BÀI GIẢNG SỐ 2 (30 tháng 9, năm 1951)

 

Các lời giảng dạy của Phật được lưu truyền trong Tam Tạng, gồm có các Suttas (các bài thuyết giảng), Vinaya (các giới luật cho Tăng giới) và Abhidhamma (Vi diệu pháp, các bình luận triết học). Chúng ta có Tam Tạng bằng tiếng Pāli, là một bộ sách gồm nhiều cuốn mà một học giả thông thạo tiếng Pāli cũng phải mất mấy tháng mới đọc hết được. Vì vậy, hôm nay tôi chỉ trình bày giới hạn vào những điểm chính yếu – nghĩa là vào những chân lý cơ bản của Phật giáo mà thôi.

Trước khi Ðức Phật đảm nhận trách nhiệm rao truyền Giáo pháp, Ngài đã thinh lặng để suy niệm trong một thời kì bốn mươi chín ngày – bảy ngày dưới gốc cây bồ đề, và bảy ngày tại mỗi nơi trong số sáu địa điểm gần đó, có khi Ngài vui hưởng sự an lạc của Niết-bàn tuyệt đối, có khi Ngài truy tìm sâu xa hơn vào những vấn đề tế nhị nhất của các pháp tuyệt đối (Paramatha Dhamma). Sau khi đã hoàn toàn làm chủ định luật Patthana (định luật về các tương quan), từ thân thể Ngài phát ra những tia sáng chói lòa sáu màu, tạo thành một hào quang có sáu tia màu vòng quanh đầu Ngài. Ngài trải qua bốn mươi chín ngày đêm suy niệm này mà không ăn uống gì.

Sự thật là trong suốt thời gian này Ngài sống trên bình diện của tâm, khác với bình diện thể chất mà loài người bình thường sống. Không phải thức ăn vật chất nuôi dưỡng chất thể tinh tế và đời sống của các sinh linh trong các thế giới chất thể của các phạm thiên, mà là phỉ lạc của thiền định- jhanic Pīti tự nó là một thứ lương thực. Ðó là trường hợp của Ðức Phật mà sự sống của Ngài trong suốt thời gian dài này là ở bình diện tâm linh hơn là bình diện thể chất. Những thí nghiệm của chúng ta trong lãnh vực nghiên cứu này đã minh chứng chắc chắn cho chúng ta rằng, với một người đã đạt mức phát triển trí tuệ và tâm linh cao như Ðức Phật, điều này có thể xảy ra.

Chính vào rạng sáng ngày thứ năm mươi, Ngài trở thành Phật và xuất thiền định này. Không phải vì Ngài mệt mỏi hay suy nhược, mà là vì không còn ở trong bình diện hiện hữu của tâm nữa, nên Ngài cảm thấy đói. Lúc ấy có hai thương gia người nước ngoài đang đi trên những cỗ xe chất đầy hàng hóa băng ngang qua khu rừng Uruvela. Một Chư thiên- deva của khu rừng, cũng là bà con với họ trong một kiếp trước, khuyên họ lợi dụng cơ hội này để tỏ lòng tôn kính vị Phật toàn giác vừa xuất định. Theo lời khuyên ấy, họ đi đến chỗ Ðức Phật ngồi, với vầng hào quang sáu màu chiếu sáng quanh đầu. Họ không thể giấu nổi sự cảm kích. Họ phục lạy trước Ðức Phật và sau đó dâng lên cho Ngài những chiếc bánh mật để Ngài dùng bữa đầu tiên. Họ được nhận làm đệ tử tại gia của Ngài. Khi họ xin Ngài cho họ một số bảo chứng để tôn thờ, Ðức Phật đã tặng cho họ tám sợi tóc trên đầu Ngài.

Quý vị có thể ngạc nhiên khi biết hai thương gia đó tên là Tapussa và Bhallika quê ở Okkalāpa, mà ngày nay chính là Rangoon, nơi quý vị đang ở bây giờ. Và ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon mà có lẽ tất cả quý vị đã từng đến thăm, đó là ngôi chùa trong đó cả tám sợi tóc của Ðức Phật đã được tôn kính dưới sự trông coi trực tiếp của người cai trị thành phố OkKalāpa hồi đó, cách đây 2540 năm. Ngôi chùa này đã được duy trì và trùng tu nhiều lần cho tới nay bởi các vị vua Phật giáo kế tiếp nhau và bởi các người sùng mộ.

Tiếc thay, hai thương gia của OkKalāpa, những người có diễm phúc trở thành những đệ tử tại gia đầu tiên của Ðức Phật, lại chỉ là những đệ tử bằng lòng tin mà không có chút quan tâm nào đến Phật pháp trong việc thực hành, là điều duy nhất có thể giải thoát họ khỏi đau khổ và sự chết. Ðương nhiên, đức tin là một đòi hỏi tiên quyết; nhưng chính việc thực hành những lời giảng dạy mới thực sự có giá trị. Vì vậy Ðức Phật đã nói:

Mỗi người phải đi con đường của mình; Các vị Phật chỉ là những vị Thầy chỉ đường.

Những Lời Giảng Dạy Của Phật

Phật giáo không phải một tôn giáo theo định nghĩa qui ước trong từ điển, vì tôn giáo đòi hỏi phải qui hướng về thượng đế, như trong mọi tôn giáo khác. Nói theo nghĩa hẹp, Phật giáo là một hệ thống triết lí kết hợp với giới luật, về thân và tâm. Mục tiêu nhắm tới là sự tận diệt đau khổ và cái chết.

Bốn Chân lý Cao Thượng (Tứ Thánh Ðế) mà Ðức Phật rao giảng trong bài giảng đầu tiên của Ngài được biết đến với tên gọi là Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakka- pavattana Sutta) tạo thành cơ sở để xây dựng hệ thống triết lí này. Thực vậy, ba chân lý đầu tiên trong Bốn Chân lý Cao Thượng trình bày triết lí của Ðức Phật, trong khi chân lý thứ tư (Bát Chánh Ðạo) là một phương tiện để đạt mục đích. Bài giảng đầu tiên này được giảng cho năm nhà tu khổ hạnh, đứng đầu là Kondanna, họ là những người quý vị đồng hành đầu tiên của Ðức Phật trên con đường đi tìm chân lý. Kondanna là môn đệ đầu tiên của Ðức Phật đã thực hành để trở thành một bậc A la hán (một vị thánh vượt qua những giới hạn của mọi trói buộc).

Chúng ta đi vào Tứ Thánh Ðế. Ðó là:

  1.   Dukkha-sacca (chân lý về đau khổ)
  2.   Samudaya-sacca (chân lý về nguồn gốc của đau khổ)
  3.   Nirodha-sacca (chân lý về sự tận diệt đau khổ)
  4.   Magga-sacca (chân lý về con đường dẫn tới sự tận diệt đau khổ)

Ðể thấu triệt những khái niệm cơ bản của triết lí Ðức Phật, cần nhấn mạnh vào nhu cầu hiểu biết chân lý về đau khổ. Ðể làm sáng tỏ điểm này, Ðức Phật đã đề cập đến vấn đề từ hai góc cạnh khác nhau.

Thứ nhất, bằng con đường lí luận, Ngài cho các môn đệ hiểu rằng cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Cuộc đời là đau khổ; sinh ra là đau khổ; tuổi già là đau khổ; bệnh tật là đau khổ; chết là đau khổ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dục vọng nơi con người quá mãnh liệt khiến cho họ thường dễ quên mất bản thân họ, quên họ phải trả giá bằng điều gì. Chỉ cần nghĩ trong chốc lát sự sống tồn tại thế nào trong thời kì còn trong bụng mẹ; từ lúc sinh ra đứa trẻ đã phải chiến đấu để sống còn thế nào; nó phải chuẩn bị gì để đối diện cuộc đời; nó phải chiến đấu với những gì trong tư cách một con người cho tới khi trút hơi thở cuối cùng.

Quý vị chắc hẳn dễ hình dung cuộc đời là gì. Cuộc đời là đau khổ. Một người càng tự thị vào bản ngã mình bao nhiêu thì đau khổ càng lớn bấy nhiêu. Thực ra, những đau khổ vật chất hay tinh thần mà một người phải chịu đều được đánh đổi bằng những khoái lạc trong chốc lát, nhưng những khoái lạc này chỉ là những đốm lửa lập loè trong đêm tối. Còn đối với sự si mê (moha) là điều làm người ta xa rời chân lý, con người phải tìm cách tự giải phóng mình khỏi chu kì sinh tử và đau khổ.

Thứ hai, Ðức Phật giảng giải cho các môn đệ biết rằng thân thể con người được kết hợp bởi các phân tử, mỗi  phân tử vừa sinh ra là diệt ngay. Mỗi phân tử là một khối kết hợp bởi những yếu tố tự nhiên sau:

  1.   Pathavi: Sự giản nở, cứng, mềm (đất)
  2.   Apo: sự kết dính, thấm hút (nước)
  3.   Tejo: Nhiệt độ (nóng và lạnh)
  4.   Vayo: Sự chuyển động, nâng đỡ, đẩy, kéo (không khí)
  5.   Vanno: màu sắc
  6.   Gandho: mùi
  7.   Raso: vị
  8.   Oja: (chất dinh dưỡng)

Bốn yếu tố đầu tiên gọi là Tứ Ðại – maha-bhuta – nghĩa là những tính chất vật chất cơ bản – trổi vượt trong một phân tử. Bốn yếu tố còn lại chỉ là những yếu tố phụ phát sinh từ bốn yếu tố trước và phụ thuộc vào chúng. Phân tử là đơn vị nhỏ nhất có thể thấy được trong phạm vi vật lí. Chỉ khi cả tám yếu tố tự nhiên cùng kết hợp lại với nhau thì mới có một phân tử. Nói cách khác, sự đồng hiện hữu của cả tám yếu tố tự nhiên tạo thành một khối vật chất mà trong Phật giáo gọi là một phân tử.

Những phân tử này, theo Ðức Phật, luôn luôn ở trong tình trạng biến đổi hay lưu chuyển không ngừng. Chúng chỉ là một dòng năng lượng, giống như ánh sáng của một ngọn nến hay một bóng đèn điện. Thân thể không phải một thực thể như chúng ta tưởng, mà là một dạng liên tục của vật chất và sinh lực cùng hiện hữu với nhau.

Với một người quan sát bình thường, một miếng sắt thì bất động. Ðối với nhà khoa học, nó là sự kết hợp của các điện tử tất cả đều trong trạng thái thay đổi hay lưu chuyển liên tục. Với một miếng sắt còn như thế, thử hỏi với một sinh vật, như một con người thì sẽ như thế nào? Những thay đổi xảy ra trong cơ thể một người phải mãnh liệt hơn nhiều. Con người có cảm thấy những dao động trong người mình không? Nhà khoa học biết rằng mọi điện tử đều ở trạng thái biến đổi hay lưu chuyển không ngừng, vậy Ngài có bao giờ cảm thấy thân thể Ngài chỉ là năng lượng và dao động mà thôi không? Con người sẽ có thái độ nào khi họ quan sát kĩ trong bản thân mình và thấy rằng thân thể mình chỉ là năng lượng và dao động?

Ðể giãn cơn khát, một người có thể đơn giản múc một li nước từ dưới giếng lên và uống. Giả sử mắt của người này mạnh như một kính hiển vi, chắc chắn người ấy sẽ do dự khi uống li nước này, trong đó họ có thể thấy rõ những con vi trùng được phóng đại. Cũng vậy, khi người ta thấy được những thay đổi liên tục trong con người mình, hẳn người ta phải hiểu được chân lý về sự đau khổ như là hậu quả của ý thức rõ ràng về cảm giác của sự phát xạ, dao động và ma sát của các đơn vị nguyên tử bên trong mình. Thực vậy cuộc đời là đau khổ, cả trong lẫn ngoài, cả ở dáng vẻ hiện tượng lẫn nơi thực tại cơ bản.

Khi tôi nói “Cuộc đời là đau khổ,” như Ðức Phật đã dạy, xin quý vị chớ bỏ đi vì nghĩ rằng nếu cuộc đời là đau khổ, nó là điều khốn nạn, nó không đáng sống, và khái niệm đau khổ của Phật giáo là một khái niệm đáng sợ vì nó không cho quý vị cơ may nào để sống hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Với tất cả những thành tựu vật chất của khoa học, người ta trên thế giới có hạnh phúc không? Có thể đôi khi họ tìm thấy những phút chốc khoái lạc, nhưng trong thâm tâm họ không cảm thấy hạnh phúc khi họ nhận ra tất cả những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và có thể sắp xảy ra. Tại sao? Bởi vì, trong khi con người làm chủ được vật chất, họ vẫn còn chưa làm chủ được tâm của họ.

Khoái lạc vật chất không thể so sánh được với sự sảng khoái phỉ lạc (Pīti) phát sinh từ sự bình an nội tâm nhờ niệm Phật. Những khoái lạc giác quan luôn được dẫn trước và theo sau bằng những rắc rối và đau khổ như trong trường hợp một người quê mùa cảm thấy khoái trá khi gãi mãi những chỗ ngứa trên  thân  thể  mình,  trong  khi  phỉ lạc chẳng có một chút rắc rối hay đau đớn nào như thế. Nhìn dưới góc cạnh cảm giác, quý vị khó có thể đánh giá được sự sảng khoái là thế nào. Nhưng tôi biết quý vị cũng có thể thưởng thức và nếm cảm được nó phần nào.

Vì vậy, không thể nói Phật giáo dạy một điều gì khiến quý vị cảm thấy ghê sợ để coi đời sống như một cơn ác mộng của đau khổ. Nhưng hãy tin tôi đi, nó chắc chắn giúp quý vị thoát khỏi thân phận bình thường của cuộc đời, giống như một đóa hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nó sẽ cho quý vị sự an lạc nội tâm, là điều làm quý vị được thỏa mãn vì quý vị đang vượt qua không chỉ những rắc rối của cuộc đời, mà còn dần dần và chắc chắn vượt qua được những giới hạn của cuộc đời, của đau khổ và sự chết. Vậy nguồn gốc đau khổ là gì? Ðức Phật dạy, đó là Ái dục- taịhà, sự tham muốn. Một khi hạt giống ước muốn được gieo vãi, nó lớn lên thành sự tham lam và nảy nở thành sự thèm khát hay tham dục, nắm được quyền hành hay lợi lộc vật chất. Người nào được gieo vãi hạt giống này thì sẽ trở thành nô lệ cho những sự thèm khát; và tất yếu bị thúc đẩy lao nhọc tâm thân để đạt được chúng cho tới cùng. Kết quả cuối cùng chắc chắn phải là sự tích lũy lực ác ở tâm do chính những hành động, lời nói và tư tưởng của mình vì những điều này bị thúc đẩy bởi tham (lobha) và sân (dosa) nằm trong nội tâm của người ấy.

Nói theo kiểu triết học, đó là những lực tâm linh của các hành động (Saṅkhāra) theo thời gian sẽ phản động lại người có những hành động ấy, và chúng tạo nên dòng chảy tâm và vật, là nguồn gốc của đau khổ nội tâm.

Con Ðường Diệt Khổ

Vậy đâu là con đường diệt khổ? Không là gì khác hơn Bát Chánh Ðạo mà Ðức Phật đã dạy trong bài thuyết giảng đầu tiên. Bát Chánh Ðạo  này chia thành ba giai đoạn, đó  là Sīla (giới), Samādhi (định), và Paññā (tuệ).

Giới:
  1. Chánh ngữ
  2. Chánh nghiệp

3.Chánh mạng

Ðịnh:

4.Chánh tinh tấn

5.Chánh niệm

6.Chánh định

Tuệ:

  1. Chánh tư duy

8.Chánh kiến

  • Giới: Ba khía cạnh đặc trưng của giới là:

1)  Sammā-vācā (chánh ngữ)

2)  Sammā-Kammanta (chánh nghiệp)

3)  Sammā-ājīva (chánh mạng)

Chánh ngữ có nghĩa là lời nói phải chân thật, hữu ích, không thô tục hay ác độc.

Chánh nghiệp có nghĩa là những nền tảng Đạo đức con người đối nghịch với việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, và uống rượu.

Chánh mạng có nghĩa là các nếp sống nghề nghiệp không gây đau khổ cho chúng sinh (như buôn bán nô lệ, vũ khí, và các chất gây nghiện).

Một cách khái quát đó là giới luật ban đầu được đức Phật công bố trong bài pháp đầu tiên của Ngài. Tuy nhiên, sau này Ngài đã mở rộng giới luật này và thêm vào những giới luật dành riêng cho các tu sĩ và cho các môn đệ sống ngoài đời.

Tôi không cần làm quý vị băn khoăn về những giới luật dành cho các tu sĩ. Tôi sẽ chỉ trình bày cho quý vị giới luật dành cho người Phật tử sống ngoài đời. Ðó là Ngũ Giới (panca Sīla):

  1.   Pānātipātā – không sát sinh (sự sống là điều quí giá nhất cho mọi chúng sinh. Khi truyền giới luật này, lòng từ bi của Ðức Phật đổ tràn trên hết mọi loài).
  2.   Adinnādāna – không trộm cắp (đây là một sự kiểm soát nhằm ngăn ngừa lòng tham lam của cải bất chánh).
  3.   Kāmesu-micchācārā – không tà dâm (lòng tham dục luôn tiềm tàng nơi con người. Hầu như không ai cưỡng lại được nó. Vì vậy Ðức Phật ngăn cấm sự chiều theo tình dục bất hợp pháp).
  4.   Musāvādā – không nói dối (giới luận này được đưa vào để làm hoàn hảo bản chất chân thật trong lời nói).
  5.   Surāmeraya – không uống rượu (say sưa làm người ta mất sự kiên định tâm trí và khả năng suy xét, là điều cần thiết để thực hiện chân lý).

Vì vậy, Ngũ Giới có mục đích giúp con người kiểm soát hành động và lời nói, và làm nền tảng cho tâm định (Samādhi).

  •  Ðịnh (Samādhi)

Thưa quý vị, bây giờ chúng ta đề cập đến khía cạnh tâm linh của Phật giáo mà tôi chắc quý vị rất quan tâm. Trong giai đoạn hai của Bát Chánh Ðạo (tức giai đoạn Ðịnh), có những yếu tố sau:

1)  Sammā-vāyāma (chánh tinh tấn)

2)  Sammā-sati (chánh niệm)

3)  Sammā-Samādhi (chánh định)

Chánh tinh tấn là điều kiện tiên quyết để có chánh niệm. Trừ khi người ta có sự cố gắng dứt khoát để thu hẹp phạm vi những tư tưởng mông lung và vẩn vơ trong đầu óc, người ta sẽ không thể nào có chánh niệm để giúp họ tập trung tâm trí hướng tới một trạng thái nhất tâm và bình tâm. Chính ở trạng thái này, tâm con người được giải thoát mọi chướng ngại, trở nên trong sạch và thanh thản; sáng chói cả ngoài lẫn trong.

Tâm trong trạng thái này trở nên mạnh mẽ và sáng suốt. Ánh sáng bên ngoài là sự phản chiếu ánh sáng của tâm, thay đổi từ mức độ ánh sáng của một ngôi sao tới ánh sáng của mặt trời. Nói một cách đơn sơ, ánh sáng phản chiếu này trước con mắt của tâm trong bóng tối hoàn toàn là một biểu hiện của sự trong sạch, thanh thản và an lạc của tâm.

Người Ấn giáo ra sức thực hiện điều này. Ði từ ánh sáng vào trong sự trống rỗng rồi trở về với ánh sáng, đó chính là bản chất đích thực của Bà La Môn giáo. Kinh thánh Tân Ước trong Tin Mừng Matthêu nói về “thân thể đầy ánh sáng.” Chúng ta cũng nghe nói các giáo sĩ Công giáo suy niệm hàng ngày để có được ánh sáng kì diệu này. Kinh Koran của Hồi giáo cũng đề cao sự “bộc lộ của ánh sáng Thần linh.”

Ánh sáng phản chiếu bên ngoài này của tâm nói lên sự thanh tịnh bên trong, và sự thanh tịnh của tâm là cốt tủy của một đời sống tôn giáo, dù là đối với người Phật giáo, Ấn giáo, Kitô giáo hay Hồi giáo. Thực vậy, tâm thanh tịnh là mẫu số chung lớn nhất của mọi tôn giáo. Tình thương là phương tiện duy nhất có thể hiệp nhất loài người, nó phải hết sức cao cả, nhưng nó chỉ có thể là như thế nếu tâm của con người thanh tịnh một cách tuyệt vời. Một tâm quân bình là cần thiết để tạo sự quân bình cho những tâm lệch lạc khác: “Giống như người bắn cung nhắm thẳng mũi tên, người trí tuệ cũng nắn thẳng tư tưởng chập chờn mông lung của họ, là điều khó giữ vững, khó kiềm chế.”

Ðức Phật đã nói thế. Tu tập tâm cũng cần thiết như tập luyện thân thể. Thế thì tại sao chúng ta lại không tu tập tâm của mình, làm cho nó mạnh mẽ và thanh tịnh, để có thể vui hưởng an lạc của định (jhàna) trong tâm hồn mình? Khi sự an lạc nội tâm bắt đầu thấm nhập tâm của quý vị, quý vị chắc chắn sẽ tiến bộ trong sự hiểu biết chân lý.

Qua kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy rằng, nếu có người hướng dẫn thành thạo, thì mọi người bất luận theo tôn giáo nào đều có thể đạt được sự an lạc và thanh tịnh nội tâm, miễn là họ thành tâm thiện ý và sẵn sàng nghe lời người hướng dẫn trong thời kì gặp thử thách.

Khi một người nhờ tu tập liên tục đã hoàn toàn làm chủ tâm của mình, người ấy có thể đạt tới những trạng thái tâm định (say sưa trong suy niệm thâm sâu) và dần dần phát huy bản thân để đạt những thành quả (Samāpatti) làm cho họ có những sức mạnh phi thường giống như Kala- Devala, vị ẩn sĩ và Thầy dạy của vua Suddhodāna. Nhưng việc tu tập này phải thực hiện bằng một đời sống khổ hạnh và cách li khỏi người đời, và khá nguy hiểm đối với những ai còn vương vấn đam mê nơi mình.

Dù sao Ðức Phật không khuyến khích việc thực hành này, vì nó chỉ cho những năng lực phi thường trong lãnh vực thế tục, trong khi mục tiêu duy nhất của tu luyện định tâm- Samādhi là để có sự thanh tịnh và sức mạnh tâm hồn, là điều thiết yếu để nhận thức chân lý. Trong Phật giáo chúng ta có bốn mươi phương pháp tâm định khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Ānāpāna, niệm hơi thở, nghĩa là tập trung vào hơi thở vào và ra, tất cả mọi chư Phật đều theo phương pháp này.

  • Tuệ (Paññà): Thưa quý vị, bây giờ tôi xin nói về khía cạnh triết học của Phật giáo trong giai đoạn thứ ba của Bát Chánh Ðạo: Paññā (tuệ giác).

Hai tính chất đặc trưng của trí tuệ là:

1)   Sammā-saṅkappa (chánh tư duy)

2)   Sammā-diṭṭhi (chánh kiến)

Chánh kiến là đối tượng và mục đích của Phật giáo. Chánh tư duy là nghiên cứu phân tích về tâm và vật, cả bên trong lẫn bên ngoài, nhằm đạt tới sự thể hiện chân lý. Quý vị đã nghe nói về Nāma và Rūpa (tâm và vật) nhiều lần rồi, nhưng tôi muốn giải thích thêm.

Nāma (tâm) được gọi như thế vì nó có khuynh hướng đi tới một đối tượng của cảm giác. Rūpa (vật) được gọi như thế vì tính chất vô thường của nó, do sự thay đổi thường hằng.

Hiểu sát nghĩa, nàma (tâm) là thuật ngữ dùng để chỉ những điều sau:

  1.   Thức, hay ý thức (Viññāṇa)
  2.   Thọ, hay cảm giác(Vedanā)
  3.   Tưởng, hay tri giác (Saññā)
  4.   Hành, hay ý chí (Saṅkhāra)

Những khía cạnh trên đây của tâm hợp với sắc trong trạng thái vật chất tạo thành cái chúng ta gọi là Pañca- khandha (ngũ uẩn). Chính Ðức Phật đã dùng ngũ uẩn này để tóm lược tất cả những hiện tượng tâm lý và vật lí của hiện hữu (mà trong thực tế là một thể liên tục của tâm và vật đồng hiện hữu, nhưng người thường thì cho rằng đó là bản ngã của mình.)

Trong chánh tư duy (Sammā-saṅkappa), tín đồ nào đã phát triển được khả năng mạnh về định (Samādhi), thì tập trung sự chú ý vào bản ngã mình và nhờ thiền nội quan, họ phân tách được bản tính: trước hết là của vật chất hay thân thể (Rūpa), sau đó của tâm (Nāma), gồm trí tuệ và những thuộc tính của trí tuệ. Họ cảm thấy (và đồng thời cũng nhìn thấy) những nguyên tử (Kalāpas) trong thực trạng của chúng. Họ bắt đầu nhận ra rằng cả vật và tâm đều ở trong tình trạng biến dịch liên tục, vô thường và trôi nổi. Khi khả năng tập trung của họ gia tăng, bản chất các sức mạnh nơi họ trở nên ngày càng linh hoạt hơn.

Họ không còn có thể thoát ra khỏi cái ấn tượng rằng ngũ uẩn luôn luôn chịu đau khổ trong định luật nhân quả. Bây giờ họ tin chắc rằng, trong thực tế, mọi sự bên trong lẫn bên ngoài đều chịu đau khổ, và không hề có cái gọi là bản ngã. Họ khao khát siêu thoát được trạng thái đau khổ. Vì vậy, khi họ thoát ra được những trói buộc của đau khổ, họ chuyển từ tình trạng sắc thể sang tình trạng siêu sắc thể và bước vào dòng chảy của bậc Nhập lưu (Sotāpanna), là bậc thứ nhất trong bốn bậc của những người cao thượng (Ariyās). Sau đó, họ được giải thoát khỏi: (1) thân kiến (2) hoài nghi; (3) ràng buộc với qui luật và nghi thức.

Bậc thứ hai là Tư đà hàm hay Nhất lai (Sakadāgāmi ), trong bậc này lòng tham dục và ý xấu trở nên suy yếu dần. Khi đạt đến bậc thứ ba là A na hàm hay Bất lai (Anāgāmi ), họ sẽ không còn sự đam mê hay sân hận. Mục tiêu cuối cùng là đạt tới bậc A la hán (Arahant). Mỗi bậc thánh ngay khi còn tại thế đều có thể cảm thọ được Niết-bàn bao nhiêu lần tùy ý, bằng cách bước vào hưởng các giai đoạn Nhập lưu (Sotāpanna), v.v… nhờ đó họ được hưởng sự an lạc nội tâm.

Sự an lạc nội tâm này được định nghĩa bằng với Niết- bàn và không có gì so sánh được, vì nó thuộc siêu thế. Sánh với sự an lạc nội tâm này, sự an lạc của định (jhanic) mà tôi nhắc tới ở trên khi bàn về định – Samādhi là không đáng kể, bởi vì sự an lạc nội tâm của Niết-bàn đưa người ta vượt lên trên ba mươi mốt cõi hiện hiện hữu, còn sự an lạc của định (jhanic) vẫn còn giữ người ta ở lại trong những cõi hiện hữu này, tức là vẫn còn ở trong sắc giới của Phạm thiên

Thưa quý vị, xin cho phép tôi nói thêm một câu nữa thôi. Những điều tôi vừa nói chỉ là một số khía cạnh cơ bản của Phật giáo. Với thời gian giới hạn, tôi hi vọng đã cố gắng hết sức để đáp ứng sự mong đợi của quý vị. Ðạt tới một tình trạng tâm thanh tịnh với một ánh sáng chiếu soi cho quý vị; đi vào một tình trạng an lạc của định (jhanic) theo ý muốn của quý vị; cảm nghiệm được sự an lạc của Niết-bàn trong nội tâm của quý vị: đó là những điều nằm trong tầm tay của quý vị.

Thế thì tại sao quý vị không thử tập luyện ít là hai tình trạng đầu tiên này, là những điều đã có sẵn trong tôn giáo của quý vị? Tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu quý vị có yêu cầu.

Một lần nữa, cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app