Giáo Án Trường Bộ Kinh 

Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapanhà Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã giải thích những thắc mắc của Thiên Chủ SAKKA cùng với Thiên Chúng tại hang động INDASÀLA, trên ngọn núi VEDIYA, phía Bắc ngôi làng Bà La Môn AMBASANDÀ, thuộc phía Đông thành RÀJAGAHA, xứ MAGADHA.

Duyên Khởi:

Thiên Chủ SAKKA náo nức muốn chiêm ngưỡng đức Thế Tôn và muốn được vấn đạo đặng tìm cầu lợi ích cho tự thân.

Chánh Kinh:

Càn Thát Bà PANCASIKHA tạo duyên cho Thiên Chủ SAKKA được yết  kiến đức Phật

Vì đức Phật thường hoan hỷ thỏa thích trong Thiền Định, nên Thiên Chủ SAKKA đã nhờ Càn Thát Bà PANCASIKHA với nghệ thuật đàn và hát tinh xảo của mình, sẽ làm cho đức Thế Tôn xả định, và như thế sẽ được yết kiến hầu thỏa lòng khao khát được chiêm ngưỡng Ngài.

PANCASIKHA đi đến vừa tầm khoảng cách với đức Phật và đứng tại đấy, khảy cây đàn cầm bằng gỗ vàng BELUVA, và hát lên một bài ca trữ tình, tán dương Phật, Pháp, bậc Thánh A La Hán, và mối tình ái lạc của mình với nàng BHADDÀ, con của vua Càn Thát Bà.

“Ôi SURIYA VACCASA! Ta đảnh lễ TIMBARU, phụ thân nàng, Đã sanh nàng Thiện Nữ, nguồn hạnh phúc của Ta.

Như gió cho kẻ mệt, như nước cho kẻ khát,

Nàng là tình của Ta, như Pháp với Ứng Cúng. Như thuốc cho kẻ bệnh, như đồ ăn cho kẻ đói, Thiện Nữ với nước mát, hãy dập tắt lửa tình! Như voi bị nắng thiêu, tẩm mình hồ nước mát, Có cánh sen, nhụy sen.

Cũng vậy, Ta muốn chìm, chìm sâu khuôn ngực nàng, Như voi bị xiềng xích, hất móc câu, gậy nhọn,

Ta điên vì ngực nàng, hành động Ta rối loạn. Tâm Ta bị nàng trói, di chuyển thật vô phương, Rút lui cũng bất lực, như cá đã mắc câu.

Hiền Nữ hãy ôm Ta, trong cánh tay của nàng, Hãy ôm Ta, nhìn Ta, trong ánh mắt dịu hiền. Hãy ghì chặt lấy Ta, Thiện Nữ! Ta van nàng! Ôi Hiền Nữ suối tóc, Ái Dục Ta có bao!

Nhưng nay đã tăng bội, như đồ chúng La Hán! Mọi công đức Ta làm, dâng lên bậc La Hán, Ôi Kiều Nữ toàn thiện, Nàng là quả của Ta!

Công đức khác của Ta, đã làm trên đời này! Ôi Kiều Nữ toàn thiện, Nàng là quả của Ta! Vị Thích Tử thiền tu, nhứt tâm và giác tỉnh, Tìm cầu đạo Bất Tử, cũng vậy Ta cầu Nàng!

Như người tu sung suớng, chứng Bồ Đề tối thượng, Kiều Nữ, Ta sung sướng, được nhập một với Nàng. 

Nếu Thiên Chủ SAKKA, cho Ta một ước nguyện, Ta ước nguyện được Nàng, vì Ta quá yêu Nàng! Như Ta La sanh quả, Tuệ Nữ, phụ thân Nàng!

Ta sẽ đảnh lễ Ngài vì sanh Nàng vẹn toàn.”

Đức Phật đã khen ngợi PANCASIKHA và hỏi học bài ca này từ đâu, có liên hệ đến Phật, Pháp, A La Hán, và đến ái dục.

PANCASIKHA trả lời là do có yêu nàng BHADDÀ, với biệt hiệu SURIYA VACCASÀ, nhưng không được yêu lại vì BHADDÀ đã yêu một người khác, tên là SIKHADDHI, con của MÀTALI người đánh xe. Nên PANCASIKHA đã làm bài ca này để tỏ nỗi lòng của mình, với nội dung rất đặc biệt, đã làm cho BHADDÀ cảm động và đi đến gặp gỡ với nhau.

Sau đó, Thiên Chủ SAKKA cùng Thiên Chúng đi vào hang núi và yết kiến đức Thế Tôn. Thiên Chủ SAKKA nói đã nhiều phen muốn đến với đức Phật, nhưng đều gặp trở ngại, hôm nay được diện kiến, thật thỏa lòng ao ước và tán thán sự ra đời của đức Thế Tôn, làm cho Chư Thiên được tăng thịnh, và hàng A-tu-la bị suy giảm.

Thiên Chủ dẫn chứng qua câu chuyện của thiếu nữ có tên GOPIKÀ, ở tại KAPILAVATTHU, nhờ thuần tín vào Tam Bảo, trau giồi giới hạnh cụ túc, loại bỏ tâm niệm nữ tính, và tu tập tâm niệm nam tính. Khi thân hoại mạng chung, thì được sanh về Tam Thập Tam Thiên và được gọi là Thiên Tử GOPAKÀ. Trái lại, có ba vị tỳ khưu trước đây đã từng thọ lãnh vật cúng dường của thiếu nữ GOPIKÀ, nhưng cứ mãi vui thích dục lạc, nên khi thân hoại mạng chung, phải thọ sanh làm Càn Thát  Bà. Thiên Tử GOPAKÀ có lời trách ba vị này, đã tác động đến hai vị nỗ lực tinh cần tu tập, và nhờ vậy đạt quả vị thù thắng hơn, được sanh làm phụ tá cho Phạm Thiên. Còn một vị cam phận Càn Thát Bà vì vẫn vui thích dục lạc.

Cuối cùng, đức Phật đã thuận ý giải đáp những thắc mắc của Thiên Chủ SAKKA.

“VÀSAVA hãy hỏi Ta,

Những gì tâm Ngươi muốn! Mỗi câu hỏi của Ngươi,

Ta làm Ngươi thỏa mãn.”

Đức Phật giải đáp những thắc mắc của Thiên Chủ SAKKA

Do kiết sử nào, chúng sanh đã phải sống trong hận thù, với thù nghịch, với ác ý đả thương lẫn nhau?

Tật đố và xan tham là hai nguyên nhân chánh yếu.

Do nhân duyên nào khởi sanh tật đố và xan tham?

Do ưa và ghét làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh khởi, và làm cho hiện hữu. Và ngược lại, ưa ghét không hiện hữu, tật đố và xan tham cũng không hiện hữu.

Do nhân duyên nào khởi sanh ưa và ghét?

Do dục làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh khởi, và làm cho hiện hữu. Và ngược lại, dục không hiện hữu, ưa ghét cũng không hiện hữu.

Do nhân duyên nào khởi sanh dục?

Do tầm (tìm kiếm) làm nhân duyên, làm tập khởi, tầm khiến dục sanh, và tầm khiến dục hiện hữu. Và ngược lại, tầm không hiện hữu, mà dục cũng không hiện hữu.

Do nhân duyên nào khởi sanh tầm?

Do các loại vọng tưởng làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh khởi, và làm cho hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hiện hữu, tầm hiện hữu. Do các loại vọng tưởng không hiện hữu, tầm không hiện hữu.

Phải thành tựu con đường nào thích hợp và hướng dẫn diệt trừ các loại  vọng tưởng?

Có hai loại: Một loại nên thân cận và một loại không nên thân cận.

Phải biết nên thân cận với Hỷ, Ưu, Xả, làm cho Thiện Pháp tăng trưởng, và phải biết không nên thân cận với Hỷ, Ưu, Xả làm cho Bất Thiện Pháp tăng trưởng.

Với Hỷ, Ưu, Xả câu hữu với Tầm và câu hữu với Tứ. Và với Hỷ, Ưu, Xả không câu hữu với Tầm và không câu hữu với Tứ. Các loại Hỷ, Ưu, Xả không câu hữu với Tầm và không câu hữu với Tứ, là thù thắng hơn.

Vị tỳ khưu phải làm như thế nào để thành tựu về biệt giải thoát luật nghi?

Có hai loại: Một loại nên thân cận và một loại không nên thân cận.

Phải biết nên thân cận với Thân Hành, Ngữ Hành, và Tầm Cầu, làm cho Thiện Pháp tăng trưởng, và phải biết không nên thân cận với Thân Hành, Ngữ Hành, và Tầm Cầu, làm cho Bất Thiện Pháp tăng trưởng.

Vị tỳ khưu phải làm như thế nào để thành tựu hộ trì các căn?

Có hai loại: Một loại nên thân cận và một loại nên tránh

Phải biết nên thân cận các loại Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc, Pháp làm cho Thiện Pháp tăng trưởng, và phải biết nên tránh xa các loại Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc, Pháp làm cho Bất Thiện Pháp tăng trưởng.

Có phải tất cả Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một tư tưởng, đồng một  giới hạnh, đồng một mong cầu, đồng một chí hướng?

  • Không có thể có được như vậy.
  • Vì thế gian này gồm có nhiều loại giới, nhiều giới sai biệt.
  • Các loài hữu tình thường nhiên thiên chấp một loại giới nào, và khi đã thiên chấp thì trở thành kiên trì cố thủ với định kiến: “Đây là sự thật, ngoài ra toàn là si mê.”
  • Do đó, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, và không đồng một chí hướng.

Vì sao tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích?

Chỉ những vị Sa Môn, Bà La Môn nào đã giải thoát tham ái, thì mới đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích.

Do đó, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích?

Thiên Chủ SAKKA hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn

Những câu trả lời của đức Phật đã làm cho Thiên Chủ SAKKA thoát khỏi mọi nghi hoặc, mà trước đây chính những câu hỏi trên, Thiên Chủ SAKKA đã đi đến hỏi các vị Sa Môn, Bà La Môn khác ngoài giáo phái, thì các vị này đều không thể giải đáp được. Cuối cùng, chính Thiên Chủ SAKKA đã giảng dạy Chánh Pháp mà tự thân đã được nghe, đã được học cho các vị này, và các vị này đã trở thành đệ tử của Thiên Chủ

Sau đó, Thiên Chủ SAKKA tán dương cảm giác thoải mái hoan hỷ do nghe Chánh Pháp bởi đức Thế Tôn đem lại, thù thắng hơn một chiến thắng của Chư Thiên và các vị A-tu-la. Bởi lẽ cảm giác thoải mái hoan hỷ này sẽ đưa đến hoàn toàn sự yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, và Níp Bàn.

Khi Thiên Chủ SAKKA cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy, thì thọ nhận sáu điều lợi ích như sau:

1.    Thấy biết được việc tái sanh

“Nay con đứng tại đây,

Với thân một vị Thiên.

Con thấy được tái sanh,

Tôn Giả hãy biết biết vậy.” 

2.    Tỉnh giác đi thọ sanh

“Sau khi chết con bỏ,

Thân Chư Thiên, phi nhân.

Không muội lược, con đi,

Đến bào thai, con thích.” 

3.    Sống với Chánh Niệm, Tỉnh Giác, và Chánh Trí

“Câu hỏi được đáp rõ,

Hoan hỷ trong Chánh Giáo.

Con sống với Chánh Trí,

Giác tỉnh và Chánh Niệm.” 

4.    Với Chánh Trí sẽ thành đạt quả vị giác ngộ

“Con sống với Chánh Trí,

Sẽ được quả Bồ Đề.

Sống làm vị Chánh Giác,

Đời này đời cuối cùng.”

5.    Từ bỏ thân người, thành một vị Trời trong thế giới Vô Thượng 

“Chết từ thân con người,

Con từ bỏ thân người.

Con sẽ thành Chư Thiên,

Trong Thiên giới vô thượng.”

6.    Thù thắng hơn Chư Thiên và an trú với đời sống cuối cùng

“Thù thắng hơn Chư Thiên,

AKANITTHA danh xưng,

Sống đời sống cuối cùng,

Như vậy nơi an trú.” 

Thiên Chủ SAKKA vô cùng hoan hỷ cảm thọ thoải mái và hỷ lạc, thốt lên bài kệ:

“Tâm tư không thỏa mãn, Nghi ngờ và do dự.

Con sống cầu Như Lai, Thời gian khá lâu dài! Con nghĩ các Sa Môn, Sống một mình cô độc.

Là bậc Chánh Đẳng Giác, Nghĩ vậy con tìm gặp.

Làm thế nào thành công? Làm thế nào thất bại?

Được hỏi câu hỏi vậy, 

Không thể chỉ đường hướng. Biết con là SAKKA,

Bậc Thiên Chủ, đã đến! Chúng liền gạn hỏi con, Đến đây có việc gì?

Con liền giảng Chánh Pháp, Con được nghe cho chúng. Hoan hỷ, chúng bèn nói:

“VÀSAVA làm chúng thấy!” Khi con được thấy Phật,

Nghi ngờ đều tiêu tan. Nay con sống vô úy,

Hầu hạ bậc Chánh Giác. Mũi tên độc tham ái,

Đấng Chánh Giác nhổ lên., Con đảnh lễ Đại Hùng, Bậc thân tộc mặt trời.

Tôn giả như Phạm Thiên, Được Chư Thiên đảnh lễ. Nay con đảnh lễ Ngài,

Nay con kính lễ Ngài!

Ngài là bậc Chánh Giác, Bậc Đạo Sư vô thượng. Trong đời kể Chư Thiên, Không ai sánh với Ngài!”

Cuối cùng, Thiên Chủ SAKKA khen thưởng PANCASIKHA, con của Càn Thát Bà, và hứa sẽ đóng vai Thân Phụ để kết hợp nàng BHADDÀ với PANCASIKHA.

Kết Luận:

Thiên Chủ SAKKA thỏa lòng ao ước, đọc kệ cảm hứng với Quả Dự Lưu, Pháp Nhãn thanh tịnh vô cấu, đã chứng đắc cùng với 80,000 Chư Thiên cũng chứng quả tượng tự, và đảnh lễ đức Thế Tôn.

“Đảnh lễ đấng Thế Tôn,

Bậc La Hán, Chánh Giác!

Đảnh lễ đấng Thế Tôn, 

Bậc La Hán, Chánh Giác!

Đảnh lễ đấng Thế Tôn,

Bậc La Hán, Chánh Giác!”

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app