Tóm Tắt Tiểu Sử Những Thiền Sư Trước Thời Ngài U Ba Khin – Tiểu Sử Thiền Sư Saya Thetgyi

Tiểu Sử Thiền sư Saya Thetgyi (1873-1945)

 

Saya Thetgyi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1873 tại làng quê Pyawbwegyi, cách Yangon 8 dặm về phía nam, và được đặt tên là Maung Po Thet. Cậu có hai em trai và một em gái. Khi Maung Po Thet khoảng 10 tuổi thì cha mất, để lại bà mẹ phải nuôi nấng bốn đứa con nhỏ. Mẹ cậu làm và bán khoai chiên để kiếm tiền nuôi gia đình, và cậu phải phụ giúp mẹ đi khắp làng để bán hết hàng cho mẹ.

Vì cần phải phụ giúp gia đình, Maung Po chỉ được học hành tại trường rất ít, khoảng sáu năm. Cha mẹ cậu không có đất đai hay ruộng vườn gì cả, và họ thường phải đi mót lúa ở các ruộng vào mỗi vụ gặt. Khi lên 14 tuổi, cậu đi kéo xe bò chở lúa thuê để kiếm tiền. Ðược bao nhiêu tiền cậu đều đưa về cho mẹ. Dạo đó cậu còn rất bé nên phải mang theo một cái thùng gỗ đặc biệt để leo lên xe hay xuống xe.

Theo tục lệ, khi lên khoảng 16 tuổi, cậu cưới vợ là cô Ma Hmyin. Vợ cậu là con gái út của một điền chủ và nhà buôn gạo giàu có. Vợ chồng Maung Po sinh được hai con, một gái và một trai. Cũng theo tục lệ, họ sống chung ở nhà vợ với cha mẹ và hai chị gái của vợ. Chị thứ hai tên là Ma Yin sống độc thân và trông nom rất thành công một công việc Kinh doanh nhỏ. Về sau bà chị này giúp đỡ U Thet rất đắc lực trong việc thực hành và giảng dạy thiền của ông. Khoảng 23 tuổi, U Thet bắt đầu luyện tập thiền với một Thiền sư tại gia, Saya Nyunt.

Ngài đã học được của Thiền sư này phương pháp Ānāpāna (niệm hơi thở) thực hành nó trong 7 năm. Hai vợ chồng U Thet có nhiều bạn bè và họ hàng sống gần gũi trong làng. Với đông đảo chú bác, cô dì, anh chị em và các cháu họ, bên nội bên ngoại, họ sống một nếp sống đồng quê đầy thơ mộng trong sự hòa hợp và đầm ấm giữa gia đình và bè bạn. Cảnh an bình hạnh phúc này đã tan biến khi một trận dịch tả tàn phá làng vào năm 1903.

Nhiều dân làng bị chết, có người chết chỉ sau vài ngày mắc bệnh. U Thet cũng mất cả hai đứa con và những người thân khác. Tai ương này đã tác động mạnh đến U Thet. Ngài không thể tìm được sự an ủi nào nữa, và trong cảnh tuyệt vọng Ngài muốn tìm ra lối thoát cho cảnh cùng khổ của mình. Ngài xin phép vợ, chị dâu và gia đình để Ngài rời bỏ làng quê. Ngài để lại công việc đồng áng cho gia đình gánh vác, rồi Ngài ra đi tìm đường thiêng liêng, cùng với một người bạn đồng hành và môn đệ là U Nyo.

U Thet đi lang thang khắp nước Myanmar trong cuộc tìm kiếm thiêng liêng của mình, đến thăm các khu ẩn cư trên núi và các tu viện trong rừng, học hỏi với các Thầy dạy khác nhau, cả tu sĩ lẫn người thế tục. Sau cùng, theo lời khuyên của Thầy cũ là Saya Nyunt, Ngài đi lên miền bắc tới Monywa để thụ giáo với Hòa thượng Ledi Sayadaw. U Thet ở với Ledi Sayadaw cả thảy bảy năm, trong suốt thời gian này vợ và chị dâu của Ngài cấp dưỡng cho Ngài bằng cách gởi tiền do các vụ thu hoạch hằng năm của gia đình.

Sau bảy năm, Ngài cùng U Nyo trở về làng, nhưng không trở về nhà cũ của mình. Lúc Ngài khởi hành, Ledi Sayadaw   đã   khuyên   Ngài chuyên chăm    luyện tập Samādhi (định) và Paññā (tuệ) để Ngài có thể bắt đầu giảng dạy. Theo lời khuyên của Thầy, nên vừa đến Pyawbwegyi, họ đi thẳng tới giảng đường (sala) ở bìa nông trại của gia đình, và họ dùng đó làm hội trường Giáo Pháp.

Tại đây, họ bắt đầu suy niệm liên tục. Họ nhờ một phụ nữ ở gần đó lo cơm nước mỗi ngày hai bữa cho họ trong khi họ hành thiền. U Thet tiếp tục sống như thế trong suốt một năm. Ngài đã tiến bộ nhanh về suy niệm, và sau thời kì này Ngài cảm thấy cần đến lời khuyên của Thầy ông. Ngài không thể đích thân đến gặp Thầy, nhưng Ngài biết trong nhà mình có những sách của Thầy cất trong tủ. Vì vậy, Ngài trở về nhà để tham khảo các sách ấy.

Vợ và chị dâu Ngài rất giận vì Ngài không trở về nhà sau một thời gian vắng nhà lâu như thế. Vợ Ngài thậm chí đã quyết định bỏ ông. Khi các chị em thấy U Thét về đến gần nhà, họ quyết định không thèm chào hỏi ông. Nhưng ngay khi Ngài đến cửa, họ không thể nào cưỡng lại tình cảm của họ và đã vồn vã tiếp đón ông. Họ nói chuyện với nhau một lát, rồi U Thet xin họ tha thứ cho ông, là điều họ sẵn sàng làm ngay.

Họ mời Ngài dùng trà và dùng bữa với họ. Ngài đi kiếm những cuốn sách rồi giải thích cho vợ Ngài rằng, bây giờ Ngài đang sống theo bát giới và không quay trở về đời sống gia đình nữa. Từ nay, họ sẽ sống với nhau như anh chị em. Vợ và chị dâu của Ngài mời Ngài về nhà mỗi ngày để ăn sáng, và họ rất vui lòng tiếp tục cấp dưỡng cho ông. Ngài vô cùng biết ơn lòng quảng đại của họ và Ngài nói cách duy nhất Ngài có thể trả ơn họ là trao tặng cho họ Giáo Pháp. Lúc đầu, người dân làng đều không muốn đến để nghe U Thet giảng dạy. Họ tưởng lầm rằng Ngài quá đau buồn vì mất các con và xa làng, nên nay Ngài đã bị điên. Nhưng dần dần qua những lời nói và hành động của Ngài họ nhận ra rằng Ngài đã là một con người được biến đổi, một người sống theo Giáo Pháp.

U Thet bắt đầu dạy Ānāpāna (niệm hơi thở) cho một nhóm khoảng mười lăm người vào năm 1914, khi Ngài 41 tuổi. Tất cả các thiền sinh đều ở lại nhà khách, có người thỉnh thoảng mới về nhà một lần. Một năm sau, U Thet đưa vợ, chị dâu và một ít người khác trong gia đình đến thăm và bày tỏ lòng tôn kính đối với Thầy của mình. Trong cuộc thăm viếng này, Ledi Sayadaw trao cây gậy của mình cho U Thet và nói:

“Này, học trò xuất sắc của Thầy, hãy cầm lấy cây gậy của Thầy và ra đi. Hãy giữ gìn nó. Thầy không trao gậy này để con được sống lâu, nhưng để làm phần thưởng cho con, để không điều gì bất hạnh xảy ra trong đời con. Con đã thành đạt rồi. Từ nay trở đi, con phải giảng dạy Dhamma   về Rūpa và Nāma (sắc và danh) cho sáu ngàn người. Giáo Pháp con đã học biết  thì  vô tận,  vì thế con hãy truyền bá sasana (giáo Pháp). Con hãy thay ta làm rạng danh giáo Pháp.”

Ledi Sayadaw triệu tập các Tỳ Khưu của tu viện Ngài và nói: “Người tại gia này là học trò xuất sắc U Po Thet của ta… Ngài có khả năng dạy thiền giống như ta … Hãy học phương pháp của Ngài và thực hành.” U Thet dạy Thiền Quán (Vipassāna) cho khoảng 25 Tỳ Khưu có học của tu viện, lúc này Ngài đã được gọi là Saya Thegyi (saya nghĩa là Thầy; và gyi là một hậu tố chỉ sự kính trọng).

Khi quay trở về làng, Saya Thetgyi bàn bạc với gia đình về cách thức để thi hành lệnh truyền bá thiền của Ngài Thiền sư Ledi Sayadaw. Lúc đầu, Saya Thetgyi nghĩ mình phải đi khắp nước để giảng dạy, nhưng chị dâu khuyên Ngài nên ở lại nhà khách và tiếp tục giảng dạy tại hội trường Giáo Pháp tại đây. Ðúng như chị dâu Ngài tiên đoán, nhiều người bắt đầu đến học, và danh tiếng Saya Thetgyi lan rộng như một bậc Thiền sư. Ngài dạy cho những nông dân chất phác cũng như cho những người thông thạo các bản Kinh Pāli. Làng của Ngài không xa thủ đô Yangon bao nhiêu, nên các nhân viên chính phủ và các người dân thủ đô, như U Ba Khin, cũng đến học.

Từ khi rời trung tâm của Ledi Sayadaw trở về, Saya Thetgyi sống tự lập và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, trong cô tịch và thinh lặng. Trong suốt ba mươi năm, Ngài giảng thiền cho mọi người đến với ông, được hướng dẫn bởi kinh nghiệm thực hành của Ngài và sử dụng các thủ bản của Ledi Sayadaw làm sách tham khảo. Ðến năm 1945, khi Ngài 72 tuổi, Ngài đã hoàn thành sứ mạng giảng dạy cho hàng ngàn người. Vợ Ngài đã qua đời; chị dâu Ngài bị liệt; và sức khỏe của chính Ngài đã suy yếu.

Vì thế, Ngài phân phát hết tài sản của mình cho các cháu trai, cháu gái, còn giữ lại năm mươi mẫu ruộng để duy trì hội đường Giáo Pháp. Ngài có hai mươi con trâu đã từng cày ruộng cho Ngài trong nhiều năm. Ngài phân phát tất cả cho những người mà Ngài biết sẽ đối xử tử tế với chúng, rồi cho chúng đi với những lời này, “Các con là những ân nhân của ta. Cám ơn các con vì nhờ các con mà lúa đã mọc lên. Bây giờ các con không phải làm việc nữa. Cầu mong cho các con được giải thoát khỏi kiếp sống này để có một kiếp sống tốt hơn.”

Saya Thetgyi chuyển đến Yangon vừa để chữa bệnh vừa để ở gần các học sinh của Ngài tại đây. Một trong số học sinh này đã mở một trung tâm thiền ở triền đồi phía bắc Chùa Shwedagon. Gần đó, có một hầm trú bom đã được xây vào thời Thế chiến thứ hai. Saya Thetgyi dùng nơi trú bom này làm hang thiền của mình. Các học sinh của Ngài từ Yangon, kể cả U Ba Khin, đến thăm Ngài thường xuyên mỗi khi họ có thời giờ. Hằng đêm, Ngài thường ngồi thiền cùng với các học sinh của ông, con số lên đến khoảng năm mươi người. Trong những cuộc hành thiền tập thể này, Saya Thetgyi thường không nói, chỉ quán tưởng trong thinh lặng. Trong một lần hành thiền như thế, Saya Thetgyi trước đó đã bị nóng lạnh, bỗng nằm ngửa ra và sau một giờ thở rất khó, Ngài đã qua đời.

Thi hài Ngài được hỏa táng trên sườn phía bắc Chùa Shwedagon. Ngài U Ba Khin cùng các học trò của Ngài sau này đã xây một ngôi chùa nhỏ tại đây. Nhưng có lẽ đài kỉ niệm thích hợp và lâu bền nhất để tưởng nhớ vị Thiền sư lỗi lạc chính là sự kiện nhiệm vụ mà Ledi Sayadaw trao phó cho Ngài truyền bá Giáo Pháp cho mọi tầng lớp xã hội vẫn đang được tiếp tục.

Chơi Với Lửa

Trong số những người đến học thiền với Saya Thetgyi có một học giả Phật giáo, một người rất uyên bác. Tiếc thay, Ngài này tỏ ra quan tâm đến lý thuyết Vipassāna nhiều hơn là kinh nghiệm thực hành của chính bản thân mình. Nhưng sau khi kết thúc thành công khóa học mười ngày, Ngài ra về rất hài lòng về những gì mình đã làm được. Một ít tháng sau người đàn ông này trở lại thăm  Saya Thetgyi, và kính cẩn dâng lên Thầy một hoặc hai cuốn sách:

–     Thưa Thầy, tôi đã viết xong một cuốn sách cắt nghĩa cách quán tưởng như thế nào, và tôi đã viết dâng tặng Thầy như vị Thầy của tôi

–       Chỉ có số sách này viết đề tặng tôi ư?

–       Ô không, thưa Thầy. Tất cả các sách khác tôi cũng ghi đề tặng Thầy.

–      Tốt lắm, nếu anh muốn đề tặng tất cả cho tôi, anh hãy mang tất cả số sách đó đến đây.

 

Nhà học giả vui vẻ chấp nhận, vì nghĩ rằng có thể Saya Thetgyi sẽ làm một lễ nghi gì đó để chúc phúc cho công trình của mình. Ít ngày sau Ngài quay trở lại với một xe chứa đầy sách.

–          Tất cả sách của anh là ở đây ư?

–          Vâng, thưa Thầy.

–          Tốt lắm, anh hãy đưa ra cánh đồng hoang đằng kia.

Người học giả làm như lời Saya Thet hướng dẫn, và không quên xếp các sách thành một chồng ngay ngắn. Thiền sư nói:

–          Bây giờ, anh vào trong bếp lấy một chai dầu lửa và mấy que diêm ra đây.

–          Dầu lửa à? Diêm à?. Thầy sẽ dùng nó làm gì trong nghi lễ này đây?

–          Phải, dầu lửa và diêm.

Một lần nữa, học giả làm theo lời Thầy, dù hơi miễn cưỡng. Khi Ngài trở lại với chai dầu và que diêm, Saya Thetgyi nói:

–          Tốt! Bây giờ anh rưới dầu lên đống sách và đốt chúng đi.

–        Cái gì, thưa Ngài! Ngài không đùa đấy chứ! Tôi đã vất vả làm việc nhiều tháng trời để viết cuốn sách này.

–         Lẽ ra anh nên dùng thời giờ của mình để quán tưởng thì hơn. Làm sao anh có thể dạy người khác quán tưởng mà chính bản thân anh đã không quán tưởng sâu xa? Cho dù anh đã hiểu nó rành rọt, làm sao anh có thể hy vọng người khác cũng học được cách quán tưởng từ một cuốn sách? Họ chắc chắn sẽ tự đốt cháy mình giống như đám trẻ chơi với lửa vậy. Tốt hơn anh nên đốt mớ sách này đi!

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app