Nội Dung Chính
6. Hạnh Nhất Tọa Thực
Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh nhất tọa thực. Điều đó có nghĩa là thọ thực chỉ trong một lần ngồi mà thôi. “Khi vị hành hạnh nhất tọa thực ngồi xuống trong trai đường, thay vì ngồi vào chỗ ngồi của một trưởng lão, vị đó phải nên chú ý chỗ ngồi nào thích hợp cho mình và ngồi xuống tại đó.”1 Trong tự viện có nhiều tu sĩ cư ngụ và có một trai đường, thì các tu sĩ ngồi theo thứ tự hạ lạp. Vị đó phải đi đến đó sớm một chút và cố gắng tìm vị trí ngồi mà vị đó sẽ không phải nhường lại cho một tỳ-kheo nào đó cao hạ hơn mình. Các tỳ-kheo ngồi theo thứ tự hạ lạp. Sau khi vị đó đã ngồi xuống, “nếu thầy tế độ hay thầy giảng dạy đến và bữa ăn vẫn chưa kết thúc (Vị đó đã ngồi xuống và vẫn đang ăn), vị đó được phép đứng dậy và thực hiện các nghĩa vụ.”2 Thật ra, không chỉ là được phép, mà vị đó nên hoặc phải đứng dậy và thực hiện các nghĩa vụ. Chúng tôi có các nghĩa vụ đối với các thầy giảng dạy và các thầy tế độ. Nếu chúng tôi đang ngồi và vị thầy giảng dạy hoặc vị thầy tế độ đi vào, chúng tôi phải đứng dậy và chào đón vị đó và làm bất kỳ điều gì chúng tôi có thể để mang lại sự an lạc cho vị đó. Nếu vị tỳ-kheo đang ngồi và dùng vật thực, vị thầy giảng dạy hay thầy tế độ của vị đó đi vào và vị đó là vị hành hạnh đầu đà, vị đó nên đứng dậy và thực hiện nghĩa vụ. Sau khi đứng dậy, vị nó phải không được ăn nữa.
“Nhưng Trưởng lão Tipiṭaka Cūla-Abhaya đã nói: ‘Vị đó nên hoặc là giữ chỗ ngồi (và dùng xong bữa ăn) hoặc là (nếu vị đó đứng dậy, vị đó nên bỏ lại) bữa ăn của mình (để không làm hư hạnh đầu đà)’.” Vị đó có thể làm một trong hai việc đó. Vị đó có thể lờ đi trách nhiệm của mình đối với các vị thầy và tiếp tục ăn, hoặc vị đó nên đứng dậy và thực hiện những trách nhiệm của mình đối với các vị thầy và bỏ dở bữa ăn. “Và đây là vị có bữa ăn chưa được hoàn tất; do đó, hãy để vị đó thực hiện các trách nhiệm, nhưng trong trường hợp đó, vị đó không nên ăn phần còn lại của bữa ăn.”1 Đây là những gì Trưởng lão đã nói.
Học viên: Vị tỳ-kheo sẽ thực hành những hạnh đầu đà này trong bao lâu?
Giảng sư: Bao lâu tùy vị đó muốn. Không có thời gian cố định.
Học viên: Việc thực hành này có thường xảy ra không, có thông dụng không?
Giảng sư: Hiện tại thì rất là hiếm, không có thông dụng. Các tu sĩ bây giờ không có thực hành hạnh đầu đà nhiều. Trong số mười ba hạnh đầu đà, những hạnh được các tu sĩ thực hành nhiều nhất là hạnh nhất tọa thực, hạnh ăn bằng bát, đôi lúc là hạnh ở nghĩa trang, đôi lúc là hạnh ở gốc cây, nhưng không có thực hành lâu dài.
Học viên: Các vị chọn thực hành từng hạnh một, hay là hai, ba hạnh một lần?
Giảng sư: Các bạn có thể thực hành hai hay ba hay bốn hạnh một lần. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau. Điều được ghi nhận là nếu các bạn có thể tìm được một nơi thích hợp chẳng hạn như một nơi giữa trời gần một nghĩa trang, thì các bạn có thể thực hành tất cả mười ba hạnh đầu đà cùng một lúc. Ngài Trưởng lão Mahā Kassapa được ghi nhận là đã thực hành cả mười ba hạnh đầu đà trong suốt cuộc đời của ngài. Ngài là vị tối thắng nhất trong số những vị hành hạnh đầu đà.
“Vị hành nghiêm túc (bậc thượng) thì không được phép lấy/nhận bất cứ gì khác ngoài phần vật thực mà vị đó đã đặt/đưa tay nhận cho dầu nó là ít hay nhiều. Và nếu mọi người mang đến cho vị đó bơ, vân vân, nghĩ rằng: ‘Vị Trưởng lão chưa ăn gì cả’, thì trong khi những thứ này là những thứ được phép dùng với mục đích như là thuốc men, dược phẩm, nhưng chúng lại không được được phép dùng với mục đích như là thực phẩm.”1 Chúng được phép sử dụng như là dược phẩm, nhưng không được phép sử dụng như là vật thực.
“Vị hành bậc trung có thể nhận thêm vật thực nếu thức ăn trong bát vẫn còn (ND: tức miễn là thức ăn trong bát vẫn còn thì vị đó vẫn có thể nhận thêm vật thực); vì vị đó được gọi là ‘người dừng thọ dụng khi thức ăn không còn nữa’. Vị hành bậc hạ có thể thọ dụng cho đến khi vị đó đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Vị đó là ‘vị dừng (thọ thực) cùng với nước’ vì vị đó ăn cho đến khi vị đó lấy (nước để) rửa bát, hoặc là ‘vị dừng (thọ thực) theo thời’ vì vị đó ăn cho đến khi vị đó đứng dậy.”
Có một câu nói đùa trong cộng đồng các tu sĩ rằng các bạn có thể ngồi từ sáng đến trưa và ăn nhiều chừng nào tùy các bạn. Nếu các bạn cứ giữ tư thế ngồi, các bạn có thể ngồi từ sáng đến trưa.
“Các lợi ích là những điều này. Vị đó ít ưu phiền và thiểu bệnh; vị đó có sự thanh thoát, sức mạnh và một cuộc sống hạnh phúc; không có việc vi phạm (những điều luật) về thực phẩm mà không phải là phần còn dư sót lại từ bữa ăn (Tôi sẽ nói về vấn đề này sau); cuộc sống của vị đó tương thích hay hòa nhập với (những quy tắc về) sự thiểu dục, và vân vân.”2 Đây là những lợi ích dành cho vị hành hạnh đầu đà nhất tọa thực.
7. Hạnh Ăn Một Bát
Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh ăn một bát. Điều này thì không dễ dàng chút nào. Các bạn dùng chỉ có một bát thôi khi các bạn thọ thực.
“Vào thời điểm húp cháo, vị hành hạnh ăn bằng bát lấy cà-ri được đặt trong đĩa, vị đó có thể hoặc là ăn cà-ri trước hoặc là húp cháo trước.” Vị đó được phép không ăn cả hai cùng một lượt. Vị đó có thể là húp cháo trước và rồi ăn cà-ri cá.
“Nếu vị đó bỏ nó (cà-ri) vào cháo, cháo sẽ trở nên gớm khi được bỏ chung với cà-ri được làm với cá chế biến, vân vân.” Tại Miến Điện, chúng tôi có thứ được gọi là ‘pa- tê cá’. Nó rất là hôi. “Do đó, điều này được phép làm chỉ để có thể dùng nó được mà không làm cho nó trở nên gớm. Từ đó, điều này được trình bày như vậy cho loại cà-ri như thế. Nhưng đối với loại không gớm, chẳng hạn như mật, đường, vân vân, thì phải bỏ chúng vào. Và vị đó nên lấy nó với lượng vừa phải.”
“Việc dùng một tay lấy rau quả tươi xanh và ăn chúng là được cho phép.” Nhưng vị đó ‘không nên làm như vậy’, chứ không phải ‘trừ phi’. “Nhưng vị đó không nên làm như vậy vì chúng nên được bỏ vào trong bát.” ‘Trừ phi vị đó làm như vậy’ là không đúng ở đây. Mặc dầu vị đó có thể lấy hoặc để rau quả trong tay của mình, nhưng điều đó không thích hợp cho vị đó làm như vậy. Vị đó nên đặt nó vào trong bát.
“Vì vị đó đã từ chối không dùng bát thứ hai, cho nên vị đó cũng không được phép dùng bất cứ thứ gì khác, thậm chí là lá cây.”1 Đôi lúc, mọi người dùng lá cây như là cái bát hay như là cái vật để đựng đồ. Thậm chí như vậy cũng không được phép.
Có ba thứ hạng hay ba bậc. “Ở đây, đối với vị hành bậc thượng (mẫu mực), ngoại trừ lúc ăn mía mà thôi, còn lại (trong khi ăn) thì vị đó không được phép vứt bỏ rác đi; và trong khi ăn thì không được phép bẻ nhỏ nắm cơm, cá, thịt và bánh. (Rác nên được vứt bỏ đi và nắm cơm, vân vân, nên được bẻ nhỏ trước khi bắt đầu ăn.) Vị hành bậc trung thì được phép dùng một tay bẻ nhỏ chúng ra trong khi ăn và vị đó được gọi là ‘vị hành khổ hạnh bằng tay’. Vị hành bậc hạ thì được gọi là ‘vị hành khổ hạnh bằng bát’; bất cứ thứ gì mà có thể được đặt vào bát của vị đó, thì vị đó được phép bẻ nhỏ (các nắm cơm, vân vân) bằng tay hoặc (cắn nhỏ những thứ như đường khối, gừng, vân vân) bằng răng trong khi ăn.”
“Ngay giây phút mà một trong ba hạng hành giả này đồng ý hay chấp nhận dùng bát thứ hai, thì sự thực hành hạnh đầu đà của vị đó bị đứt gãy.” Cho nên, vị đó chỉ có thể sử dụng được một bát. Tại quốc gia của chúng tôi, sau khi dùng bữa ăn, chúng tôi uống nước. Đó là tập tục hay thói quen như vậy. Khi chúng tôi muốn uống nước, chúng tôi đổ nước vào bát và uống từ bát. Cho nên, khi tôi thấy những vị hành thiền theo truyền thống Phật giáo ở Nhật Bản ăn trong bát, rửa bát và rồi uống nước từ bát, tôi nhớ lại sự thực hành này. Có lẽ có sự liên quan nào đó với hạnh đầu đà này.
Ở đây, hạnh đầu đà này là phải dùng chỉ một bát mà thôi. Các bạn bỏ mọi thứ vào một bát và ăn từ bát đó bao gồm luôn cả nước và các thức uống khác.
“Những lợi ích là những điều này. Sự ham muốn những vị chất khác nhau được loại bỏ; những mong cầu thái quá được từ bỏ; vị đó thấy được mục đích của thực phẩm và lượng thực phẩm vừa đủ.”1 ‘Lượng thực phẩm vừa đủ’ là phần dịch dư thừa, nên bỏ đi. Điều muốn nói ở đây là vị đó thấy được mục đích gần trong việc thọ dụng vật thực. Đức Phật dạy rằng các tu sĩ phải dùng vật thực không phải để tự hào về chính họ hoặc để vui thú, mà chỉ đủ sống để có thể thực hành những lời chỉ dạy của Ngài. Đó là mục đích của thực phẩm. Ở đây, tôi nghĩ ‘thực phẩm’ thì có lẽ hay và đúng hơn là ‘chất dinh dưỡng’, mặc dầu dùng từ ‘chất dinh dưỡng’ thì không sai. Mục đích của việc dùng thực phẩm là không phải để làm đẹp cho bản thân, không phải để tự hào về sức mạnh của mình và vân vân. Ở đây, vị đó ăn chỉ trong một bát, cho nên, vị đó không thể có loại kiêu mạn đó và những điều khác nữa.
“Vị đó không phải bận tâm hay bị phiền hà với việc mang soong chảo, vân vân, đi theo; cuộc sống của vị đó hòa hợp với các nguyên tắc thiểu dục và vân vân.” Một từ bị bỏ sót, không được dịch. Từ đó có nghĩa là ‘vị đó không bị chi phối trong khi ăn’. Vì vị đó dùng chỉ một bát, vị đó không phải kiếm tìm những bát khác. Cho nên, vị đó không bị chi phối, tức là không bị rối trí. Từ này bị bỏ sót, không được dịch (trong bản dịch tiếng Anh của ngài Ñāṇamoli).1 Đây là hạnh đầu đà ăn một bát.
8. Hạnh Không Nhận Tàn Thực
Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh không nhận tàn thực, tức là không dùng thực phẩm dư thừa. Hạnh này thì hơi khó hiểu. Khi một tỳ-kheo thọ thực và nếu vị đó từ chối không nhận thêm vật thực nữa, thì vị đó không được phép dùng thêm vật thực khác sau khi thay đổi oai nghi. Chúng ta hãy lấy ví dụ như tôi đang ngồi và tôi đang ăn. Một ai đó đến gần và dâng cúng một cái gì đó cho tôi. Tôi nói là: “Không, tôi không muốn cái đó. Như vậy là đủ rồi.” Nếu tôi làm như vậy, thì tôi có thể tiếp tục ăn cho đến khi tôi ăn hết bữa ăn của mình. Điều này là được chấp nhận nếu tôi vẫn giữ oai nghi ngồi. Nếu tôi đứng dậy hoặc nếu tôi đi lại và rồi lại muốn ăn nữa, thì tôi không được phép ăn nữa. Một hành động có liên quan đến luật (Vinaya) phải được thực hiện để cho phép tôi có thể ăn (nữa). Đó là ý nghĩa của hạnh đầu đà ‘không nhận tàn thực’. Ngay khi tôi ngồi xuống, tôi không được xem là đang từ chối bất cứ cái gì. Nhưng sau khi ăn một chút gì đó, thậm chí chỉ là một miếng ăn, và rồi tôi từ chối, thì nếu tôi thay đổi vị trí hay oai nghi, tôi không thể (tức là không được phép) dùng thực phẩm nào khác nữa.
Vị tỳ-kheo thọ trì hạnh đầu đà này không thể dùng thực phẩm sau khi đã làm cho nó trở thành được phép dùng cho bản thân mình. Giả sử tôi từ chối (tiếp nhận) sự cúng dường. Nếu tôi muốn ăn sau khi thay đổi oai nghi này, tôi phải mang thức ăn đó đến một vị tỳ-kheo khác, để cho vị đó ăn một chút và rồi (vị đó) nói là: “Như vậy là đủ cho tôi rồi.” Tức là thức ăn đó bây giờ là đồ dư thừa của vị đó. Rồi lúc đó tôi mới có thể ăn nó (lại được).
Điều này giống như là một sự trừng phạt. Các bạn từ chối và rồi các bạn lại muốn ăn. (Cho nên) các bạn phải ăn đồ dư thừa còn lại của người khác. Nó là cái gì đó giống như vậy.
Vị tỳ-kheo không thực hành hạnh đầu đà này thì có thể ăn theo cách đó nếu vị đó muốn ăn thêm. Vị tỳ-kheo thực hành hạnh đầu đà này thì không được phép ăn theo cách này. Vị đó phải tránh việc mang thức ăn đến một vị tỳ- kheo khác và yêu cầu vị đó cho lại (mình) thức ăn dư thừa. Vị đó không thể làm như vậy được. Đó là ý nghĩa muốn nói ở đây. Tôi không rõ ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) đã lấy những từ trong ngoặc vuông từ đâu.1 Chúng chẳng giúp gì nhiều trong việc hiểu rõ điều này.
Ở đây có ba cấp bậc. “Đối với miếng ăn thứ nhất thì không có bằng chứng gì rằng vị đó đã dùng đủ, nhưng trong khi miếng ăn thứ nhất đó đang được nuốt xuống mà vị đó lại từ chối những miếng ăn sau hay những miếng ăn khác thì có bằng chứng rằng vị đó đã dùng đủ.”1 Điều đó có nghĩa là, điều luật này nói về vị tỳ-kheo từ chối (nhận thêm vật thực) trong khi ăn hoặc vị tỳ-kheo từ chối (nhận thêm vật thực) sau khi đã bắt đầu ăn. Như vậy, nếu vị đó chưa ăn gì cả, thì không có sự từ chối gì ở đây. Vị đó ăn một miếng và ở miếng tiếp theo vị đó từ chối. Như vậy, chỉ có sự từ chối tại miếng ăn thứ hai và những miếng ăn sau đó. “Như vậy, khi vị hành bậc thượng biểu lộ rằng vị đó đã dùng đủ (tức là vị đó từ chối không nhận thêm vật thực), vị đó không ăn miếng ăn thứ hai.”2 Vị đó phải ngưng ăn tại đó. Vị đó chỉ dùng có một miếng và rồi ngưng.
“Vị hành bậc trung tiếp tục ăn phần vật thực mà vị đó chỉ định là đã đủ cho mình.”3 Như vậy, vị hành bậc trung có thể tiếp tục ăn.
“Nhưng vị hành bậc hạ thì tiếp tục ăn cho đến khi vị đó đứng dậy khỏi chỗ ngồi.”4 Điều đó có nghĩa là vị đó có thể ăn bao nhiêu tùy thích miễn là vị đó không thay đổi oai nghi.
Việc này có liên quan đến một điều luật cụ thể. Điều luật đó nói rằng nếu các bạn từ chối tiếp nhận một cái gì đó và rồi các bạn lại muốn ăn lại, thì các bạn phải thực hiện một việc nếu các bạn thay đổi oai nghi. Đó là lý do tại sao các tu sĩ không muốn nói ‘không’ khi họ được dâng cúng một vật gì đó. Các vị có thể là nhận nó mặc dầu các vị có lẽ sẽ không ăn nó. Các vị không muốn nói ‘không’ vì như vậy sẽ dẫn đến hay đồng nghĩa với việc từ chối. (Và nếu từ chối thì) các vị không thể ăn nữa sau đó (nếu thay đổi oai nghi).
Cho nên, có chuyện được gọi là nói vòng. Tại Miến Điện, chúng tôi có thành ngữ dùng cho việc này – tức là đi vòng để tránh việc đó. Khi một ai đó cúng dường cái gì đó cho tôi, tôi sẽ không nói ‘không’, nhưng tôi sẽ nói là: “Xong rồi” hay cái gì đó tương tự như vậy. Đôi lúc, các cư sĩ tại gia không biết hay không hiểu ngôn ngữ của các tu sĩ. Như vậy, tôi sẽ nói là: “Xong rồi” hay cái gì đó tương tự như vậy và người cư sĩ có thể không biết rằng tôi từ chối không nhận. Do đó, tốt hơn là nhận và rồi chúng tôi có thể để đó không dùng. Đây là hạnh đầu đà không dùng tàn thực. Hạnh đầu đà này có liên quan đến một điều luật trong Giới Bổn Pāṭimokkha.
Tốt rồi. Tôi nghĩ là chúng ta nên dừng ở đây. Chúng ta sẽ cần hai tuần để hoàn thành chương này.
Học viên: Những hạnh đầu đà khác cũng từ Giới Bổn Pāṭimokkha hay sao?
Giảng sư: Không. Những hạnh đầu đà này không phải từ Giới Bổn Pāṭimokkha.
Học viên: Nhưng ngài mới vừa nói là hạnh đầu đà này là từ Giới Bổn Pāṭimokkha.
Giảng sư: Hạnh đầu đà này có liên quan đến một điều luật trong Giới Bổn Pāṭimokkha. Điều luật đó là tôi không được phép ăn nếu tôi đã từ chối. Mặc dầu tôi đã từ chối, nhưng nếu sau đó tôi muốn ăn trở lại, thì tôi có thể nhờ vị tỳ-kheo khác làm cho thực phẩm đó trở thành tàn thực (tức là đồ dư thừa). Nếu tôi thực hành hạnh đầu đà này, thì tôi lại không thể làm chuyện đó.
Học viên: Từ chuyện này, dường như việc nhịn ăn không phải là một hạnh được phép thực hành.
Giảng sư: Nhịn ăn tất cả hay sao? Học viên: Chỉ uống nước thôi ạ.
Giảng sư: Không. Điều đó không được phép.
Học viên: Thậm chí trong vòng một, hai hay ba ngày cũng không được sao ạ?
Giảng sư: Nếu các bạn muốn nhịn thì tùy các bạn thôi, nhưng đó không phải là hạnh tu vì chúng ta phải ăn để sống. Nhịn ăn trong Phật giáo thì chỉ có trong nửa ngày. Khi các Phật tử trì giữ tám giới, họ không ăn từ trưa cho đến sáng hôm sau.
Học viên: Nếu vị tu sĩ không nhận được đồ khất thực vào buổi sáng thì vị đó có được ăn không? (ND: Theo chúng tôi hiểu học viên muốn biết trong trường hợp đó vị tu sĩ có thể ăn sau buổi trưa không.)
Giảng sư: Vậy thì các bạn phải nhịn cả ngày không ăn. Các bạn không được phép ăn sau buổi trưa cho dầu bất kỳ nguyên nhân nào. Đôi lúc tôi phải nhịn ăn trong khi du hành. Các bạn biết là đến chiều người ta mới phục vụ bữa ăn trên chuyến bay.
Học viên: Nhưng ở Miến Điện thì chắc không có vấn đề đó.
Giảng sư: Đúng vậy, vì ở Miến Điện, các bạn luôn luôn nhận đủ vật thực để ăn. Mọi người rất là hào phóng. Họ rất hân hạnh và vui mừng dâng cúng cho các tu sĩ. Cho nên, tại các quốc gia Phật giáo, việc đó không là vấn đề phải lo nghĩ. Nhưng ở đây và những quốc gia khác, nó có thể là một vấn đề đáng lo ngại.
Học viên: Hiện tại, y phục đã được thực hiện một cách thương mại. Có mùa hay dịp để người ta dâng cúng y phục.
Giảng sư: Không. Thật ra các cư sĩ tại gia làm vải chứ không phải làm y. Hiện tại đang là mùa dâng cúng y Kaṭhina. Y Kaṭhina thì khác với những y thường. Sự khác nhau là chúng tôi phải làm những bộ y này trong vòng một ngày. Giả sử vị cư sĩ đến tự viện và cúng dường không phải là một bộ y hoàn chỉnh mà là vải để dùng làm y Kaṭhina. Nếu chúng tôi nhận vải đó, thì chúng tôi phải hoàn thành trong ngày đó. Tức là tấm vải đó phải trở thành bộ y trong ngày đó. Đó là trường hợp vào những ngày xa xưa khi mà những bộ y làm sẵn chưa có hoặc là họ không muốn cúng dường y làm sẵn. Trong trường hợp đó, tất cả các tu sĩ trong tự viện phải làm việc cùng với nhau. Một vài vị nấu thuốc nhuộm. Một vài vị khâu may. Một vài vị cắt và vân vân. Mọi người phải góp tay vào.
Theo truyền thống đó, tại Miến Điện ngày này, người ta có một ngày hội dệt vải. Họ mượn hay áp dụng cụm từ ‘không bị thiu, không bị cũ’ vào việc dệt vải của mình. Họ cố gắng dệt từ sáu giờ tối cho đến trước rạng đông của ngày hôm sau. Có cả một cuộc thi nữa. Các cô gái dự thi dệt vải để làm y. Tôi không biết cách họ chọn người thắng cuộc như thế nào.
Thật ra, cụm từ ‘không bị thiu, không bị cũ’ được sử dụng trong cộng đồng tu sĩ. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải làm y trong chính ngày mà vải được nhận. Vải đó phải không được trở thành ‘thiu’ hoặc ‘cũ’ vào ngày hôm sau. Chúng tôi gọi y như vậy là ‘y không bị thiu’ hay ‘y không bị cũ’. Một bộ ‘y không bị thiu’ là bộ y được làm trong cùng ngày vải được nhận.
Mọi người ngày nay nói rằng họ đang dâng cúng những ‘bộ y không bị thiu’. Nhưng thật ra, việc họ làm là chỉ dệt vải còn các tu sĩ phải làm các bộ y. Ngày nay, chúng tôi khỏe hơn vì hiện tại đã có những bộ y được làm sẵn và chúng tôi không cần phải làm gì cả. Nhưng đôi lúc, mọi người lại muốn các tu sĩ thực hiện một vài việc như các vị đã làm trong những ngày xa xưa. Khi tôi còn sống tại Sagaing ở Miến Điện, vị đứng đầu của một tự viện đã có ý tưởng là tại sao chúng tôi lại không làm những việc mà các tu sĩ đã làm vào những ngày cổ xưa. Cho nên, vị đó đã cho mọi người mang vải đến tự viện. Rất nhiều việc phải làm vì thậm chí phần nhỏ nhất của bộ y cũng phải được nhuộm hai hoặc ba lần, chứ không chỉ một lần. Nếu có mưa thì sẽ vô cùng khó khăn. May mắn là chúng tôi đã ở Thượng Phần Miến Điện. Chúng tôi đã xoay xở hoàn thành đúng thời gian. Sản phẩm không được khô ráo cho lắm, nhưng nó đã có thể được dùng như một bộ y.
Đó là lý do tại sao lại có những bộ y thương mại. Ngày nay, các tu sĩ không biết làm y như thế nào – kích cỡ các phần và may vá chúng lại như thế nào. Hầu hết các tu sĩ hiện nay không biết những điều đó.
Khi tôi đến quốc gia này (ND: Hoa Kỳ) lần đầu, mọi người đã yêu cầu tôi đặt mua y từ Miến Điện. Tôi đã nói tại sao không làm y tại đây. Cho nên, tôi đã hướng dẫn cho họ kích cỡ của những bộ y.
Học viên: Những hình vuông trong bộ y là cái gì vậy ạ?
Giảng sư: Thật ra chúng tượng trưng cho những thửa ruộng theo như trong kinh sách ghi lại. Đức Phật đang trên đường du hành. Ngài đang ở trên một đỉnh núi. Ngài nhìn xuống và thấy các thửa ruộng. Các bạn biết là các thửa ruộng ở Ấn Độ thì nhỏ thôi, không như những thửa ruộng tại Hoa Kỳ. Ở đây, máy móc được sử dụng, cho nên các thửa ruộng có thể dài hai hoặc ba dặm1. Ở Ấn Độ, một thửa ruộng có lẽ chỉ rộng khoảng mười hoặc 20 thước Anh2 mà thôi. Cho nên, Đức Phật đã thấy được những đường ranh giới của những thửa ruộng. Rồi Ngài đã hỏi ngài Ānanda là có thể may y phục như vậy được không. Ngài Ānanda trả lời là ngài có thể làm được. Cho nên, ngài Ānanda đã may y phục giống như khuôn mẫu của những thửa ruộng.
Đối với bộ y này, chúng tôi thường thường có năm phần. Đây là một phần. Có một chút may vá ở đây. Rồi có một phần khác. Phần thứ ba thì rộng hơn hơn hai phần kia. Ở đây có một khung nhỏ nhỏ. Có hai khung trong một phần. Những đường ranh giới này phải được cắt ra và rồi may vá lại với nhau. Nhưng ngày nay, họ không cắt chúng ra. Họ chỉ gấp lại và may chúng lại.
Học viên: Ý tưởng là các vị tu sĩ góp nhặt các mảnh vải từ mọi nơi.
Giảng sư: Đúng vậy. Các bạn có thể không có được vải đúng kích cỡ. Các bạn phải nhặt những mảnh vải nhỏ và may ghép chúng thành một bộ y.
Học viên: Mọi người có phải theo đúng khuôn mẫu không?
Giảng sư: Có chứ. Bộ y này có nhiều phần hơn. Số phần thì là số lẻ – 7, 9, 11, 13, 15.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
9. Hạnh Ở Rừng
Hôm nay chúng ta đến phần hạnh ở rừng. Trước khi chúng ta nghiên cứu về hạnh ở rừng, chúng ta cần phải hiểu nơi nào là khu rừng và nơi nào là ngôi làng, khi so sánh với khu rừng. Để hiểu về ngôi làng, chúng ta cần phải hiểu lãnh vực hay các vùng phụ cận của một ngôi nhà – cái gì là nhà, cái gì là những vùng phụ cận của nó, rồi ngôi làng, và rồi khu rừng.
Ngôi làng là nơi trú ngụ của loài người. Nó có thể bao gồm chỉ có một ngôi nhà hay có nhiều ngôi nhà. Nó có thể có tường thành bao quanh hoặc không có tường thành bao quanh. Loài người có thể đang sống hoặc không đang sống ở đó tại thời điểm hiện tại. Thậm chí một cái nhà lưu động1 cũng được gọi là “một ngôi làng ở đây nếu có người sinh sống trong đó ít nhất là bốn tháng. Nơi như vậy được gọi là ‘ngôi làng’.”
Rồi Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) miêu tả về các vùng phụ cận của một ngôi làng. Các bạn sẽ tìm thấy điều này trong đoạn văn 48. Vùng phụ cận của ngôi làng được xác định tùy thuộc vào việc ngôi làng đó có tường thành bao bọc hay không. Nó có thể có tường thành bao bọc xung quanh hoặc có hai cổng làng giống như thành phố Anurādhapura tại Sri Lanka. Anurādharupa là một thành phố cổ. Đó đã là thủ phủ của Phật Giáo Nam Truyền (Theravāda) tại Sri Lanka. Tại thành phố này đã có một ngôi tự viện rất lớn nơi mà ngài Buddhaghosa đã đến đó. Ngài đã được các tu sĩ tại đó cho phép biên soạn các Sớ Giải. Dường như tại nơi đó có hai cổng làng, một bên trong và một bên ngoài. Một người không phải đứng giữa hai cổng làng như được trình bày trong bản dịch (ND: bản dịch tiếng Anh của ngài Ñāṇamoli), mà là người đứng tại cổng làng bên trong (Như vậy có lẽ là có hai cổng làng – một bên ngoài và một bên trong) có thể ném hòn đá.
Ở đây có sự khác biệt về quan điểm trong việc hòn đá được ném như thế nào. Những vị chuyên và giỏi về Luật (Vinaya) cho rằng họ nên ném hòn đá như khi họ muốn phô trương sức mạnh của mình. Tức là họ nên ném hòn đá với tất cả sức mạnh có thể có của mình. Nơi mà hòn đá rơi xuống thì được gọi là ‘vùng phụ cận của ngôi làng’.
Tuy nhiên, những vị chuyên và giỏi về Kinh (Suttanta)2 thì cho rằng hòn đá không nên được ném theo cách đó. Các vị cho rằng nó nên được ném như khi các bạn xua đuổi những con quạ đi. Các bạn có lẽ không dùng nhiều sức mạnh khi các bạn xua đuổi những con quạ đi.
Nơi hòn đá rơi xuống theo cách này chính là vùng phụ cận của ngôi làng. Đây là cho trường hợp của ngôi làng có tường thành chung quanh nó.
Còn về ngôi làng không có tường thành thì sao? Trong trường hợp này, phải có một ngôi nhà ở bờ rìa. Từ những vùng phụ cận của ngôi nhà ở bờ rìa, chúng ta phải ném hòn đá theo như phương thức ở trước. Như vậy, chúng ta có ngôi nhà, vùng phụ cận của ngôi nhà, ngôi làng, vùng phụ cận của ngôi làng. Bây giờ, một người đứng tại vùng phụ cận của ngôi nhà ném hòn đá và hòn đá rớt xuống. Đó là ngôi làng. Rồi chúng ta lại ném hòn đá khác, khi hòn đá khác rơi xuống thì đó là vùng phụ cận của ngôi làng. Đây là cho trường hợp của những ngôi làng không có tường thành chung quanh. Vùng ngoài khu vực đó được gọi là ‘rừng’ hay ‘khu rừng’.
Khu rừng là gì? Theo Luật (Vinana), ‘khu rừng’ là nơi không phải là ngôi làng và vùng phụ cận của ngôi làng.
Học viên: ‘Vùng phụ cận’ có phải là biên giới không?
Giảng sư: Nó không phải là biên giới. Nó là khu vực thuộc vào ngôi làng. Nó không phải là địa phận ngôi làng, nhưng nó là vùng phụ cận của ngôi làng, tức là vùng đất của ngôi làng.
Học viên: Tôi nghĩ ở đây họ có lẽ gọi nó là vùng ảnh hưởng hay vùng có liên quan.
Giảng sư: Nó là vùng đất bên ngoài địa phận ngôi làng, nhưng nó được cho hay được xem là thuộc vào ngôi làng. Bên ngoài khu vực này là phần chúng ta gọi là ‘khu rừng’ ở đây.
Khu rừng được miêu tả khác nhau theo Luật (Vinaya), Kinh (Suttanta) và Thắng Pháp (Abhidhamma).
Chúng ta có ba loại rừng. Theo Luật (Vinaya), rừng là khu vực ngoài ngôi làng và vùng phụ cận của ngôi làng. Theo Thắng pháp (Abhidhamma), khu vực ngoài những cổng làng, ở ngay ngoài những cổng làng, được gọi là ‘rừng’. Theo Kinh (Suttanta), lại có một định nghĩa khác nữa về làng. Chúng ta sẽ phải nương theo phương pháp của Kinh (Suttanta) ở đây. Theo phương pháp của Kinh (Suttanta), khu rừng là nơi cách xa ngôi làng hoặc các vùng phụ cận của ngôi làng ít nhất là 500 lần chiều dài của cây cung. Cây cung này phải nên là cây cung được dùng bởi những người thầy dạy bắn cung. Nó phải là cây cung mạnh và chắc. Cây cung mạnh và chắc được cho là dài khoảng bốn cánh tay1. Tức là khoảng sáu feet2. Như vậy, chúng ta nhân 6 với 500 là khoảng 3.000 feet. Do đó, khu rừng thì cách ngôi làng hoặc vùng phụ cận của ngôi làng khoảng 3.000 feet. Khu vực như vậy là khu rừng ở đây.
Nếu ngôi tự viện trong rừng không có tường thành, thì chúng ta phải đo từ tòa nhà ở ngoài rìa nhất. Từ tòa nhà đó, chúng ta ném một hòn đá. Và rồi từ chỗ hòn đá rơi xuống, chúng ta ném thêm hòn đá nữa. Khoảng cách giữa hai lần ném đá phải là 3.000 feet.
Cách thức ném hòn đá là như được trình bày trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) và các Sớ Giải. Nói một cách phỏng chừng, khu vực được gọi là ‘rừng’ phải cách xa nơi cư trú của con người khoảng 3.000 feet hoặc 1.000 thước Anh3. Nếu gần hơn như vậy thì nó không được gọi là ‘rừng’.
Trong đoạn văn 50, có câu văn như sau: “Đây là kích thước hay chuẩn mực ở đây.”1 Từ Pāḷi được dùng là ‘pamāṇa’, có thể có nghĩa là kích thước hay chuẩn mực và cũng có nghĩa là phương tiện để có được hoặc để đưa đến sự hiểu biết đúng đắn. Trong luận lý học Hindu, có nhiều loại phương tiện đưa đến sự hiểu biết đúng đắn – sự hiểu biết đúng đắn do nhận thức, do suy luận, do kinh điển (tức là các văn bản có uy lực) và vân vân. Ở đây, ‘kích thước hay chuẩn mực’ thật ra có nghĩa là quyền lực. Như vậy, đây là là quyền lực hay uy quyền. Tức là chúng ta phải nương theo Sớ Giải của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya). “Trong Sớ Giải Trung Bộ Kinh (Majjhima) có nói rằng, bỏ qua các vùng phụ cận của tự viện và ngôi làng, khoảng cách phải đo đạc là giữa nơi hai hòn đá rơi xuống.”2 Điều này có nghĩa là hòn đá rơi xuống từ tự viện và hòn đá rơi xuống từ ngôi làng. Khoảng cách giữa nơi những hòn đá rơi xuống phải là 500 lần chiều dài của cây cung.
Học viên: Tôi nghĩ là không có người nào có thể ném hòn đá đi xa 2.000 thước Anh.
Giảng sư: Không. Nó là 1.000 thước Anh từ những lần ném những hòn đá. Một lần ném không phải là 1.000 thước Anh hoặc là 500 lần chiều dài của cây cung. Các bạn đứng tại cổng của ngôi làng và ném một hòn đá. Rồi một người khác đứng tại vùng phụ cận của ngôi tự viện trong rừng và ném một hòn đá. Khoảng cách giữa hai hòn đá này phải là 1.000 thước Anh.
Học viên: Tại sao một văn bản mang tính tôn giáo lại đi định nghĩa những vấn đề như vậy? Có phải vì họ là cơ quan lãnh đạo hay cai trị vào thời đó không?
Giảng sư: Đó không phải là sự đo đạc mang tính cai trị hoặc do cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền chế định ra. Tôi nghĩ rằng nếu nó là khoảng 1.000 thước Anh thì các bạn có thể có được sự cô lập nào đó. Các bạn không nghe nhiều âm thanh từ ngôi làng vào những ngày xa xưa đó. Ngày nay thì các bạn có thể nghe tiếng ồn ở mọi nơi – từ máy bay, từ các máy phát thanh. Ngày nay cực kỳ khó tìm được nơi mà chúng ta có thể thật sự gọi là ‘rừng’.
“Thậm chí nếu ngôi làng ở gần đó và những người trong tự viện có thể nghe được âm thanh của người trong làng, nhưng nếu không thể đi thẳng đến ngôi làng do bởi đá, sông và vân vân ngăn cách ở giữa, thì khoảng cách 500 lần chiều dài của cây cung có thể được xem hay được tính bằng con đường đó (tức là bằng con đường thông thường) thậm chí nếu chúng ta phải đi bằng tàu thuyền.”1 Có thể nó là một con đường ngoằn nghèo, nhưng nếu nó cách xa 500 lần chiều dài của cây cung thì nó được chấp nhận.
“Nhưng với người ngăn chặn con đường đi đến ngôi làng chỗ này chỗ kia với mục đích (làm dài nó ra để có thể nói rằng ông ta đang) trì hành hạnh đầu đà này, thì ông ta đang lừa bịp.”2 Từ Pāḷi được dùng có nghĩa là kẻ trộm; như vậy, có nghĩa là kẻ trộm cướp phẩm mạo hành hạnh đầu đà này.
Tôi nghĩ những phần còn lại thì không khó hiểu. Vị hành theo bậc thượng phải luôn luôn nhìn thấy rạng đông trong rừng. Vị đó phải ở trong rừng vào thời điểm của rạng đông. Vị hành theo bậc trung thì được phép sống trong ngôi làng trong suốt bốn tháng mùa mưa. Khi mùa mưa đến, vị đó có thể sống trong tự viện. Vị hành theo bậc hạ còn có thể sống trong tự viện (vihāra) vào những tháng mùa đông nữa. Như vậy, vị này được phép sống trong tự viện (vihāra) bốn tháng mùa mưa và bốn tháng mùa đông. Vị này thực hành hạnh đầu đà này chỉ trong bốn tháng mùa hè. Đây là vị hành theo bậc hạ.
Các lợi ích thì không khó để hiểu. Đây là hạnh đầu đà ở rừng.
10. Hạnh Ở Gốc Cây
Tiếp theo là hạnh đầu đà ở gốc cây. Điều đó có nghĩa là sống dưới một cội cây. Vị đó nên tránh một số loại cây cụ thể được trình bày ở đây. Vị đó nên tránh cội cây gần biên giới vì có thể có chiến tranh hay xung đột giữa hai vị vua hoặc hai người cai trị những vùng đó. Vị đó phải tránh cội cây như vậy.
Vị đó phải tránh cây đền thờ vì mọi người tụ họp xung quanh cây đó. Vị đó không thể có được sự ẩn cư.
Vị đó nên tránh cây có mủ vì nó nguy hiểm. Vị đó nên tránh cây có trái, cây có dơi, cây có hốc rỗng (Cây có hốc rỗng có nghĩa là cây có hang lỗ nơi mà rắn và các động vật hoang dại sinh sống), hoặc cây đứng ngay giữa tự viện. Nhiều người đến viếng tự viện và do đó, vị đó có lẽ không có được sự ẩn cư. Vị đó có thể chọn một cội cây đứng ở bên rìa của tự viện (tránh khỏi nơi mọi người tụ họp). Đó là loại cội cây vị đó phải chọn.
Có ba cấp bậc. “Ở đây, vị hành bậc thượng không được phép dọn dẹp (hoặc cho người dọn dẹp) sạch sẽ cội cây mà vị đó chọn sống dưới đó.”1 Vị hành bậc thượng phải sống ở đó trong môi trường vốn có. “Vị đó chỉ có thể dùng chân của mình đẩy đi những lá cây rơi xuống trong quá trình sống tại đó.” Vị đó không được làm cho nơi đó đẹp đẽ và quyến rũ.
“Vị hành bậc trung được phép nhờ hoặc yêu cầu người tình cờ đi qua hoặc tình cờ ghé đến làm gọn gàng sạch sẽ nơi đó. Vị hành bậc hạ có thể sống ở đó sau khi tập trung những người hộ tăng hoặc các sa-di và yêu cầu họ làm sạch, san bằng, trải cát và làm hàng rào có cửa xung quanh cội cây.”2 Luôn luôn có ba hạng người. Ngay giây phút mà vị đó đi vào một nơi có che phủ thì hạnh đầu đà đó bị đứt gãy.