Chúng ta đang ở đoạn văn 100. Có bốn loại giới hạnh (sīla). Loại thứ nhất được gọi là ‘sự chế ngự của Giới Bổn Pāṭimokkha’. Đây là những giới điều trong luật dành cho các tỳ-kheo và các tỳ-kheo ni. Sự chế ngự của Giới Bổn Pāṭimokkha này được trì hành do bởi niềm tin. Có niềm tin trong Đức Phật và giáo lý của Ngài, các tỳ-kheo và các tỳ- kheo ni trì giữ những điều luật Pāṭimokkha này được trọn vẹn.
Tiếp theo là sự chế ngự các căn quyền. Điều này được thực hiện hay được tiến hành với niệm. Thật ra, nói một cách chuẩn xác thì sự chế ngự các căn quyền không phải là giới luật (sīla). Nó là sự kiểm soát hay sự chế ngự các giác quan của chính mình. Sự kiểm soát các giác quan của chính mình có thể được thực hiện hoặc nên được thực hiện bằng niệm. Khi chúng ta thấy một đối tượng gì đó, chúng ta phải giữ niệm bên mình, để chúng ta không có những suy nghĩ bất thiện hay những trạng thái tinh thần bất thiện đối với đối tượng đó. Để bảo vệ hay phòng hộ, không cho những ý nghĩ bất thiện sanh lên trong tâm trí của mình, chúng ta cần có niệm. Do đó, loại giới hạnh (sīla) thứ hai, tức là sự chế ngự các căn quyền được trì hành với niệm. Với niệm, chúng ta cố gắng không nắm bắt các tướng chung, và không nắm bắt các tướng riêng. Chúng ta cố gắng dừng lại chỉ ở sự thấy, sự nghe và vân vân.
Trong đoạn văn 101: “Khi không được trì hành như vậy, thì phần giới hạnh về sự chế ngự theo Giới Bổn Pāṭimokkha không được bền lâu.”1 Ở đây, một từ bị thiếu, nó phải là “thì giới hạnh về sự chế ngự theo Giới Bổn Pāṭimokkha cũng không được bền lâu.” Nếu chúng ta không trì hành sự chế ngự các căn quyền cùng với niệm, thì loại giới hạnh thứ nhất, tức là sự chế ngự của Giới Bổn Pāñṭimokkha không thể bền lâu, cũng không thể tồn tại lâu dài.
“Nó không tồn tại lâu dài, giống như vụ mùa không được cây rào chắn bảo vệ. Và nó bị giặc phiền não lùng sục giống như ngôi làng với cổng mở bị cướp lùng sục.”2 Như vậy, sự chế ngự của Giới Bổn Pāṭimokkha được bền vững khi sự chế ngự các căn quyền được trì giữ với niệm. Khi chúng ta sống với niệm và cố gắng không nắm bắt các tướng chung và tướng riêng của các đối tượng, thì chúng ta sẽ không vi phạm các điều luật trong Giới Bổn Pāṭimokkha.
Về phần sự chế ngự các căn quyền, câu chuyện về Trưởng lão Vaṅgīsa được trình bày. Ngài đi khất thực và đã thấy một phụ nữ. Những ý nghĩ ái dục sanh lên trong tâm trí của ngài. Ngài đã hỏi ngài Ānanda phải làm gì. Ngài Ānanda trả lời rằng vì đạo hữu đã nhận thức sai lầm, vì đạo hữu đã nhìn người đó là một đàn bà, từ đó, những loại ý nghĩ như vậy đã sanh lên. Cho nên, hãy tập trung vào các pháp hành, xem chúng là xa lạ, là bất toại nguyên, là vô ngã. Nếu đạo hữu có quan điểm này, sự hiểu biết này, đạo hữu có thể dập tắt được ngọn lửa ái dục trong tâm trí của mình. Từ đó, vị trưởng lão đã tẩy bỏ được tham dục ra khỏi tâm trí của mình và đã có thể tiếp tục đi bát.
Hai câu chuyện nữa được trình bày ở đây. Đây là những câu chuyện có tính truyền cảm về việc các tu sĩ hộ trì các căn quyền như thế nào. Một tỳ-kheo đã không biết là có một bức tranh trong trú xứ của mình đang ở. Cũng chính vị đó đã không biết người đảnh lễ mình là ai, vua hay hoàng hậu. Ngài luôn luôn nói: “Chúc cho bệ hạ được an vui” đến bất kỳ người nào đảnh lễ ngài.
Trong đoạn văn 108: “Vị đó hãy đừng đói sắc.” Từ Pāḷi là ‘lola’. ‘Lola’ có nghĩa là không định tĩnh, tức là nhìn qua nhìn lại. Đó được gọi là ‘lola’. Đói ở đây không nên được hiểu theo nghĩa muốn ăn cái gì, mà nên được hiểu là đói khát cảnh sắc, muốn nhìn thấy cảnh sắc.
Học viên: Theo nghĩa xao lãng, không tập trung?
Giảng sư: Đúng vậy. Các tu sĩ được dạy là phải giữ mắt nhìn xuống, đặc biệt là khi đi vào làng. Họ được phép nhìn trong vòng khoảng 1,8 m về phía trước. Họ phải giữ mắt nhìn xuống. Họ không được nhìn cái này cái kia. Khi mắt của các bạn liếc từ cái này sang cái khác, hoặc nhìn từ cái này sang cái khác, đó được gọi là ‘lola’.
Học viên: ‘Hungry-eyed’ (đói sắc) là một từ không phổ biến lắm, ít khi dùng.
Giảng sư: Có lẽ từ ‘lola’ có thể được dịch là sự đói khát. Lola là cái gì đó mà không vững chãi, không điềm tĩnh.
Rồi đến câu chuyện về Trưởng lão Mahā Mitta.
Những câu chuyện này thì không khó để hiểu.
Loại giới hạnh thứ ba dành cho các tu sĩ là sự trong sạch của việc nuôi mạng. Sự trong sạch của việc nuôi mạng được trì hành thông qua sự tinh cần, vì nếu các bạn biếng nhác và nếu các bạn là tu sĩ và không đi bát, thì sự nuôi mạng của các bạn sẽ là không trong sạch. Sự trong sạch của việc nuôi mạng được trì hành do bởi sự tinh cần. Để giữ cho việc nuôi mạng trong sạch, vị tu sĩ phải tránh việc tìm kiếm sai trái hoặc không thích hợp. Để không trông cậy vào những việc sai trái như vậy, vị tu sĩ phải đi bát mỗi ngày.
Trong đoạn văn 112 có nói: “Và nếu vị đó có nước tiểu thối (ND: tức là bị để lâu ngày hay bị phân hủy rồi) với các quả kha tử…” Thật ra đó là các quả kha tử đã được ngâm trong nước tiểu. Không cần thiết phải là nước tiểu thối, mặc dầu từ Pāḷi được dùng ở đây là ‘pūti’, có nghĩa là thối. Nó có thể chỉ là nước tiểu, đặc biệt là nước tiểu của bò. Các quả kha tử hay là quả của cây chiêu liêu có vị đắng. Khi được ngâm trong nước tiểu của bò, chúng được xem là thuốc chữa bệnh.
Nếu một người có loại quả kha tử này hoặc bốn thứ chất ngọt, những thứ này được xem là dược phẩm dành cho các tu sĩ. Loại kha tử thì không tốt lắm đâu, trong khi bốn thứ chất ngọt thì lại là những thứ tốt. Vị tu sĩ mà muốn giữ việc nuôi mạng của mình trong sạch thì nên giữ lại cái không tốt và cho đi cái tốt đẹp đến những người khác.
Bốn thứ chất ngọt là những chất ngọt chữa bệnh được tạo ra từ bốn thành phần. Bốn thành phần đó là gì? Tại các quốc gia của chúng tôi, tại các quốc gia Phật giáo, điều này rất phổ biến. Hầu như mọi người ít nhất đều biết những thứ gì các tu sĩ có thể dùng được vào buổi chiều. Bốn thứ chất ngọt này là bơ lỏng, mật ong, dầu và đường. Chúng được trộn lại. Nếu các bạn nghiêm khắc hoặc chuẩn mực, thì các bạn sẽ không nấu chúng. Các bạn có thể đặt chúng dưới ánh nắng mặt trời và khuấy đều chúng lên. Một lúc sau, hỗn chất đó trở nên đặc lại một chút. Thứ đó có thể được dùng vào buổi chiều nếu các bạn yếu sức hoặc cần phải chữa trị một bệnh gì đó. Bốn thứ chất ngọt này được gọi là ‘catumadhura’.
Học viên: Phần cuối có nghĩa là nếu vị tỳ-kheo được dâng cúng cả hai loại dược phẩm này và vị đó nhận thứ có hạ vị và nhường thứ có thượng vị cho những người khác, đó là một hành động có giới hạnh?
Giảng sư: Đúng vậy. Vị tỳ-kheo như vậy được gọi là ‘tuyệt đỉnh trong dòng dõi của những bậc thượng nhân’.
Một vài dạng gợi ý hay ám chỉ được cho phép đối với một vài nhu yếu phẩm này và không được cho phép đối với một vài nhu yếu phẩm khác. Trong đoạn văn 113 có bàn về vấn đề này. “Đối với y phục và những loại nhu yếu phẩm khác, gợi ý, ám chỉ, nói quanh hay ra dấu hiệu về y phục và thực phẩm là không được cho phép đối với vị tỳ khưu đang làm thanh tịnh việc nuôi mạng của mình.”1 Vị tỳ khưu không được phép hỏi xin các nhu yếu phẩm, thậm chí không được gợi ý hay ám chỉ hay nói quanh để có được y phục hay thực phẩm.
“Nhưng gợi ý, ám chỉ hay nói quanh về trú xứ thì được phép đối với vị tỳ-khưu chưa tiến hành việc thực hành các hạnh đầu đà.”2 Như vậy, liên quan đến trú xứ thì điều này được cho phép đối với các tỳ-kheo.
“Ở đây, ‘gợi ý’ là khi vị tỳ-kheo, đang làm những công việc chuẩn bị đất đai, vân vân, với mục đích tạo lập nên một trú xứ, được hỏi rằng: ‘Công việc gì đang được thực hiện vậy, bạch ngài? Ai đang thực hiện công việc này vậy?’ Vị đó trả lời: ‘Chưa có ai cả’.”3 Điều đó có nghĩa là chưa có ai đang xây dựng nơi này cả. Cho nên, nếu ông có thể làm được, hãy xây dựng đi. Nó là cái gì đó giống như vậy.
Học viên: Nếu ông có thể làm được,…
Giảng sư: Nếu ông có thể làm được, hãy xây dựng nơi này cho tôi đi.
“‘Ám chỉ’ là nói rằng ‘Cư sĩ, ông sống ở đâu?’ ‘Ở trong biệt thự, bạch ngài.’ ‘Nhưng cư sĩ à, các tu sĩ thì không được phép ở trong biệt thự’.”1 Các bạn sống trong biệt thự và tôi sống trong túp lều. Đó là ám chỉ.
“‘Nói quanh’ là nói ‘Nơi trú của chúng tỳ-kheo đông quá’.”3 Ngôi tự viện thì quá nhỏ. Không đủ chỗ cho tu sĩ hoặc cư sĩ hội họp. Đó là nói quanh. Tức là vị tu sĩ muốn có một tự viện mới hoặc muốn nới rộng tự viện ra.
Như vậy, đối với trú xứ thì những việc làm này được cho phép. Nhưng đối với y phục và thực phẩm thì chúng không được cho phép.
“Tuy nhiên, tất cả mọi việc đều được cho phép trong trường hợp của dược phẩm.” Dược phẩm là một nhu yếu. Nếu các bạn bị bệnh, các bạn thật sự cần dược phẩm. Cho nên, đối với dược phẩm, gợi ý và tất cả những việc khác đều được cho phép.
“Nhưng khi bệnh đã được chữa lành, thì dùng dược phẩm theo cách này có được phép hay không?”4 Có những ý kiến khác nhau đối với vấn đề này. Các vị chuyên về Luật (Vinaya) cho rằng điều này là được, nhưng các vị chuyên về Kinh (Suttanta) lại cho rằng điều này là không được. Các vị chuyên về Luật (Vinaya) nói rằng Đức Phật đã cho phép và do đó việc dùng dược phẩm có được từ sự gợi ý và vân vân là được phép, thậm chí sau khi đã khỏi bệnh. Các vị chuyên về Kinh (Suttanta) nói là không được mặc dầu việc đó không phạm tội (tức là không có giới điều nào bị vi phạm), nhưng sự nuôi mạng lại bị nhơ bẩn, cho nên, nó không được phép. Nếu các bạn muốn làm thanh tịnh sự nuôi mạng của mình tới mức cao tột, thì đừng dùng chúng.
Việc này được hành trì bởi sự thông hiểu. Các bạn phải quán tưởng: “Tôi dùng y phục để ngăn nhiệt, lạnh, sự cắn chích của côn trùng” và vân vân. Các bạn phải sử dụng sự hiểu biết của mình. Do đó, nó được hành trì bởi hay thông qua sự hiểu biết.
Bây giờ, ở đoạn văn 124: “Ở đây, quán tưởng có hai loại: tại thời điểm nhận các nhu yếu phẩm và tại thời điểm sử dụng chúng.” Đôi lúc, các bạn nhận y hôm nay, nhưng có lẽ các bạn không dùng đến nó cho đến một tháng sau. Như vậy, có hai loại quán tưởng: tại thời điểm nhận và tại thời điểm sử dụng.
“Vì sử dụng là không có lỗi hay không bị chê trách đối với vị tu sĩ tại thời điểm nhận y phục, vân vân, quán tưởng chúng chỉ là tứ đại hoặc là ghê tởm, và đặt chúng sang một bên để sau này dùng.”2 Ở đây cũng vậy, sự chuyển ngữ có một chút không chính xác. Ở đây, ý nghĩa muốn nói là khi vị tỳ-kheo nhận y phục và các thứ khác, vị đó quán tưởng chúng chỉ là tứ đại hay là ghê tởm. Rồi vị đó đặt chúng sang một bên và sau đó sử dụng chúng. Vị đó không chỉ là đặt chúng sang một bên để sau này dùng, mà là vị đó đặt chúng sang một bên và sau đó sử dụng chúng.
“Và đối với vị tu sĩ quán tưởng chúng như vậy tại thời điểm sử dụng chúng” – tức là các bạn phải quán tưởng cả tại lúc nhận và tại lúc dùng. Đoạn văn này có ngụ ý là nếu các bạn quán tưởng tại lúc nhận và không quán tưởng tại lúc dùng, việc làm này là chấp nhận. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh ở đây phải là quán tưởng tại cả hai thời điểm – tại cả lúc nhận và tại cả lúc khi các bạn dùng chúng.
“Đây là sự giải thích để giải quyết hay dàn xếp vấn đề. Có bốn loại sử dụng: dùng như kẻ trộm cướp, dùng như mắc nợ, dùng như thừa hưởng tài sản và dùng như chủ nhân. Ở đây, việc sử dụng bởi người không có giới hạnh và sử dụng (các nhu yếu phẩm), thậm chí vị đó có ngồi giữa Tăng chúng, được gọi là ‘dùng như kẻ trộm’.”2 ‘Không có giới hạnh’ thật ra có nghĩa là vị tỳ-kheo mà phạm một trong bốn giới điều quan trọng nhất. Nếu vị tỳ-kheo phạm một trong bốn tội quan trọng nhất, vị đó không còn là tỳ-kheo nữa. Vị đó có thể là vẫn đang mặc y. Vị đó có thể vẫn tự xưng là tỳ-kheo. Nhưng việc sử dụng các nhu yếu phẩm của vị đó được gọi là dùng bởi kẻ trộm. Vị đó không xứng đáng hoặc không được phép để nhận cúng dường từ cư sĩ. Như vậy, nó giống như là trộm cướp cái gì đó. Nó được gọi là ‘dùng như kẻ trộm’. ‘Không có giới hạnh’ ở đây chỉ cho một người không còn là tỳ-kheo nữa.
“Việc sử dụng không có quán tưởng bởi một người vốn có giới hạnh là ‘dùng như mắc nợ’.”1 Các tu sĩ nương tựa vào các cư sĩ dâng cúng những nhu yếu phẩm này. Tức là các cư sĩ dâng cúng tứ vật dụng đến các tỳ-kheo. Do đó, các tỳ-kheo có trách nhiệm phải quán tưởng tứ vật dụng này. Nếu vị tỳ-kheo không quán tưởng khi nhận lãnh chúng hoặc khi sử dụng chúng, thì vị đó được nói là ‘dùng chúng như món nợ’ hoặc vị đó mắc nợ.
Vị đó phải quán tưởng bốn thứ nhu yếu. Khi nào? Y phục phải được quán tưởng mỗi khi sử dụng. Mỗi khi vị đó nhặt y lên, vị đó phải quán tưởng bộ y. “Tôi dùng bộ y này để ngăn nhiệt, lạnh, cắn chích của các côn trùng” và vân vân.
“Thực phẩm (phải được quán chiếu) từng miếng một.” Các bạn gọi cái này là gì? Một miếng nhỏ? Như vậy, thực phẩm nên được quán chiếu ở từng mỗi miếng nhỏ, ở từng mỗi miếng ăn. Đó là lý do tại sao các tu sĩ được khuyên là không nên nói khi ăn. Một tỳ-kheo nói khi ăn thì được xem là có tật xấu vì, thay vì quán tưởng, vị đó lại nói chuyện. Khi vị đó nói, vị đó không có quán tưởng.
Học viên: Mỗi khi tụng đọc trước các bữa ăn, chúng tôi nói phần đầu là cho giới hạnh, phần thứ nhì là cho định (samādhi) và phần thứ ba là để cứu vớt tất cả chúng sanh.
Giảng sư: Đúng rồi. Tốt. Các bạn phải đang làm một điều gì đó trong khi ăn. Ý của tôi là đang suy nghĩ một điều gì đó. Khi các bạn ăn mà không quán tưởng, các bạn đang dùng vật thực như món nợ. Cho nên, thực phẩm nên được quán tưởng từng miếng một. “Một người mà không thể làm được việc này thì nên quán tưởng nó trước bữa ăn (có nghĩa là vào buổi sáng), sau bữa ăn, vào canh thứ nhất, vào canh thứ hai và vào canh thứ ba. Nếu bình minh đến mà vị đó vẫn chưa quán tưởng thì vị đó được ghi nhận là người đã dùng vật thực như món nợ.”1 Bình minh là lúc bắt đầu một ngày mới. Ngày mới không bắt đầu tại lúc nửa đêm. Ngày (mới) được tính từ bình minh. Khi bình minh đến và vị tỳ- kheo không quán tưởng gì cả (ND: kể từ bình minh ngày trước cho đến bình minh ngày mới), thì vị đó được nói là dùng các thứ nhu yếu như là một món nợ.
“Trú xứ cũng nên được quán tưởng mỗi khi dùng.” Khi các bạn đi vào tự viện và khi các bạn đi ra khỏi tự viện, các bạn phải quán tưởng.
“Sử dụng chánh niệm trong cả lúc nhận và lúc sử dụng dược phẩm là việc làm thích hợp hay đúng đắn.” Cho nên, đối với dược phẩm, các bạn phải quán tưởng cả lúc nhận và lúc dùng.
“Trong khi điều được chỉ dạy là như vậy, nhưng lại có hai trường hợp: (1) vị tỳ kheo lúc tiếp nhận dược phẩm có chánh niệm nhưng khi sử dụng lại không có chánh niệm thì bị phạm lỗi, (2) vị tỳ kheo lúc tiếp nhận dược phẩm không có chánh niệm nhưng khi sử dụng lại có chánh niệm thì không phạm lỗi.” Các bạn có thể nhận nó không quán tưởng, nhưng khi các bạn dùng, các bạn phải thật sự quán tưởng. Đó là ý nghĩa muốn nói ở đây.
“Sự thanh lọc hay sự thanh tịnh có bốn loại: thanh tịnh do bởi Giáo lý, thanh tịnh do bởi chế ngự, thanh tịnh do bởi tìm kiếm và thanh tịnh do bởi quán tưởng.”2 Điều này cũng có liên quan đến bốn loại giới hạnh (sīla). Loại thứ nhất là thanh tịnh do bởi Giáo lý. Từ ‘Giáo lý’ ở đây là không đúng.
Có hai bản dịch sang tiếng Anh của tài liệu Visuddhimagga. Một bản được thực hiện bởi một cư sĩ người Miến và bản còn lại bởi ngài Ñāṇamoli. Cả hai đều dịch không đúng chỗ này.
Thuật ngữ Pāḷī là desanā. Từ ‘desanā’ thường có nghĩa là bài pháp, hay giáo lý hay buổi thuyết giảng. Nhưng ở đây, desanā được dùng theo nghĩa chuyên môn của Tạng Luật (Vinaya). ‘Desanā’ trong Tạng Luật (Vinaya) có nghĩa là làm hiển lộ, hay là làm hiển lộ những việc vi phạm tội của mình, tức là sự thú tội. Như vậy, nó là ‘thanh tịnh do bởi thú tội’. Khi một tỳ kheo phạm một điều luật hay một vài điều luật, vị đó thú tội với một vị tỳ-kheo khác. Khi vị đó thú tội, vị đó được xóa bỏ tội đó.
Có loại giới (sīla) được gọi là ‘thanh tịnh do bởi thú tội’. Chỉ nhờ thú tội, các bạn có thể xóa được tội này. Đây là những điều luật nhỏ trong Giới Bổn Pāṭimokkha. Ví dụ, chặt cây – các tu sĩ không được phép chặt cây. Nếu vị tỳ- kheo chặt cây, hay ngắt hoa, hay hái trái, vị đó vi phạm lỗi nhỏ. Để được xóa bỏ tội nhỏ đó, vị đó chỉ phải thú tội với một vị tỳ-kheo khác.
Có những lỗi hoặc tội nghiêm trọng hơn, chỉ thú tội không đủ, mà đòi hỏi phải bị kiểm soát hay thử thách (ND: như tù treo) trong một thời gian. Hơn nữa, có những tội nghiêm trọng nhất nếu vi phạm dẫn đến bị mất phẩm mạo tỳ-kheo. Trong trường hợp đó, ‘xả y’ được gọi là sự thanh lọc hay sự thanh tịnh. Ý của tôi là từ bỏ không làm tỳ-kheo nữa. Trở thành sa-di (sāmaṇera) hay trở thành cư sĩ được gọi là ‘sự thanh lọc’ hay ‘sự thanh tịnh’ ở đây. Như vậy, những sự phạm tội xảy ra có liên quan đến một vài giới điều trong Pāṭimokkha có thể được thanh lọc bằng sự thú tội.
‘Thanh tịnh do bởi chế ngự’ là sự chế ngự các căn quyền. Đó được gọi là ‘thanh tịnh do bởi chế ngự’.
Loại thứ ba, ‘thanh tịnh do bởi việc nuôi mạng’, được gọi là ‘thanh tịnh do bởi tìm kiếm’. Đây là vì các bạn phải tìm kiếm các thứ nhu yếu, đặc biệt là thực phẩm. ‘Tìm kiếm’ có nghĩa là tìm kiếm bằng các phương cách thích hợp, không phải bằng việc đòi hỏi hoặc xin xỏ bằng lời nói.
Loại cuối cùng là ‘thanh tịnh do bởi quán tưởng’. Để thanh lọc hay thanh tịnh loại cuối cùng của bốn loại giới (sīla), các bạn phải quán tưởng bất cứ khi nào các bạn thọ nhận một món nhu yếu hoặc khi các bạn sử dụng một món nhu yếu. Đây là bốn sự thanh lọc hay thanh tịnh tương ứng với bốn loại giới hạnh (sīla).
“Việc sử dụng các nhu yếu phẩm bởi bảy bậc Hữu Học được gọi là ‘sử dụng như thừa hưởng tài sản’.”1 Các bạn có biết các bậc Hữu Học là ai không? Các bạn biết là có tám bậc Thánh hay tám bậc Thượng Nhân. Có bốn tầng hay bốn giai đoạn giác ngộ và tám loại tâm sanh lên tại bốn tầng giác ngộ. Chúng là Nhập Lưu Đạo, Nhập Lưu Quả, Nhất Lai Đạo, Nhất Lai Quả, Bất Lai Đạo, Bất Lai Quả, A- la-hán Đạo và A-la-hán Quả. Đây là tám loại tâm. Điều được ghi nhận là có tám người Giác Ngộ hay tám bậc Thánh. Trong Pāḷi được gọi là Ariya. Các bạn có lẽ quen thuộc với từ ‘ariyan’. Người tại thời điểm của tâm Nhập Lưu Đạo được gọi là ‘Bậc Thánh Thứ Nhất’. Người tại thời điểm của Nhập Lưu Quả được gọi là ‘Bậc Thánh Thứ Hai’ và vân vân. Có tám bậc Thánh.
Các bậc Hữu Học là gì? ‘Hữu Học’ ở đây có nghĩa là những vị đã chứng đạt các tầng giác ngộ thấp. Nói một cách ngắn gọn, các bậc Hữu Học là những vị không phải là phàm nhân (puthujjana) cũng không phải là A-la-hán (Arahant). Các ngài là những vị Nhập Lưu, những vị Nhất Lai, những vị Bất Lai và vị A-la-hán tại thời điểm của tâm đạo mà thôi. Trong Pāḷi, các vị này được gọi là Sekha. Các ngài không phải là phàm nhân (puthujjana). Và các ngài không phải là A-la-hán. Việc sử dụng các nhu yếu phẩm của ngài được gọi là ‘sử dụng như thừa hưởng tài sản’.
“Nhưng bằng cách nào, các nhu yếu phẩm được sử dụng đó là của Đức Phật hay là của thí chủ? Mặc dầu được các thí chủ dâng cúng, nhưng chúng thật ra là thuộc về Đức Phật, vì chúng được cho phép bởi chính Đức Phật.” Đức Phật cho phép chúng tôi chấp nhận các nhu yếu phẩm dâng cúng từ các cư sĩ. Cho nên, thật ra đó là các vật dụng của Đức Phật chứ không phải của các cư sĩ. Khi người con sử dụng các vật dụng của cha mình, các nhu yếu phẩm của cha mình, thì vị đó được nói là ‘sử dụng chúng như thừa hưởng tài sản’. “Đó là lý do tại sao nó được hiểu là các nhu yếu phẩm của Đức Phật đang được sử dụng. Ở đây, sự xác nhận này được tìm thấy trong Dhammadāyāda Sutta1.”2 Bài kinh (sutta) này nằm trong Trung Bộ Kinh (Majjhimanikāya), bài kinh thứ ba. Đức Phật dạy trong bài kinh này rằng: “Hãy là những người thừa tự Pháp (Dhamma), chứ đừng là những người thừa tự các nhu yếu phẩm.” Đức Phật khuyến dụ các đệ tử của ngài theo cách này.
“Việc sử dụng của những vị mà các lậu hoặc của những vị đó đã được hủy diệt (tức là được sử dụng bởi các vị A-la-hán) được gọi là ‘sử dụng như chủ nhân’: vì các ngài dùng chúng như là các chủ nhân bởi các ngài đã thoát khỏi sự nô lệ cho tham ái.”
Trong số bốn cách sử dụng này, hãy cố gắng sử dụng như chủ nhân. Đó là cách sử dụng tốt nhất. Đối với những phàm nhân chưa chứng đắc tầng giác ngộ nào, thì không thể có cách sử dụng như thừa hưởng tài sản cũng như cách sử dụng như chủ nhân. Cho nên, chỉ còn có hai cách còn lại – sử dụng như kẻ trộm và sử dụng như món nợ. Nhưng Sớ Giải giải thích rằng việc sử dụng của những người trì hành giới luật, của những người có giới hạnh trong sạch có thể được bao gồm trong cách sử dụng như thừa hưởng tài sản bởi vì nó trái ngược với việc sử dụng như món nợ.
“Vì người sở hữu giới hạnh cũng được gọi là ‘hữu học’ do bởi việc sở hữu sự tu học hay sự huấn luyện này.” Đây là việc nới rộng nghĩa của từ này. Từ ‘Hữu Học’, tức là ‘Sekha’ trong Pāḷi có nghĩa là những vị không phải là phàm nhân (puthujjana) cũng như không phải là A-la-hán (Arahant), nhưng ở đây, với việc nới rộng nghĩa của nó, một người có giới hạnh (sīla) tốt đẹp, mặc dầu vị đó là một phàm nhân (puthujjana), cũng có thể được gọi là ‘hữu học’ ở đây. Do đó, việc sử dụng các nhu yếu phẩm (của vị này) cũng có thể được bao gồm trong cách sử dụng như thừa hưởng tài sản.
“Về ba cách sử dụng này, do sử dụng như chủ nhân là cách sử dụng tốt nhất, cho nên khi một vị tỳ-kheo thọ trì phần giới hạnh có liên quan đến các nhu yếu phẩm, vị đó nên khao khát hoặc ước muốn được như vậy (ND: tức là ước muốn trở thành vị A-la-hán để có thể sử dụng như chủ nhân) và sử dụng chúng sau khi quán tưởng chúng theo cách như đã được miêu tả.”1 Ở đây bị thiếu một câu văn. Tôi không rõ lý do tại sao ngài (tức là ngài Ñāṇamoli) lại bỏ qua câu này. “Vì vị tỳ-kheo làm như vậy là vị tỳ-kheo làm điều cần phải làm.” Cây văn này bị thiếu trong bản dịch tiếng Anh này.
Học viên: Câu đó nằm ở chỗ nào ạ?
Giảng sư: Ngay sau phần ‘sau khi quán tưởng chúng theo cách như đã được miêu tả’. “Vì vị tỳ-kheo thực hành như vậy (tôi nghĩ tốt hơn là nên dùng từ “thực hành”) là vị tỳ-kheo làm điều cần phải làm.”
Trong đoạn văn 130: “Liên hệ đến sự viên mãn của phần giới hạnh có liên quan đến các nhu yếu phẩm, câu chuyện về sa-di Saṅgharakkhita, Người Cháu, nên được nhắc đến hay nên được đề cập đến.”1 Vị đó đang ngồi thọ thực và ngài giáo thọ sư của vị đó đã nói: “Đừng để phỏng lưỡi.” Hay là “Đừng thiêu đốt lưỡi của con.” Vị sa-di không có ăn thức ăn nóng lúc đó. Nhưng vị giáo thọ sư vẫn cứ nói: “Đừng thiêu đốt lưỡi của con.” Điều đó có nghĩa là đừng ăn mà không có quán tưởng. Sau đó, vị sa-di đã trở thành bậc A-la-hán (Arahant).
Trong đoạn văn 131 ở khoảng giữa đoạn (ND: phần (c)) có nói: “Là giới của phàm nhân hào hiệp hoặc rộng lượng chuyên hành thiện.”2 ‘Phàm nhân hào hiệp hoặc rộng lượng’ có nghĩa là những phàm nhân (puthujjana) có hiểu biết hay những phàm phu thiện lành. ‘Chuyên hành thiện’ thật sự có nghĩa là chuyên thực hành thiền minh sát (vipassanā).
Số lượng giới điều được trình bày bởi ngài Ñāṇamoli khác với số lượng được ghi nhận theo cách lý giải truyền thống. Theo truyền thống, số lượng giới điều dành cho các tỳ-kheo là – tôi biết nói sao đây? Ở đây có quá nhiều điều luật.
“Chín ngàn triệu, và một trăm
Và rồi thêm tám mươi triệu nữa
Và năm mươi cộng với một trăm ngàn
Và lại thêm ba mươi sáu vào đó.
Tổng số những điều luật chế ngự:
Những điều luật này Bậc Giác Ngộ giải thích Được trình bày theo các đầu đề để làm hiện rõ, Giới luật hành trì bao gồm những điều luật này.” Theo truyền thống là con số là 91.805.036.000.
Học viên: Như vậy là rất nhiều.
Giảng sư: Đó là vì có nhiều lỗi vi phạm nhỏ cho mỗi điều luật.
Học viên: Đó là 91 tỷ điều luật. Giảng sư: Tôi không rõ.
Học viên: Triệu, tỷ, ngàn tỷ. Đúng rồi, chỉ là 91 tỷ thôi.
Giảng viên: Cho nên, chúng tôi tự hào nói rằng: “Tôi đang trì giữ 91 tỷ điều luật.”
Bây giờ, trong đoạn văn 134: “Giới hạnh của vị phàm nhân hào hiệp hay rộng lượng, từ lúc gia nhập Tăng đoàn, không bị lấm nhơ bởi thậm chí cả một ý nghĩ sai quấy do bởi sự cực kỳ trong sạch của nó giống như viên ngọc của nước tinh khiết.”2 ‘Viên ngọc của nước tinh khiết’ – điều đó có nghĩa là gì? Nó không có rõ ràng. Nó phải là ‘giống như viên ngọc được chùi mài kỹ lưỡng hay được làm cho bóng láng’. Đó là ý nghĩa ở đây. Nó có thể là được chùi mài cho bóng láng hoặc được lau rửa thật sạch.
Rồi chúng ta có một tích truyện. Tôi sẽ không bàn về trích truyện này. Các tích truyện thì không khó để hiểu.
Rồi có thêm những tích truyện trong đoạn văn 137. Đây là câu chuyện về một tỳ-kheo bị gãy chân và đã đề nghị những kẻ trộm cướp để cho ngài thực hành thiền trong đêm đó. Ngài thực hành thiền trên sự đau đớn do xương bị gãy tạo ra. Vào rạng sáng, ngài đã trở thành vị A-la-hán. Ngài thực hành thiền trên sự đau đớn. Sự đau đớn đã là đề mục thiền của ngài.
Ở đoạn văn 140, câu trích dẫn từ Paṭisambhidā thì không dễ hiểu chút nào. Chúng ta có thể bỏ qua. “Trong trường hợp của sát sanh, (a) từ bỏ là giới hạnh, (b) kiêng tránh là giới, (c) chủ ý (tâm sở tư) là giới, (d) chế ngự là giới, (e) không vi phạm là giới.”1 Rồi những điểm khác được trình bày từng điều một – “Trong trường hợp của trộm cướp, trong trường hợp của tà dâm, trong trường hợp của nói dối” và vân vân. Thậm chí trong trường hợp của thiền (jhāna) thứ nhất, sự từ bỏ những triền cái là giới hạnh. Trong trường hợp của thiền (jhāna) thứ hai, sự từ bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là giới hạnh và vân vân.
Trong đoạn văn 141: “Và ở đây, không có trạng thái nào được gọi là ‘từ bỏ’ thay vì chỉ là sự không sanh lên của việc sát sanh, vân vân, như đã được trình bày.”1 ‘Từ bỏ’ thật ra có nghĩa là không để cho chúng sanh lên. Nếu chúng đã sanh lên, thì chúng đã sanh lên, và các bạn không thể làm gì được về điều đó.
Chúng ta đã kết thúc phần hỏi đáp – “Giới hạnh là gì?
Nó được gọi là giới hạnh theo nghĩa nào?” và vân vân.