Phần 2

Chuyện Đứa Con

Một người mẹ ẵm đứa con đi ngang hồ nước của Đức- Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bà ẵm đứa con xuống hồ tắm sạch sẽ rồi đặt ngồi trên tấm áo của mình, sau đó bà xuống hồ rửa mặt.

Khi ấy, một nữ Dạ-xoa muốn ăn thịt đứa bé, nên hóa ra một người đàn bà đứng hỏi người mẹ đứa bé rằng:

Này bạn! Đứa bé này là con của bạn phải không?

Nó rất xinh đẹp và dễ thương quá! Bạn cho phép tôi ẵm nó một chút được không?

Người mẹ của đứa bé thành thật trả lời rằng:

Vâng, đứa bé là con của tôi, bạn muốn ẵm một chút cũng được.

Được cho phép, bà Dạ-xoa ẵm đứa bé đi khỏi nơi đó. Nhìn thấy bà kia ẵm đứa con mình đi, bà mẹ đứa bé vội vàng lên bờ, chạy đuổi theo kịp, níu áo lôi lại, nói rằng:

Bà ẵm đứa con của tôi đi đâu?

Dạ-xoa bảo rằng:

Con của bà ở đâu? Đây là con của tôi.

Hai người đàn bà cãi lộn, tranh giành đứa bé đến trước cửa tòa nhà của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Nghe tiếng hai bà cãi lộn, tranh giành đứa bé, Đức-Bồ- tát cho người gọi họ vào.

Nhìn thấy hai bà, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita biết bà đang ẵm đứa bé là nữ Dạ-xoa vì đôi mắt của bà màu đỏ, không nháy, không có bóng, và bà kia là mẹ của đứa bé. Tuy biết rõ như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát vẫn hỏi họ rằng:

Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai bà đều đồng ý. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita gạch một đường trên nền nhà, bảo mỗi bà ngồi mỗi bên đường vạch sẵn ấy, rồi sai đặt đứa bé nằm giữa đường ranh, đầu đứa bé thuộc bên phần ranh của nữ Dạ-xoa và hai chân đứa bé thuộc bên phần ranh của người mẹ. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:

Mỗi bà hãy lôi đứa bé về bên ranh của mình.

Khi hai bà lôi đứa bé thì đứa bé bị đau nên khóc thét lên, người mẹ cảm thấy đau lòng nên buông hai chân đứa con ra, đứng khóc than thảm thiết.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita hỏi ý kiến mọi người rằng:

Này quý bà con! Khi nghe tiếng khóc của đứa bé thì tâm của người mẹ cảm thấy đau lòng hay tâm của người không phải là mẹ cảm thấy đau lòng?

Mọi người đều trả lời rằng:

Khi nghe tiếng khóc của đứa bé thì tâm của người mẹ cảm thấy đau lòng vì thương con, còn tâm của người không phải là mẹ thì không cảm thấy đau lòng, tâm vẫn thản nhiên được.

Này quý bà con! Nếu như vậy thì trong hai người đàn bà này, bà nào là người mẹ thật sự của đứa bé này?

Mọi người thưa rằng:

Kính thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, trong hai người đàn bà này, bà đứng khóc than thảm thiết kia chính là người mẹ thật sự của đứa bé này, còn bà đang ẵm đứa bé chắc chắn không phải là mẹ của đứa bé này.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita khẳng định rằng:

Đúng vậy, bà đang ẵm đứa bé không phải là người mẹ, bà vốn là nữ Dạ-xoa muốn bắt đứa bé để ăn thịt. 

Kính thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, có cách nào biết được bà ấy là nữ Dạ-xoa?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita dạy rằng:

Tôi đã biết rõ bà ấy là nữ Dạ-xoa, không có nghi ngờ gì cả, bởi vì, bà ấy có đôi mắt màu đỏ, không nháy mắt, có hình mà không có bóng. Vả lại, bà ấy không có tâm bi, thương xót đứa bé, bà muốn ăn thịt nó.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita hỏi bà ấy rằng:

Này bà kia, bà là loài chúng-sinh gì?

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, tôi là nữ Dạ-xoa.

Này nữ Dạ-xoa, người bắt đứa bé để làm gì?

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, tôi bắt đứa bé này để ăn thịt.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita khuyên dạy nữ Dạ-xoa rằng:

Này nữ Dạ-xoa! Ngươi hãy mau trả đứa bé lại cho mẹ của nó. Kiếp trước ngươi đã tạo ác-nghiệp nên kiếp này ngươi làm kiếp nữ Dạ-xoa, nếu kiếp hiện-tại này, ngươi tạo ác-nghiệp nữa thì ngươi sau khi chết, ác- nghiệp có cơ hội sẽ cho quả tái-sinh trong bốn cõi ác- giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy nữa.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita hướng dẫn nữ Dạ-xoa thọ trì ngũ-giới, rồi khuyên dạy nữ Dạ-xoa hãy cố gắng giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch trọn vẹn suốt đời.

Người mẹ của đứa bé tán dương ca tụng ân đức trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, rồi ẵm đứa con về nhà, đồng thời mọi người cũng tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát.

Các quan ra lệnh sứ giả trở về tâu trình lên Đức-vua Vedeha về cách Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phán xét chuyện đứa con một cách công minh như vậy.

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời Đức-Bồ-tát Maho- sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.

Chuyện Người Lùn Tên Gotakāḷa

Một người đàn ông lùn và đen tên là Gotakāḷa làm việc suốt bảy năm bên nhà cha mẹ của cô gái tên là Dīghatālā, sau đó mới cưới cô gái ấy về làm vợ. Một hôm, Gotakāḷa gọi người vợ bảo rằng:

Này Dīghatālā! Em hãy làm bánh, đồ ăn đi đường, vợ chồng chúng ta sẽ đi thăm viếng cha mẹ của anh.

Vâng lời chồng làm đồ ăn đi đường xong, tuy người vợ không muốn đi, nhưng phải đi theo chồng. Ông Gotakāḷa mang vật thực đồ dùng cùng với vợ lên đường đi đến con sông cạn, nước chảy, nhưng cả hai vợ chồng đều là người có tính sợ nước sâu, nên không dám lội qua sông, đứng chờ có người lội qua thì đi theo sau.

Khi ấy, một người đàn ông bất lương, có thân hình cao tên là Dīghapiṭṭhi đến sau, hai vợ chồng thấy ông ta mới hỏi rằng:

Này anh! Con sông này sâu hay cạn?

Tên Dīghapiṭṭhi xem xét biết hai vợ chồng này có tính sợ nước sâu nên trả lời rằng:

Con sông này sâu lắm, lại có nhiều cá sấu ăn thịt người nữa!

Vậy anh sẽ qua sông bằng cách nào?

Tôi đã thường qua lại con sông này, quen với các con cá sấu này, nên chúng không hại tôi được.

Hai vợ chồng đề nghị rằng: 

Này anh! Nhờ anh đưa vợ chồng tôi sang bên kia sông, chúng tôi sẽ đền ơn anh.

Nghe nói vậy, ông Dīghapiṭṭhi nhận lời ngay. Hai vợ chồng đem đồ ăn đồ uống mời ông ta ăn uống no đủ xong ông hỏi rằng:

Này anh chị! Tôi sẽ đưa người nào sang trước?

Ông Gotakāḷa bảo rằng:

Tôi nhờ anh đưa vợ tôi sang bên kia sông trước, rồi anh trở lại đưa tôi sau.

Ông Dīghapiṭṭhi ngồi xuống để cô Dīghatālā leo lên ngồi trên vai của mình và đem các đồ ăn uống, đồ dùng theo nữa, vì ông ta có mưu đồ xấu xa. Ông ta lội xuống sông một quãng rồi co hai chân lại, để đi giống như chỗ nước sâu.

Ông Gotakāḷa nhìn thấy như vậy, nên nghĩ: “Con sông sâu thật! Người cao như anh ấy mà còn vậy, đối với ta chắc bị chết chìm dưới con sông này mất.”

Ra giữa dòng sông, ông Dīghapiṭṭhi giở trò tán tỉnh cô Dīghatālā rằng:

Này cô em xinh đẹp đáng yêu! Nếu em làm vợ anh thì em sẽ có được những đồ trang sức quý giá, có tớ gái phục vụ, em sẽ sống an-lạc hạnh phúc bên anh.

Em xinh đẹp như thế này mà có người chồng vừa lùn vừa đen, không xứng đáng với em chút nào, chắc chắn em không được an-lạc hạnh phúc. Xin em hãy ưng thuận làm vợ của anh nhé!

Cô Dīghatālā vốn không thương yêu ông Gotakāḷa, nay nghe lời tán tỉnh ngọt ngào của ông Dīghapiṭṭhi, nên làm cho cô xiêu lòng, chịu theo tên lừa đảo Dīghapiṭṭhi, bỏ người chồng cũ Gotakāḷa, cô nói rằng:

Nếu anh thương yêu em, không bỏ em thì em sẽ đi theo anh. 

Ông Dīghapiṭṭhi nói dối rằng:

Anh xin hứa với em, anh sẽ sống chung thủy với em suốt đời.

Khi qua đến bờ bên kia, ông Dīghapiṭṭhi và cô Dīgha- tālā biểu lộ cử chỉ âu yếm với nhau, rồi dẫn nhau đi.

Nhìn thấy vợ mình với tên lừa đảo kia âu yếm nhau, rồi dắt nhau đi, ông Gotakāḷa nổi cơn ghen tức, mắng nhiếc rằng:

Này tên lừa đảo! Mày dắt vợ ta đi đâu?

Ban đầu ông Gotakāḷa còn sợ nước sâu, nhưng vì tức giận quá không còn biết sợ chết nữa, nên ông đánh liều chạy nhào xuống sông, biết nước cạn, không có nguy hiểm gì, ông băng qua sông, lên bờ, chạy đuổi theo kịp tên lừa đảo Dīghapiṭṭhi, mắng rằng:

Này tên lừa đảo! Mày dắt vợ ta đi đâu?

Tên lưu manh Dīghapiṭṭhi mắng rằng:

Này tên lùn da đen kia! Ai là vợ của mày?

Tên lưu manh Dīghapiṭṭhi xô ông Gotakāḷa ngã xuống đất, rồi nắm tay cô Dīghatālā dắt đi.

Ông Gotakāḷa chạy theo gọi rằng:

Hãy để vợ của ta lại! Ta đã làm việc suốt bảy năm nhà cha mẹ vợ, mới cưới được người vợ ấy. Tại sao mày dắt vợ ta đi?

Khi ấy, nghe tiếng la hét bên ngoài cổng tòa nhà, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cho người gọi ba người vào trong tòa nhà, đến phòng phán xét.

Nhìn thấy ba người, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita biết rõ hành vi, tâm tính của mỗi người, nhưng Đức-Bồ- tát vẫn hỏi rằng:

Chuyện gì mà các người la hét om sòm vậy? 

Mỗi người thưa trình cho Đức-Bồ-tát Mahosatha- paṇḍita nghe xong, Đức-Bồ-tát truyền bảo rằng:

Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy, các người chịu nghe ta phán xét hay không?

Ba người đều đồng ý nghe Đức-Bồ-tát phán xét. Trong phòng phán xét có đông người tham dự, Đức-Bồ- tát Mahosadhapaṇḍita xét hỏi từng người một.

Trước hết, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita xét hỏi ông Dīghapiṭṭhi, còn cho hai người kia ra bên ngoài phòng, mỗi người đều ngồi cách xa nhau.

ĐBt: – Ngươi tên gì?

Ông Dī: – Thưa Ngài, tôi tên Dīghapiṭṭhi.

ĐBt: – Cha mẹ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBt: – Vợ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Mới gặp nhau, chưa biết nên khai tên giả).

ĐBt: – Cha mẹ vợ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Vì chưa biết nên khai tên giả).

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo y đi ra ngoài phòng, tiếp theo gọi ông Gotakāḷa vào xét hỏi.

ĐBt: – Ngươi tên gì?

Ông Go: – Thưa Ngài, con tên Gotakāḷa.

ĐBt: – Cha mẹ của ngươi tên gì?

Ông Go: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBT: – Vợ của ngươi tên gì?

Ông Go: – Vợ của con tên là Dīghatālā.

ĐBT: – Cha mẹ vợ của ngươi tên gì?

Ông Go: … (Khai tên thật cha mẹ vợ của mình).

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo ông đi ra ngoài phòng, tiếp theo gọi cô Dīghatālā vào xét hỏi.

ĐBt: – Ngươi tên gì?

Cô Dī: – Thưa Ngài, tôi tên Dīghatālā. 

ĐBT: – Cha mẹ của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBt: – Chồng của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Vì chưa biết tên, nên khai tên giả).

ĐBT: – Cha mẹ chồng của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Vì chưa biết tên nên khai tên giả).

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cho truyền gọi lại ông Dīghapiṭṭhi và ông Gotakāḷa vào, cả ba người đều ở trong phòng xét xử. Đức-Bồ-tát hỏi mọi người tham dự trong phòng xét xử rằng:

Này quý vị! Như vậy, lời khai của cô Dīghatālā đúng theo lời khai của ông Dīghapiṭṭhi hay đúng theo lời khai của ông Gotakāḷa?

Mọi người đều trả lời rằng:

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, lời khai của cô Dīghatālā là đúng theo lời khai của ông Gotakāḷa.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:

Như vậy, ông Gotakāḷa là chồng của cô Dīghatālā, còn ông Dīghapiṭṭhi là người lừa đảo, muốn chiếm vợ của ông Gotakāḷa.

Ông Gotakāḷa được người vợ trở lại, tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, đồng thời mọi người cũng tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát, vì đã phán xét một cách công minh, hợp pháp.

Đức-Bồ-tát khuyên dạy ông Dīghapiṭṭhi từ nay về sau chớ nên làm điều bất-thiện, tội lỗi nữa.

Các quan ra lệnh cho sứ giả trở về tâu trình lên Đức- vua Vedeha về cách Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phán xét chuyện ông Gotakāḷa một cách công minh như vậy.

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời Đức-Bồ-tát Maho- sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.

Chuyện Chiếc Xe

Một người đánh chiếc xe ra khỏi nhà, lo công việc. Khi ấy, Đức-vua Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên nghĩ:

“Ta sẽ làm cho nhiều người biết đến trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức- Phật trong thời vị-lai.”

Nghĩ xong, Đức-vua trời Sakka biến hóa ra thành một người đàn ông đi theo sau chiếc xe. Người chủ xe hỏi:

Này người kia! Ngươi đi theo sau xe của tôi để làm gì?

Thưa ông chủ, tôi đi theo sau để giúp ông.

Cám ơn ông, tốt lắm!

Dừng chiếc xe lại bên bờ hồ của Đức-Bồ-tát Maho- sadhapaṇḍita, người chủ bước xuống xe, đi đến hồ rửa mặt, thì người đàn ông ấy bước lên xe, rồi đánh chiếc xe đi. Nhìn thấy người đàn ông kia đánh chiếc xe của mình đi, người chủ xe vội vã chạy đuổi theo, kêu la lớn rằng:

Hãy dừng chiếc xe lại! Ngươi đánh chiếc xe của ta đi đâu?

Người đàn ông ngồi trên xe trả lời rằng:

Chiếc xe này là của tôi, còn xe của ông là chiếc nào?

Đứng trước cổng tòa nhà của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, hai người tranh giành nhau về chiếc xe, người nào cũng nói là chiếc xe đó là của mình.

Nghe hai người cãi lộn tranh giành nhau, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cho người mời hai người ấy vào.

Nhìn thấy hai người đàn ông, Đức-Bồ-tát biết rõ một người là Đức-vua trời Sakka, bởi vì ông có vẻ ung dung tự tại, có đôi mắt không nháy, và một người là chủ xe.

Mặc dù biết rõ như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát vẫn hỏi cho biết nguyên nhân nào hai người cãi lộn, tranh chấp nhau về chiếc xe. Hai người trình bày nguyên nhân tranh chấp nhau, Đức-Bồ-tát hỏi rằng:

Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai người đều đồng ý. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita truyền bảo rằng:

Tôi sẽ cho người đánh chiếc xe chạy, rồi hai người nắm phía sau xe chạy theo, người chủ xe sẽ không buông bỏ chiếc xe của mình.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita gọi người thân tín của mình đánh chiếc xe chạy, hai người nắm phía sau xe chạy theo chiếc xe.

Người chủ xe chạy theo được một đoạn đường, cảm thấy mệt nhừ đành phải buông bỏ chiếc xe rồi đứng lại, còn người đàn ông kia vẫn nắm phía sau xe chạy theo.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo chiếc xe chạy trở lại rồi tuyên bố cho mọi người biết rằng:

Trong hai người đàn ông này, người chạy theo phía sau chiếc xe một quãng đường ngắn, cảm thấy mệt nhừ đành phải buông bỏ chiếc xe rồi đứng lại. Còn người đàn ông kia dù chạy theo phía sau chiếc xe suốt quãng đường dài mà vẫn không thấy mệt, không có một giọt mồ hôi, hơi thở ra, hơi thở vào vẫn như thường, đặc biệt đôi mắt không nháy. Vậy, người đàn ông kia chính là Đức-vua trời Sakka.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bèn tâu rằng: 

Tâu Ngài, Ngài là Đức-vua trời Sakka phải không?

Người đàn ông kia trả lời rằng:

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, phải, tôi là Đức-vua trời Sakka. Rồi hóa trở lại Đức-vua trời Sakka của mình.

Tâu Đức-vua trời Sakka, Đức-vua ngự xuống đây với mục đích gì?

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, Trẫm ngự xuống đây để tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đức-vua trời, nếu như vậy, thì xin Đức-vua không nên làm như vậy nữa.

Khi ấy, Đức-vua trời Sakka dùng oai lực của mình hiện lên đứng trên hư không, tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt! Ngài đã phán xét rất công minh và hợp pháp.

Đức-vua trời Sakka xin phép ngự trở về cõi trời Tam- thập-tam-thiên của mình.

Các quan tự mình trở về chầu Đức-vua Vedeha, thuật rõ lại chuyện chiếc xe, nên tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, sau khi bậc đại-thiện-trí Mahosadha- paṇḍita phán xét chuyện chiếc xe như vậy, Đức-vua trời Sakka đã tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của bậc đại-thiện-trí Mahosadhapaṇḍita.

Sao Bệ-hạ còn chần chờ gì nữa, mà chưa truyền lệnh mời bậc đại-thiện-trí Mahosadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu- việt vào cung điện diện kiến Bệ-hạ.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, Trẫm nên truyền mời bậc đại-thiện- trí Mahosadhapaṇḍita vào cung điện diện kiến Trẫm được chưa?

Vị quân-sư Senaka vốn có tính ganh tỵ nên tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, một người phán xét chuyện chiếc xe như vậy, chưa có thể gọi là bậc đại-thiện-trí. Xin Bệ-hạ chờ đợi để thử tài trí của Mahosadhapaṇḍita để biết có thật là bậc đại-thiện-trí hay không?

Nghe quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha làm thinh.

Thử Tài Trí Của Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita

* Câu Hỏi Về Đoạn Gỗ Ngắn

Một hôm, muốn thử tài trí của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Vedeha truyền các quan lấy một đoạn gỗ (Khadiradaṇḍa) ngắn khoảng một gang, đem cho thợ mộc bào thân tròn hai đầu bằng nhau, gửi đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông kinh-thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

“Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy cho biết đúng đoạn gỗ Khadiradaṇḍa này “đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn”. Nếu không ai biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.”

Dân chúng trong vùng hội họp lại, bàn luận, nhưng không một người nào biết được đoạn gỗ này, đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn. Họ thưa với ông phú hộ Siri- vaḍḍhaka rằng:

Thưa ông phú hộ, dân chúng trong vùng của chúng ta, không người nào biết được đầu gốc, đầu ngọn của đoạn gỗ này.

Vậy, nhờ ông hỏi thử xem công-tử Mahosadhapaṇḍita có biết hay không? 

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đang chơi với các bạn trẻ ở ngoài sân, ông phú hộ cho người gọi Đức-Bồ-tát vào, ông phú hộ bảo rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita con yêu quý! Đức-vua Vedeha gửi đến dân chúng vùng chúng ta một đoạn gỗ thân tròn với lệnh truyền rằng:

“Hãy cho biết đúng đoạn gỗ này, đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn.”

Mọi người trong vùng không người nào biết được. Vậy, con có khả năng biết được hay không?

Nghe phụ thân trình bày như vậy, Đức-Bồ-tát Maho- sadhapaṇḍita nghĩ rằng:

Đức-vua Vedeha không phải muốn biết đoạn gỗ này đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn, mà thật sự, Đức-vua Vedeha gửi đoạn gỗ này chỉ để thử tài trí của ta mà thôi.

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát thưa rằng:

Kính thưa phụ thân, xin phụ thân cho người đem đoạn gỗ ấy đến đây, chắc chắn con sẽ giải đáp đúng câu hỏi này được.

Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka cho người đem đoạn gỗ ấy đến trao cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Đức-Bồ-tát đưa tay nhận đoạn gỗ ấy liền biết ngay đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn. Tuy biết đúng như vậy, nhưng để chứng minh cho mọi người thấy rõ, biết rõ, nên bảo gia nhân khiêng đến một chậu lớn đầy nước. Đức-Bồ-tát lấy sợi dây cột ngay ở giữa đoạn gỗ ấy, cầm đầu dây, thả đoạn gỗ ấy vào trong chậu nước đầy, đầu gốc chìm chúc xuống vì nặng và đầu ngọn nổi lên vì nhẹ. Đức-Bồ-tát hỏi dân chúng rằng:

Này quý vị! Thông thường khúc gỗ có đầu gốc nặng hay đầu ngọn nặng?

Dân chúng đều trả lời rằng:

Thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, thông thường khúc gỗ có đầu gốc nặng.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:

Này quý vị! Như vậy, đầu nặng của đoạn gỗ này là đầu gốc, còn đầu nhẹ kia là đầu ngọn. Xin quý vị đánh dấu xong đem đến trình lên Đức-vua Vedeha.

Dân chúng đem đoạn gỗ ấy đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, đoạn gỗ này, đầu này là gốc, đầu này là ngọn.

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy? Biết bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người biết đúng như vậy, biết bằng cách cột sợi dây ở giữa đoạn gỗ này rồi thả vào trong ảng nước đầy, đầu gốc nặng chìm xuống, và đầu ngọn nhẹ nổi lên.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí-tuệ thật là siêu-việt!

Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, Trẫm truyền mời công-tử Mahosatha- paṇḍita vào cung yết kiến Trẫm được chưa?

Quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ chờ đợi để thử tài trí của Mahosadhapaṇḍita bằng cách khác nữa. 

* Câu Hỏi Về hai Cái Sọ Người

Một hôm, muốn thử tài trí của Đức-Bồ-tát Mahosatha- paṇḍita, Đức-vua Vedeha truyền các quan đem hai cái sọ người đến trao dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông kinh-thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy cho biết trong hai cái sọ người này, cái sọ nào là sọ người đàn bà, cái sọ nào là sọ người đàn ông. Nếu không có người nào cho biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông không một ai biết rõ cả, nên họ đem hai cái sọ người ấy đến hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Nhìn thấy hai cái sọ người, Đức-Bồ-tát Mahosatha-paṇḍita biết rõ ngay cái sọ nào là sọ người đàn ông, cái sọ nào là sọ người đàn bà, bởi vì xương sọ của người đàn ông có tính chất đặc biệt khác với xương sọ của người đàn bà. Đức-Bồ-tát chỉ sọ của người đàn ông và sọ của người đàn bà, bảo dân chúng đánh dấu, ghi nhớ rõ sọ người đàn ông, sọ người đàn bà, rồi đem đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, cái sọ này là sọ người đàn ông, cái sọ này là sọ người đàn bà.

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy?

Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka là người biết đúng như vậy.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí-tuệ thật là siêu việt! 

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi, để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.

* Câu Hỏi Về Con Rắn

Một hôm, Đức-vua Vedeha truyền các quan đem một con rắn đực và một con rắn cái đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông kinh-thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy phân biệt cho biết trong hai con rắn này, con nào là rắn đực, con nào là rắn cái. Nếu không có người nào biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông không một ai biết rõ cả, nên họ đem hai con rắn đến hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Nhìn thấy hai con rắn, Đức-Bồ-tát biết rõ ngay con rắn đực và con rắn cái, do phân biệt rằng:

Cái đầu con rắn đực to, cái đầu con rắn cái nhỏ thon.

Cái đuôi con rắn đực to, cái đuôi con rắn cái nhỏ thon.

Con mắt con rắn đực lớn, con mắt con rắn cái nhỏ.

Đức-Bồ-tát bảo dân chúng rằng:

Con rắn có đầu to, đuôi to, đôi mắt lớn là con rắn đực.

Con rắn có đầu nhỏ thon, đuôi nhỏ thon, đôi mắt nhỏ là con rắn cái.

Dân chúng đem hai con rắn đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, con rắn này là con rắn đực và con rắn kia là con rắn cái.

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy? Biết bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka là người biết đúng như vậy, bằng cách phân biệt như sau:

Con rắn có đầu to, đuôi to, đôi mắt lớn là con rắn đực.

Con rắn có đầu nhỏ thon, đuôi nhỏ thon, đôi mắt nhỏ là con rắn cái.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí-tuệ thật là siêu việt!

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Mahosatha-paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.

* Câu Hỏi Về Con Gà Trống

Một hôm, Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông rằng:

Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy đem nạp cho Trẫm con vật quý toàn màu trắng, có hai sừng ở dưới hai chân, có miếng thịt dư trên đầu, kêu đúng ba thời. Nếu không nạp đúng con vật ấy thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng trong vùng không một ai biết phải nạp con gì lên Đức-vua Vedeha, nên họ đến hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Kính thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua truyền lệnh dân chúng trong vùng đem nạp lên Đức-vua một con vật quý toàn màu trắng, có hai sừng ở dưới hai chân, có miếng thịt dư trên đầu, kêu đúng ba thời.

Kính thưa Ngài, đó là con vật gì vậy? Thưa Ngài.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:

Này quý vị, Đức-vua Vedeha truyền đem nạp con gà trống toàn màu trắng có hai sừng ở dưới hai chân nghĩa là hai cái cựa gà ở hai chân, có miếng thịt dư trên đầu nghĩa là cái mào của con gà, kêu đúng ba thời nghĩa là gà gáy đúng ba thời.

Dân chúng đem con gà trống toàn màu trắng đến chầu Đức-vua Vedeha, rồi kính dâng con gà trống ấy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

Này chư khanh! Sự thật đúng là con vật mà Trẫm cần. Vậy, ai là người biết đúng ý của Trẫm?

Dân chúng tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka là người biết đúng ý của Đại-vương.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí-tuệ thật là siêu việt!

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.

Chuyện Về Viên Ngọc Maṇi

Trong thời quá khứ, Đức-vua trời Sakka ban một viên ngọc maṇi đến cho Đức-vua Bồ-tát Kusa, trong lỗ xâu sợi chỉ xuyên qua viên ngọc maṇi có tám khúc cong, sợi chỉ cũ đã bị đứt bên trong.

Từ lâu, không có một ai có khả năng lấy sợi chỉ cũ ra, xâu sợi chỉ mới xuyên viên ngọc maṇi này được.

Một hôm, Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông rằng:

Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy lấy sợi chỉ cũ dính trong viên ngọc maṇi này ra, và xâu sợi chỉ mới vào, rồi đem dâng trở lại cho Trẫm. Nếu không ai làm được thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng không một ai có khả năng lấy sợi chỉ cũ trong viên ngọc maṇi ra và xâu sợi chỉ mới vào, nên đến cầu cứu xin Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giúp đỡ cho. Đức-Bồ-tát truyền bảo rằng:

Này quý vị, chớ nên lo sợ, hãy an tâm, quý vị hãy đem nước ngọt đến đây.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nhỏ nước ngọt vào lỗ viên ngọc maṇi cho thấm ướt sợi chỉ cũ, lấy một sợi chỉ rất nhỏ bỏ một đầu vào lỗ viên ngọc maṇi, rồi nhỏ nước ngọt thấm vào đầu của sợi chỉ mới, đặt viên ngọc maṇi ấy ở chỗ ổ kiến lửa. Đàn kiến lửa đánh mùi nước ngọt kéo đến chui vào lỗ bên này của viên ngọc maṇi ăn lần vào sợi chỉ cũ, đồng thời kéo sợi chỉ mới theo sau đi ra cửa lỗ bên kia.

Khi đã biết sợi chỉ cũ trong viên ngọc maṇi bị kiến ăn tiêu mất, và sợi chỉ mới đã xâu vào bên trong từ đầu lỗ bên này qua đầu lỗ bên kia, Đức-Bồ-tát đem trao viên ngọc maṇi mà sợi chỉ cũ không còn nữa, sợi chỉ mới đã được xâu xong cho dân chúng rồi bảo rằng:

Quý vị hãy đem viên ngọc maṇi này đến chầu Đức Vua Vedeha rồi tâu rằng:

Tâu Đại-vương, chúng tiện dân vùng lúa mạch hướng Đông kính dâng trở lại Đại-vương viên ngọc maṇi đã được lấy sợi chỉ cũ ra và được xâu lại sợi chỉ mới vào.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

Người nào có khả năng làm được công việc này? Bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

Tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đã làm được việc ấy, bằng cách nhỏ nước ngọt vào lỗ viên ngọc maṇi cho thấm ướt sợi chỉ cũ, lấy một sợi chỉ rất nhỏ bỏ một đầu vào lỗ viên ngọc, rồi nhỏ nước ngọt thấm vào đầu của sợi chỉ mới, rồi đặt viên ngọc maṇi ấy ở chỗ ổ kiến lửa. Đàn kiến lửa đánh mùi nước ngọt kéo đến chui vào lỗ bên này của viên ngọc maṇi ăn lần vào sợi chỉ cũ, đồng thời kéo sợi chỉ mới theo sau đi ra cửa lỗ bên kia.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí-tuệ thật là siêu việt!

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Mahosatha-paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.

Chuyện Con Bò Đực Sinh Con

Một hôm, Đức-vua Vedeha truyền quân lính cho con bò đực báu ăn bánh thật nhiều làm cho bụng con bò đực to lên. Sau đó, Đức-vua truyền cho lính thoa dầu, lấy nước nghệ tắm con bò đực rồi dắt đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông kinh-thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông các ngươi là người có tài trí, con bò đực của Trẫm đã có thai, Trẫm nhờ các ngươi giúp cho con bò đực này sinh con được an toàn rồi dắt trả lại cho Trẫm cả con bò đực lẫn con của nó. Nếu các ngươi không dắt đủ hai con về lại cho Trẫm thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng hội họp lại bàn bạc, họ không thể nào làm theo lệnh của Đức-vua được, nên họ dẫn nhau đến nhờ Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Vấn đề này cần phải đặt ngược lại”, Đức-Bồ-tát nghĩ xong, truyền bảo rằng:

Này quý vị! Quý vị có thể tìm một người đàn ông dũng cảm, có khả năng tâu với Đức-vua được không?

Kính thưa Ngài Mahosadhapaṇḍita, chúng tôi có thể tìm người đàn ông như vậy được.

Quý vị hãy dẫn người ấy lại gặp tôi.

Dân chúng dẫn người đàn ông ấy đến gặp Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, Đức-Bồ-tát dạy người ấy rằng:

Nhà ngươi hãy xả tóc ra sau, rồi khóc lóc than vãn đi đến trước cửa cung điện của Đức-vua Vedeha, ai hỏi gì cũng không trả lời, cứ khóc lóc than vãn chỉ xin bệ kiến Đức-vua mà thôi.

Khi Đức-vua truyền hỏi rằng: “Do nguyên nhân nào mà ngươi khóc than vãn như vậy?”

Nhà ngươi hãy tâu rằng:

“Muôn tâu Đại-vương, cha của tiện dân không thể sinh con được, đến hôm nay là ngày thứ bảy, Đại-vương là nơi nương nhờ của tiện dân, cầu xin Đại-vương chỉ dạy cách sinh con cho cha của tiện dân.”

Đức-vua sẽ truyền rằng: “Ngươi cầu xin điều mà không thể thực hiện được. Từ xưa đến nay, người đàn ông có bao giờ sinh con được đâu!” 

Khi ấy, ngươi hãy tâu: “Muôn tâu Đại-vương, nếu điều đó không thể có được thì dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông làm sao giúp cho con bò đực báu của Đại-vương sinh con được!”

Người đàn ông ấy nhận lời, làm đúng theo lời dạy của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita như vậy. Mọi sự việc xảy ra đúng như Đức-Bồ-tát dự đoán.

Khi nghe lời tâu của người đàn ông vùng lúa mạch hướng Đông ấy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

Người nào nghĩ ra, đặt vấn đề ngược lại như thế này?

Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người nghĩ ra, rồi dạy cho kẻ tiện dân này đến bệ kiến Đại-vương, tâu đúng theo lời dạy của công-tử như vậy.

Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền tán dương rằng:

Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí-tuệ thật là siêu việt!

Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app