BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

Tuân thủ nghiêm chỉnh các điều lệ, quy tắc của khóa thiền

Một sự cương quyết trong tâm là tôi sẽ giữ tất cả các quy tắc, điều lệ giống như khi nhập viện, Quý vị phải chấp nhận mọi nội quy của bệnh viện. Tương tự như thế, hiện giờ, Quý vị đã đến ở trong một bệnh viện. Chúng ta không gọi nơi đây là bệnh viện tâm thần. Quý vị đến đây để thanh lọc tâm, làm cho tâm lành mạnh nên phải tuân thủ mọi điều lệ, nội quy.

Một điều lệ là trong 10 ngày này, ta phải ở trong nhà tù và không thể đi ra ngoài.

Trước khi đến khóa Thiền này, những người muốn tham dự được hỏi: “Quý vị có sẵn sàng ở đây 10 ngày không? ”. Khi họ đến đây học, họ lại được hỏi: “Quý vị có sẵn sàng chưa? Này hãy đọc các điều lệ này và ký tên vào”. Rồi có người lại nhắc trong khi họp, “Quý vị sẵn sàng chưa ? Quý vị phải lưu lại ở đây 10 ngày”.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của nhiều người đã đến đây và từ nhiều khóa Thiền, chúng tôi nhận thấy rằng khi ngày đầu trôi qua, cuộc giải phẫu đã bắt đầu. Vào ngày thứ 2, sự dao động đã xảy ra. Không phải tất cả, nhưng có một số người yếu lòng, họ cảm thấy muốn bỏ chạy: “Ồ! Việc này chẳng tốt lành gì cho tôi cả, để lúc khác, tôi sẽ đến vào lúc khác”. Và người ta muốn bỏ chạy. Rồi một lần nữa, vào ngày 4, một cuộc giải phẫu sâu hơn bắt đầu.

Và vào ngày thứ 5, ta đi sâu hơn nữa. Vào ngày thứ 6, sự dao động này lại xảy ra cho một số người: “Tôi muốn bỏ chạy, tôi muốn bỏ chạy”. Vào ngày thứ 2 và thứ 6, sự dao động lớn xảy ra. Hãy đối diện với chúng, hãy can đảm đối diện với những dao động này với lòng cương quyết: “Tôi sẽ ở đây 10 ngày. Tôi phải dẹp bỏ nhóm rác rưởi ở sâu trong tâm. Tất cả máu mủ từ vết thương phải chảy ra. Nó khó chịu nhưng tốt cho tôi. Tôi sẽ đương đầu với nó”.

Tương tự như thế, ví dụ ta đến bệnh viện để làm một cuộc giải phẫu cơ thể. Mới được nửa chừng, giả sử, ta nói với Bác sĩ phẫu thuật: “Ô! Thôi! Thôi! Thôi! Đủ rồi, tôi sẽ trở lại sau này để được giải phẫu tiếp”. Chuyện này không bao giờ xảy ra cả. Bác sĩ giải phẫu sẽ không cho phép như vậy. Vị Bác sĩ ở khóa Thiền này cũng không cho phép như vậy. Không tốt cho Quý vị khi bỏ đi ngay giữa khóa. Do đó, nên có sự quyết tâm: “ Tôi sẽ không bỏ đi. Hãy để bất cứ chuyện gì xảy ra”.

Một quyết tâm khác là tôi sẽ tôn trọng các điều lệ, đặc biệt là thời khóa biểu

“Tôi phải có mặt tại Thiền đường lúc 8h sáng, sớm hơn vài phút, tôi đã ngồi, bắt đầu hành thiền”. Nếu Quý vị vừa đi, vừa tán gẫu, trì hoãn, nhìn chỗ này, ngó chỗ kia và trễ 10 – 15 phút thì chẳng thành tựu được gì cả. Đúng 8h, Quý vị phải bắt đầu. Thời giờ rất quan trọng và quý giá đối với Quý vị. Kế đến, Quý vị phải ngồi Thiền từ 8 giờ đến 11giờ mỗi ngày. Hãy ngồi Thiền chứ không phải: “Tôi đã ngồi được một tiếng đủ rồi, giờ tôi đi giặt quần áo, đi tắm, làm việc này, việc kia”. Ồ! Không được như thế, thời gian ngồi Thiền là thời gian ngồi Thiền.

Hãy có quyết tâm. Một sự quyết tâm khác nữa là ngày 3 lần, sáng từ 8h-9h, trưa từ 2h30-3h30, chiều tối từ 6h-7h, Quý vị phải ở trong Thiền đường: “Cứ để bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi cương quyết sẽ không ra khỏi Thiền đường, tôi có thể thay đổi tư thế ngồi, không sao cả”.Sau 3 hay 4 ngày, ngay cả đến tư thế ngồi, Quý vị cũng không thay đổi. Bây giờ, đừng sợ việc đó, ở giai đoạn này Quý vị có thể thay đổi tư thế ngồi, nhưng phải ở trong Thiền đường. Điều này giúp tâm vững mạnh, sự quyết tâm mạnh mẽ sẽ giúp ta.

Không nên nằm quá 5 phút khi thấy mệt

Bất cứ khi nào cảm thấy mệt, Quý vị được phép nằm nghỉ trong phòng ngủ và không nên nằm quá 5 phút. Khi nằm xuống, Quý vịcảm thấy dễ chịu và tự nhủ: “Sao chỉ được 5 phút, có lẽ sự cấm đoán dành cho người vô minh, tôi rất thông minh. Tôi không cảm thấy buồn ngủ. Tôi biết tôi đang ý thức về hơi thở. Thì đã sao? 10 phút, tôi đang ý thức về hơi thở, tôi là người rất thông minh, không sao cả”. 15 phút, Quý vị cảm thấy buồn ngủ. Nửa giờ trôi qua, Quý vị bắt đầu ngáy.

Và rồi người khác trong cùng khu nhà ở nghe Quý vị ngáy. “Ồ! thật tuyệt! Tôi cũng sẽ nằm, ngáy, ngáy”. Toàn thể khu nhà ở trở thành “nhà ngáy”. Cả trung tâm Thiền sẽ biến thành “trung tâm Thiền ngáy ngủ”. Quý vị đến đây để lúc nào cũng tỉnh thức, luôn luôn tỉnh giác từng giây, từng phút. Vì thế, không nằm quá 5 phút.Rồi lại ngồi, càng lúc càng tu tập nhiều hơn trong tư thế ngồi.

Không nên tu tập ngoài trời

Một rủi ro khác, một nguy hiểm khác là việc tu tập ngoài trời. Trong giai đoạn này, hãy tu tập trong nhà. Nếu Quý vị ngồi Thiền ngoài trời có nắng và gió, như thế không tốt. Dĩ nhiên, sau này, một Bậc Giác Ngộ trở thành giác ngộ khi ngồi dưới gốc cây, ngoài thiên nhiên, giữa trời bao la. Nhưng điều đó đòi hỏi một sự tu tập thuần thục. Trong giai đoạn này, nếu Quý vị ngồi Thiền ở ngoài trời, làn gió nhẹ chạm vào bên trong mũi hay vào vùng bên dưới mũi, sẽ không cho phép Quý vịcảm nhận được cái phớt chạm vi tế của hơi thở.

Bởi vậy, không nên ngồi Thiền ngoài trời. Trong lúc nghỉ ngơi thì không sao. Nhưng trong giờ ngồi Thiền,khi mắt nhắm, nếu bị ánh sang chiếu vào mắt, Quý vị sẽ không thể tiến sâu hơn. Do đó, luôn luôn tập Thiền trong nhà. Tập Thiền trong nhà rất quan trọng cho Quý vị.

Không nên ăn no

Rồi một nguy hiểm khác, giờ này, ở đây, đã được 24 tiếng, Quý vị đã biết ở đây không có bữa ăn tối. Vào lúc 11h sáng, trong khi xếp hàng lấy thức ăn. Quý vị có thể nghĩ đến bữa cơm tối: “Không có bữa tối ở đây, tôi quen ăn một đĩa đầy cho bữa trưa và một đĩa đầy cho bữa tối. Nay ở đây, không có bữa tối, tôi nên ăn luôn phần bữa tối ngay bây giờ. Hai đĩa, một đĩa cho bữa tối và một đĩa cho bữa trưa”.Thiền sư luôn nói rằng, ta phải tự chiến đấu cuộc chiến riêng của mình. Cơ thể tôi phải đủ mạnh để chiến đấu cuộc chiến của tôi. Vì thế, tôi lấy 3 đĩa”. Nguy hiểm quá! nếu làm như thế, ta sẽ không thể thực hành Thiền được, không thể được. Nếu ta đã quen mỗi bữa lấy một đĩa đầy, hãy lấy 3⁄4 đĩa thôi. Trong suốt 24 tiếng, 1⁄4 bao tử nên luôn luôn để trống, rồi ta mới có thể tập Thiền tốt hơn được.Chớ nên ăn no, đừng nói gì đến ăn quá nhiều. Đừng ăn no, hãy để trống 1⁄4 bao tử, điều này sẽ giúp ích cho ta.

Sự im lặng thánh thiện

Một khuyến cáo khác, sự im lặng triệt để rất quan trọng. Giờ đây đã tu tập được một ngày rồi, Quý vị đã thấy tâm mình liên tục nói huyên thuyên, lúc nào cũng nói huyên thuyên. Rồi nếu Quý vị bắt đầu nói chuyện với người khác. Dĩ nhiên, nếu gặp khó khăn nào về phương pháp Thiền,mình luôn luôn được tự do thảo luận với các Thiền sư phụ tá. Về bất cứ vấn đề gì thuộc quản trị, Quý vị có thể nói với Ban quản trị. Nhưng giữa các Thiền sinh với nhau, Quý vị không được nói chuyện, không thông tin liên lạc ngay cả bằng cách ra dấu, hoặc ánh mắt. Chỉ hướng vào nội tâm. Thực tại nơi chính mình là điều rất quan trọng cho ta. Mình đã hướng ra ngoài suốt cả đời, bây giờ mình học cách quan sát nội tâm. Nếu ta bắt đầu liên lạc với các Thiền sinh cùng khóa, ta sẽ tạo ra khó khăn cho chính mình. Cái tâm nói huyên thuyên này có thêm thức ăn để nói chuyện nhảm nhí.

Nếu ta đã nói chuyện với người nào đó, khi ngồi Thiền, tất cả những ý tưởng này tiếp tục hiện ra và sẽ làm xáo trộn tâm. Như vậy, nhiều ý tưởng có liên quan hay không liên quan sẽ bắt đầu nảy sinh. Điều này không những gây khó khăn cho mình mà còn cho cả người đã cùng trò chuyện. Khi nói chuyện, ta không thể nói chuyện với bức tường, cây cối. Bất cứ ai mà ta trò chuyện cũng là một Thiền sinh. Và ta cung cấp thức ăn nói nhảm cho người ấy. Nếu cứ tiếp tục nói chuyện với ai đó khoảng một lúc, ta đã tạo ra khó khăn cho những Thiền sinh khác. Hai người đã bắt đầu nói chuyện, và tiếng ồn làm phiền rất nhiều Thiền sinh khác.

Cho nên, đừng nói chuyện, hãy hoàn toàn im lặng. Rồi ta sẽ thấy lợi ích của sự im lặng này. Sự im này còn quan trọng vì một lý do khác nữa. Ngày hôm qua, ta nguyện giữ 5 giới. Rất dễ giữ các giới kia, không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm… Nhưng không dễ với giới không nói dối (vọng ngữ). Bất cứ khi nào nói chuyện, vì thói quen cũ, ta có thể thêu dệt và dấu điều gì đó, và ta đã phạm một trong các giới luật (Sīla). Trong năm viên đá nền tảng này, cho dù chỉ một viên bị lung lay. Sự hành Thiền của mình sẽ trở nên yếu đi. Đừng nói chuyện nữa, hãy hoàn toàn im lặng. Và ta sẽ nhận ra rằng sự im lặng sẽ giúp ích rất nhiều.

Không được pha trộn các pháp Thiền khác vào pháp Thiền này

Một điều rất quan trọng khác là đừng pha trộn bất cứ điều gì vào phương pháp Thiền này.Ta đã tự tuân thủ phương pháp Thiền này trong suốt 10 ngày ở đây. Sau 10 ngày, ta là chủ nhân của chính mình. Nhưng trong suốt 10 ngày ở đây, Quý vị tuân thủ theo phương pháp này. Đừng trộn lẫn bất cứ thứ gì vào phương pháp Thiền này. Một Thiền sinh có thể cảm thấy:“Tôi đã đọc về cách thiền Vipassana phải như thế này . Có người nói Vipassana phải như thế kia. Có người nói Satipatthana phải như thế này. Hay là truyền thống của tôi dạy hành Thiền như thế này,tụng niệm, tưởng tượng, hình dung như thế này. Sao không thực tập một chút cái này, một chút cái kia. Nguy hiểm! rất nguy hiểm! Thật đầy rủi ro!

Ví dụ, một người quen cưỡi con ngựa trắng của mình. Có người cho con ngựa màu đen và người đó nói: “Ông hãy thử cưỡi con ngựa đen này, đây là con ngựa rất hay”. Và anh ta trả lời: “Phải, tôi sẽ cưỡi con ngựa đen này nhưng tôi không bỏ con ngựa trắng của tôi. Một chân trên con ngựa trắng của tôi, một chân trên con ngựa đen của ông. Hãy để tôi cưỡi thử”. Như vậy rất nguy hiểm! Một người quen đi thuyền của mình. Có người tặng chiếc thuyền khác rất tiện nghi, rất nhanh và tốt. “Được! tôi sẽ thử nó, nhưng một chân trong thuyền này của tôi, chân khác trong thuyền kia của bạn”. Như thế càng nhiều nguy hiểm hơn! Một chân trong pháp Thiền này, một chân trong pháp Thiền khác, nhiều nguy hiểm hơn nữa! Trong 10 ngày ở đây, đừng nên làm như thế. Chỉ làm đúng những gì Quý vị được yêu cầu phải làm vì sự an toàn của chính mình.

Mặc dù lời khuyến cáo này đã được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp có người vì vô minh, không chịu nghe theo và bị vướng vào tình trạng và ngay đến Thiền sư cũng khó giúp người này thoát khỏi nguy hiểm. Do đó, không nên pha trộn như thế. Nếu vì vô tình, điều gì đó bắt đầu mà không tránh được, có thể do Quý vị đã tập trong quá khứ, tụng một chữ, tụng Kinh hay có thể là sự quán tưởng;và vì thói quen cũ, điều ấy xảy ra cùng với sự quan sát hơi thở. Khi nhận ra, Quý vị nói: “Ồ không! Không có sự tụng niệm trong phương pháp này, không hình dung gì cả” và thoát khỏi tình trạng đó. Chuyện ấy lại xảy ra, Quý vị lại thoát ra tình trạng đó. Không có gì sai, không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu cố tình pha trộn, tâm sẽ bị nhiều xáo trộn sâu tận bên trong. Điều này sẽ gây khó khăn. Đừng mạo hiểm!

Không được qua khỏi khu vực phân định

Còn nữa, đừng mạo hiểm qua khỏi khu vực đã được phân định. Ranh giới khóa Thiền đã được phân định rõ ràng. Vì sự an toàn của bản thân, hãy ở trong khu vực giới hạn này. Và phải lưu ý rằng, ta nên tận dụng mọi giây phút. Chín ngày còn lại rất quan trọng, nếu như ta tu tập đúng theo yêu cầu. Vào ngày thứ 10, ta sẽ nhận ra rằng: “ Phải! mười ngày ở đây là 10 ngày đáng ghi nhớ trong đời mình”. Nhưng điều ấy chỉ có thể xảy ra khi Quý vị tu tập. Hãy tận dụng thời gian, hãy tận dụng cơ hội, tận dụng cơ sở tiện nghi này và tận dụng phương pháp Thiền tuyệt diệu này.

Dhamma (Giáo pháp) tuyệt diệu này rất khoa học, không tông phái, rất hợp lý. Hãy tận dụng phương pháp Thiền này vì sự tốt lành của chính Quý vị, vì lợi ích của chính mình để thoát ra khỏi những ràng buộc, gông cùm, xiềng xích của vô minh, ham muốn và ghét bỏ và hưởng được an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự.

Cầu chúc cho tất cả Quý vị hưởng được sự an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự!

Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!

Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!

Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app