Tóm Tắt Tiểu Sử Những Thiền Sư Trước Thời Ngài U Ba Khin – Thiền Sư Ledi Sayadaw

TÓM TẮT TIỂU SỬ NHỮNG THIỀN SƯ TRƯỚC THỜI NGÀI U BA KHIN

 

Thiền sư Ledi Sayadaw (1846-1923)

Hòa thượng Ledi Sayadaw sinh năm 1846 tại làng Saing-pyin, thuộc thị trấn Dipeyin trong quận Shwebo (nay là quận Monywa) thuộc miền bắc Myanma. Ở làng cậu đi học ở trường nhà chùa do các bhikkhus (Tỳ Khưu) dạy các trẻ em đọc và viết bằng tiếng Miến cũng như dạy chúng đọc nhiều bản Kinh Pāli.

Năm 8 tuổi cậu bắt đầu theo học với người Thầy đầu tiên của mình là sư Thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, và năm 15 tuổi trở thành một samanera (tập sinh) dưới sự trông coi của vị sư Thầy này. Cậu lấy Pháp danh là Nana-dhaja (ngọn cờ hiểu biết). Trong tu viện, cậu học cả văn phạm Pāli và nhiều bản văn của Kinh điển Pāli.

Nền Phật học của Ngài bao gồm Văn phạm Pali va các Kinh điển khác trong Kinh điển Pali, nhất là Abhidhammatthasangaha, lời chú thích được dùng để hướng dẫn cho tạng Abhidhamma của Kinh điển Pali. Trong thời gian Ngài còn là Sadi, vào giữa thế kỷ thứ 19, trước khi ánh sáng của nền văn minh soi sáng, suốt ngày, Ngài học thuộc các Kinh điển và cùng với các vị Tỳ Khưu và Sadi khác đọc thuộc lòng vào buổi tốị. Với phương cách học này, Ngài thông suốt tạng Abhidhamma. Khi được 18 tuổi, Sa di Nana-dhaja cởi y và trở về đời sống thế tục và sống như là một thiện tín. Ngài đã không thoả mãn việc học của Ngài vì cảm thấy rằng quá hạn hẹp khi chỉ học Tam Tạng Kinh điển. Khoảng 6 tháng sau, người Thầy đầu tiên và một vị Thầy uyên thâm khác, Ngài Myinhtin Sayadaw, đã gởi thư cố gắng thuyết phục Ngài trở về đời sống tu viện; nhưng Ngài từ chối. Ngài Myinthtin Sayadaw đề nghị rằng ít nhất Ngài cũng phải tiếp tục việc học của Ngàị.

Vị Sadi Nana-dhaja thông minh trẻ tuổi này, dưới sự daỵ dỗ của Ngài Gandhama Sayadaw, đã uyên thâm bộ Vệ Đà trong tám tháng và tiếp tục học Tam Tạng Pali. Tới tuổi 20, ngày 20 tháng 4 năm 1866, cậu được thụ giới cao hơn để trở thành một Tỳ Khưu dưới quyền của Thầy cũ của cậu, sư Thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, lúc này trở thành người hướng dẫn của cậu. Năm 1867, ngay trước kì nghỉ mùa mưa, Tỳ Khưu Nana-dhaja rời Thầy của mình và vùng Monywa quê hương của mình để đến Mandalay và tiếp tục học tại đó.

Mandalay là thủ đô của Myanmar vào thời đó, dưới quyền cai trị của Vua Min Don Min (cai trị từ 1853-1878), và là trung tâm văn hóa quan trọng nhất của cả nước. Ngài học tại đây với nhiều Sayadaw nổi tiếng, và cũng học cả các ngành học thuật thế tục. Ngài chủ yếu sống tại tu viện Maha-Jotikarama và học với Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw, một vị Thầy nổi tiếng ở Myanmar về việc dịch Kinh Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) sang tiếng Miến.

Trong thời kì này, Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw tổ chức một cuộc thi với 20 câu hỏi cho 2000 sinh viên. Tỳ Khưu Nana-dhaja là thí sinh duy nhất trả lời thỏa đáng đủ cả 20 câu hỏi. Các câu trả lời được xuất bản sau này vào năm 1880, dưới tựa đề Pāramī-Dipani (Sách học về Ba la mật). Ðây là cuốn sách đầu tiên trong số nhiều sách bằng tiếng Pāli và Miến Ðiện được Hòa thượng Ledi Sayadaw xuất bản. Trong thời gian Ngài học tại Mandalay, vua Min Don Min bảo trợ cho Ðại hội kết tập Kinh điển lần thứ năm, triệu tập các Tỳ Khưu từ khắp nơi về để đọc và đối chiếu Kinh Tam Tạng. Ðại hội được tổ chức tại Mandalay năm 1871, và những bản văn được xác nhận đã được khắc vào 729 phiến đá cẩm thạch vẫn còn được giữ cho đến ngày nay (mỗi phiến Kinh được đặt trong một ngôi chùa nhỏ) chung quanh ngôi Ðền Kuthodaw vàng ở chân núi Mandalay.

Ở Ðại hội này, Tỳ Khưu Nana-dhaja đã giúp đỡ trong công việc biên tập  và  dịch  các   bản văn Abhidhamma (Vi Diệu Pháp). Sau 8 năm làm Tỳ Khưu, và sau khi đã qua tất cả các kì thi, Hòa thượng Nana-dhaja được chứng nhận làm giảng viên Pāli tập sự tại  Tu viện San-Kyaung (cũng gọi là Tu viện Maha- Jotikarama) là nơi Ngài đã theo học trước đây. Ngài ở lại đây trong tám năm, vừa dạy học vừa tiếp tục công việc nghiên cứu riêng của mình, cho tới năm 1882 thì trở về Monywa.

Hồi đó, Monywa là một trung tâm thị trấn nhỏ bên bờ phía đông con sông Chindwin, thị trấn này nổi tiếng về phương pháp giảng dạy bao gồm toàn bộ Kinh Tam Tạng, chứ không chỉ dạy từng phần chọn lọc của Kinh. Trong thời gian giảng dạy Pāli cho các Tỳ Khưu và tập sinh tại Monywa, Thầy có thói quen ban ngày đi ra thị trấn để giảng dạy, còn ban đêm Thầy đi qua bên bờ phía tây sông Chindwin để suy niệm trong một vihara (cái am) ở sườn núi Lak-pan-taung. Tuy chúng ta không có những tài liệu chắc chắn, nhưng có lẽ đây là thời kì Thầy bắt đầu hành thiền Vipassāna theo lối truyền thống Miến  Ðiện:  luyện  Ānāpāna (theo dõi hơi thở) và Vedanā (cảm thọ).

Năm 1885 người Anh thôn tính miền thượng Myanmar và bắt vị vua cuối cùng là Thibaw (cai trị từ 1878-1885) đi đày. Năm sau đó, 1886, Hòa thượng Nana-dhaja lui về ở ẩn trong rừng Ledi ở sát phía bắc Monywa. Sau một thời gian ngắn, nhiều Tỳ Khưu bắt đầu tìm đến xin Thầy dạy họ. Một tu viện được dựng lên cho họ ở và lấy tên là Ledi-tawya. Cũng từ đó Thầy lấy tên là Ledi, là tên gọi Thầy được biết đến nhiều nhất: Ledi Sayadaw. Người ta nói sở dĩ Monywa đã trở thành thị trấn lớn như hôm nay là vì rất nhiều người bị thu hút đến tu viện của Ledi Sayadaw ở thị trấn này. Tuy Thầy dạy cho nhiều học sinh thỉnh tu tại Ledi-tawya, nhưng Thầy vẫn giữ thói quen sống ẩn dật tại cái am vihara của Thầy bên kia sông để hành thiền. Sau khi Thầy đã sống hơn mười năm ở tu viện Ledi trong rừng, các tác phẩm nghiên cứu chính của Thầy bắt đầu được xuất bản. Tác phẩm đầu tiên là Paramattha-Dipani (Sách học về Pháp chân đế), xuất bản năm 1897.

Cuốn thứ hai trong thời kì này là Nirutta Dipani, sách học văn phạm Pāli. Nhờ những sách này, Thầy nổi danh là một trong những tu sĩ Phật giáo uyên bác nhất tại Myanma. Tuy Ledi Sayadaw trụ trì tại tu viện Ledi-tawya, thỉnh thoảng Thầy cũng đi khắp nước Myanmar để giảng dạy các khóa thiền và Kinh Phật. Chính trong những chuyến du hành ngang dọc khắp Myanmar mà Thầy đã viết nhiều cuốn sách được xuất bản sau này. Ví dụ, Thầy viết Paticca- samuppada Dipani trong hai ngày khi Thầy đi thuyền từ Mandalay tới Prome. Thầy không có sách nào để tham khảo, nhưng Thầy không cần vì Thầy đã rất am tường Kinh Tam Tạng. Trong tác phẩm Sách học về Phật giáo, có liệt kê cả thảy 26 sách thuộc loại học tập (dispanis), chú giải, tiểu luận, v.v… do Thầy biên soạn, nhưng danh sách này chưa bao gồm đầy đủ các tác phẩm của Thầy.

Ledi Sayadaw thực là một Tỳ Khưu xuất sắc hiếm có, vượt trội cả về Pariyātti (lý thuyết Dhamma, Pháp học) lẫn Patipatti (thực hành Dhamma, Pháp hành). Sau này, Thầy cũng viết nhiều sách về Phật Pháp bằng tiếng Miến. Thầy nói Thầy muốn viết sao cho một người dân quê bình thường cũng có thể hiểu. Trước thời của Thầy, người ta không quen viết về các đề tài Phật Pháp mà người dân thường có thể hiểu. Thậm chí khi giảng dạy bằng miệng, các Tỳ Khưu cũng thường đọc lên những đoạn dài bằng tiếng Pāli rồi dịch từng chữ cả đoạn, làm cho những người bình thường khó có thể hiểu nổi. Ðó phải là sức mạnh của sự hiểu biết thực tiễn nơi Ledi Sayadaw và kết quả của lòng nhân hậu của Thầy tràn ra trong ước muốn của Thầy để truyền bá Phật Pháp đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Quyển sách Paramattha-sankhepa, một quyển sách với 2000 bài thơ tiếng Miến dịch từ Abhidhammatthasangaha, đã được viết cho giới trẻ và vẫn còn rất thông dụng đến ngày hôm nay. Trong chuyến đi du hành khắp nước, Ngài Ledi Sayadaw không tán thành sự tiêu thụ thịt bò. Ngài viết một quyển sách gọi là Gomamsa- matika kêu gọi mọi người đừng giết bò để làm thực phẩm và khuyến khích ăn chay. Trong thời gian này, Ngài U Pa Thet là người đã học Thiền Vipassana từ Ngài và đã viếng thăm Ngài lần đầu tiên sau sự khởi đầu của thế kỷ. Ngài U Pa Thet về sau đã trở thành một trong những vị Cư sĩ Thiền sư  nổi  tiếng  của  Miến  điện  và  là   Thầy   dạy   của   Ngài Sayagyi U Ba Khin. Ngài Sayagyi U Ba Khin là Thầy dạy của Ngài Goenkaji.

Đến năm 1911, danh tiếng của Ngài Ledi Sayadaw về cả Pháp học và Pháp hành đã được lan rộng đến một mức độ mà Chính phủ Anh quốc của Ấn độ, và cũng là Chính phủ của Miến điện, đã trao cho Ngài danh hiệu Aggamaha- Pandita (Vị học giả cao quý và vĩ đại nhất). Ngài cũng đã được phong thưởng bằng Tiến Sĩ Văn Chương (Doctorate of Literature) của đại học Rangoon. Các bản dịch một số bài thảo luận của Thầy về các điểm trong Vi Diệu Pháp đã được xuất bản trong “Tạp Chí của Hội Pāli” tại Luân Ðôn. Trong suốt những năm 1913 đến năm 1917 Ngài đã có liên lạc với Bà Rhys-Davis của Hội Pali Text ở Luân đôn, và bản dịch của những bài thảo luận của Ngài về những điểm trong Abhidhamma đã được xuất bản trong tờ tạp chí của Hội  Pali Text.

Vào những năm cuối đời, mắt của Hòa thượng Ledi Sayadaw bị suy yếu, có lẽ do những năm đọc sách, nghiên cứu, viết lách, thường với ánh sáng rất kém. Năm 73 tuổi Thầy bị mù hoàn toàn và những năm còn lại của cuộc đời, Thầy chỉ chuyên chăm vào việc suy niệm và dạy suy niệm. Thiền sư Ledi qua đời năm 1923 hưởng thọ 77 tuổi tại Pyinmana, giữa Mandalay va Rangoon, một trong những tu viện sáng lập trong Pháp danh của Ngài như là kết quả của những chuyến du hành và truyền bá giáo lý khắp nước Miên Điện. Hòa thượng Ledi Sayadaw có lẽ là khuôn mặt Phật giáo xuất chúng của thời đại ông.

Tất cả những ai đã tiếp xúc với Giáo Pháp trong những năm gần đây đều nặng ân đối với vị tu sĩ uyên bác thánh thiện này, là người đã góp phần làm sống lại việc thực hành Vipassāna truyền thống, giúp cho cả những người xuất gia lẫn những người tại gia đều có thể dễ dàng thực hành nó. Ngoài khía cạnh quan trọng nhất này của những lời giảng dạy của ông, các tác phẩm ngắn gọn, sáng sủa, súc tích và uyên bác của Ngài cũng đã giúp làm sáng tỏ khía cạnh kinh nghiệm thực hành của Dhamma.

Chim con được sinh ra từ lòng mẹ trước tiên, trong hình quả trứng. Nó được sinh ra lần thứ hai khi đập bể vỏ trứng. Sau cùng khi đã đủ lông đủ cánh, nó được sinh ra từ tổ của nó để có thể bay đi khắp bốn phương trời. Ðối với các hành giả cũng thế, trước tiên, họ được sinh ra từ những suy tưởng mông lung của tâm trí, và chúng cứ đi theo họ mãi trong cái vòng luân hồi vô tận qua việc thực hành niệm thân (Kāyānupassanā) một cách thành công, hay bằng việc thực hành suy niệm thanh thản.

Thứ hai, khi họ đạt được năng lực quán sát (Vipassāna) thân, tâm, các thực tại kết hợp (Rūpa (sắc), Nāma (danh), khandhà (uẩn), v.v…, họ được thoát khỏi  mức độ vô minh thô thiển. Sau cùng, khi 7 yếu tố giác ngộ (Bojjhaíga) phát triển và chín mùi, họ hoàn toàn trưởng thành bằng việc đạt sự hiểu biết về Đạo siêu thế (Lokuttara- magga-nana) gọi là Sambodhi (toàn giác). Như thế, họ được sinh ra từ trạng thái vật chất thế tục (puthujjana), đạt tới tình trạng các chân lý cao thượng (ariyā) hay trạng thái siêu thế: Nibbàn(Niết bàn).

Trích “Những Ðòi Hỏi của Giác Ngộ” (Bodhipakkhiya Dipani) của Hòa thượng Ledi Sayadaw.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app