Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Bố Thác Bà Lậu (Potthapàda Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này khi nói chuyện với du sĩ ngoại đạo POTTHAPÀDA ở hội thảo trường, thuộc khu vườn EKASÀLAKA với hàng rào cây TINDUKA của hoàng hậu MALLIKA, tại thành SÀVATTHI (Xá Vệ).

Duyên Khởi:

Khi thời gian hãy còn quá sớm để đi khất thực, đức Phật khởi lên một ý nghĩ, là đến dự cuộc bàn luận về Chánh Kiến và Tà Kiến với đại chúng của du sĩ ngoại đạo POTTHAPÀDA tại hội thảo trường.

Chánh Kinh:

POTTHAPÀDA vấn hỏi đức Phật về vấn đề diệt tận các Tăng Thượng Tưởng

Đức Phật bác bỏ những quan niệm sai lạc về cái gọi là “linh hồn” và trình bày quan điểm của Ngài. Theo quan niệm xa xưa của một số vị Sa Môn, Bà La  Môn ngoại đạo, có ba quan điểm luận thuyết như sau:

  1. Không Nhân, không Duyên, các Tưởng của con người sinh và diệt. Khi Tưởng sanh thì con người có Tưởng. Khi Tưởng diệt thì con người không có Tưởng.
  2. Tưởng là tự ngã của con người. Chính Tưởng ấy đến và đi. Khi Tưởng ấy đến thì con người có Tưởng. Khi Tưởng ấy đi thì con người không có Tưởng.
  3. Chính đại thần lực của các vị Sa Môn, Bà La Môn khiến Tưởng nhập vào trong người và cũng kéo Tưởng ra ngoài người ấy. Chính do đại thần lực của các Thiên Nhân khiến Tưởng nhập vào hay thoát ra ngoài người ấy.

Khi các vị này khiến Tưởng nhập vào trong người thì người ấy có Tưởng. Khi kéo Tưởng ra ngoài, thì người ấy không có Tưởng.

Đức Phật giải thích tuần tự cách thức diệt trừ các Tưởng

Đức Phật bác bỏ các luận thuyết trên và giải thích chính nhờ sự tu tập, các Tưởng có sanh có diệt. Ngài trình bày các định ở Sắc Giới để chứng minh sự sanh, sự diệt của các Tưởng trong Thiền Định.

  1. Đức Phật khẳng định chính vì có Nhân, có Duyên mà các Tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự tu tập nên có một loại Tưởng sanh và một loại Tưởng diệt.
  2. Sự tu tập khởi lên từ Chánh Tín, đi đến xuất gia, sống hạnh không gia đình v.v… (như trong Kinh Quả Báo Sa Môn). Khi tâm đã xa lìa các dục, ly ác pháp, chứng và trú vào SƠ THIỀN, một trạng thái Hỷ Lạc do Ly Dục sanh, với Tầm và Tứ. Như vậy do tu tập, một Tưởng Hỷ Lạc chân thật vi diệu do Ly Dục sanh khởi, và một Dục Tưởng được diệt trừ.
  3. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào NHỊ THIỀN, một trạng thái Hỷ Lạc do Định sanh, không Tầm không Tứ, nội tỉnh nhất tâm. Như vậy do tu tập, một Tưởng Hỷ Lạc chân thật vi diệu do Định sanh khởi, và một Tưởng Hỷ Lạc do Ly Dục được diệt trừ.
  4. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào TAM THIỀN, thân cảm nhận lạc thọ, do ly Hỷ trú Xả, chánh niệm tỉnh giác, xả niệm lạc trú. Như vậy do tu tập, một Tưởng Xả Lạc chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng Hỷ Lạc do Định được diệt trừ.
  5. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào TỨ THIỀN, không Khổ không Lạc, Xả Niệm thanh tịnh. Như vậy do tu tập, một Tưởng Xả Lạc Xả Khổ chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng Xả Lạc được diệt trừ.
  6. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào Thiền KHÔNG VÔ BIÊN XỨ, vượt thoát mọi Sắc Tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại Tưởng, với sự không tác ý đối với dị Tưởng. Như vậy do tu tập, một Tưởng KHÔNG VÔ BIÊN XỨ chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng Sắc Giới được diệt trừ.
  7. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào Thiền THỨC VÔ BIÊN XỨ. Do nhờ tu tập, một Tưởng THỨC VÔ BIÊN XỨ chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng KHÔNG VÔ BIÊN XỨ được diệt trừ.
  8. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào Thiền VÔ SỞ HỮU XỨ. Do nhờ tu tập, một Tưởng VÔ SỞ HỮU XỨ chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng THỨC VÔ BIÊN XỨ được diệt trừ.
  9. Phát triển sự tu tập, chứng và trú vào Thiền PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ. Do nhờ tu tập, một Tưởng PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ chân thật vi diệu khởi lên, và một Tưởng VÔ SỞ HỮU XỨ được diệt trừ.

Khi đạt đến Tưởng tột đỉnh, tự mình khởi lên Tưởng rằng, “Tâm còn suy tưởng có hại mà thôi, không suy tưởng mới tốt hơn. Nếu cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này diệt đi, thì nhưng thô tưởng khác lại khởi lên; do vậy, đừng có suy tưởng.” Do không có suy tưởng, các tưởng được diệt tận, và các thô tưởng khác không khởi lên, vị tỳ khưu ấy cảm nhận sự diệt tận các Tưởng. Như vậy, sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng Tưởng.

Đức Phật nói đến sự khác biệt giữa một Tưởng và nhiều Tưởng, về Tưởng và Trí, về Tưởng và Tự Ngã

1. Một Tưởng tuyệt đỉnh và nhiều Tưởng tuyệt đỉnh

Với một cảm thọ về sự diệt tận của một Tưởng tiếp sau một Tưởng khác, vị tỳ khưu ấy sẽ đạt đến nhiều Tưởng tuyệt đỉnh sai khác, tiếp nối nhau và cho đến Tưởng tuyệt đỉnh cuối cùng.

2. Tưởng và Trí

Do duyên với Tưởng, Trí mới sanh khởi. Tưởng sanh khởi trước, Trí  mới khởi sanh sau. Do Tưởng sanh thì Trí mới sanh.

3. Tưởng và Tự Ngã

Cần phải hiểu có ba loại Ngã Chấp:

  1. Thô Phù Ngã Chấp: Có Sắc, Tứ Đại hình thành, do Đoàn Thực nuôi dưỡng, thì Tưởng và Tự Ngã sai khác
  2. Ý Sở Thành Ngã Chấp: Có Sắc, do Ý Sở thành, đầy đủ chi tiết lớn nhỏ, các Căn cụ túc là Ý, thì Tưởng và Tự Ngã sai khác
  3. Vô Sắc Ngã Chấp: Không có Sắc, do Tưởng sở thành, thì Tưởng và Tự Ngã sai khác.

Với người còn dị kiến, niềm tin và lý tưởng sai khác nhau, thiên tư và hạnh nguyện sai khác nhau, thì thật khó biết được về “Tưởng là tự ngã” hay “Tưởng khác, Tự Ngã khác.”

Phật không bàn luận về Vũ Trụ Quan và Nhận Định Quan

Với thái độ không độc tôn và không quá khích của mình về những vấn đề bất khả thuyết của Vũ Trụ Quan và Nhận Định Quan, như thế giới là Thường hay Vô Thường, đức Phật đã không đề cập đến vì không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về pháp căn bản của Phạm Hạnh, không đưa đến yểm ly, ly dục, thắng trí, giác ngộ, và Níp Bàn.

Đức Phật không trả lời về thế giới Vô Thường hay Thường Tồn, Hữu Biên hay Vô Biên, Sinh Mạng và Thân Thể là một hay sai khác, Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi tịch diệt, v.v… Đức Phật chỉ đề cập đến Tứ Đế, bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Vì những vấn đề này thuộc về đích giải thoát, đưa đến Ly Dục, thuộc về pháp căn bản của Phạm Hạnh, và an vui Níp Bàn.

Khi dứt Pháp Thoại với POTTHAPÀDA thì cũng phải lẽ, nên Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi, đứng dậy ra về. Và với phương pháp như thực, chân chánh, dùng  Pháp làm cơ bản và quy tắc đã làm cho POTTHAPÀDA buộc miệng tán thành Đức Phật trước những du sĩ ngoại đạo hiện diện tại đấy.

Hai phương cách thuyết giảng của đức Phật

Hai ngày sau, CITTA HATTHISÀRIPUTTA và du sĩ ngoại đạo POTTHAPÀDA đi đến đảnh lễ đức Phật và nghe pháp. Đức Phật đã nói với CITTA HATTHISÀRIPUTTA và POTTHAPÀDA về hai phương cách thuyết giảng của Ngài như sau:

  1. Với những Pháp không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp căn bản của Phạm Hạnh, không đưa đến yểm ly, ly dục, thắng trí, giác ngộ, và Níp Bàn, như là bàn luận về Vũ Trụ Quan và Nhận Định Quan, thì đức Phật thuyết một cách không dứt khoát.
  1. Với những Pháp thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp căn bản của Phạm Hạnh, đưa đến yểm ly, ly dục, thắng trí, giác ngộ, và an vui Níp Bàn, như là Tứ Đế thì đức Phật thuyết một cách dứt khoát.

 *Đức Phật bác bỏ mọi chủ kiến bất chánh phi lý về “Sau khi chết, Tự Ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh”:

  • Vì chính tự thân không từng sống, mà cũng không từng biết rõ thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc.
  • Vì chính tự thân không cảm nhận được trạng thái tâm thức hoàn toàn hạnh phúc trong nửa đêm hay một đêm, nửa ngày hay một ngày.
  • Vì chính tự thân không rõ biết một con đường nào hay một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc.
  • Vì chính tự thân không được nghe Chư Thiên nói xác chứng có một thế giới hoàn toàn hạnh phúc do đã cố gắng khéo thực hành mà trực chứng.
  • Ví như một người nam đem lòng thương yêu một cô gái đẹp, tuy nhiên, không được biết thuộc giai cấp nào (Sát Đế Lỵ, Bà La Môn, Phệ Xá, Thủ Đà La), không được biết tên họ và tuổi tác thế nào, hình thể tướng trạng ra sao (nước da, cao thấp, v.v…), trú xứ ở nơi đâu (làng nào, thành phố nào, v.v…).
  • Ví như một người muốn xây một cái thang để leo lên lầu tại một ngã tư đường lộ, tuy nhiên, không được biết vị trí của cái lầu ở tại nơi đâu (hướng Đông, Tây, Nam, Bắc), hình thể tướng trạng cái lầu như thế nào (cao, thấp, trung bình).

Pháp nhũ mà đức Phật khải thuyết nhằm diệt trừ mọi ngã chấp (ba Ngã Chấp kể trên) đã làm cho Tịnh Pháp được tăng trưởng, ngay hiện tại tự mình giác ngộ, thực chứng, thông đạt và an trú trí huệ, sung mãn quảng đại, thời khoan khoái sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm, chánh trí, lạc trú sanh khởi, và tuyệt diệt mọi khổ đau. Đó là những lời nói chân chánh hợp lý, khiến cho người thực hành theo được tự mình giác ngộ, thực chứng và an trú trí huệ, sung mãn quảng đại.

Đức Phật chỉ cách nhận định về ba Ngã Chấp theo Thời Gian

Để trả lời câu hỏi của CITTA HATTHISÀRIPUTTA về sự tồn tại của ba Ngã Chấp, đức Phật đã xác định như sau:

  1. Khi có Thô Phù Ngã Chấp thì không có Ý Sở Thành Ngã Chấp, và không có Vô Sắc Ngã Chấp. Và ngược lại. (Dù cho ba Ngã Chấp này đều tồn tại trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai).
  2. Cũng ví như một người tồn tại ở quá khứ, không phải không tồn tại. Cũng sẽ tồn tại ở vị lai, không phải không tồn tại. Và tồn tại ở hiện tại, không phải không tồn tại.
  3. Cũng ví như một Ngã Chấp đã có ở quá khứ thì lúc bây giờ, Ngã Chấp hiện tại không tồn tại, và Ngã Chấp vị lai không tồn tại. Cũng như vậy, cho một Ngã Chấp ở vị lai và một Ngã Chấp ở hiện tại.
  4. Cũng ví như từ bò cái sanh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc, từ lạc sinh ra sanh tô, từ sanh tô sinh ra thục tô, từ thục tô sinh ra đề hồ. Khi thành sữa thì sữa ấy không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không thuộc đề hồ, v.v… Khi thành đề hồ thì đề hồ không thành sữa, không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc đề hồ.

Tuy nhiên, tất cả những pháp kể trên chỉ là những danh tự thế gian, ngôn ngữ thế gian, danh xưng thế gian, ký pháp thế gian. Đức Phật dùng chúng, nhưng không chấp trước vào những pháp này

Sự tán thán và quy ngưỡng của POTTHAPÀDA và CITTA HATTHISÀRIPUTTA

Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng Pháp Thoại, với nhiều phương tiện trình bày và giải thích, đã làm cho hai du sĩ ngoại đạo này tán thán, tỏ niềm tịnh tín, xin Quy Y Tam Bảo, và trọn đời quy ngưỡng.

Cuối cùng được sự chấp thuận của đức Phật, CITTA HATTHISÀRIPUTTA đã xuất gia và thọ Cụ Túc Giới. Với nhiệt tâm cần mẫn, độc cư an tịnh, không phóng dật, không bao lâu vị tỳ khưu này chứng được mục đích tối thượng mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến.

Đó là Vô Thượng Phạm Hạnh ngay trong hiện tại, tự tác chứng và an trú. Sanh đã tận. Phạm Hạnh đã thành. Việc nên làm đã làm. Sau đời này, sẽ không có  đời sống khác nữa.

Kết Luận:

Đại Đức CITTA HATTHISÀRIPUTTA trở thành một vị A La Hán.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app