PHỎNG VẤN NGÀI S. N. GOENKA VỀ THIỀN SƯ U BA KHIN

 

Hỏi: U Ba Khin đóng vai trò lịch sử nào trong việc phát triển và truyền bá phương pháp thiền Vipassāna?

S.N. Goenka: U Ba Khin khám phá rằng mình đang tiếp nối công việc giảng dạy thiền Vipassāna gần hai ngàn năm trăm năm sau khi Ðức Phật đã dạy, phù hợp với một số lời tiên tri rằng vào thời này Phật Pháp dưới hình thức thiền Vipassāna sẽ bắt đầu được truyền bá. Ðúng vào thời điểm này, U Ba Khin bắt đầu giảng dạy. Như đã nói trước đây, Ngài vướng bận quá nhiều trách nhiệm xã hội khiến Ngài không có nhiều thời giờ dành cho việc truyền bá thiền Vipassāna, nhưng Ngài đã dạy cho một số người lỗi lạc để họ trở thành những công cụ truyền bá Phật Pháp dưới hình thức thiền Vipassāna.

Hỏi: Giáo huấn của U Ba Khin có những đặc điểm chính nào?

S.N. Goenka: Hành giả phải bắt đầu với Sīla: nghĩa là họ phải bắt đầu tôn trọng một số nguyên tắc Đạo đức cơ bản trong đời sống của họ. Rồi họ  phải  bắt  đầu  phát  triển Samādhi (định, tập trung tâm trí), vun trồng sự ý thức về sự hít thở tự nhiên, chỉ có sự hít thở thuần túy chứ không tập trung vào những đối tượng nào khác. Tiếp đến họ phải bắt đầu phát triển Paññā (trí tuệ, tuệ giác) bằng việc quan sát các cảm giác trên thân thể.

Khi quan sát cảm giác bằng sự thanh thản, không phản ứng, và hiểu rõ tính chất Aniccā (vô thường) của cảm giác, người ta học được cách chấm dứt việc phát sinh những điều tiêu cực trong tâm trí, như thế sẽ giúp làm cho những điều tiêu cực đã tích lũy này hiện lên trên bề mặt để có thể bị nhổ sạch tận gốc rễ. Ðó là điều U Ba Khin đã giảng dạy; đó là điều Ðức Phật đã giảng dạy; đó là điều bản thân tôi đang giảng dạy.

Hỏi: Nét độc đáo của thiền Vipassāna mà U Ba Khin giảng dạy là gì?

S.N.  Goenka:  Dành   tất   cả   tầm   quan   trọng   cho Bhàvanà-mayā-Paññā, là tuệ giác người ta đạt được qua kinh nghiệm trực tiếp của bản thân (tu tuệ). Với Suta- mayā-Paññā (tuệ giác đạt được chỉ qua việc nghe người khác, văn tuệ) hay Cità-mayā-Paññā (tuệ giác đạt được qua suy luận và phân tách của lí trí, tư tuệ), người ta có thể thanh tẩy tâm của mình, nhưng chỉ ở mức nào thôi. Nhưng với Bhàvanà-mayā-Paññā, người ta có thể thanh tẩy tâm của mình ở mức sâu nhất. Ðức Phật gọi tình trạng tâm bị chi phối là Saṅkhāra anusaya kilesa, nghĩa là hành phiền não kín ẩn nơi tâm vô thức.

Ngài dạy rằng chỉ khi những điều kiện tiêu cực này bị diệt trừ người ta mới hoàn toàn được giải thoát. Và chỉ có thể đạt được điều này nhờ Bhàvanà-mayā-Paññā, nghĩa là với tuệ giác đạt được từ kinh nghiệm trực tiếp. Và kinh nghiệm trực tiếp này chỉ có thể đạt được nhờ quan sát một cách thanh thản các cảm giác nơi cơ thể. Ðây là đóng góp cơ bản của Ðức Phật cho nhân loại và đây là điều mà U Ba Khin tiếp tục giảng dạy.

Hỏi: U Ba Khin có tương quan như thế nào với cộng đồng tu sĩ của Myanma?

S.N. Goenka: Ngài có những mối quan hệ tuyệt vời với cộng đồng tu sĩ ở Myanmar và có lòng kính trọng sâu sắc đối với các bậc Thầy trong tu viện, và những vị này cũng quan hệ rất tốt với ông. Họ rất quí mến Ngài và tự hào vì việc giảng dạy của ông. Họ coi đó là cách giảng dạy thiền Vipassāna đúng đắn. Họ rất vui vì ông, và tự nhiên họ ao ước giá như U Ba Khin là một tu sĩ để nhiều tu sĩ có thể tham dự các khóa thiền của ông. Nhưng U Ba Khin không sẵn sàng đáp ứng điều này, đơn giản là vì Ngài muốn truyền bá Dhamma cả cho những người không coi mình là Phật tử.

Mặc áo nhà Sư để giảng cho họ có thể bị cắt nghĩa như là muốn lôi kéo họ ngả theo một giáo phái hay tôn giáo. U Ba Khin ý thức trở ngại này. Ngài muốn những người thế tục, những người gia trưởng, cũng học được phương pháp phổ quát này để thanh tẩy tâm trí khỏi những điều tiêu cực, để họ có thể trở thành những con người ở đời tốt hơn, những gia trưởng tốt hơn. Vì vậy, Ngài tiếp tục sống đời tại gia, để nêu một gương sáng, để là một nguồn cảm hứng cho mọi người.

Hỏi: U Ba Khin đã bắt đầu học loại thiền Vipassāna nào? Và Ngài đã đưa những thay đổi nào vào trong những lời giảng dạy của ông?

S.N. Goenka: Không một thay đổi nào. Ðiều gì Ngài đã học, Ngài truyền lại cho các thế hệ tương lai y như thế. Không có ai đã đưa sự thay đổi nào vào trong phương pháp này.

Hỏi: Ngài có nghĩ U Ba Khin đã dạy đúng y như Ðức Phật đã dạy không? U Ba Khin có thích nghi lời dạy của Phật với thời đại mới không? Nếu có, thì Ngài đã thay đổi thế nào và thay đổi điều gì đối với những lời dạy nguyên thủy?

S.N. Goenka: Không có thay đổi nào trong lời dạy, nhưng U Ba Khin chắc chắn đã tìm cách trình bày những lời dạy của Ðức Phật cho thích hợp với những người đến nghe Ngài giảng. Với người ngoài Phật giáo, với những người phương Tây nói tiếng Anh, những người có não trạng khoa học hơn, Ngài trình bày giáo huấn một cách khoa học hơn. Như thế, việc giảng dạy được thích nghi cho hợp khẩu vị của người nghe, nhưng thực chất lời giảng dạy thì không thay đổi.

Hỏi: Tại sao việc giảng dạy của Ngài được gọi là “theo truyền thống của Sayagyi U Ba Khin?”. U Ba Khin có khởi xướng một truyền thống Phật giáo sao?

S.N. Goenka: U Ba Khin luôn luôn nói đến truyền thống Phật giáo, truyền thống đã được chuyển qua Myanmar và được tiếp nối lưu truyền qua ba thế hệ các vị Thiền sư mà chúng ta nói tới: Ledi Sayadaw, học trò Saya Thetgyi của ông, và cuối cùng là U Ba Khin. Chúng tôi dùng lối nói “theo truyền thống U Ba Khin” vì Ngài là vị Thiền sư cuối cùng và rất nổi tiếng trong nước của ông, nhưng nói thế không có nghĩa phương pháp này do Ngài phát minh ra. Ðây là một phương pháp cũ được Ngài giảng dạy một cách tân thời.

Hỏi: Trong việc giảng dạy của ông, Ngài có theo cùng một đường lối giống như U Ba Khin hay Ngài đã có những thay đổi của riêng ông?

S.N. Goenka: Không có thay đổi nào cả. Không thể thay đổi điều gì trong lời dạy của Phật. Chỉ có ai là Phật toàn giác mới có thể thay đổi điều gì. Còn tất cả chúng ta đều ở dưới Phật, chưa đạt được Phật tính, chúng ta không được thay đổi điều gì. Ðể làm cho lời giảng dễ hiểu, chúng ta không cần sửa đổi nội dung; nhưng tất nhiên chúng ta có thể thay đổi cách thức giảng dạy. Ðó là cách thức U Ba Khin đã làm khi Ngài phải giảng dạy cho những học trò phương Tây. Ngài đã giảng giải một cách khoa học, khiến họ có thể hiểu được, cũng giống như tôi đã làm khi tôi đến Ấn Ðộ, và phải đối diện với rất nhiều người thuộc các giáo phái khác nhau.

Bản thân tôi, gốc Ấn Ðộ và biết về lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng của người Ấn Ðộ, nên khi tôi gặp một người, tôi phải hiểu bối cảnh của người đó và cắt nghĩa cách nào để họ có thể hiểu rõ hơn lời dạy của Phật. Nói như thế không có nghĩa là thay đổi phương pháp. Chỉ là thay đổi cách cắt nghĩa để họ có thể hiểu một cách tường tận và không còn chút nghi ngờ nào.

Hỏi: Ngài U Ba Khin có tự xưng mình là một Phật tử không? Làm thế nào Ngài có thể nói Giáo pháp là phổ quát mà không cho nó một sắc thái phân biệt giáo phái?

S.N. GOENKA: U Ba Khin là Phật tử từ lúc mới sinh và cảm thấy khá tự hào và hài lòng khi nói như thế, nhưng rõ ràng trong các giáo huấn của Ngài, Ngài không hề có ý cải hóa người ta bỏ một tôn giáo có tổ chức này để theo một tôn giáo có tổ chức khác. kinh nghiệm bản thân tôi là một ví dụ: Ngài không bao giờ thúc ép tôi trở thành Phật tử. Cách giảng dạy của Sayagyi luôn luôn là phi giáo phái. Lời dạy của Ðức Phật mang tính phổ quát khiến cho mọi người từ những giáo phái và những cộng đồng khác nhau đều có thể theo và cảm nhận được những lợi ích của nó.

Theo Sayagyi, cốt tủy của Ðạo Phật là Chân lý (Dhamma), là luật tự nhiên phổ quát, và người Phật tử chân chính là người thực hành Giáo pháp, người sống theo luật tự nhiên phổ quát này. Ngài thích giúp đưa người ta vào sống trong Sīla (giới), samadh (định), và Paññā (Tuệ); chỉ cho người ta biết cách tự biến đổi mình từ chỗ đau khổ sang hạnh phúc. Nếu có ai đã trải qua cuộc biến đổi từ tội lỗi sang thanh tịnh rồi muốn trở thành Phật tử, Sayagyi rất vui lòng, nhưng đó là vì sự biến đổi đã xảy ra nơi đời sống người đó, chứ không chỉ vì người đó được đổi danh xưng của mình.

Ðối với những người quá phấn khích trong việc muốn cải hóa người khác về với Phật, Sayagyi thậm chí còn nói với họ: “Cách duy nhất để cải hóa người ta là chính mình phải sống trong Giáo pháp — giới, định, tuệ (Sīla, Samādhi, Paññā) — và giúp người ta cũng sống trong Giáo pháp như mình. Khi chính bạn không sống trong giới, định, tuệ, thì bạn tìm cách cải hóa người khác nào có nghĩa gì? Bạn có thể tự xưng mình là Phật tử, nhưng nếu bạn không thực hành giới, định, tuệ, thì đối với tôi bạn không phải là Phật tử. Còn những người thực hành giới, định, tuệ, thì cho dù họ không tự xưng là Phật tử, họ vẫn thực sự là người đi theo lời dạy của Ðức Phật, cho dù họ có tự xưng mình là gì đi nữa.

Một sự kiện minh chứng cho thái độ phi giáo phái này xảy ra khi một người Kitô hữu trung thành đã đến tham dự một khóa học của Sayagyi. Trong khi nghe giảng giải các nghi thức khai mào, người này hoảng hồn vì sợ mình được yêu cầu bỏ Kitô giáo để theo Đạo Phật; và vì mối lo sợ vô căn cứ này, Ngài đã từ chối đi theo Phật pháp. “Tôi có thể tin theo Chúa Giêsu Kitô, nhưng tôi không thể tin theo Ðức Phật,” Ngài nói thế.

“Tốt lắm,” Sayagyi mỉm cười đáp, “Ông cứ tiếp tục tin theo Ðức Giêsu Kitô — nhưng Ngài phải xác tín rằng Ngài đang tin theo những đức tính của Chúa Kitô, để Ngài có thể phát huy những đức tính ấy nơi bản thân ông.” Và Ngài bắt đầu luyện tập theo cách thức này; khi kết thúc khóa học, Ngài nhận ra rằng mối lo sợ ban đầu của Ngài là không cần thiết, việc Ngài sợ phải bỏ Đạo mình để theo Ðức Phật là vô căn cứ.

Hỏi: Tại sao U Ba Khin chỉ dạy một số ít người có trình độ, còn Ngài dạy cùng phương pháp như thế nhưng cho mọi người bất kể trình độ của họ thế nào.

S.N. GOENKA: Bởi vì Sayagyi đang giữ một chức vụ mang trách nhiệm nặng nề trong chính quyền vào một thời mà đất nước Ngài đầy tham nhũng và kém hiệu quả, Thủ tướng muốn Ngài thực hiện một số cải tổ trong guồng máy hành chánh. Ðiều này Ngài có thể thực hiện được qua việc giảng dạy Vipassāna. Nhưng Ngài còn tiếp tục làm việc trong chính quyền cho tới sáu mươi bảy tuổi, vì vậy Ngài không có thời giờ để mở các khóa thiền cho đại chúng. Ngài chỉ có thể dạy cho một số ít người. Vì hoàn cảnh này, Ngài đã có lời thề là chỉ dạy cho một ít người đã có trình   độ ba la mật phát triển để “Tôi có thể trao hạt giống Giáo pháp cho họ để rồi họ đem đi gieo vãi khắp thế giới.”

Hỏi: Tại sao Ngài gọi lời giảng của Ngài là một “nghệ thuật sống”? Và bằng cách nào việc suy niệm có thể trở thành một dụng cụ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?

S.N. GOENKA: Toàn thể lời dạy của Ðức Phật là một nghệ thuật sống. Nếu người ta sống theo Sīla, Đạo đức, thì đó là một nghệ thuật sống. Nhưng sống một nếp sống Đạo đức mà trong tâm trí vẫn còn nhiều phản ứng tiêu cực thì cũng khiến người ta không được hạnh phúc. Vì vậy việc kiểm soát và thanh luyện tâm trí — Samādhi và Paññā — song song với Sīla, sẽ làm cho người ta có một đời sống  rất an bình và hòa hợp. Khi người ta sống một đời sống tiêu cực, người ta luôn luôn có sự căng thẳng nội tâm và vì vậy chỉ gây căng thẳng cho những người sống chung quanh. Nhưng khi người ta sống một đời sống an hòa, người ta cũng tạo ra sự bình an và hòa hợp cho những người khác nữa. Ðây là lý do tại sao Sayagyi thường gọi lời dạy của Ðức Phật là một nghệ thuật sống, một cách sống, một qui luật hành xử.

Trong đời sống của bản thân tôi trước khi gặp Sayagyi, tôi cảm thấy sự căng thẳng nội tâm quá ghê sợ khiến tôi luôn luôn sống trong khổ sở, và làm người khác cũng khổ sở. Nhưng khi đến với Ðạo, tôi cảm thấy được vơi nhẹ đi rất nhiều. Tôi bắt đầu sống khá hơn, vì vậy cũng làm việc có ích hơn cho những người khác trong gia đình, cho bạn bè của tôi, và cho xã hội. Cho nên, nếu một cá nhân tràn đầy những điều tiêu cực, thì cả xã hội phải chịu khổ.

 

Nếu một cá nhân thay đổi để trở nên tốt hơn, cả xã hội được ích lợi.

Hỏi: Nhiều sự kiện trong cuộc đời Sayagyi chứng minh sự dấn thân của Ngài cho công việc trong chính quyền. Ngài có thể mô tả những cảm nghĩ của Sayagyi đối với sự dấn thân xã hội và những thái độ của Ngài ấy đối với công việc không?

S.N. GOENKA: Vâng, là một người gia trưởng, thì phải sống có trách nhiệm. Là một tu sĩ xuất gia thì không có trách nhiệm xã hội này, vì tất cả thời giờ được hiến cho việc suy niệm. Nhưng là một gia trưởng, một người sống ngoài đời, thì phải có trách nhiệm với xã hội. Vì là một công chức nhà nước, Sayagyi muốn thấy những người dưới quyền mình phải làm việc với sự ngay thẳng, kỉ luật, liêm khiết và hiệu quả trong công việc của họ, để có thể mang lại kết quả tốt. Sayagyi phục vụ cho xã hội bằng cách dành rất nhiều thời giờ của mình để cải thiện guồng máy hành chánh của đất nước.

Hỏi: Suy niệm luôn luôn được coi là một sự rút lui khỏi xã hội. Vậy tại sao U Ba Khin lại nhấn mạnh khía cạnh xã hội của việc suy niệm như thế? Ðặc biệt, đối với các gia trưởng, Ngài có nghĩ rằng việc chúng ta dấn thân vào xã hội thay vì sống cách li xã hội có thể thực sự giúp thăng tiến việc suy niệm của chúng ta không?

S.N. GOENKA: Ðể có tâm hồn thanh tịnh và năng lực của Giáo pháp, bạn xa tránh những người khác để tập trung vào nội tâm mình. Nhưng rồi năng lực nội tâm ấy phải được sử dụng một cách ngoại hướng. Cũng giống như một người muốn nhảy xa. Người ấy phải bước lui ra đàng sau một chút để lấy đà rồi chạy tới và nhảy.

Cũng vậy, bạn rút lui vào nội tâm bạn, lấy năng lực bạn cần, rồi nhảy xa vào trong xã hội để phục vụ xã hội. Hai điều này không thể tách rời nhau. Ðức Phật đã bỏ đời sống gia trưởng của Ngài trong sáu năm để đi tìm quả Phật, nhưng sau khi đắc quả, Ngài đã dấn thân vào xã hội bốn mươi lăm năm, tức quãng đời còn lại của Ngài, ngày và đêm. Cũng thế, bất cứ ai phát triển trong đời sống Giáo pháp đều không trốn tránh những trách nhiệm xã hội.

Hỏi: U Ba Khin sử dụng Vipassāna để đối phó với nạn tham nhũng như thế nào?

S.N. GOENKA: Những đồng nghiệp và cấp dưới của Sayagyi dính líu vào các hành vi tham nhũng đều là do lòng tham. Khi người ta bắt đầu thực hành Thiền Quán, lòng tham bắt đầu tan biến dần. Vì vậy, những người này, sau khi bắt đầu suy niệm, đã phát triển được ý chí kiềm chế việc chiếm dụng tiền bạc của người khác một cách bất hợp pháp. Khi giảng dạy phương pháp suy niệm này cho các đồng nghiệp, U Ba Khin đi vào tận gốc rễ của vấn đề — lòng tham.

Không phải mọi người đều tham ô, nhưng nhiều người làm việc không hiệu quả. Vì tâm trí họ bị vẩn đục, họ không có khả năng làm những quyết định một cách mau lẹ và hiệu quả. Với Thiền Quán, loại bỏ mọi điều nhơ bẩn, tâm trí người ta trở nên trong sáng hơn, sắc bén hơn, có khả năng đi vào gốc rễ bất kỳ vấn đề nào và giải quyết một cách hiệu quả.

Như thế tính hiệu quả của họ được gia tăng bằng  cách này. Thiền Quán được sử dụng thực sự để loại trừ tham nhũng và gia tăng hiệu quả trong việc quản lí hành chánh. Một khía cạnh quan trọng của nhân cách Sayagyi từng nâng đỡ Ngài trong cố gắng này, đó là sự trung thành tuyệt đối của Ngài đối với sự thật, không nao núng trước bất kỳ sức ép hay cám dỗ nào.

Hỏi: Tại sao U Ba Khin vẫn tiếp tục làm việc sau khi Ngài đã tới tuổi nghỉ hưu, thay vì dành thời giờ hoàn toàn cho việc giảng dạy?

S.N. GOENKA: Như chúng ta đã thấy, vì là một gia trưởng, Ngài phải mang nặng trách nhiệm của mình. Khi Myanmar được độc lập, guồng máy hành chánh hoạt động rất kém hiệu quả và nhiều viên chức chính quyền rất kém ngay thẳng Đạo đức. Gương sáng của bản thân Ngài là một cách minh chứng làm sao Thiền Quán có thể giúp ích cho guồng máy hành chánh. Nó có thể giúp ích cho cá nhân, nó cũng có thể giúp ích cho quần chúng, cho xã hội, chính quyền, quốc gia. Vì vậy tôi nghĩ Ngài đã có một quyết định rất đúng là làm hết sức mình, một mặt giảng dạy Thiền Quán, và mặt khác chứng minh bằng gương sáng thực tế của mình về những kết quả của phương pháp thiền này đối với xã hội.

Hỏi: Ngài có thể mô tả những sự kiện quan trọng và giàu ý nghĩa từ cuộc gặp gỡ lần đầu với U Ba Khin không?

S.N. GOENKA: Một người bạn của tôi biết tôi bị chứng đau nửa đầu mãn tính đã đề nghị tôi tham dự một khóa học thiền do U Ba Khin dạy. Khi tôi gặp Thầy, tôi thấy một bầu khí hoàn toàn an bình và Thầy tỏ ra rất vui khi tôi nói tôi đến để dự khóa học. Thầy gợi hứng cho tôi: “Anh là một người theo Ấn giáo và người lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo, vì vậy đừng ngại đến đây. Tôi sẽ không cải hóa anh theo một Đạo nào khác đâu. Anh sẽ chỉ đón nhận một cách sống tốt hơn, và anh sẽ có một tâm hồn thanh thản.”

Nhưng khi tôi nói tôi đến đây để bớt chứng đau nửa đầu, thì Sayagyi đã thẳng thắn nói: “Nếu vậy, tôi sẽ không nhận anh. Anh đánh giá Giáo pháp quá thấp. Giáo pháp không phải để làm chuyện này. Giáo pháp là để giải thoát anh ra khỏi sự đau khổ của các kiếp người. Vì anh bị đau khổ trong quá nhiều cái vòng trần tục này, và anh sẽ còn tiếp tục chịu đau khổ mãi nếu anh không học cách thoát ra khỏi nó.

Dùng Thiền Quán để chữa trị sự đau đớn thân thể bình thường tức là hạ thấp giá trị của nó.” Ðồng thời Ngài âu yếm nói với tôi: “Mục đích của anh là thanh luyện tâm hồn. Vì vậy, mọi bệnh tật thuộc về thân thể và tâm lý sẽ tự nhiên được chữa khỏi như một hiệu quả phụ. Nhưng mục đích không phải là để chữa trị căn bệnh đặc biệt này. Bằng không anh sẽ chẳng được điều gì cả.” Sự kiện này đã có một ảnh hưởng rất lớn trên tâm trí tôi.

Hỏi: Qua kinh nghiệm của U Ba Khin và qua kinh nghiệm của cả hai Ngài trong tư cách gia trưởng, Ngài có lời khuyên nào cho những ai đang sống trong xã hội để giúp họ sống cuộc đời họ một cách có ích nhất và sống hạnh phúc không?

S.N. GOENKA: Ðó chính là mục đích của Thiền Quán. Với những người xuất gia thì chỉ có việc tụng niệm ngày đêm cho tới khi họ đạt tới mức độ có thể giúp ích cho người khác. Nhưng người gia trưởng sống tại gia thì cũng phải suy niệm và sử dụng việc suy niệm này trong đời sống hàng ngày, để chu toàn các trách nhiệm của mình đối với những người trong gia đình của họ, cộng đồng của họ, xã hội và đất nước của họ. Bằng cách đó họ giúp ích cho người khác. Khi những người gia trưởng thực hành Thiền Quán, họ không được làm chỉ vì lợi ích riêng mình mà còn phải vì lợi ích của những người khác nữa.

(S.N. Goenka và vợ ông, Illaichidevi Goenka, 57 tuổi, đi theo Ngài khi Ngài giảng dạy.)

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app