Giáo Án Trường Bộ Kinh 

Kinh Xà Ni Sa (Javanasabha Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết Pháp Thoại này vào buổi chiều cho đại đức ÀNANDA tại bộ lạc NÀDIKA ở GINJAKÀVASATHA.

Duyên Khởi:

Do đại đức ÀNANDA đến yêu cầu đức Phật nói về vấn đề tái sanh của dân chúng MAGADHA và vua SENIYA BIMBISÀRA, như đức Phật đã thường hay tuyên bố về vấn đề tái sanh của nhiều tín đồ đã từ trần trong các bộ lạc xung quanh, như bộ lạc KÀSI, KOSALA, VAJJÌ, MALLÀ, CETI, VANSA, KURU, PANCÀLA, MACCHÀ, và SÙRASENA.

Chánh Kinh:

Đức Phật kể lại câu chuyện của dạ xoa JAVANASABHA

Sau lời yêu cầu của đại đức ÀNANDA với đức Phật, muốn được rõ biết về vấn đề thọ sanh của hiền nhân tín đồ ở xứ MAGADHA. Đức Phật đã suy nghĩ tư duy, chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ ở MAGADHA: “Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của chúng, vận mạng của chúng. Các vị hiền nhân này thọ sanh ở đâu, vận mạng như thế nào?” 

Ngay khi đức Phật thấy được chỗ thọ sanh và vận mạng của các hiền nhân tín đồ ở xứ MAGADHA, thì có một Dạ Xoa, có tên là JAVANASABHA, đi đến yết kiến đức Phật với hai nguyên nhân:

  1. Dạ xoa JAVANASABHA tự xác nhận là hậu thân của vua BIMBISÀRA. Dạ Xoa đề cập đến mười bốn lần tái tục và bảy lần được sanh vào dòng họ của vua VESSAVANA (một trong Tứ Thiên Vương). Một kiếp làm vua ở cõi nhân gian, nay được sanh trên thiên giới.

“Từ đây đến bảy lần, Từ kia đến bảy lần, Mười bốn lần tái sanh. Như vậy con được biết, Đời quá khứ của con.”

  1. Hiện tại, Dạ Xoa mong muốn được trở thành bậc Nhất Lai. Khi Dạ Xoa đã trải qua một đời sống an lạc lâu dài trong quá khứ, không bị đọa lạc vào Ác Thú vì đã hiểu được Ác Thú, biết sống nương nhờ vào lời dạy và quy ngưỡng đức Thế Tôn.

Dạ Xoa JAVANASABHA thuật lại đại hội của Hội Chúng Thiên ở cõi Tam Thập Tam cùng với Tứ Đại Thiên Vương, và có sự tham dự của Phạm Thiên SANAMKUMÀRA, thường nhóm họp lại ngày trăng Rằm Bố Tát trong những tháng an cư mùa mưa tại Thiện Pháp Đường (SUDHAMMA). Nội dung cuộc hội họp của Chúng Thiên với ý nghĩa đảnh lễ đức Thế Tôn cùng Chánh Pháp vi diệu, trùng tuyên lại những lời dạy của đức Phật:

“ Chư Tam Thập Tam Thiên, Cùng Đế Thích hoan hỷ, Đảnh lễ bậc Như Lai, Cùng Chánh Pháp vi diệu. Thấy Thiên Chúng tân sanh, Quang sắc thật thù thắng, Các vị sống Phạm Hạnh, Nay sanh tại cõi này. Chúng thắng về quang sắc Thọ mạng và danh xưng. Đệ tử bậc Đại Tuệ, Thù thắng sanh cõi này. Chư Tam Thập Tam Thiên, Cùng Đế Thích hoan hỷ, Đảnh lễ bậc Như Lai, Cùng Chánh Pháp vi diệu.” 

*Và như thế, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên lại càng hoan hỷ, tín thọ, hỷ lạc sanh hơn nữa và nói: “Thiên giới thật sự được tăng thịnh, còn A-tu-la giới bị hoại diệt.” 

Phạm Thiên SUNAMKUMÀRA nói lên những lợi ích thiết thực về sự hiện  hữu của đức Phật

Phạm Thiên có tiếng nói với tám đặc điểm như sau: (1) Lưu loát, (2) Dễ hiểu, (3) Dịu ngọt, (4) Nghe rõ ràng, (5) Sung mãn, (6) Phân minh, (7) Thâm sâu, (8) Vang động. Tiếng nói của vị Phạm Thiên còn được gọi là Phạm Âm.

1.    Phạm Thiên nói lên những lợi ích thiết thực về sự hiện hữu của đức Phật trong đời, cùng với những lời dạy vô cùng lợi ích của Ngài

“Đức Thế Tôn phục vụ vì cho hạnh phúc chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và Nhân Loại. Chư thiện hữu, với những ai đã quy y Tam Bảo và giữ  trọn Giới Luật, thì những vị này khi thân hoại mạng chung, đều sanh về Thiện Thú, Thiên Giới, và thấp nhất cũng là hàng Càn Thát Bà (GANDHABBA).”

Phạm Thiên nói lên điều lợi ích qua lời chỉ dạy của đức Phật để hiện bày thần thông. Với Tứ Thần Túc (Dục, Cần, Tâm, Thẩm) được khéo tu tập và phát triển sẽ đạt đến sự thành tựu đại thần lực và đại uy đức, được thưởng thức Thần Túc Thông dưới một hay nhiều hình thức khác nhau.

2.    Phạm Thiên nêu lên ba con đường tắt, hướng đến an lạc, do đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo giải thích

Do được nghe Thánh Pháp, chánh niệm tư duy, chứng đắc Chánh Pháp và Tùy Pháp, có đời sống không thân cận dục lạc, không thân cận bất thiện pháp. Nhờ vào đó, có sự an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên.

Do được nghe Thánh Pháp, chánh niệm tư duy, chứng đắc Chánh Pháp và Tùy Pháp, làm cho thân hình thô lậu được an tịnh, ngữ hành thô lậu được an tịnh, ý hành thô lậu được an tịnh. Nhờ vào đó, có  sự an lạc, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên.

Do được nghe Thánh Pháp, chánh niệm tư duy, chứng đắc Chánh Pháp và Tùy Pháp, nên như thật biết về “Thiện – Bất Thiện,” “Tội – Không Tội,” “Cần phải thuận theo – Cần phải né tránh,” “Hạ Liệt – Cao Thượng,” “Đen – Trắng đồng đẳng.” Nhờ biết như vậy, Vô Minh được trừ diệt và Minh sanh khởi, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên.

3.    Phạm Thiên dẫn chứng những pháp giải thoát do đức Phật đã khéo giải thích

Tứ Niệm Xứ: Được tu tập và phát triển, diệt trừ ưu não khởi lên vì tham ái ở trong đời. Tâm chánh định và chánh an tịnh sanh khởi, tri kiến được sanh khởi, và Tứ Niệm Xứ hướng đến chân thiện.

Bảy pháp định tư lương: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, đưa đến Chánh Giải Thoát.

Với Chánh Pháp đã được đức Phật khéo léo thuyết giảng, pháp ấy có kết quả ngay trong hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, hướng dẫn đến đích, được những người hữu trí tự mình giác ngộ, cửa bất tử được rộng mở.

Phạm Thiên tán thán khả năng thuyết giảng của đức Phật và tuyên bố có tới 2,400,000 vị cư sĩ ở MAGADHA do nhờ nghe được Chánh Pháp, khởi Tâm tín thành và bất thối chuyển vào Tam Bảo, khi thân hoại mạng chung, đã diệt trừ được ba hạ phần Kiết Sử, chứng đắc quả vị Dự Lưu (Thất Lai), không còn đọa vào Ác Thú, chắc chắn đạt đến Chánh Giác.

Quả thật hy hữu được có một Đại Sư thù thắng, được một Pháp Thoại thù thắng, có được một con đường thù thắng.

Thiên vương VESSAVANA được nghe câu chuyện từ nơi Phạm Thiên kể lại với đại chúng của mình. Và dạ xoa JAVANASABHA tác bạch lại đức Phật, và cuối cùng đức Phật kể lại cho đại đức ÀNANDA.

Kết Luận:

Sau khi tự thân nghe, tự thân chấp nhận câu chuyện của đức Thế Tôn kể lại, đại đức ÀNANDA đã đem kể lại cho Tứ Chúng được rõ biết.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app