LỊCH SỬ THIỀN QUÁN VIPASSĀNA

 

“Chính là vào lúc kết thúc ba tháng nghỉ mùa mưa mà lời khuyến dụ sau đây của Ðức Phật đã được thốt ra, “Này các Tỳ Khưu, hãy tiến tới! Hãy tiến tới!” Chúng ta cũng hãy lấy lời này làm nguồn cảm hứng cho chúng ta. Chúng ta hãy thanh tẩy tâm hồn mình khỏi những phiền não, đổ đầy lòng từ bi, và như chúng ta đã giải thoát mình bằng tất cả năng lực của mình thế nào, chúng ta cũng hãy ra sức phục vụ nhân loại như thế.

Nếu chúng ta được hưởng nhờ ơn ích của việc thực hành giáo Pháp Dhamma, thì chúng ta không thể chỉ hài lòng với lợi ích và niềm hạnh phúc riêng của mình. Chúng ta cũng phải hành động vì lợi ích và niềm hạnh phúc của mọi người. Chúng ta hãy coi mục tiêu đời sống chúng ta là ra sức làm việc để chia sẻ Dhamma — nghĩa là chân lý —  mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa.” S.N. Goenka

Thiền Quán được coi là cốt tủy lời giảng dạy của Ðức Phật. Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp thiền này đã được phác họa bằng nhiều cách trong các Kinh điển (Suttas), hay các bài thuyết giảng của Ngài, được sưu tập lại  trong  Kinh  điển  Pāli,  gồm   ba  phần  và  được  gọi    là Tipiṭaka, Tam Tạng Kinh (nghĩa đen là “ba cái giỏ” hay sưu tập). Hẳn là chúng ta có phước lớn vì các Tỳ Khưu đã truyền lại cho chúng ta tất cả những bài thuyết giảng nguyên thủy của Ðức Phật, trước bằng miệng, rồi sau bằng chữ viết. Nhưng với thời gian, tại một vài nơi đã có những sự sửa đổi mà đôi khi hoàn toàn cắt nghĩa sai lời dạy của Phật.

Chúng ta phải hết lòng biết ơn các Tỳ Khưu và Thiền sư đã giữ gìn phương pháp này một cách tinh nguyên, lưu truyền nó từ Thầy sang trò, cho tới chúng ta hôm nay. Một dòng các vị Thiền sư đã giữ gìn tinh nguyên việc thực hành này là dòng bắt nguồn ở Myanmar trong quá khứ xa xăm với hai vị sư a-la-hán đến từ Ấn Ðộ. Các Thiền sư Miến Ðiện gần đây nhất thuộc dòng thiền này là: Hòa thượng Ledi Sayadaw, Saya Thetgyi và U Ba Khin. S.N. Goenka, người gốc Ấn sinh tại Myanma, đã được Sayagyi U Ba Khin huấn luyện và đã mang truyền thống này từ Myanmar trở về Ấn Ðộ trước tiên rồi đi đến những nơi khác.

Trước kia lâu lắm rồi, muốn được “hành thiền thực sự”, người ta phải từ bỏ thế gian để vào sống trong bốn  bức tường của một tu viện hay trong rừng. Còn người sống ở ngoài đời thì chăm lo tuân giữ giới luật, thực hành từ bi  và sự sùng mộ để đạt công đức trong những kiếp sau, trong đó, họ có thể bắt đầu công việc tìm sự giải thoát. Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong nhiều bài giảng của Phật, một số đông các người ngoài đời khi đã nhận được lời giảng dạy về việc thực hành này vào thời của Ngài, đã đạt sự phát triển thiêng liêng rất cao độ. Từ sự kiện này chúng ta có thể suy ra rằng bản thân Ðức Phật không muốn gạt bỏ người đời ra khỏi việc thực hành giáo huấn của Ngài.

Trong những thập kỉ gần đây, nhờ hoạt động của nhiều vị Thiền sư tại gia rao truyền việc thực hành này, đã có sự phục hưng mối quan tâm đối với thiền Quán (Vipassāna). Ðiều này không chỉ xảy ra ở những nước có truyền thống tu viện Theravàda, như Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, v.v…, nhưng cả trên khắp thế giới. Họ đã đưa việc thực hành này vượt ra khỏi những bức tường tu viện và bằng việc nhấn mạnh đến những lợi ích của việc hành thiền trong đời sống hàng ngày, họ đã giúp phát triển một thái độ phổ biến hơn đối với nó.

Nhưng làm thế nào người ta có thể hành thiền mà không dấn mình vào đời sống im lặng và chánh niệm? Và kỉ luật hành thiền đóng vai trò nào trong đời sống của một người gia trưởng?

Theo Kinh điển Pāli, phương pháp hành thiền cổ điển lúc ban đầu chủ yếu được các tu sĩ thực hành đòi hỏi họ phải đạt tới một mức độ tập trung nào đó trước khi đi tới việc hiểu biết thực tại sâu xa hơn bằng việc thực hành thiền Vipassāna. Ngày nay, trong các trung tâm thiền dành cho người đời — như những trung tâm do Ngài U Ba Khin sáng lập và nhiều trung tâm khác trên thế giới do môn sinh của Ngài là S.N. Goenka sáng lập — người ta được dạy (qua ba ngày luyện Ānāpāna, niệm hơi thở) để đạt tới một mức độ tập trung tối thiểu đủ để bắt đầu thực hành Thiền Quán.

Có nhiều lý do cho thấy sẽ là thiết thực hơn đối với con người của thời đại mới này nếu học Thiền Quán mà không cần trải qua một thời kì học kĩ thuật tập trung quá dài. Những vấn đề này được xét đến rất chi tiết và nghiêm túc bởi một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Myanmar thời đại mới, Sayagyi U Ba Khin. Nét độc đáo của các lời giảng dạy của Ngài phát xuất từ sự kiện Ngài là một Thiền sư tại gia ở một đất nước Phật giáo chính thống. Theo truyền thống, người tại gia không được phép giảng dạy các tu sĩ, và mọi điều giảng dạy của người đó được thích nghi đặc biệt cho phù hợp với người đời.

Những phương pháp trong lịch sử trước Thiền Sư U Ba Khin

Người ta ghi nhận Hòa thượng Ledi Sayadaw là người có công trong việc khai mở sự hiểu biết về phương pháp thiền Vipassāna cho người tại gia. (Sayadaw trong tiếng Miến là một tước hiệu có nghĩa là “sư Thầy đáng kính”). Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc Thầy về thiền.

Ngài đã  viết  hàng  trăm dispanis, thủ bản, giải thích những khía cạnh khác nhau của lời Phật dạy, trong số đó nhiều thủ bản đã dịch sang tiếng Anh. Trong một tác phẩm loại này, Những Ðòi Hỏi của sự Giác Ngộ (Bodhipakkhiya Dipani), Ngài viết:

Quả của Sīla (giới) và Samādhi (định) có thể đạt được bất cứ lúc nào tùy ý. Nhưng quả của Paññā (tuệ) … chỉ có thể đạt được khi người ta gặp một Phật đại (Sasana = một Phật đại, thời đại có giáo huấn của Phật). Ở ngoài Phật đại, người ta không có cơ hội nào, dù chỉ là nghe nhắc đến những lời có liên quan tới Paññā, mặc dù có thể trải qua nhiều chu kì của thế đại “Sunna” (“trống rỗng” — nghĩa là trống rỗng lời dạy của Phật).

Vì vậy, những ai thời nay may mắn được sinh ra ở đời đúng vào thời Phật đại thịnh vượng, nếu họ cố gắng tích lũy những quả của Magga-nana (tuệ Đạo) và Phala-nana (tuệ quả) nhằm mục đích bảo đảm được giải thoát khỏi những đau khổ trần tục ở kiếp sau trong một thời Phật đại tương lai,  họ  phải  đặc  biệt  chuyên  chú  vào  sự  hiểu   biết về Paramattha (Pháp chân đế), là điều người ta phải khó khăn vô cùng mới có thể hiểu được.

Những “Pháp chân đế” được nói tới là ý thức, các yếu tố của tâm, các đặc tính của vật chất, và Niết bàn. Nghĩa là, người ta phải phát triển một sự hiểu biết về bản chất vô thường của hiện tượng tâm-thân (là cốt tủy của thiền quán Vipassāna) và kinh nghiệm về Niết bàn. Ledi Sayadaw nói tiếp rằng nếu không thể biết được quả này của Ðạo, thì ít ra người hành thiền phải đạt mức độ đầu tiên của sự hiểu biết, đó là trực giác sâu xa vào tính mong manh và vô ngã của thân thể mình, được cấu tạo bởi các yếu tố là đất, gió, lửa, và nước.

Thực vậy, đây là điều đủ để đạt được sự thu hoạch những quả của tuệ giác. Ðạo đức sẽ giúp người ta được sinh ra khi Phật Di Lặc (Matteyya) xuất hiện (Phật Matteyya là tên do truyền thống dùng để gọi Phật của thời kế tiếp). Nhưng để đạt lợi ích tối đa thì phải có sự hiện diện của những quả của tuệ giác này, được phát triển nhờ suy niệm Vipassāna.

Những ai không phát triển những quả này sẽ không thể đạt giác ngộ, mặc dù họ nghe những lời do Phật tương lai đích thân thuyết giảng. Tính chất khẩn trương này đã thúc đẩy nhiều tu sĩ, trong đó có Ledi Sayadaw, đi giảng dạy thiền Vipassāna trong hình thức đơn giản và trực tiếp nhất của nó, khiến người ta có thể thực hành với một mức độ tập trung tối thiểu và theo một cách thức có thể có ích cả cho người sống tại gia.

Thực tế, Ledi Sayadaw là một trong những người đầu tiên quảng bá cốt tủy của thiền Vipassāna cho người thế tục. Mỗi khi có thời giờ và cơ hội, Ngài đều muốn người ta bắt đầu làm việc vì sự giải thoát tối hậu của họ, và Ngài khuyên mọi người hãy bắt đầu suy niệm ở bất kỳ mức độ nào mà họ có thể vào lúc đó. Ngoài việc đích thân mình khích lệ người đời suy niệm, Ngài đã bắt đầu đề cử những môn sinh tại gia của mình, như Ngài Saya Thetgyi (Sư phụ của Ngài U Ba Khin), để họ cũng bắt đầu giảng dạy. Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc Thầy về thiền, đã nhấn mạnh phương pháp Vipassāna có nền tảng trong bài giảng quan trọng nhất của Ðức Phật, Mahāsatipaṭṭhāna Sutta (Kinh Đại Niệm Xứ). Những nghiên cứu của Ngài có ích trong việc làm sáng tỏ nhiều điểm tranh cãi trong thực hành.

Nhờ đó, góp phần vào việc phát triển thiền Vipassāna không chỉ trong những nước Phật giáo mà cả ở các nước khác trên thế giới. Không hoàn toàn loại bỏ việc tập trung chú ý, phương pháp trực tiếp của Vipassāna chỉ quan sát những hiện tượng của tâm và thân của mình ở mức độ cảm giác trên thân.

Đây là một sức mạnh mới, giúp làm dấy lên một việc thực hành thiền mà người thế tục có thể tham gia được. Thực vậy, người muốn thực hành phương pháp này chỉ cần có khả năng và ý muốn để chuẩn bị. Hơn nữa, phương pháp thiền quán này có thể dễ dàng kết hợp vào những sinh hoạt của đời sống hàng ngày, nên rất thích hợp cho người thế tục, cũng như cho các tu sĩ, những người muốn tìm kiếm một phương pháp đơn sơ, trực tiếp nhưng có thể mang lại kết quả tức thời.

Sau Thế chiến II, sự quan tâm của người thế tục đối với việc suy niệm gia tăng mau chóng, đặc biệt ở Myanma, dẫn đến việc thành lập hàng trăm trung tâm, nhiều trung tâm do các tu sĩ điều khiển, số khác do các cư sĩ. Sự lan rộng của các trung tâm này đã thỏa mãn được ước muốn của nhiều người để suy niệm sâu hơn và lâu ngày hơn, cùng với việc làm cho phương pháp này dễ học hơn mà không cần sự chuẩn bị lâu dài và khó khăn.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app