Tám Sắc Bất Ly
Có tám sắc pháp cơ bản tạo lập nên cơ thể của chúng ta và tất cả vạn vật trong vũ trụ này. Tám sắc pháp này luôn luôn đi cùng với nhau, cho nên chúng được gọi là những sắc pháp bất ly (avinibbhoga). Nghiệp (kamma), tâm ý, thời tiết và dưỡng tố tạo ra tám sắc pháp này một cách không ngừng nghỉ và rất nhiều đến mức cơ thể của chúng ta dường như là rắn chắc và tồn tại lâu dài. Tám sắc bất ly bao gồm:
- Yếu tố đất (pathavī)
- Yếu tố lửa (tejo)
- Yếu tố nước (āpo)
- Yếu tố gió (vāyo)
- Màu sắc (vaṇṇa)
- Khí mùi (gandha)
- Vị chất (rasa)
- Dưỡng tố (oja).
Các Vật Vô Tri
Các vật vô tri (anindriya-baddha-rūpa) thì được sinh ra từ thời tiết mà được gọi là “utu” trong Pāḷi, tức là yếu tố lửa hay nhiệt lượng theo nghĩa chân đế. Do đó, có vẻ hợp lý khi cho rằng các vật vô tri được sinh ra từ mặt trời và bị biến thể thành nhiều loại vật chất như chúng ta thấy trong đời sống hằng ngày, hay thành những thành tố vật lý mới được phát hiện ra gần đây như các hạt neutron, proton và electron. Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), các vật vô tri được tạo lập ra bởi tám sắc bất ly mà vốn được sinh ra bởi thời tiết hay yếu tố lửa. Nếu chúng ta đụng vào một trái táo chẳng hạn, chúng ta có thể trải nghiệm được cảm giác cứng hay mềm (yếu tố đất), lạnh hay ấm (yếu tố lửa), sự vững chắc hay sự kết dính (yếu tố nước), sự căng hay sức ép (yếu tố gió). Chúng ta cũng có thể trải nghiệm màu sắc, khí mùi, vị chất và dưỡng tố thông qua các giác quan của chúng ta. Tám sắc bất ly này, tạo lập nên trái táo, sanh lên và diệt đi từng mỗi một thời điểm. Nhưng trái táo thì dường như bền vững là do bởi sự thay thế một cách liên tục và ở một quy mô rộng lớn của tám sắc bất ly mới mẻ giống như ánh sáng của một ngọn đèn cầy hay dòng chảy của một con sông.
Việc nhìn thấy được bức tranh toàn diện về tiến trình rộng lớn như vậy của các hiện tượng sắc pháp thông quan hay bằng các giác quan của chúng ta là một điều không thể nào thực hiện được. Tuy nhiên, tuệ minh sát (Vipassanā) có thể giúp chúng ta xuyên thấu vào nó ở một mức độ nào đó.
Thân Xác Hữu Tình
Thân xác hữu tình thì phức tạp hơn nhiều so với thế giới vô tri vì nó không chỉ được sanh ra từ yếu tố lửa hay từ mặt trời mà còn được sanh ra từ nghiệp (kamma), tâm (citta) và dưỡng tố (āhāra). Trong bào thai của mẹ, như tất cả chúng ta đã biết, cơ thể của chúng ta được bắt đầu từ sự kết hợp của trứng của mẹ và tinh trùng của cha. Sự kết hợp đó được gọi là “kalala” trong Pāḷi và được cho là được tạo lập nên bởi 30 sắc pháp cùng với tâm và các tâm sở của nó. Ngay từ thời điểm đó, chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình dài lâu của chính mình trong đời sống hiện tại này. Sau đó, phôi thai của chúng ta được chuyển hóa thành “abbuda” (bong bóng) trong tuần thứ nhất, và rồi thành “pesi” (vật chất nhỏ bé) trong tuần thứ hai, và “ghana” (vật chất nhỏ bé rắn chắc) trong tuần thứ ba, và rồi là “pasākha” (chân tay và đầu) cùng với lông tóc và móng trong tuần thứ tư. Sau mười một tuần, các giác quan của chúng ta, như mắt, tai, vân vân, bắt đầu hình thành. Như vậy, là một phôi thai ở tại thời điểm khởi đầu đó trong kiếp sống, cơ thể của chúng ta được tạo lập chỉ do bởi các sắc pháp do nghiệp (kamma) tạo. Nói một cách chính xác, kalala và tất cả các giác quan của chúng ta chỉ là do nghiệp (kamma) tạo.