Nội Dung Chính
SỰ GIẢI THOÁT HƯỚNG TỚI NIẾT BÀN
Sayagyi U Ba Khin
Bài viết sau đây đã được in lại và tóm lược từ tạp chí Miến Ðiện “Ánh Sáng Giáo Pháp.” Ðây là bài thuyết giảng của Thiền sư U Ba Khin đã đọc vào năm 1950, vào ngày rằm tháng bảy, được gọi là lễ Dhammacakka. Lễ này được mừng để kỉ niệm ngày Ðức Phật giảng cho năm người bạn tu của Ngài bài giảng đầu tiên: Kinh Chuyển Pháp Luân – Dhammacakka-pavattana Sutta. Trong bài giảng này, Ðức Phật phác hoạ Tứ Diệu Ðế bằng cách cắt nghĩa chi tiết Bát Chánh Ðạo; nói khác đi, đây là cốt tuỷ lời giảng dạy của Ngài.
Bài Giảng Về Sự Giải Thoát
Bài nói chuyện của tôi trình bày cho quý vị là một sự giải thoát thuộc bình diện siêu thế chống lại sự ô nhiễm của tâm để đạt sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, để dẫn tới việc thể hiện Niết-bàn (thực tại cuối cùng).
Quả không sai khi nói rằng bài giảng Chuyển pháp luân được giảng bởi chính Ðức Phật là người đích thân nổi dậy chống lại sự trói buộc của thế giới trần tục để đạt giác ngộ và tận diệt mọi sự nhơ uế (sa-upadisesa nibbàna), nhờ đó mọi chúng sinh — loài Người, các vị Trời (deva), Phạm Thiên (brahma) — có thể nổi dậy chống lại sự trói buộc của các thế giới trần tục và đạt Niết-bàn.
Giải Thoát Khỏi Ba Loại Thế Giới Trần Tục
Ðức Phật đã nổi dậy chống lại ba loại tục giới và đạt sự giác ngộ từ sáng sớm ngày Vesakha (rằm tháng năm). Ngài không hài lòng với sự thành đạt này, bởi vì do sự thành toàn Ba la mật (Pāramī) Ngài đạt được cho mọi chúng sinh, ngày cũng phải chia sẻ cho mọi chúng sinh phương pháp để nổi dậy giành sự giải thoát khỏi ba loại thế giới trần tục.
Niết-Bàn (Giải Thoát Thực Sự)
Trong sự giải thoát nhằm đạt Niết-bàn này, có vô số trở ngại trong sự ngu muội (Avijjā) khiến hình như chúng ta không có lối thoát. Với những sự thành toàn đã tích lũy, Ðức Phật phải bảo vệ và chiến đấu chống lại năm mãnh lực của Ma vương, đó là chư thiên ma vương (devaputta māra), phiền não ma (kilesa māra), pháp hành ma (khandhà māra), sự chết ma (maccu māra), và các cơ cấu của nghiệp (Abhisaṅkhāra māra). Những mãnh lực này áp bức và giam cầm chúng ta, khiến chúng ta không thể có lối thoát.
Trước khi giảng bài đầu tiên, trong bảy tuần sau khi giác ngộ, Ðức Phật không ăn uống gì cả. Ngài chìm sâu vào việc suy niệm những chi tiết sâu xa của Chân lý. Giải thoát chúng sinh khỏi sự trói buộc của sự mê muội không phải chuyện dễ. Khi Ðức Phật đã nhìn thấy hết thảy chúng sinh, sau tuần lễ thứ bảy, Ngài đã suy nghĩ có nên truyền dạy Chân lý thâm sâu cho mọi chúng sinh đang bị trói buộc bởi phiền não hay không. Chính vì thế vị Đại Phạm Thiên Sahampati, có các vị Trời (Devas) và các vị Phạm Thiên (Brahmas) khác đi cùng, đã dâng cho Ðức Phật vòng hoa ngọc và nài xin Ðức Phật truyền dạy Chân lý, họ bắt đầu những lời bằng tiếng Pāli như sau: Desetu Bhagava Dhammam, desetu sugato (cầu xin đấng đại phước giảng dạy Chân lý, cầu xin đấng toàn thiện giảng dạy Chân lý).
Sau khi hứa với vị đại Phạm Thiên Sahampati rằng mình sẽ giảng Chân lý, Ðức Phật tìm xem trong số loài người có ai có khả năng hiểu và tiếp thu ích lợi của Chân lý không. Ngài tìm thấy năm vị tu hành khổ hạnh đã phục vụ Ngài khi Ngài thực hành các phương pháp luyện tu khổ hạnh. Vì vậy, Ðức Phật đi đến công viên sơn dương gần Varanassi là nơi ở của năm vị Đạo sĩ kia, và trong canh đầu của đêm hôm đó, Ngài đã giảng bài chuyển pháp luân – Dhammacakka, bắt đầu bằng các lời Dveme bhikkhave anta pabbajitena nasevitabba (Này các Tỳ Khưu, người đã từ bỏ thế gian thì không thể đi theo hai thái cực này). Bài giảng này đã mở đường cho việc biến đổi nên một con người mới. Nói các khác, Ðạo Cao Cả nổi dậy chống lại Đạo thế tục và dẫn tới Niết-bàn. Khi Ðức Phật giảng xong bài giảng, vị Đạo sĩ đứng đầu nhóm là Kondanna đã trở thành người nhập lưu (Sotāpanna), nghĩa là được biến đổi thành một con người mới, một con người cao cả.
Lúc đó các vị Trời và các vị Phạm Thiên ở mười ngàn vũ trụ cũng được biến đổi thành những bậc cao cả (ariyās). Ðể đạt bậc cao cả đòi hỏi phải thấu triệt bản chất đích thực của các yếu tố Niết-bàn và được giải thoát khỏi mọi phiền não. Thể hiện Niết-bàn nghĩa là trở thành một hiện hữu mới, biến đổi từ một hiện hữu thế tục sang một hiện hữu cao thượng. Không thể nào biến đổi một con người sang một đời sống mới như thế bằng những phương tiện chuẩn bị thông thường. Ðức Phật đã đạt sự biến đổi này bằng việc thành đạt những Ba la mật (Pāramī) đã được phát triển qua vô số thế đại. Sự phát triển này đạt tới tột đỉnh trong sự toàn giác, và trong việc quay bánh xe Giáo pháp.
Tại Sao Bài Giảng Này Gọi Là Dhammacakka?
Lý do bài giảng này được gọi là Chuyển Pháp Luân – Dhammacakka là vì, theo sách Dhammacakka Katha về Patisambhida-magga:
Dhammapavatanti kenatthena Dhammacakkam, Dhammanca pavatteti cakkancati.
Tại sao việc đi theo Chân lý được gọi là Pháp luân – Dhammacakka? Ðó là việc đi theo Chánh pháp (Dhamma) và bánh xe (cakka) của giáo pháp. Nó là nguồn gốc của Tứ Diệu Ðế và nó cũng tạo sự quay liên tục Chân lý của Tứ Diệu Ðế. Việc quay bánh xe Giáo pháp được gọi là – Dhammacakka. Cốt tủy của Dhammacakka là Tứ Diệu Ðế, tức là:
Dukkha sacca (chân lý về khổ); Samudaya sacca (chân lý về nguyên nhân của khổ); Nirodha sacca (chân lý về sự diệt khổ); và Magga sacca (chân lý về con đường dẫn tới diệt khổ).
Trong bốn chân lý cao thượng này, chân lý về đường dẫn tới diệt khổ (magga sacca) tức là Bát Chánh Ðạo là chân lý quan trọng hơn cả. Tuy Ðức Phật đã giảng tám mươi hai ngàn bài giảng vào những dịp khác nhau trong suốt bốn mươi lăm năm phục vụ của Ngài, khía cạnh cơ bản thực tiễn của giáo lí của Ngài chính là Bát Chánh Ðạo.
Giáo Lý Giải Thoát
Bát Chánh Ðạo bao gồm ba khía cạnh thực hành: Giới, Định, và Tuệ (Sīla, Samādhi, Paññā).
– Giới gồm ba phần: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
– Ðịnh gồm ba phần: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Tuệ bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy.
Khi thực hành kết hợp cả ba khía cạnh này một cách đúng mức — lấy Tuệ (Paññā) làm yếu tố chỉ Đạo, người ta chắc chắn đạt được Đạo cao thượng. Nếu người ta chưa đạt được Đạo, vì họ chưa đạt sự quân bình giữa Giới, Định, và Tuệ. Việc đào luyện ba khía cạnh thực hành này chính là sự giải thoát của Ðức Phật.
Tâm Quan Trọng Hơn Cả
Trong bát chánh Đạo về Giới (Sīla), gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, các hành động và lời nói phải được điều khiển và kiềm chế. Các hành động và lời nói thường bị kiểm soát bởi tham, sân, và si (lobha, dosa, và moha), rồi những tình cảm này lại gây nên tham ái, khinh mạn, và lầm lạc (tanhà, mana, và miccha-diṭṭhi). Những tính chất thiếu lành mạnh này là những khuynh hướng thường xuyên đi theo chúng ta qua vòng luân hồi của các cuộc tái sinh (samsāra). Hành động của thân xác (kàya Kamma) và của lời nói (vaci Kamma) là những con đường cách mạng mà chúng ta phải thực sự phản kháng lại.
Ở đây, có câu nói rằng: mano pubbangama Dhamma (cái tâm làm chủ các hành vi của thân xác và lời nói). Và một câu khác nói: papasmim ramati mano (cái tâm thích trú trong bất thiện). Chúng ta không thể chống lại nó bằng những phương tiện bình thường, nhưng cần phải chống lại nó bằng tất cả sức lực của mình.
Cầu cho mọi chúng sinh có khả năng dồn hết sức lực của mình vào công việc này.
Làm Chủ Tâm
Trong Bát Chánh Ðạo về định (Samādhi), gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, phải bảo đảm kiềm chế cái tâm vốn phát sinh những hành vi vật lý và lời nói thiếu lành mạnh. Nhờ đó, nó không thể trở nên cuồng loạn nhưng sẽ trầm lắng và tập trung. Chánh định không thể đạt được nếu không có chánh tinh tấn và chánh niệm, để giữ cho tâm thinh lặng và trầm lắng. Ðể đạt chánh định, phải phát triển chánh niệm với chánh tinh tấn. Xin quý vị tin chắc rằng với sự giúp đỡ của một người hướng dẫn có khả năng, quý vị có thể đạt chánh định (Samādhi) một cách mau chóng.
Ðức Phật trong khi thiết lập giai đoạn đầu tiên của Định dưới gốc cây bồ đề, Ngài đã phải mãnh liệt cưỡng lại và chống trả sự ác (devaputta māra). Sau khi đã toàn thắng sự ác bằng việc thiết lập Chánh định, Ngài đã làm chủ mọi phiền não (kilesa māra) và sự chết (maccu māra) một cách dễ dàng. Ngày nay cũng vậy, với sự hướng dẫn và trông coi của một bậc Thầy đã phát triển được những Ba la mật (Pāramī) và có thể bảo vệ chống lại những mối nguy của sự ác, người ta có thể đạt được định trong một thời gian ngắn.
Có sáu loại đặc trưng hay bản tính (carita) ảnh hưởng tới mọi chúng sinh, nhưng chúng ta không có khả năng để xác định được mỗi người thuộc loại nào. Có điều chắc chắn là không ai mà không có tính si mê (mohacarita), nghĩa là sự mê muội. Chính vì vậy, người ta không thể cho rằng việc thiết lập định bằng phương pháp niệm thở- Ānāpāna sati là một phương pháp không tự nhiên. Việc thực hành này thích hợp cho những người có bản tính và khuynh hướng si mê (moha). Nhưng có thể người ta không tin rằng thiết lập định bằng phương pháp niệm thở là điều tương đối dễ dàng.
Ðúng là không phải dễ làm chủ cái tâm, giữ nó thanh tịnh, đúng mức và bền bỉ — bởi vì trong vòng tái sinh luân hồi, tâm luôn luôn ở tư thế phóng đãng, không bị kiềm chế, luôn xáo động và thay đổi liên tục. Nhưng đối với người không tìm kiếm những lợi ích trần tục, mà chỉ muốn đạt Niết-bàn, nếu người ấy gặp được một vị Thầy tốt, việc làm chủ tâm sẽ trở nên dễ dàng.
Có nhiều người đã cảm nghiệm được một hình ảnh rực rỡ trong tâm (uggaha nimitta) ở lần hành thiền đầu tiên và một phản ảnh (patibhaga nimitta) ngay sau đó. Chính vì thế, tôi khuyên những người đang thực hành Giáo pháp để đạt Niết-bàn đừng bỏ qua bộ ba Giới-Định-Tuệ.
Bản Tính Ðích Thực
Chánh tư duy (Sammā saṅkappa) là niệm về bản tính đích thực của các uẩn, các nền tảng và yếu tố của cảm giác. Sự hiểu biết về bản tính đích thực sau việc suy niệm này được gọi là con đường Chánh kiến (Sammā ditthi). Vấn đề phát sinh là: “bản tính đích thực” là gì? Bản tính đích thực là: Danh và Sắc (Nāma và Rūpa) của ngũ uẩn không ngừng bị hủy hoại và biến mất hoàn toàn. Ðiều này đúng với bản tính của Vô thường (Aniccā). Danh và Sắc của ngũ uẩn không có dù chỉ một chút thoả mãn nhỏ nhoi, mà hoàn toàn chỉ là phiền não. Ðó là bản tính đích thực của Khổ đau (Dukkha). Danh và sắc của ngũ uẩn không có gì cho thấy nó có một thực thể nào như tôi, của tôi, và bản ngã.
Ðây là bản tính đích thực của Vô ngã (Anattā). Những bản tính đích thực này nằm trong thân thể (chỉ dài bằng một sải tay) của những người đang nghe bài nói chuyện này. Người ta phải đi sâu vào thân thể này với sự tập trung cơ bản và trực giác tinh tế. Người ta phải quan sát một cách có phê phán bản tính đích thực của danh và sắc này, để loại trừ những định kiến đang cản trở đường đi. Người ta phải không ngừng nghiên cứu bản tính đích thực của vô thường, của đau khổ, của vô ngã nơi ngũ uẩn. Và người ta phải phát triển mười trực giác của Thiền Quán. Phương pháp này gọi là Thiền Quán.
(Ðể xem giải nghĩa về mười trực giác, xem “The Essentials of Buddha-Dhamma in Meditative Practice,” pp. 116-11)
Những việc thực hành này được coi là tuệ giác giúp loại trừ chân lý Tục đế (Paññātti) để đạt chân lý Chân đế (paramattha). Về cơ bản, tôi tin rằng nếu bộ ba Giới, Định, Tuệ được thực hành một cách chuyên chăm, người ta sẽ thấu triệt được Tứ Diệu Ðế và đạt được Niết-bàn. Ngày nay, Thiền Quán đang được thực hành một cách phổ biến hơn truớc, nên nếu người ta có một nền tảng mạnh về định thì chắc chắn người ta không còn xa Niết-bàn.
Nhưng những người bị choáng ngợp bởi sự ác (devaputta māra) sẽ nghĩ rằng họ không thể làm được gì cả; họ sẽ đầu hàng và chọn theo con đường dễ dãi. Khi Ðức Phật trông thấy và nhắc nhở Thầy Kolita (sau này gọi là Maha Moggallana) vì Ngài này ngủ gật trong khi hành thiền, Ngài nói: Kolita, người đang đi tìm an lạc của Niết- bàn, tại sao anh lại muốn kết hợp nó với sự uể oải, lờ đờ và biếng nhác không xứng đáng như thế? Vì vậy cần phải loại trừ sự uể oải, lờ đờ và biếng nhác với những ảnh hưởng của nó, và hãy thực hành Bát Chánh Ðạo, là Đạo cao thượng được rao giảng trong bài Kinh chuyển pháp luân- Dhammacakka.
Trong cả vòng tái sinh luân hồi, đối với cái tâm tin rằng tập hợp của tâm và vật chất là:
Nicca (vô thường) — hãy chống trả lại cái tâm như thế, để có một cái tâm mở rộng cho sự thể hiện và nhận thức về Vô thường (Aniccā).
Sukkha (hạnh phúc) — hãy chống trả lại cái tâm như thế, để có một cái tâm mở rộng cho sự thể hiện và nhận thức về Đau khổ (Dukkha).
Atta (bản ngã) — hãy chống trả lại cái tâm như thế, để có một cái tâm mở rộng cho sự thể hiện và nhận thức về Vô ngã (Anattā).
An Lạc Và Thanh Thản
Tóm lại, từ nay trở đi, cầu chúc quý vị cố gắng hết sức mình để thực hành, để đạt được sự tuệ giác siêu thế (lokuttara nana), bằng cách chống trả lại sự nhận thức thế tục (loka).
Ước gì những ai hết lòng hành thiền sẽ đón nhận và thấm nhuần sự rung động của Giáo pháp (Dhammadhatu), sự Giác ngộ (bodhidhatu), và Niết bàn (nibbànadhatu) của Ðức Phật.
Ước gì những người này, nhờ thiết lập được Giới, Định, và Tuệ, sẽ hoàn toàn tiêu diệt sự ác, nó là vòng luân hồi, đó là tham, sân, và si (tanhà, mana và miccha-diṭṭhi) và mau chóng đạt thẳng tới sự tận diệt mọi phiền não, là tình trạng siêu việt bản tính của thế giới vật chất này (Saṅkhāra Dhamma).
Ước gì những người này, sau khi đón nhận ánh sáng Niết-bàn, có thể truyền lan sự an lạc và thanh thản trên khắp vũ trụ này.
HỎI VÀ TRẢ LỜI
Hỏi: Chúng ta đã nói khá nhiều về Vô thường. Thế còn giáo lí về Vô ngã, thường được hiểu là “không có bản ngã,” “không có cái ngã tự tại” thì sao? Thông thường chúng ta nghĩ mình cần có một thực thể tự thân để hoạt động trong vũ trụ. Chúng ta có những thuật ngữ như “lòng tự tin,” “lòng tự trọng,” và chúng ta tin rằng một “bản ngã mạnh” là thước đo khả năng của một người để đối diện với cuộc sống hàng ngày. Vậy thì giáo lí về “vô ngã” nghĩa là gì?
S.N.Goenka: Với người chưa cảm nghiệm được giai đoạn “vô ngã,” thì quả thực trong thế giới ngoại tại này phải có một cái tôi, một bản ngã, và bản ngã này phải được kích thích. Nếu tôi không ham muốn một điều gì, tôi sẽ không có đủ sự kích thích để hoạt động. Trong khóa học này, mỗi khi tôi nói rằng ham muốn và dính mắc là có hại, người ta thường vấn nạn rằng nếu không có gắn bó, không có ham muốn, thì đời sống còn có hứng thú gì? Sẽ không có đời sống. Chúng ta sẽ chỉ giống như loài cây cỏ.
Là một người có gia đình và hoạt động kinh doanh ngoài xã hội, tôi có thể hiểu được những vấn nạn của họ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng khi bạn làm việc với phương pháp này và đạt giai đoạn mà cái bản ngã tan biến mất, thì khả năng làm việc của bạn gia tăng gấp bội. Khi bạn sống một đời sống quá ích kỉ, thì thái độ chung của bạn là làm mọi cái có lợi cho mình. Nhưng thái độ này làm bạn căng thẳng khiến bạn cảm thấy rất khổ sở.
Khi bạn thực hành Thiền quán, cái tôi của bạn biến mất, tự nhiên tâm của bạn đầy yêu thương, từ bi, và sự chân thành. Bạn cảm thấy thích làm việc, không chỉ vì lợi ích riêng của bạn, mà còn vì lợi ích của mọi người. Khi sự kích thích của cái tôi ích kỉ biến mất, bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, và có khả năng làm việc được hơn rất nhiều. Ðây là kinh nghiệm bản thân của tôi, và của rất nhiều người đã từng đi theo phương pháp này.
Phương pháp này không làm bạn trở nên thụ động. Một người có tinh thần trách nhiệm trong xã hội thì luôn hoạt động. Cái tan biến mất nơi bạn là thói quen phản ứng mù quáng. Khi bạn sống bằng phản ứng, bạn cảm thấy đau khổ. Khi bạn sống không theo phản ứng, bạn tạo ra cảm giác tích cực.
Hỏi: U Ba Khin là một người có vị trí quan trọng trong xã hội và là một cán bộ nhà nước. Ngài ấy quan niệm thế nào về các vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, v.v…?
S.N. GOENKA: Trong xã hội có nhiều vấn đề quan trọng. Người ta không thể nhân danh việc hành thiền Vipassāna hay bất kỳ loại thiền nào khác để nhắm mắt lại và trốn tránh. Mỗi người cần đóng góp phần của mình. Ðức Phật thường nói: “Nếu bụng của con đói, con không thể thực hành Giáo pháp, không thể hành thiền.” Ðây là điểm rất quan trọng.
Mọi chiến tranh đều tai hại. Nhưng chỉ có mục tiêu lí tưởng là giữ cho xã hội tránh được chiến tranh thì không ích lợi gì. Mọi cá nhân phải giải phóng mình khỏi những xung đột bên trong. Những xung đột trong xã hội, giữa các quốc gia, các cá nhân — tất cả tồn tại là vì những sự xấu xa trong tâm của các cá nhân.
Con người là chúng sanh trong xã hội. Họ không thể sống cách li khỏi xã hội, cũng không có lợi gì khi sống cách li xã hội. Mọi đóng góp của họ cho xã hội trong tư cách một thành viên của xã hội, bằng cách góp phần xây dựng hòa bình và hoà hợp, là thước đo giá trị của họ như một thành viên có ích cho xã hội. Những con người bất hòa không những chỉ căng thẳng và đau khổ nơi bản thân mình, mà còn làm những người chung quanh mình đau khổ vì sự căng thẳng và bất hòa của họ.
Vì vậy, rõ ràng nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội hạnh phúc và hòa hợp, thì chúng ta cũng phải làm cho mỗi cá nhân hạnh phúc, mạnh khỏe và hòa hợp. Chỉ khi mỗi cá nhân có tâm thanh tịnh và an lạc, chúng ta mới hi vọng có hòa bình trong xã hội. Giáo pháp là một con đường độc đáo để đạt sự an bình cho cá nhân, vì thế là con đường đạt tới an bình và hòa hợp cho xã hội và thế giới.
Hỏi: Người hành thiền Vipassāna đóng vai trò gì trong lãnh vực hoạt động xã hội — ví dụ, trong việc giúp đỡ người khác, người nghèo, người đói, người bị bỏ rơi, người vô gia cư, người bệnh tật, v.v…?
S.N. GOENKA: Giúp đỡ người khác là điều tuyệt đối cần thiết đối với người đi theo con đường Giáo pháp. Tất nhiên, đối với người hành thiền, mục tiêu là đạt tâm thanh tịnh. Nhưng một dấu chỉ của tâm thanh tịnh là sự gia tăng ước muốn giúp đỡ người khác. Một tâm thanh tịnh sẽ luôn luôn tràn đầy từ bi và yêu thương. Không thể nào nhìn thấy người khác đau khổ ở khắp nơi mà trong lòng lại nghĩ: “Mặc kệ, không hệ gì đến tôi. Tôi phải lo sự giải thoát của bản thân mình.” Thái độ này chứng tỏ sự thiếu phát triển về Giáo pháp. Nếu một người tiến tới trong Giáo pháp, người ấy có thể giúp đỡ và phục vụ người khác một cách tự nhiên trong mọi lãnh vực, tùy theo khả năng của mình.
Nhưng trong khi bạn phục vụ người khác trong những hoạt động xã hội khác nhau, như trong một trường học, một bệnh viện hay một tổ chức nào khác, bạn có thể nghĩ sai lạc rằng: “Bây giờ tôi đã thực sự có tâm thanh tịnh và đang cống hiến tất cả thời giờ của tôi để giúp đỡ người khác, việc thanh tẩy tâm của tôi có thể tự nó tiếp tục diễn ra. Tôi có thể bỏ việc hành thiền sáng tối vì bây giờ tôi đang bận quá. Tôi đang cống hiến một sự phục vụ lớn cho xã hội.” Thật là một sai lầm to lớn. Nếu bạn có tâm thanh tịnh thực sự, thì bất kỳ sự phục vụ nào của bạn cũng sẽ đều thực sự mạnh mẽ, hiệu quả và mang lại những kết quả tốt.
Hãy tiếp tục thanh tẩy tâm, tiếp tục xét xem tâm của bạn có thực sự thanh tịnh hay không, và tiếp tục phục vụ người khác mà không mong được đáp trả bất cứ điều gì. Các cá nhân tốt lành và hòa hợp là nền tảng của mọi xã hội lành mạnh và hòa hợp. Chỉ khi mọi cá nhân có tâm thanh tịnh và an bình, chúng ta mới trông mong có sự an bình và hòa hợp trong xã hội. Thiền quán là một phương Ba la mật chu đáo để cá nhân đạt sự an bình và hòa hợp, vì thế nó là phương thế lí tưởng để đạt sự an bình và hòa hợp trong xã hội.
Hỏi: Ngài khuyên người ta sử dụng phương pháp thiền này thế nào trong đời sống hàng ngày của họ:
S.N. GOENKA: Việc đầu tiên là tăng cường và hoàn hảo việc sống theo giới luật hay đời sống Đạo đức. Năm giới luật chúng tôi giảng dạy — không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nghiện ngập — là nền tảng. Một khi người ta phạm một trong những giới luật này, sự định tâm của họ trở nên suy yếu, và tuệ giác của họ nông cạn. Bạn không thể sống trên bình diện những cảm giác của bạn; nếu không, bạn sẽ chỉ sống bằng những trò chơi của trí óc ở lớp vỏ bề ngoài của tâm. Nhưng nếu giới của bạn mạnh, bạn có thể bắt đầu đi vào chiều sâu của tâm. Và khi đó, khi đã đi vào chiều sâu và nhổ sạch tận gốc rễ dù chỉ một số điều tiêu cực nơi bạn, thì giới và định đều trở nên mạnh mẽ. Cả ba yếu tố này trợ giúp lẫn nhau.
Việc kế tiếp là: trong khi bạn làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc của bạn. Ðó chính là việc hành thiền của bạn trong lúc đó. Nhưng khi bạn rảnh rỗi, dù chỉ trong năm phút, hãy tập trung ý thức vào các cảm giác của bạn với cặp mắt mở to. Khi bạn không có gì để làm, hãy quán sát các cảm giác của bạn. Việc này sẽ cung cấp sức lực cho bạn trong khi bạn thi hành các nhiệm vụ. Ðó là cách mà mọi người đều có thể dùng phương pháp này trong đời sống hàng ngày của họ.
Hỏi: Có thể có sự tham ái và sân hận lành mạnh không — ví dụ như ghét sự bất công, khao khát tự do, sợ bị thương tổn thể xác?
S.N. Goenka: Tham ái và sân hận không bao giờ có thể là lành mạnh. Chúng luôn làm bạn căng thẳng và đau khổ. Nếu bạn hành động với tâm tham ái và sân hận, thì có thể bạn có một mục đích xứng đáng đấy, nhưng bạn dùng một phương tiện không lành mạnh để đạt mục đích đó. Tất nhiên, bạn phải hành động để bảo vệ mình khỏi nguy hiểm.
Bạn có thể hành động như thế khi quá sợ hãi, nhưng khi hành động như thế, bạn đã phát triển một mặc cảm sợ hãi sẽ gây thiệt hại cho bạn về lâu về dài. Hoặc là khi hành động với sự thù ghét trong tâm, có thể bạn cũng thành công trong việc chống lại bất công, nhưng sự thù ghét đó sẽ trở thành một mặc cảm tâm linh có hại. Bạn phải chiến đấu chống bất công, bạn phải bảo vệ mình khỏi nguy hiểm, nhưng bạn phải làm điều này với một tâm thanh thản, không căng thẳng. Và khi bạn hành động một cách quân bình, bạn có thể hành động để đạt một điều gì tốt vì yêu thương người khác. Tâm quân bình luôn luôn có ích và sẽ mang lại những kết quả tốt nhất.
Hỏi: Ham muốn vật chất để làm cho đời sống dễ chịu và thoải mái hơn thì có gì là sai?
S.N. GOENKA: Nếu là nhu cầu thực sự, thì chẳng có gì sai cả, miễn là bạn không quá quyến luyến nó. Ví dụ bạn khát, bạn muốn uống nước; không có gì xấu cả. Bạn cần uống nước — vì vậy bạn cố gắng đi kiếm nước để làm dịu cơn khát của bạn. Nhưng nếu nó trở thành một ám ảnh, thì nó sẽ làm hại bạn chứ không có ích cho bạn. Bạn cần điều gì, thì cứ làm việc để đạt được nó. Nhưng nếu bạn không đạt được, hãy cứ mỉm cười và tìm cách khác để đạt được nó. Nếu bạn thành công, hãy vui hưởng điều bạn đạt được, nhưng đừng quyến luyến nó.
Hỏi: Thế còn dự tính kế hoạch cho tương lai thì sao? Ngài có gọi nó là tham ái không?
S.N. GOENKA: Ở đây cũng thế, tiêu chuẩn là xét xem bạn có quyến luyến kế hoạch của bạn không. Ai ai cũng phải lo cho tương lai của mình. Nếu kế hoạch của bạn thất bại và bạn bắt đầu than khóc, tức là bạn đã tỏ ra quyến luyến nó rồi đấy. Nhưng nếu bạn thất bại mà vẫn mỉm cười và nghĩ, “Không sao, mình đã cố gắng hết sức rồi. Nếu mình thất bại thì sao? Mình sẽ thử lại.” — Như thế bạn hành động mà không có sự quyến luyến, và bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc.