HỎI & ĐÁP VỚI THIỀN SƯ GOENKA VỀ PHÁP HÀNH VISPASSANA

 

Ông Goenka là một cư sĩ Thiền sư Vipassana theo truyền thống của Đại Thiền sư quá cố Sayagyi U Ba Khin, người Miến điện (Myanmar). Mặc dù gốc là người Ấn độ, Ngài Goenka sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian cư ngụ tại Miến điện, Ngài đã may mắn được gặp U ba Khin và được truyền dậy phương pháp Thiền Vipassana.

Sau khi thụ huấn với sư phụ được mười bốn năm, Ngài Goenka về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu giảng dạy Vipassana vào năm 1969. Trong một quốc gia còn nhiều chia rẽ bởi những giai cấp và tôn giáo khác nhau, những khoá thiền do Ngài Goenka hướng dẫn đã thu hút hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Thêm vào đó, nhiều người từ những quốc gia trên khắp thế giới đã tới tham dự những khoá Thiền Vipassana. Ngài Goenka đã giảng dạy cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn độ và những nước khác, cả Đông phương lẫn Tây phương.

Năm 1982, Ngài bắt đầu bổ nhiệm những Thiền sư phụ tá để giúp thỏa mãn nhu cầu về thiền càng ngày càng gia tăng. Những Trung tâm Thiền đã được thành lập tại Ấn độ, Gia nã đại, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Nhật, Tích lan, Thái, Miến điện, Nepal, và những nước khác. Phương pháp mà Thiền sư S.N. Goenka giảng dạy tiêu biểu cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không hề giảng dạy một giáo phái nào; Ngài giảng dạy Dhamma (Pháp), con đường giải thoát và đây là đường lối phổ quát. Cùng một truyền thống đó, đường lối của Ngài Goenka cũng hoàn toàn không tông phái. Vì lý do này, sự giảng dạy của Ngài thu hút mạnh mẽ mọi người thuộc mọi giai cấp, mọi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào, và từ khắp nơi trên thế giới.

1. Làm thế nào để có thể tránh được nghiệp?

Hãy là chủ nhân của chính tâm bạn. Toàn bộ kỹ thuật (niệm thọ) này dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của chính bạn. Nếu bạn không phải là chủ nhân của tâm bạn, do lề thói quen cũ, bạn sẽ tiếp tục thực hiện những hành động hay nghiệp (Kamma) ấy, điều mà bạn không muốn làm. Trên phương diện tri thức bạn hiểu: “Ta không nên làm những hành động này”. Tuy vậy, bạn vẫn thực hiện hành động ấy, vì bạn không làm chủ được tâm mình. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn trở thành chủ nhân của chính tâm bạn.

2. Mục đích tối hậu của cuộc sống là gì? Tức là, mọi sự hòa hợp này rồi sẽ dẫn đến gì?

Cuộc sống tối hậu, mục đích tối hậu, là ngay ở đây và bây giờ (ngay trong hiện tại). Nếu bạn cứ tiếp tục chờ đợi một điều gì đó trong tương lai mà không có được gì trong hiện tại, thì đây là một ảo tưởng. Nếu ngay hiện tại bạn cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp, thì rất có khả năng bạn sẽ đạt đến mục đích, mục đích ấy không phải là gì cả ngoài sự bình yên và hòa hợp. Vì vậy, hãy kinh nghiệm nó trong hiện tại, ngay trong khoảnh khắc này. Lúc ấy bạn thực sự đã ở trên Chánh Đạo.

3. Làm thế nào một người sống đúng Pháp thực sự có thể đương đầu với thế gian phi Pháp (ADhamma) này?

Đừng cố gắng thay đổi thế gian phi Pháp (adhammic worrld). Hãy cố gắng thay đổi cái phi Pháp trong chính bạn, cái cách mà bạn đang phản ứng và tự làm cho mình đau khổ ấy. Như tôi đã nói, khi ai đó mắng chửi bạn, hãy hiểu rằng con người này đang đau khổ. Đó là vấn đề của người ấy. Tại sao lại làm cho nó thành vấn đề của bạn? Tại sao lại sinh ra nóng giận để trở nên đau khổ? Làm như thế có nghĩa là bạn không phải là chủ nhân của chính bạn, mà bạn là nô lệ của người đó. Bất cứ khi nào người đó muốn, họ có thể làm cho bạn đau khổ. Bạn là nô lệ của người khác, của người đau khổ ấy. Bạn đã không hiểu Pháp. Hãy là chủ nhân của chính mình và sống một cuộc sống đúng Pháp dù quanh bạn là những tình huống phi Pháp.

4. Có con đường nào ngắn hơn không?

Tôi phải nói đây là con đường ngắn nhất rồi; bạn phải đi vào cội nguồn của vấn đề của bạn. Và cội nguồn của vấn đề nằm ở bên trong, không phải bên ngoài. Nếu bạn biết cách làm thế nào để đi vào bên trong, nếu bạn bắt đầu thay đổi một thứ ở mức gốc rễ, thì đây là con đường ngắn nhất cho bạn để đi ra khỏi khổ đau rồi.

5. Một số người (tâm) có những ô nhiễm, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc, không có vẻ gì là đau khổ cả. Xin Ngài hãy vui lòng giải thích.

Bạn đâu có đi vào tâm những người này mà biết. Một người có thể có nhiều tiền của, và những người khác có thể cảm thấy: “Thật là một con người hạnh phúc. Xem kìa, Ngài ta có quá nhiều tài sản”. Nhưng cái mà bạn không biết là người này không thể ngủ ngon; Ngài ta phải dùng đến thuốc ngủ, đây là một con người rất khốn khổ. Đi sâu vào bên trong, bạn có thể biết được mình đau khổ như thế nào. Ở bề ngoài, bạn không thể hiểu người này, người kia đau khổ hay hạnh phúc bằng cách nhìn mặt họ được. Khổ đau nằm tận sâu bên trong.

6. Làm thế nào để đối phó với chứng mất ngủ?

Thiền Minh sát sẽ giúp bạn. Khi người ta không thể ngủ cho ra ngủ, nếu họ nằm xuống và quan sát hơi thở hay cảm thọ, họ có thể ngủ ngon. Cho dù, họ không ngủ ngon chăng nữa, hôm sau thức dậy họ vẫn cảm thấy rất tươi tỉnh. Như thể, họ vừa thức giấc sau một giấc ngủ sâu vậy. Hãy cố gắng thực hành và bạn sẽ thấy rằng thiền Minh sát rất hữu ích.

7. Sự thích ứng của Pháp (Dhamma) đối với một người vô gia cư, đói rách là gì?

Rất nhiều người sống trong những khu nhà ổ chuột đã đến dự các khóa thiền Minh sát và thấy rằng nó rất hữu ích. Bao tử họ rỗng (đói), nhưng tâm họ cũng rất là kích động. Với cái tâm dao động như vậy, họ không thể giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhờ thiền Minh sát, họ biết cách làm thế nào để giữ cho tâm an tịnh và buông xả.

Lúc đó, họ có thể đương đầu với những vấn đề của họ và có được những kết quả khả quan hơn trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi thấy rằng, dù sống trong những khu nhà ổ chuột này rất nghèo, song hầu hết, tiền bạc họ kiếm được lại dùng để uống rượu và cờ bạc. Sau khi dự vài khóa thiền, họ thoát khỏi cờ bạc, rượu chè và mọi nghiệp ngập. Pháp rất lợi ích cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo. Pháp không có sự phân biệt nào cả.

8. Tác động của Vipassanã (Thiền Minh sát) trên các luân xa (chakras) của thân vi tế là gì?

Luân xa chẳng qua chỉ là những trung khu thần Kinh trên cột xương sống. Vipassanã sẽ đưa bạn đến giai đoạn này. Bạn có thể cảm nhận mọi hoạt động trong từng nguyên tử nhỏ bé của thân bạn. Luân xa chỉ là một phần của nó. Hoạt động này có thể được kinh nghiệm ở toàn thân.

9. Ngài định nghĩa sự sống vĩnh hằng trong hệ thống thiền của Ngài như thế nào?

Đây không phải là hệ thống thiền của tôi! Đây là một hệ thống thiền của Ấn Độ cổ xưa. Sự sống là vĩnh hằng, nhưng bạn phải làm cho nó thanh tịnh đã. Nhờ vậy, bạn sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp và hữu ích hơn. Đừng cố gắng truy tìm khởi nguyên của cuộc sống hay khi nào sự sống bắt đầu. Bạn sẽ được gì khi biết những điều ấy? Sự sống đang bắt đầu trong từng sát na; trái banh này đang lăn. Nó đang lăn sai hướng và bạn là một con người đau khổ. Hãy đi ra khỏi đau khổ ấy. Điều đó quan trọng hơn bất cứ chuyện gì khác.

10. Làm thế nào để thoát khỏi cơn giận?

Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn. Hãy quan sát cơn giận của bạn, và bạn sẽ thoát khỏi nó. Và để quan sát cơn giận, bạn phải học cách làm thế nào để quan sát hơi thở của bạn, và làm thế nào để quan sát các cảm thọ của bạn.

11. Những người hành nghề chuyên nghiệp rất ít thời gian, có thể hành thiền như thế nào?

Thiền đối với những người hành nghề chuyên nghiệp vẫn quan trọng hơn chứ! Những người chủ gia đình, có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, cần hành thiền Minh sát nhiều hơn, vì họ phải đối diện với những tình huống trong cuộc sống có quá nhiều thăng trầm. Họ trở nên kích động do những thăng trầm này. Nếu họ biết minh sát, họ có thể đương đầu với cuộc sống tốt hơn. Họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và chính xác, điều ấy sẽ rất hữu ích cho họ. Đối với các nhà chuyên nghiệp, các nhà quản trị và những người có trách nhiệm khác, thiền Minh sát là một lợi ích lớn.

12.  Ngài có tin tái sanh không?

Chuyện tôi tin hay không tin sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn. Hãy hành thiền, bạn sẽ đạt đến giai đoạn đó. Bạn có thể thấy được quá khứ và tương lai của mình nữa. Chỉ lúc ấy, bạn hãy tin. Đừng tin điều gì chỉ vì Thầy của bạn nói như vậy. Nếu không, bạn sẽ ở dưới quyền kiểm soát của vị Thầy, một điều đi ngược lại Pháp.

13. Tâm là gì? ở đâu?

Đây là những gì bạn sẽ hiểu nhờ hành Minh sát. Bạn sẽ làm một cuộc nghiên cứu phân tích về tâm cũng như về sắc thân của bạn, và sự tương quan giữa tâm và thân này.

14.  Chúng ta có thể làm cho người khác bình yên như thế nào?

Hãy tự làm cho bạn bình yên đã! Chỉ khi ấy, bạn mới có thể làm cho người khác bình yên được.

15.  Tôi đồng ý rằng thiền này sẽ giúp ích cho tôi, nhưng nó giải quyết các vấn đề xã hội như thế nào?

Xã hội, suy cho cùng, chỉ là một nhóm các cá nhân họp lại. Chúng ta muốn giải quyết các vấn đề xã hội, ấy vậy mà chúng ta lại không muốn giải quyết các vấn đề của cá nhân. Chúng ta muốn bình yên trên thế giới, thế nhưng, chúng ta lại không làm gì cho sự bình yên của cá nhân. Điều này làm sao có thể được? Nếu mỗi cá nhân kinh nghiệm được sự bình yên và hòa hợp, lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rằng toàn xã hội này cũng bắt đầu cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp.

16.  Tôi không thể nào đè nén được cơn giận của mình, dù rất cố gắng.

Đừng đè nén nó. Hãy quan sát cơn giận! Nếu bạn đè nén nó, nó càng đi vào mức sâu hơn của tâm bạn. Những phức cảm này càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, và để thoát khỏi nó là điều rất khó. Chỉ việc quan sát cơn giận. Không đè nén, cũng không biểu lộ. Chỉ quan sát.

17.  Cơn giận và sự quan sát là đồng thời hay sự quan sát là một tiến trình khởi lên sau khi suy nghĩ?

Không, đó không phải là sự suy nghĩ. Bạn quan sát cùng một lúc, khi cơn giận nổi lên.

18.  Nếu một người nào cố tình làm cho cuộc sống của ta đau khổ. Làm thế nào để dung thứ chuyện này?

Quan trọng hơn hết, đừng cố gắng thay đổi người khác. Hãy cố gắng thay đổi chính bạn. Một người nào đó cố tình làm cho bạn đau khổ. Song, bạn trở nên đau khổ là vì bạn đang phản ứng lại điều này. Nếu bạn học được cách làm thế nào để quan sát sự phản ứng của bạn, thì không ai có thể làm cho bạn đau khổ được. Khổ đau nơi người khác nhiều cỡ nào cũng không thể làm cho bạn đau khổ được, nếu bạn học cách giữ thái độ buông xả tận sâu bên trong. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn. Một khi, bạn thoát khỏi khổ đau ở sâu bên trong, điều này cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến những người khác. Chính con người đang làm hại bạn cũng sẽ dần dần thay đổi.

19.  Phải chăng tha thứ người phạm tội là khuyến khích tội lỗi?

Không hề khuyến khích tội lỗi. Ngăn cản người khác phạm tội, nhưng không có lòng sân hận đối với người phạm tội. Phải có lòng từ ái và bi mẫn. Người này là một người đau khổ, một người vô minh, không biết những gì mình đang làm. Họ đang tự hại bản thân và hại người khác. Vì thế, bạn dùng tất cả sức mạnh của thân và lời nói để ngăn không cho người này phạm tội, nhưng với lòng từ ái và bi mẫn với họ. Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn.

20.  Liệu chúng ta có được chuyển hóa hoàn toàn và hạnh phúc hoàn toàn nhờ Minh sát không?

Đó là một tiến trình thăng tiến. Khi bạn khởi sự thực hành, bạn sẽ thấy rằng bạn đang cảm nghiệm ngày càng nhiều an vui, và cuối cùng bạn sẽ đạt đến giai đoạn được xem là hoàn toàn hạnh phúc. Bạn sẽ trở nên càng lúc càng thay đổi, và bạn sẽ đạt đến một giai đoạn được xem là hoàn toàn chuyển hóa. Đó là tiến trình thăng tiến.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app