BÀI GIẢNG SỐ 3 (14 tháng 10 năm 1951)

 

Bài nói chuyện của tôi về “Phật Giáo Là Gì” sẽ không đầy đủ nếu tôi không đề cập ít là vắn tắt tới luật nhân duyên (paticcasamuppàda) và luật tương quan nhân quả (patthana). Cần nhớ rằng khi tóm tắt bài giảng thứ nhất, tôi đã nhắc đến việc Thái tử Siddharta hồi còn là một tu sĩ khổ hạnh lãng du, đã ngộ được chân lý và trở thành Phật. Ðể quý vị khỏi quên, tôi xin nhắc lại đoạn này một lần nữa.

“Quả thực, Thái tử Siddhattha đã đạt tới bậc chánh đẳng chánh giác (Sammā sambodhi) và trở thành Ðức Phật, Ðấng Tỉnh Thức, Ðấng Giác Ngộ, Ðấng Toàn Giác. Sánh với sự tỉnh thức của Ngài, tất cả những người khác còn đang mơ màng trong giấc ngủ. Sánh với sự giác ngộ của Ngài, tất cả những người khác còn đang vấp ngã và mò mẫm trong bóng tối. Sự hiểu biết của Ngài là một thứ tuệ giác mà sánh với nó, sự hiểu biết của mọi con người khác chỉ là một thứ mê muội.”

Hiển nhiên, mọi tôn giáo đều cho rằng mình chỉ đường tới chân lý. Trong Phật giáo, một người nếu không thể hiện chân lý, tức là Tứ Diệu Ðế, thì người ấy còn sống trong sự mê muội. Chính sự mê muội này (Avijjā) là nguyên nhân phát sinh các hành (Saṅkhāra) là cái điều khiển dòng ý thức (Viññāṇa) nơi mọi chúng sinh. Cũng như dòng ý thức được thiết lập trong một  đời  sống  mới,  thì  danh  và  sắc  (Nāma và Rūpa) cũng xuất hiện một cách tự động và tương ứng với nhau. Rồi chúng được phát triển thành một cơ thể với những trung tâm cảm giác (Salāyatana).

Những trung tâm cảm giác này làm phát sinh sự tiếp xúc (Phassa); và sự tiếp xúc của những trung tâm cảm giác này với các đối tượng cảm giác làm phát sinh những cảm thọ (vedana) rồi tạo ra ái dục (Taṇhā) và dẫn đến chấp thủ (Upādāna) do sự quyến luyến hay dính chặt vào đối tượng. Sự quyến luyến hay dính chặt vào ái dục này là nguyên nhân gây nên biến dịch (Bhāva) hay hiện hữu, kèm theo với nó là sự sinh ra, tuổi già, bệnh tật, sự chết, lo âu, hấp hối, đau đớn, v.v.., tất cả đều là “đau khổ.” Bằng cách này, Ðức Phật đã vạch ra nguồn gốc của sự đau khổ là từ sự mê muội. Ðức Phật nói:

Vô minh là nguồn gốc của hành;

Hành, nguồn gốc của thức;

Thức, nguồn gốc của danh và sắc;

Danh và sắc, nguồn gốc của lục nhập;

Lục nhập, nguồn gốc của xúc;

Xúc, nguồn gốc của tham ái

Ái, nguồn gốc của chấp thủ;

Chấp thủ, nguồn gốc của hữu

Hữu nguồn gốc của sinh;

Sinh, nguồn gốc của tuổi già, bệnh, chết, lo âu, đau đớn, ưu, não … (tất cả đều là đau khổ).

Chuỗi phát sinh liên tục này gọi là luật Thập nhị Nhân duyên. Nguyên nhân cội rễ của tất cả những điều này là sự vô minh (Avijjā) hay sự mê muội về chân lý. Xét một cách hời hợt thì tham ái chính là nguồn gốc của đau khổ. Ðiều này rất đơn giản. Khi quý vị muốn được điều gì, lòng tham của quý vị nổi dậy. quý vị phải cố gắng để có nó hay quý vị phải đau khổ vì nó. Nhưng chưa đủ. Ðức Phật nói, “Ngũ uẩn không gì khác hơn là danh và sắc cũng là đau khổ.” Chân lý về đau khổ trong Phật giáo chỉ đầy đủ khi người ta thể hiện được chân lý bằng cách nhìn danh và sắc trong chân tướng của chúng (cả bên trong và bên ngoài) chứ không chỉ nhìn dáng vẻ của nó.

Vì vậy, chân lý về đau khổ là điều phải được ta cảm nghiệm trước khi có thể hiểu được nó. Ví dụ, tất cả chúng ta đều biết theo khoa học rằng mọi vật thể tồn tại đều chỉ là những dao động do chuyển động quay tít của vô số điện tử. Nhưng có mấy người chúng ta có thể tin rằng thân thể chúng ta cũng lệ thuộc định luật này? Thế thì tại sao chúng ta không thử cảm nhận chúng trong chân tướng của chúng, cảm nhận điều này như nó có liên quan tới chính chúng ta?

Muốn thế, chúng ta phải vượt lên trên tình trạng vật lí đơn thuần. Chúng ta phải vận dụng những năng lực tâm linh của chúng ta một cách đủ mạnh để thấy được sự vật trong tình trạng thực sự của chúng. Với năng lực tâm linh phát triển, chúng ta có thể thấy một cách xuyên suốt, hơn cả những gì chúng ta có thể thấy nhờ các dụng cụ khoa học mới nhất. Nếu thế, tại sao chúng ta không nhìn những sự kiện xảy ra trong chính bản ngã của mình — các nguyên tử, điện tử, và mọi thứ linh tinh khác — tất cả đều thay đổi một cách mau lẹ và vô tận. Ðương nhiên làm được như thế không phải dễ.

Thực ra sự “đau khổ bên trong” chúng ta là một kết quả của cảm giác về sự dao động, phóng xạ và ma sát của những nguyên tử được cảm nghiệm trong tiến trình thiền niệm nội quan gọi là Vipassāna, thiền quán, với sự trợ giúp mạnh mẽ của thiền định (Samādhi). Không biết chân lý này tức là mê muội thực sự. Còn biết chân lý này trong thực tại cơ bản của nó có nghĩa là tiêu diệt tận gốc rễ nguyên nhân của đau khổ: nghĩa là tiêu diệt sự mê muội, với tất cả những mắt xích trong chuỗi nhân duyên dẫn tới cái chúng ta gọi là “đời sống”, với tất cả những nét đặc trưng của nó là tuổi già, bệnh tật, lo âu, hấp hối, đau đớn, v.v… Chúng ta tạm tóm tắt như thế về luật nhân duyên và nguyên nhân gốc rễ của đau khổ.

Bây giờ, chúng ta bàn về luật tương quan nhân quả như Ðức Phật đã khai triển trong bộ Vị Trí-Patthana của tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka). Ðây là định luật mà khi nghiên cứu phân tách về nó, có sáu tia sáng màu sắc đã phát ra từ con người Ðức Phật trong khi Ngài hành thiền liên tục trong bốn mươi chín ngày (ngay sau khi Ngài thành Phật). Chúng ta có năm cuốn sách dày khoảng năm trăm trang của bản văn Pāli về đề tài rất tế nhị này. Ở đây, tôi sẽ chỉ nói sơ qua ý tưởng về định luật này.

Có hai mươi bốn loại tương quan làm cơ sở cho các nguyên lý cơ bản về nhân quả trong Phật giáo. Ðó là:

  1.   Nhân (hetu)
  2.   Cảnh (ārammana)
  3.   Trưởng (adhipati)
  4.   Vô gián (anantara)
  5.   Ðẳng vô gián (samanantara)
  6.   Câu sanh (sahajāta)
  7.   Hỗ tương (anNāmanna)
  8.   Y chỉ (nissaya)
  9.   Cận y (upanissaya)
  10. Tiền sanh (purejāta)
  11. Hậu sanh (pacchajata)
  12. Tập hành (asevana)
  13. Nghiệp (Kamma)
  14. Quả (vipaka)
  15. Vật thực (ahara)
  16. Quyền (indriya)
  17. Thiền (jhàna)
  18. Ðạo (magga)
  19. Tương ưng (sampayutta)
  20. Bất tương ưng (vippayutta)
  21. Hiện hữu (atthi)
  22. Vô hữu (natthi)
  23.     Ly khứ (vigata)
  24.     Bất ly (avigata)

Tôi sẽ cắt nghĩa cho quý vị ngay bây giờ về tương quan giữa nhân – hetu và nghiệp – Kamma và hậu quả do những nguyên nhân theo như tôi hiểu.

Nhân là tình trạng của tâm vào một lúc ý thức về mỗi hành vi (Kamma), dù là hành động, lời nói, hay ý tưởng. Mỗi hành vi do đó tạo ra một tâm trạng hoặc là Đạo đức, vô Đạo đức, hay trung tính. Trong Phật giáo chúng ta gọi đó là Thiện pháp, bất thiện pháp, và pháp trung tính- abyākata Dhamma. Những pháp này chỉ là những lực thuần túy (lực tâm linh), chúng hợp với nhau để tạo thành vũ trụ các lực tâm linh.

Thiện pháp-kusala là những lực tích cực được phát sinh từ những hành vi, lời nói, tư tưởng được thúc đẩy bởi những việc lành như bố thí, hoạt động từ thiện, sùng kính, thanh tẩy tâm hồn, v.v…

Bất thiện pháp (akusala) là những lực tiêu cực phát sinh từ những hành vi, lời nói, tư tưởng được thúc đẩy bởi thèm muốn, tham lam, tà dâm, nóng giận, thù ghét, bất mãn, ảo tưởng, v.v…

Pháp trung tính (abyakata) là những lực không có tính thiện pháp cũng không có tính bất thiện pháp, như trong trường hợp một bậc A la hán đã giũ bỏ mọi dấu vết của sự mê muội (Avijjā). Trong trường hợp bậc A la hán, sự tiếp xúc (Phassa) của những đối tượng cảm giác với những lục nhập không tạo ra bất kỳ cảm thọ (Vedanā) nào, giống như không thể có ấn tượng nào được giữ lại nơi một dòng nước đang chảy. Ðối với họ, toàn thân xác chỉ là một khối vật thể thay đổi không ngừng và vì thế mọi ấn tượng được giữ lại trên đó sẽ tự động rời xa khối vật thể ấy.

Bây giờ, chúng ta bàn đến những năng lực thiện và bất thiện phát sinh bởi những hành động có điều kiện với các cõi hiện hữu. Vì mục đích này, tôi sẽ phân loại các bình diện hiện hữu một cách khái quát như sau:

Các Cõi Phạm Thiên Sắc Giới Và Vô Sắc Giới

Những cõi này vượt ra ngoài phạm vi của dục vọng. Tình yêu tuyệt đối, lòng từ bi tuyệt đối, niềm vui tuyệt đối vì sự thành công và sự vĩ đại của người khác, và sự thanh thản tuyệt đối của tâm là bốn đức tính của tâm tạo ra những sức mạnh tâm linh tinh tuyền một cách siêu việt, sáng láng và vô cùng dễ chịu, mát mẻ và nhẹ nhàng, nằm ở những bình diện hiện hữu cao nhất. Ðây là lý do tại sao trong những bình diện này, vật chất thì tinh tế cao độ và không là gì khác ngoài sự rực rỡ. Những phương tiện hay vật thể của các bản ngã (Brahmas) này không thể được xem như là vật chất mà phải xem như là sự chiếu toả ánh sáng.

Các Cõi Dục

Chúng gồm:

  1. Chư thiên
  2. Loài người
  3. Thấp sanh

 

Cõi Chư Thiên

Mọi hành vi, lời nói hay tư tưởng tốt lành hay xứng đáng hướng tới sự khát khao, một tình trạng tốt đẹp trong tương lai đều tạo ra những sức mạnh tâm linh Đạo đức có tính chất rất trong sạch, tươi sáng, dễ chịu và nhẹ nhàng. Những hành vi này nằm ở những cõi cao của thiên giới, trong đó vật chất thì trong sạch, dễ chịu và nhẹ nhàng. Do đó, những cõi thiên giới này có những thiên thể đa dạng về tính chất tinh tế, toả sáng và màu sắc, tuỳ theo những bình diện mà chúng nằm trong đó. Bình thường chúng sống trong tình trạng hạnh phúc vô biên của thiên giới cho tới khi những sức mạnh tâm linh Đạo đức của chúng tiêu tan đi; sau đó chúng lại quay trở lại những cõi hiện hữu thấp hơn.

Thấp Sanh (Tôi sẽ bàn đến bình diện thế giới loài người sau cùng).

Mọi hành vi, lời nói, và tư tưởng xấu, ác độc hay bất xứng đều tạo ra những sức mạnh tâm linh tự bản chất là dơ bẩn, tối tăm, nóng, nặng và cứng. Do đó, những sức mạnh tâm linh dơ bẩn nhất, tối tăm, nóng, nặng và cứng nhất phải nằm ở địa ngục, là cõi thấp nhất trong bốn cõi hiện hữu.

Vì vậy, vật chất trong những cõi này phải cứng, thô, khó chịu và nóng. Thế giới loài người nằm ở ngay bên trên sự tập trung của những sức mạnh này, chúng sẽ được hấp thu (được cảm nghiệm) bởi những sinh vật phải đi xuống cõi hiện hữu thấp hơn. Những sinh vật này, trừ những sinh vật thuộc giới động vật, không thể thấy được bằng mắt người thường, nhưng có thể thấy được bởi những người  đã phát triển được những năng lực cao hơn của định (Samādhi) và của con mắt thần linh. Trong cõi này — cả vật lí lẫn tâm linh — sự đau khổ có vị trí trổi vượt. Cõi này chính là sự đối chọi với những gì xảy ra trên bình diện của các thiên giới.

 

Thế Giới Loài Người

Bây giờ tôi bàn về thế giới loài người, nằm giữa thiên giới và địa ngục. Chúng ta cảm nghiệm được sự sướng khổ pha trộn ở những mức độ khác nhau, tùy theo nghiệp (Kamma) của chúng ta trong quá khứ. Ở đây, nhờ phát  triển thái độ của tâm, chúng ta có thể hấp thu được những sức mạnh tâm linh từ những bình diện cao hơn. Cũng ở đây chúng ta có thể đi xuống đáy vực thẳm của sự đồi bại và hoà mình vào những sức mạnh của cõi thấp hơn. Không có sự bền vững giống như ở các cõi hiện hữu khác. Một người hôm nay có thể là một Ngài thánh, ngày mai có thể là một tên cướp. Bây giờ có thể giàu, nhưng chẳng mấy chốc có thể trở nên nghèo. Những thăng trầm của đời sống ở đây rất dễ nhận thấy. Không người nào là bền vững, không gia đình nào là bền vững, không cộng đồng nào là bền vững, không đất nước nào là bền vững.

Tất cả đều lệ thuộc định luật của nghiệp. Và nghiệp phát sinh từ “tâm” là cái luôn luôn thay đổi, cho nên những hậu quả của nghiệp tất yếu cũng phải thay đổi. Nếu một người có những sự dơ bẩn nội tại nơi mình và chết với thái độ tâm linh tương ứng với những sức mạnh tâm linh của một cõi hiện hữu thấp hơn, thì vào lúc người ấy chết, đời sống kế tiếp của người ấy tự động sẽ là ở bình diện thấp ấy (có thể nói là để thanh toán khoản nợ về các sức mạnh tâm linh ở đó).

Mặt khác, nếu vào lúc người ấy chết, thái độ tâm linh của họ phù hợp với những sức mạnh trong thế giới loài người, thì đời sống kế tiếp của người ấy sẽ lại có thể ở trong thế giới loài người. Nhưng nếu vào lúc người ấy chết, thái độ cuối cùng của họ gợi nhớ lại những hành vi tốt lành của họ, thì bình thường đời sống kế tiếp của họ sẽ ở trong cõi thiên giới (tại đây họ được hưởng tài khoản có của những sức mạnh tâm linh trên cõi đó). Người ấy sẽ đi vào thế giới chư thiên, nếu vào lúc chết, tâm của họ không vương vấn dục vọng, nhưng trong sạch và thanh thản.

Như thế ta thấy được rằng trong Phật giáo, nghiệp (Kamma) đóng vai trò của mình chính xác như trong toán học. Thưa quý vị, trên đây là những lời giảng cơ bản của Phật. Những lời giảng này ảnh hưởng đối với mỗi cá nhân tùy theo họ chấp nhận chúng như thế nào. Áp dụng vào gia đình, cộng đồng hay con người nói chung cũng thế. Chúng ta có những Phật tử bởi đức tin và những Phật tử bởi thực hành. Nhưng còn một loại người Phật giáo nữa, là những người chỉ có tên là Phật tử từ lúc mới sinh. Chỉ những Phật tử do việc thực hành mới có thể bảo đảm sự biến đổi về thái độ và quan điểm tâm linh. Họ chỉ cần tuân giữ Ngũ giới; họ là những đệ tử đi theo lời giảng dạy của Phật.

Nếu mọi Phật tử ở Miến Ðiện thực hành điều này, sẽ không có cảnh xung đột tương tàn như chúng ta đang thấy ở Miến Ðiện này. Nhưng còn một yếu tố gây rối loạn khác: đó là những nhu cầu thân thể. Người ta phải có những nhu cầu cơ bản để sống. Sự sống quí giá đối với người ta hơn bất cứ điều gì khác. Vì thế, người ta có khuynh hướng vi phạm kỉ luật, dù là của tôn giáo hay nhà nước, để bảo tồn sự sống của cá nhân họ và của những người thân của họ.

Ðiều cốt yếu hơn cả là làm phát sinh những sức mạnh tâm linh tốt lành và trong sạch để đấu tranh với những sức mạnh tâm linh xấu xa đang thống trị loài người. Ðiều này không dễ. Một người không thể vươn tới thái độ tâm linh tinh tuyền nếu không được một người Thầy giúp đỡ. Nếu chúng ta muốn có sức mạnh hiệu quả để đánh bại những sức mạnh xấu đó, chúng ta phải thực hành điều này dựa vào Giáo pháp. Khoa học hiện đại đã cống hiến cho chúng ta sản phẩm kì diệu nhất của nó, bom nguyên tử, nhưng cũng là sản phẩm ghê gớm nhất của trí thông minh con người. Loài người đang dùng trí thông minh của mình đúng hướng không? Họ đang tạo ra những sức mạnh tâm linh tốt hay xấu, theo tinh thần của Phật giáo? Có phải ý muốn của chúng ta là cái quyết định chúng ta sẽ sử dụng trí thông minh của mình thế nào và vào việc gì không? Thay vì sử dụng trí thông minh của mình để chinh phục năng lượng nguyên tử bên ngoài, tại sao chúng ta lại không sử dụng nó để chinh phục năng lượng nguyên tử bên trong?

Việc này sẽ đem lại cho chúng ta sự “an lạc bên trong” và giúp chúng ta chia sẻ nó cho người khác. Rồi chúng ta sẽ phát toả những sức mạnh tâm linh mạnh mẽ và tinh tuyền đến độ có khả năng đánh bại những sức mạnh của sự ác đang vây bọc chung quanh chúng ta. Cũng như ánh sáng của một cây đèn cầy xua tan bóng tối trong một căn phòng, thì ánh sáng một người phát ra nơi mình cũng có thể xua tan bóng tối nơi nhiều người khác.

Nghĩ rằng có thể lấy điều ác để làm điều thiện là một sự ảo tưởng, một ác mộng. Ðiển hình là trường hợp của Hàn Quốc. Với trên một triệu sinh mạng đã bị chiến tranh cướp mất từ cả hai phe, hiện chúng ta có đến gần hòa bình hơn hay xa hơn? Ðó là những bài học chúng ta phải học lấy. Giải pháp duy nhất là thay đổi thái độ tâm linh của con người bằng tôn giáo. Ðiều cần bây giờ là phải làm chủ cái tâm, chứ không chỉ làm chủ vật chất.

Trong Phật giáo  chúng  ta  phân  biệt  giữa loka  dhatu và Dhamma dhatu. Dhatu có nghĩa là những yếu tố hay lực tự nhiên. Vì vậy loka dhatu có nghĩa là vật chất (với những yếu tố tự nhiên của nó) trong phạm vi vật lí. Thế nhưng, Dhamma dhatu thì bao gồm cái tâm, những thuộc tính của tâm và một số khía cạnh của các yếu tố tự nhiên không nằm trong bình diện vật lí nhưng trong bình diện tâm linh. Khoa học nghiên cứu về cái chúng ta gọi là loka  dhatu, yếu tố tự nhiên. Nó chỉ là cơ sở cho  Dhamma  dhatu, yếu tố tâm linh. Tiến thêm một bước, chúng ta sẽ đạt tới bình diện tâm linh; không phải bằng kiến thức khoa học hiện đại, mà bằng kiến thức về Phật Pháp trong thực hành.

Ít ra Ngài H. Overstreet, tác giả cuốn The Mature Mind (Tâm Linh Trưởng Thành, W. W. Norton & Co., Inc., New York) tỏ ra lạc quan về những gì đang có sẵn cho những tâm linh trưởng thành. Ngài viết:

Sự hiểu biết đặc trưng của thế kỷ chúng ta là thuộc phạm vi tâm lý. Ngay cả những tiến bộ đáng kinh ngạc nhất trong vật lí và hóa học cũng chủ yếu là những ứng dụng các phương pháp nghiên cứu đã quen thuộc. Nhưng thái độ đối với bản tính con người và kinh nghiệm con người đã xuất hiện ở thời đại chúng ta là một điều mới mẻ. Thái độ này không thể xuất hiện sớm hơn. Ðã phải có một thời kì chuẩn bị lâu dài trước khi nó xuất hiện. Khoa sinh lí đã phải là một khoa học phát triển; bởi vì con người tâm lý cũng là con người sinh lí. Giữa nhiều điều khác, nói đến cấu tạo của con người là nói đến mô của não, các thần kinh, các tuyến, các cơ quan xúc giác, khứu giác, và thị giác.

Phải đợi đến khoảng bảy mươi năm trước đây, khoa sinh lí học mới phát triển đủ để giúp cho việc nghiên cứu tâm-vật lí có thể thực hiện được, như ở các phòng thí nghiệm của nhà tâm lý học người Ðức nổi tiếng William Wundt. Nhưng trước khoa sinh lí học đã phải có khoa sinh vật học. Bởi vì não, thần kinh, các tuyến và các bộ phận khác lệ thuộc vào tất cả các qui trình, nên khoa học về tế bào sinh vật phải trưởng thành trước khi có thể xuất hiện một khoa sinh lí học phát triển. Nhưng trước sinh vật học phải có hóa học; trước hóa học có vật lí học; và trước vật lí học có toán học. Vì thế, sự chuẩn bị lâu dài đã phải trải qua nhiều thế kỷ.

Nói tóm lại, có một đồng hồ khoa học. Mỗi khoa học phải đợi thời điểm của mình. Ngày nay, ít là đồng hồ khoa học vừa điểm giờ của tâm lý học, và bắt đầu một sự soi sáng mới. Chắc hẳn những đối tượng quan tâm được khoa học mới nhất này nghiên cứu đều đã cũ; nhưng tính chính xác của nó là điều mới mẻ. Nói tóm lại, phải có một quy luật nghiêm khắc. Mỗi khoa học phải đợi sự chính xác riêng của mình cho tới khi khoa học tiền thân của nó đã cung cấp dữ liệu và dụng cụ để có thể thực hiện sự chính xác.

Ðồng hồ khoa học đã điểm một giờ mới: một trực giác mới bắt đầu để phục vụ chúng ta. Tôi xin được nói rằng Phật Pháp là điều mà mỗi người và mọi người cần nghiên cứu để có một trực giác mới về những thực tại của bản tính con người. Trong Phật giáo chúng ta có phương thuốc chữa trị mọi căn bệnh mà loài người mắc phải. Chính những sức mạnh của sự ác tinh thần trong hiện tại và quá khứ là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện nay trên khắp thế giới. Ngày nay, có sự bất mãn hầu như khắp nơi. Bất mãn tạo cảm giác khó chịu. Cảm giác khó chịu gây giận ghét. Giận ghét gây hận thù. Hận thù gây chiến tranh. Chiến tranh gây hận thù. Hận thù gây chiến tranh. Chiến tranh gây hận thù, cứ như thế mãi. Và nó rơi vào cái vòng lẩn quẩn. Tại sao? Chắc chắn là vì thiếu sự làm chủ đúng mức cái tâm của mình.

Con người là gì? Cơ bản, con người là những sức mạnh tâm linh được nhân hóa. Vật chất là gì? Không là gì ngoài những sức mạnh tâm linh được vật chất hóa, là kết quả của sự phản ứng của những sức mạnh Đạo đức (tích cực) và vô Đạo đức (tiêu cực). Ðức Phật nói: Cittena niyate loko (thế giới là tâm tạo). Vì vậy, cái tâm thống trị mọi sự. Cho nên, chúng ta hãy nghiên cứu tâm và những đặc tính riêng của nó và giải quyết vấn đề mà thế giới đang phải đối diện. Có một môi trường lớn để nghiên cứu thực hành về Phật giáo. Các Phật tử ở Miến Ðiện luôn hoan nghênh bất kỳ ai quan tâm tới đón nhận ích lợi từ kinh nghiệm của họ.

Cầu cho mọi chúng sinh an lạc.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app