Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Đại Niệm Xứ (Mahàsatipatthàna Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho chư tỳ khưu tăng tại kinh đô KAMMÀSSADHAMMA, xứ KURU.

Duyên Khởi:

Đức Phật nói đến phương pháp tu tập Tứ Niệm Xứ, an trú niệm vào bốn đối tượng, Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Đây là con đường độc nhất, đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, và chứng ngộ Níp Bàn (NIBBÀNA). 

Chánh Kinh:

Đức Phật thuyết giảng Tứ Niệm Xứ

*Tứ Niệm Xứ là:

  • Vị tỳ khưu sống quán Thân trên Thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm sau khi chế ngự tham ưu ở đời.
  • Vị tỳ khưu sống quán Thọ trên các Thọ, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm sau khi chế ngự tham ưu ở đời.
  • Vị tỳ khưu sống quán Tâm trên Tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm sau khi chế ngự tham ưu ở đời.
  • Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm sau khi chế ngự tham ưu ở đời.

1.    Vị tỳ khưu sống quán Thân trên Thân 

Quán sát chánh niệm tỉnh giác hơi thở vô và ra (dài, ngắn)

Cảm giác cả toàn thân, sẽ thở ra và vô

An tịnh cả toàn thân, tu tập thở ra và vô

Vị tỳ khưu sống quán Thân trên nội Thân, hay sống quán Thân trên ngoại Thân, hay sống quán Thân trên cả nội Thân, ngoại Thân, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên Thân, hay sống quán tánh diệt tận trên Thân, hay sống quán tánh sanh diệt trên Thân. “Có Thân đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Thân trên Thân.

2.    Vị tỳ khưu sống quán Thọ trên Thọ 

Vị tỳ khưu khi cảm giác Lạc Thọ biết rằng, “Tôi cảm giác Lạc Thọ.”

Vị tỳ khưu khi cảm giác Khổ Thọ biết rằng, “Tôi cảm giác Khổ Thọ.”

Vị tỳ khưu khi cảm giác Bất Khổ Bất Lạc Thọ biết rằng, “Tôi cảm giác Bất Khổ Bất Lạc Thọ.”

Vị tỳ khưu khi cảm giác Lạc Thọ thuộc vật chất hay không vật chất biết rằng, “Tôi cảm giác Lạc Thọ thuộc vật chất hay không vật chất.”

Vị tỳ khưu khi cảm giác Khổ Thọ thuộc vật chất hay không vật chất biết rằng, “Tôi cảm giác Khổ Thọ thuộc vật chất hay không vật chất.”

Vị tỳ khưu khi cảm giác Bất Khổ Bất Lạc Thọ thuộc vật chất hay không vật chất biết rằng, “Tôi cảm giác Bất Khổ Bất Lạc Thọ thuộc vật chất hay không vật chất.”

* Vị tỳ khưu sống quán Thọ trên các nội Thọ, hay sống quán Thọ trên các ngoại Thọ, hay sống quán Thọ trên các nội Thọ, ngoại Thọ, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các Thọ, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Thọ. “Có Thọ đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước  vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Thọ trên các Thọ.

3.    Vị tỳ khưu sống quán Tâm trên Tâm

Có một loại trạng thái Tâm:

Tâm có Tham hay không Tham

Tâm có Sân hay không Sân

Tâm có Si hay không Si

Tâm thâu nhiếp hay bị tán loạn

Tâm được Đáo Đại hay không được Đáo Đại

Tâm hữu hạn hay vô thượng

Tâm có định hay bất định

Tâm có giải thoát hay không giải thoát

Vị tỳ khưu sống quán Tâm trên nội Tâm, hay sống quán Tâm trên ngoại Tâm, hay sống quán Tâm trên nội Tâm, ngoại Tâm, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên Tâm, hay sống quán tánh diệt tận trên Tâm, hay sống quán tánh sanh diệt trên Tâm. “Có Tâm đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Tâm trên Tâm.

4.    Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp

Quán sát Pháp trên các Pháp đối với Ngũ Triền Cái

Vị tỳ khưu với nội tâm có tham dục biết rằng, “nội tâm có tham dục” hay “không có tham dục.” Với tham dục chưa sanh, nay sanh khởi. Với tham dục đã sanh, nay được đoạn diệt. Với tham dục đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu với nội tâm có sân hận biết rằng, “nội tâm có sân hận” hay “không có sân hận.” Với sân hận chưa sanh, nay sanh khởi. Với sân hận đã sanh, nay được đoạn diệt. Với sân hận đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu với nội tâm có hôn thùy biết rằng, “nội tâm có hôn thùy” hay “không có hôn thùy.” Với hôn thùy chưa sanh, nay sanh khởi. Với hôn thùy đã sanh, nay được đoạn diệt. Với hôn thùy đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu với nội tâm có trạo hối biết rằng, “nội tâm có trạo hối” hay “không có trạo hối.” Với trạo hối chưa sanh, nay sanh khởi. Với trạo hối đã sanh, nay được đoạn diệt. Với trạo hối đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu với nội tâm có hoài nghi biết rằng, “nội tâm có hoài nghi” hay “không có hoài nghi.” Với hoài nghi chưa sanh, nay sanh khởi. Với hoài nghi đã sanh, nay được đoạn diệt. Với hoài nghi đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các nội Pháp, hay sống quán Pháp trên các ngoại Pháp, hay sống quán Pháp trên các nội Pháp, ngoại Pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các Pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Pháp. “Có những Pháp ở đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp.

Quán sát Pháp trên các Pháp đối với Ngũ Thủ Uẩn:

Đây là sắc, là sắc sanh, là sắc diệt.

Đây là thọ, là thọ sanh, là thọ diệt.

Đây là tưởng, là tưởng sanh, là tưởng diệt.

Đây là hành, là hành sanh, là hành diệt.

Đây là thức, là thức sanh, là thức diệt.

Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các nội Pháp, hay sống quán Pháp trên các ngoại Pháp, hay sống quán Pháp trên các nội Pháp, ngoại Pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các Pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Pháp. “Có những Pháp ở đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp.

Quán sát Pháp trên các Pháp đối với lục nội ngoại xứ:

Vị tỳ khưu biết mắt và các sắc. Do duyên bởi hai Pháp này, kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi. Với kiết sử đã sanh, nay được đoạn diệt. Với kiết sử đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết tai và các tiếng. Do duyên bởi hai Pháp này, kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi. Với kiết sử đã sanh, nay được đoạn diệt. Với kiết sử đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết mũi và các khí hơi. Do duyên bởi hai Pháp này, kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi. Với kiết  sử đã sanh, nay được đoạn diệt. Với kiết sử đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết lưỡi và các vị. Do duyên bởi hai Pháp này, kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi. Với kiết sử đã sanh, nay được đoạn diệt. Với kiết sử đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết thân và các xúc. Do duyên bởi hai Pháp này, kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi. Với kiết sử đã sanh, nay được đoạn diệt. Với kiết sử đã được đoạn diệt, và vị lai không còn sanh khởi nữa, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các nội Pháp, hay sống quán Pháp trên các ngoại Pháp, hay sống quán Pháp trên các nội Pháp, ngoại Pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các Pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Pháp. “Có những Pháp ở đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp.

Quán sát Pháp trên các Pháp đối với Thất Giác Chi:

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Niệm Giác Chi hay không có Niệm Giác Chi. Với Niệm Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Niệm  Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Trạch Pháp Giác Chi hay không có Trạch Pháp Giác Chi. Với Trạch Pháp Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Trạch Pháp Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Tinh Tấn Giác Chi hay không có Tinh Tấn Giác Chi. Với Tinh Tấn Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Tinh Tấn Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Hỷ Giác Chi hay không có Hỷ Giác Với Hỷ Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Hỷ Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Khinh An Giác Chi hay không có Khinh An Giác Chi. Với Khinh An Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Khinh An Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Định Giác Chi hay không có Định Giác Chi. Với Định Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Định Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu biết nội tâm có Xả Giác Chi hay không có Xả Giác Chi. Với Xả Giác Chi chưa sanh, nay sanh khởi. Với Xả Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị tỳ khưu đều rõ biết như vậy.

Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các nội Pháp, hay sống quán Pháp trên các ngoại Pháp, hay sống quán Pháp trên các nội Pháp, ngoại Pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các Pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Pháp. “Có những Pháp ở đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp.

Quán sát Pháp trên các Pháp đối với Tứ Đế:

Vị tỳ khưu như thật biết, đây là Khổ Thánh Đế, là Khổ Tập Thánh Đế, là Khổ Diệt Thánh Đế, là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế.

Khổ Thánh Đế gồm có: Sanh-lão-bệnh-tử Khổ; sầu bi Khổ; ưu não Khổ, cầu bất đắc Khổ. Tóm lại, Ngũ Thủ Uẩn là Khổ.

Khổ Tập Thánh Đế là sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Bao gồm: Dục Ái, Hữu Ái, và Vô Hữu Ái.

Khổ Diệt Thánh Đế là sự diệt tận, không còn luyến tiếc tham ái, sự xả ly, sự thí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (với tham ái).

Khổ Diệt Đạo Thánh Đế gồm có: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các nội Pháp, hay sống quán Pháp trên các ngoại Pháp, hay sống quán Pháp trên các nội Pháp, ngoại Pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các Pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các Pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các Pháp. “Có những Pháp ở đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.

Chính như vậy, vị tỳ khưu sống quán Pháp trên các Pháp.

Khả năng chứng quả của pháp môn Tứ Niệm Xứ

Vị tỳ khưu tu tập Tứ Niệm Xứ có thể chứng một trong hai quả vị:

  1. Chứng quả vị A La Hán (Vô Sinh).
  2. Chứng quả vị A Na Hàm ( Bất Lai).

Và trong thời gian tu tập và trau giồi Tứ Niệm Xứ, dẫn đến chứng đắc Đạo Quả, là từ bảy ngày cho đến bảy năm.

Đây là con đường độc nhất, đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Níp Bàn (NIBBÀNA). Đó là Tứ Niệm Xứ.

Kết Luận:

Sau khi đức Phật chấm dứt thời Pháp Thoại này, Chư Tỳ Khưu Tăng hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app