Nội Dung Chính
Giáo Án Trường Bộ Kinh
Kinh Chủng Đức (Sonadanda Sutta)
Xuất Xứ:
Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp Thoại này khi cùng với Bà La Môn SONADANDA trú ngụ tại thành CAMPÀ, trên bờ hồ GAGGARA, thuộc nước MAGADHA (Ma Kiệt Đà), do đức vua BIMBISÀRA trị vì.
Duyên Khởi:
Khi biết được tin đức Thế Tôn cùng với 500 vị tỳ khưu tăng lưu trú tại thành CAMPÀ, một số Bà La Môn và gia chủ cư ngụ tại đây đã cảm thấy phấn khởi. Những vị này khởi lên ý muốn được đến chiêm bái yết kiến Ngài, trong đó có Bà La Môn SONADANDA, mặc dầu số đông Bà La Môn và gia chủ đã khuyên bảo SONADANDA là không nên đi đến yết kiến đức Phật bởi vì Ngài không xứng đáng được như vậy.
Biện minh cho việc đi đến, Bà La Môn SONADANDA đã trình bày rất nhiều ưu điểm như sau trong vô lượng ưu điểm của đức Thế Tôn, cho thấy là Ngài rất xứng đáng để được tôn kính, yết kiến, và chiêm ngưỡng:
- Thiện sanh cả từ Mẫu hệ và Phụ hệ, có được huyết thống thanh tịnh đến bảy đời Tổ phụ, không một vết nhơ.
- Khả ái, xinh đẹp, khôi ngô tuấn tú, làm đẹp lòng mọi người, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng, nước da thù thắng.
- Xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ một chủng tộc Sát Đế Lỵ thanh tịnh cao quý, từ bỏ mọi thân thương của gia đình quyến thuộc và tài sản kho báu, ra đi trong tuổi thanh niên, tóc hãy còn đen nhánh, khi trên mặt của Cha Mẹ đầm đìa nước mắt và không đồng ý.
- Bậc Tôn Sư trên các hàng tôn sư của Chư Thiên và Nhân Loại.
- Bậc Giáo Chủ tối thượng trong các bậc Giáo Chủ, có danh thơm được loan truyền về mười Ân Đức, có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại Nhân, được rất nhiều người đến vấn Đạo học hỏi.
- Được tôn kính chiêm ngưỡng ở hàng Tứ Chúng, luôn đến cả Chư Thiên.
- Khi trú tại chỗ nào thì đem sự an lạc đến nơi đó, các hàng phi nhân không dám phá hại dân cư trong vùng ấy.
- Danh tiếng của đức Thế Tôn dựa trên Vô Thượng Trí Đức. Được các vua chúa như vua BIMBISÀRA, vua PASENADI, cùng các vương tôn công tử, luôn cả Bà La Môn POKKHARASÀDI tôn kính, trọng vọng, và trọn đời quy ngưỡng.
Chánh Kinh:
Cùng với đại chúng Bà La Môn đi gần đến bờ hồ GAGGARA, Bà La Môn SONADANDA khởi lên ưu tư trong tâm trí, lo sợ cuộc đối thoại này sẽ đem lại thất bại cho mình vì không biết đặt câu hỏi xứng đáng hay không biết trả lời xứng đáng khi tiếp xúc với đức Thế Tôn. Và cũng nghĩ là nếu quay trở lại, không gặp đức Thế Tôn, cũng đem đến sự thất bại; do vậy, tâm trí bị dao động và lo lắng khác thường.
Đức Thế Tôn vấn hỏi Bà La Môn SONADANDA
Với tuệ liễu tri về sự phân vân lo lắng của Bà La Môn SONADANDA, đức Phật đã đặt câu hỏi thuộc lãnh vực thông thạo về Sử Truyền của Tam Phệ Đà (Vedà), liên quan đến sự thành tựu một vị Bà La Môn, thì phải hội đủ bao nhiêu đức tánh để có được như vậy.
Bà La Môn SONADANDA trả lời đức Phật
Với câu trả lời đầu tiên, thì ông SONADANDA cho rằng, phải hội đủ cả năm đức tính như sau, thì mới được gọi là một vị Bà La Môn:
- Thiện sanh cả từ Mẫu hệ và Phụ hệ với huyết thống thanh tịnh cả bảy đời Tổ phụ.
- Thông suốt Tam Phệ Đà (Vedà), tinh thông trì chú, ngữ pháp.
- Khả ái, xinh đẹp, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng, khôi ngô tuấn tú, hằng được lòng mọi người.
- Đầy đủ giới hạnh cao dầy.
- Đa văn, quảng kiến, thông minh, sáng suốt.
- Với câu trả lời lần thứ hai, thì ông SONADANDA cho rằng, có thể bỏ một đức tính (bỏ dung sắc xinh đẹp), chỉ với bốn đức tính còn lại, thì được gọi là một vị Bà La Môn.
- Với câu trả lời lần thứ ba, thì ông SONADANDA cho rằng, chỉ với ba đức tính (bỏ chú thuật ngữ pháp), thì được gọi là một vị Bà La Môn.
- Với câu trả lời lần thứ tư, thì ông SONADANDA cho rằng, có thể bỏ cả huyết thống thọ sanh, cũng vẫn được gọi là một vị Bà La Môn, và chỉ cần hai đức tính là đầy đủ giới hạnh cao dầy và đa văn quảng kiến.
Cuối cùng, ông SONADANDA xác định cụ thể với đức Phật và với hội chúng đang ngồi đoanh vây Ngài là chỉ cần hội đủ cả hai và không thể bỏ mất một trong hai đức tánh đó, thì vẫn được gọi là một vị Bà La Môn. Kèm theo lời dẫn chứng cháu trai có tên gọi là ANGAKA, cho dù được hội đủ cả năm đức tính, nhưng Tà Hạnh phá giới (trong Ngũ Giới), thì vẫn không xứng đáng được gọi là một vị Bà La Môn.
Ông SONADANDA khẳng định hai đức tính còn lại có tính hỗ tương rất chặt chẽ. “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.”
Đức Phật xác nhận và nêu lên quan điểm của Ngài về giới hạnh và trí tuệ
(Theo đúng như trong Kinh Quả Báo Sa Môn, từ quả báo thứ 9 cho đến thứ 13). Phương pháp của đức Phật thường dùng là đối thoại, một cuộc nói chuyện rất cởi mở với đối phương. Đầu tiên Ngài đứng về phía đối phương, chấp nhận mọi danh từ, định nghĩa, quan niệm của đối phương để tìm hiểu vấn đề, nhưng dần dần Ngài hướng đối phương về quan điểm của Ngài, và cuối cùng Ngài thu phục đối phương trở lại quy ngưỡng Ngài.
Sự quy ngưỡng và cúng dường của Bà La Môn SONADANDA
Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng, với nhiều phương tiện trình bày và giải thích, đã làm cho Bà La Môn SONADANDA tỏ niềm tịnh tín, xin quy y Tam Bảo, và trọn đời quy ngưỡng. Sau đó đã thiết lễ cúng dường vật thực đến đức Phật cùng hội chúng tỳ khưu tăng tại nhà của Ông. Và Ông cũng đã tỏ lời tác bạch với sự cung kính đảnh lễ và cúng dường đức Thế Tôn bằng cả thân ngữ ý thanh tịnh, hợp theo cung cách của một vị Bà La Môn.
Kết Luận:
Pháp nhũ được khéo giảng dạy, khích lệ, và kích thích bởi đức Thế Tôn đã làm cho Bà La Môn SONADANDA phấn khởi hân hoan với Ngài, từ nơi chỗ ngồi đã đứng dậy và từ giã ra về.