Phần 19

Thống Tướng Dạ-Xoa Chọn Cách Giết Đức-Bồ-Tát

Đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Nếu Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita còn sống thì ta chẳng có lợi ích gì cả.

Vậy, ta phải giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lấy trái tim thịt của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem đến cõi long cung, dâng lên bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, rồi đón rước công-chúa Irandhatī đem về cõi trời của ta.

Ta không nên giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng đôi bàn tay của ta, mà ta nên giết chết bằng cách làm cho Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoảng sợ khiếp vía kinh hồn mà chết.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra một Dạ-xoa to lớn hung dữ nhào đến vồ Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nằm ngã xuống, nắm đôi chân bỏ vào hai hàm răng trong miệng làm như ăn thịt, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư không một chút sợ hãi nào. 

* Tiếp theo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra con sư tử chúa chạy đến gầm gừ như muốn cắn xe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita để ăn thịt, nhưng cũng không làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita sợ hãi chút nào.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra một con voi chúa có đôi ngà nhọn chạy đến như đâm vào Đức-Bồ-tát, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita không hề tỏ ra sợ hãi chút nào.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra con rắn hổ mang chúa to lớn và dài bò đến quấn vào thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phùng mang trước mặt Đức-Bồ-tát, dù làm như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư vẫn tự nhiên không hề biết sợ hãi gì cả.

* Tiếp theo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra trận bão lớn thổi đến để làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rơi xuống núi chết tan xương nát thịt, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trận bão lớn ấy không thể làm một sợi tóc Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lay động.

* Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn nằm trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka làm cho núi Kāḷapabbata rung chuyển, làm nghiêng qua nghiêng lại, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư nên Ngài vẫn nằm yên không hề bị xê dịch.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra trận sấm sét dữ dội trên hư không làm cho núi, mặt đất rung chuyển với mục đích làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita vỡ tim ra chết vì tiếng sấm sét ấy, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiếng sấm sét ấy không làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita run sợ chút nào cả. 

Thật ra, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita biết rõ những cảnh tượng ấy do chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy biến hóa ra như tên Dạ xoa hung dữ, con sư tử chúa, con voi chúa, con rắn hổ mang chúa, trận bão lớn, làm núi rung chuyển, tiếng sấm sét, chứ không phải ai khác.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Ta không thể giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng cách nhờ năng lực bên ngoài, thì ta sẽ giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng đôi tay của ta vậy.”

* Lần thứ nhất, đứng trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 15 do tuần, liền sau đó thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đem Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại lên đỉnh núi.

* Lần thứ nhì, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 30 do tuần, liền sau đó thống tướng Dạ xoa đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết.

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đem Đức-Bồ-tát trở lại lên đỉnh núi.

* Lần thứ ba, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 60 do tuần, liền sau đó thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết. 

Khi ấy, Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Dù ta đã tự tay ném Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rơi xuống núi đến ba lần vẫn không chết.

Vậy, ta nên nắm chặt đôi chân của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rồi đập cái đầu của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita xuống đỉnh núi làm cho bể nát đầu, thì chắc chắn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phải chết thôi.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát đưa lên cao, cái đầu chúc xuống rồi đem Đức-Bồ-tát trở lại lên đỉnh núi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Chàng trai trẻ này lần thứ nhất, ném ta rơi xuống sâu 15 do tuần; lần thứ nhì, ném ta rơi xuống sâu 30 do tuần; lần thứ ba, ném ta rơi xuống sâu 60 do tuần. Ta muốn biết do nguyên nhân nào mà y cố gắng giết ta chết như vậy.”

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đang bị thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nắm hai chân đưa lên cao cái đầu chúc xuống, nhưng không hề sợ hãi, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bình tĩnh truyền hỏi Dạ xoa rằng:

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi có vẻ cao thượng, nhưng chẳng cao thượng chút nào, ngươi có vẻ là người lương thiện, nhưng chẳng lương thiện chút nào.

Nếu ngươi đã tạo ác-nghiệp sát-sinh thì ngươi là kẻ ác đáng chê trách. Bây giờ ngươi định đập cái đầu ta trên đỉnh núi này để cho ta chết, ngươi có được sự lợi ích gì?

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta biết ngươi thuộc hàng chư thiên. Vậy, ngươi thuộc hàng chư thiên loại nào vậy?

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng: 

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi thuộc hàng Dạ-xoa, tên là Puṇṇaka là thống-tướng của Đại Thiên-vương Kuvera.

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, sở dĩ tôi cố gắng giết Ngài Đại-Pháp-sư là vì tôi yêu say đắm công-chúa Irandhatī rất xinh đẹp tuyệt vời của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā cõi long cung.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi là kẻ si mê, sai lầm. Ngươi yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời. Vậy, do nguyên nhân nào mà ngươi lại muốn giết ta chết.

Xin ngươi hãy nói rõ cho ta biết nguyên nhân ấy?

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā có nhiều oai lực cõi long cung, tôi xin làm lễ thành hôn với công-chúa Irandhatī, thì Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā đặt điều kiện truyền bảo tôi rằng:

“- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī của Trẫm muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, nếu ngươi có khả năng đem trái tim của vị Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp thì Trẫm sẽ ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời cho ngươi làm phu-nhân.

Trẫm chỉ cần trái tim của vị Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita mà thôi, ngoài ra, Trẫm không cần một thứ của cải nào khác.”

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi không phải là kẻ si mê, tôi không phải là kẻ sai lầm gì cả. Nếu khi tôi được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita một cách hợp pháp, tôi đem dâng trái tim ấy đến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā thì Đức-Long-vương và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī sẽ ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời cho tôi làm phu-nhân.

Vì vậy, tôi cố gắng giết Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita chết, rồi tôi lấy trái tim của Ngài, để tôi được thành tựu điều mong ước của tôi, là được thành hôn với công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời ấy.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trình bày nguyên nhân như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Chắc chắn đó là sự hiểu sai ý của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, bà ấy không phải muốn trái tim thịt của ta.

Sự thật, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā nghe pháp của ta phát sinh đức-tin trong sạch đem dâng viên ngọc maṇi báu đến ta gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Khi trở về cõi long cung Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā thuật lại cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī về chuyện ta thuyết pháp hay, rồi tán dương ca tụng ta làm cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī cũng muốn nghe pháp của ta, lại nói muốn được trái tim của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā hiểu sai ý là “trái tim thịt” của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khiến cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cũng hiểu sai lầm theo Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, cho nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã cố gắng giết ta chết, để lấy trái tim của ta.

Nay, ta đã tìm ra được nguyên nhân như vậy, thế mà thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã hành hạ ta chịu bao nỗi khổ thân như thế này!

Thật ra, nếu thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka giết ta chết, y chẳng được ích lợi gì.

Vậy, ta nên khuyên bảo cho y hiểu biết đúng sự thật.”

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vẫn còn nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đưa lên cao, cái đầu chúc xuống đất.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita truyền bảo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta biết pháp sādhunaradhamma: pháp của người thiện. Ngươi hãy để cho ta ngồi trên đỉnh núi.

Hôm nay, ta sẽ thuyết giảng các pháp của người thiện cho ngươi nghe trước, sau đó ngươi hãy giết ta chết, rồi lấy trái tim của ta.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Pháp của người thiện, ta chưa từng nghe.

Vậy, ta nên đặt Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trên đỉnh núi, để cho Ngài Đại-Pháp-sư thuyết giảng các pháp của người thiện cho ta nghe xong, rồi ta sẽ giết Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi sẽ lấy trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư sau.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta cần tắm rửa sạch sẽ trước, rồi ta sẽ thuyết-pháp sau.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đem nước sạch đến cho Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm rửa sạch sẽ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dâng đến Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư một bộ y phục cõi trời, mang vật thực đến mời Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dùng, còn thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đi tìm các thứ hoa đem về làm một pháp tòa xinh đẹp và trang hoàng xung quanh đỉnh núi Kāḷapabbata.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thỉnh Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lên ngồi trên pháp tòa thuyết-pháp.

Bốn Pháp Của Con Người Thiện

Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng bốn pháp của con người thiện (sādhunara-dhamma) rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka!

* Người hành theo con đường mà người xưa đã hành.

* Người không nên đốt bàn tay mềm mại.

* Người không bao giờ làm khổ bạn.

* Người không nên rơi vào năng lực của đàn bà.

Nghe bốn pháp của con người thiện (sādhunaradhamma) thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka không hiểu rõ, nên thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giảng giải rộng rằng:

Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Ngài giảng giải rộng từng mỗi pháp rằng:

* Thế nào gọi là người hành theo con đường mà người xưa đã hành?

* Thế nào gọi là người không nên đốt bàn tay mềm mại?

* Thế nào gọi là người không bao giờ làm khổ bạn?

* Thế nào gọi là người không nên rơi vào năng lực của đàn bà? 

Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giảng giải rộng bốn pháp của con người thiện cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghe rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người chủ mời người khách nào đến nhà, đối xử tử tế, đón rước tiếp đãi niềm nở với người khách ấy, thì người khách ấy cần phải có bổn phận biết ơn và biết đền đáp ơn người chủ ấy.

Chư bậc thiện-trí gọi là “Người hành theo con đường người xưa đã hành”, có nghĩa là người chủ đã đối xử tử tế, đã tiếp đãi niềm nở với người khách nào, thì người khách ấy cần phải có bổn phận biết ơn và biết đền đáp công ơn người chủ, hay người sau phải nên bắt chước noi gương người trước ấy.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người thực-hành như vậy, gọi là người hành theo con đường mà người xưa đã hành.

Đó là pháp thứ nhất của con người thiện.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người nào đến nương nhờ nơi nhà của người chủ nào, được tiếp đãi tử tế, dù chỉ một đêm, vẫn không nên nghĩ xấu đến người chủ ấy.

Như vậy, gọi là người không nên đốt bàn tay mềm mại.

Đó là pháp thứ nhì của con người thiện.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người nào ngồi hoặc nằm dưới bóng mát của cây nào, khi rời khỏi cây ấy, thì người ấy không nên bẻ cành, ngắt lá của cây ấy.

Cây thuộc về thực vật không có tâm thức mà người ấy không làm tổn thương đến cây ấy, huống hồ là con người, thì người ấy chắc chắn không bao giờ làm hại bạn được.

Như vậy, gọi là người không bao giờ làm khổ bạn.

Đó là pháp thứ ba của con người thiện. 

Người đàn bà nào được người chồng yêu quý nhất, được người chồng hết mực thương yêu chiều chuộng. Dù cho người chồng cho người vợ các thứ ngọc ngà châu báu, nhưng khi người đàn bà ấy có cơ hội gặp người đàn ông khác, thì người đàn bà ấy vẫn phụ bạc chồng, đi theo người đàn ông khác. 

Cho nên, người đàn ông không nên rơi vào năng lực của người đàn bà ấy.

Đó là pháp thứ tư của người thiện.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka!

* Người hành theo con đường mà người xưa đã hành là như vậy.

* Người không nên đốt bàn tay mềm mại là như vậy.

* Người không bao giờ làm khổ bạn là như vậy.

* Người không nên rơi vào năng lực của người đàn bà là như vậy.

Đó là bốn pháp của con người thiện.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi hãy nên từ bỏ mọi ác-nghiệp, mà nên thực-hành theo mọi đại-thiện-nghiệp, nên từ bỏ tà-kiến mà theo chánh-kiến thì ngươi sẽ được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Thống-Tướng Dạ-Xoa Puṇṇaka Tỉnh Ngộ

Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita thuyết giảng bốn pháp của con người thiện, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tỉnh ngộ, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, có trí-tuệ biết mình nên nghĩ rằng:

“Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita này đã đối xử tử tế, đã tiếp đãi ta rất chu đáo, cho người phục vụ ta đầy đủ mọi thứ cần thiết, đờn ca múa hát làm ta rất hài lòng trong suốt ba ngày đêm tại tư dinh của Ngài Đại-Pháp-sư, nhưng ta không biết ơn và biết đền đáp công ơn đối với Ngài Đại-Pháp-sư, mà còn hành hạ Ngài Đại-Pháp-sư đủ mọi cách, cốt để giết Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi lấy trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư, bởi vì ta yêu say đắm công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, khiến cho ta tạo mọi ác-nghiệp, làm hại bạn như vậy.

Ta không chỉ làm khổ Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, ân nhân của ta mà còn làm khổ vợ con thân quyến của Ngài Đại-Pháp-sư cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành Indapattha và dân chúng trong đất nước Kuru nữa.

Nếu ta không thực-hành theo thiện-pháp của bậc thiện-trí thì ta là kẻ ác, ta tạo ác-nghiệp vì yêu say đắm công-chúa Irandhatī, rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

Vậy, lợi ích gì mà ta muốn thành hôn với công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī nữa.”

Nghĩ xong, Dạ xoa Puṇṇaka thưa với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi đã nương nhờ nơi tư dinh của Ngài Đại-Pháp-sư suốt ba ngày đêm, Ngài Đại-Pháp-sư đã ân cần tiếp đãi tôi hết mực tử tế.

Thật ra, tôi vốn là người mà trước đây Ngài Đại-Pháp-sư chưa từng quen biết bao giờ, đáng lẽ ra tôi phải là người biết ơn Ngài Đại-Pháp-sư, và biết đền đáp ơn Ngài Đại-Pháp-sư, nhưng tôi lại làm khổ Ngài Đại-Pháp-sư bằng nhiều cách. 

Nhờ nghe bốn pháp của con người thiện mà Ngài Đại-Pháp-sư đã thuyết giảng, nên tôi được tỉnh ngộ, nhận thức được sự sai lầm của tôi.

Vậy, tôi thành tâm sám hối tội lỗi ấy với Ngài Đại-Pháp-sư. Kính xin Ngài Đại-Pháp-sư tha thứ tội lỗi ấy cho tôi.

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời dạy của Ngài thật là kỳ diệu, làm cho tôi tỉnh ngộ, tôi không dám tạo ác-nghiệp tội lỗi nữa. Ngài Đại-Pháp-sư cũng được thoát chết.

Ngay bây giờ, Ngài Đại-Pháp-sư không còn thuộc về tôi nữa, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoàn tòan được tự do. Dù công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời như thế nào, tôi cũng không còn quan tâm mong ước nữa, dù bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī bệnh hoạn thế nào, tôi cũng không còn quan tâm nữa.

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, ngay bây giờ, kính mời Ngài Đại-Pháp-sư lên ngồi phía trước con ngựa báu, tôi ngồi phía sau, sẽ tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư trở về kinh-thành Indapattha, đáp xuống trước giảng đường trong cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi chớ vội đưa ta trở về kinh-thành Indapattha, ta nhờ ngươi đưa ta đến cõi long cung mà ta chưa từng thấy, để gặp Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka thưa rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt không nên đến cõi long cung ấy rất nguy hiểm đến tính mạng của Ngài, bởi vì nơi ấy, kẻ thù đang chờ đợi trái tim của Ngài.

Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta biết rõ điều đó, nhưng ta không sợ. Trước đây ngươi là thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hung ác mà ta đã thuyết phục ngươi trở thành thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thiện-trí, thì ta cũng có khả năng thuyết phục Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī trở thành thiện-trí được vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nhận lời yêu cầu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita Đến Cõi Long Cung

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka mời Đức-Bồ-tát lên con ngựa báu ngồi sau, còn thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka ngồi trước, để bảo vệ Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, rồi bay thẳng đến cõi long cung do oai lực của thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nhìn thấy cảnh long cung có các lâu đài bằng các loại ngọc quý, các long nam long nữ rất xinh đẹp từng đoàn từng đoàn đờn ca múa hát vui vẻ với nhau, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến trước cung điện của Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā.

Nhìn thấy thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trở về mà không thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita (bị che khuất) Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi rằng:

Này Puṇṇaka! Ngươi hãy đến cõi người tìm trái tim Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt đem đến cõi long cung này được hay không?

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, hạ thần đã thỉnh được Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt đến cõi long cung này một cách hợp pháp rồi.

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc với giọng hay làm cho người nghe tỉnh ngộ từ bỏ ác-nghiệp, tạo mọi thiện-nghiệp, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại lẫn những kiếp vị-lai.

Cho nên, được gần gũi thân cận với bậc đại-thiện-trí như Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mới đem lại sự an-lạc thật sự. Tâu Đức-Long-vương.

Sau khi tâu xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vào yết kiến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā.

Nhìn thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ mới truyền bảo rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là loài người đến cõi long cung là nơi chưa từng thấy, Ngài không sợ tai hoạ sự chết xảy đến với Ngài hay sao?

Tại sao Ngài không chịu đảnh lễ Trẫm. Như vậy, Ngài có xứng đáng được gọi là bậc đại-thiện-trí hay không?

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, tôi là người không biết sợ tai họa là cái chết xảy đến với tôi, cũng không một thế lực nào có thể khuất phục tôi được. 

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, tôi biết rằng: “Đức-Long-vương truyền lệnh giết tôi chết. Vì vậy, tôi đảnh lễ Đức-Long-vương sao được. Vả lại, sự đảnh lễ cũng không đem lại sự lợi ích gì cho tôi cả.”

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời tâu của Ngài thật là hợp lý. Người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā rất hài lòng hoan hỷ trong lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư. Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vấn an với nhau. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư tâu hỏi rằng:

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Đức-Long-vương trị vì cõi long cung này có các lâu đài bằng vàng bạc, có các thứ ngọc quý được trang hoàng các lâu đài nguy nga tráng lệ này, có được do nhờ ai không? Hoặc các lâu đài này phát sinh lên tự nhiên? Hoặc tự tay Đức-Long-vương xây dựng lên? Hoặc do chư thiên hóa ra rồi dâng lên Đức-Long-vương?

Kính xin Đức-Long-vương truyền bảo cho tôi biết được không? 

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm trị vì cõi long cung có được các lâu đài nguy nga tráng lệ này không phải do nhờ ai cả, cũng không phải phát sinh lên tự nhiên, cũng không phải tự tay Trẫm xây dựng lên, cũng không phải do chư-thiên hóa ra rồi dâng đến Trẫm.

Sự thật, Trẫm có được các lâu đài nguy nga tráng lệ này, đó chỉ là quả của phước-thiện mà Trẫm đã tạo trong tiền-kiếp mà thôi.

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, trong tiền-kiếp của Đức-Long-vương đã từng tạo những phước-thiện nào? Đã thực-hành phạm hạnh như thế nào? Mà kiếp hiện-tại này sinh làm Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā trị vì cõi long cung này, có nhiều phép thần thông biến hóa, có sức mạnh phi thường, có các lâu đài nguy nga tráng lệ như thế này?

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong tiền-kiếp của Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī, sinh làm người trong kinh-thành Kālacampā, đất nước Aṅga. Hai chúng tôi là người tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, thường làm phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực, y phục, chỗ ở thuốc trị bệnh v.v… đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn một cách cung kính. Đó là những phước-thiện mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng tạo trong kiếp quá-khứ.

Và tiền-kiếp của hai chúng tôi là người có giới, giữ gìn ngũ-giới trong sạch và đầy đủ.

Đó là pháp-hành-giới mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng hành.

Kiếp hiện-tại tôi là Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī như thế này. Đó là quả của các đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng tạo phước-thiện trong kiếp người.

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Đức-Long-vương trị vì cõi long cung này có các lâu đài bằng vàng ngọc nguy nga tráng lệ như thế này. Đó là quả của phước-thiện bố-thí, giữ-giới mà Đức-Long-vương đã từng tạo trong tiền-kiếp.

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, những quả của phước-thiện này thuộc về các pháp-hữu-vi có sự sinh, sự diệt, đều là vô-thường, không bền vững lâu dài. Bởi vậy cho nên, xin Đức-Long-vương chớ nên dễ duôi trong mọi thiện-pháp.

Cho nên, Đức-Long-vương nên tạo các thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, để kiếp hiện-tại hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung và những kiếp vị-lai.

Nghe bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ truyền thưa rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong cõi long cung này không có chư Sa môn, Bà-la-môn để cho chúng tôi làm phước-thiện bố-thí, cũng dường vật thực, y phục, v.v…

Vậy, chúng tôi tạo các đại-thiện-nghiệp bằng cách nào? Kính xin Ngài Đại-Pháp-sư chỉ dạy cho chúng tôi.

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, trong cõi long cung, Đức-Long-vương có thể tạo mọi phước-thiện như Đức-Long-vương không nên làm khổ các loài long như các long nam, các long nữ, các quan quân, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, các hoàng-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, v.v… bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Đức-Long-vương nên rải tâm từ đến tất cả các loài long trong cõi long cung này. 

Đức-Long-vương chớ nên dễ duôi trong mọi thiện-pháp, cố gắng thọ trì bát-gới trong những ngày giới hằng tháng cho đến hết tuổi thọ.

Như vậy, Đức-Long-vương sẽ hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung này cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi Đức-Long-vương băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau lên cõi trời dục-giới, sẽ được hưởng mọi sự an-lạc cao quý hơn cõi long cung này gấp bội lần.

Nghe Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết dạy như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā phát sinh đại thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, nên nghĩ rằng:

“Ta nên thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, để Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp tế độ cho Chánh-cung Hoàng-hậu của ta hầu phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ trong lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà diệt tâm tham muốn trước kia, rồi ta sẽ tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha gặp lại Đức-vua Dhanañcaya Korabya đang ngày đêm trông ngóng.”

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi Đức-Bồ-tát rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, kính xin Ngài tâu cho Trẫm biết rõ, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka có dùng sức mạnh bắt Ngài Đại-Pháp-sư đưa đến cõi long cung này hay không? Hay bằng cách nào, có hợp pháp hay không?

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hoàn toàn không dùng sức mạnh bắt tôi, đưa đến cõi long cung này. 

Sự thật, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka chơi đánh cờ súc sắc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya, tại cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Kết cục thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã thắng, còn Đức-vua Dhanañcaya Korabya bị thua, nên Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban tôi cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dẫn tôi đến cõi long cung này một cách hợp pháp.

Nghe lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā rất hài lòng hoan hỷ nắm tay Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư ngự đến thăm Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, rồi truyền hỏi rằng:

Này Ái-khanh Vimalādevī yêu quý, Ái-khanh bệnh tình như thế nào mà nằm yên như vậy?

Này Ái-khanh yêu quý, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt đem lại ánh sáng trí-tuệ cho chúng-sinh trong đời, Ái-khanh mong ước được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Nay, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đã đến cõi long cung, sẽ đem ánh sáng trí-tuệ cho Ái-khanh.

Vậy, Ái-khanh nên nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp tế độ Ái-khanh, có cơ hội được thân cận gần gũi với Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thật là một diễm phúc lớn lao!

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo đến tên Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī liền ngồi dậy, nhìn thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita liền phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ chưa từng có, bà chắp hai tay lễ bái Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, rồi truyền bảo rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là loài người đến cõi long cung là nơi chưa từng thấy, Ngài không sợ tai hoạ sự chết xảy đến với Ngài Đại-Pháp-sư hay sao? Tại sao Ngài Đại-Pháp-sư không chịu đảnh lễ ta.

Như vậy, Ngài Đại-Pháp-sư có xứng đáng được gọi là bậc đại-thiện-trí hay không?

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, tôi là loài người không biết sợ tai họa là cái chết xảy đến với tôi, cũng không một thế lực nào có thể khuất phục tôi được.

Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tôi biết rằng: “Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người giết tôi chết”. Vì vậy, tôi đảnh lễ Chánh-cung Hoàng-hậu sao được. Vả lại, sự đảnh lễ cũng không đem lại sự lợi ích gì cho tôi cả.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời tâu của Ngài thật là hợp lý. Người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì! 

Chánh-cung Hoàng-hậu rất hài lòng hoan hỷ trong lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī và Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư vấn an sức khoẻ với nhau.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu hỏi Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī với lời lẽ nội dung giống như tâu hỏi Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā, và bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī trả lời với nội dung giống như lời lẽ của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā trả lời cho Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, chỉ có khác nhau về cách bà xưng hô mà thôi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī biết rõ thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa Ngài đến cõi long cung này một cách hợp pháp, theo sự yêu cầu của Ngài Đại-Pháp-sư muốn thấy cõi long cung chưa từng thấy, để đến yết kiến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Bà.

Biết rõ như vậy, nên bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī rất hài lòng, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ truyền bảo lính hầu dẫn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi tắm với 1000 bình nước thơm.

Sau khi tắm sạch sẽ xong, mặc bộ trang phục trời, dùng vật thực có vị ngon như vị trời.

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh trang hoàng một pháp tòa sang trọng lộng lẫy tại trong hội trường lớn, rồi kính thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt lên ngồi trên pháp tòa ấy, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng gia, các quan quân cùng tòan thể long nam, long nữ trong cõi long cung. 

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi những câu hỏi nào thì Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giải đáp rõ ràng những câu hỏi ấy, làm cho Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ với lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu hỏi câu hỏi nào thì Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giải đáp rõ ràng những câu hỏi ấy, làm cho Bà vô cùng hoan hỷ theo lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ sáng suốt, có định tâm trong sáng, không hề biết sợ, dõng dạc tâu rằng:

Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, trước đây, hai vị mong ước được trái tim của tôi. Bây giờ, nếu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī không dám giết tôi chết, để lấy trái tim thịt của tôi, thì tôi sẽ tự nguyện hy sinh tự mổ lấy trái tim của tôi dâng đến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, như điều mong ước của hai vị trước đây.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dõng dạc tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī đã hiểu ý nhau truyền bảo rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, sự thật, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī mong ước trí-tuệ siêu-việt của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, mà nói mong ước trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Trẫm đã hiểu lầm là trái tim thịt, rồi khiến cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cũng hiểu lầm theo Trẫm.

Nay, nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp, giảng giải tế độ chúng tôi cùng tòan thể các loài long trong cõi long cung này, Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trí-tuệ siêu-việt là trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app