Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Tam Minh (Tevijja Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho hai thanh niên Bà La Môn, tên là VÀSETTHA và BHÀRADVÀJA, tại vườn xoài, trên bờ sông ACIVARATI, phía Bắc của làng MANASÀKATA, thuộc nước KOSALA.

Duyên Khởi:

Hai thanh niên Bà La Môn này bất đồng ý kiến dẫn đến tranh luận về con đường đưa đến cộng trú với Phạm Thiên, phân vân không hiểu trong những con đường do nhiều Đại Bà La Môn tuyên bố, con đường nào mới thật là con đường chân chánh, là trực đạo, là chánh đạo để hướng đến. Do vậy, cả hai thanh niên Bà La Môn đi đến vấn hỏi ý kiến đức Phật, và Ngài lần lần chỉ rõ trường hợp bất hợp lý và không chính xác của những luận thuyết do Bà La Môn khởi xướng về chánh đạo hướng đến cộng trú với Phạm Thiên.

Chánh Kinh:

Đức Phật chỉ rõ những sai biệt ở chính ngay nội dung của vấn đề thắc mắc

  1. Khi không có một vị Bà La Môn nào tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ) đã tận mặt thấy được Phạm Thiên.
  • Không có một vị Tôn Sư nào của các Bà La Môn tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ) đã tận mặt thấy được Phạm Thiên.
  • Không có một vị Bà La Môn nào cho đến bảy đời Tôn Sư và Đại Tôn Sư của những vị Bà La Môn tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ) đã tận mặt thấy được Phạm Thiên.

Từ không biết, không thấy Phạm Thiên ở đâu, từ đâu đến và sẽ đi về đâu, thì làm sao các vị này lại có thể chỉ con đường đưa đến cộng trú với Phạm Thiên được. Những vị này chẳng khác những người ôm lưng  nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, mà tự cho là chỉ con đường cho người ta đi thì quả thật là vô lý. Lời nói đó quả thật mù quáng, lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.

Để dẫn chứng thêm, đức Phật lấy ví dụ những vị Bà La Môn tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ) cầu khẩn, tán thán, vừa đi xung quanh, vùa chắp tay đảnh lễ chỗ mặt trăng, mặt trời mọc và lặn, nhưng không thể chỉ con đường đưa đến sự cộng trú với mặt trời, mặt trăng được.

  1. Dù cho các vị Bà La Môn có tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ), có cầu khẩn Phạm Thiên hết sức tha thiết, vì hy vọng, vì tán thán, nhưng không thực hành những tác hạnh thành tựu Bà La Môn, mà chỉ chạy theo tận hưởng ngũ dục lạc tăng thịnh, mê đắm, bị trói buộc, không thấy sự nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự thoát ly của chúng, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không thể đi đến cộng trú với Phạm Thiên được. Cũng ví như có người muốn lội qua bên kia bờ sông, nhưng chỉ đứng bên bờ nay và kêu bờ kia qua, thì làm sao đến bờ bên kia được.
  2. Dù cho các vị Bà La Môn có tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ), nhưng không thực hành những tác hạnh thành tựu Bà La Môn, mà vẫn bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy, bị trói buộc bởi Ngũ Triền Cái, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không thể đi đến cộng trú với Phạm Thiên được. Cũng ví như có người đến bờ sông này, trùm đầu, và nằm ngủ thì làm sao qua bờ bên kia được.

Như thế, chính những sai biệt này đã làm cho không chính xác, bất hợp lý ở việc giảng dạy của các vị Bà La Môn mà không được rõ biết vấn đề, thì làm sao lại không có thể khởi lên những bất đồng ý kiến dẫn đến sự tranh biện.

Cũng ví như một người nam đem lòng thương yêu một cô gái đẹp, tuy nhiên không được biết thuộc giai cấp nào (Sát Đế Lỵ, Bà La Môn, Phệ Xá, Thủ Đà La), không được biết tên họ và tuổi tác thế nào, hình thể tướng trạng ra sao (nước da, cao thấp, v.v…), trú xứ ở nơi đâu (làng nào, thành phố nào, v.v…).

 

Cũng ví như một người muốn xây một cái thang để leo lên lầu tại một ngã tư đường lộ, tuy nhiên, không được biết vị trí của cái lầu ở tại nơi đâu (hướng Đông, Tây, Nam, Bắc), hình thể tướng trạng cái lầu như thế nào (cao, thấp, trung bình).

Những sự kiện như thế, quả thật không chính xác, bất hợp lý.

  1. Truyền thuyết Bà La Môn cho rằng, Phạm Thiên không còn dục ái, không còn sân hận, không có nhiễm tâm, được tự tại. Tuy nhiên, đức Phật đã chỉ rõ các vị Bà La Môn, cho dù tinh thông ba tập Phệ Đà (VEDÀ), vẫn còn dục ái, vẫn còn sân hận, vẫn có nhiễm tâm, và không có được tự tại, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không có thể đi đến cộng trú với Phạm Thiên.

Do đó, đối với những vị Bà La Môn tinh thông Phệ Đà (VEDÀ), sự tinh thông ấy được gọi là bãi sa mạc không có nước, được gọi là rừng rậm không có lối đi, được gọi là sự bất hạnh, thật sự đang chìm đắm trong bùn lầy, phải sống trong thất vọng, lầm tưởng rằng đã đến cảnh giới an lạc hơn.

Đức Phật thuyết giảng bốn pháp đưa đến cộng trú với Phạm Thiên

Đức Phật rõ biết Phạm Thiên, Phạm Thiên Giới, và con đường đi đến cộng trú với Phạm Thiên, cũng ví như một người sinh trưởng tại làng MANASÀKATA, tất biết rõ con đường đưa đến làng MANASÀKATA. Ví như có một Thiện  Nam Tử khi được hay biết có một đức Như Lai hiện hữu trong đời, có đầy đủ hồng danh Ân Đức cao quý, đi đến nơi Ngài xin được xuất gia tu tập Tam Học là GIỚI–ĐỊNH–TUỆ (tương tự như trong Kinh Quả Báo Sa Môn).

Rồi vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu Từ Ái, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, hướng trên, hướng dưới, cả bề ngang, hết thảy mọi phương hướng, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu Từ Ái, quảng đại vô biên, vô sân, bất oán hận, không có nhiễm tâm, có sự tự tại, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ cộng trú với Phạm Thiên. Cũng ví như người lực sĩ thổi tù và khiến âm thanh được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn.

Rồi vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu Bi Mẫn, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, hướng trên, hướng dưới, cả bề ngang, hết thảy mọi phương hướng, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu Bi Mẫn, quảng đại vô biên, vô sân, bất oán hận, không có nhiễm tâm, có sự tự tại, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ cộng trú với Phạm Thiên. Cũng ví như người lực sĩ thổi tù và khiến âm thanh được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn.

Rồi vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu Tùy Hỷ, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, hướng trên, hướng dưới, cả bề ngang, hết thảy mọi phương hướng, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu Tùy Hỷ, quảng đại vô biên, vô sân, bất oán hận, không có nhiễm tâm, có sự tự tại, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ cộng trú với Phạm Thiên. Cũng ví như người lực sĩ thổi tù và khiến âm thanh được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn.

Rồi vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu Hành Xả, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, hướng trên, hướng dưới, cả bề ngang, hết thảy mọi phương hướng, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu Hành Xả, quảng đại vô biên, vô sân, bất oán hận, không có nhiễm tâm, có sự tự tại, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ cộng trú với Phạm Thiên. Cũng ví như người lực sĩ thổi tù và khiến âm thanh được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn.

Kết Luận:

Lời tán thán của hai thanh niên Bà La Môn VÀSETTHA và BHÀRADVÀJA với sự tự tín, phát tâm nương nhờ, và trọn đời quy ngưỡng nơi Tam Bảo. 

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app