MƯỜI ÐẠO QUÂN CỦA MA VƯƠNG

 

Dưới đây là bài tóm bản dịch một bài giảng của Sayagyi U Ba Khin. Bài giảng này bằng tiếng Miến, và được giảng cho các thiền sinh Vipassāna trong một khóa học.

Các bạn phải rất thận trọng. Các bạn phải đứng vững và đương đầu với nhiều khó khăn, để các bạn có thể biết được Aniccā (vô thường) đích thực là gì. Các bạn phải làm việc cật lực — đó là lý do tại sao chúng tôi không ngừng nhắc nhở các bạn. Những khó khăn đến với các bạn vào giai đoạn này của khóa học. Vào thời vị đại ân nhân của chúng tôi, (Sayagyi Thetgyi), các thiền sinh thường gặp nhiều khó khăn khi hành thiền, đến độ họ không thể cảm nhận được đối tượng của thiền gì cả. Khi họ được yêu cầu tập trung chú ý lên đỉnh đầu, họ thường không cảm thấy gì cả.

Trong khi niệm hơi thở (Aønàpàna), họ thường không cảm nhận được gì ở vùng quanh mũi. Một số đang khi thở cũng không cảm nhận được hơi thở của mình. Một số thiền sinh nói họ không cảm nhận được thân thể của họ. Trong khi các bạn đang ở đây, các bạn cũng sẽ cảm thấy những điều này xảy ra. Ðôi khi các bạn sẽ không thể cảm nhận được những cảm giác và các bạn sẽ không thể duy trì sự tập trung chú ý được. Một số thiền sinh nghĩ họ đã đạt Niết- bàn khi họ không cảm nhận được thân thể của họ. Nếu bạn không thể cảm nhận được sự hiện diện của thân thể bạn, bạn chỉ cần lấy tay đánh vào nó, hay tự đấm vào người mình rồi bạn sẽ thấy. Không cần phải hỏi Thầy dạy. Bạn sẽ biết thân thể của bạn có đó hay không. Những sự không chắc chắn này làm các bạn khá hoang mang, phải không?

Bản chất của vipallasa (sự méo mó, sai lạc của tâm) làm các bạn bối rối. Chúng là những phiền não không mong muốn nhưng tiềm tàng bên trong con người. Chúng hiện diện trong mọi người chúng ta. Khi có sự thấu hiểu về vô thường (Aniccā), những phiền não này phải biến mất; nhưng chúng không muốn biến đi — ngược lại, chúng muốn sự thấu hiểu vô thường này  phải  ra  đi.  Bản  chất Niết- bàn của vô thường rất mạnh, vì thế Ma vương (các lực tiêu cực) tìm cách chống lại nó. Kinh Padhana Sutta mô tả mười tên lính của Ma vương. Chúng ta phải cảnh giác đối với mười tên lính này, vì chúng là những kẻ phá hoại việc hành thiền.

1) Tên lính thứ nhất của Ma vương là ước muốn hưởng thụ vui thú giác quan.

Một số người đến hành thiền không phải vì muốn đạt Niết-bàn gì cả. Họ đến với những động cơ sau cùng như “Nếu tôi gần gũi được Sayagyi, Ngài ấy quen biết nhiều người có địa vị, nên tôi có thể được thăng chức trong nghề của tôi.” Có một số người giống như thế. Họ đến vì lòng tham. Những người này không thể nào hành thiền thành công được. Phải không có lòng tham. Khi các bạn xin học phương  pháp   Thiền   Quán,   các   bạn   nói,  “Nibbānassa sacchikaranatthaya” — để đạt được Niết-bàn… Tôi sẽ dạy các bạn hiểu Tứ Diệu Ðế, nhưng nếu bạn không quan tâm, và không muốn dành thời giờ để học nó, thì tôi có thể làm được gì?

2) Tên lính thứ hai của Ma vương là không thích ở lại trong một nơi yên tĩnh như trong một khu rừng.

Hôm qua có người dự định bỏ về. Anh thức dậy sớm và thu dọn đồ đạc của anh. Anh định ngồi lại với các bạn lúc 7 giờ 30 rồi sau đó bỏ đi đang khi tôi kiểm tra các thiền sinh vào lúc 8 giờ. Anh ta định chạy trốn thật nhanh, ra đón xe rồi về nhà ngay. Anh nghĩ có thể quay trở lại lấy đồ vào một ngày nào đó. May thay, không hiểu sao, tôi đã cho tập phần ngồi thiền Adhiṭṭhāna (quyết tâm mạnh) sớm hơn thường lệ, nên anh đã phải ngồi lại giờ thiền đó.

Thế là anh bị cầm chân! Sau giờ ngồi thiền Adhiṭṭhāna, Ma vương đã ra khỏi anh, và anh không còn muốn bỏ đi nữa. Khi nảy sinh sự không thích ở lại một nơi yên tĩnh, người hành thiền muốn bỏ đi. Anh có thể báo cho chúng ta biết anh muốn về, hoặc cũng có thể lặng thinh bỏ đi. Tên lính thứ hai không muốn ở nơi yên tĩnh vắng vẻ là vì có sự náo động bên trong tâm hồn.

3)  Tên lính thứ ba của Ma vương là sự đói bụng, không hài lòng với đồ ăn.

Bây giờ tất cả các bạn có đói không. Anh Sao Shwe Theik là một người rất hay đói. Anh đến với những bao đầy thức ăn. Anh nói anh không thể ở lại mà phải nhịn đói, vì vậy tôi nói, “Nếu vậy anh có thể ăn, nhưng cứ thử một, hai hay ba ngày xem sao.” Tôi phải chiều ý anh ta; nhưng trong suốt mười ngày anh không cảm thấy đói gì cả.

Myanmar Alin U Tin nói, nếu chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, thì sau ba ngày anh sẽ bị xỉu mất; cả đời anh chưa bao giờ ăn ít như thế trong ba ngày liền. Anh xin phép được ăn, và tôi nói, “Tất nhiên, nếu anh thấy cần.” Khi anh đến khóa thiền, anh ngồi thiền ngày thứ nhất, rồi thứ hai, rồi những ngày tiếp theo, mà chẳng cảm thấy đói. Người ta sẽ không cảm thấy đói nếu việc hành thiền có tiến bộ, mà chỉ thấy đói khi hành thiền không tốt. Có điều gì đó bên trong làm cho người ta đói. Lúc đó người ta không thể làm chủ được cơn đói. Một khi người hành thiền đã thành công, họ sẽ không còn cảm thấy đói nữa.

4)  Tên lính thứ tư của Ma vương là thèm khát những món cao lương mĩ vị.

Bạn đã không ăn cà ri gà một thời gian, và bạn muốn ăn thịt nướng ư? Không thể ở đây được. Ở đây không có thịt gà, nhưng chúng tôi có thể cung cấp những món ăn ngon nhất cho bạn. Chính vì vậy, các đầu bếp cố gắng hết sức để dọn những món ăn làm sao cho mọi người được ăn đàng hoàng và vui vẻ. Ðiều gì xảy ra khi người ta ăn những thức ăn rất thơm, ngon? Nó không kích thích sự thèm ăn uống sao? Có thể nào ăn mà không tận tưởng hương vị của món ăn không? … Chỉ các bậc A la hán mới làm được điều này. Không phải mục đích bạn đến đây là để loại trừ phiền não (kilesa), loại trừ tham muốn (taịhà) sao?

Nếu bạn nhắm mắt lại để không nhìn thấy gì, bạn sẽ không còn thèm muốn và quyến luyến những hình ảnh nào. Về nghe cũng thế. Tại đây, không ai có máy cassette hay radio để nghe những bài hát của May Shin. Bạn không phải nghe những bài hát ấy. Về ngửi cũng vậy. Không ai ở đây xức nước hoa, vì thế sẽ không có sự thèm muốn hay khao khát được ngửi mùi thơm. Không có ai ở đây để làm bạn có những cảm giác dễ chịu nơi thân thể. Nhưng cái lưỡi — nó có thể tránh vị giác không? Có, với điều kiện bạn không ăn uống gì cả, nhưng trong trường hợp đó Bác sĩ sẽ phải truyền nước biển để nuôi bạn.

Sẽ có vị giác khi lưỡi bạn tiếp xúc với thức ăn. Nếu bạn ăn ít thức ăn ngon miệng, bạn sẽ giảm được lòng thèm khát của vị giác. Vì bạn đến đây để loại trừ những phiền não của lòng thèm muốn, chúng tôi phải giúp bạn bằng cách cung cấp một bầu khí tốt nhất để không tăng thêm phiền não, phải không bạn? Bạn đang cố gắng tiêu diệt chúng. Chúng tôi không muốn một đàng thì diệt trừ phiền não, đàng khác lại gia tăng nó bằng thức ăn. Chúng tôi không dọn bữa tối. Không dọn bữa tối chúng tôi sẽ đỡ mệt hơn. Sẽ có lợi cho chúng tôi hơn, và có lợi cả cho bạn nữa, vì nếu bạn ăn tối, chắc chắn bạn sẽ thấy buồn ngủ. Vì vậy, bạn có thể nhịn bữa tối. Nếu bạn ăn uống đàng hoàng vào bữa sáng và bữa trưa, hai bữa này cũng cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể bạn.

5) Tên lính thứ năm của Ma vương là buồn ngủ, ươn lười và uể oải.

Bạn có thể hiểu điều này. Ngay cả đại sư Maha Moggallana (một trong những đại đệ tử của Ðức Phật) cũng bị tật buồn ngủ. Một số bạn có thể buồn ngủ khi ngồi thiền. Hồi tôi còn ngồi thiền trong kì tu dưỡng của mình, có một Ngài già cùng ngồi thiền với tôi. Chúng tôi ngồi thiền trong phòng thiền tại trung tâm thiền của Sayagyi Thetgyi, và Ngài già ấy ngồi đàng sau tôi, đầu trùm một khăn quàng thiền rất lớn. Một lát sau, Ngài bắt đầu ngáy rất to.

Bình thường, ít người có thể ngồi mà ngáy, nhưng cũng có nhiều thiền giả có thể làm việc này, ngồi và ngáy, rồi thức dậy! Ðây gọi là thina-middha (ươn lười và uể oải). Không thể tránh được tình trạng ươn lười uể oải này. Khi trực giác và tuệ giác trở nên sắc bén, người ta cảm nghiệm được tính chất an lạc của Niết-bàn; và khi những bản tính tốt lành và xấu xa xung đột nhau, thì phát sinh một phản ứng và tạo ra nhiệt. Thế là người ta trở nên buồn ngủ.

Nếu thỉnh thoảng bạn thấy buồn ngủ, chỉ việc thở mạnh hơn một chút; bạn đã mất định, sự tập trung của bạn rồi. Ðây là một sự kích thích bên trong. Sự tập trung của bạn đã biến mất. Nếu bạn bị mất tập trung, thì bạn hãy tập trung chú ý lại vào hai lỗ mũi, thở mạnh hơn và cố gắng bình tĩnh lại. Ðôi lúc, khi tuệ giác về vô thường (Aniccāvijjā) trở nên mạnh hơn, bạn cảm nghiệm được sự gặp gỡ của cảm nghiệm vật lí và tâm lý nơi thân thể bạn, và trực giác, trực cảm của bạn trở nên rất sâu sắc và rất mạnh. Lúc đó có một sự kích thích rất mạnh bên trong và bạn bị mất nhận thức về vô thường và trở nên hoang mang mất phương hướng. Bạn không hiểu được điều gì đang xảy ra và bạn hỏi Thiền sư. Nếu hiện tượng này xảy ra đột ngột, bạn có hai cách để đối phó. Một là cố gắng để thiết lập sự tập trung trở lại, như tôi đã dạy bạn. Hai là bạn có thể đi ra ngoài cho tỉnh táo và phản ứng đó sẽ qua đi. Ðừng đi ngủ khi phản ứng đó xảy ra. Tôi cống hiến bạn những phương pháp để xử lí. Chúng quan trọng về phương diện thực hành. Sự buồn ngủ luôn luôn xảy ra khi những pháp hành phiền não (Saṅkhāras) xuất hiện. Lúc ấy chúng ta phải áp dụng vô thường một cách kiên quyết. Không phải chỉ nói vô thường ngoài cửa miệng. Phải có sự nhận thức thực sự về bản chất thay đổi của thân xác với sự ý thức về các cảm giác. Nếu bạn thực hành theo cách này, thì bạn sẽ khắc phục được và thành công.

6) Tên lính thứ sáu của Ma vương là không muốn ở một mình và sợ cô đơn.

Một số người không thể ngồi mãi trong cùng một phòng nhưng luôn thay đổi phòng ngồi thiền, đi tìm bạn thiền và cảm thấy sợ ngồi một mình. Win Min Tham là một trong những người sợ cô đơn như thế. Nhà của cô rất to nhưng cô không dám ở một mình trong bất cứ phòng nào của nhà mình; cô luôn luôn cần có một người bạn ở với cô. Cô đến đây học thiền và mang theo một đầy tớ gái. Cô xin phép tôi để đèn sáng trong phòng khi cô ngồi thiền, và tôi đã cho phép.

Không chỉ có thế, cô còn đòi có người ngồi cạnh cô  khi cô ngồi thiền. Cô không dám ngồi trong phòng một mình. Khi cô ở một mình, toàn thân cô đỏ bừng lên. Sau khi dự một khóa học, cô đã khá hơn đôi chút. Sau khóa học tiếp theo cô đã ở một mình trong một căn phòng nhỏ và tối. Cô thường xuyên đến ngồi thiền mỗi tháng một khóa mười ngày và đã cảm thấy được lợi rất nhiều. Cô thuộc loại nhát gan bậc nhất đấy, nhưng sự sợ hãi của cô bây giờ đã biến mất. Tuyệt vời không?

7) Tên lính thứ bảy của Ma vương là nghi ngờ mình có thể hành thiền thành công hay không.

Tôi nghĩ điều này đúng với hết mọi người — đó là nghi ngờ việc ngồi thiền của mình có thể thành công hay không. Bạn có thể thành công đấy. Ðiều quan trọng là tẩy sạch tội lỗi (akusala) và sự phiền não (kilesa) ăn rễ sâu trong chúng ta. Quan trọng lắm.

8)  Tên lính thứ tám là kiêu căng tự đắc khi mình ngồi thiền thành công.

Khi việc ngồi thiền tiến triển, người hành thiền có thể cảm thấy sự tiến bộ đó trong lòng. Các phiền não trở nên nhẹ hơn và người ta dễ có khuynh hướng tự đắc và nghĩ, “Anh bạn kia có vẻ không khá mấy, mình nên giúp anh ta.” Tôi kể cho các bạn kinh nghiệm của bản thân tôi. Trước đây khá lâu, khi tôi bắt đầu mở trung tâm thiền này, chúng tôi không có một thiền đường. Khi tôi mua mảnh đất này, chỉ có một túp lều khoảng ba mươi mét vuông ở chỗ này.

Chúng tôi thường ngồi tại đó và nói chuyện. Một hôm, sau giờ ngồi thiền buổi sáng, U Hla Maung đi ra và nói, “Xem này.” Anh ta vén cao quần lên và cho thấy chân và đùi anh nổi lên những cục u nho nhỏ giống như con gà bị vặt trụi lông. Sự kích thích bên trong anh quá mạnh khiến cho những cục u đó nổi lên. Anh vén cao quần lên và chỉ cho chúng tôi xem thấy những cục u đó. “Các anh xem đi. Xem để biết kích thích bên trong tôi mạnh đến thế nào. Các anh cũng phải cố gắng hết sức như tôi.”

Ðây là lý do tại sao tôi khuyên tất cả các bạn không nên thuyết giảng. Nếu các bạn có điều gì muốn hỏi, thì hãy hỏi tôi. Nếu có điều gì muốn nói, thì cứ nói với tôi. Khi anh ta thuyết giảng, có “cái tôi” trong anh ta, “Tôi” làm được điều đó, “Tôi” làm khá lắm. Những người này có vẻ không thành công gì được đâu.” Anh ta đá banh rất giỏi, nhưng nóng tính, đụng cái gì là đánh, đập. Khi một người nóng tính có một sự kích thích bên trong, người ấy bộc lộ ra bên ngoài thân thể họ. Ngày hôm sau U Hla Maung không thể ngồi thiền được. Anh không thể có một cảm giác nào và phải đến gặp Thầy Sayagyi để xin hướng dẫn. Tôi kể cho các bạn nghe về những người khác vì tôi muốn nói đến bản chất của sự vật. Nếu bạn có tiến bộ trong việc hành thiền, thì hãy cứ làm thinh và tiếp tục hành thiền một mình.

9) Tên lính thứ chín của Ma vương liên quan tới Thiền sư và bao gồm sự ham muốn được nổi tiếng, được nhiều của dâng cúng, và được mọi người tôn kính.

Tôi nhận được rất nhiều sự tôn kính và quà tặng. Tôi đã phải kiểm soát bản thân để không trở nên hợm mình. Tôi phải cảnh giác chính mình. Chúng tôi mở trung tâm thiền này ở đây là để phục vụ những nhân viên của văn phòng Kế toán trưởng, để họ có thể hành thiền vào các giờ rảnh, nhưng quá ít người trong số đó còn lại ở đây bây giờ. Chúng tôi mở trung tâm này không phải vì kinh doanh, mà là vì Giáo pháp.

Bất cứ nhân viên nào của văn phòng đến hành thiền trong mười ngày đều trở thành một hội viên. Lệ phí tiếp nhận là mười ngày ngồi thiền. Hay đấy chứ? Không phải trả một cắc nào để ghi danh. Chỉ cần kiên trì ngồi thiền, để ý thực hành, không đánh mất nó. Chúng tôi đã bắt đầu như thế và đã đạt được ngày hôm nay. Tiền không thể làm điều này. Chính Giáo pháp đã làm điều này. Chúng tôi tin như thế, và chúng tôi cũng chẳng có tiền bạc gì cả.

Trung tâm thiền này không phải của tôi. U Ba Khin này không thể tự phụ và nói, “Ðây là trung tâm của U Ba Khin.” Tôi không phải Ngài chủ trung tâm này. Trung tâm này là của Hiệp hội Vipassāna của văn phòng Kế toán trưởng. Nếu họ đuổi tôi đi thì tôi phải đi. Các bạn thấy đó, hay lắm! Tôi không làm chủ trung tâm này. Tôi phải được bầu lại mỗi năm. Chỉ khi họ bầu lại tôi, tôi mới ở lại đây. Nếu họ nói họ đã tìm được người khá hơn tôi và chọn người ấy, thì tôi hết rồi. Hay có những thành viên trong ủy ban có thể không thích tôi, họ có thể nói tôi nói nhiều quá và họ chọn một người khác. Lúc đó tôi phải ra đi. Tôi không sở hữu nơi này.

10) Tên lính thứ mười của Ma vương là đi theo một Giáo điều sai lạc, tạo ra một Giáo pháp mới và đặc biệt, để nhận được thật nhiều quà dâng cúng, tự đề cao mình và coi khinh kẻ khác.

Chính vì thế tôi không muốn nói quá nhiều về những người khác. Cứ để người khác nói gì về chúng ta thì nói, phải không nào? Một số Thầy dạy thích nhận quà biếu. Vì vậy, để có đông học trò, họ dạy những gì học trò thích — những giáo huấn sai lạc, những giáo huấn không phải của Ðức Phật — mà chỉ vì họ muốn được tôn sùng và nhận nhiều quà. Họ không còn làm việc cho Giáo pháp chân chính. Ðó là tên lính thứ mười của Ma vương.

Giáo pháp diệt trừ đau khổ và đem lại hạnh phúc. Ai cho hạnh phúc này? Không phải Ðức Phật cho, mà chính là sự tuệ giác về vô thường ở trong bạn đem hạnh phúc đến cho bạn. Chúng ta phải thực hành thiền Vipassāna để cho sự tuệ giác này không ngừng lại hay biến mất. Chúng ta phải thực hành thế nào? Hãy tập trung chú ý vào bốn yếu tố, hãy bình thản, vun trồng định (Samādhi) và đừng để giới (Sīla) bị hư hỏng. Nói dối là điều tôi sợ nhất trong ngũ giới — tôi không sợ các giới khác  — vì khi nói dối, nền tảng của giới bị suy yếu. Khi giới bị suy yếu, định cũng sẽ suy yếu và tuệ giác cũng suy yếu. Hãy nói sự thật, thực hành thường xuyên, xây dựng định và chú ý đến những gì đang xảy ra trong thân thể bạn; thế rồi bản tính của vô thường sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

Saya Thetgyi vị ân nhân của chúng tôi nói, “Rất nhanh, dao động không ngừng, chuyển động tán loạn, vỡ ra, cháy rụi, tàn phá thân xác — tất cả đều là những dấu hiệu của vô thường.” Chính thân xác là cái luôn thay đổi.

Danh (tâm) là tư tưởng biết rằng sắc (vật) thì thay đổi. Khi sắc thay đổi và biến đi, danh là cái biết về sự thay đổi và biến mất của sắc thì cũng thay đổi và biến đi. Cả danh và sắc đều là vô thường. Các bạn hãy luôn ghi tâm điều này, luôn ý thức điều này.

Hãy tập trung chú ý nơi đỉnh đầu của bạn, rồi chuyển xuống toàn thân thể — từ đỉnh đầu xuống trán rồi mặt, từ mặt xuống cổ, từ cổ xuống vai, từ vai dọc xuống hai tay. Khi tâm di chuyển như thế, nó có thể giống như chạm vào một cây đuốc và cảm thấy sức nóng ở mỗi chỗ cây đuốc chạm vào, ở mỗi chỗ mà tâm đi tới. Tại sao? Bởi vì có sự đốt cháy và hủy diệt xảy ra bên trong; đó là bản tính đốt cháy bẩm sinh của các đơn vị nguyên tử bên trong. Ðiều này chắc chắn là có thực. Hãy học biết nhậy cảm với điều này để bạn có thể cảm nhận nó. Hãy thử điều này với một tâm chăm chú và bạn sẽ biết rõ.

Một khi người ta thực hành thiền và trở nên ý thức và quán sát bằng nhận thức của Thiền quán, thì những phiền não, ác bất thiện- samudaya akusala đã phát sinh không thể tồn tại lâu được. Chúng phải biến mất dần dần và khi tất cả chúng đã biến mất, người ta trở nên làm chủ được mình và ổn định, đồng thời có thể sống tốt lành. Một người phải thực hành thiền bao lâu? Cho tới khi tất cả những hành vi xấu đã tích lũy vô số trong quá khứ do vòng luân hồi- saưsāra bị tiêu diệt nhờ việc quán sát chân tướng của vô thường. Khi ấy người ta trở thành người nhập lưu (Sotāpanna, người đã đạt bậc thánh thứ nhất, đã cảm nghiệm Niết-bàn), và trở thành người cao thượng (ariyāpuggala). Ðạt được điều này không phải dễ.

Ðể đạt Niết-bàn chung cuộc, nơi mà mọi nghiệp đều đã bị tiêu diệt, con đường còn rất xa, nhưng có thể bạn cũng thích thử xem Niết-bàn nhỏ là như thế nào. Nếu chỉ có thể cảm nghiệm sau khi chết, chắc những người nước ngoài này đã không bao giờ thực hành loại thiền này đâu. Họ đã cảm nghiệm một chút Niết-bàn, đã thích nó và đã quay lại để tiếp tục thực hành, từ rất nhiều nơi khác nhau, gần và xa. Họ cũng giới thiệu những người thân quen và bạn hữu và những người này cũng đã đến từ những nơi rất xa xôi. Tại sao có chuyện này? Bởi vì họ đã nếm cảm được Giáo pháp.

Ðiều quan trọng là phải có một Thầy dạy để giúp thiền sinh nếm cảm được Giáo pháp. Nhưng thiền sinh phải tự mình thực hành để nếm cảm được mùi vị của nó. Mùi vị này gọi là gì? Ðó là Dhamma rasa, mùi vị Giáo pháp. “Sabba rasam Dhamma rasam jinati” — trong mọi mùi vị, mùi  vị Giáo pháp là mùi vị cao cả nhất, tuyệt vời nhất. Bạn phải cố gắng thực hành chăm chỉ để nếm được mùi vị này.

Như một Vị Vua trần gian hưởng thụ những lạc thú trần gian, Vị Vua của Trời (deva) hưởng thụ những lạc thú của Trời, và vị Phạm Thiên (bậc trời cao hơn) hưởng thụ những lạc thú của cõi Phạm Thiên; các bậc Thánh (ariyās) như Ðức Phật và các vị A La Hán cũng có thể vui hưởng mùi vị của Giáo pháp mà các Ngài đã đạt được. Bạn phải làm việc chăm chỉ cho tới khi chính bạn cũng có thể hưởng mùi vị ấy, nhưng xin đừng làm một cách thái quá, thiếu chừng mực. Hãy cố gắng làm việc theo thời biểu chúng tôi đã vạch ra, làm việc đúng giờ, đầy đủ, hết sức cẩn thận và hết sức cố gắng.

HỎI VÀ TRẢ LỜI

Hỏi: Xin Ngài tóm lại, một khóa thiền dạy cái gì?

S.N. Goenka: Dạy một lối sống, một qui luật sống,  một nghệ thuật sống. Mục tiêu là học cách sống an bình và hoà hợp, sống thế nào cho hợp Đạo đức, sống thế nào để làm chủ được cái tâm của mình, và sống thế nào để cái tâm ấy luôn tràn đầy những phẩm chất như yêu thương, từ bi, thiện chí.

Hỏi: Các thiền sinh học thiền Vipassāna thế nào?

S.N. GOENKA: Họ phải dự một khóa học thiền. Họ phải sống với một Thầy dạy, cách li với mọi quan hệ bên ngoài — ít là trong mười ngày. Trong thời gian này họ phải tránh mọi hành vi thiếu Đạo đức nơi thân xác và lời nói. Thiền sinh học cách kiểm soát tâm của mình nhờ sự trợ giúp của việc hít thở. Họ bắt đầu hành thiền Vipassāna bằng cách quán sát thực tại liên quan tới cấu trúc vật lí và tâm linh của họ, và nhờ việc quán sát này, họ thoát ra khỏi những điều tiêu cực của họ.

Hỏi: Ngài nói “kiểm soát tâm của họ nhờ sự trợ giúp của việc hít thở.” Phải chăng họ tập luyện hít thở?

S.N. GOENKA: Không, đây không phải một bài luyện tập hít thở. Thực ra, đây là luyện tập để phát triển khả năng ý thức. Thiền sinh bắt đầu quán sát sự hít thở tự nhiên — không phải sự hít thở được điều khiển mà là sự hít vào thở ra một cách tự nhiên. Nếu hơi thở dài, thì là dài; ngắn, thì là ngắn — nhưng phải là tự nhiên.

Hỏi: Trong khi luyện hơi thở trong hai hay ba ngày của khóa học, nếu thiền sinh cảm thấy khó chịu hay xáo trộn, họ phải xử lí thế nào?

S.N. GOENKA: Thiền sinh được thong dong thay đổi tư thế. Ðây không phải một bài tập thể dục; thiền sinh không buộc phải ngồi lâu ở một tư thế nhất định nào. Họ có thể ngồi ở bất kỳ tư thế nào họ thấy thoải mái, nhưng đương nhiên họ phải cố gắng ngồi thẳng lưng và thẳng cổ.

Hỏi: Phương pháp Thiền Quán khác thế nào với các phương pháp thiền khác, như việc sử dụng các câu niệm chú? Những phương pháp ấy tâm không tập trung hay sao?

S.N. GOENKA: Với sự định tâm để hình dung ra bất kỳ hình thù nào, người ta dễ tập trung tâm của mình, điều này không ai nghi ngờ. Nhưng ở đây, mục tiêu là thanh tẩy tâm, nên phương pháp này đi theo một hướng khác. Và các câu niệm chú thường tạo ra một loại dao động nhân tạo nhất định. Mọi lời nói, mọi câu niệm chú đều phát sinh một dao động, và nếu người hành thiền làm việc hàng giờ với câu niệm chú này, họ sẽ bị chìm ngập trong sự dao động do nó tạo ra, trong khi thiền Vipassāna muốn bạn quán sát sự dao động tự nhiên bạn đang có — những dao động khi bạn đói, hay khi đầy đam mê, sợ hãi, hay ghen ghét — để bạn có thể quán sát chúng và thoát ra khỏi chúng.

Hỏi: Trong thực tế Ngài quán sát sự dao động tự nhiên này thế nào?

S.N. GOENKA: Qua các cảm giác của thân thể, bởi vì mọi tư tưởng đều đồng thời phát sinh một cảm giác nơi thân thể.

Hỏi: Tại sao lại xảy ra như thế?

S.N. GOENKA: Tâm và vật tương quan rất mật thiết với nhau khiến bạn không thể tách lìa chúng. Khi có điều gì xảy ra nơi tâm, như tức giận chẳng hạn, thì đồng thời bắt buộc phải có nhiệt hay căng thẳng nơi thân. Ðây là định luật tự nhiên. Bạn không thể quán sát cơn giận như một sự tức giận trừu tượng, nhưng khi bạn bắt đầu quán sát cảm giác nơi thân, là cảm giác bạn nghiệm thấy lúc phát sinh sự tức giận nơi tâm, thì bạn có thể dễ dàng thoát ra khỏi cơn giận.

Hỏi: Và nhờ quán sát, bạn có kiểm soát được nó không?

S.N. GOENKA: Không, kiểm soát là một sự kiềm chế. Còn đối với Thiền Quán, không có sự kiềm chế cũng không có sự thả lỏng. Nếu bạn chỉ quán sát đơn thuần, bạn sẽ thấy những điều tiêu cực này tuần tự bị tiêu diệt từng lớp một.

Hỏi: Ích lợi thực tế là gì? Tôi có thể thấy những người ngồi thiền rồi sau đó ra khỏi khóa học và cảm thấy an bình và sung sướng tuyệt vời, nhưng làm sao có thể áp dụng phương pháp này trong đời sống hàng ngày với tất cả những sự phiền toái của đời sống ấy?

S.N. GOENKA: Những người đến tham dự các khóa thiền mười ngày như thế này không phải nhằm mục đích trốn tránh những khó khăn và đau khổ của đời sống thế tục. Thực ra, họ đến đây học phương pháp này là để họ có thể áp dụng vào đời sống thường ngày của họ. Nếu Thiền Quán không thể áp dụng cho đời sống thường ngày, nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì; mà chỉ là một nghi thức hay nghi lễ nào đó, chẳng ích lợi gì cả. Vì vậy, bất cứ ai học Thiền Quán đều cố gắng đem áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Hỏi: Ngài có thể nói chi tiết hơn không? Một người làm doanh nghiệp, một công nhân nhà máy, một nội trợ, hay một Bác sĩ sẽ áp dụng nó thế nào?

S.N. GOENKA: Mỗi người đều gặp vấn đề này hay vấn đề khác trong đời sống. Luôn luôn có căng thẳng vì vấn đề này hay vấn đề khác. Khi có căng thẳng, tâm trở nên rối loạn, khiến mọi quyết định người ta làm đều sai lầm, và người ta phát sinh những tiêu cực có hại cho bản thân mình và cho người khác. Ðứng trước những khó khăn, người hành thiền Vipassāna đúng mức sẽ giữ được bình tĩnh, dù chỉ trong chốc lát, rồi sau đó làm một quyết định tốt, kéo theo một hành động tích cực.

Hỏi: Ðây có phải một phần của Đạo Phật không? Người thuộc các tôn giáo khác có thể thực hành nó không, hay nó đối chọi với những việc thực hành của các tôn giáo khác? Tại sao những người Kitô giáo, chẳng hạn, cũng muốn thực hành thiền?

S.N. GOENKA: Một điều phải rõ ràng, nhất định đây không phải Đạo Phật. Ðồng thời nhất định đây là lời giảng dạy của Ðức Phật. Chúng ta phải hiểu Phật có nghĩa là con người giác ngộ, con người giải phóng. Những con người giác ngộ, giải phóng đều không bao giờ giảng dạy một tôn giáo, mà giảng dạy một nghệ thuật sống phổ quát. Các Ngài sẽ không bao giờ sáng lập một giáo phái hay tôn giáo. Vì thế, không có cái gọi là “tôn giáo của Phật”; nó là một nghệ thuật sống. Vì vậy, mọi người bất kể thuộc cộng đồng nào, giáo phái nào, hay tôn giáo nào, đều có thể thực hành thiền một cách dễ dàng,vì nó là một nghệ thuật.

Mọi người đều tìm sự an bình nội tâm; mọi người đều tìm sự thanh tịnh nội tâm. Ðức Kitô là một con người tuyệt vời đã không chỉ giảng dạy sự an bình và hoà hợp của tâm hồn, mà còn giảng dạy sự thanh tịnh của tâm hồn, lòng bác ái, từ bi. Vì thế, những người theo giáo huấn của Ðức Kitô chắc chắn thích phát huy phẩm chất tốt đẹp của lòng trong sạch, bác ái và từ bi. Khi những người Kitô đi dự các khóa học thiền, họ không cảm thấy mình đến với một tôn giáo xa lạ. Nhiều lần có những vị linh mục và nữ tu nói với tôi rằng chúng tôi đang giảng dạy Kitô giáo nhân danh Ðức Phật.

Hỏi: Chỉ chuyên cần thực hành Vipassāna có đủ để tiến bộ không, hay cần phải có sự thay đổi hạnh kiểm và lối sống như một kết quả của việc thực hành?

S.N. GOENKA: Nếu kĩ thuật này được thực hành đúng đắn và liên tục, tất yếu nó sẽ tự động tạo ra những thay đổi trong đời sống hàng ngày. Dù sao, đây chính là mục tiêu của việc thực hành Vipassāna. Hiển nhiên, việc thanh tẩy tâm sẽ làm phát sinh sự thanh tẩy nơi lời nói và hành động. Tuy nhiên, để làm cho tiến trình này dễ dàng, chúng ta cần có những cố gắng ý thức để điều khiển hạnh kiểm của mình, nghĩa là tránh những hành vi có hại cho người khác và làm những hành vi có ích cho người khác. Một thái độ như thể sẽ giúp cho sự tiến bộ của Vipassāna. Khi bạn gia tăng sự tiến bộ, nếp sống Đạo đức của bạn sẽ không còn là một kỉ luật bị áp đặt, mà là một kết quả bình thường, tự nhiên của việc thực hành.

Hỏi: Việc ăn uống, tình dục và việc sinh sống có tầm quan trọng gì trong việc giúp đỡ hay cản trở tiến bộ trong hành thiền?

S.N. GOENKA: Trong một khóa thiền tập trung, điều thiết yếu là người hành thiền phải ăn đồ chay. Ngoài việc này, họ chỉ cần điều độ trong việc ăn uống, tất nhiên phải cẩn thận để ăn những thức ăn lành. Nhiều thiền sinh tự nhiên trở thành những người ăn chay. Cũng thế, trong khóa học thiền, phải kiêng mọi sinh hoạt tình dục, nhưng trong đời sống thường ngày, bạn có thể tiếp tục các sinh hoạt vợ chồng của bạn. Chúng ta cũng phải hiểu rằng việc thực hành thiền Vipassāna tự nhiên sẽ dẫn bạn tới chỗ loại bỏ sự ham muốn tình dục. Dần dần người hành thiền sẽ trở nên tràn đầy yêu thương đối với người khác mà không chờ đợi sự đáp trả. Dục vọng được thay thế bằng lòng từ bi. Ở giai đoạn này, sinh hoạt tình dục không còn tương xứng để diễn tả tình yêu tinh tuyền. Không cần sự đè nén hay diệt dục, người hành thiền bước vào một bậc độc thân tự nhiên. Về việc sinh sống, người hành thiền có thể làm bất cứ nghề gì, miễn là nó không gây thiệt hại cho người khác nhưng mang lại hạnh phúc cho người khác. Về phương diện này, điều quan trọng nhất là ở ý muốn của tâm. Dù bạn làm nghề gì, bạn phải làm với ước muốn phục vụ xã hội, và để đổi lại, bạn nhận được tiền công để nuôi sống bản thân và gia đình.

Hỏi: Một người không theo học một khóa thiền mười ngày có thể quán sát những cảm giác nơi thân thể và thành công không?

S.N. GOENKA: Khóa học mười ngày không phải một lễ nghi hay nghi thức. Nó có mục đích tập luyện cho người ta biết quán sát các cảm giác. Chỉ dạy mà thôi thì không có tác dụng. Họ phải học cách quán sát bằng thực hành, nếu không họ sẽ chỉ chấp nhận nó trên bình diện tri thức mà thôi; và trên bình diện thực tế, nó trở nên khó hơn, vì khi một điều tiêu cực xuất hiện, nó rất mạnh và bạn không thể quán sát những cảm giác đúng mức được. Vì vậy, một khóa học thiền mười ngày là điều thiết yếu.

Hỏi: Như vậy một người chỉ cần sống cách li trong mười ngày và quán sát các cảm giác nơi thân thể, hay họ cần có một Thầy dạy?

S.N. GOENKA: Phương pháp này là một hoạt động của tâm và bạn đi vào những bình diện thâm sâu hơn của tâm, còn những điều tiêu cực thì xuất hiện ở bề mặt, vì thế bài học đầu tiên về phương pháp này nên được học với  một người có kinh nghiệm. Sau mười ngày, người hành thiền không phải lúc nào cũng cần lệ thuộc vào một Thầy dạy. Không có chế độ “phụ đạo” trong kĩ thuật này. Thiên nhiên là người Thầy và bạn có đường để đi và có thể đi trên con đường này. Lúc đầu, khi bạn hành thiền, cần phải có người hướng dẫn để chỉ cho bạn biết điều gì đang xảy ra. Một mặc cảm sợ hãi sâu xa có thể xuất hiện, một mặc cảm đam mê sâu xa có thể xuất hiện và bạn có thể mất quân bình tâm trí, nên cần có người hướng dẫn để giúp đỡ bạn thực hành đúng đắn.

Hỏi: Như thế Vipassāna thực sự là quán sát những cảm giác nơi thân thể nhưng đồng thời vẫn giữ sự thản nhiên?

S.N. GOENKA: Hầu như thế. Ðó là quán sát thân và những gì xảy ra nơi thân — các cảm giác. Ðó là quán sát tâm và những gì xảy ra nơi tâm. Nhưng tâm và những gì xảy ra nơi tâm cũng biểu hiện như là cảm giác nơi thân. Vì thế, nguyên tắc cơ bản là: quán sát cảm giác nơi thân. Mọi điều xuất hiện nơi tâm sẽ biểu hiện ra như một cảm giác  nơi thân; nếu bạn quán sát cảm giác này, tức là bạn đang quán sát cả tâm và thân.

Hỏi: Nhưng nếu chúng ta không phản ứng với đời sống, thì có còn là sống thực sự không?

S.N. GOENKA: Một câu hỏi rất hay; nhiều khóa học trước cũng đã có câu hỏi này. Người ta không hiểu ý nghĩa của sự thanh thản hay quân bình của tâm là gì. Ðôi khi có sự ngộ nhận, và người ta tưởng bằng việc phát triển một cái tâm thanh thản hay vô tư, người ta sẽ sống một đời sống không hoạt động, một đời sống giống như cỏ cây, mặc kệ cho ai đến và cắt bỏ họ đi tùy ý, vì họ là những hành giả Vipassāna và có tâm thanh thản. Thực ra, không phải vậy; mà hoàn toàn khác hẳn. Vipassāna sẽ làm cho đời sống người ta hoạt động tích cực, nhưng không có hoạt động tiêu cực. Trong thực tế, người ta sống trong sự hoạt động tiêu cực; mọi giây phút người ta đều có phản ứng.

Và khi bạn phản ứng tiêu cực, với lòng thèm muốn hay giận ghét, thì tâm của bạn mất quân bình, bạn làm hại chính mình, làm hại người khác. Nhưng trong một tình huống nhất định, nếu một người giữ được sự quân bình và thanh thản, dù chỉ trong chốc lát, và sau đó làm một quyết định, thì đó luôn luôn là một quyết định đúng — bất cứ hành động nào phát xuất từ quyết định này cũng đều tích cực. Như thế, đời sống người ấy trở nên đầy hoạt động tích cực; nó không phải đời sống hoạt động, cũng không phải hoạt động tiêu cực.

Hỏi: Một số người có thể nói rằng ngồi thiền suốt cả ngày thì rất ích kỉ. Ngài trả lời thế nào? Một thiền sinh Vipassāna nên ở cách li thế giới hay nên ở trong thế giới?

S.N. GOENKA: Chắc chắn là ích kỉ nếu ai đó muốn sống cả đời trong một trung tâm thiền, chỉ để suy niệm và quên đi thế giới bên ngoài. Giáo pháp không dạy điều đó. Tôi luôn luôn nói với các thiền sinh: “Bạn hãy đi bệnh viện để lấy sức khoẻ, nhưng chớ ở lại bệnh viện suốt cả đời. Hãy lấy sức khoẻ và sử dụng sức khoẻ ấy trong đời sống hàng ngày của bạn.” Bạn đến trung tâm thiền để lấy sức khoẻ tâm linh để bạn có thể thấy sức khoẻ tâm linh này trong đời sống hàng ngày của bạn.

Hỏi: Thế nghĩa là người ta có thể dấn mình trong các vấn đề xã hội mà đồng thời vẫn có thể dành thời giờ để hành thiền Vipassāna?

S.N. GOENKA: “Dành thời giờ cho Vipassāna” chỉ là khi bạn tham dự một khóa thiền như thế này trong mười ngày. Sau đó, nó là một phần đời sống của bạn. Bạn có thể sống một đời sống rất tốt trong tư cách một nhà hoạt động xã hội — bạn đang phục vụ con người — nhưng bạn sẽ phục vụ con người tốt hơn nếu bạn phục vụ chính mình. Nếu bạn giữ được tâm thanh tịnh và đầy an bình hòa hợp, bạn sẽ thấy việc phục vụ của bạn rất tích cực, rất hiệu quả. Nhưng trong thâm tâm, nếu bạn cảm thấy náo động, không có an bình, thì mọi việc phục vụ của bạn cũng không thể hiệu quả được

Hỏi: Ngài có cần chuẩn bị gì đặc biệt để dạy khóa thiền này không?

S.N. GOENKA: Khóa học mười  ngày  là sự  chuẩn  bị. Thực ra, bạn bắt đầu từ tình trạng hiện có của bạn và mười ngày này là sự chuẩn bị của bạn cho cả đời.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app