Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN
Giải thoát khổ đau hoàn toàn bằng cách quan sát thân và tâm
Những Bậc Giác Ngộ đã trở nên hoàn toàn giác ngộ vì các Vị ấy đã thăm dò toàn thể lĩnh vực thân và tâm, vượt qua hoàn toàn về lĩnh vực thân và tâm và chứng nghiệm được những gì nằm ngoài lĩnh vực này. Họ đã chứng nghiệm chân lý vĩnh cữu, chân lý tối hậu, toàn thể luật tự nhiên.
Các Vị ấy hiểu rằng bất cứ khi nào ta chuyển hướng sự chú tâm của mình, trông có vẻ như ta đã gạt bỏ được những tiêu cực của mình qua một bên, nhưng thực ra, ta đã đè nén sự tiêu cực đó. Tuy những tiêu cực này đã biến mất khỏi bề mặt của tâm nhưng chúng đã bị nén sâu vào bên trong. Ở bề mặt của tâm, ta cảm thấy rằng: “Xem kìa, bây giờ không còn giận dữ, thù ghét, ác ý, đam mê hay sợ hãi nữa, bất cứ những tiêu cực nào đã có ở đây bây giờ không còn nữa”.
Nhưng sâu tận bên trong, những tiêu cực bị đè nén, ở tầng lớp vô thức hay tiềm thức, chúng không ngừng hoành hành và tiếp tục gia tăng gấp bội. Ta vẫn không thoát khỏi khổ đau, trốn tránh không phải giải pháp của vấn đề. Những Bậc Giác Ngộ này đã tìm ra giải pháp, hãy quan sát chúng bất cứ khi nào bất thiện khởi lên. Chẳng hạn, đam mê khởi lên, đừng đè nén nó, cũng đừng cho phép nó tha hồ tự biểu hiện bằng lời nói hay việc làm. Tương tự như thế, nếu sợ hãi, thù ghét, ác ý hay lo âu khởi lên, đừng đè nén chúng và đừng để chúng biểu lộ bằng lời nói hay hành động.
Họ đưa ra một con đường trung dung là hãy quan sát chúng. Sự giận dữ đã khởi lên, hãy quan sát nó, ham muốn nhục dục đã khởi lên, hãy quan sát nó. Nếu quan sát chúng một cách khách quan, ta sẽ không đè nén chúng và cũng không để chúng tự do biểu lộ. Chỉ quan sát thôi, và ta sẽ thấy rằng tâm bất tịnh sẽ trở nên yếu dần và diệt mất. Nó không còn là vấn đề nữa, vấn đề đã được giải quyết nhờ ta quan sát nó.
Rất khó quan sát các bất tịnh trong tâm
Một giải pháp rất tốt đẹp nhưng rất khó thực hành khi bất thiện khởi lên. Chẳng hạn, sự giận dữ đã khởi lên, ta bị chế ngự và bị áp đảo rất nhanh. Thật là khó khăn, ta không thể quan sát nó được. Cái gì ta không thể quan sát được thì không phải là một giải pháp. Giải pháp ấy tốt đẹp về mặt lý thuyết nhưng ta không thể thực hành. Rồi phải có một người nào đó ở bên cạnh để nhắc nhở mình. Ta phải có một thư ký riêng, kề một bên. Bất cứ khi nào cơn giận dữ nổi lên, người thư ký riêng này phải nhắc nhở ta. “Ô! Thưa chủ nhân, giận dữ đang tới kìa. Như Đức Phật đã nói rằng hãy quan sát sự giận dữ của ta, hãy quan sát sự giận dữ của ta”.
Người thư ký riêng của ta sẽ chỉ làm việc 8 giờ một ngày, mà ta không có sự thỏa ước với sự giận dữ của mình là nó chỉ xuất hiện khi người thư ký ấy có mặt. Giận dữ có thể đến bất cứ lúc nào trong 24 giờ, bất cứ ngày nào trong 365 ngày. Như, ta phải có 3 thư ký riêng cho 3 ca. Hiện giờ, nước nào cũng có luật lao động riêng, người chủ phải cho nhân viên nghỉ trong những ngày lễ, nên phải cần đến 4, 5 thư ký riêng. Ai có thể chi tiền được như thế? Thôi được, giả sử có người nào đó có nhiều tiền, luôn luôn có người thư ký riêng bên cạnh như bóng với hình. Bây giờ, khi cơn giận dữ khởi lên, người thư ký ấy sẽ nói: “Ô! Thưa chủ nhân, hãy nhìn xem, giận dữ, hãy thoát ra khỏi sự giận dữ ấy, hãy quan sát cơn giận ấy”. Và điều đầu tiên mà ta làm là tát vào mặt người thư ký ấy: “Đồ ngu, nhà ngươi đến đây để dạy khôn cho ta à? Ta là chủ nhân của chính ta, ta biết cần phải làm gì chứ! ”. Giận dữ cuối cùng thì giận dữ vẫn là giận dữ. Được rồi, giả sử, ta không cư xử sai lầm như thế, ta cảm ơn người thư ký: “Tốt lắm, ngươi được thuê để dùng vào mục đích này, ngươi đã khuyên ta, tốt lắm. Bây giờ ta phải quan sát sự giận dữ của ta”.
Làm sao để quan sát cơn giận dữ? Giận dữ không có hình thể hay màu sắc. Nếu ta nhắm mắt lại và cố gắng quan sát sự giận dữ, ta sẽ quan sát được những gì? Chỉ quan sát được đối tượng của sự giận dữ: “Người này đã nói thế này, người kia đã làm điều nọ, điều không muốn thì lại gặp phải, điều mong muốn thì không đạt được”. Tất cả những thứ này cứ đến trong tâm mình,ta không quan sát giận dữ mà đang quan sát đối tượng của sự giận dữ. Và điều này kích thích sự giận dữ của mình và nó trở nên mỗi lúc một nhiều hơn, ta không quan sát được sự giận dữ. Giờ đây, khi những Bậc Giác Ngộ giảng dạy hay đưa ra lời khuyên thực tế. Họ biết rất rõ là khi tâm tiêu cực khởi lên thật khó cho ai quan sát được tâm tiêu cực, trừu tượng này đúng như nó đang hiện hữu.
Làm sao quan sát các bất tịnh trong tâm mình?
Nhưng các Vị ấy đã nhận thấy rằng tâm và thân hoàn toàn có sự tương quan lẫn nhau. Ngay khi tâm tiêu cực khởi lên như giận dữ, đam mê, sợ hãi hay bất cứ tâm bất tịnh nào khởi lên, khi đó có hai điều xảy ra ở mức độ thân thể, một ở mức độ hơi thô thiển, một ở mức độ vi tế hơn một chút. Ở mức độ thô thiển, hơi thở của ta sẽ mất đi nhịp độ bình thường, khi ta cảm thấy giận dữ, đam mê hay sợ hãi…, hơi thở không bao giờ còn bình thường mà trở nên hơi nhanh và mạnh. Khi loại tâm bất tịnh này hết đi, hơi thở lại trở lại bình thường. Như vậy, nghĩa là có một cái gì đó đang xảy ra ở mức độ hơi thở. Và có cái gì khác nữa bắt đầu xảy ra ở mức độ vi tế hơn, đó là không có phản ứng sinh hóa này thì sẽ có phản ứng sinh hóa khác. Có thể là sự hồi hộp, hơi nóng, sự toát mồ hôi, căng thẳng,…, vài phản ứng sinh hóa nào đó bắt đầu xảy ra trên cơ thể. Hai sự thay đổi về hơi thở và phản ứng sinh hóa này bắt đầu xảy ra.
Thật khó mà quan sát giận dữ đúng như giận dữ vì sự giận dữ trừu tượng. Hay khó mà quan sát đam mê đúng như đam mê vì nó cũng trừu tượng. Nhưng nếu người ta thực tập quan sát hơi thở, quan sát cảm giác trên thân thể thì việc đó trở nên dễ dàng. Đây là điều mà các Bậc Giác Ngộ đã giảng dạy. Điều này thật rõ ràng, đối với một người bình thường tu tập có tiến bộ, sự quan sát này trở nên dễ dàng. Ngay đến sự giận dữ hay đam mê trừu tượng cũng có thể được quan sát một cách khách quan. Đây là lý do tại sao các Bậc Giác Ngộ đã nói: “Hãy quan sát hơi thở của chính mình, hãy quan sát cảm giác của chính mình”.
Khi quan sát hơi thở và cảm giác của mình, ta không chuyển sự chú tâm của mình sang cái gì khác. Chính cảm giác này, chính hơi thở này giống như mặt bên kia của đồng xu. Mặt bên này của đồng xu là sự bất thiện trong tâm, còn mặt bên kia là phản ứng vật lý đang xảy ra. Hơi thở trở nên bất thường hay có cảm giác nảy sinh trong người, ta đang đương đầu với vấn đề, không chạy trốn vấn đề và không đè nén nó. Một giải pháp tuyệt vời đã được đưa ra, theo đó, người ta cần phải thực hành, không có màn ảo thuật nào cả, không có phép lạ nào cả.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)