarā là những vị quân-sư trên.

Bà Amarā bảo những người gia nhân quấn quanh mỗi vị quân-sư bằng tấm vải tốt rất xinh đẹp bao quanh người, hai đầu cột lại. Bà đóng con dấu của quan lớn quân-sư Mahosadhapaṇḍita.

Bà Amarā đến cung điện, xin vào chầu Đức-vua Vedeha giữa bá quan văn võ. Bà bảo những người gia nhân đem 4 món quà đến đặt dưới chân Đức-vua rồi tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, tiện nữ kính xin dâng lên Hoàng-thượng bốn món quà này. Kính thỉnh Hoàng-thượng anh minh ngự lãm.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho lính mở ra từng gói. Đức-vua chứng kiến:

* Gói thứ nhất: Vị quân-sư Senaka nằm trần truồng bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có viên ngọc Cūḷamaṇi và tấm biển ghi rõ nguồn gốc.

* Gói thứ nhì: Vị quân-sư Pukkusa nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có xâu chuỗi vàng và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc.

* Gói thứ ba: Vị quân-sư Kāminda nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có chiếc mền lông thú và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc..

* Gói thứ tư: Vị quân-sư Devinda nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có đôi hia vàng và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc.

Nhìn thấy rõ bốn vị quân-sư nằm trần truồng, tóc râu không còn sợi nào, trên ngực mỗi vị có một món báu vật mà bốn vị quân-sư này đã tâu rằng bốn báu vật ấy chắc chắn Mahosadhapaṇḍita đã lấy trộm làm của riêng.

Đức-vua Vedeha làm thinh, không truyền bảo lời nào cả. Bá quan văn võ trong triều đình vỗ tay reo hò rằng:

Ô! Xin quý vị hãy xem bốn con bạch vượn giả nhân chưa từng thấy bao giờ!

Làm cho bốn vị quân-sư vô cùng xấu hổ. Khi ấy, bà Amarā, phu nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu lên Đức-vua Vedeha rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng anh minh, sáng suốt, xem xét lại sự việc rằng hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita phu-quân của tiện nữ, không phải là kẻ trộm cắp bốn báu vật của Hoàng-thượng, mà sự thật:

* Quân-sư Senaka đã lấy trộm viên ngọc Cūḷamaṇi của Hoàng-thượng.

* Quân-sư Pukkusa đã lấy trộm xâu chuỗi vàng của Hoàng-thượng.

* Quân-sư Kāminda đã lấy trộm chiếc mền lông thú của Hoàng-thượng.

* Quân-sư Devinda đã lấy trộm đôi hia vàng của Hoàng-thượng.

Muôn tâu Hoàng-thượng,

* Quân-sư Senaka đã giấu viên ngọc Cūḷamaṇi trong nồi bơ đầy. 

* Quân-sư Pukkusa đã giấu xâu chuỗi vàng trong cái hộp, bên trên đựng đầy hoa lài.

* Quân-sư Kāminda đã giấu chiếc mền lông thú được giấu trong cái giỏ chất đầy rau cải.

* Quân-sư Devinda đã giấu đôi hia vàng được giấu trong bao gạo.

Mỗi vị quân-sư sai bảo người tớ gái của mình đem đi bán, mà chỉ được phép bán cho tiện nữ mà thôi.

Muôn tâu Hoàng-thượng, tiện nữ biết bốn báu vật ấy là của Hoàng-thượng, cho nên tiện nữ đã mua báu vật, rồi ghi rõ tên của người tớ gái, tên cha mẹ, tên chủ của tớ gái là bốn vị quân-sư.

Nay, tiện nữ kính xin dâng lại bốn báu vật này lên Hoàng-thượng.

Muôn tâu Hoàng-thượng, bốn vị quân-sư biết hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, đức phu-quân của tiện nữ không có trong tư dinh, nên đêm hôm qua, mỗi vị quân-sư lén lút đến tư dinh ấy, theo giờ hẹn khác nhau, xâm nhập vào tư dinh có ác ý toan tính làm nhục (hại) tiện nữ. Vì vậy, tiện nữ đã cho họ rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, rồi nhốt suốt đêm qua.

Sáng nay, tiện nữ sai bảo gia nhân lôi bốn vị quân-sư lên, cạo đầu, râu, trói đem đến tâu trình Hoàng-thượng xét xử tội bốn kẻ trộm cắp báu vật của Hoàng-thượng.

Tiện nữ kính đảnh lễ Hoàng-thượng, xin phép trở về tư dinh.

Nghe phu-nhân của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu rõ như vậy, Đức-vua Vedeha biết sự việc đã rõ ràng, nên chỉ còn biết truyền bảo các quân-sư của mình rằng:

Các ngươi hãy mau trở về tư dinh của mình, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc tử tế! 

Chư Thiên Tâu Hỏi Bốn Câu Hỏi Với Đức-Vua Vedeha

Từ khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phải trốn đi khỏi kinh-thành Mithilā để lánh nạn, trong thời ấy, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng của Đức-vua Vedeha không được nghe pháp của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita nữa, nên vị ấy nghĩ rằng: “Ta tìm cách để cho Đức-vua Vedeha mời Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita trở về kinh-thành Mithilā, để phụng sự Đức-vua như trước.”

Đêm ấy, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra, tâu hỏi Đức-vua Vedeha bốn câu hỏi, Đức-vua Vedeha không hiểu được câu hỏi nào, nên truyền bảo rằng:

Này vị chư thiên! Trẫm không hiểu bốn câu hỏi ấy. Xin chư thiên chờ Trẫm hỏi bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm, ngày mai Trẫm sẽ trả lời.

Sáng hôm sau, Đức-vua Vedeha truyền mời bốn vị quân-sư vào chầu, họ tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, chúng thần đầu trọc, râu trụi, đi ra đường cảm thấy xấu hổ quá! Kính xin Bệ-hạ ban cho chúng thần cái khăn bịt đầu, bao cằm mới dám đi đến chầu Bệ-hạ được.

Đức-vua Vedeha ban vải bịt đầu, bao cằm cho bốn vị quân-sư đi đến chầu Đức-vua Vedeha, bốn vị quân-sư ngồi một nơi hợp lẽ, Đức-vua truyền thưa rằng:

Này quân-sư Senaka, đêm hôm qua, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Trẫm hiện ra, tâu hỏi Trẫm bốn câu hỏi mà Trẫm hoàn toàn không hiểu gì cả. Trẫm có hẹn với vị chư thiên ấy rằng sáng nay, Trẫm sẽ hỏi bốn vị quân-sư của Trẫm về bốn câu hỏi ấy, bốn vị quân-sư trả lời thế nào, rồi tối nay, xin mời vị chư thiên đến nghe Trẫm giải đáp thế ấy.

Này quân-sư Senaka, câu hỏi thứ nhất, vị chư thiên ấy tâu rằng: 

“Tâu Đại-vương, ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh.

Tâu Đại-vương, người yêu quý nhất ấy là ai vậy?”

Nghe Đức-vua Vedeha thưa hỏi câu hỏi thứ nhất của chư thiên, vị quân-sư Senaka hoàn toàn không hiểu câu hỏi gì cả, và ba vị quân-sư còn lại cũng như vậy, tối tăm, mù mịt.

Đức-vua tiếp tục hỏi ba câu hỏi tiếp theo, bốn vị quân-sư cũng hoàn toàn không hiểu gì cả. Đêm hôm ấy, đúng theo hẹn, vị chư thiên hiện ra tâu hỏi Đức-vua rằng:

Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương giải đáp bốn câu hỏi ấy của tôi?

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

Này chư thiên! Trẫm đã hỏi bốn câu hỏi ấy của quý vị, nhưng bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm hoàn toàn không hiểu được câu nào cả.

Khi ấy, vị chư thiên hăm dọa rằng:

Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư ấy là người si-mê, tham-dục thì làm sao giải đáp câu hỏi này được. Ngoài quân-sư Mahosadhapaṇḍita ra, không có ai trên đời này giải đáp bốn câu hỏi này được.

Kính xin Đại-vương truyền lệnh các vị quan đi tìm mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi ấy của chúng tôi. Đó là điều tốt lành!

Nếu Đại-vương không truyền lệnh cho mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi của chúng tôi thì chúng tôi sẽ đập cái đầu của Đại-vương bằng cái chuỳ sắt cháy đỏ này. 

Hăm dọa xong, vị chư thiên khuyên Đức-vua rằng:

Tâu Đại-vương, như người cần lửa thì không thể tìm nơi con đom đóm, cũng như vậy, khi cần bậc thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết, thì Đại-vương không thể tìm nơi bốn vị quân-sư si mê ngu muội ấy.

Quân-sư Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, ví như đống lửa lớn, còn bốn vị quân-sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda chỉ ví như con đom đóm mà thôi.

Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương không truyền lệnh mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi này của chúng tôi thì chắc chắn sinh-mạng của Đại-vương sẽ không được an toàn.

Hăm dọa và khuyên Đức-vua Vedeha xong, vị chư thiên biến mất.

Thỉnh Mời Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita Trở Về

Nghe lời hăm doạ và lời khuyên của vị chư thiên, Đức-vua Vedeha cảm thấy vô cùng kinh sợ, vì sự chết sẽ xảy đến với mình. Vì vậy, sáng hôm sau, Đức-vua truyền lệnh bốn vị quan lớn và bốn đoàn tùy tùng rằng:

Này chư khanh! Mỗi khanh lấy một cỗ xe ngựa và đoàn tùy tùng, hãy đi ra mỗi cửa thành, đến mỗi xóm nhà vùng lúa mạch mỗi hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để tìm cho được hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita. Các khanh hãy báo cho hoàng-tử, con của Trẫm rằng: “Trẫm truyền mời hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita trở về cung điện, đến yết kiến Trẫm gấp.”

Tuân lệnh Đức-vua Vedeha, bốn vị quan lớn và đoàn tuỳ tùng, mỗi vị đi ra mỗi cửa kinh-thành Mithilā, đến mỗi xóm nhà, mỗi vùng lúa mạch của mỗi hướng. Ba vị quan lớn cùng đoàn tùy tùng đến ba xóm nhà, ba vùng lúa mạch của ba hướng Đông, Tây, Bắc đều không tìm gặp được hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.

Riêng vị quan lớn cùng đoàn tùy tùng đến xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam của kinh-thành Mithilā, những người lính trong đoàn tùy tùng vào xóm nhà hỏi thăm, tìm người, nên nhận ra hoàng-tử Mahosadha-paṇḍita đang vác đất sét, thân hình dính đầy đất, đem về học làm nồi với một vị thầy để nuôi mạng. Đời sống của hoàng-tử thật là vất vả, cực khổ như vậy.

Vấn: Tại sao hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita làm việc nuôi mạng vất vả, cực khổ như vậy?

Đáp: Bởi vì hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita không muốn Đức-vua nghi ngờ là hoàng-tử có mưu đồ phản bội giết vua, để chiếm ngôi báu. Khi Đức-vua biết rằng hoàng-tử làm nghề thợ gốm, để nuôi mạng thì Đức-vua sẽ không còn nghi ngờ nơi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita nữa.

Vị quan lớn nghe người lính trình thưa rằng: “Chính y đã nhìn thấy, nhận ra hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita đang vác đất sét đem về làm nồi đất như vậy.”

Vị quan lớn liền cho người đánh xe ngựa sang trọng đến tận chỗ ở của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, ngừng xe lại, bước xuống xe. Vị quan lớn đi vào nhà gặp hoàng tử Mahosadhapaṇḍita.

Nhìn thấy vị quan đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Hôm nay, ta sẽ được phục chức lớn, và sẽ gặp lại phu-nhân của ta.”

Khi ấy, vị quan lớn thưa với quân-sư Mahosadha-paṇḍita rằng:

Kính thưa quân-sư Mahosadhapaṇḍita, ban đêm vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Đức-vua Vedeha hiện ra tâu hỏi Đức-vua bốn câu hỏi. 

Nghe xong bốn câu hỏi, Đức-vua hoàn toàn không hiểu được câu nào. Đức-vua hẹn với vị chư thiên rằng: “Trẫm sẽ đem bốn câu hỏi này hỏi bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm. Vậy, Trẫm xin hẹn tối mai, mời vị chư thiên đến, bốn vị quân-sư giải đáp như thế nào thì Trẫm sẽ giải đáp như thế ấy.”

Tối hôm sau, vị chư thiên hiện ra xin nghe Đức-vua giải đáp bốn câu hỏi ấy. Đức-vua truyền rằng: “Thưa chư thiên, bốn vị quân-sư của Trẫm hoàn toàn không hiểu được bốn câu hỏi ấy.”

Chư thiên không hài lòng, hăm dọa và khuyên Đức-vua cho mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về cung điện, để giải đáp bốn câu hỏi ấy.

Nếu không thì Đức-vua sẽ không được an toàn sinh-mạng, nên Đức-vua cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Vì vậy, Đức-vua truyền lệnh cho các quan đi khắp bốn xóm nhà trong bốn vùng lúa mạch ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, để đi tìm …

May mắn thay! Hạ quan gặp Quân-sư tại nơi đây. Đức-vua có gửi 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá khác ban cho Quân-sư, kính xin Quân-sư thọ nhận số tiền và các phẩm vật này.

Kính thưa quân-sư Mahosadhapaṇḍita, kính mời Quân-sư lên xe ngựa sang trọng này trở về yến kiến Đức-vua gấp.

Nghe vị quan thưa trình như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nhận số tiền 1.000 Kahāpana và các phẩm vật, rồi đem vào gặp vị thầy dạy nghề đồ gốm.

Biết người học trò là vị Quân-sư trong triều đình đến ẩn náu nơi đây, vị thầy cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thưa với thầy rằng:

Thưa thầy, xin thầy không nên lo sợ, chính thầy là người ân nhân của tôi, tôi xin chân thành kính biếu thầy 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá này để tỏ lòng biết ơn thầy. Xin phép thầy, tôi phải trở về cung điện theo lệnh của Đức-vua Vedeha.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita với thân hình dính đầy đất sét, bước lên chiếc xe ngựa sang trọng trở về kinh-thành Mithilā. Đến kinh-thành, vị quan lớn đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần đã mời quân-sư Maho-sadhapaṇḍita trở về đến kinh-thành Mithilā.

Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Này khanh! Khanh gặp hoàng-tử Mahosadha-paṇḍita ở đâu?

Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần gặp hoàng-tử Maho-sadhapaṇḍita trong một chỗ làm đồ gốm trong xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam. Hoàng-tử với thân hình dính đầy đất sét, đang ngồi xoay bàn làm nồi đất sét, để nuôi mạng.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Nếu hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita là kẻ thù của ta, có mưu đồ giết ta để chiếm ngôi vua thì chắc chắn hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita không bao giờ làm nghề thợ gốm để sinh sống như vậy được.

Vậy, hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita chắc chắn không phải kẻ thù của ta.”

Nghĩ xong, Đức-vua truyền lệnh rằng:

Này khanh! Khanh hãy thưa với hoàng-tử Maho-sadhapaṇḍita trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, trang phục đầy đủ theo chức tước mà Trẫm đã ban từ trước, rồi đến yết kiến Trẫm. 

Vâng lệnh Đức-vua Vedeha, Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita đến chầu Đức-vua, đảnh lễ Đức-vua xong ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita! Thông thường người không có trí-tuệ, không có khả năng làm được việc lớn, còn con là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, có tài đức hơn người, nếu cần, con có khả năng chiếm đoạt tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện Bộ-châu này. Đó là điều không khó đối với con, nhưng tại sao con không chiếm đoạt ngai vàng của ta vậy?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, người nào ngồi hoặc nằm dưới bóng mát của cây nào, người ấy không nên bứt lá, bẻ cành của cây ấy, bởi vì, người làm hại bạn là con người ác.

Tâu Đại-vương, Đại-vương là Đức Phụ-vương của con, nuôi dưỡng con, ban địa vị cao quý cho con. Đại-vương là bậc đại-ân-nhân của đời con, sao con dám nghĩ ác đến Đức Phụ-vương, còn làm hại Đức Phụ-vương thì điều đó chắc chắn không bao giờ xảy ra được.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu tiếp rằng:

Tâu Đại-vương, có năm điều xấu tốt:

* Người sống tại gia hưởng sự an-lạc mà lười biếng. Đó là điều không tốt.

* Bậc xuất gia mà không biết cẩn trọng trong sáu môn cho được thanh-tịnh. Đó là điều không tốt.

* Bậc thiện-trí mà phát sinh tâm sân. Đó là điều không tốt.

* Đức-vua không suy xét kỹ trước mà truyền lệnh. Đó là điều không tốt.

* Đức-vua anh minh sáng suốt, chưa suy xét kỹ thì chưa truyền lệnh, khi đã suy xét kỹ trước rồi mới truyền lệnh. Đó là điều tốt.

Các quan, quân cho đến thần dân thiên hạ đều cảm phục, đều nương nhờ nơi Đức-vua ấy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thuyết giảng như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát.

Bốn Câu Hỏi Của Chư Thiên

Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy xong, Đức-vua Vedeha mời Đức-Bồ-tát lên ngồi trên ngai vàng, dưới chiếc lọng trắng. Còn Đức-vua ngồi một nơi hợp lẽ, truyền hỏi rằng:

Này Hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng hiện ra, tâu hỏi Phụ-vương bốn câu hỏi, nhưng Phụ-vương không hiểu bốn câu hỏi ấy, và bốn vị quân-sư cũng hoàn toàn không hiểu nổi.

Nay, Phụ-vương nhờ con giải đáp bốn câu hỏi ấy của vị chư thiên.

Nghe Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đức Phụ-vương, vị chư thiên tâu hỏi bốn câu hỏi với Đức Phụ-vương như thế nào, kính xin Đức Phụ-vương thuật lại cho con nghe.

* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ nhất của chư thiên tâu rằng:

1- Ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh.

Vậy, người yêu quý nhất ấy là ai vậy?

Vừa nghe qua câu hỏi, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita hiểu rõ ràng ý nghĩa của câu hỏi như vầng trăng sáng hiện trên bầu trời trong, nên Đức-Bồ-tát tâu rằng: 

Tâu Đức Phụ-vương, khi nào một đứa con thơ dại yêu quý nằm trên đùi của người mẹ, nó vui mừng, cười giỡn, đánh vào thân hình người mẹ bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, hoặc vả trên miệng người mẹ bằng đôi tay, khi ấy, người mẹ nói với đứa con yêu quý ấy với tình thương yêu vô hạn như là: “Ô! Đứa con ngỗ nghịch! Con dám đánh, đạp mẹ như thế này sao!”

Nói xong, người mẹ không ngăn được tình thương yêu vô hạn đối với đứa con yêu quý, nên ẵm đứa con áp sát vào ngực, hôn trên đầu đứa con nhỏ.

Tâu Đức Phụ-vương, người được thương yêu nhất của người bị đánh ấy là đứa con thơ dại yêu quý của người mẹ hiền (cũng như của người cha hiền).

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhất xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Rồi tán dương ca tụng rằng:

Ô! Bậc đại-thiện-trí Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhất đúng rồi!

Vị chư thiên cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita bằng những đóa hoa trời, vật thơm rồi biến mất.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức-Bồ-tát giải đáp câu hỏi tiếp.

* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ nhì của chư thiên rằng:

2- Người chửi rủa, mắng nhiếc người khác một cách thỏa mãn, nhưng hoàn toàn không muốn cho người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy phải bị tai họa nào cả, bởi vì người bị chửi rủa, mắng nhiếc là người thương yêu nhất của người chửi rủa, mắng nhiếc. 

Vậy người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy là ai vậy?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đức Phụ-vương, khi nào người mẹ bảo đứa con lên 7-8 tuổi của mình đang chơi đùa với chúng bạn rằng: “Này con yêu quý của mẹ! Con hãy đi đến nhà bà dì mượn cái ấy đem về cho mẹ, mau đi con!” Đứa bé thưa với mẹ rằng: “Thưa mẹ, con đói bụng, mẹ cho con ăn trước, rồi con sẽ đi.”

Nghe con đói bụng, người mẹ đem đồ ăn, đồ uống cho con. Ăn uống no đủ người con lại ham chơi với chúng bạn mà không đi đến nhà bà dì mượn đồ như lời người mẹ bảo. Khi ấy, người mẹ nổi cơn giận dữ, chửi rủa, mắng nhiếc người con rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! Cho ăn rồi không chịu đi à!”

Đứa con cười thích thú, bỏ chạy. Nhìn thấy đứa con yêu quý của mình bỏ chạy, người mẹ bực mình, cầm roi, đuổi theo không kịp đứa con, nên bà chửi rủa, mắng nhiếc rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! Đồ ăn hại! Hãy đứng lại!” Sợ mẹ đánh, đứa con chạy trốn mất.

Người mẹ bực tức nên chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ rằng: “Mày chạy gặp trâu, bò húc mày!” Bởi vì người mẹ quá bực tức đứa con yêu quý của mình, nên thốt lên như vậy, nhưng bà mẹ lại hoàn toàn không muốn đứa con nhỏ yêu quý của mình gặp phải điều tai hại nào cả.

Không thấy đứa con yêu quý trở về nhà, người mẹ nhớ con, khổ tâm, đi tìm con mình. Khi đến nhà ông bà ngoại của con, thì đứa con chạy đến với mẹ, người mẹ ôm đứa con yêu quý vào lòng, hôn trên đầu con mà nói rằng: “Con yêu quý của mẹ! Mẹ thương yêu con lắm! Mẹ bực tức, chửi rủa, mắng nhiếc vậy thôi. Thật ra, mẹ rất thương yêu con, con là trái tim, là đôi mắt của mẹ, mẹ luôn luôn bảo vệ con, không để mọi điều rủi ro, tai hại xảy đến với con.” 

Tâu Đức Phụ-vương, người bị chửi rủa, mắng nhiếc một cách thậm tệ, nhưng người chửi hoàn toàn không muốn người bị chửi rủa, bị mắng nhiếc ấy gặp phải điều rủi ro, tai hại nào cả.

Tâu Đức Phụ-vương, người ấy là đứa con yêu quý của người mẹ trong cơn bực tức.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhì xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Rồi tán dương ca tụng, cúng dường những phẩm vật quý giá của cõi trời đến Đức-Bồ-tát rồi biến mất.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức-Bồ-tát giải đáp câu hỏi tiếp theo.

* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ ba của chư thiên rằng:

3- Những người nào vu cáo lẫn nhau, không có chứng cớ, những người ấy lại là những người yêu quý lẫn nhau. Vậy, những người ấy là ai vậy?

Đức-Bồ-tát Mahosadha giải đáp câu hỏi thứ ba rằng:

Tâu Đức Phụ-vương, khi nào hai vợ chồng ở nơi kín đáo, ái ân đùa cợt với nhau với tình thương yêu tha thiết trong đời. Khi ấy, hai người này vu cáo lẫn nhau bằng lời không thật rằng: “Anh có thương yêu gì em đâu! Hoặc em có thương yêu gì anh đâu!”

Buộc tội lẫn nhau không có chứng cớ rằng: “Tâm của anh đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến em nữa! Hoặc tâm của em đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến anh nữa!” Khi ấy, hai vợ chồng thương yêu, thắm thiết hơn bao giờ hết. 

Tâu Đức Phụ-vương, những người ấy là hai vợ chồng đang thương yêu nhau, thắm thiết với nhau nơi kín đáo.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ ba xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Rồi tán dương ca tụng, cúng dường những phẩm vật quý giá của cõi trời đến Đức-Bồ-tát rồi biến mất.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức-Bồ-tát giải đáp câu hỏi tiếp theo.

* Đức-vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ tư của chư thiên rằng:

4- Những người nào đến thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … những người thọ nhận vật dụng ấy gọi là nhận hợp pháp, được người thí-chủ tôn kính.

Vậy, những người ấy là ai vậy?

Đức-Bồ-tát Mahosadha giải đáp câu hỏi thứ tư rằng:

Tâu Đức Phụ-vương, câu hỏi thứ tư của vị chư thiên đề cập đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm hạnh cao thượng.

Thật vậy, những người nào có đức-tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, những người ấy muốn tạo những phước-thiện bố-thí, cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm-hạnh cao thượng. Cho nên, những bậc Sa-môn, bậc Bà-la-môn ấy thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … của thí chủ gọi là thọ nhận hợp pháp, được những thí chủ tôn kính, bởi vì những người thí chủ có được cơ hội tốt tạo được những phước-thiện bố-thí cao quý, cho quả báu an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Tâu Đức Phụ-vương, những người ấy là chư Sa-môn, chư Bà-la-môn thọ nhận vật dụng hợp pháp, được những người thí chủ ấy tôn kính nhất.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ tư xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Rồi tán dương ca tụng, cúng dường hộp đầy thất báu đặt dưới chân của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, rồi biến mất.

Khi ấy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát, và không còn lo sợ lời hăm dọa của vị chư thiên-nữa.

Đức-vua hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát nhiều phẩm vật quý giá, đặc biệt nhất, ban chức vị cao nhất:

Chức quan Senāpati: Chức quan Thừa-tướng đứng đầu trong triều đình cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ngay khi ấy.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app