HIỂU BIẾT VỀ VÔ THƯỜNG LÀ ÐIỀU QUAN TRỌNG

(Viện Nghiên Cứu Vipassāna)

 

Bài viết sau đây của Viện Nghiên Cứu Thiền Quán Vipassāna (VRI, Vipassanā Research Institute) giải thích chi tiết hơn tầm quan trọng của khái niệm vô thường. VRI được sáng lập năm 1985 với mục đích tổ chức công việc nghiên cứu các nguồn của phương pháp thiền Vipassāna bằng việc sử dụng các lời nói của Ðức Phật.

Những lời của Ðức Phật được giữ lại trong Tipiṭaka (Tam Tạng), là sưu tập các sách ghi lại lời giảng dạy của Ðức Phật như đã được truyền lại một cách trung thực, trước tiên qua truyền thống bằng khẩu truyền, rồi sau được ghi lại bằng chữ viết trong ba bộ sưu tập. VRI toạ lạc bên cạnh Học viện Vipassāna International Academy ở Igatpuri, Ấn Ðộ. Ðây là một trong những trung tâm thiền Vipassāna lớn nhất thế giới hiện nay.

“Vô thường là bản chất của mọi sự vật .”

Khi người ta quan sát điều này bằng tuệ giác, Người ta sẽ được giải thoát khỏi đau khổ; Ðây là Đạo thanh tịnh.

(Pháp cú Kinh, số 277)

Vô Thường

Biến đổi là bản chất nội tại của mọi sự vật tồn tại trong hiện tượng. Không có vật gì sống động hay bất động, hữu cơ hay vô cơ, mà chúng ta có thể gọi là thường hằng, bởi vì khi chúng ta gọi nó là thường hằng, nó vẫn luôn luôn chịu đựng sự biến đổi. Khám phá được sự kiện trọng yếu này của đời sống, Ðức Phật đã tuyên bố: “Cho dù một bậc Toàn Giác có xuất hiện trên đời này hay không, điều chắc chắn, không thay đổi và là một định luật cố định, đó là mọi sự vật đều là vô thường, đau khổ, và vô ngã.” Ba yếu tố này là ba đặc tính chung của mọi chúng sinh.

Trong ba đặc tính này, quan trọng nhất trong việc thực hành thiền Vipassāna là Vô thường. Những người hành thiền chúng ta đối diện với tính vô thường của chính bản thân mình. Ðiều này giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta không có khả năng làm chủ hiện tượng này, và biết rằng mọi cố gắng để điều khiển nó đều gây ra đau khổ. Vì vậy, chúng ta học cách siêu thoát, chấp nhận vô thường, cởi mở đón nhận sự thay đổi. Ðiều này giúp chúng ta sống hạnh phúc giữa mọi thăng trầm của đời sống. Vì vậy, Ðức Phật đã nói:

“Ai cảm nhận được vô thường … thì cũng có cảm nhận về sự vô ngã. Và nơi nào, ai cảm nhận được sự vô ngã, thì tính vị kỉ bị hủy diệt; (và hậu quả là) người ấy đạt được giải thoát  ngay  ở  đời  này”.  —  Tiểu  Bộ   Kinh, Udāna 4.1, Kinh Meghiya.

Cảm nhận trực tiếp được sự vô thường tự nhiên dẫn đến tri giác về vô ngã và cũng dẫn  đến  tri  giác  về đau khổ, và bất cứ ai nhận ra được những sự kiện này đều tự nhiên quay sang con đường dẫn tới diệt khổ.

Vô thường có tầm quan trọng quyết định như thế, cho nên không lạ gì Ðức Phật không ngừng nhấn mạnh ý nghĩa của nó cho những người đi tìm giải thoát. Trong Maha- satipattana Sutta (Kinh Đại Niệm Xứ – Bản Kinh chính trong đó Ngài giảng dạy phương pháp Vipassāna), Ngài mô tả những bước thực hành, mà trong mọi trường hợp đều phải dẫn tới kinh nghiệm sau đây:

“Thiền giả quan sát hiện tượng sinh khởi … quan sát hiện tượng đoạn diệt … quan sát hiện tượng sinh và diệt.” — Trường Bộ Kinh, 2.9, Kinh Mahāsatipaṭṭhāna.

Chúng ta phải nhận ra sự kiện vô thường không chỉ trong khía cạnh nó sẵn sàng thấy được chung quanh và trong chúng ta. Chúng ta phải vượt qua điều này để thấy được thực tại vi tế là chúng ta đang thay đổi từng giây từng phút, rằng cái “tôi” mà chúng ta say đắm là một hiện tượng không ngừng lưu chuyển. Qua kinh nghiệm này chúng ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi tính ích kỉ và khỏi đau khổ.

Nơi khác Ðức Phật nói:

“Này các thiền giả, mắt là vô thường. Ðiều gì vô thường thì khổ đau. Ðiều gì khổ đau thì vô ngã. Ðiều gì vô ngã thì không là của ta, không là ta, không là bản ngã ta. Ðây là cách nhìn mắt bằng tuệ giác theo đúng thực chất  của nó. Cùng lối nói này áp dụng cho tai, mũi, lưỡi, thân và tâm cho mọi cơ sở của kinh nghiệm cảm giác, mọi khía cạnh của một con người.”

Rồi Ðức Phật nói tiếp:

“Này các thiền giả, khi nhìn thấy điều này, chư vị có sự hiểu biết cao thượng đầy đủ với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm (nghĩa là với toàn thể sự sống cảm giác). Vì hiểu biết cao thượng, người ấy không còn đam mê đối với chúng. Vì không còn đam mê, chư vị được giải thoát. Từ sự giải thoát này họ nhận ra mình được tự do.” — Tương Ưng Bộ Kinh, 2.1, Kinh Ajjhattaniccā

Trong đoạn này Ðức Phật vạch ra một sự phân biệt rạch ròi giữa sự hiểu biết bằng nghe nói và sự hiểu biết bằng trực giác của kinh nghiệm bản thân. Người ta có thể là một sutava, nghĩa là một người đã được nghe về Phật pháp và chấp nhận nó bằng đức tin hoặc cũng bằng trí óc. Tuy nhiên, sự chấp nhận này không đủ để giải thoát bất cứ ai khỏi chu kì đau khổ. Ðể đạt sự giải thoát, người ta phải tự mình nhìn thấy chân lý, phải trực tiếp kinh nghiệm chân lý trong chính mình. Ðây là điều mà thiền Vipassāna giúp chúng ta thực hiện.

Nếu chúng ta muốn hiểu sự đóng góp độc đáo của Ðức Phật, chúng ta phải luôn luôn nắm vững sự phân biệt này trong tâm trí. Chân lý Ngài nói đến không phải là điều chưa từng được biết đến trước thời của Ngài; nó là chân lý đã phổ biến ở Ấn Ðộ vào thời Ngài rồi. Ngài không phát minh ra khái niệm vô thường, đau khổ, và vô ngã. Ðiều độc đáo của Ngài là đã tìm ra cách đi từ chỗ chỉ nghe nói về chân lý tới chỗ kinh nghiệm chân lý.

Có một bản văn cho thấy rõ sự nhấn mạnh đặc biệt này của lời Ðức Phật giảng, đó là Kinh Bahiya trong Tương Ưng Bộ Kinh. Trong bản văn này có ghi lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Ðức Phật và Bahiya, một người lãng du trên đường tìm Đạo thiêng liêng. Không phải môn đệ của Ðức Phật, nhưng Bahiya xin Ðức Phật hướng dẫn trong cuộc tìm Đạo của mình. Ðức Phật đã đáp lại bằng một câu hỏi:

–  Bahiya, theo ý ngươi: Mắt là thường hay vô thường?

–  Vô thường, thưa Ngài.

–   Ðiều gì là vô thường thì là nguyên nhân gây đau khổ hay hạnh phúc?

–  Ðau khổ, thưa Ngài.

–   Vậy, vì điều vô thường là nguyên nhân đau khổ và tự bản chất luôn thay đổi, có nên coi nó là “của ta,” là “ta,” là “bản ngã” của ta không?

–    Hoàn toàn không, thưa Ngài. (Tương Ưng Bộ Kinh 2.69, Kinh Bahiya).

Ðức Phật còn hỏi thêm Bahiya về những đồ vật thấy được, về sự nhận thức của mắt và tiếp xúc của mắt. Trong mọi trường hợp, người này đều nhìn nhận rằng chúng là vô thường, khổ não, vô ngã. Anh ta không tuyên bố là môn sinh của Ðức Phật, nhưng anh chấp nhận các sự kiện vô thường, khổ não và vô ngã. Như thế bản Kinh này ghi lại cho chúng ta sự kiện rằng, ít trong số những người đương thời với Ðức Phật, người ta đã từng chấp nhận những ý tưởng mà ngày nay chúng ta tưởng là chỉ có trong các giáo huấn của Ðức Phật mà thôi.

Dĩ nhiên, người ta cắt nghĩa rằng đối với Bahiya cũng như những người khác, khái niệm vô thường, đau khổ và vô ngã chỉ là những ý kiến lý thuyết mà họ chủ trương – tiếng Pāli gọi là manna. Với những người này, Ðức Phật đã chỉ cho họ con đường vượt lên trên những niềm tin hay triết lí, để kinh nghiệm trực tiếp bản tính con người của họ như là vô thường, đau khổ, và vô ngã.

Vậy   Ngài   đã   chỉ   con   đường   nào?   Trong    Kinh Brahmajala, Ðức Phật đã cho câu trả lời. Ở đây Ngài liệt kê tất cả các niềm tin, ý kiến và quan điểm của thời Ngài, sau đó Ngài khẳng định, Ngài biết một điều vượt xa mọi quan điểm đó:

“Vì khi đã kinh nghiệm được các cảm giác phát sinh và tận diệt đúng theo thực chất của chúng, sự hấp dẫn của chúng, mối nguy hiểm nơi chúng và sự giải thoát khỏi chúng, này các thiền giả, bậc Toàn Giác trở nên tự do, vì được giải thoát khỏi mọi sự trói buộc”. — Trường Bộ Kinh, 1.1, Kinh Bhahmajala

Ở đây Ðức Phật khẳng định một cách khá đơn giản rằng Ngài được giác ngộ là nhờ quan sát những cảm giác như là những biểu hiện của sự vô thường. Bất kỳ ai muốn theo giáo huấn của Ðức Phật đều phải làm giống như Ngài.

Vô thường là sự kiện trọng tâm mà chúng ta phải  nhận biết để thoát ra khỏi đau khổ, và con đường trực tiếp nhất để kinh nghiệm vô thường là quan sát các cảm giác của mình. Ðức Phật lại nói:

“Này các thiền giả, có ba loại cảm giác, [tất cả đều] vô thường, hỗn tạp, phát sinh từ một nguyên nhân, có thể hư hoại, tự bản chất qua đi, lu mờ và chấm dứt.” — Tương Ưng Bộ Kinh , 2.211, Kinh Aniccā.

Các cảm giác trong chúng ta là những biểu lộ dễ nhận thấy nhất về tính vô thường. Bằng cách quan sát các cảm giác, chúng ta trở nên có khả năng chấp nhận thực tại, không chỉ bằng đức tin hay sự xác tín của trí óc, mà do kinh nghiệm trực tiếp của chính chúng ta. Bằng cách này chúng ta có sự tiến bộ từ tình trạng chỉ nghe nói về chân lý tới tình trạng cảm nghiệm chân lý trong chính chúng ta.

Như thế khi chúng ta gặp được chân lý hiện diện, chân lý ấy chắc chắn biến đổi chúng ta một cách triệt để. Như Ðức Phật đã nói:

Khi một thiền giả tập trung một cách đầy hiểu biết, chuyên chú, nồng nhiệt và tự chủ, thì nếu những cảm giác dễ chịu khởi sinh nơi thân thể mình, người ấy sẽ hiểu rằng, “Cảm giác dễ chịu này đã khởi sinh trong tôi, nhưng nó lệ thuộc, không độc lập. Lệ thuộc gì? Thân thể này. Nhưng thân thể này là vô thường, biến hóa, phát sinh từ các điều kiện. Vậy làm sao những cảm giác dễ chịu của thân thể có thể là thường hằng nếu nó phát sinh lệ thuộc vào một thân thể vô thường, biến hóa, tự nó phát sinh do những điều kiện?” – Tương Ưng Bộ Kinh, 2.209, Kinh Pathamagelanna.

Thiền giả duy trì cảm nghiệm về sự vô thường của các cảm giác nơi thân thể, sự khởi sinh, mờ nhạt và biến mất của chúng, và cảm nghiệm sự từ bỏ chúng. Khi làm thế, họ không còn bị chi phối bởi lòng thèm muốn của họ. Cũng thế, khi họ cảm nghiệm những cảm giác khó chịu nơi thân thể mình, họ không còn bị chi phối bởi sự chán ghét; và khi họ cảm nghiệm những cảm giác trung lập nơi thân thể mình, họ không còn bị chi phối bởi sự mê muội của họ. Như thế, bằng cách quan sát tính vô thường của những cảm giác nơi thân thể, thiền giả ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu là tính chân như (Niết bàn).

Tôn giả Kondanna, người đầu tiên được giải thoát nhờ nghe lời giảng của Ðức Phật, đã tuyên bố khi Ngài đạt tới mục tiêu này: Yam kinci samudayadhammam sabbam te nirodha-Dhammam – Mọi vật hễ có bản chất phát sinh thì cũng có bản chất tận diệt.” Chính nhờ kinh nghiệm đầy đủ thực tại của vô thường mà cuối cùng Ngài đã kinh nghiệm được một thực tại vô sinh và vô diệt. Lời tuyên bố của Ngài là một biển chỉ đường cho những người lữ hành sau này trên con đường tìm Đạo, chỉ cho họ đường lối phải theo để tự mình đạt được mục tiêu.

Vào giờ cuối đời, Ðức Phật đã tuyên bố: Vaya- Dhamma Saṅkhāra – “Mọi sự vật đều là vô thường”. Khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã lặp lại chủ đề lớn mà Ngài từng giảng dạy thường xuyên trong cả đời  Ngài.  Ngài  nói  thêm: Appamadena sampadetha – “Hãy chăm chỉ cố gắng.” Chúng ta phải hỏi, chúng ta phải cố gắng để đạt mục đích gì? Chắc chắn những lời cuối cùng này của Ðức Phật chỉ có thể ám chỉ đến câu nói trước đó. Di sản vô giá của Ngài cho thế giới là sự hiểu biết vô thường như một phương tiện để được giải thoát. Chúng ta phải cố gắng thể hiện sự vô thường bên trong chúng ta, và nhờ đó chúng ta thực hiện lời khuyên dạy cuối cùng của Ngài cho chúng ta, chúng ta trở thành những người thừa tự đích thực của Ðức Phật.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app