PHẬT GIÁO LÀ GÌ ?

Sayagyi U Ba Khin

 

Năm 1951, khi Sayagyi là Kế toán trưởng của Miến Ðiện, Ngài được một nhóm nghiên cứu tôn giáo mời Ngài thuyết giảng về Phật giáo. Ðứng đầu nhóm nghiên cứu là viên cán bộ thông tin và cán bộ Kinh tế và tài chánh của Cục đặc biệt về Kĩ thuật và Kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ. Sayagyi đã giảng một loạt ba bài tại Yangon (tại nhà thờ Methodist, đường Signal Pagoda) và những bài giảng này sau đã được xuất bản thành một tập sách nhỏ nhan đề “Phật Giáo Là Gì.” Sau đây là tóm lược các bài giảng này.

 

BÀI GIẢNG SỐ 1 (23 tháng 9, năm 1951)

 

Tôi rất hân hạnh ở giữa quý vị hôm nay và có cơ hội đề cập với quý vị về đề tài “Phật Giáo Là Gì.” Trước tiên, tôi phải nói thật lòng với quý vị. Tôi không hề học đại học, và tôi chỉ có những kiến thức khoa học của một con người đường phố. Tôi cũng không phải một học giả về lý thuyết Phật giáo với một hiểu biết nào về ngôn ngữ Pāli là thứ tiếng được dùng để truyền đạt lại Kinh Tam Tạng. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật rằng tôi đã đọc bằng tiếng Miến khá nhiều những khảo luận về Phật giáo của những tu sĩ Phật giáo thông thái và danh tiếng. Vì phương pháp học hỏi Phật giáo của tôi thiên về thực hành chứ không lý thuyết, nên tôi hi vọng có thể cống hiến quý vị điều gì đó về Phật giáo mà quý vị không dễ tìm được ở những nơi khác.

Tuy nhiên, tôi phải thú nhận lúc này tôi chỉ là một sinh viên thực tập về Phật giáo và một người thử nghiệm đang cố gắng học hỏi qua Phật giáo chân lý về bản tính của các lực. Vì tôi phải làm công việc này đang khi vẫn phải gánh vác những trách nhiệm gia đình và có ít thời giờ vì bận quá nhiều trách vụ trong chính quyền, nên sự tiến triển của tôi khá chậm chạp và tôi không bao giờ dám khẳng định những gì tôi sắp nói là tuyệt đối đúng. Tôi có thể đúng mà cũng có thể sai. Nhưng khi tôi nói điều gì, tôi đoan chắc với quý vị rằng tôi nói thực lòng, với những ý hướng tốt nhất và niềm xác tín vững vàng nhất.

Ðức Phật nói trong Kinh Kālāma:

–       Ðừng tin vào những gì ngươi nghe nói;

–       Ðừng tin vào truyền thống, vì chúng đã được truyền lại qua nhiều thế hệ;

–       Ðừng tin vào bất cứ điều gì vì chúng được đồn thổi hay được nhiều người nói tới;

–       Ðừng tin chỉ vì có một lời của một bậc trí tuệ xa xưa đã được viết ra;

–       Ðừng tin vào những điều phỏng đoán;

–       Ðừng tin vào điều gì mà ngươi đã bị ràng buộc bởi thói quen và coi nó là chân lý;

–       Ðừng tin chỉ vì quyền uy của các Thầy dạy và các trưởng lão của các ngươi.

Sau khi đã quan sát và phân tích, khi điều gì phù hợp với lí lẽ và mang lại lợi ích cho từng người và mọi người, lúc đó hãy chấp nhận nó và trung thành sống theo nó.

Vì vậy, tôi xin quý vị đừng tin tôi khi tôi trình bày những vấn đề triết lí cho tới khi nào quý vị thực sự xác tín những gì tôi nói như là kết quả của một chuỗi suy luận đúng hay nhờ một phương pháp thực tiễn.

Tránh điều ác; Làm điều lành;

Thanh lọc tâm trong sạch;

Ðó là những lời giảng dạy của chư Phật.

Câu trích trên đây  từ  Kinh  Pháp  cú  –  Dhammapada, tóm lược cái cốt tủy của Phật giáo. Nghe thật đơn sơ nhưng lại khó thực hành biết bao. Người ta không thể là một Phật tử chân chính nếu không đem giáo lí của Ðức Phật ra thực hành. Ðức Phật nói:

“Này các người, những người đã được nhận biết các chân lý mà ta đã nhận biết, hãy biến các chân lý ấy trở thành của các người; hãy thực hành chúng, nghiền ngẫm chúng, loan truyền chúng; để cho tôn giáo tinh truyền được tồn tại lâu dài và được lưu truyền vì hạnh phúc và lợi ích của Chư thiên và loài người.”

Trước khi trình bày những lời dạy của Phật, là nền tảng cốt yếu của Phật giáo, tôi đề nghị quý vị làm quen trước tiên với tiểu sử của Ðức Phật Gotama. Vì mục đích này, tôi thấy có bổn phận cống hiến quý vị một bối cảnh của một số khái niệm Phật giáo mà có thể còn xa lạ đối với đa số quý vị. Vì vậy, tôi đề nghị cắt nghĩa vắn tắt cho quý vị những khái niệm nòng cốt trong Phật giáo như quan niệm về vũ trụ, hệ thống thế giới, các bình diện hiện hữu, v.v.. Chắc hẳn những điều này sẽ khơi dậy nơi quý vị rất nhiều điều để suy tư. Tuy nhiên, tôi xin quý vị kiên nhẫn lắng nghe và tạm thời thông qua những vấn đề này đã, cho tới khi chúng ta bước sang phần câu hỏi thảo luận.

Vũ Trụ

Khái niệm của Phật giáo về vũ trụ có thể tóm tắt như sau:

Có vũ trụ không gian – Okasa Loka, chứa các danh  và sắc. Trong thế giới vũ trụ này, danh sắc nắm ưu thế dưới sự ảnh hưởng của luật nhân quả. Tiếp đến là Vũ trụ pháp hành – Saṅkhāra Loka sáng tạo hay thọ tạo. Ðây là bình diện tâm linh khởi sinh từ những năng lực tâm linh sáng tạo nhờ những hành động thân thể, những lời nói và tư tưởng.

Thứ ba và cuối cùng là vũ trụ chúng sanh – Satta Loka. Những sinh vật này là sản phẩm của các lực tâm linh. Có thể gọi đây là một vũ trụ “ba trong một”, vì vũ trụ này bất khả phân li với vũ trụ kia. Có thể nói chúng đan chằng và thấm nhập vào nhau.

Ðiều   mà   quý   vị   quan   tâm   hơn cả    là những cakkavalas hay hệ thế giới, mỗi hệ gồm ba mươi mốt bình diện hiện hữu. Mỗi hệ thế giới đều tương ứng với thế giới loài người gồm hệ mặt trời và những bình diện hiện hữu khác. Có hàng triệu hàng triệu hệ thế giới như thế, phải nói là không thể đếm được. Mười ngàn hệ thế giới gần với chúng ta nhất đều nằm trong lãnh vực nguồn gốc- Jāti- Khetta, của một vị Phật. Thực vậy, khi Ðức Phật giảng bài Kinh nổi tiếng Maha-Samayā ở rừng Mahavana gần thành phố Kapilavatthu, không chỉ có Phạm thiên và Chư thiên của hệ thế giới của chúng ta có mặt, mà còn có các phạm thiên và chư thiên của tất cả mười ngàn hệ thế giới có mặt để lắng nghe lời giảng của Ðức Phật.

Ðức Phật cũng có thể phát đi những làn sóng tư tưởng của Ngài với tình thương và lòng từ bi tới toàn thể chúng sinh của một trăm tỉ hệ thế giới đều nằm trong lãnh vực ảnh hưởng -Anakhetta. Các hệ thế giới còn lại nằm trong không gian vô biên – Visaya Khetta ở bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của các làn sóng tư tưởng của Ðức Phật. Từ những khái niệm trên đây của Phật giáo, quý vị có thể tưởng tượng ra kích thước của toàn thể vũ trụ là thế nào. Rõ ràng thế giới vật chất của chúng ta trong vũ trụ không gian – Okasa loka hoàn toàn không đáng kể gì. Toàn thể thế giới của con người chỉ là một đốm nhỏ li ti trong không gian.

Bây giờ tôi sẽ trình bày với quý vị về ba mươi mốt cõi hiện hữu trong hệ thế giới của chúng ta, và tất nhiên nó cũng giống như trong mọi hệ thế giới khác. Ðại khái đó là:

ARūpa Loka  – thế giới vô sắc hay phi vật chất của  các brahma (Phạm thiên);

Rūpa Loka – thế giới hữu sắc của các phạm thiên.

Kama Loka – Dục giới- chư thiên, loài người, và loài vật.

Vô sắc giới bao gồm bốn thế giới phạm thiên vô sắc, nghĩa là không có sắc pháp, hay là phi vật chất. Sắc giới bao gồm mười sáu thế giới phạm thiên có sắc pháp.

Dục giới bao gồm:

a.   Sáu cõi chư thiên Dục giới, đó là:

  1.     Tứ Ðại Thiên Vương (Catumaharajika)
  2.     Ðạo Lợi (Tavatimsa)
  3.     Dạ Ma (Yama)
  4.     Ðẩu Xuất (Tusita)
  5.     Hóa Lạc (Nimmanarati)
  6.     (vi) Tha Hóa Tự Tại (Paranimmita-vasavatti)

b.   Thế giới loài người

c.   Bốn thế giới hạ đẳng, đó là:

  1.     Ðịa ngục (Niraya)
  2.     Súc sanh (Tiricchana)
  3.     Ngạ quỷ (Peta)
  4.     A Tu La (Asura)

Những bình diện hiện hữu này là sạch hay dơ, lạnh hay nóng, sáng hay tối, nhẹ hay nặng, sướng hay khổ – tùy theo tính chất của những lực tâm linh được phát sinh bởi tâm hay tác ý (cetana) của một chuỗi hành động, lời nói, và tư tưởng. Ví dụ lấy trường hợp một người sùng Đạo giãi tỏ tình thương và lòng từ bi vô bờ cho khắp vũ trụ chúng sinh. Người này phải phát sinh những lực tâm linh như trong sạch, mát mẻ, sáng láng, nhẹ nhàng và dễ chịu – là những lực thường ổn định trong các thế giới phạm thiên. Lấy một ví dụ ngược lại về một người đang tức giận hay không thỏa mãn.

Theo câu cách ngôn, “Xem mặt mà bắt hình dong,” sự ô uế, nóng nảy, tối tăm, nặng nề và khốn nạn của tâm hồn người này lập tức phản ánh nơi con người họ, dù mắt thường chúng ta cũng có thể nhận thấy. Có thể nói đó là vì sự phát sinh những lực ác của tâm hồn vì sân hận, nóng giận và những lực này đi xuống thế giới của các chúng sinh hạ đẳng. Cũng thế đối với trường hợp các lực tâm linh phát sinh do tham hay si.

Trong trường hợp có các hành vi đáng khen như sùng mộ, đức hạnh và từ bi đặt nền trên sự gắn bó với hạnh phúc tương lai, những lực tâm linh phát sinh là những lực thường nằm ở bình diện cảm giác của các Chư thiên và loài người. Thưa quý vị, đó là một số khái niệm trong Phật giáo liên quan tới tiểu sử của Ðức Phật Gotama mà tôi bắt đầu trình bày bây giờ.

Sự Chuẩn Bị

Ðức Phật Gotama là vị Phật thứ tư trong năm vị Phật xuất hiện trong chu  kì  của  thế  giới  gọi  là  bhadda- kappa. Các vị Phật có trước Ngài là Kakusandha, Konagamana và Kassapa. Trong những thời đại kiếp trước cũng đã xuất hiện vô số các vị Phật khác và các vị này cũng đã từng rao giảng cùng một chánh pháp mang lại sự giải thoát khỏi đau khổ và sự chết cho mọi chúng sinh. Các vị Phật đều đầy lòng từ bi, trí tuệ, và giác ngộ.

Một vị ẩn sĩ có tên là Sumedha đã được Phật Dipankara thọ ký để sau này trở thành một vị Phật. Phật Dipankara chúc phúc cho Ngài và tiên tri Ngài sẽ trở thành một vị Phật mang tên là Gotama. Từ đó trở đi, từ kiếp này qua kiếp khác, vị Bodhisatta (Bồ tát, nghĩa là vị Phật tương lai) giữ gìn tâm lực của mình ở mức độ cao nhất bằng việc thực hành mười ba la mật, đó là:

  1.   Dāna (bố thí)
  2.   Sīla (trì giới hay Đạo đức)
  3.   Nekkhamma (xuất gia hay khước từ)
  4.   Paññā (trí tuệ)
  5.   Viriya (tinh tấn hay kiên trì)
  6.   Khanti (nhẫn nhục)
  7.   Sacca (chân thật)
  8.   Adhiṭṭhāna (quyết định)
  9.   Mettā (tâm từ hay nhân ái)
  10.   Upekkhā (tâm xả hay quân bình)

Vì vậy, để trở thành một vị Phật quả là một nhiệm vụ cực kì gian khổ. Chỉ cần nghĩ đến mà thôi cũng đã cần phải có một sức mạnh ý chí siêu phàm. Thời kì chuẩn bị của Bồ tát kết thúc với cuộc đời của Vua Vessantara là người trổi vượt mọi chúng sinh về việc bố thí. Ngài bố thí cả vương quốc, vợ và con của mình cũng như mọi của cải tài sản của mình để hoàn tất hạnh nguyện long trọng của Ngài trước Phật Dipankara. Kiếp sống tiếp theo là trong Ðẩu xuất – Tusita, chư thiên Setaketu sống vinh hiển, cho tới khi Ngài thoát khỏi cõi này và thụ thai trong lòng Mayā Devi, Hoàng hậu của Vua Suddhodāna ở Kapilavatthu, một địa danh gần nước Nepal ngày nay.

Khi thời gian sinh con gần kề, Hoàng hậu tỏ ước muốn trở về quê hương của cha mẹ để sinh con. Vua Suddhodāna đồng ý và gởi một đoàn tháp tùng để hầu hạ và bảo vệ hoàng hậu. Trên đường, đoàn người đã dừng chân ở rừng Lumbini. Hoàng hậu xuống kiệu và tận hưởng làn gió mát rượi và hương hoa của khu rừng. Bà giơ tay định hái một bông hoa trên cành cây bên cạnh, bỗng nhiên và không ngờ trước, bà hạ sinh ngay một cậu con trai sau này sẽ trở thành Ðức Phật toàn giác. Cùng lúc ấy toàn thể thiên nhiên trong vũ trụ đảo lộn về nhiều phương diện và đã xuất hiện ba mươi hai hiện tượng kì lạ. Toàn thể các thế giới vật chất rung động tận gốc rễ. Có những luồng sáng lạ thường trên hệ mặt trời. Mọi sinh vật của thế giới vật chất có thể trông thấy nhau. Người câm và điếc được chữa lành. Mọi nơi người ta nghe thấy những điệu nhạc thiên thai,…

Lúc đó, Kala Devala, vị ẩn sĩ và Thầy dạy của vua Suddhodāna đang trò chuyện với các Chư thiên của thế giới Tam Thập Tam Thiên – Tavatimsa. Ngài là một ẩn sĩ nổi   tiếng đã làm    chủ được tám    bậc thành   đạt Samāpatti khiến Ngài có những năng lực siêu phàm. Qua sự vui mừng của mọi thế giới dục giới và sắc giới,  Ngài biết được Thái tử của vua Suddhodāna đã sinh ra, nên Ngài vội trở về cung điện và mong muốn người ta mang đứa trẻ tới để Ngài chúc phúc. Khi Vua đặt đứa trẻ trước mặt Đạo sĩ Devala, lập tức Ngài hiểu rằng đứa trẻ này chính là vị Phật tương lai. Ngài vui sướng mỉm cười khi biết điều này, nhưng ngay sau đó đã khóc lên vì Ngài thấy trước là mình sẽ không còn sống để được nghe lời giảng của Ngài, và cả sau khi chết, Ngài hóa sanh vào cõi vô sắc của Phạm thiên, nơi đó, Ngài không thể tiếp xúc được với cõi sắc giới. Ngài vô cùng đau khổ phải xa Ðức Phật và lời giảng của Ngài.

Ngày thứ năm đứa trẻ được đặt tên là Siddhattha trước sự hiện diện của các nhà chiêm tinh nổi tiếng, tất cả cùng đồng thanh cho rằng đứa trẻ có mọi nét của một vị Phật tương lai. Nhưng hoàng hậu đã chết chỉ một tuần sau khi sinh con, và đứa trẻ được trao cho bà dì là Mahàpajapati Gotami nuôi nấng.

Cậu bé Siddhattha trải qua thời thơ ấu của mình trong nhung lụa, xa hoa và có học vấn. Cậu được ca ngợi là một thần đồng về trí tuệ và sức mạnh. Vua cha đã không nề hà điều gì để làm cho đời sống con mình được êm đềm nhẹ nhàng. Ngài cho xây ba cung điện thích hợp cho ba mùa với những tiện nghi đầy đủ để làm cho Thái tử hưởng trọn mọi niềm khoái lạc thể chất. Ðó là vì tình phụ tử của vua muốn cho con mình sống hoàn toàn hạnh phúc trong đời sống thế tục thay vì đời sống của một vị Phật giác ngộ.

Vua Suddhodāna hết sức thận trọng để cho con mình sống trong những môi trường không tiêm nhiễm những ý tưởng triết học cao xa nào. Ðể bảo đảm đầu óc của Thái tử không vương vấn những ý tưởng triết học ấy, vua đã ra lệnh cho những người phục vụ Thái tử và những bạn bè của Thái tử không được đả động tới những chuyện như tuổi già, bệnh tật hay sự chết. Họ phải tỏ ra như là không hề có những điều khó chịu như thế trên đời này. Các đầy tớ và người tùy tùng nào có dấu hiệu già đi, yếu đuối hay bệnh tật lập tức bị thay thế. Mặt khác, Ngài cho tổ chức những cuộc khiêu vũ, ca hát và những bữa tiệc linh đình để làm con mình hoàn toàn chìm trong đời sống khoái lạc.

Cuộc từ bỏ vĩ đại

Thế nhưng với ngày tháng trôi qua, sự đơn điệu của những khoái lạc chung quanh dần dần đã mất sức cuốn hút đối với Thái tử Siddhattha. Những năng lượng tâm linh tích lũy trong vô số những kiếp sống trước của Ngài nhằm đạt mục tiêu to lớn là thành Phật giờ đây tự nhiên nổi dậy. Thỉnh thoảng, khi thế giới của lạc thú không còn chi phối đầu óc Ngài, con người nội tâm của Ngài bắt đầu hoạt động và nâng tâm trí Ngài lên một trạng thái trong sạch và thanh thản với sức mạnh của chánh định. Cuộc chiến tranh cân não bắt đầu.

Suy nghĩ đầu tiên của Ngài là chạy trốn đam mê và lạc thú. Ngài muốn biết có những gì bên ngoài những bức tường của cung điện mà Ngài chưa một lần được đi ra để thăm viếng. Ngài muốn nhìn thấy thiên nhiên thật sự của nó chứ không phải thứ thiên nhiên do con người đã tạo ra. Vì thế, Ngài đã quyết định đi thăm công viên của hoàng cung, bên ngoài những tường thành của cung điện. Trên đường đi tới công viên, mặc dù Ðức vua đã thận trọng dẹp hết mọi cảnh tượng khó chịu trên đường, nhưng ở lần ra ngoài đầu tiên, Ngài đã trông thấy một Ngài lão khòm lưng vì tuổi già. Tiếp đến, Ngài thấy một người bệnh đang hấp hối vì một chứng bệnh nan y. Sau đó Ngài thấy một xác chết. Lần cuối cùng Ngài gặp một Thầy tu.

Tất cả những cảnh tượng này đã làm Ngài trầm ngâm suy nghĩ. Tâm trạng của Ngài đã thay đổi. Tâm trí Ngài được gột sạch mọi nhơ bẩn và tràn ngập những năng lực của các sức mạnh riêng mà Ngài đã tích lũy trong thế giới Saṅkhāra loka (thế giới tâm linh). Lúc này tâm trí Ngài đã thoát khỏi mọi chướng ngại, được trở nên thanh thản, trong sạch và mạnh mẽ. Mọi chuyện đã xảy ra vào một đêm khi hoàng hậu của Ngài hạ sinh cho Ngài một Thái tử, một sợi dây mới trói buộc Ngài lại.

Thế nhưng, Ngài không còn bị vương vấn bởi điều gì có thể làm đảo lộn sự quân bình tâm trí của Ngài. Những sức mạnh của sự quyết định đã mở đường để Ngài làm một quyết định mạnh mẽ, và Ngài đã nhất quyết tìm được giải thoát khỏi cảnh sinh, lão, bệnh, và tử. Ðến đúng nửa đêm, quyết định trọng đại này của Ngài đã được thực hiện. Ngài nhờ người tùy tùng của Ngài là Channa chuẩn bị sẵn con tuấn mã Kanthaka cho Ngài. Sau khi nhìn vào phòng để chào từ biệt vợ và đứa con sơ sinh, Ngài đoạn tuyệt với gia đình, thế giới và thực hiện cuộc từ bỏ vĩ đại. Ngài cưỡi ngựa ngang qua thành phố tới dòng sông Anoma, vượt qua sông, và không bao giờ trở về cho tới khi sứ mạng của Ngài đã hoàn tất.

Ði Tìm Chân lý

Sau cuộc từ bỏ vĩ đại này, Thái tử Siddhattha rong  ruổi khắp nơi để tìm Thầy học Đạo, một mình bận bộ đồ của người ẩn sĩ lang thang với một chiếc bình bát trong tay để xin ăn. Ngài đặt mình dưới sự hướng dẫn của hai vị Thầy bà la môn danh tiếng là Àlāra và Uddaka. Àlāra nhấn mạnh niềm tin vào atman (linh hồn) và dạy rằng linh hồn đạt sự giải thoát hoàn toàn khi được giải thoát khỏi những giới hạn của vật chất. Thái tử không thỏa mãn với giải đáp này. Ngài tìm đến Thầy Uddaka nhưng vị này lại nhấn mạnh quá đáng về hậu quả của Kamma (nghiệp) và sự luân hồi của linh hồn. Cả hai bậc Thầy này đều không thoát ra khỏi khái niệm “linh hồn,” và con người Thái tử khắc khổ cảm thấy còn có điều gì khác phải học.

Vì vậy, Ngài rời bỏ cả hai vị Thầy này để tự mình đi tìm đường giải thoát. Ðương nhiên, lúc đó Ngài đã học được tám Samāpatti và đã đạt được nhiều năng lực siêu phàm, gồm cả khả năng hiểu biết các biến cố của nhiều đại kiếp sẽ tới, cũng như của nhiều đại kiếp đã qua. Nhưng tất cả đều thuộc phạm vi thế tục và vị Thái tử khổ hạnh không mấy quan tâm đến chúng. Khát vọng của Ngài chỉ là được thoát khỏi vòng thế tục của cảnh sinh, khổ và tử.

Về sau có năm vị khổ hạnh khác đi theo Ngài, trong số đó có nhà chiêm tinh Kondanna là người đã nói tiên tri vào ngày thứ năm sau khi Siddhattha sinh ra rằng, Ngài chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật. Những vị khổ hạnh này đã phục vụ Ngài rất chu đáo trong sáu năm, trong khi Ngài chuyên chăm chú vào việc ăn chay và suy niệm, thực hành kỉ luật và những hình thức khổ hạnh rất nghiêm khắc cho tới khi Ngài chỉ còn là da bọc xương. Thực vậy, một hôm Ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Sau khi qua khỏi tình trạng nguy kịch này, Ngài thay đổi phương pháp, theo một đường lối trung dung và khám phá ra rằng con đường giác ngộ của mình đã sáng sủa hơn.

Thành Đạo

Vào đêm trăng tròn của ngày Vesàkha (tháng tư âm lịch), đúng 2.562 năm trước, Thái tử Siddhattha, vị tu sĩ khổ hạnh lang thang, đã ngồi xếp vòng chân dưới gốc cây bồ đề bên bờ sông Neranjara trong khu rừng Uruvela (gần Bodh Gaya ngày nay), với quyết tâm mãnh liệt nhất là sẽ không rời bỏ tư thế này khi chưa đạt được chân lý và sự giác ngộ, trở thành Phật, dù cố gắng này có thể làm Ngài mất mạng.

Biến cố vĩ đại đã đến. Vị Thái tử khổ hạnh tập trung tất cả sức lực của tâm để bảo đảm có sự định tâm vào một điểm duy nhất, là điều thiết yếu để tìm ra chân lý. Lúc ấy, Thái tử thấy rằng sự giữ thế quân bình của tâm không phải dễ dàng như trước kia. Không những chỉ có sự phối hợp các lực tâm linh của các thế giới hạ đẳng với lực tâm linh của các thế giới cao hơn chung quanh Ngài, mà còn có những sự giao thoa khác rất mạnh làm đảo lộn thế quân bình của tâm trí Ngài. Sự kháng cự của những khối lực không thể xâm nhập chống lại sự phát xạ của ánh sáng trước kia Ngài từng làm chủ một cách bình thường thì lúc này tỏ ra vô cùng khác thường (có lẽ vì đây là thử thách cuối cùng để thành Phật, và Ma vương – Māra, vị thần tối cao của các sức mạnh của sự ác, đang ở hậu trường). Thế nhưng, Thái tử đã thành công tuy chậm chạp nhưng chắc chắn, nhờ sự ủng hộ của các lực tâm linh của các nhân đức mà Ngài đã tích lũy để đến trợ giúp Ngài đúng lúc.

Ngài đã phát nguyện và yêu cầu mọi Phạm thiên và chư thiên đã từng chứng kiến việc Ngài hoàn thành mười ba-la-mật để họ tiếp sức với Ngài trong cuộc tranh giành quyền bá chủ. Sự liên kết với các Phạm thiên  và  chư  thiên này đã mang lại kết quả mong muốn. Những khối lực dày có vẻ không thể thâm nhập nay đã bị đập tan; và với một sự làm chủ kiên định đối với tâm, chúng bị quét sạch vĩnh viễn. Mọi chướng ngại đã bị khắc phục, Thái tử đã có thể nâng cao khả năng tập trung của mình và đưa tâm vào một tình trạng hoàn toàn trong sạch, yên tĩnh và thanh thản. Dần dần ý thức của trực giác đích thực xâm chiếm con người Ngài.

Giải pháp cho những vấn đề sống còn mà Ngài từng đối diện giờ đây đã xuất hiện trong ý thức của Ngài như một điều thiêng liêng mầu nhiệm, mà trí tuệ con người không giải thích được. Bằng việc suy niệm nội quan về những thực tại của thiên nhiên trong chính bản thân Ngài, Ngài thấy một cách sống động rằng trong thân thể con người không hề có chất thể như người ta vẫn tưởng, và thân thể chỉ là tổng số của vô số triệu phân tử – Kalāpas, mỗi phân tử chỉ bằng khoảng một phần bốn mươi sáu ngàn sáu trăm năm mươi sáu phần của một phân tử hạt bụi trên bánh xe của một chiếc xe bò vào mùa hè.

Tìm tòi thêm, Ngài nhận ra rằng phân tử này cũng là vật chất trong quá trình biến đổi không ngừng; và cũng thế, tâm chính là sự biểu hiện của những lực tâm linh (sáng tạo) đi ra bên ngoài và những lực tâm linh (sáng tạo) đi vào trong hệ thống của một cá nhân một cách liên tục và vĩnh cửu. Ðức Phật sau đó tuyên bố Ngài đã có sự tuệ giác khi Ngài vượt qua được tính chất thể của “bản ngã Ngài.” Ngài nhìn thấy bằng pháp chánh định các phân tử, rồi Ngài đem áp dụng vào đó luật vô thường, giản lược chúng thành phi thực thể hay những mẫu cư xử thường xuyên – bằng cách loại bỏ cái mà chúng ta (Phật giáo) gọi là pháp chế định – Paññātti; và đạt tới tình trạng của pháp chân đế- paramattha, hay nói cách khác, “chân lý tuyệt đối.”

Từ đó Ngài tuệ giác sự biến đổi liên tục của tâm và vật nơi bản thân Ngài (Aniccā) và do đó Ngài cũng nhận thức chân lý về sự khổ (Dukkha). Ðó là lúc tính vị kỉ trong Ngài vỡ tan để biến vào hư vô và Ngài bước vào một giai đoạn vượt qua “đau khổ” – nghĩa là Dukkha-nirodha (sự tận diệt đau khổ) không còn để lại dấu vết gì của bản ngã- atta . “Tâm và vật” đối với Ngài chỉ là những hiện tượng trống rỗng lăn tròn liên tục trong phạm vi của định luật nhân quả và định luật nhân duyên tùy thuộc. Ngài đã tuệ giác chân lý. Những đức tính đã tiềm tàng trong Ðức Phật thuở nhỏ giờ đây phát triển, và đến rạng sáng ngày rằm tháng tư, âm lịch

–   Vesakha, Ngài được hoàn toàn giác ngộ.

“Quả thực, Thái tử Siddhattha đã đạt tới bậc chánh đẳng chánh giác (Sammā sambodhi) và trở thành Ðức Phật, Ðấng Tỉnh Thức, Ðấng Giác Ngộ, Ðấng Toàn Giác. Sánh với sự tỉnh thức của Ngài, tất cả những người khác còn đang mơ màng trong giấc ngủ. Sánh với sự giác ngộ của Ngài, tất cả những người khác còn đang vấp ngã và mò mẫm trong bóng tối. Sự hiểu biết của Ngài là một thứ tuệ giác mà sánh với nó, sự hiểu biết của mọi con người khác chỉ là một thứ mê muội.”

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app