Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Quả Báo Sa Môn (Sàmaññaphala Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho vua AJÀTASATTU (À Xà Thế, con bà VIDEHI, trị vì nước MAGADHA, Ma Kiệt Đà) cùng với 1 ngàn 250 vị tỳ khưu tăng vào ngày Rằm Tháng Mười (KOMUDI – là ngày cuối cùng của bốn tháng mùa mưa) tại khu vườn xoài của ông JÌVAKA KOMÀRABHACCA.

Duyên Khởi:

Nhận lời thỉnh mời của quan đại thần JÌVAKA, vua AJÀTASATTU đi đến với đức Phật, vấn hỏi những quả báo thiết thực hiện tại của Sa Môn hạnh, ngõ hầu tìm lại trạng thái an ổn tinh thần, để không luôn bị dao động, không thoải mái bất an sau khi đã tạo một Cực Trọng Nghiệp là giết Cha (đức vua BIMBISÀRA).

Chánh Kinh:

Khi được hội kiến với đức Phật, vua AJÀTASATTU hoan hỷ kể lại những chủ thuyết của sáu vị ngoại đạo ngay sau khi đã được vấn hỏi về vấn đề Quả Báo Sa Môn. Và những câu trả lời của các vị Giáo Chủ này đã không làm cho Nhà Vua có được sự thỏa mãn hài lòng.

  1. Chủ thuyết của PURANÀ KASSAPA:

Theo tư tưởng “Vô Hành Kiến” (thuyết Vô Nghiệp), cho rằng tất cả những hành động tạo tác dù Thiện hay Bất Thiện đều không gặt hái kết quả.

  1. Chủ thuyết của MAKKHALI GOSÀLA:

Theo tư tưởng “Vô Nhân Kiến” và thuyết luân hồi tiến hóa, cho rằng tất cả những hành động tạo tác đều không có Nhân, không có Duyên tạo ra, và mọi chúng sanh hiện hữu trong đời, dù ô nhiễm hay thanh tịnh, cũng đều không có Nhân Duyên tạo ra, chỉ có do sự luân hồi lưu chuyển tiến hóa.

  1. Chủ thuyết của AJITA KESAKAMBALI:

Theo tư tưởng “Đoạn Kiến” (thuyết Đoạn Diệt), cho rằng tất cả đều đoạn diệt, tiêu mất, không còn tồn tại, và tái tục sau khi chết, phước báu hay tội ác đều tiêu tan mất hết sau khi thân hoại mạng chung, không có đời Vị Lai để chịu lãnh kết quả của mọi hành động tạo tác. Còn được gọi là tư tưởng sai lầm của “Vô Quả Kiến.”

  1. Chủ thuyết của PAKUDHA KACCAYÀNA:

Không xác minh cụ thể, giải bày những câu chuyện phi lý, không hữu ích, với quan điểm hoàn toàn sai lệch.

  1. Chủ thuyết của NIGANTHA NÀTAPUTTA:

Cho rằng muốn được quả báo của Sa Môn hạnh thì phải thu thúc bốn điều như sau:

  • Cấm không cho được dùng xài các thứ nước lạnh (vì cho rằng trong nước lạnh có chúng sanh).
  • Phải dùng các thứ nước (gìn giữ với mọi Ác Pháp, phải biết ngăn ngừa tất cả tội lỗi).
  • Phải dứt bỏ các tội lỗi do mọi thứ nước (là sống tẩy sạch các Ác Pháp, ngăn ngừa các tội lỗi).
  • Phải rải các thứ nước (sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả Ác Pháp).

Nếu sống mà biết chế ngự bốn loại cấm giới này thì sẽ đạt đến mục đích (gatatto), là vị điều phục tự tâm (yatatto), và an trú được tự tâm (thitatto).

  1. Chủ thuyết của SANJAYA BELATHIPUTTA:

Tư tưởng “Vô Ký Kiến” (Ngụy Biện Luận) chỉ tranh biện loanh quanh lòng vòng, không xác định, để ngăn ngừa tránh né những câu hỏi của người mang tư tưởng “Thường Kiến” (như vấn hỏi về đời sống bền vững hay không bền vững), ngăn ngừa câu hỏi của người mang tư tưởng “Đoạn Kiến” (sau khi chết thì hoàn toàn tiêu mất, không còn tái sanh chi cả), giải bày lộn xộn, tráo trở, không dứt khoát cụ thể.

Đức Phật trả lời quả báo của hạnh Sa Môn

Có tất cả 13 lợi ích của Sa Môn hạnh như sau:

1.    Sự kính trọng và cúng dường dành cho một vị Sa Môn

  • Ví như có một vị đại quan biết nhận thức sự lợi ích của việc làm Thiện có quả dị thục công đức, nên đã cáo quan từ chức, xuất gia tu tập, sống tinh cần thu thúc thân, lời, ý, hoan hỷ tri túc trong ăn uống, y áo, và trú xứ thanh tịnh. Người có nhiều đức hạnh như thế thì hằng được tôn kính, cúng dường, và bảo hộ đúng theo Luật Pháp. Chính như thế là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn.
  • Ví như có một nông phu cũng có những suy nghĩ (như trên) và đi đến hành động (cũng như trên) thì cũng vẫn có được sự tôn kính, cúng dường, và bảo hộ đúng theo Luật Pháp. Chính như thế là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn.

2.    Sự thực hành các phần Tiểu Giới, Trung Giới, và Đại Giới (như đã nói ở bài kinh trước)

 Một bậc Như Lai hiện hữu trong đời và có đầy đủ những ân đức cao quý như sau:

  • Bậc A La Hán – Ứng Cúng: Do đã xa lìa các tội lỗi, nên tiền khiên tật về thân và lời nói đều trọn lành.
  • Chánh Biến Tri: Là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác tự chứng ngộ, không thầy chỉ dạy.
  • Minh Hạnh Túc: Do Ngài toàn đắc:

+ Ba cái Minh (Túc Mạng Minh, Sanh Diệt Minh, Lậu Tận Minh)

+ Tám cái Minh (Thần Túc Minh, Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm,  Túc Mạng, Minh Sát Tuệ, Hóa Tâm Minh, Lậu Tận Minh)

+ Mười lăm cái Hạnh (thu thúc trong giới hạnh, thu thúc lục căn, tiết độ ẩm thực, tâm thức luôn giác tỉnh, Chánh Tín, Tàm, Quý, Đa Văn, Tấn, Niệm, Tuệ, và Tứ Thiền)

  • Thiện Thệ: Do đã đạt đến sự an lạc, bất sanh bất diệt, Níp Bàn.
  • Thế Gian Giải:  Do Ngài đã thông suốt Tam Giới.
  • Vô Thượng Sĩ:  Do Ngài có đức hạnh không ai bì.
  • Điều Ngự Trượng Phu: Do Ngài là đấng tế độ những người hữu duyên nên tế độ.
  • Thiên Nhân Sư: Là bậc thầy của Chư Thiên và Nhân Loại.
  • Phật:  Do Ngài đã giác ngộ lý Tứ Đế và đem ra giáo hóa chúng sanh cùng biết với.
  • Thế Tôn: Do Ngài đã siêu xuất Tam Giới, không còn luân hồi lại nữa.

Rồi như có một Thiện Nam Tử đi đến đức Như Lai và được nghe một Pháp Thoại do chính Ngài đã khéo thuyết giảng hay phần đầu (Sơ Thiện), hay phần giữa (Trung Thiện), hay phần cuối (Hậu Thiện) với văn nghĩa cụ túc, chỉ dạy con đường Phạm Hạnh đầy đủ thanh tịnh.

Rồi vị Thiện Nam Tử ấy khởi lên Chánh Tín, đi đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống hạnh không gia đình. Vị ấy sống thu thúc trong Biệt Biệt Giải Thoát Giới (Patimokkha), đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ, thọ trì và tu học các điều luật, thân ngữ nghiệp thanh tịnh, chánh mạng sinh hoạt, với giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm, chánh trí, và tri túc.

Luôn tinh cần trau giồi giới hạnh cho được vẹn toàn về Tiểu Giới, Trung Giới, và Đại Giới (như ở bài kinh trước).

3.    Đức tự tín, không còn sợ hãi vì nhận thấy đời sống của mình chân chánh

 Hưởng Lạc Thọ, nội tâm không vẩn đục.

4.    Sự gìn giữ hộ trì các căn không cho buông lung

 Khi các Căn tiếp xúc với các Trần thì không nắm giữ Tướng chung, Tướng riêng.

Những nguyên nhân làm cho các Căn không được chế ngự, khiến cho Tham Ái, Ưu Bi, Ác Pháp, và Pháp Bất Thiện sanh khởi, thì mỗi một nguyên nhân sẽ được chế ngự.

Do vậy hưởng Lạc Thọ, nội Tâm không vẩn đục.

5.    Sự tự chủ lâu dài do có sự chánh niệm tỉnh giác

 Luôn chánh niệm tỉnh giác trong từng mỗi oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi, đại oai nghi, tiểu oai nghi).

6.    Đức tính tri túc của một đời sống giản dị

 Luôn bằng lòng với những gì hiện đang có để duy trì đời sống Phạm Hạnh cao thượng. Với Tam Y và bình bát, cũng như mỏ chim và đôi cánh, đó đây khắp nơi với hạnh viễn ly.

7.    Sự giải thoát tâm trí khỏi Năm Triền Cái

Năm Triền Cái là Tham Dục, Sân Hận, Hôn Trầm (Hôn Thùy), Trạo Hối, và Hoài Nghi. Sau khi thành đạt về Giới Uẩn cao quý, hộ trì các Căn, Chánh Niệm Tỉnh Giác, thiểu dục tri túc, đi đến tầm cầu sự an tịnh nội tâm với trạng thái an trú Chánh Niệm vào đề mục Thiền Chỉ – đoạn tận mọi Pháp Triền Cái.

8.    Kết quả của sự giải thoát nói trên đem lại Hỷ và Lạc thấm nhuần thân tâm

 Cũng ví như người mắc nợ trả hết nợ cũ, người bị bệnh nặng được lành bệnh, người tù được tha bổng, người nô lệ được tự do, người giàu thoát khỏi mọi hiểm nguy khi vượt qua sa mạc. Cùng như thế, một vị tỳ khưu đã xả ly Ngũ Triền Cái, khởi sanh Hỷ Lạc, thân tâm được khinh an và định tỉnh.

9.    Sự tu tập và chứng đắc bốn tầng Thiền

Khi Tâm đã xa lìa các Dục, ly Ác Pháp, chứng thực, và an trú vào Sơ Thiền, một trạng thái Hỷ Lạc do ly Dục sanh, với Tầm và Tứ. Thân Tâm thấm nhuần với Hỷ Lạc do ly Dục sanh. Ví như một người hầu tắm  thông thạo biết hòa trộn bột tắm với nước, thấm ướt cả trong lẫn ngoài giữa bột tắm và nước không chảy thành giọt, dính quẹo lại với nhau.  Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

Phát triển, chứng thực, và an trú vào trong Nhị Thiền, một trạng thái Hỷ Lạc do Định sanh, không Tầm không Tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Thân Tâm thấm nhuần với Hỷ Lạc do Định sanh. Ví như một hồ nước mát tự trào lên, thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh đã làm cho không còn một chỗ nào không được thấm nhuần bởi nước trong hồ. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

Phát triển, chứng thực, và an trú vào trong Tam Thiền, Thân Tâm cảm nhận Lạc Thọ do ly Hỷ trú Xả, Chánh Niệm Tỉnh Giác, Xả Niệm Lạc Trú. Thân Tâm thấm nhuần với Lạc Thọ, không còn Hỷ Thọ. Ví như những bông sen xanh, trắng, hồng được sanh và lớn lên ở trong nước, không vượt khỏi nước, từ đầu ngọn đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt bởi nước mát trong hồ. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

Phát triển, chứng thực, và an trú vào trong Tứ Thiền, không Khổ không Lạc, Xả Niệm thanh tịnh. Thân Tâm thấm nhuần với trạng thái thuần tịnh trong sáng. Ví như một người ngồi, dùng một tấm vải trắng, trùm  kín toàn thân. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi  diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

10.   Chánh Tri và Chánh Kiến

 Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ khưu đã hướng đến Chánh Tri Kiến, như thật biết về Ngũ Uẩn này do Tứ Đại cấu tạo, Cha Mẹ sanh thành, tồn tại nhờ vào vật thực, quả thật là vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt chính trong cái thân này, và tâm thức của ta nương tựa vào, quả thật là bị trói buộc.

Cũng ví như viên ngọc Ma Ni trong suốt có tám góc khéo dũa mài, sáng chói, không uế trược với trọn đủ mỹ tướng. Nếu có một sợi chỉ với màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hay vàng được xỏ xuyên qua viên ngọc thì với người có mắt sáng tỏ cầm viên ngọc này cũng thấy được sợi chỉ với màu sắc cùng với mỹ tướng của viên ngọc một cách rõ ràng. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

11.   Khả năng thực hiện một hóa thân

 Với nội tâm định tỉnh, bất cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ khưu hướng tâm đến sự hóa hiện một thân (hóa thân) do Ý làm ra với đầy đủ các căn, với mọi chi tiết lớn nhỏ. Cũng ví như một người rút một cây  đao ra khỏi vỏ, người rút gươm ra khỏi bao, người lột xác một con rắn, một con rắn khác, xác rắn khác, và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra. Đây là  quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

12.   Hiện bày Ngũ Thông (Thần Túc Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Thiên Nhãn Thông)

Hiện bày Thần Túc Thông

Với nội tâm định tỉnh, bất cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ khưu hướng tâm đến Thần Túc Thông, hiện bày nhiều loại thần thông (thắng trí).

Cũng ví như một người thợ gốm khéo tay, khéo nhồi chuyên đất sét, làm thành các đồ gốm theo sở thích.

Cũng ví như người thợ chạm khắc, khéo chạm, khéo khắc, các ngà thành các vật dụng theo sở thích.

Cũng ví như người thợ kim hoàn khéo léo tinh nhuyễn các vàng ròng thành vật kim hoàn khéo hợp theo sở thích.

Hiện bày Thiên Nhĩ Thông

Với Thiên Nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng là Chư Thiên và Nhân Loại, xa và gần.

Cũng ví như người đi đường có thính giác tốt, khi được nghe tiếng trống, chuông, kèn, còi, cũng đều nghe được và phân tích rõ ràng không sai lạc.

Hiện bày Tha Tâm Thông

Khả năng tâm của mình có thể biết được tâm của người khác, của chúng sanh, như tâm tham ái hay không tham ái, tâm sân hận hay không sân hận, tâm si mê hay không si mê, tâm thu thúc hay không thu thúc, tâm tán loạn hay không tán loạn, tâm Đáo Đại hay không Đáo Đại, tâm cao thượng hay không cao thượng, tâm an trụ (cận định hay nhập định) hay không an trụ, tâm giải thoát hay chưa giải thoát.

Cũng ví như nam nữ thanh thiếu niên ưa thích trang điểm, khi soi mặt trong gương tinh khiết hay một chậu nước trong thì được thấy rõ gương mặt của mình sạch hay dơ, tỳ vết hay không tỳ vết.

Hiện bày Túc Mạng Thông

Có khả năng biết được những tiền kiếp của mình và của chúng sanh, từ một kiếp đến vô lượng kiếp, nhiều loại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Mỗi kiếp sống đều nhớ rõ sanh nơi nào, tên họ là chi, hình dáng ra sao, giòng họ và giai cấp thế nào, thọ khổ lạc ra sao, tuổi thọ bao nhiêu, và sau khi chết tại chỗ này thì tái tục tại chỗ kia, v.v… Vị tỳ khưu nhớ đến được nhiều kiếp sống quá khứ cùng với nét đại cương và chi tiết.

Cũng ví như người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người này có thể nhớ rõ lại hết từ lúc mình ở nơi làng kia, ngồi, đứng, đi như thế này, nói chuyện hoặc làm thinh như thế này, không lầm lẫn.

Hiện bày Thiên Nhãn Thông (hay còn gọi là Sanh Tử Trí)

Với Thiên Nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy được sự sanh tử của chúng sanh, thấp hèn hay cao quý, đẹp đẽ hay thô xấu, hữu phước hay bất hạnh, đều do Hạnh Nghiệp của chúng sanh.

Những chúng sanh với Ác Hạnh Nghiệp qua thân, lời, ý, phỉ báng bậc Thánh, theo Tà Kiến, làm các Tà Hạnh, ngay sau khi thân hoại mạng chung, thì đi thọ sanh Tứ Ác Khổ Thú.

Những chúng sanh với Thiện Hạnh Nghiệp qua thân, lời, ý, cung kính tán dương các bậc Thánh, theo Chánh Kiến, làm các Chánh Hạnh, sau khi thân hoại mạng chung, thì đi thọ sanh Thiện Thú.

Cũng ví như người đứng trên thượng đài của tòa lâu đài giữa ngã tư đường trong đô thị, với đôi mắt sáng tỏ thấy rõ mọi người đi vào và ra khỏi nhà, đi tới đi lui theo đường lộ, đứng ngồi theo hai bên đường. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

13.   Sự giác ngộ lý Tứ Đế, diệt trừ Lậu Hoặc (Lậu Tận Thông) và chứng ngộ A La Hán

Với nội Tâm định tỉnh, thuần tịnh, bất cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ khưu hướng tâm đến Lậu Tận Trí. Vị tỳ khưu như thật biết, “đây là Khổ,” “đây là nhân sanh Khổ,” “đây là diệt tắt Khổ, và đây là con đường đưa đến diệt tắt Khổ.”

Vị tỳ khưu như thật biết, “đây là Lậu Hoặc” (Lậu Hoặc là pháp trầm nịch, chìm đắm. Tứ Lậu là Dục Lậu, Hữu Lậu, Kiến Lậu, và Vô Minh Lậu), “đây là nhân sanh Lậu Hoặc,” “đây là diệt trừ Lậu Hoặc,” “đây là con đường đưa đến diệt trừ Lậu Hoặc.” Nhờ liễu tri như thế, tâm của vị  tỳ khưu xuất ly khỏi Tứ Lậu, với tự thân đã giải thoát, khởi lên sự hiểu biết, “ta đã giải thoát.”

Với Chánh Trí, vị tỳ khưu biết được “Sanh đã tận. Phạm Hạnh đã thành. Việc nên làm đã làm (16 phận sự của bốn Thánh Đạo, bốn phận sự về Tứ Đế). Sau đời sống hiện tại không có đời sống nào khác.”

Cũng ví như người có đôi mắt sáng tỏ, đứng tại hồ nước tinh khiết ở tại dãy núi lớn, bất cấu nhiễm, thuần tịnh, sẽ dễ dàng thấy rõ rệt tất cả ốc, hến, sạn đá, đàn cá đang bơi tới lui hoặc đứng lại tại chỗ. Đây là quả báo thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn, vi diệu thù thắng hơn những quả báo thiết thực trước.

Sự quy ngưỡng và thú tội của vua AJÀTASATTU

Với Pháp Thoại đã được đức Phật khéo thuyết giảng với nhiều phương tiện trình bày và giải thích, đã làm cho nhà vua AJÀTASATTU tỏ niềm hoan hỷ, xin quy y Tam Bảo, và tỏ lòng trọn đời quy ngưỡng.

Sau đó, vua AJÀTASATTU thú nhận đại tội của mình là đã giết hại Phụ Vương BIMBISÀRA để chiếm đoạt vương quyền, mong rằng đức Thế Tôn nhận cho tội ấy để ngăn ngừa ở vị lai. Đức Phật đã chứng giám cho sự sám tội đúng với Chánh Pháp, hợp theo luật pháp của bậc Thánh của vua AJÀTASATTU.

Và sau khi Vua từ biệt ra về, đức Phật đã dạy chư tỳ khưu rằng, vua AJÀTASATTU có thể chứng được Pháp Nhân ngay tại chỗ vua đã ngồi nếu  như không tạo Cực Trọng Nghiệp.

Kết Luận:

Các vị tỳ khưu đã hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app