Phần 16

Chú-Giải Ý Nghĩa Bài Kệ

Trong phần Chú-giải giảng giải về ý nghĩa các bài kệ:

Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu Đức-vua của phụ thân truyền hỏi các quan rằng:

“Hôm nay chúng ta nên tạo phước-thiện bố-thí, giữ-giới, thọ-trì bát-giới uposathasīla.”

Nếu có vị quan tâu lên Đức-vua rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, hôm nay chúng ta nên sát sinh để ăn thịt, uống rượu, hưởng dục lạc, rồi ngày mai chúng ta sẽ tạo mọi phước-thiện.

Đức-vua của Ngài thuộc dòng dõi Yudhiṭṭhila, không nên nghe theo lời tâu của vị quan ấy, không nên sống trong ngày hôm ấy mà để thời gian trôi qua với sự dể duôi (thất niệm) (taṃ divasaṃ pamādena vītināmento mā avasi), khi đại-thiện-tâm phát sinh không để cho hoại, chỉ nên cố gắng tinh-tấn làm cho mọi thiện-pháp tăng trưởng mà thôi.

Trong kinh Bhaddekarattasutta, Đức-Phật dạy rằng:

“Ajjeva kiccamātappaṃ, ko jaññā maraṇaṃ suve.”

Bậc thiện-trí nên tinh-tấn hoàn thành xong phận-sự ngay trong ngày hôm nay, ai biết được sự chết sẽ xảy ra trong ngày mai.

Trong Dhammapadaṭṭhakathā, Đức-Phật dạy câu kệ về pháp dể duôi rằng:

“Appamādo amtaṃ padaṃ, pamādo maccuno padaṃ.

Appamattā na mīyanti, ye pamattā yathā matā.”

Bậc thiện-trí không có dể duôi trong mọi thiện-pháp (có chánh-niệm) là con đường dẫn đến Niết-bàn bất tử.

Người thiểu-trí có dể duôi trong mọi thiện-pháp là con đường dẫn đến sự chết.

Chư bậc thiện-trí nào không có dể duôi trong mọi thiện-pháp, chư bậc thiện-trí ấy dù có chết cũng như không chết.

Những người thiểu-trí nào dể duôi trong mọi thiện-pháp, những người thiểu-trí ấy dù còn sống cũng như đã chết.

Khi Đức-vua Dhanañcayakorabya của Ngài truyền hỏi rằng:

Này quân-sư Sucirata! Khi khanh hỏi câu hỏi dhammyāga, công-tử Sambhavapaṇḍita giải đáp thế nào?

Kính thưa phụ thân Sucirata, xin Ngài tâu lên Đức-vua của Ngài về pháp bên trong đó là ngũ-uẩn chấp-thủ (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) là pháp vô-thường có rồi lại không có bằng câu kệ rằng:

“Sabbe saṅkhārā aniccā’ti, yadā paññāya passati. 

Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.”

Khi nào hành-giả phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ rằng: tất cả các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp ngũ-uẩn chấp-thủ đều có trạng-thái vô-thường.

Khi thấy rõ biết rõ sự-thật như vậy, phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán trong khổ-đế, trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán ấy là đạo thanh-tịnh giải thoát khổ.

“Aniccā vata saṅkhārā, uppādavayadhammino.

Uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho.”

Sự-thật, các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp đều là vô-thường, có trạng-thái sinh rồi diệt là thường.

Sau khi sinh rồi tất cả đều diệt, sự diệt tận của các pháp ấy là an-lạc thật sự.

Kính thưa phụ thân Sucirata, hạng phàm-nhân si-mê không biết nên có mọi tà-kiến. Ngài nên tâu với Đức-vua của Ngài, Đức-vua có trí-tuệ hiểu biết, không nên có tà-kiến như vậy, nên thực-hành mười đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý.

Đức-vua không nên coi thường kiếp người đang sinh sống trong cõi thiện-giới, những người nào bỏ qua ba pháp hành-thiện bằng thân, khẩu, ý trong cõi người, mà tạo ba pháp hành-ác bằng thân, khẩu, ý.

Sau khi những người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh). Cho nên, Đức-vua không nên tạo ba pháp hành-ác bằng thân, khẩu, ý ấy.

Đức-vua không nên có mọi tà-kiến, không nên tạo mọi ác-nghiệp cho quả khổ.

Kính thưa phụ thân Sucirata, con đã giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, nếu Đức-vua nào mong muốn thực-hành đúng theo attha là quả của nhân, dhamma là nhân sinh quả ấy. thì Đức-vua ấy phải có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, có trí-tuệ sáng suốt, sẽ có được mọi phước-thiện dược tăng trưởng như vầng trăng sáng trong thời-kỳ trăng lên như vậy.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, giải đáp câu hỏi dhammayāga của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya rõ ràng ví như lời giải đáp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, giống như mặt trăng hiện trên bầu trời trong sáng không có mây che phủ.

Tòan thể hội chúng đều tán dương ca tụng nói lên lời sādhu vang rền cả không gian, Đức-vua Bārāṇasī cúng-dường pháp bằng những phẩm vật cao quý đến công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, cùng với mọi người cúng-dường pháp bằng các vật quý báu của mình.

Riêng vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya cúng-dường 1000 lượng vàng, liền ghi chép tòan lời giải đáp câu hỏi dhammayāga trên tấm biển vàng. 

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đảnh lễ, xin bái biệt công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, rồi lên đường trở về kinh thành Indapatta, xin vào đảnh lễ yết kiến Đức-vua Dhanañcayakorabya tâu trình tấm biển vàng ghi chép tòan lời giải đáp câu hỏi dhammayāga của công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra lên Đức-vua.

Đức-vua Dhanañcayakorabya nghiêm chỉnh thực-hành đúng theo lời dạy của công-tử Bồ-tát Sambhavapaṇḍita.

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng Sambhavajātaka tích công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

Này chư tỳ-khưu! Nay kiếp hiện-tại Như-lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu việt đó không phải là điều phi thường, dù trong những tiền-kiếp của Như-lai khi còn là Đức-Bồ-tát cũng vẫn có trí-tuệ siêu-việt vậy.

Tích Sabhavajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Sambhavajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm công-tử Bồ-tát Sambhava-kumāra trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Sambhavajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

Đức-vua Dhanañcayakorabya, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

Vị bà-la-môn Vidhura, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng lão Ariyakassapa.

Công-tử Bhadara, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna. 

Công-tử Sañjaya, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama mới lên bảy tuổi đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, có 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tạo mọi phước thiện bố-thí pháp, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra giữ gìn giới, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra phát-nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhvakumāra có tâm-từ đối với mọi người, mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có tâm-xả đối với mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là tám pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Công-Tử Bồ-Tát Sambhavakumāra

Trong tích Sambhavajātaka này, Đức-Bồ-tát công-tử Sambhavakumāra là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, mới lên bảy tuổi tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Khi công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi có trí-tuệ siêu-việt nổi bật hơn hẳn đối với tất cả mọi bậc thiện-trí có trí-tuệ trong đời, không có một ai sánh được.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là một trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Trí-tuệ ba-la-mật đó là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.

Trí-tuệ vốn có đối với các hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) từ khi đầu thai làm người trong lòng mẹ, cho nên, khi sinh ra đời, tuy còn thơ ấu, nhưng đứa bé có trí-tuệ hiểu biết đặc biệt xuất sắc hơn người, bởi vì trong vô số tiền-kiếp của đứa bé đã từng tích-luỹ nhiều trí-tuệ hiểu biết trong những kiếp quá-khứ, nên kiếp hiện-tại này là quả của đại-thiện-nghiệp mà những tiền-kiếp của đứa bé đã tạo và đã được tích-lũy và được lưu-trữ ở trong tâm của đứa bé ấy. Cho nên, đứa bé có trí-tuệ hiểu biết đặc biệt xuất sắc hơn người, đó là sự-thật hiển nhiên, sự-thật này đối với bậc thiện-trí chỉ có tin nghiệp và quả của nghiệp mà thôi.

Ví dụ: những tiền-kiếp của một người nào đã từng tích-luỹ nhiều sự hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn nào thuộc về đại-thiện-nghiệp (không phải là ác-nghiệp).

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai trở lại làm người.

Khi sinh ra đời, tuy đứa bé còn thơ ấu, nhưng khi đứa bé ấy tiếp xúc với lĩnh vực chuyên môn ấy mà những tiền-kiếp của đứa bé đã được tích-lũy và được lưu-trữ ở trong tâm, nên trở thành đứa bé có tài xuất sắc hơn vị thầy dạy của nó, và cũng có khả năng hơn hẳn những người khác đã từng trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn ấy. Cho nên, đứa bé ấy được phần đông mọi người tán dương ca tụng là đứa bé thiên-tài do thiên phú.

Vậy, sự-thật có phải là do trời phú cho hay không?

Theo quan niệm của Phật-giáo, đứa bé có tài xuất chúng đó là do quả của đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của đứa bé ấy đã tạo trong những kiếp quá-khứ. Đó là sự-thật về đại-thiện-nghiệp và quả tốt của đại-thiện-nghiệp ấy. 

Thật vậy, Đức-Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp như sau:

“Kammassako’mhi, kammadāyādo, kammayoni, kammabandhu, kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.”

Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp của ta, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.

 “Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp của ta” như thế nào, mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ trong ba giới (dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới gồm có 31 cõi-giới) và bốn loài chúng-sinh (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hoá-sinh) cũng như thế ấy.

Mỗi chúng-sinh có nghiệp là của riêng mình, mỗi chúng-sinh là người thừa hưởng quả của nghiệp của mình, …

Các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình. Cho nên, bậc thiện-trí nào tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, bậc thiện-trí ấy có chánh-kiến sở-nghiệp (kammassakatā sammādiṭṭhi) đó là chánh-kiến cơ bản ban đầu trong năm loại chánh-kiến trong Phật-giáo.

Nghiệp và quả của nghiệp là một trong bốn pháp bất khả tư nghì mà các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật không nên suy nghĩ, mà chỉ nên tin nghiệp và quả của nghiệp mà thôi. Chỉ có Đức-Phật mới thấy rõ, biết rõ thấu suốt nghiệp và quả của nghiệp của tất cả mọi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ trong vô số kiếp quá-khứ và vô số kiếp vị-lai mà thôi.

Cho nên, kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ cũng đều là quả của nghiệp của chúng-sinh ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp quá-khứ.

(Xong pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ) 

4.2- Pháp-Hạnh Trí-Tuệ Ba-La-Mật Bậc Trung (Paññā Upapāramī)

Tích Vidhurajātaka (Vi-dhu-rá cha-tá-ká)

Trong tích Vidhurajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama làm quan Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung (paññā upapāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Phật thuyết về tích Vidhurajātaka đề cập đến Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, chư tỳ-khưu hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Thế-Tôn rằng:

Này chư pháp hữu! Đức-Thế-Tôn là Bậc có trí-tuệ vĩ đại, trí-tuệ sâu sắc, trí-tuệ vi-tế, trí-tuệ nhanh nhẹn, trí-tuệ sắc bén, trí-tuệ thấu suốt, trí-tuệ khống chế các luận thuyết của người khác v.v… làm cho người khác bỏ ác hành thiện, bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Này chư pháp hữu! Đức-Thế-Tôn của chúng ta là bậc đại trí-tuệ, có trí-tuệ siêu-việt thật sự!

Trong khi Chư tỳ-khưu đang đàm đạo thì Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên pháp tòa bèn hỏi rằng:

Này Chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện đang đàm đạo như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này Chư tỳ-khưu! Nay kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh Đẳng Giác có trí-tuệ thuyết phục người khác bỏ điều ác, hành điều thiện, bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, xin quy y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới, v.v… đó chưa phải là điều phi thường.

Trong thời quá-khứ, những tiền-kiếp của Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát đang thực-hành bồi bổ, tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác.

Như tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita đã thuyết phục được thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka hung ác từ bỏ ý định giết chết Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita để lấy trái tim ăn thịt. Thống tướng Dạ xoa biết phục thiện, xin thọ trì ngũ-giới v.v… xin trả sinh-mạng lại cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiền-kiếp của Như-Lai.

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức-Thế-Tôn làm thinh.

Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app