Năm câu kệ Đức Phật tán dương sự dâng cúng tịnh xá

Sau khi chính thức thọ lãnh Jetavana tịnh xá, Đức Phật thuyết pháp bằng cách nói lên năm câu kệ để bày tỏ sự cảm kích về việc dâng cúng tịnh xá.

(1) Sītan unhaṃ paṭihanti

tato vālamigāni ca

sarīsape ca makase

sirire cāpi viṭhiyo.

(Tịnh xá mà ngươi đã dâng cúng) đem lại đầy đủ điều kiện để ngăn ngừa tránh khỏi những nguy hại của cơn lạnh quá mức gây ra bởi tứ đại bất hòa trong cơ thể, hoặc khí lạnh bên ngoài; nguy hại của cơn nóng gây ra bởi những đám lửa rừng; nguy hại về thú dữ như cọp,  beo, sư tử; nguy hại từ các loại côn trùng và bò sát như rận, rệp, rắn, rít, bò cạp; nguy hại do muỗi, mòng, và những côn trùng biết bay khác khi cắn vào thì gây trở ngại cho việc định tâm hành thiền; nguy hại do lạnh buốt từ những cơn mưa bất thường kéo dài hằng tuần trong thời gian 2 tháng (sisiraratu) từ 16 tháng chạp đến rằm tháng hai; và nguy hại do những cơn mưa lũ trong suốt những tháng mùa mưa.

 

(2)   Tato vātātapo ghoro

sañjāto paṭihanati

lenatthañca sukhattaṅca

jāyituñca vipassitum

vihāradānaṁ sanghassa

aggaṁ buddhena vannituṁ

 

(Tịnh xá mà ngươi đã dâng hiến) đem lại đầy đủ điều kiện để ngăn ngừa khỏi những cơn cuồng phong đáng sợ và sức nóng mãnh liệt, nó giúp các vị tỳ khưu có thể sống trong chỗ thanh tịnh vắng vẻ, không bị phóng tâm, tán loạn; nó giúp các vị ấy sống không bị nguy hại, được an lạc; nó giúp họ phát triển thiền chỉ và thiền quán. (Những người dâng hiến tịnh xá nên suy xét những lợi ích như vậy, phát sanh đến chư Tăng do nhờ tịnh xá mà họ đã dâng cúng). Chư Phật trong quá khứ và hiện tại, tán dương sự cúng dường tịnh xá đến chư Tăng là việc làm cao quý.

(3)   Tasma hi pandito poso

sampassaṁ atthamattano

vihāre kāraye ramme

vāsayettha bahussute.

 

Do đó, bậc trí suy xét kỹ và biết được những lợi ích dành cho mình trong cõi nhân loại và lợi ích Niết bàn giải thoát, thì nên xây cất tịnh xá cho chư Tăng để các Ngài sống được an lạc về thân và thanh tịnh về tâm. Sau khi xây dựng tịnh xá rồi, vị ấy nên cúng dường đến các vị tỳ khưu là những bậc có trí tuệ và giới đức, có những đức tánh cần thiết, và rành mạch trong việc kiểm soát và điều phục chính họ như là vị tỳ khưu trưởng, đó là: (1) Vị tỳ khưu tròn đủ 10 hạ (vassa), (2) Vị tỳ khưu rành mạch hai phần giới luật, đó là Bhikkhu-vibhanga và Bhikkhunī-vibhanga, (3) Vị tỳ khưu có khả năng đứng ra điều hành các Tăng sự theo đúng Luật (Saṅgha-kamma), (4) Vị tỳ khưu thông hiểu về các uẩn, (5) Vị tỳ khưu rành mạch trong Tuệ phân tích về nama-rūpa. Điều cần thiết là chọn ra một vị trưởng lão (thera) có những phẩm chất này để làm người chủ trì các tịnh xá.

 

(4) Tesam annañca paññāñca

vattha senāsanaṁ ca

dadeyya ujubhutesu

vippasannena cetasā.

 

Đối với các vị tỳ khưu chánh trực, có giới đức và trí tuệ đang trú ngụ trong tịnh xá, người thí chủ nên dâng cúng vật thực, nước giải khát, y áo và chỗ ngụ với tâm tịnh tín đối với Tam bảo và tin tưởng vào kết quả của các việc thiện. (Qua câu kệ này, Đức Phật khuyên người thí chủ dâng cúng tịnh xá nên hộ độ bốn món vật dụng đến vị tỳ khưu đang trú ngụ ở trong đó).

(5) Te assa Dhammam desenti

sabbadukkhapanūdānaṁ yam

so Dhammam idhaññāya

Parinibbātinasavo.

 

Để đáp lại, có vị tỳ khưu đa văn trú ngụ trong các tịnh xá nên có tâm từ ái bi mẫn mà thuyết pháp dẫn đến giải thoát mọi đau khổ của vòng sanh tử vì lợi ích của các thí chủ đã dâng cúng bốn món vật dụng này. Trong giáo pháp có tám điều kỳ diệu của Như Lai, thí chủ dâng cúng tịnh xá có tâm tịnh tín, nghe Pháp từ những vị tỳ khưu trú ngụ trong tịnh xá ấy và thực hành theo đúng những lời chỉ dạy của họ, sẽ được giác ngộ, và bằng sự đoạn tận các lậu hoặc (āsava) và chấm dứt đau khổ đắc thành những bậc A-la-hán.

Đức Phật sau khi thuyết giảng bài pháp này về lợi ích của sự dâng cúng tịnh xá (vihāranisamsa), để tùy hỉ với sự dâng hiến của trưởng giả Anāthapiṇḍika, Ngài trở về Jetavana tịnh xá.

Buổi lễ kéo dài chín tháng mừng việc dâng cúng tịnh xá thành công

Buổi lễ được tổ chức cho việc dâng cúng tịnh xá thành công bắt đầu từ ngày thứ hai (sau ngày Đức Phật đến) và kéo dài chín tháng. Buổi lễ do tín nữ Visakhā (vợ của một vị trưởng giả) tổ chức vào dịp dâng cúng Đông phương tịnh xá (Pubbarama) chỉ kéo dài bốn tháng. Chi phí của chín tháng làm lễ bao gồm sự cúng dường vật thực lên đến 18 koṭi (180 triệu).

Như vậy, nói về mức độ hộ trì giáo pháp (sāsana) trưởng giả Anāthapiṇḍika đã sử dụng hết năm trăm bốn chục koti (năm trăm bốn chục triệu đồng tiền vàng) gồm có: 18 koti cho chi phí về chỗ đất, 18 koti cho công trình xây dựng tịnh xá và 18 koti cho việc tổ chức các buổi lễ dâng cúng tịnh xá.

Chấm dứt câu chuyện về trưởng giả Anāthapiṇḍika

Việc trợ giúp tỳ khưu Nanda chứng đắc Arahatship

Khi Đức Phật ngụ ở Jetavana tịnh xá, em trai của Ngài là tỳ khưu Nanda vì không hoan hỉ để làm vị tỳ khưu, đã nói với những vị tỳ khưu đồng cư rằng: “ Thưa các hiền hữu, tôi không hoan hỉ sống cuộc đời của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, thực hành ba điều học một cách miễn cưỡng. Tôi không thể tiếp tục thọ trì các điều học cao quý. Tôi định từ bỏ pháp hành và trở lại đời sống của người tại gia cư sĩ.”

Đức Phật khi nghe tin ấy, Ngài cho gọi tỳ khưu Nanda đến và hỏi: “ Này Nanda, có phải con đã nói với nhiều vị tỳ khưu đồng cư  của con rằng ‘Thưa các hiền hữu, tôi không hoan hỉ sống cuộc đời của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, thực hành ba điều học một cách miễn cưỡng. Tôi không thể thọ trì những điều học này. Tôi định từ bỏ pháp hành và trở lại đời sống của người tại gia.’ Nhân đó, tỳ khưu Nanda nhận rằng: “ Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

Đức Phật lại hỏi vị ấy: “ Này em Nanda, tại sao em miễn cưỡng thọ trì ba điều học của bậc thánh? Tại sao em không thể tiếp tục thọ trì ba điều học này? Tại sao em muốn từ bỏ đời sống của vị tỳ khưu và trở lại đời sống của người cư sĩ?”

“ Thưa anh cả tôn kính, khi em rời khỏi hoàng cung cầm trên tay cái bát của anh, người em gái đã hứa hôn của em, nàng công chúa Janapada Kalyani của dòng Thích Ca, đã chạy ra đứng bên cửa sổ với mái tóc hãy còn ướt chưa chải xong, đã gọi em rằng: ‘ Thái tử điện hạ, hãy nhanh lên quay lại.’ Em luôn nghĩ đến những lời nói này của vị hôn thê kể từ khi em rời khỏi hoàng cung và đó là lý do tại sao em phải thực hành những điều học trái với ước muốn và sở thích, và em không thể thọ trì những điều học này nữa. Bây giờ em sẽ từ bỏ đời sống của vị tỳ khưu và trở lại đời sống của người tại gia.” Nanda đã đáp lại một cách đơn giản và trung thực.

Đức Thế Tôn dẫn tỳ khưu Nanda đi lên cõi trời Ba-mươi-ba (Tāvatiṁsa) bằng thần thông của Ngài, tựa như dùng hai cánh tay để nhấc bổng vị ấy lên. Trên đường đi, Đức Phật chỉ cho tỳ khưu Nanda xem một con khỉ cái già nua đang ngồi trên một gốc cây đã bị cháy đen, với đôi tai, mũi, đuôi và các phần khác trên thân lớn nhỏ của nó, đều bị cháy lem luốt. Khi đến tại cõi Tāvatiṁsa, Đức Phật hướng sự chú ý của tỳ khưu Nanda vào năm trăm tiên nữ có đôi chân mềm đỏ hồng như chân chim bồ câu, các tiên nữ ấy đến để hầu Đế Thích thiên vương và đang đứng đảnh lễ Đức Phật. Khi ấy Đức Thế Tôn hỏi Nanda:

“ Này em Nanda, em nghĩ gì về câu hỏi mà anh sắp hỏi đây? Ai trông xinh đẹp và yêu kiều hơn khi cô em gái của em, vị hôn thê đã đính hôn của em, nàng công chúa Janapada Kalyāni của bộ tộc Thích ca được đem so sánh với năm trăm nàng tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như đôi chân của chim bồ câu?”

(Đôi chân xinh đẹp của những nàng tiên nữ thướt tha, có màu sắc như màu chân của chim bồ câu này là quả phước do việc cúng dường loại dầu làm mềm da chân đến các vị tỳ khưu là đệ tử của Đức Phật Kassapa).

(Có một câu hỏi cần nêu lên ở đây là, tại sao Đức Phật lại khơi dậy dục ái trong tâm của tỳ khưu Nanda bằng cách chỉ cho vị ấy trông thấy những nàng tiên nữ khi tâm của vị ấy đã bị dục tình chế ngự?)

Câu trả lời là: “Đức Phật làm như vậy với mục đích đoạn trừ những ô nhiễm trong tâm của tỳ khưu Nanda.”

Giải thích: Một vị lương y tài giỏi, khi cố gắng chữa trị cho  một bịnh nhân bị chứng bịnh do đàm mật và gió quá vượng, thường cho những loại thuốc có chất dầu để kích thích cơn bịnh, rồi sau đó cho loại thuốc nôn để tống đàm ra khỏi miệng một cách dễ dàng và nhanh chóng, hoặc cho xổ nó ra bằng loại thuốc xổ. Cũng vậy, vị lương y vĩ đại nhất, bậc mà không ai sánh bằng trong việc điều phục những chúng sinh đáng được điều phục, đã chỉ cho tỳ khưu Nanda trông thấy những nàng tiên nữ trong khi tâm của vị ấy đang bị phiền trược thôi thúc, để khiến uế trược trong tâm của vị ấy khởi dậy và dâng cao tột đỉnh để rồi đoạn diệt nó bằng thánh đạo (ariya-magga) như là loại thuốc nôn, tống khứ các phiền não (kilesa) ra ngoài, như liều thuốc xổ trục xuất sạch các phiền não).

Nhân đó, trưởng lão Nanda đáp lại:

“Thưa anh cả tối kính, con khỉ cái già nua mà anh đã chỉ cho em trên đường đi với đôi tai, mũi, đuôi và các phần lớn nhỏ trên thân của nó đều bị cháy lem luốt, không thể nào được xem là xinh đẹp và yêu kiều. Tương tự vậy, công chúa Janapada Kalyāni của dòng tộc Thích Ca khi được đem so sánh với năm trăm tiên nữ xinh đẹp thì không thể được xem là mẫu người xinh đẹp. Quả thật vậy, năm trăm tiên nữ xinh đẹp, diễm kiều nhiều hơn so với công chúa.”

Rồi Đức Phật cho Nanda lời hứa khả:

“ Này em Nanda, hãy vui thích trong pháp hành về ba điều học; hãy vui thích trong pháp hành của bậc thánh về các điều học mà Như lai đã chỉ dạy. (Nếu em thực sự vui thích trong pháp hành của bậc thánh) Như lai bảo đảm em sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân xinh xắn, đỏ mềm như chân của chim bồ câu.”

Khi được Đức Phật cho lời hứa khả như vậy, tỳ khưu Nanda đáp lại rằng:

“ Thưa anh cả tối kính, nếu anh bảo đảm rằng em sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân mềm đỏ như chân của chim bồ câu, thì em sẽ thọ trì ba điều học của bậc thánh trong giáo pháp (sāsana) này với tâm hoan hỉ ngay dưới chân anh.”

(Có thể nêu lên câu hỏi ở đây rằng tại sao Đức Phật hứa khả với Nanda rằng vị ấy sẽ có được năm trăm tiên nữ để thỏa mãn dục ái mà vốn là lối sống thấp hèn, phi phạm hạnh (abrahmacariyavasa) trong khi Ngài muốn Nanda thọ trì ba pháp phạm hạnh?

Câu trả lời là: Dục tình của tỳ khưu Nanda đối với công chúa Janapada Kalyāni vốn rất mãnh liệt và vì thế Đức Phật đã chuyển sự chú ý của Nanda đến các nàng tiên nữ, như là một phương cách xoa dịu tạm thời trước khi vị ấy có thể đoạn tận phiền não ban đầu bằng thánh đạo (ariya-magga) cho nên Ngài đã sử dụng mẹo abrahmacariyavasa).

Rồi Đức Phật cùng với tỳ khưu Nanda biến mất khỏi cõi trời Tāvatiṁsa và xuất hiện ở Jetavana tịnh xá. Khi tỳ khưu Nanda đi về cốc của vị ấy, Đức Phật giải thích tất cả mọi điều đến các vị tỳ khưu đến hội họp để nghe Ngài thuyết pháp.

Sau khi báo cho các vị tỳ khưu đến hội họp biết chuyện đã xảy ra, Đức Phật hướng dẫn họ rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị hãy đi quở trách tỳ khưu Nanda, bằng cách gọi rằng: ‘Ồ, ngươi là kẻ đại nô lệ (người muốn một cái gì đó để phục vụ mình). Người là một nhà lái buôn lớn (mua một cái gì đó với giá nhất định để trao đổi).’”

Bằng cách ban ra những lời chỉ dạy này, Đức Phật đang sử dụng một phương pháp thực tiễn được ứng dụng trong thế gian. Một người tài giỏi rút ra một cây đinh dính chắc trong cái cột hay tấm ván bằng cách đóng vào nó một cây đinh mới nhỏ hơn, để khiến cho nó lung lay trước khi nó có thể được làm cho lỏng lẻo bằng tay và được lấy đi. Cũng vậy, tâm luyến ái mãnh liệt của tỳ khưu Nanda đã sâu đậm với công chúa Janapada Kalyāni, trước hết phải được làm vơi giảm tạm thời bằng sự chuyển hướng đến các tiên nữ hấp dẫn hơn. Rồi để đoạn trừ luôn cả dục lạc mới và đưa tỳ khưu Nanda trở lại con đường thực hành phạm hạnh, Đức Phật đã cho những lời khuyến dạy trên đến các vị tỳ khưu đến hội họp.

Làm đúng theo lời khuyên dạy của Đức Phật, những vị tỳ khưu ấy đi tung tin rằng, con trai của bà mẹ kế Mahā Pajapati Gotami và em trai của Đức Phật, tỳ khưu Nanda đã thọ trì các điều học của bậc thánh vì năm trăm tiên nữ, và Đức Phật cũng đảm bảo rằng vị ấy sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ câu. Khi nghe tin này, những người bạn của tỳ khưu Nanda đến và trách cứ vị ấy xối xả.

“Mọi người nói rằng ‘Tỳ khưu Nanda là một đại nô lệ, tỳ khưu Nanda là một lái buôn lớn. Vị ấy đã thọ trì các điều học vì vị ấy muốn năm trăm thiếu nữ xinh đẹp trong cõi chư thiên và Đức Phật đã đảm bảo cho vị ấy về việc có được năm trăm tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ câu.’”

Bị các vị tỳ khưu đồng cư gọi là ‘đại nô lệ’, ‘người lái buôn lớn’, tỳ khưu Nanda lấy làm xấu hổ không thể chịu nỗi. Vị ấy rút vào nơi vắng vẻ và nỗ lực bằng chánh niệm và nhiệt tâm chuyên cần trong việc thọ trì các điều học của vị tỳ khưu với tâm hướng đến Niết bàn, và chẳng bao lâu thanh lọc tất cả lậu hoặc (āsava), chứng đắc đạo quả A-la-hán với đầy đủ lục thông. Vị ấy được công nhận là một trong tám mươi vị đại thinh văn (asīti mahā sāvaka).

Nhân đó, một vị Phạm thiên A-la-hán đi đến Đức Phật vào lúc đêm khuya và khi đứng ở nơi thích hợp hoan hỉ báo tin với Ngài về sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của tỳ khưu Nanda. Ngay sau khi nghe tin ấy, Đức Phật suy xét: “Vị ấy như thế nào rồi?” và nhận thấy sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của tỳ khưu Nanda qua Nhất thiết trí. 

Sự thỉnh cầu của tỳ khưu Nanda đến Đức Phật

Như đã trình bày ở trên, do bị những lời quở trách và chế nhạo dồn dập bởi các vị tỳ khưu đồng cư, tỳ khưu Nanda đã khởi tâm khẩn trương trong pháp do xấu hổ và ân hận: “ Khi đi vào giáo pháp với Pháp và Luật, Dhamma-vinaya được khéo thuyết giảng, ta đã cho rằng Đức Phật chịu trách nhiệm về việc đảm bảo cho ta có được năm trăm nàng tiên nữ; vì thế ta đã phạm một lỗi lầm trầm trọng.” Do đó, vị ấy đã phấn đấu hết sức cho đến khi chứng đắc đạo quả A-la-hán. Rồi vị ấy suy nghĩ rằng thật tốt là đi đến Đức Phật và xóa bỏ lời bảo đảm mà Ngài đã hứa. Do đó, vị ấy đi đến Đức Phật vào sáng sớm hôm sau và tác bạch:

“ Thưa anh cả tôn kính, anh đã đảm bảo với em về việc có được năm trăm nàng tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ  câu. Thưa anh cả tôn kính, bây giờ em xin xóa bỏ lời hứa ấy của anh.”

Đức Phật đáp lại:

“ Này em Nanda, qua sự dò xét và phân tích trạng thái tâm của em, anh đã biết rõ rằng em đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Một vị Phạm thiên A-la-hán cũng đã báo tin trước cho anh biết về sự chứng đắc trạng thái ứng cúng A-la-hán của em rồi. Anh đã được xóa bỏ trách nhiệm về lời hứa khả ngay khi tâm của em được thoát khỏi các lậu hoặc.”

Đức Phật rất hoan hỉ và thốt lên câu kệ cảm hứng sau đây:

 Yassa nittinno pañko

maddito kāmakaṇuko

mohakkhayaṃ anuppatto

sukhadukkhesu na vedhati bhikkhu.

 

Bậc thánh nhân đã vượt qua vũng lầy của tà kiến, nói đúng hơn, vũng lầy của luân hồi (saṁsāra) bằng chiếc cầu Thánh đạo để đến bờ Niết bàn. Cây gai dục ái đâm xuyên tim của tất cả chúng sanh đã được nghiền nát bằng cái chày trí tuệ. Bậc thánh như vậy đã đi qua con đường Tứ Thánh Đạo và đến Niết bàn, chứng đắc đạo quả A-la-hán, điểm chấm dứt si (moha). Vị tỳ khưu A-la-hán, bậc đã diệt tận bóng tối của phiền não, không còn bị ảnh hưởng bởi vui hay buồn, vị ấy bất động và bình thản trước các pháp thăng trầm của thế gian.

Ngay sau đó, một số tỳ khưu đến hỏi tỳ khưu Nanda rằng: “ Này hiền giả Nanda, trước đây hiền giả đã nói rằng hiền giả không vui thích làm một vị tỳ khưu trong giáo pháp này. Những ngày gần đây, tâm của hiền giả như thế nào?” Tỳ khưu Nanda đáp lại rằng: “ Thưa các hiền giả, hiện tại tôi không có chút ý nghĩ nào muốn trở lại đời sống của người cư sĩ.”

Khi nghe những lời này của Nanda, các vị tỳ khưu quở trách vị ấy rằng:

“Tỳ khưu Nanda nói dối. Vị ấy đang nói về quả thánh A-la- hán. Không bao lâu trước đây vị ấy đã nói rằng vị ấy không vui thích trong giáo pháp này. Còn bây giờ vị ấy nói rằng vị ấy không có chút ý nghĩ nào muốn trở lại đời sống của người tại gia cư sĩ.”

Rồi họ đi trình lại vấn đề với Đức Phật. Đức Phật nói với họ rằng:

“ Này các vị tỳ khưu, trước đây không bao lâu, con người của

Nanda giống như căn nhà lợp vụng. Bây giờ nó giống như căn nhà khéo lợp. Quả thật, vị tỳ khưu Nanda đã phấn đấu đến sự thành tựu cao nhất của vị tỳ khưu sau khi vị ấy nhìn thấy những nàng tiên nữ xinh đẹp trong cõi chư thiên, kết quả là giờ đây vị ấy đã đạt đến pháp chứng tối cao ấy (là đạo quả A-la-hán).”

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết pháp bằng cách thốt lên hai câu kệ sau đây:

 

(1)   Yathā agāraṃ ducchannaṃ

vuṭṭhī samativijjhati

evam abhāvitaṃ cittaṃ

rāgo samativijjhati.

Này các tỳ khưu, cũng như nước mưa có thể thấm dột và chảy xuống trong căn nhà lợp vụng. Cũng vậy, tâm không được tu tập bằng thiền chỉ quán có thể bị phiền não xâm chiếm ngập tràn, tức là bị thấm ướt các loại nước mưa tình dục, ác tâm, si mê, ngã mạn, v.v…

(2)   Yathā agāraṃ succhannaṃ

vuṭṭhī samativijjhati

evam subhāvitaṃ cittaṃ

rāgo samativijjhati.

Này các tỳ khưu, cũng như nước mưa không thể thấm dột và chảy xuống căn nhà khéo lợp, cũng vậy tâm đã được tu tập bằng thiền chỉ quán thì không thể bị các phiền não xâm chiếm ngập tràn, tức là không bị thấm ướt bởi các loại nước mưa tình dục, sân ác, si mê, ngã mạn, v.v…

Vào lúc kết thúc thời pháp, số đông tỳ khưu đã chứng đắc quả Thánh Nhập lưu (sotāpatti-magga). Như vậy bài pháp này đem lại lợi lạc to lớn cho nhiều người.

Những bài pháp kể lại câu chuyện về Kappata

Một thời gian sau, các vị tỳ khưu tụ họp tại chánh pháp đường để bàn luận chánh pháp và nói lời tán dương Đức Phật như vầy:

“Thưa chư hiền giả, chư Phật quả thật vĩ đại và đáng được vỗ tay khen ngợi. Ngay cả tỳ khưu Nanda là người hầu như đã mất thích thú trong đời sống của vị tỳ khưu cũng đã được tế độ bằng cách ứng dụng những tiên nữ xinh đẹp như là một sự quyến rũ.”

Vào lúc ấy Đức Phật đi vào giảng đường và hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị đang bàn luận điều gì khi Như Lai đi vào giảng đường?” “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã hội họp ở đây để bàn luận về phương pháp kỳ diệu mà Đức Thế Tôn đã ứng dụng để điều phục tỳ khưu Nanda.”

Nhân đó, Đức Phật nói rằng: “ Này các tỳ khưu, không chỉ trong kiếp này Như Lai mới sách tấn tỳ khưu Nanda bằng cách ứng dụng nữ giới để khuyến dụ. Như Lai đã thắng phục vị ấy cũng bằng kế sách như vậy trong kiếp quá khứ.” Và theo lời thỉnh cầu của các vị tỳ khưu, Đức Phật đã thuyết giảng bổn sanh Kappata như sau:

Này các tỳ khưu, vào một thuở nọ, có một vị thương buôn tên là Kappata ở tại thành phố Bārāṇasī (Ba-la-nại) dưới triều đại của vua Brahmadatta. Vị ấy có một con lừa có thể kéo một chiếc xe chở đầy hàng nặng một kumbha (đơn vị đo trọng lượng bằng một phần ba trọng tải của chiếc xe bò) và có thể đi bảy do tuần một ngày.

Một hôm vị ấy cùng với đoàn thương buôn chở theo hàng hóa để bán đến Taxila. Trong khi hàng hóa được dở xuống, vị ấy thả con lừa kia cho nó đi ăn cỏ.

Trong khi con lừa đang gặm cỏ trên một bãi cỏ non ở gần cái hào của hoàng cung, nó nhìn thấy một con lừa cái và đi đến nàng ta.

Cuối cùng nó đã bắt chuyện thân mật với nàng lừa cái và đôi bạn trao đổi những lời tình tứ:

Lừa cái: Anh từ đâu đến vậy hả? Lừa đực: Anh từ Bārāṇasī đến.

Lừa cái: Anh đến vì công việc gì?

Lừa đực: Anh đến với mục đích buôn bán.

Lừa cái: Anh đã phải kéo số hàng nặng bao nhiêu?

Lừa đực: Anh phải kéo số hàng nặng một kumbha.

Lừa cái: Anh đã phải kéo số hàng nặng như vậy đi bao xa trong một ngày?

Lừa đực: Anh đã phải đi hết bảy do tuần trong một ngày.

Lừa cái: Có ai chăm sóc tử tế cho anh bất cứ nơi nào anh đi đến không?

Lừa đực: Không, chẳng có ai cả.

Lừa cái: Nếu vậy thì thật là tội nghiệp cho anh đã phải đi đây đó mà không được chăm sóc. Chắc anh phải chịu nhiều vất vả lắm nhỉ?

(Nàng lừa nói những lời trăng gió để lấy lòng chàng). Khi nghe những lời quyến rũ này của nàng lừa cái, lừa đực không còn vui thích trong công việc của nó và trở nên bơ phờ, ủ rũ.

Sau khi dở hàng xong, thương nhân Kappata đi đến con lừa của ông ta và nói rằng: “ Nào, đi con.” Lừa trả lời: “ Ông hãy đi một mình đi, tôi không thể theo ông.” Khi người thương nhân đã dùng nhiều phương cách để thuyết phục con lừa vâng lời ông ta nhưng không thành, ông ta quyết định dùng những lời đe dọa để khiến nó vâng lời:

 1.   Patodam te karissāmi

solasangulikaṇḍakaṁ

sañchindissāmi te kāyaṁ

evam jānāhi gadrabha.

Này con lừa xấu xa, đê tiện, ta sẽ thọc và đánh mầy bằng cây gậy dài 16 inches có gai nhọn bằng sắt. Ta sẽ phải làm cho thân của mầy bị rách nát tả tơi. Hãy coi chừng đấy.

Khi con lừa nghe lời đe dọa này, nó cự lại bằng cách nói rằng: “Được thôi, nếu thế thì tôi cũng vậy, tôi sẽ biết cách chơi lại.”

2.   Patodam me karissāsi

solasañgulikaṇḍakaṁ

purato patiṭṭhahitvāna

uddharitvāna pacchato

dantaṃ te pālayissāmi

evam jānāti Kappata.

 

Này thương nhân Kappata, nếu ông thực sự hích vào người tôi và đánh tôi bằng cây gậy dài 16 inches có đầu nhọn bằng sắt, thì tôi sẽ đứng vững bằng hai chân trước và dở hai chân sau của tôi lên, dùng hết sức mà đá vào miệng của ông khiến cho tất cả những cái răng của ông rụng xuống đất. Ông cũng nên biết điều ấy.

Khi thương nhân Kappata nghe lời nói gan dạ và hung hăng  của con lừa, ông ta tự hỏi: “ Nguyên nhân là thế nào?” và khi nhìn quanh, ông ta thấy con lừa cái ở gần đó. Rồi ông ta tự nghĩ: “ Con lừa cái này chắc đã dạy cho nó nói những lời như vậy. Phải khôn ngoan dụ nó mới được?” và ông ta nói: “ Này con, ta sẽ kiếm về cho con một nàng lừa cái như vậy.”

3.   Catuppadiṁ sankhamukhiṁ

nariṁ sabbañgasobhiniṁ

bhariyaṁ te ānayissāmi

evam jānāhi gadraha.

Này con yêu, ta sẽ kiếm một nàng lừa cái xinh đẹp trẻ trung, có khuôn mặt xinh đẹp như vỏ ốc xà cừ để làm vợ của con ngay sau khi chúng ta trở Bārāṇasī. Này con, hãy ghi nhớ những lời của ta.

Con lừa rất vui sướng khi nghe những lời động viên của ông chủ và đáp lại rằng:

 4.     Catuppadiṁ sankhamukhiṁ

nariṁ sabbañgasobhiniṁ

bhariyaṁ me ānayissāmi

evaṁ jānāhi Kappata

Kappata bhiyyo gamissāmi

yojanāni catudddasa.

Hỡi ông chủ Kappata, ân nhân của tôi… Nếu thật đúng là một nàng lừa cái xinh đẹp, trẻ trung, có khuôn mặt đẹp như vỏ ốc xà cừ được dành cho tôi sau khi trở lại Bārāṇasī, thì tôi, đứa con trai ngoan của ông, sẽ chuẩn bị làm việc với tinh tấn gấp đôi, sẽ đi mười bốn do tuần trong một ngày. Ông có thể tin vào lời nói của tôi.

Rồi thương nhân Kappata dẫn con lừa theo ông ta trở về thị  trấn quê nhà tại Bārāṇasī. Vài ngày sau khi về Bārāṇasī, con lừa đi đến Kappata và yêu cầu ông ta thực hiện lời hứa: “ Thưa ông chủ, ân nhân của tôi. Phải chăng ông đã hứa sẽ kiếm về một nàng lừa cái có thân hình xinh đẹp, trẻ trung để làm vợ của tôi?” Khi ấy thương nhân Kappata đáp lại rằng:

“ Vâng, đúng thực là ta đã hứa như vậy. Ta sẽ không nuốt lời hứa. Ta sẽ kiếm về cho ngươi một nàng lừa cái trẻ đẹp, nhưng ta chỉ có thể cung cấp vật thực cho ngươi mà thôi (không cho vợ của ngươi). Người hãy suy nghĩ lại đi, xem vật thực mà ta cho ngươi có đủ hay không đủ cho cả hai; và một điều khác ta muốn nhấn mạnh rằng một ngày kia, người sẽ có nhiều đứa con để chăm sóc, và vì thế chính ngươi phải suy nghĩ xem vật thực mà ta cung cấp cho ngươi có đủ cho cả gia đình của ngươi khi đang trở nên đông đúc hay không (đó không phải là trách nhiệm của ta). Hãy nghĩ về điều ấy, này con thân.”

Ngay khi thương nhân Kappata đang nói những lời khuyên bảo hợp lý thì tâm luyến ái của con lừa đối với con lừa cái bị cắt đứt.

Khi kể lại bổn sanh Kappata trong thời pháp của Ngài, Đức Phật nhận diện bổn sanh như sau: “ Này các tỳ khưu, nàng công chúa Janapada Kalyani của dòng Thích ca lúc bấy giờ là con lừa cái, Tỳ khưu Nanda là con lừa đực và Như Lai lúc bấy giờ là thương nhân Kappata. Như vậy, trong quá khứ xa xôi, Như Lai cũng đã điều phục tỳ khưu Nanda bằng cái bẫy của nữ giới.” Rồi Ngài kết thúc thời pháp của Ngài.

Kết thúc Bổn sanh Kappata

Những câu chuyện liên quan đến mùa an cư thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đức Phật

Chú thích: Liên quan đến các mùa an cư (vassa) thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đức Phật tại Rājagaha, một bộ sách chuyên đề cổ xưa về ‘Wasozin’ (một tài liệu trình bày những mùa an cư của Đức Phật) chỉ bàn đến ba câu chuyện được mô tả đưới đây:

(1)   Câu chuyện về một vị Bà-la-môn, bạn của đại đức Sāriputta (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).

(2)   Câu chuyện về Cunda, người bán thịt heo (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).

(3)   Câu chuyện về trưởng lão Mahā Kassapa (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).

Bộ sách Wasozin kết thúc bài trình bày về hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư với những lời sau đây: Như vậy, Đức Phật, để giữ lời hứa với vua Bimbisāra, đã trải qua mùa an cư kiết hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư tại Rājagaha, thuyết giảng những bài pháp để chỉ cho vô số chư thiên và nhân loại thấy con đường đến Niết bàn.

Tuy nhiên, Sayagyi Sāya Lin, người đầu tiên được giao trách nhiệm biên soạn đại tác phẩm ‘Mahā Buddhavaṃsa’ này, đã đưa vào trong bản mục lục những câu chuyện sau đây có liên đến hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đức Phật tại Rājagaha.

(1)   Bài trình bày về trưởng giả Jotika.

(2)   Bài trình bày về trưởng giả Jotila.

(3)   Bài trình bày về trưởng giả Mendaka.

(4)   Bài trình bày về trưởng giả Kakavaliya.

(5)   Bài trình bày về trưởng giả Punna.

(6)   Câu chuyện về người bán hoa Sumana.

(7)   Câu chuyện về Aggidatta và một ngàn ẩn sĩ.

(8)   Câu chuyện về Jambuka.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app