Nội Dung Chính
THIỀN SƯ S.N. GOENKA NGƯỜI PHỤC HƯNG DÒNG THIỀN VIPASSANA TẠI ẤN ĐỘ
ĐĂNG TÂM
Lời người viết: Nhìn vào con số thống kê Phật tử trên toàn Ấn Độ, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy con số chưa vượt qua ngưỡng 1%. Dĩ nhiên con số ấy không thể phản ánh trung thực diện mạo Phật giáo Ấn Độ đương đại. Bởi ngay trên xứ Ấn Độ, có rất nhiều chùa chiền, tu viện của khá nhiều quốc gia trên thế giới cùng với những Tăng Ni, Phật tử Tây Tạng định cư trên đất nước này cũng như rất nhiều người Ấn đang hành trì theo Phật; ắt hẳn họ chưa được tính kể vào con số 1% ít ỏi đó.
Dù vậy, khi đến Ấn Độ, tôi vẫn lạc quan tin vào viễn cảnh hồi sinh của Phật giáo trên chính quê hương Đức Phật, nhất là khi tôi được tận mắt chứng kiến và có cơ duyên tu tập trong một trung tâm thiền do một Thiền sư người ấn sáng lập. Con người ấy chính là S. N. Goenka (1924 – 2013), một cư sĩ Thiền sư Vipassana theo truyền thống của đại Thiền sư quá cố Sayagyi U Ba Khin. Chuỗi trung tâm thiền do Ngài sáng lập tại Ấn Độ đã lên đến con số 50, và hiện đã có khoảng 150 Trung tâm thiền như thế trên khắp thế giới.
Tự thuật của người phục hưng dòng thiền Vipassana
Như một sứ mạng tiền định, S.N. Goenka sinh ra là để gánh vác một trọng trách lớn lao như mong mỏi của Thầy ông: mang dòng thiền Vipassana (Minh sát tuệ) trở về quê hương Ấn Độ, nơi dòng thiền này được khai sinh và bị gián đoạn trong một thời gian dài. S.N. Goenka là người Ấn Độ, song Ngài lại được sinh ra tại Miến Điện (Myanmar) trong một gia đình thương gia. Từ những năm đầu của tuổi 20, Ngài đã trở thành một trong những người giàu có nhất Miến Điện và bắt đầu say mê đi tìm uy tín xã hội, trở thành chủ tịch của rất nhiều tập đoàn lớn.
Những căng thẳng trong cuộc sống đã khiến Ngài lâm vào chứng bệnh căng thẳng thần Kinh (psychosomatic), chứng đau nửa đầu nghiêm trọng (migraine). Các Bác sĩ giỏi nhất Miến Điện cũng bó tay và họ đành phải tiêm bạch phiến để làm giảm cơn đau cho ông. Hậu quả của việc tiêm bạch phiến ấy khiến Ngài phải đương đâu với những hậu quả của nó như buồn nôn, ói mửa, đau khổ. Ngài du hành đến Thụy Điển, Đức, Anh, Mỹ và Nhật để chữa trị nhưng không mang lại kết quả khả quan nào, thậm chí chứng bệnh càng trở nên tệ hại hơn. Thế nhưng, Ngài cho rằng chứng đau nửa đầu ấy, cũng như việc sống trong cảnh giàu có ấy, là một duyên lành để đưa Ngài đến với Đạo. Ngài tâm sự trong những lời tự thuật của mình như sau:
“Nếu như bản thân tôi chưa từng biết cuộc sống của ngươi giàu là thế nào, có lẽ tôi đã không có kinh nghiệm tự thân về sự rỗng không của một kiếp sống như vậy. Và nếu tôi không kinh nghiệm điều này, thì ý nghĩ cho rằng hạnh phúc thực sự nằm ở sự giàu sang có thể đã luôn luôn nấn ná trong một góc nào đó của tâm trí tôi (…). Và tôi cũng cảm thấy rất may rằng họ (các Bác sĩ) đều đã thất bại (trong việc chữa trị chứng bệnh đau nửa đầu của ông)”.
Một người bạn đã giới thiệu Ngài đến với Thiền sư U Ba Khin, hy vọng phương pháp của vị Thiền sư này có thể chữa lành căn bệnh của ông. Goenka kể lại: “Tôi đã đến trung tâm Thiền và được tiếp chuyện với con người kỳ lạ này. Bị ấn tượng sâu sắc bởi bầu không khí an tịnh và bình yên của thiền đường và bởi cử chỉ đầy thanh tịnh của ông, tôi nói: „Thưa Ngài, tôi muốn tham dự một khóa thiền của Ngài. Liệu Ngài có hoan hỷ chấp nhận không?‟. „Tất nhiên, kỹ thuật này dành cho tất cả mọi người mà. Anh cứ việc đến dự một khóa‟.
Tôi tiếp tục: „Trong mấy năm rồi tôi đã bị một chứng bệnh không thể chữa được, bệnh đau nửa đầu nghiêm trọng. Tôi hy vọng rằng nhờ kỹ thuật này tôi có thể chữa được bệnh ấy‟. „Không‟, bất ngờ Thiền sư nói, „Đừng đến với tôi. Anh không thể tham dự khóa thiền‟. Tôi không hiểu mình đã xúc phạm Ngài như thế nào; nhưng rồi với lòng bi mẫn, Ngài giải thích: „Mục đích của Pháp (Dhamma) không phải để chữa những chứng bệnh thể xác. Nếu đó là những gì anh đi tìm, tốt hơn anh nên đến một bệnh viện nào đó.
Mục đích của Pháp là nhằm chữa mọi chứng khổ của cuộc đời. Chứng bệnh này của anh thực ra chỉ là một phần rất nhỏ của nỗi thống khổ mà anh phải mang trong cuộc đời thôi. Nó sẽ hết, nhưng chỉ như một sản phẩm phụ trong tiến trình thanh lọc tinh thần. Nếu anh xem sản phẩm phụ ấy là mục đích chính của anh, thì anh đã làm mất giá trị của Pháp. Đừng đến để chữa bệnh thể xác, mà hãy đến để giải thoát tâm‟. Ngài đã thuyết phục được tôi. „Vâng, thưa Ngài‟ tôi nói, „Bây giờ tôi đã hiểu.
Tôi sẽ đến chỉ để thanh lọc tâm. Dù cho bệnh tôi có thể chữa được hay không, tôi rất muốn được kinh nghiệm sự bình yên mà tôi đã gặp ở đây‟. Và hứa với Ngài xong, tôi trở về nhà. Nhưng tôi vẫn hoãn lại việc tham dự khóa thiền. Sinh ra trong một gia đình Ấn giáo (Hindu) trung kiên và bảo thủ, ngay từ thời thơ ấu, tôi đã học ngâm bài kệ: „Thà chết trong tôn giáo của ngươi, trong Pháp của ngươi; chứ đừng bao giờ cải Đạo‟. Tôi tự nhủ: „Coi chừng! Đây là Phật giáo, một tôn giáo khác và những người Phật giáo là những người vô thần, họ không tin Thượng đế hoặc sự hiện hữu của một linh hồn đâu! (Làm như thể chỉ tin vào Thượng đế hay tin vào linh hồn là sẽ giải quyết được mọi vấn đề của chúng ta vậy!).
Nếu ta trở thành một kẻ vô thần, thì cái gì sẽ xảy đến với ta? Ồ, không. Ta thà chết trong tôn giáo của mình, chứ ta sẽ chẳng bao giờ đến gần họ!‟. Cứ như vậy, tôi đã do dự trong nhiều tháng. Nhưng rất may, cuối cùng tôi đã quyết định đi thử kỹ thuật này, để xem xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã tham dự khóa kế và trải qua mười ngày. Rất may là tôi được lợi ích nhiều lắm. Giờ thì tôi có thể hiểu Pháp của tôi, Đạo lộ của tôi và Pháp của những người khác (…).
Trong mười bốn năm, tôi cảm thấy rất may mắn là mình đã có thể thực hành kỹ thuật này ở Miến Điện dưới sự hướng dẫn chu đáo của sư phụ tôi. Dĩ nhiên tôi đã hoàn thành mọi trách nhiệm đời thường của một người có gia đình, và đồng thời, mỗi sớm, tối, tôi vẫn tiếp tục hành Thiền, hàng tuần tôi đi đến trung tâm thiền của sư phụ tôi, hàng năm tôi tham dự một khóa tịnh cư mười ngày hoặc lâu hơn. Đầu năm 1969, tôi thực hiện một chuyến đi Ấn Độ. Cha mẹ tôi đã đến đó vài năm trước và mẹ tôi đã phát triển một chứng bệnh thần kinh mà tôi biết có thể chữa được bằng cách thực hành Minh sát. Nhưng ở Ấn không ai có thể dạy cho bà. Kỹ thuật Minh sát từ lâu đã bị thất truyền tại xứ sở vốn là vùng đất khai sinh ra nó.
Ngay cả cái tên (Vipassana) cũng đã bị quên lãng. Tôi rất biết ơn Chính phủ Miến đã cho phép tôi đi đến Ấn Độ, vì bình thường vào những ngày đó họ không cấp giấy phép cho công dân của họ đi nước ngoài. Tôi cũng biết ơn Chính phủ Ấn đã cho phép tôi đến đất nước của họ. Tháng 7 năm 1969, khóa thiền đầu tiên đã được tổ chức tại Bombay; trong khóa thiền ấy, cha mẹ tôi và 12 người khác tham dự. Tôi may mắn rằng mình đã có thể phục vụ cha mẹ. Nhờ dạy cho họ biết Pháp, tôi có thể trả món nợ sâu dày của lòng tri ân đến cha mẹ. Sau khi đã hoàn thành mục đích đi đến Ấn Độ của mình, tôi sẵn sàng để trở lại quê nhà Miến Điện.
Nhưng những người đã tham dự khóa thiền yêu cầu tôi dạy thêm khóa nữa, rồi khóa nữa. Họ muốn có những khóa thiền cho cha mẹ, vợ chồng, con cái và bạn bè của họ. Vì thế mà khóa thiền thứ hai đã được tổ chức, rồi khóa thứ ba, khóa thứ tư, cứ như vậy việc dạy Pháp băt đầu lan truyền ra. Năm 1971, trong khi tôi đang hướng dẫn một khóa thiền ở Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) thì nhận được điện tín từ Rangoon (thủ đô Miến Điện) bảo rằng sư phụ tôi đã từ trần. Dĩ nhiên tin này đã làm tôi chấn động, thật là hoàn toàn bất ngờ, và tất nhiên cũng làm cho mọi người đau buồn khôn xiết. Nhưng với sự trợ giúp của Pháp mà Ngài (U Ba Khin) đã dạy tôi, tâm tôi vẫn giữ được quân bình.
Giờ đây, tôi phải quyết định làm thế nào để trả món nợ tri ân của tôi đến con người thánh thiện này, Sayagyi U Ba Khin. Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi như một con người, nhưng con người vẫn còn bị bao phủ trong lớp vỏ vô minh. Chính nhờ sự trợ giúp của con người kỳ diệu nay mà tôi đã có thể phá vỡ lớp vỏ, và khám phá sự thực bằng cách quan sát thực tại bên trong. Và không chỉ có thế, trong suốt mười bốn năm Ngài đã nuôi dưỡng và làm cho tôi lớn mạnh trong Pháp. Làm sao tôi có thể trả món nợ tri ân này đến người cha Pháp của tôi? Cách duy nhất tôi có thể trả là thực hành những gì Ngài dạy, là sống cuộc sống đúng theo Pháp, đây là cách thích hợp nhất để tỏ lòng tôn kính Ngài. Và với tất cả tâm thanh tịnh tôi có thể phát triển được, với tất cả lòng từ ái và bi mẫn mà tôi có thể tu tập được, tôi quyết định hiến trọn quãng đời còn lại của mình để phục vụ tha nhân, vì lẽ đây là những gì Ngài ước mong tôi thực hiện.
Ngài thường nhắc đến niềm tin truyền thống ở Miến Điện rằng hai mươi lăm thế kỷ sau thời Đức Phật, Chánh Pháp sẽ trở lại với xứ sở đã khai sinh ra nó, và từ đó Pháp được lan truyền khắp thế giới. Chính ước vọng của Ngài là muôn giúp cho lời tiên tri này trở thành hiện thực bằng cách đi đến Ấn Độ để dạy thiền Minh sát ở đó. Ngài thường nói:
„Hai mươi lăm thế kỷ đã qua rồi, chiếc đồng hồ Vipassana đã điểm!‟. Đáng tiếc thay, điều kiện chính trị trong những năm cuối của đời Ngài đã không cho phép Ngài đi ra nước ngoài được.
Khi tôi nhận được giấy phép để đi Ấn Độ năm 1969, Ngài đã vô cùng mãn nguyện, và nói với tôi rằng: „Goenka này, không phải Ngài đi, mà tôi đi đấy!‟. Thoạt tiên tôi cho rằng lời tiên tri này chẳng qua chỉ là một niềm tin có tính bộ phái. Suy cho cùng, tại sao một điều đặc biệt lại xảy ra sau hai mươi lăm thế kỷ nếu nó không xảy ra sớm hơn? Nhưng khi tôi đến Ấn Độ, tôi mới kinh ngạc nhận thấy rằng, mặc dù tôi không biết đến ngay cả một trăm người ở cái xứ sở rộng lớn này, thế mà cả hàng ngàn người đã đến dự các khóa thiền, từ mọi hoàn cảnh xã hội, từ mọi tôn giáo, từ mọi cộng đồng. Không chỉ người Ấn, mà hàng ngàn người từ nhiều quốc gia khác cũng đã đến”.
Các khóa thiền Vipassana của Thiền sư S.N. Goenka
Kể từ năm 1969, Thiền sư Goenka bắt đầu mở những khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ. Những khóa thiền đầu tiên được tổ chức tại tư gia hoặc tại một số cơ sở thờ tự Ấn giáo thuê hoặc mượn. Số lượng thiền sinh ngày càng tăng dần, họ không chỉ là những người thân quen, hay những người Ấn Độ, mà có rất nhiều thiền sinh ngoại quốc cũng tham dự. Mười năm sau, S.N. Goenka bắt đầu giảng dạy và mở trung tâm Thiền ở các nước khác. Sau ba thập niên, Ngài đã mở hàng trăm khóa thiền 10 ngày và đào tạo được hơn 700 phụ giáo.
Những vị phụ giáo này đã dạy hàng ngàn khóa thiền tại hơn 90 quốc gia, gồm các nơi như: Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Nam Mỹ, Anh v.v… Tính đến nay, số trung tâm Thiền này đã lên đến con số gần 150 trên khắp thế giới. Thiền sư Goenka còn là khách mời diễn thuyết tại các diễn đàn nổi tiếng như Hội nghị Thượng đỉnh thế giới tại Liên Hiệp Quốc và Hội nghị Kinh tế Thế giới tại Davos, Switzerland… Đến với khóa thiền, thiền sinh không phải đóng bất kỳ một đồng lệ phí nào, kể cả nơi ăn, chốn ở.
Thương mại hóa là một vấn đề hết sức xa lạ đối với những trung tâm Thiền Vipassana của Thiền sư Goenka. Trung tâm chỉ chấp nhận tiền ủng hộ cua những cựu thiền sinh; sau khi thực hiện xong khóa tu, nếu cảm nhận được lợi ích và mong muốn tạo điều kiện cho những người khác có cơ hội tham dự khóa thiền, họ sẽ tùy hỷ đóng góp hoặc tiền bạc, hoặc công sức. Có khá nhiều thiền sinh phát nguyện ở lại phục vụ tại trung tâm mà không nhận bất kỳ đồng lương nào. Điều này cũng được áp dụng đối với các phụ giáo, họ đi khắp nơi giảng dạy thiền với mong muốn đem lại lợi lạc cho tất cả moi người mà không hề nhận lương.
Trong khi S.N. Goenka muốn phát triển một số trung tâm Thiền tại các nước phương Tây, rất nhiều cộng sự của Ngài đã khuyên can Ngài về vấn đề lệ phí. Họ lo ngại rằng văn hóa các nước phương Tây không chấp nhận hình thức “cho không”. Một khi người ta đem đến bất kỳ một lợi ích nào cho người khác, họ phải nhận lại một thứ gì đó, mà thường là nhiều hơn.
Nếu không thu lệ phí, những người phương Tây sẽ e ngại về “ý đồ” cua những người truyền giáo, và như thế mục đích của việc thành lập trung tâm sẽ không gặt hái được kết quả, thậm chí sẽ không có người đến tham dự. Gạt bỏ tất cả những lời khuyên ngăn đó, Thiền sư Goenka vẫn trung thành với ý định ban đầu của mình: Giáo Pháp là để ban tặng và đem lại lợi ích cho mọi người, giàu cũng như nghèo. Rất may, ý tưởng này đã được rất nhiều người phương Tây hoàn toàn hiểu ra và ủng hộ.
Tôn chỉ của những trung tâm Thiền Vipassana này là sự không phân biệt tôn giáo. Thiền sư Goenka từng nói rằng: “Vipassana là một nghệ thuật sống, một cách sống. Trong lúc Vipassana là tinh túy của những gì Đức Phật giảng dạy, nó không phải là một tôn giáo; trái lại, nó là sự vun trồng phẩm giá con người đưa đến một cuộc đời tốt lành cho mình và tốt lành cho những người khác. Phương pháp của Đức Phật đưa ra dựa trên căn bản là mọi người đều có những khó khăn giống nhau, và phương pháp hữu dụng có thể diệt trừ những khó khăn này có thể được mọi người áp dụng”.
Chính vì vậy mà những khóa thiền này đã thu hút rất nhiều người thuộc nhiều truyền thống tôn giáo: Hindu, Sikhs, Jains, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo và những tôn giáo khác – tăng sĩ, linh mục, ni sư cũng như các cư sĩ tại gia – đều đã thực tập Vipassana thành công. Muốn học Thiền Vipassana, điều cần thiết là thiền sinh cần phải tham dự một khóa thiền nội trú dưới sự hướng dẫn của một Thiền sư có khả năng. Thông thường, khóa thiền này diễn ra mười ngày. Mười ngày thực tập liên tục được công nhận là thời gian tối thiểu để học được những phương pháp cốt yếu, để có thể áp dụng Vipassana vào đời sống hàng ngày. Suốt trong thời gian của khóa thiền, thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với thế giới bên ngoài.
Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các lối thiền khác. Hàng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu gắt gao gồm hơn 10 tiếng ngồi thiền xen lẫn với những giờ nghỉ và Pháp thoại. Thiền sinh cũng giữ im lặng và không liên lạc với những người đồng khóa. Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói với Thầy giáo khi nào thấy cần hoặc có thể liên lạc với ban hướng dẫn về những nhu cầu liên quan đến thức ăn, sức khỏe v.v…
Sự tập luyện gồm có ba giai đoạn. Đầu tiên, thiền sinh tập tránh những hành động có hại. Trong khóa thiền, thiền sinh giữ năm giới, đồng ý tránh không: giết hại sinh vật, trộm cắp, nói không đúng sự thật, tình dục và dùng ma túy. Lối sống Đạo đức đơn giản này, cùng với việc giữ im lặng, giúp cho đầu óc thiền sinh được tĩnh lặng, nếu không, nó sẽ quá dao động để làm công việc tự quan sát. Giai đoạn thứ hai, thiền sinh sẽ tạo được một trí óc vững vàng và chuyên chú hơn bằng cách tập giữ sự chú tâm của mình vào một thực thể tự nhiên của hơi thở luôn luôn thay đổi khi chúng vào, ra khỏi lỗ mũi.
Vào ngày thứ 4, đầu óc thiền sinh trở nên tĩnh lặng hơn, chuyên chú hơn để dễ dàng theo giai đoạn thứ 3, thực tập Vipassana: quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu bằng trực nghiệm, trạng thái thay đổi của cảm giác và tạo được sự bình tâm bằng cách không phản ứng lại cảm giác và trực nghiệm được chân lý chung của vô thường, khổ và vô ngã. Sự nhận biết chân lý qua trực nghiệm này là phương cách thanh lọc tâm. Thiền sinh được chỉ dẫn cách thiền một cách mạch lạc nhiều lần trong 1 ngày và tiến độ mỗi ngày được giảng giải trong Pháp thoại vào buổi tối bằng video hoặc cassette của Thiền sư Goenka. Giữ hoàn toàn im lặng trong chín ngày đầu, vào ngày thứ mười, thiền sinh học cách thực tập Metta (thiền từ bi) và được nói chuyện trở lại. Đây là lúc giao thời để trở lại cuộc sống bình thường. Khóa thiền chấm dứt vào buổi sáng ngày thứ 11.
Thay lời kết
Tôi đã có cơ duyên đến với Trung tâm Thiền Dhamma Sikhara tại Dharamsala, tiểu bang Hymachal, Bắc Ấn. Cũng như nhiều trung tâm thiền Vipassana khác trên khắp thế giới, Trung tâm Dhamma Sikhara do một phụ giáo của Thiền sư Goenka hướng dẫn. Khóa thiền mười này có khoảng 70 người tham dự, trong đó có khoảng 40% thiền sinh là người Ấn, kế đến là những thiền sinh châu Âu, châu Mỹ và Israel… Phải công nhận rằng kỷ luật của khóa thiền hết sức khắt khe, đôi lúc tôi tưởng chừng như mình phải bỏ cuộc. Thế nhưng, khi nhìn những thiền sinh người Israel với mái tóc bù xù ngồi nghiêm trang bên cạnh, tôi đã tự bảo rằng không lẽ mình lại bỏ cuộc, trong khi những người đến từ tôn giáo khác lại ngồi được như thế?
Cảm giác sau khi tham dự khóa thiền này, tôi xin được gói gọn trong hai chữ: Tuyệt vời! Quả thật, tôi chưa bao giờ tu “gắt” như thế, và cũng chưa bao giờ gặp một hội chúng nào gồm những người đến từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau, trong đó không ít anh chàng (cô nàng) trông rất “hip hop”, một số râu tóc bờm xờm như “người rừng” lại chịu khép mình vào nội quy và chăm chỉ thiền định đến thế. Nhiều người mới đến trông rất rầu rĩ, tuyệt vọng, nhưng khi kết thúc khóa thiền họ lại trở nên an lạc, rạng rỡ! Họ dễ gần hơn, dễ mến hơn, mọi cách biệt văn hóa dường như thu hẹp lại.
Một điều nữa, đó là bài giảng của Thiền sư Goenka (có băng dịch bằng lời Việt) hết sức giản dị và sâu thẳm. Mặc dù nhiều năm học Phật, đến khi nghe lại Tứ diệu đế, Bát chánh Đạo, Tam vô lậu học… (những giáo lý căn bản), tôi cũng không khỏi rùng mình vì cảm nhận được sự vi diệu của Pháp. Giáo Pháp là để thực hành, càng thực hành thì mình càng hiểu Pháp…