Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Cửu La Đàn Đầu (Kùtadanta Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này khi đàm thoại cùng với Bà La Môn KÙTADANTA tại khu vườn AMBALATTHIKA, ở làng KHÀNUMATA, thuộc nước MAGADHA (Ma Kiệt Đà), do đức vua BIMBISÀRA trị vì.

Duyên Khởi:

Được tin đức Thế Tôn cùng với 500 vị tỳ khưu tăng lưu trú tại khu vườn AMBALATTHIKA, thuộc làng KHÀNUMATA, xứ MAGADHA (Ma Kiệt Đà), một số Bà La Môn và gia chủ cư ngụ tại nơi đấy lấy làm phấn khởi và khởi lên sự mong muốn được đi đến chiêm bái yết kiến đức Phật, trong đó có Bà La Môn

KÙTADANTA, cũng muốn đi đến yết kiến đức Phật để hỏi về cách thức cúng tế cho một lễ đàn tế (với ba cách thức Tế Tự và 16 Tế Pháp).

Mặc dù số đông Bà La Môn và gia chủ đã khuyên bảo KÙTADANTA là không nên đi vì không xứng đáng với vị trí của mình. Biện minh cho việc đi, Bà La Môn KÙTADANTA đã trình bày rất nhiều ưu điểm như sau trong số vô lượng ưu điểm của đức Thế Tôn, nghĩa là đức Thế Tôn rất xứng đáng được tôn kính, yết kiến, và chiêm ngưỡng:

  • Thiện sanh cả từ Mẫu hệ và Phụ hệ, huyết thống thanh tịnh đến bảy đời Tổ phụ, không bị một vết nhơ (tương tự với bài kinh SONADANDA).
  • Danh tiếng của đức Thế Tôn dựa trên Vô Thượng Trí Đức. Được các vua chúa như là vua BIMBISÀRA, vua PASENADI, cùng các vương tôn công tử, luôn cả Bà La Môn POKKHARASÀDI tôn kính, trọng vọng, và trọn đời quy ngưỡng.

Chánh Kinh:

Sau khi đi đến, chào đón, chúc tụng, rồi ngồi xuống một bên, Bà La Môn KÙTADANTA đã vấn hỏi đức Phật về ba cách thức Tế Tự và 16 Tế Vật của một lễ đàn tế.

Đức Phật kể chuyện về vua MAHÀVIJITA nhằm gián tiếp khuyên Bà La Môn KÙTADANTA

Vua MAHÀVIJITA là một vị vua có oai quyền, tiền rừng bạc biển, muốn làm lễ đàn tế lớn, nên đã hỏi ý kiến của vị Bà La Môn cố vấn tế lễ về vấn đề này. Vị Bà La Môn đã khuyên Vua là trong khi nước nhà còn ly loạn bởi trộm cướp, không nên thêm thuế má mới, cũng không nên trừng phạt vì chỉ là phương pháp tạm thời. Phương pháp hữu hiệu để dẹp loạn ly là đối với nông dân thì hãy cấp thực phẩm và lúa mạ, đối với thương gia thì hãy cấp vốn đầu tư, đối với công tư chức thì hãy cấp lương bổng và vật thực.

Do nhờ như vậy, dân chúng có công ăn việc làm, không còn trộm cắp, ngân khố nhà vua được dồi dào, và mọi người được an cư lạc nghiệp. Vua  MAHÀVIJITA vâng theo lời khuyên và thực hiện đúng theo lời chỉ dẫn; do thế, dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Vị Bà La Môn cố vấn tế tự khuyên vua MAHÀVIJITA nên mời các vị Sát Đế Lỵ, Bộ Trưởng, Bà La Môn, và gia chủ đến chấp thuận ý định tổ chức lễ Tế Tự của Vua. Bốn giai cấp này đã đồng tán thành và thỏa thuận cung cấp vật liệu tế lễ cho Nhà Vua.

     Các vật liệu dùng để tế lễ gồm có tám đức tính tốt đẹp của vua MAHÀVIJITA như sau:

  1. Thiện sanh cả từ Mẫu hệ và Phụ hệ, huyết thống thanh tịnh đến bảy đời Tổ phụ, không bị một vết nhơ.
  2. Khả ái xinh đẹp, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng, nước da thù thắng.
  3. Đại phú, sung túc tài sản, thương khố sung mãn, giàu có.
  4. Có uy lực, đầy đủ bốn loại quân chủng, và với oai danh của mình đủ chinh phục địch quân.
  5. Có tín tâm, có từ tâm, một vị thí chủ xả
  6. Một bác học, đa văn quảng kiến trong mọi vấn đề.
  7. Thông suốt mọi ý nghĩa của lời nói.
  8. Một bậc trí tuệ, tinh thông sáng suốt, và có thể suy tư về những vấn đề quá khứ, hiện tại, vị

     Bốn đức tính tốt đẹp của vị Bà La Môn Cố Vấn Tế Tự:

  1. Thiện sanh cả từ Mẫu hệ và Phụ hệ, huyết thống thanh tịnh đến bảy đời Tổ phụ, không bị một vết nhơ.
  2. Thông hiểu Tam Phệ Đà (Vedà), tinh thông trì chú, ngữ pháp.
  3. Đầy đủ giới hạnh cao dầy.
  4. Một bậc trí tuệ, tinh luyện sáng suốt.

     Ba pháp nên biết trước khi thực hiện một lễ đàn tế:

  1. Trước khi muốn làm một đại lễ tế đàn, không nên có sự hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (Tư Tiền).
  2. Ngay khi đang làm một đại lễ tế đàn, cũng không nên có sự hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (Tư Hiện).
  3. Khi đã làm xong một đại lễ tế đàn, cũng không nên có sự hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (Tư Hậu).

     Có 10 cách ngăn chận sự hối tiếc có thể khởi lên trước khi thực hiện một lễ đàn tế: 

  1. Ngăn chặn và từ bỏ Thập Ác Nghiệp, khéo léo đối xử với cả hai hạng người (Thiện và Ác) đến tham dự trong cuộc lễ đàn tế.
  2. Với người ác thì hãy cho sự an lặng đến với họ.
  3. Với người thiện thì hãy làm cho nội tâm của họ được an vui hoan hỷ.

     16 phương pháp khích lệ và kích thích khi vua đang làm lễ đàn tế:

 Vị Bà La Môn chủ tế biết nói tưởng lệ như sau với nhà vua khi đang làm lễ đàn tế:

1*. Đã có mời các vị Sát Đế Lỵ thân tộc đến tham dự và bác bỏ lời chỉ trích xuyên tạc ngược lại.

2*. Đã có mời các vị đại thần quyến thuộc đến tham dự và bác bỏ lời chỉ trích xuyên tạc ngược lại.

3*. Đã có mời các vị Bà La Môn đại gia đến tham dự và bác bỏ lời chỉ trích xuyên tạc ngược lại.

4*. Đã có mời các vị gia chủ phú hào đến tham dự và bác bỏ lời chỉ trích xuyên tạc ngược lại.

5* đến 12*. Nhà vua hội đủ cả tám đức tính cao quý.

13* đến 16*. Vị Bà La Môn chủ tế của vua hội đủ bốn đức tính cao quý.

Do vậy, khiến cho nội tâm của vua được hân hoan phấn khởi.

Lễ đàn tế không có giết hại sanh linh như trâu bò, dê heo, gà vịt. Không có phá hoại cây cối, không có dùng cỏ tranh (dabbha – cỏ kiết tường) để rải xung quanh đàn tế. Không bắt buộc các người làm công, tạp dịch phải phụ giúp vào lễ đàn tế.  Không đánh đập, bắt buộc, đàn áp, chỉ có trạng thái  hoan hỷ những việc gì muốn làm và thích làm. Làm với tâm trạng tự  nguyện và tùy thuận của từng cá nhân, không bao giờ dùng áp lực mà bắt buộc phải làm.

Lễ đàn tế chỉ dùng đề hồ, dầu mè, sữa chua (thục tô), sữa tươi (sanh tô), mật, và đường mía.

Lễ đàn tế được sự tán thành và ủng hộ của cả bốn giai cấp. Dù nhà vua đã thực hiện một đại lễ đàn tế, họ cũng vẫn tổ chức một hậu đàn tế với các phương cách thực hiện tương tự như vua đã thực hiện. Như vậy là có bốn  sự chấp thuận (của bốn giai cấp). Vua MAHÀVIJITA thành tựu tám pháp đức tính. Bà La Môn chủ tế thành tựu bốn pháp đức tính và cả ba Tế Pháp (Tam Tư). Chính như vậy, gọi là ba Tế Pháp và 16 Tế Vật.

Khi kể xong tích truyện, đức Phật nhận diện vị Bà La Môn Cố Vấn Tế Tự chính là tiền thân của đức Phật.

Đức Phật thuyết giảng những loại đàn tế khác có rất nhiều phước báu, hơn  cả ba Tế Pháp và 16 Tế Vật kể trên

  1. Bố thí thường xuyên, cúng dường người xuất gia có giới đức.
  2. Xây dựng một tịnh xá Tứ Phương Tăng.
  3. Thọ trì nghiêm minh Ngũ Giới.
  4. Thực hành nết hạnh Sa Môn (xem lại bài kinh Quả Báo Sa Môn) và tu hành theo Giới – Định – Tuệ.

Khi thuyết giảng cho Bà La Môn KÙTADANTA, chúng ta nhận thấy thái độ của đức Phật đối với vấn đề đàn tế, một nghi lễ rất thông dụng của các Bà La Môn và xem như một phương tiện để giải thoát.

Trước tiên, đức Phật không bác bỏ hẳn một lễ đàn tế, nhưng phải được tổ chức trong sự thanh tịnh cần thiết, không có sự giết hại sanh linh. Theo đạo Phật, đàn tế là một hình tướng lễ nghi cần phải loại bỏ, nên dần dà đức Phật giới thiệu các loại đàn tế khác tế nhị hơn, đem lại kết quả nhiều hơn, hướng về hạnh nguyện giải thoát sanh tử, mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy rõ phương pháp đối thoại của đức Phật hết sức tế nhị, đã khéo léo từ nơi lập trường của người đối thoại, hướng dẫn dần dần đến lập trường cứu cánh của Ngài.

Sự quy ngưỡng và cúng dường của Bà La Môn KÙTADANTA

Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng bài Pháp Thoại, với nhiều phương tiện trình bày và giải thích, đã làm cho Bà La Môn KÙTADANTA tỏ niềm tịnh tín, xin quy y Tam Bảo, và trọn đời quy ngưỡng.

Pháp nhũ được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng tuần tự, có năm chi như sau:

  1. Thuyết về xả ly bố thí
  2. Giảng giải về trì giới
  3. Giảng giải về sự an vui ở các Thiên Giới
  4. Giảng giải về sự nguy hại của ngũ dục lạc
  5. Quả báo của sự xuất ly

Cuối cùng, an trú vào lý Tứ Đế đã làm cho Bà La Môn KÙTADANTA chứng đắc Pháp Nhãn, xa trần ly cấu, và tiêu trừ mọi nghi hoặc.

Kết Luận:

Pháp nhũ khéo được giảng dạy, khích lệ, và kích thích bởi đức Thế Tôn, đã làm cho Bà La Môn KÙTADANTA phấn khởi và hân hoan với Ngài, từ chỗ ngồi đã đứng dậy và từ giã ra về.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời