Tâm Sở (Cetasika)

Loại pháp chân đế thứ hai là các trạng thái tinh thần mà được gọi là tâm sở (cetasika). Những tâm sở (cetasika) phân chia tâm thành nhiều thể loại giống như nước được phân loại thành nhiều thể loại tùy thuộc vào việc nó được pha trộn với thuốc nhuộm màu đỏ, xanh hay tím. Thật ra, tâm và các tâm sở của nó xảy ra cùng với nhau và diệt đi cùng một lúc, trải nghiệm cùng những cảnh giác quan và phụ thuộc vào cùng những vật giác quan. Cho nên, để hiểu được sự phân loại của tâm thức, chúng ta cần phải hiểu những loại tâm sở khác nhau. Có 52 tâm sở: mười bốn bất thiện, 25 thiện và mười ba tợ tha.

Mười Ba Tâm Sở Tợ Tha

Có mười ba tâm sở phổ biến hay có chung cho bất kỳ tâm thiện hay tâm bất thiện nào. Trong số chúng, bảy tâm sở đầu tiên là chung cho tất cả các tâm và sáu tâm sở còn lại thì chỉ dành cho những tâm cụ thể trong trường hợp cụ thể.

  1. a)  Bảy  tâm  sở  biến  hành:  xúc  (phassa),  thọ

(vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất tâm (ekaggatā), mạng quyền (jīvitindriya), tác ý (manasi-kāra). Bảy tâm sở này đi cùng với mỗi một sát-na tâm cho dầu nó là thiện, bất thiện hay vô ký.

  1. b)  Sáu tâm sở biệt cảnh: tầm (vitakka), tứ (vicāra), thắng giải (adhimokkha), cần (vīriya), hỷ (pīti), dục (chanda). Sáu tâm sở này đi cùng với một vài sát-na tâm một cách chọn lựa và tùy tình huống.

Một vài trong số mười ba tâm sở tợ tha đóng vai trò rất quan trọng do bởi năng lực của những đặc tính riêng của chúng:

Xúc (phassa) là tâm sở giúp tâm ý tiếp xúc với các cảnh giác quan theo phương cách sinh động đến mức nó dường như đụng chạm vào cảnh giác quan đó.

Thọ (vedanā) là tâm sở giúp tâm ý trải nghiệm hương vị của các cảnh giác quan, cho dầu nó là đáng hài lòng, không đáng hài lòng hay trung bình.

Tưởng (saññā) là tâm sở giúp tâm ý ghi nhận các cảnh giác quan. Tâm sở này được mô tả bởi cái mà chúng ta gọi là trí nhớ hay tri thức.

Tư (cetanā) là tâm sở có trách nhiệm cho những hành động tốt hay xấu của chúng ta, mà được gọi là nghiệp (kamma).

Nhất tâm (ekaggatā) là tâm sở giúp tâm ý tập trung vào các cảnh giác quan. Tâm sở nhất tâm này hỗ trợ cho kiến thức hay sự hiểu biết của chúng ta và nó còn hoạt động như là nhân tố thiết yếu cho sự chứng nhập thiền (jhāna).

Mạng quyền (jīvitindriya) là tâm sở giữ cho các tâm sở của chúng ta sống còn.

Tác ý (manasi-kāra) là tâm sở hoạt động như là sự chú ý hay sự lưu tâm đến các cảnh giác quan.

Tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là hai tâm sở hướng tâm ý về các cảnh giác quan và giữ nó ở trên các cảnh giác quan. Hai tâm sở này cùng với hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā) hoạt động như là những nhân tố của sự chứng nhập thiền (jhāna).

Cần (vīriya) và dục (chanda) là hai tâm sở làm tăng sinh lực cho tâm ý. Chúng thuộc vào nhóm bốn pháp như ý, tức là bốn pháp làm nên sự thành tựu (iddhi-pāda). Chúng là dục (chanda), cần (vīriya), tâm (citta) và thẩm (vīmaṃsa).

Mười Bốn Tâm Sở Bất Thiện

Có mười bốn tâm sở bất thiện. Trong số chúng, bốn tâm sở đầu tiên là phổ biến cho tất cả các tâm bất thiện, và mười tâm sở còn lại thì được liên kết với những tâm bất thiện cụ thể trong trường hợp cụ thể.

  1. a)  Bốn tâm sở bất thiện biến hành: si (moha), vô tàm (ahirika1), vô úy (anottappa), phóng dật (uddhacca).
  2. b)  Mười tâm sở bất thiện còn lại: tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), sân (dosa), tật (issā), lận (macchariya), hối (kukkucca), hôn trầm và thụy miên (thina và middha), hoài nghi (vicikicchā).

Bốn tâm sở bất thiện biến hành luôn luôn có liên quan trong mọi loại nghiệp bất thiện. Chúng biểu hiện dưới dạng của các hành vi vô tâm hay bất cẩn, các lời nói không có giá trị, si mê, ảo tưởng, sự lú lẫn, những suy nghĩ vẩn vơ, và vân vân. Cùng với bốn tâm sở bất thiện biến hành này, tham (lobha) (được mô tả bởi sự thèm muốn, tính ích kỷ, sự khao khát các dục trần, tà kiến hay ngã mạn) đóng vai trò chính trong việc trộm cướp, lừa gạt, cưỡng hiếp, tà dâm và vân vân. 

Cùng với sự có mặt của bốn tâm sở bất thiện biến hành này, sân (dosa) (được biểu hiện ra như sự giận dữ, sân hận, ác tâm, tính ganh tỵ, sự ghen tỵ, tính phân biệt chia rẽ hay sự hối tiếc) hoạt động trong việc sát sanh, làm tổn thương, nói sau lưng, phỉ báng, nói xấu người khác, và vân vân.

1 ND: Trong nguyên tác ghi là ahīrika.

Hai Mươi Lăm Tâm Sở Thiện

 Có 25 tâm sở thiện. Trong số chúng, mười chín tâm sở đầu tiên là phổ biến hay có chung cho mọi tâm ý thiện, và sáu tâm sở sau cùng thì chỉ liên kết với những loại tâm ý thiện cụ thể trong trường hợp đặc biệt.

  1. a)  Mười chín tâm sở thiện1 biến hành: tín (saddhā), niệm (sati), tàm (hiri2), úy (ottappa), vô tham (alobha), vô sân (adosa), hành xả (tatra-majjhattatā), tĩnh tánh (kāya-passaddhi), tĩnh tâm (citta-passaddhi), khinh tánh (kāya-lahutā), khinh tâm (citta-lahutā), nhu tánh (kāya-mudutā), nhu tâm (citta-mudutā), thích tánh (kāya-kammaññatā), thích tâm (citta-kammaññatā), thuần tánh (kāya-pāguññatā), thuần tâm (citta-pāguññatā), chánh tánh (kāyujukatā) và chánh tâm (cittujukatā).
  2. b)  Sáu tâm sở thiện biệt cảnh: Ba giới phần như là chánh ngữ (sammā-vācā), chánh nghiệp (sammā-kammanta), chánh mạng (sammā-ājīva); hai vô lượng phần như là bi mẫn (karunā) và tùy hỷ (muditā); và trí tuệ (paññā).

Mười chín tâm sở thiện biến hành, tức là phổ biến hay có chung cho mọi tâm ý thiện, luôn luôn có liên quan trong tất cả các hoạt động thiện như là bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tham thiền (bhāvanā) và vân vân. Ví dụ, bố thí (dāna) cần tất cả mười chín tâm sở, như niềm tin (saddhā) vào những thành quả của việc bố thí, sự ghi nhận (sati) về giá trị của sự bố thí (dāna), lương tâm đạo đức (hiri1, ottappa), sự không ích kỷ (alobha), lòng từ (adosa), sự ổn định tinh thần (tatra-majjhattatā) và vân vân. Điều này cũng đúng với những thiện nghiệp còn lại, như trì giới (sīla), tham thiền (bhāvanā), và vân vân.

Cùng với mười chín tâm sở này, có thêm sáu tâm sở khác liên kết với một vài tâm ý thiện cụ thể: ba tâm sở giới phần, tức là ba sự kiên tránh (virati2), đóng vai trò chính yếu trong các hành vi đạo đức, lòng bi mẫn (karunā) đóng vai trò trong việc giúp đỡ những người khác đang cần sự hỗ trợ hoặc đang gặp khó khăn, lòng tùy hỷ (muditā) đóng vai trò trong việc hoan hỷ với những thiện pháp được thực hiện bởi những người khác, và trí tuệ (paññā) tự biểu hiện chính mình trong việc suy tư, thấu hiểu và trải nghiệm sự hiểu biết sâu sắc và sự giác ngộ.  

1 ND: Trong nguyên tác ghi là “hirī”.

2 ND: Trong nguyên tác ghi là “viratī”.

Sắc Pháp (Rūpa)

Loại pháp chân đế thứ ba là sắc pháp. Nhiều người trong chúng ta cho rằng những thứ vật chất là các thể rắn hữu hình. Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), thật ra một đối tượng vật chất có thể được chia chẻ nhỏ liên tục cho đến khi không còn gì khác ngoài năng lượng. Do đó, không có gì là rắn chắc trong thế gian này. Ở đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi rằng: Nếu không có gì là rắn chắc thì tại sao chúng ta không thể đi xuyên tường hay xuyên núi theo như cách chúng ta đi trong không khí? Nó là như vậy vì đó là cách thức các giác quan của chúng ta trải nghiệm yếu tố đất, chứ không phải vì bản chất vốn có của chúng là rắn chắc. Đó là lý do tại sao có những loại tia vật chất nhất định có thể đi xuyên qua tường hoặc núi.

Tuy nhiên, những yếu tố vật chất này biến diệt nhanh đến mức chúng không có thời gian để lão hóa hay để thay đổi vị trí. Mọi vật dường như có vẻ tồn tại lâu dài là vì chúng bị thay thế một cách liên tục với những vật chất mới, giống như nước trong một dòng sông hay vật liệu cháy trong một cây đèn cầy. Mọi vật dường như có vẻ di chuyển là vì những thành phần vật chất mới mẻ liên tục thay thế cho chúng thì sanh lên tại những vị trí xa hơn từng chút một. Và mọi vật dường như có vẻ lão hóa là vì những thành phần vật chất thay thế cho chúng bị suy thoái cả về số lượng cũng như về chất lượng theo thời gian. Chính vì những sự thay thế có tính liên tục và ở  một quy mô rộng lớn như vậy mà chúng ta nhầm lẫn cho chúng là một cái gì đó rắn chắc hay tồn tại lâu dài, một cái gì đó có già cỗi hay di chuyển. Thật ra, già hay trẻ, đẹp hay xấu, di chuyển hay đứng yên, tất cả đều là một ảo giác. Chúng giống y hệt với ngọn lửa của cây đèn cầy, luôn luôn biến đổi và bị thay thế một cách liên tục với những thành phần mới. Đó là lý do tại sao điều sau đây được ghi nhận: 

“Cái gì chưa được sanh lên thì sanh lên. Cái gì được sanh lên thì biến hoại. Tất cả các pháp hữu vi thì luôn luôn mới mẻ như âm thanh từ một chiếc hạc cầm.” (Abhidhammattha Saṅgaha Bhāsātīka)

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app