Phần 18

Con Ngựa Báu

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu kia của tiện dân là con ngựa mà hàng ngàn con ngựa báu khác không sao sánh được, và viên ngọc maṇi báu của tiện dân là viên ngọc maṇi quý báu mà hàng ngàn viên ngọc maṇi khác không sao sánh được.

Tâu Đại Vương, kính xin Đại-vương nhìn thấy tài con ngựa báu của tiện dân. 

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa Sindhava báu bay lên, phi trên bờ thành xung quanh kinh-thành, phi nhanh đến nỗi không thấy con ngựa và người cỡi, chỉ thấy tấm vải màu đỏ bay phất phới mà thôi.

Chàng trai trẻ truyền cho con ngựa dừng lại, xuống ngựa tâu rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại-vương nhìn thấy con ngựa báu không chỉ có tài phi nhanh, mà còn có các tài khác.

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa báu truyền phi nhanh trên mặt nước hồ lớn trong kinh-thành, rồi truyền con ngựa phi nhanh vó ngựa đạp trên lá sen trong hồ, lá sen không bị rách, vó ngựa không bị ướt, …

Chàng trai trẻ xuống ngựa tâu rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu của tiện dân so sánh với các con ngựa báu khác như thế nào?

Này chàng trai trẻ! Con ngựa báu của ngươi hơn hẳn các con ngựa báu khác.

Viên Ngọc Maṇi

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại-vương xem viên ngọc maṇi báu này của tiện dân.

Viên ngọc maṇi báu này đặc biệt phát ra ánh sáng và cảnh vật, hình ảnh theo ý người xem. Nếu người xem muốn ánh sáng màu nào, muốn xem cảnh nào… thì ánh sáng màu ấy, cảnh ấy hiện ra trên viên ngọc maṇi báu.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya nhìn thấy rõ viên ngọc maṇi báu của chàng trai trẻ phát ra ánh sáng ngời trong trẻo theo ý của mình.

Khi Đức-vua nghĩ đến vườn thượng uyển thì vườn thượng uyển được hiện rõ ra, nghĩ đến cõi trời dục-giới nào thì cõi trời dục-giới ấy hiện ra, v.v… Đức-vua Dhanañcaya Korabya nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này không biết chán, nên tán dương ca tụng rằng:

Này chàng trai trẻ! Viên ngọc maṇi báu của ngươi thật là đẹp tuyệt vời, có tính chất đặc biệt hiện ra cảnh theo ý nghĩ của Trẫm. Thật là phi thường, Trẫm chưa từng thấy bao giờ.

Thật vậy, một viên ngọc maṇi này nếu được so sánh thì hơn hẳn cả ngàn viên ngọc maṇi quý báu khác. Cho nên, Trẫm nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này không biết chán.

Khi ấy, chàng trai trẻ tâu rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong nước Kuru này, viên ngọc maṇi báu này có nhiều tính chất đặc biệt xinh đẹp tuyệt vời, có ánh sáng trong trẻo, có thể hiện rõ những cảnh theo ý nghĩ của Đại-vương.

Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương thắng cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với tiện dân thì tiện dân sẽ kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại-vương. Ngay khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại-vương.

Nhưng nếu tiện dân thắng cờ Đại-vương thì Đại-vương ban cho kẻ tiện dân này thứ gì? Tâu Đại-vương.

Nghe chàng trai trẻ đặt điều kiện, thắng và thua như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

“Ta là người vô địch chơi môn cờ gieo súc sắc này, chưa từng có ai thắng được ta.”

Cho nên, Đức-vua tin chắc chắn sẽ thắng cờ chàng trai này dễ dàng, nên truyền bảo rằng:

Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.

Tâu Đại-vương cao cả nhất trong đất nước Kururaṭṭha này, tiện dân xin tuân lệnh như vậy. Kính xin Đại-vương không nên chậm trễ, bởi vì kẻ tiện dân từ nơi xa đến.

Vậy, kính xin Đại-vương trang hoàng hội trường chơi đánh môn cờ gieo súc sắc ngay bây giờ.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền lệnh các quan trang hoàng hội trường gấp.

Tuân lệnh Đức-vua, các quan trang hoàng hội trường, chỗ ngồi giữa là ngai cao quý Đại-vương Dhanañcaya Korabya, phía dưới, bên phải và bên trái, 101 chỗ ngồi của 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu.

Phía trước Đức-vua, chỗ thấp hợp lẽ dành cho chàng trai trẻ chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với Đức-vua.

Sau khi trang hoàng xong, các quan đến tâu trình Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường.

Cuộc Chơi Đánh Môn Cờ Súc Sắc

Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường cùng với 101 Đức-vua và chàng trai trẻ.

Khi ấy, chàng trai trẻ tâu với Đức-vua rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc giữa Đại-vương với kẻ tiện dân, sự thắng hoặc sự thua được xảy ra một cách công bằng và hợp pháp.

Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua một cách ôn hòa.

Nếu Đại-vương thắng nước cờ của kẻ tiện dân, thì tiện dân là người bị thua, xin kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại-vương. 

Khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại-vương.

Nhưng nếu kẻ tiện dân này thắng nước cờ của Đại-vương, thì xin Đại-vương cũng ban báu vật của Đại-vương không chậm trễ.

Nghe chàng trai trẻ tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

Này chàng trai trẻ! Ngươi chớ nên lo ngại, bởi vì Trẫm là vua, sự thắng và sự thua phải là công bằng và hợp pháp. Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua một cách ôn hoà.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền ban như vậy, chàng trai trẻ tâu rằng:

Tâu các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bội-châu, kính xin quý Đức-vua biết rằng:

Cuộc đánh cờ giữa Đại-vương Dhanañcaya Korabya với kẻ tiện dân này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua, sự thắng hoặc sự thua phải là hợp pháp, kính xin quý Đức-vua, các quan, quý Bà-la-môn chứng minh cuộc đánh cờ này.

Khi ấy, các quan đem bàn cờ và con súc sắc bằng vàng đặt giữa Đức-vua Dhanañcaya Korabya và chàng trai trẻ Puṇṇaka.

Chàng trai trẻ Puṇṇaka tâu rằng:

Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương dồi con súc sắc trước.

Trước khi dồi con súc sắc, Đức-vua Dhanañcaya Korabya cầu xin vị thiên-nữ đang hộ trì, giúp đỡ cho Đức-vua đánh thắng cuộc cờ này, bởi vì vị thiên-nữ này đã từng là Mẫu-hậu của Đức-vua, đã từng giúp đỡ cho Đức-vua thắng các cuộc đánh cờ, do nhờ oai lực của vị thiên-nữ ấy. 

Vị thiên-nữ hộ trì, khi thấy Đức-vua Dhanañcaya Korabya dồi con súc sắc lên cao trên hư không, nếu con súc sắc rơi xuống có thể làm cho Đức-vua thua nước cờ, thì vị thiên-nữ khiến Đức-vua bắt con súc sắc trên hư không, rồi dồi con súc sắc lại lần thứ nhì, cũng như lần trước, Đức-vua liền bắt con súc sắc trên hư không, rồi tiếp tục dồi con súc sắc lần thứ ba.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

Do nguyên nhân nào mà Đức-vua Dhanañcaya Korabya biết được con súc sắc rơi xuống sẽ bị thua nước cờ, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka biết do oai lực của vị thiên-nữ hộ trì Đức-vua, nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trừng mắt nhìn vị thiên-nữ ấy. Ngay tức khắc, vị thiên-nữ hoảng sợ biến mất khỏi nơi ấy.

Con súc sắc rơi xuống lần thứ ba làm cho Đức-vua Dhanañcaya Korabya thua nước cờ do oai lực của thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka.

Đến phiên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dồi con súc sắc lên trên hư không, khi con súc sắc rơi xuống thì thắng nước cờ Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Khi ấy, thống tướng Dạ xoa dõng dạc tuyên bố rằng:

Kẻ tiện dân đã thắng rồi! ần như vậy.

Nhìn thấy Đức-vua Dhanañcaya Korabya phát sinh nỗi khổ tâm, rồi thất vọng, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu Đức-vua Dhanañcaya Korabya rằng:

-Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong đất nước Kuru, Đại-vương và kẻ tiện dân này đã quyết tâm trong cuộc đánh cờ này, điều chắc chắn xảy ra, một bên thắng và một bên thua.

Tâu Đại-vương, cuộc đánh cờ này đã kết thúc, kẻ tiện dân này đã thắng Đại-vương rồi.

Kính xin Đại-vương ban thứ báu vật của Đại-vương cho kẻ tiện dân ngay bây giờ.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo với thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

Này chàng trai trẻ dòng dõi Kaccayana! Trong đất nước của Trẫm có những thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, ngươi hãy chọn lựa rồi Trẫm cho phép lấy các thứ ấy theo ý muốn của ngươi.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, những thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, tiện dân không muốn, kẻ tiện dân này chỉ muốn được Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà thôi.

Kính xin Đại-vương ban Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita cho kẻ tiện dân này.

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka yêu cầu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

Này chàng trai trẻ! Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita cũng chính là sinh-mạng của Trẫm.

Trước kia, Trẫm đã truyền bảo rằng:

“- Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.”

Vậy, ngươi chớ nên xem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita như là những thứ của cải.

Thật ra, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chính là sinh-mạng của ta.

Vậy, ngươi không có quyền chọn lựa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được. 

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya dõng dạc truyền bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, sự tranh chấp giữa Đại-vương với kẻ tiện dân này không thể dứt khoát được.

Vậy, kính thỉnh Đại-vương truyền hỏi Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Nếu Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita phán xét thế nào thì Đại-vương và kẻ tiện dân chấp thuận theo lời phán xét công minh ấy.

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi nói phải. Trẫm và ngươi cùng đi đến hội trường, kính xin Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya và 101 Đức-vua ngự đến hội trường cùng với chàng trai trẻ Puṇṇaka. Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền cho các quan thỉnh mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến hội trường, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vấn an Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita xong, rồi thưa rằng:

Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, danh thơm tiếng tốt của Ngài được lan truyền khắp cõi Nam-thiện-bộ-châu và các cõi trời dục-giới rằng:

“Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, là bậc thực-hành theo thiện-pháp, bậc không hề nói dối vì để bảo vệ sinh-mạng.”

Hôm nay, tôi sẽ biết được sự thật rằng:

“Ngài là bậc đại-thiện-trí thực-hành theo thiện-pháp hay không?”

Kính thưa bậc đại-thiện-trí Vidhurapaṇḍita, Ngài có phải là người thân quyến của Đức-vua Dhanañcaya Korabya hay Ngài là vị quan Đại-Pháp-sư thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya?

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Lời chân thật là nơi nương nhờ cao thượng nhất trong đời, không có gì quý báu hơn lời chân thật cả.”

Cho nên Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta không phải là thân quyến của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, ta chỉ là vị quan Đại-Pháp-sư thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya mà thôi.

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Đức-vua Dhanañcaya Korabya chơi đánh cờ bị thua nhà ngươi. Vì vậy, nhà ngươi yêu cầu Đức-vua ban ta cho nhà ngươi. Đó là điều hợp pháp.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vô cùng hoan hỷ tuyên bố rằng:

“Hôm nay tôi lại thắng lần thứ nhì, bởi vì bậc thiện-trí Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.”

Bổn-Phận Của Người Tại Gia

Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

“Sau khi chàng trai trẻ này dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi rồi, ta không còn cơ hội nghe Đại-Pháp-sư thuyết pháp nữa. Cho nên ngay bây giờ, trước khi vị Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rời khỏi kinh-thành, ta nên thỉnh Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng về các bổn-phận của người tại gia.

Nghĩ xong, Đức-vua Dhanañcaya Korabya thưa Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng: 

Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, sau khi Đại-Pháp-sư rời khỏi kinh-thành này rồi, Trẫm không còn cơ hội nghe Đại-Pháp-sư thuyết pháp nữa.

Nay, kính thỉnh bậc Đại-Pháp-sư lên ngồi trên pháp tòa thuyết pháp tế độ Trẫm, giảng giải cho Trẫm hiểu biết về bổn phận của người tại gia.

Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong đời này:

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp như thế nào để được sống an lành, tránh được mọi tai hại?

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp tiếp độ mọi người như thế nào?

* Người tại gia không làm khổ mình, không làm khổ chúng-sinh khác như thế nào?

* Người tại gia nói như thế nào gọi là người thường nói lời chân thật?

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp như thế nào để tránh khỏi tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, mà được tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời?

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi những câu hỏi về người tại gia, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt tâu giải đáp rằng:

Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, trong đời này:

* Người tại gia là người có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, không hay nói lời vô ích, là người biết làm tròn mọi bổn phận của mình như nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con v.v… là người không dể duôi trong mọi thiện-pháp, là người có trí-tuệ biết suy xét đúng đắn, biết sắp xếp công việc nên làm trước và công việc nên làm sau theo thứ tự, là người không có tính ngã-mạn, có đức tính khiêm tốn. 

Người tại gia thực-hành các thiện-pháp như vậy thì cuộc sống được yên lành, tránh được mọi tai hại.

* Người tại gia nên thực-hành bốn pháp tiếp độ mọi người là:

Nên tạo phước-thiện bố-thí đến mọi người tuỳ theo khả năng của mình.

Nên nói lời hay ngọt ngào dễ nghe.

Nên làm việc đem mọi sự lợi ích đến cho mọi người.

Nên sống hoà mình với mọi người.

* Người tại gia nên tránh xa mười ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, đồng thời nên thực-hành mười thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý với đại-thiện-tâm trong sạch.

Như vậy, người tại gia sống không làm khổ mình, không làm khổ chúng-sinh khác.

* Người tại gia là người nói như thế nào thì làm như thế ấy, làm như thế nào thì nói như thế ấy.

Như vậy, gọi là người thường nói lời chân thật.

* Người tại gia là người nên biết tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh, đến Sa-môn, Bà-la-môn có giới đức trong sạch, là người thường đến gần gũi thân cận với bậc thiện-trí có trí-tuệ, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện-trí, thường đến học hỏi rằng:

Kính bạch Ngài, thiện-pháp là gì? Ác-pháp là gì? Pháp nào nên thực-hành? Pháp nào không nên thực-hành? v.v… một cách cung kính.

Tâu Đại-vương, trong đời này, người tại gia nào là người có giới trong sạch và trọn vẹn, biết làm tròn bổn phận của mình, biết tiếp độ mọi người như vậy, biết tránh xa mười ác-nghiệp như vậy, biết thực-hành mười thiện nghiệp như vậy, thường nói lời chân thật như vậy, biết làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, biết nghe chánh-pháp, học hỏi chánh-pháp của các bậc thiện-trí như vậy.

Sau khi người tại gia ấy chết, ác-nghiệp không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, còn đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người hoặc các cõi trời dục-giới.

Sau khi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng giải những câu hỏi của Đức-vua Dhanañcaya Korabya về bổn phận của người tại gia xong, bước xuống pháp tòa đến đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya xin phép trở về tư thất của mình.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya cùng 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu vô cùng hoan hỷ ngự trở về chỗ ở của mình.

Sau khi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

-Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Ngài Đại-Pháp-sư hãy đi với tôi ngay bây giờ, Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban Ngài Đại-Pháp-sư cho tôi rồi. Vì sự lợi ích hợp pháp của tôi, xin Ngài Đại-Pháp-sư không nên chậm trễ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta biết Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban ta cho ngươi, bây giờ ta thuộc về của nhà ngươi.

Ngươi nên biết rằng: “Ta là người đã giúp nhà ngươi thắng cuộc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya, bởi vì ta đã nói lời chân thật, không nói theo ý của Đức-vua. 

Vậy, ta xin mời ngươi đến tư thất của ta nghỉ lại ba ngày đêm, để ta dạy dỗ vợ con thân quyến của ta, rồi ta sẽ đi với nhà ngươi.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói đúng, Ngài đã giúp ta thắng cuộc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya. Nếu Ngài yêu cầu ta nghỉ lại tư dinh của Ngài bảy ngày hoặc nữa tháng thì ta cũng nên chờ đợi được, huống hồ chỉ có ba ngày mà thôi.”

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng:

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi xin chấp thuận theo lời yêu cầu của Ngài, tôi sẽ nghỉ lại tại tư dinh của Ngài ba ngày đêm, kể từ ngày hôm nay xin Ngài dạy dỗ vợ con của Ngài.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đưa chàng trai trẻ Puṇṇaka lên lâu đài nghỉ trên tầng thứ bảy có đầy đủ tiện nghi, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư truyền bảo 500 cô gái xinh đẹp như thiên-nữ đến phục vụ đờn ca nhảy múa làm cho chàng trai trẻ Puṇṇaka rất hài lòng hoan hỷ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp phu-nhân của Ngài báo cho biết sự việc xảy ra đối với Ngài, rồi bảo với phu-nhân rằng:

Này Anojā em yêu quý! Em nên gọi các con trai gái của chúng ta đến nghe anh dạy bảo.

Nghe Đức phu-quân trình bày sự việc xảy ra như vậy, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phát sinh nỗi khổ tâm sầu não khóc đầm đìa nước mắt, nên bà không thể đi gọi các con, mà nhờ người con dâu đi gọi các con đến nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita dạy bảo. 

Các người con trai, con gái đến tụ hội đầy đủ tại căn phòng lớn, nhìn thấy phụ thân bước vào, các người con đều khóc lên tiếng.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến an ủi vỗ về các con của Đức-Bồ-tát rồi ngồi lên trên pháp tòa khuyên dạy các con rằng:

Này các con yêu quý! Đức-vua Dhanañcaya Korabya bị buộc phải giao cha cho chàng trai trẻ Puṇṇaka rồi, cha xin phép nán lại được ba ngày, rồi chàng trai trẻ ấy sẽ dẫn cha đi theo y.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, trước khi từ biệt các con, cha sẽ dạy dỗ các con các pháp nương nhờ, che chở bảo vệ các con.

Vậy, các con hãy nên ghi nhớ kỹ lời dạy của cha.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dạy dỗ các con phép làm quan trong triều đình, căn dặn cặn kẽ từng li từng tí, từ việc nhỏ cho đến việc lớn trong triều đình chớ nên dễ duôi.

Khi biết tin Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita sẽ bị chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn đi xa, tòan thể những người trong gia đình dòng họ của Đức-Bồ-tát gồm có cha mẹ, các bà con thân quyến, những người tôi tớ, những người làm công đều cảm thấy khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita khuyên bảo rằng:

Kính thưa cha mẹ và quý bà con thân quyến, kính xin quý vị đừng khóc than nữa, nên có trí-tuệ biết mình, chớ nên dễ duôi. Tất cả các pháp hữu vi có sinh rồi có diệt, có rồi lại không, đều là vô thường, nên chỉ có khổ mà thôi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt dạy dỗ vợ con, tòan gia quyến dòng họ cho đến các người tôi tớ, người làm công xong đúng vào ngày thứ ba hết hạn.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm rửa sạch sẽ dùng vật thực ngon lành rồi dẫn vợ con thân quyến đến chầu đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya đứng một nơi hợp lẽ rồi tâu rằng:

Tâu Đại-vương, hạ thần xin phép ở nán được ba ngày để dạy dỗ vợ con thân quyến xong vừa hết hạn. Sáng ngày hôm nay, hạ thần dẫn vợ con thân quyến đến đảnh lễ Đại-vương, xin nương nhờ nơi Đại-vương.

Kính xin Đại-vương có tâm từ, tâm bi tế độ vợ con, các thân quyến, cùng các gia nhân được sống an lành như lúc hạ thần còn tại tư dinh.

Tâu Đại-vương, hạ thần xét thấy mình có lỗi với Đại-vương bởi hạ thần nói sự thật với chàng trai trẻ Puṇṇaka rằng:

“Hạ thần chỉ là vị quan Đại-Pháp-sư giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya mà thôi”, hạ thần không nói theo ý của Đại-vương.

Đó là lỗi của hạ thần, ngoài ra hạ thần không còn thấy lỗi nào khác, hạ thần kính xin Đại-vương tha lỗi ấy cho hạ thần.

Nay, hạ thần kính đảnh lễ Đại-vương, xin phép Đại-vương, hạ thần phải đi theo chàng trai trẻ Puṇṇaka.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo rằng:

Thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Đại-Pháp-sư không nên đi theo chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy. Trẫm truyền lệnh giết chàng trai trẻ Puṇṇaka chết, rồi chặt thành nhiều khúc chôn trong kinh-thành này.

Như vậy, Đại-Pháp-sư vẫn ở lại với Trẫm như trước. 

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương cao thượng nhất trong đất nước Kururaṭṭha này, xin Đại-vương không nên nghĩ điều ác mà nên nghĩ điều thiện. Bởi vì ác-nghiệp là nghiệp thấp hèn mà chư bậc thiện-trí đều chê trách.

Người nào tạo ác-nghiệp, nếu ác-nghiệp cho quả thì người ấy phải chịu quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, thì sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh chịu quả khổ lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác giới ấy.

Tâu Đại-vương, không nên vì hạ thần mà Đại-vương tạo ác-nghiệp sát-sinh. Hạ thần kính đảnh lễ Đại-vương, xin phép bái biệt Đại-vương.

Sau khi bái biệt Đức-vua Dhanañcaya Korabya, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp bà Chánh-cung Hoàng-hậu cùng các cung phi mỹ nữ, các hoàng-tử, công-chúa, những người trong hoàng gia, v.v…

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy họ rồi khuyên họ chớ nên dễ duôi trong mọi thiện pháp.

Rời khỏi cung điện của Đức-vua, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp số đông dân chúng trong kinh-thành Indapattha, gồm có các Bà-la-môn, các phú hộ, các đoàn binh, các dân chúng, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khuyên dạy mọi người rằng:

Tất cả các pháp hữu vi có sự sinh, sự diệt, đều là vô thường, nên sắc thân này không bền vững lâu dài.

Vậy, các người chớ nên dễ duôi trong mọi thiện pháp. 

Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở về tư dinh của mình, nhìn thấy đứa con trưởng Dhammapāla cùng đàn em đứng chờ đón bên ngoài tư dinh, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita cảm động rơi nước mắt đến ôm đứa con trưởng vào lòng rồi bước vào tư dinh. 

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có một ngàn người vợ, một ngàn đứa con trai, một ngàn đứa con gái, bảy trăm tớ gái và vô số tớ trai, người làm công v.v…

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bước lên lâu đài tầng thứ bảy gặp chàng trai trẻ Puṇṇaka báo cho y biết rằng:

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi đã nghỉ trong tư dinh của ta suốt ba ngày qua, việc cần làm ta đã làm xong. Nay, ta sẵn sàng đi cùng với ngươi.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita báo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng:

Xin mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi ngay bây giờ, bởi vì đường xa.

Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita Từ Giã

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cỡi ngựa báu, còn Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nắm cái đuôi con ngựa báu.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hỏi rằng:

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài có sợ hay không?

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta không có hành ác bằng thân, bằng khẩu, bằng ý thì tại sao ta phải sợ!

Đức-Bồ-tát hai tay nắm cái đuôi con ngựa báu trong tư thế chắc chắn. 

Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta đã sẵn sàng, ngươi hãy cho con ngựa phi đi!

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra hiệu cho con ngựa báu bay lên hư không đi thẳng đến ngọn núi Kāḷapabbta y nghĩ rằng:

“Ta nên giết Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng cách cho thân thể của Ngài Đại-Pháp-sư đụng vào cây to, hoặc va chạm vào vách đá trong rừng núi Himavanta này. Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi ta sẽ mổ lấy trái tim thịt của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Ta ném thi thể xuống mặt đất, chỉ đem trái tim thịt ấy đến cõi long cung, dâng lên Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī mà thôi, rồi ta xin rước công-chúa Irandhatī trở về cõi trời.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay băng qua các cây to, vách đá, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, con ngựa bay đến đâu thì các cây to, vách đá tránh đường cho con ngựa báu bay qua, cho nên thân thể của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoàn toàn không hề bị va chạm chút nào cả.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nhìn lại sau thấy Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chưa chết, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn trong sáng, tươi tỉnh tự tại như thường.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu bay qua bay lại ba lần như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu bay vào vùng gió to, để làm cho thân thể của vị Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chết tả tơi, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, con ngựa báu bay đến đâu, ngọn gió to rẽ làm đôi không hề tiếp xúc với thân thể của Đức-Bồ-tát.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka quay lại nhìn thấy Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết, gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn trong sáng tự tại.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay qua bay lại bảy lần như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay vào vùng gió giữ dội Verambhavatā, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, gió dữ dội rẽ ra làm đôi không tiếp xúc với thân thể của Đức-Bồ-tát, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka quay lại nhìn thấy Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết, gương mặt vẫn tươi tỉnh.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu trở lại đỉnh ngọn núi Kāḷapabbata, rồi đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi.

Tư Dinh Của Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita

Nhìn thấy Dạ xoa Puṇṇaka cỡi con ngựa báu, Đức-Bồ-tát hai tay nắm cái đuôi con ngựa bay trên hư không, những người vợ người con, những người thân quyến của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khóc than thảm thiết rằng:

“Dạ xoa hóa ra chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi rồi!”

Các bà cung phi mỹ nữ, các hoàng-tử các công-chúa, những người trong hoàng gia, các Bà-la-môn, các đoàn binh, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoài kinh-thành cũng đều khóc than rằng:

“Dạ xoa hóa ra chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita của chúng ta đi rồi!” 

Họ dẫn nhau đến trước cửa cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya khóc than, từ trên lâu đài nhìn qua cửa sổ thấy và nghe họ khóc than, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi rằng:

Này các ngươi! Các ngươi khóc than chuyện gì vậy?

Dân chúng tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, chàng trai trẻ Puṇṇaka kia không phải là loài người mà là loài Dạ-xoa hóa ra thành người, Dạ-xoa kia cỡi con ngựa báu, còn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hai tay nắm cái đuôi đằng sau con ngựa báu bay trên hư không, dẫn Ngài Đại-Pháp-sư của chúng ta đi rồi. Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita của chúng tiện dân không biết sống chết thế nào!

Nếu bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trong vòng bảy ngày không trở lại kinh-thành Indapattha thì chúng tiện dân không còn muốn sống, bởi vì sống mà không được nghe pháp của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thì sống có ích lợi gì nữa đâu!

Thật vậy, trong thời-kỳ Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiên-bộ-châu, những người trong hoàng gia, các quan trong triều đình, các đoàn quân, tòan thể dân chúng trong kinh-thành và khắp mọi nơi một lòng kính yêu Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bởi vì Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy tất cả mọi người được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi an ủi rằng:

Này hỡi các thần dân! Các ngươi chớ nên khóc than sầu não khổ tâm nữa! Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita là người có trí-tuệ siêu-việt thuyết pháp hay đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, có ý nghĩa sâu sắc văn chương hay, thuyết pháp giảng dạy Dạ-xoa Puṇṇaka kia hiểu biết chánh-pháp, biết phân biệt được thiện-nghiệp với ác-nghiệp, pháp nên thực-hành với pháp không nên thực-hành,… thuyết phục Dạ-xoa Puṇṇaka kia bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, bỏ ác-pháp hành thiện-pháp, Dạ-xoa kia sẽ trả lại tự do cho Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, rồi y sẽ đem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền lời an ủi như vậy, tất cả mọi người đều cảm thấy an tâm trở về chỗ ở của mình.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app