Phần 8

Con Vẹt Trí-tuệ Suvapaṇḍita

Nhận được tin của lính điệp viên, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gọi Suvapaṇḍita đến bảo rằng:

Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con hãy bay đến đất nước Kapilaraṭṭha, do thám tình hình kinh-thành Uttara-pañcāla như thế nào, rồi con bay một vòng đến các kinh-thành khác xem xét, do thám tình hình các Đức-vua như thế nào rồi con bay trở về báo cho ta biết.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ân cần săn sóc con vẹt Suvapaṇḍita ăn uống bổ dưỡng đầy đủ, lấy dầu thoa đôi cánh cho khỏe, rồi thả bay đi do thám. Nó bay đến kinh-thành Uttarapañcāla đất nước Kapilaraṭṭha do thám xong, rồi bay đến các kinh-thành khác quan sát, do thám tình hình tại mỗi kinh-thành xong, nó bay trở lại kinh-thành Uttarapañcāla do thám một lần nữa.

Thời kỳ ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, có vị quân-sư là Bà-la-môn Kevaṭṭa. Hôm ấy, vị quân-sư Kevaṭṭa đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, hạ thần có chuyện bí mật, xin tâu lên Chúa-thượng. Trong kinh-thành không có chỗ vắng vẻ, kính thỉnh Chúa-thượng ngự đến vườn thượng uyển. 

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu rồi ngự vào vườn thượng uyển cùng với vị Bà-la-môn quân-sư Kevaṭṭa, có đoàn quân hộ giá. Khi đến vườn thượng uyển, Đức-vua truyền lệnh đoàn quân hộ giá canh gác bên ngoài, chỉ có Đức-vua ngự vào trong vườn thượng uyển cùng với vị quân-sư Kevaṭṭa mà thôi.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trên tảng đá an lành, còn quân-sư Kevaṭṭa ngồi gần bên. Khi ấy, con vẹt Suvapaṇḍita theo dõi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa, thấy thái độ khả nghi, nên nó nghĩ rằng: “Quân-sư Kevaṭṭa chắc chắn có chuyện bí mật, hệ trọng tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tại nơi này. Hôm nay, ta sẽ được nghe chuyện bí mật của các ngươi, để bay về báo cho chủ ta biết”. Nghĩ xong, nó bay đậu trên cành cây gần tảng đá an lành, có lá cây che kín. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Thưa quân-sư, chuyện bí mật như thế nào, quân-sư tâu cho Trẫm rõ.

Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ được nghe bằng hai lỗ tai của Chúa-thượng và hai lỗ tai của hạ thần mà thôi.

Tâu Chúa-thượng, nếu Chúa-thượng thực hiện theo kế sách của hạ thần thì Chúa-thượng sẽ trở thành Đức-vua cao cả nhất trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng bởi tâm tham vọng làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nên Đức-vua truyền bảo rằng:

Thưa quân-sư, xin quân-sư tâu cho Trẫm rõ, Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư.

Quân-sư Kevaṭṭa tâu kế sách rằng:

Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm bên ngoài kinh-thành nước nhỏ ấy, còn hạ thần làm sứ giả vào kinh-thành yết kiến Đức-vua nước ấy tâu rằng: “Tâu Đức-vua, Đức-vua là vua của một nước nhỏ, sức yếu, không nên đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn. Điều tốt nhất, Đức-vua nên thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tấn phong Đức-vua lại như cũ. Nếu Đức-vua đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn thì chắc chắn Đức-vua sẽ bị chiến bại rồi sẽ bị giết chết thê thảm.”

Nếu Đức-vua ấy chịu thần phục thì Chúa-thượng tấn phong Đức-vua ấy làm vua như cũ, rồi bắt Đức-vua ấy theo Chúa-thượng và sát nhập các đoàn binh nước nhỏ ấy vào các đoàn binh của Chúa-thượng.

Nếu Đức-vua ấy không chịu thần phục thì Chúa-thượng tiến quân xâm nhập vào chiếm kinh-thành, bắt giết Đức-vua nước ấy, đem các đoàn binh nước nhỏ ấy sát nhập vào các đoàn binh của Chúa-thượng.

Theo kế sách như vậy, Chúa-thượng chiếm 101 kinh-thành, bắt 101 Đức-vua làm chư hầu, gồm 101 các đội binh của nước ấy sát nhập vào các đoàn binh hùng mạnh của Chúa-thượng.

Khi nào Chúa-thượng đã tòan thắng, đã chiếm 101 kinh-thành, bắt 101 Vua chư hầu, khi ấy, Chúa-thượng cho tổ chức đại lễ mừng chiến thắng, cho mời 101 Vua chư hầu đến tham dự, uống rượu, ăn mừng chiến thắng ấy. Trong mỗi hũ rượu và đồ ăn uống của mỗi Đức-vua sẽ được trộn thuốc độc, khi 101 Vua chư hầu uống rượu, ăn thịt mừng trong buổi đại lễ ấy đều bị băng hà cả thảy.

Khi ấy, Chúa-thượng đương nhiên sẽ trở thành vị Đại-vương cao cả nhất (aggamahārājā) trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền rằng:

Thưa quân-sư Kevaṭṭa, thật là diệu kế! Thật là đại tài! Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư.

Quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa-thượng và hạ thần biết mà thôi, ngoài ra, không một ai có thể biết được.

Tâu Chúa-thượng, xin Chúa-thượng nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Được nghe trọn vẹn chuyện bí mật của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa, con vẹt Suva-paṇḍita (con vẹt trí-tuệ) bay sà xuống, ỉa phẩn rơi trên đầu quân-sư Kevaṭṭa, ông vừa ngẩng mặt lên, la rằng “Phẩn gì đây?” thì nó lại ỉa phẩn rơi vào miệng ông ta, rồi bay mau rời khỏi nơi ấy.

Con vẹt Suvapaṇḍita nghĩ rằng: “Này Kevaṭṭa! Chuyện bí mật ấy không chỉ bốn lỗ tai được nghe mà còn hai lỗ tai của ta và sẽ có hai lỗ tai của chủ ta Mahosadha-paṇḍita cũng được nghe nữa.”

Con vẹt Suvapaṇḍita bay thẳng về kinh-thành Mithilā, đến tư dinh của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, đậu trên vai của quan Thừa-tướng, có nghĩa là chuyện bí mật này chỉ nói một mình quan Thừa-tướng biết mà thôi. (Nếu nó đậu trên bắp vế của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho Đức-Bồ-tát và phu-nhân Amarādevī biết. Nếu nó đậu dưới nền thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho mọi người đều biết.)

Hiểu ý con vẹt Suvapaṇḍita, quan Thừa-tướng đem nó lên trên lâu đài rồi hỏi rằng:

Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con đã thấy, đã nghe biết chuyện gì phải không?

Con vẹt Suvapaṇḍita thưa rằng:

Kính thưa Ông chủ, con bay đi do thám đến các kinh-thành của các Đức-vua khác trong cõi Nam-thiện-bộ- châu thì tình hình vẫn bình thường, duy chỉ có Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha, có mưu đồ làm bá chủ tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này, do chuyện bí mật mà con đã nghe tại vườn thượng uyển.

Con vẹt Suvapaṇḍita tường thuật đầy đủ lại mọi chi tiết, chuyện bí mật mà vị quân-sư Kevaṭṭa tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và nhắc lại câu: “Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa-thượng và hạ thần biết mà thôi. Ngoài ra, không một ai có thể biết được…”. Nghe nó tường thuật lại chi tiết đầy đủ chuyện bí mật ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi:

Này Suvapaṇḍita yêu quý! Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta có chuẩn y theo kế sách của quân-sư Kevaṭṭa hay không?

Kính thưa Ông chủ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư Kevaṭṭa.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ân cần, chăm sóc đặc biệt con vẹt Suvapaṇḍita, thoa dầu đôi cánh cho nó, cho ăn uống những thứ bổ dưỡng rồi cho nằm nghỉ trong chiếc lồng vàng, đầy đủ tiện nghi. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Quân-sư Kevaṭṭa chưa biết ta nhiều, ta sẽ làm cho kế sách của y trở thành vô hiệu, dù Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta dẫn các đoàn binh hùng mạnh nhất đến vây kinh-thành Mithilā này, cũng vẫn bị thua kế của ta, rồi bỏ chạy.”

Nghĩ cách chống đỡ và tự vệ lâu dài, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ra lệnh dời những gia đình nghèo ra ngoài thành và dời những gia đình phú hộ giàu có, gia đình có chức quyền vào ở trong kinh-thành, cho làm nhiều kho chứa đầy thóc gạo, chứa đầy muối ăn, chứa đầy các thứ nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Quy hoạch vùng kinh tế, vùng trồng hoa màu, … dân chúng trong kinh-thành có thể sống tự túc lâu ngày, nếu khi kinh-thành bị quân địch bao vây.

Đức-Vua Cūḷanī Brahmadatta Chiếm 101 Kinh-Thành

Thực hiện theo kế sách mà vị quân-sư Kevaṭṭa tâu, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành của nước nhỏ, còn quân-sư Kevaṭṭa làm sứ giả vào trong kinh-thành để thuyết phục Đức-vua nước ấy chịu thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Sau đó, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự vào kinh-thành nước ấy, rồi tấn phong Đức-vua nước ấy trở lại làm Đức-vua chư hầu của mình, và sát nhập các đoàn binh của nước ấy tăng cường vào các đoàn binh của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Và cũng theo kế sách ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng với Đức-vua chư hầu ngự đi dẫn đầu các đoàn binh đã được tăng cường, kéo đến vây hãm kinh-thành của nước khác, buộc Đức-vua nước ấy cũng phải chịu thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi trở thành Đức-vua chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Tiếp tục theo kế sách vây hãm kinh-thành của các nước làm cho các Đức-vua của các nước ấy buộc phải thần phục, trong suốt thời gian bảy năm bảy tháng bảy ngày, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã thu phục được 101 kinh-thành, có được 101 Đức-vua chư hầu, làm tăng cường lực lượng các đoàn binh rất hùng mạnh chưa từng có với số lượng 18 akkhobhiṇī, nhưng chỉ còn kinh-thành Mithilā của Đức-vua Vedeha, đất nước Videharaṭṭha chưa chiếm được mà thôi.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thường nhận được tin tức từ những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng gửi về báo cho biết suốt cuộc hành trình của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thu phục được các kinh-thành, Đức-vua của nước ấy trở thành Đức-vua chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Sau khi đã thu phục 101 kinh-thành, có được 101 Đức-vua chư hầu, có các đoàn binh hùng mạnh như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dự định thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, để bắt buộc Đức-vua Vedeha phải chịu thần phục.

Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha gửi tin về báo cho quan Thừa-tướng biết rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta dự định đem các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, để bắt buộc Đức-vua Vedeha phải chịu thần phục. Kính báo tin trình cho quan Thừa-tướng biết.”

Biết được ý định của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, vị quân-sư Kevaṭṭa đến chầu Đức-vua tâu khuyên can rằng:

Tâu Chúa-thượng, kính xin Chúa-thượng không nên đem các đoàn binh vây hãm kinh-thành Mithilā, bởi vì trong kinh-thành Mithilā có vị Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, có nhiều mưu kế khôn cùng. Vả lại, xung quanh kinh-thành Mithilā được bảo vệ rất kiên cố vững chắc, các đoàn quân không dễ gì xâm nhập vào bên trong kinh-thành được.

Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng đã chiếm 101 kinh-thành, đã có 101 Đức-vua chư hầu, Chúa-thượng là một Đại-vương cao cả nhất trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, còn kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha nhỏ bé, có đáng gì đâu mà Chúa-thượng quan tâm đến. 

Vậy, kính xin Chúa-thượng ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh-thành Uttarapañcāla nghỉ ngơi.

Nghe lời khuyên can của quân-sư Kevaṭṭa, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh-thành Uttarapañcāla.

Khi ấy, những người lính điệp viên gửi tin báo cho quan Thừa-tướng biết rằng:

“Nghe lời khuyên can của vị quân-sư Kevaṭṭa, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu hồi cung ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla.”

Nhận được tin của điệp viên ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita truyền lệnh rằng:

“Các ngươi hãy nên theo dõi hành vi của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.”

Một hôm, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi quân-sư Kevaṭṭa đến bèn truyền hỏi rằng: 

-Thưa quân-sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm gì nữa?

Âm Mưu Sát Hại 101 Vua Chư Hầu

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi, vị quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, xin Chúa-thượng truyền lệnh cho tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển, để Chúa-thượng trở thành Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, chuẩn bị hằng trăm, hằng ngàn hũ rượu ngon và các món ăn có vị ngon lành.

Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha gửi tin báo cho quan Thừa-tướng biết rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh các quan tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển”. (Nhưng họ hoàn tòan không hay biết các hũ rượu và các món ăn dành cho 101 Đức-vua chư hầu có trộn thuốc độc, để đầu độc các Đức-vua chư hầu tại nơi ấy.)

Nhận được tin báo từ những lính điệp viên như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin cho họ rằng: “Các ngươi hãy báo tin cho ta biết rõ chính xác ngày đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng.”

Lính điệp viên nghiêm chỉnh thi hành theo lệnh của quan Thừa-tướng. Khi ấy, Quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita nghĩ rằng:

“Khi có ta là Mahosadhapaṇḍita thì không bao giờ để cho 101 Đức-vua phải bị băng hà theo mưu kế của quân-sư Kevaṭṭa. Ta sẽ cứu sống 101 Đức-vua ấy.” 

Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho gọi nhóm bạn 1.000 chiến sĩ anh hùng đến bảo rằng:

Này các bạn thân mến! Nghe tin báo rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, để tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng.”

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho mời 101 Đức-vua chư hầu đến dự đại lễ ăn mừng chiến thắng ấy.

Vậy, các ngươi hãy đến tại vườn thượng uyển ấy trước một ngày, làm bộ tranh giành chỗ ngồi của Đức-vua của mình. Như vậy, cuộc tranh cãi sẽ xảy ra, nhân dịp ấy, các ngươi hãy dùng cây đập bể các hũ rượu dành cho 101 Vua chư hầu và đổ bỏ các món ăn hết thảy.

Hoàn thành xong nhiệm vụ, các người la hét lên rằng: “Chúng tôi là lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha”, rồi các ngươi hãy mau trở về.

Nghe theo lời khuyên bảo của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, nhóm bạn 1.000 chiến sĩ anh hùng mang theo đủ năm thứ khí giới rời khỏi kinh-thành Mithilā tiến thẳng nhanh đến vườn thượng uyển của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Khi xâm nhập vào vườn thượng uyển, họ thấy khu vườn đã được trang hoàng lộng lẫy như vườn Nandavana của Đức-vua trời. Có ngai vàng cao, có lọng trắng của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nằm ngay ở giữa, dọc theo hai bên, có 101 ngai vàng thấp cũng có lọng trắng, trước mỗi ngai vàng có hũ rượu và các món đồ ăn đã được bày ra sẵn sàng, chờ đợi đến giờ Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự đến tham dự lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng.

Thi hành nhiệm vụ đúng theo mưu kế của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng tranh cãi với lính làm phận sự tại vườn thượng uyển, nhân cơ hội ấy, họ đập bể các hũ rượu và đổ bỏ tất cả các món đồ ăn, rồi họ la lớn lên rằng:

“Chúng ta là lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha đến đây phá hoại buổi đại lễ ăn mừng chiến thắng của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.”

Nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng rút lui lẹ làng trở về kinh-thành Mithilā được an toàn. Nhóm lính nhân viên làm phận sự tổ chức đại lễ ăn mừng chiến thắng vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, nhóm lính của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita từ kinh-thành Mithilā, đất nước Videha-raṭṭha, xâm nhập vào vườn thượng uyển gây gổ với lính làm nhiệm vụ trong vườn thượng uyển, rồi đập bể các hũ rượu và đổ bỏ các món ăn cả thảy, rồi rút đi về rồi.

Nghe những người lính tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn phẫn nộ trước hành động phá hoại của nhóm lính của quan Thừa-tướng Mahosadha, bởi vì, họ không chỉ phá hoại đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng, mà sự thật còn phá kế sách của quân-sư Kevaṭṭa đầu độc 101 Vua chư hầu băng hà trong ngày hôm ấy.

101 Vua chư hầu không biết mưu kế ấy nên cũng nổi cơn thịnh nộ rằng:

“Bọn lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita từ kinh-thành Mithilā đến phá hoại không cho chúng ta uống rượu ăn mừng chiến thắng.”

Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi 101 Đức-vua chư hầu rồi truyền lệnh rằng:

Này chư Đức-vua! Chúng ta sẽ dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh đến xâm nhập kinh-thành Mithilā, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, rồi chúng ta sẽ tổ chức đại lễ, uống rượu, ăn mừng chiến thắng hoàn tòan.

Vậy, chư Đức-vua hãy chuẩn bị chờ lệnh Quả-nhân.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi vị quân-sư Kevaṭṭa đến nơi kín đáo, truyền bảo rằng:

Thưa quân-sư, Trẫm cùng với 101 Đức-vua chư hầu thân chinh dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh, gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh-thành Mithilā, phá thành trì xâm nhập vào cung điện bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, để trị tội phá hoại đại lễ của chúng ta, Trẫm xin mời quân-sư cùng đi với Trẫm.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta quyết tâm như vậy, quân-sư Kevaṭṭa xét thấy dù có bao nhiêu đoàn binh hùng mạnh đến đâu đi nữa cũng vẫn không thể thắng được vị Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Cho nên, ông tìm cách khuyên can Đức-vua thay đổi ý định, quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, nhóm lính xâm nhập vườn thượng uyển, gây gổ, đập bể những hũ rượu và đổ bỏ các món đồ ăn, cốt để phá hoại đại lễ. Đó chắc chắn là nhóm chiến sĩ anh hùng của Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, họ mới dám làm chuyện phi thường như vậy. Đức-vua Vedeha không liên can đến chuyện phá hoại này.

Tâu Chúa-thượng, kinh-thành Mithilā được Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho bảo vệ an toàn, chắc chắn không có một đội quân nào có khả năng xâm nhập vào bên trong kinh-thành được.

Nếu Chúa-thượng đem các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā mà không xâm nhập vào bên trong kinh-thành được thì chỉ làm cho chúng ta bị xấu hổ mà thôi. Vì vậy, kính xin Chúa-thượng bỏ ý định đem các đoàn binh đến bao vây kinh-thành Mithilā. Đó là điều hay nhất.

Tuy quân-sư Kevaṭṭa khuyên can như vậy, nhưng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ỷ lại vào sức mạnh của các đoàn binh và tính ngã mạn của một Đại-vương nước lớn, nên không chịu bỏ ý định ban đầu, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dù có trí-tuệ đến đâu cũng vẫn không thể chống đỡ nổi sức mạnh phi thường các đoàn binh của Trẫm được!

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā. Quân-sư Kevaṭṭa không khuyên can được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, cũng không dám trái ý của Đức-vua, nên cũng đi theo hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Khi ấy, những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin báo cho quan Thừa-tướng biết rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh-thành Mithilā. Kính xin báo tin cho quan Thừa-tướng biết.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng các đoàn quân đến mỗi chặng đường, thì lính điệp viên đều báo tin về cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết rõ cuộc hành trình tiến quân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. 

Khi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự cầm đầu các đoàn binh đến gần kinh-thành Mithilā, quân lính triều đình đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh đông đảo không sao đếm được như đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh, … đến bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā rộng bảy do tuần.

Bốn vị quân-sư: quân-sư Senaka, quân-sư Pukkusa, quân-sư Kāminda và quân-sư Devinda cũng vào chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā.

Vậy, sinh-mạng của Bệ-hạ và sinh-mạng của các hạ thần cùng dân chúng trong kinh-thành Mithilā khó thoát khỏi cái chết.

Được tin lính điệp viên báo cho biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu truyền lệnh 18 akkhobhiṇī quân bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các quân lính đóng chặt bốn cửa thành, giữ gìn, bảo vệ kinh-thành cho được an toàn.

Sau đó, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đến chầu Đức-vua Vedeha. Nhìn thấy quan Thừa-tướng đến hầu, Đức-vua rất vui mừng, truyền bảo rằng:

Này hoàng-nhi Mahosadha yêu quý! Con đến thật đúng lúc, Phụ-vương đang khổ tâm vì hoảng sợ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu đem các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bao vây hãm kinh-thành Mithilā này ba vòng kín. 

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Con là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, không một ai sánh được. Con có kế sách nào để cứu giúp cho Phụ-vương, các vương gia, các quan trong triều đình và tòan thể dân chúng trong kinh-thành Mithilā này được an toàn sinh-mạng hay không?

Nghe Đức-vua Vedeha hoảng sợ truyền bảo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Vedeha sợ chết quá! Thầy thuốc giỏi có thuốc hay là nơi nương nhờ của bệnh nhân, vật thực là nhu yếu phẩm cho người đang đói, nước là thứ thiết yếu cho người đang khát.

Ngoài ta ra, không có ai là nơi nương nhờ của Đức-vua Vedeha và của tất cả những người khác trong kinh-thành Mithilā này.

Vậy, ta nên tâu lời an ủi để làm Đức-vua Vedeha an tâm”, nên tâu rằng:

Tâu Đức Phụ-vương, kính xin Đức Phụ-vương không nên hoảng sợ. Xin Đức Phụ-vương an hưởng mọi sự an-lạc trên ngai vàng. Con sẽ làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bỏ chạy, ví như người ném cục đất làm cho đàn quạ bay đi.

Nghe hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha an tâm. Quan Thừa-tướng đảnh lễ Đức-vua, rồi xin phép lui ra ngoài.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các lính thông báo cho tòan thể dân chúng trong kinh-thành Mithilā rằng:

Hỡi tòan thể dân chúng trong kinh-thành! Quan Thừa-tướng khuyên rằng: “Tất cả mọi người không nên lo sợ gì cả. Hãy mở hội lớn vui chơi bảy ngày, mọi người nên trang điểm đẹp đẽ, hãy đánh đàn, thổi kèn, ca hát, nhảy múa, vui chơi, vỗ tay, reo hò. Mọi người đều được ăn uống ngon lành no đủ tại mỗi trại lớn.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các lính đem cung cấp đầy đủ những đồ ăn thức uống, vật thơm, vật thoa cho mỗi trại, để cho mọi người đều được ăn uống no đủ, vui chơi thoả thích. Tất cả mọi người trong kinh-thành từng đoàn, từng đoàn đờn ca, nhảy múa, vỗ tay, reo hò, âm thanh vang ra bên ngoài thành.

Dân chúng ở bên ngoài thành kéo nhau vào nội thành bằng con đường nhỏ có lính kiểm soát, để thưởng thức các món ăn thức uống vui chơi. Trong số dân chúng vào nội thành ấy, có số lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Dù lính canh gác kiểm soát của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết lính của kẻ thù, nhưng vẫn cho ra vào tự do như những người dân ngoại thành trong đất nước Videharaṭṭha.

Bên ngoài thành, nghe được âm thanh tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng ca hát, tiếng reo hò từ trong thành vang dội ra, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi các quan rằng:

Này các khanh! Chúng ta vây hãm kinh-thành với các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân như thế này, tại sao dân chúng trong kinh-thành không biết sợ, không biết lo lắng gì cả mà chỉ biết vui chơi, đàn ca, múa hát, vỗ tay, reo hò như vậy?

Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita tâu dối với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

Tâu Đại-vương, một số lính của ta len lỏi theo đám dân chúng ngoại thành vào trong nội thành bằng con đường nhỏ, thấy dân chúng vui chơi, ca hát, nhảy múa, ăn uống no đủ, mới hỏi họ rằng:

Này các ngươi! Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu trong cõi Nam-thiện-bộ-châu hỗ trợ, đem các đoàn quân đông đảo gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā này của các ngươi. Tại sao các ngươi dể duôi, ham vui chơi, không biết lo sợ vậy?

Dân chúng trong nội thành trả lời rằng:

Này ông! Ông không biết hay sao! Đức-vua Vedeha của chúng tôi, khi còn trẻ tuổi, lên ngôi vua có mơ ước rằng: “Khi nào các Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này đến bao vây kinh-thành Mithilā của chúng ta, khi ấy, Đức-vua của chúng tôi sẽ cho phép dân chúng ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt bảy ngày đêm.”

Hôm nay, điều mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Cho nên, Đức-vua truyền lệnh cho phép dân chúng trong kinh-thành được phép ăn uống no đủ, vui chơi, đờn kèn, ca hát, nhảy múa, reo hò suốt bảy ngày đêm.

Nghe lời tâu dối của người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh các đoàn binh rằng:

Này các tướng sĩ anh dũng! Các ngươi hãy mau tiến quân vào phá thành trì, xâm nhập vào bên trong kinh-thành giết sạch dân chúng trong kinh-thành, bắt Vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra nạp cho Trẫm, để Trẫm trị tội.

Tuân lệnh của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, các đoàn quân anh dũng tiến vào, vất vả lắm mới vượt qua được đường nước thứ nhất đầy cá sấu nguy hiểm, đến đường nước đầy sình lầy thứ nhì đầy cá sấu rất nguy hiểm hơn nữa, đến đường nước thứ ba đầy chông gai và cá sấu, họ vất vả khó khăn lắm mới vượt qua ba đường nước xung quanh bên ngoài thành. 

Tiến gần đến tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, vững chắc, những người lính của quan Thừa-tướng Maho-sadha đứng trên thành, ném đá, bắn tên xuống làm cho quân lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bị thương vong rất nhiều, không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui một cách vất vả cũng như khi tiến vào. Đoàn quân anh dũng ấy tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

Tâu Đại-vương, xung quanh thành trì có ba đường nước sình lầy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, làm cho các đoàn quân của chúng ta bị chết và bị thương nhiều. Khi đã vượt qua được ba đường nước ấy, đến gần tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị lính trên thành ném đá, bắn tên xuống làm cho các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị thương vong rất nhiều. Các đoàn quân của chúng ta không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui cũng vất vả khó khăn như khi tiến vào.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đóng quân bên ngoài kinh-thành 4-5 ngày đêm, mà không tìm ra phương kế nào để xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā được. Đức-vua truyền hỏi quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Thưa quân-sư, đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể nào đến gần chân thành trì được.

Vậy, quân-sư có phương kế nào để cho đoàn quân anh dũng của chúng ta xâm nhập vào bên trong kinh-thành được?

Quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, nước uống, nước dùng hằng ngày của mọi người dân bên trong kinh-thành được lấy từ bên ngoài kinh-thành. Khi dân chúng trong kinh-thành thiếu nước, họ phải mở cửa thành để đi lấy nước.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào kinh-thành bằng cánh cửa ấy. Vì vậy, chúng ta chờ dân chúng trong kinh-thành thiếu nước vậy.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho là hợp lý. Đức-vua truyền lệnh cấm không cho ai đem nước vào trong kinh-thành.

Lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita viết thư cột trên đầu mũi tên, lén bắn vào bên trong kinh-thành.

Quan Thừa-tướng ra lệnh lính đi tuần, nếu nhìn thấy giấy trên đầu mũi tên thì đem vào trình cho quan Thừa-tướng biết ngay. Lính đi tuần nhặt được giấy trên đầu mũi tên, đem vào trình cho quan Thừa-tướng.

Đọc tờ giấy, biết như vậy, quan Thừa-tướng nghĩ rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thật là không biết ta là Mahosadhapaṇḍita!”, rồi quan Thừa-tướng ra lệnh cho lính dẫn nước xuống chỗ trũng rồi trồng cây bông sen trắng do một đạo-sĩ đem từ hồ nước lớn gần núi Himavanta. Do oai lực của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita cây bông sen trắng lớn nhanh.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cắt cọng bông sen trắng ném ra bên ngoài thành, để cho nhóm lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhặt được.

Một người lính điệp viên của của quan Thừa-tướng đem cọng bông sen trắng đến trình lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương xem cọng bông sen trắng dài chưa từng thấy như thế này. 

Này các khanh! Cọng bông sen trắng này dài bao nhiêu vậy?

Người lính điệp viên ấy đo cọng bông sen trắng ấy dài 60 cùi tay, nhưng tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là dài 80 cùi tay. Đức-vua truyền hỏi:

Này các khanh! Các khanh có được cọng bông sen trắng này từ đâu vậy?

Tâu Đại-vương, chúng thần nhặt được cọng bông sen trắng này từ bên trong kinh-thành ném ra ngoài.

Tâu Đại-vương, một hôm, hạ thần xen lẫn trong đám dân chúng vào bên trong kinh-thành ăn uống, vui chơi với họ, hạ thần nhìn thấy một hồ nước rộng lớn. Nghe người ta nói hồ nước sâu hơn 100 cùi tay, trong hồ có nhiều loại hoa sen.

Tâu Đại-vương, trong kinh-thành có nhiều hồ nước rộng lớn sâu như vậy. Những hồ nước này để cho dân chúng trong nội thành dùng để ăn uống hằng ngày.

Nghe người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Thưa quân-sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā bằng cách chờ dân chúng thiếu nước, mở cửa thành ra lấy nước uống, nước dùng. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh-thành có rất nhiều hồ nước lớn và sâu.

Quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, thóc gạo là nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống mà dân chúng bên trong kinh-thành sống nhờ thóc gạo từ bên ngoại thành đem vào. Đến khi thóc gạo trong kinh-thành hết thì dân chúng bên trong kinh-thành phải mở cửa thành đi ra lấy thóc gạo. 

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bằng cửa thành ấy. Vì vậy, chúng ta chờ bên trong kinh-thành hết thóc gạo vậy.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghe hợp lý, rồi truyền lệnh cấm dân chúng đem gạo vào bên trong kinh-thành Mithilā.

Lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào bên trong kinh-thành báo tin cho quan Thừa-tướng biết như vậy.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đem bùn đắp trên bờ quanh thành rồi gieo lúa. Do oai lực của quan Thừa-tướng, cây lúa lên cao, xanh rờn quanh trên bờ thành. Nhìn thấy trên bờ thành có màu xanh rờn, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Trên bờ quanh thành có đám cỏ gì màu xanh rờn vậy?

Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, nghe nói rằng Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, thấy rõ, biết rõ những sự việc trong quá-khứ, trong hiện-tại và những sự việc sẽ xảy ra trong vị-lai. Biết trong thời vị-lai sẽ có xảy ra sự việc các đoàn quân các nước ngoài đến bao vây kinh-thành Mithilā. Cho nên, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita làm nhiều kho thóc gạo lớn, đem thóc gạo từ bốn vùng lúa mạch của bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc về chất đầy các kho lớn, phần còn dư đem đổ trên bờ thành, nên đám lúa mọc xanh rờn như vậy.

Một hôm, hạ thần đi theo dân chúng vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ, hạ thần đứng nhìn kho thóc gạo lớn, người ta mời hạ thần:

“- Này bạn! Bạn có cần thóc gạo bao nhiêu, mời bạn lấy đem về cho gia đình”.

Nghe người lính điệp viên của quan Thừa-tướng tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo với quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Thưa quân-sư, các quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào trong kinh-thành Mithilā bằng cách chờ bên trong kinh-thành hết thóc gạo. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh-thành có nhiều kho thóc lúa đầy đủ. 

Vậy quân-sư còn có cách nào nữa?

Quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:

Tâu Chúa-thượng, dân chúng nấu nướng các món ăn thức uống đều phải dùng đến củi, mà dân chúng bên trong kinh-thành phải lấy củi từ bên ngoài thành đem vào. Đến khi hết củi dân chúng bên trong kinh-thành phải mở cửa thành ra lấy củi.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh-thành bằng cửa thành ấy. Vì vậy, chúng ta chờ bên trong kinh-thành hết củi vậy.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho là hợp lý, nên truyền lệnh cấm không cho một ai đem củi vào trong kinh-thành Mithilā.

Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào trong kinh-thành, báo tin cho quan Thừa-tướng biết như vậy.

Nhận được tin báo của người lính điệp viên, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đứng trên thành ném củi ra cho lính đang vây quanh thành la lớn rằng:

Này các bạn! Các bạn hãy lấy củi đem nấu nướng các món ăn thức uống thoải mái, chúng tôi có nhiều củi. 

Những người lính trên thành ném củi ra ngoài, chất thành một đống cao lớn, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đi quan sát, nhìn thấy đống củi cao lớn ấy bèn truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Các khanh lấy củi từ đâu mà chất thành đống cao lớn như vậy?

Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosatha-paṇḍita theo hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

Tâu Đại-vương, đống củi này từ những người lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên thành ném ra cho lính của Đại-vương để nấu nướng đồ ăn thức uống.

Tâu Đại-vương, nghe nói Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, thấy xa, biết rộng, biết rõ rằng trong thời vị-lai, kinh-thành Mithilā này sẽ bị quân các nước đến bao vây. Cho nên, Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita cho đào các hồ nước lớn và sâu để chứa nước, cho xây dựng các kho chứa thóc gạo đầy đủ, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết đầy đủ cho dân chúng, củi chất thành đống lớn xung quanh thành, v.v… để cho tòan thể dân chúng bên trong kinh-thành Mithilā có thể sống tự túc thời gian lâu dài, mà không cần bên ngoại thành cung cấp.

Nghe người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân-sư Kevaṭṭa rằng:

Này quân-sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào trong kinh-thành bằng cách chờ bên trong kinh-thành hết củi nấu nướng, bởi vì củi dự trữ trong kinh-thành nhiều đến nỗi lính trong thành ném ra cho chúng ta đống củi lớn như thế này. 

Vậy, quân-sư còn có cách nào nữa không? 

Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng chớ nên lo lắng, hạ thần còn có cách khác nữa.

Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

Trẫm thấy cách nào của quân-sư cũng đều vô vọng cả. Nếu chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā này được thì chúng ta chỉ có cách dẫn các đoàn binh trở về nước mà thôi.

Khi ấy, quân-sư Kevaṭṭa cảm thấy tự ái, xấu hổ, vì bị Đức-vua xem ông là kẻ bất tài nên nghĩ: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dẫn các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā này ba vòng. Kinh-thành Mithilā chỉ là một kinh-thành của nước nhỏ mà tại sao các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong được, bởi vì trong kinh-thành ấy có Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Mahosadhapaṇḍita là bậc đại trí, thì ta cũng là bậc đại trí.”

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app