Nội Dung Chính
- Đức Phật kể lại truyện Bổn sanh Candakinnari
- Sự xuất gia của thái tử Nanda
- Sự thâu nạp Rāhula vào đời sống sa di
- Điều luật được Đức Phật ban hành theo yêu cầu của vua Suddhodāna
- Vua Suddhodāna chứng đắc quả thánh A-na-hàm (Anagāmi-phala)
- Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī dâng cúng Đức Phật bộ y do chính tay bà dệt
- Như đã trình bày ở trên, vào ngày sau khi Đức Phật và các vị A-la-hán đến kinh thành Kapilavatthu, vua Suddhodāna sau khi bày tỏ cảm nghĩ khó chịu và không tán thành Đức Phật và các vị A-la-hán đi khất thực, đã thỉnh mời Đức Thế Tôn và các vị A-la-hán về hoàng cung thọ thực.
Đức Phật kể lại truyện Bổn sanh Candakinnari
Khi lễ cúng dường vật thực đã kết thúc, tất cả triều thần và các công nương danh cao vọng tộc (ngoại trừ mẹ của Rahula, tức hoàng hậu Yasodhara), tất cả đều quỳ phục dưới chân Đức Phật và đảnh lễ Ngài.
Dầu các cung nữ đã nhắc nhở hoàng hậu rằng: “Thưa hoàng hậu, xin hãy ra khỏi cung phòng và đảnh lễ Đức Thế Tôn.” Hoàng hậu Yasodhara đáp lại rằng: “ Nếu ta đã từng làm một việc đặc biệt nào đó đáng ghi nhớ, thì Ngài sẽ tự thân đến với ta. Khi ấy và chỉ khi ấy ta sẽ đảnh lễ Ngài,” và bà ta điềm nhiên ở lại trong cung phòng của bà.
Đức Thế Tôn để vua Suddhodana ôm bát của Ngài, và với hai vị Thượng thủ Thinh văn, Ngài đi vào cung phòng của hoàng hậu. ( Lúc bấy giờ, có bốn chục ngàn cung nữ đang hầu hạ bà, trong số đó có một ngàn chín chục công chúa). Khi được báo tin rằng Đức Thế Tôn đang đi đến cung phòng, bà truyền lịnh cho bốn chục ngàn cung nữ tất cả đều mặc y vàng và tất cả họ đều làm y theo lịnh truyền (Chú giải Candakinnari).
Khi đến cung phòng của hoàng hậu Yasodharā, Đức Thế Tôn phán dạy: “ Không ai được phép nói bất cứ lời nào để cản ngăn công chúa Yasodhara khi nàng trút hết nỗi niềm để đảnh lễ Như lai,” và rồi Ngài ngồi vào chỗ đã được sửa soạn dành cho Ngài.
Hoàng hậu Yasodhara nhanh chóng đi đến trước mặt Đức Thế Tôn, hai bàn tay ôm lấy hai bàn chân của Ngài và bằng tất cả sức mạnh của bà, bà ôm ghì hai bàn chân ấy thật chắc. Bà đặt trán của bà xuống trên hai mu bàn chân ấy, chân trái rồi chân phải, và nhiều lần bày tỏ sự tôn kính sâu sắc đến Ngài. Thấy vậy, vua Suddhodana bạch với Đức Thế Tôn rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con gái của trẫm đã mặc chiếc y vàng kể từ khi nàng nghe tin Đức Thế Tôn đang mặc y vàng. Khi nàng nghe rằng Đức Thế Tôn sống chỉ độ một bữa ăn trong một ngày, nàng ăn một bữa ngọ. Từ khi nàng nghe rằng Đức Thế Tôn đã từ bỏ giường nằm cao sang, thì nàng đã ngủ trên giường tre; từ khi nàng nghe rằng Đức Thế Tôn đã từ bỏ tràng hoa và vật thơm, thì nàng cũng không đeo tràng hoa và thoa các loại dầu thơm.
Khi Ngài từ bỏ thế gian thì nhiều vị thái tử đã đến cầu hôn với nàng, nhưng nàng chằng chút động lòng dù đáp lại chỉ một cái liếc nhìn. Những đức hạnh phi thường kỳ diệu và đáng ca ngợi như vậy con gái trẫm đều có đủ.”
Như vậy, vua Suddhodana đã kể với Đức Phật về những đức hạnh và tánh kiên định trong tình yêu của công chúa Yasodhara đối với Ngài. Nhân đó, Đức Thế Tôn đáp lại rằng:
“ Thưa phụ hoàng, thật không lấy gì làm kinh ngạc rằng bây giờ Yasodhara, mẹ của Rāhula, đã giữ được đức tánh trung thành và tiết hạnh của nàng; xa rời sự bảo vệ của phụ hoàng, mẹ của Rāhula giờ đã trưởng thục về trí tuệ và có khả năng tự bảo vệ mình. Điều đáng ngưỡng mộ hơn nữa là trong một kiếp quá khứ nọ, Yasodharā, mẹ của Rahula, đã tự bảo vệ mình khi nàng rảo đi một mình dưới chân núi Canda khi trí tuệ của nàng chưa được trưởng thục và không có người bảo vệ.”
Sau khi kể lại những biên cố trong quá khứ bằng câu chuyện về Canda Kinnari (câu chuyện bổn sanh thứ hai của Pakinnaka Nipata), Đức Phật trở về tịnh xá Nigrodha cùng với hai chục ngàn vị A-la-hán.
Sự xuất gia của thái tử Nanda
(Vài nét thú vị liên quan đến thái tử Nanda, Di mẫu Mahapajapati Gotami của thái tử Siddhattha hạ sanh thái tử Nanda sau hai ngày. (Vào ngày thứ ba sau đó), vì hoàng hậu Mahā Maya đã hạ sanh thái tử Siddhattha nên bà Mahapajapati Gotami đã giao con ruột của bà cho các vú nuôi chăm sóc và chính bà lãnh trách nhiệm chăm nom Bồ tát (cháu của bà) bằng cách cho Ngài bú bằng chính sữa của bà. Thái tử Nanda nhỏ hơn thái tử Siddhattha chỉ hai hoặc ba ngày tuổi và thấp hơn khoảng bốn ngón tay).
Vào ngày thứ ba sau khi Đức Thế Tôn đến kinh thành Kapilavatthu, vua Suddhodāna tổ chức năm loại nghi lễ kiết tường để tôn vinh thái tử Nanda.
(1) Lễ buông xõa kiểu tóc thanh xuân để mở đường cho một kiểu tóc khác, phù hợp với người thừa kế ngai vàng (Kesavissajjana Maṅgalā).
(2) Lễ đặt quanh trán của thái tử một dải băng bằng vàng mang biểu tượng của vị thái tử sẽ kế vị (Paṭṭabandha Maṅgala).
(3) Lễ ban cung điện thường trú cho vị thái tử sẽ kế vị (Gharappavesana Maṅgala).
(4) Lễ kết hôn với nàng công chúa (chị em họ) là công chúa Janapadakalyani (Āvāha Maṅgala).
(5) Lễ ban tặng và dựng lên cái lọng trắng của vị thái tử thừa kế ngôi (Chattussāpana Maṅgala).
Trong dịp ấy, Đức Phật đi đến hoàng cung và sau khi thuyết pháp về những ân đức của các việc phước, vì Ngài muốn thái tử Nanda xuất gia, nên Ngài cố ý trao bình bát của Ngài cho Nanda và đi về tịnh xá.
Thái tử Nanda vốn rất tôn kính Đức Phật, người anh của vị ấy, nên thái tử chẳng dám nói một lời nào về việc cái bát được đặt trước mặt, dầu vị ấy đã có ý định muốn nói rằng: “ Thưa anh đáng kính, xin anh hãy cầm lấy bát,” vị ấy đã miễn cưỡng đi theo Đức Thế Tôn đến đỉnh cầu thang với ý nghĩ rằng vị ấy sẽ được trút bỏ gánh nặng ở đó, nhưng Đức Thế Tôn đã không làm như vậy.
Tay ôm lấy bát, vị ấy đi theo Đức Phật đến chân cầu thang nhưng Đức Thế Tôn cũng không lấy lại cái bát của Ngài. Thái tử phải miễn cưỡng đi theo Đức Thế Tôn với ý nghĩ và hy vọng rằng cái bát sẽ được lấy lại và cuối cùng vị ấy đi đến chỗ trống ở bên ngoài hoàng cung. Đức Phật vẫn tiếp tục đi mà không lấy lại bình bát của Ngài.
Thái tử Nanda đi theo Đức Thế Tôn mà trong lòng nôn nóng muốn quay về, nhưng vì lòng tôn kính sâu xa đối với Đức Thế Tôn khiến vị ấy lặng lẽ đi theo Ngài.
Vào lúc ấy, các nữ hầu của công chúa Janapadakalyani đến báo tin với nàng rằng: “ Thưa công chúa, Đức Phật đã dẫn thái tử Nanda đi để chia cách Thái tử với công chúa. (Khi ấy Janapadakalyani đang gội đầu), nàng vội vàng chạy ra cửa ở trên lan can của cung điện, tóc của nàng ướt nhỏ giọt và chưa chải xong, nàng tha thiết gọi theo ‘ Thái tử, chàng hãy quay lại mau,’ câu nói này khiến lòng thái tử Nanda nặng nề.
Đức Phật tiếp tục đi mà không lấy lại bát từ tay thái tử Nanda và khi đến tịnh xá, Ngài hỏi Nanda rằng: “Này Nanda, ngươi có muốn xuất gia và trở thành tỳ khưu không?” Do sợ hãi và tôn kính, Nanda không thể nói rằng: “ Không, con không thể, ” mà phải miễn cưỡng đồng ý rằng: “ Lành thay, thưa anh kính mến, em muốn xuất gia.”
“Nếu vậy, này các tỳ khưu, các người nên lo việc xuất gia cho đứa em trai của Như Lai.” Đức Thế Tôn nói vậy và các vị tỳ khưu đã làm y như lời dạy của Đức Thế Tôn.
Sự thâu nạp Rāhula vào đời sống sa di
Bảy ngày sau biến cố này, Đức Phật, có hai chục ngàn vị A-la- hán theo cùng, đi đến cung điện phụ vương Ngài để thọ thực. Hoàng hậu Yasodharacho cho con trai bà là Rāhula ăn mặc xinh đẹp và nói với con trai rằng: “ Này con yêu, hãy nhìn vào vị tỳ khưu tuyệt vời kia, được hầu cận bởi hai chục ngàn vị tỳ khưu, có nước da vàng ròng và thân toàn hảo như thân của Phạm thiên, vị ấy là cha của con. Trước khi vị ấy xuất gia và trở thành vị tỳ khưu, thường có bốn hầm châu báu, đó là Saṅgha, Ela, Uppla, Pundharika. Chúng đã biến mất ngay khi vị ấy từ bỏ thế gian. Vì vậy con hãy đi đến bên cha con và xin của thừa tự, nói rằng: “ Thưa cha kính yêu, con là một hoàng tử trẻ và đến đúng lúc, con sẽ lên ngôi làm vị Chuyển luân vương cai trị bốn châu, và vì thế, con cần của cải và châu báu phù hợp với vị vua, xin hãy cho con bốn hầm châu báu ấy để làm của thừa tự, để duy trì truyền thống là đứa con được thừa hưởng tài sản của cha.” Rồi bà bảo vị hoàng tử trẻ đi đến bên Đức Phật.
Khi hoàng tử Rāhula đến gần Đức Phật, cậu ta cảm nhận tình yêu nồng ấm của người cha, đầy vui sướng, hoàng tử nói rằng: “ Thưa cha kính yêu, không gian trong sự bảo vệ của cha quả thật rất an lạc, thanh tịnh và dễ chịu” và sau những lời ríu rít vui tươi, cậu bé ngồi xuống gần bên Đức Phật. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật thuyết về quả phước của sự bố thí vật thực, rồi Ngài rời khỏi hoàng cung và đi về tịnh xá Nigrodha, dẫn theo hai chục ngàn vị A-la-hán.
Hoàng tử Rāhula liền theo sau Đức Thế Tôn và nói lời cầu xin: “ Thưa cha kính yêu. Xin hãy cho con của thừa tự.” Cậu bé cứ lập đi lập lại câu nói ấy suốt con đường đi đến tịnh xá. Đức Phật không hề nói một lời nào với hoàng tử rằng: “ Này con yêu, hãy về nhà đi ” và không một vị quan nào dám ngăn cản cậu ta (vì đó là chuyện đứa con đi theo cha). Theo cách này, hoàng tử Rāhula đã đi đến tịnh xá cùng với Đức Phật để xin Ngài của thừa tự.
Khi đến tịnh xá, Đức Phật chợt nghĩ: “ Hoàng tử Rahula muốn thừa kế tài sản của cha. Tài sản trong thế gian chỉ dẫn đến đau khổ vì chúng được xem là những điều khổ của luân hồi. Ta sẽ cho cậu con trai Rahula của ta của thừa tự là bảy thánh sản (đó là: đức tin (saddhā), giới (sīla), tàm (hirī), quý (ottappa), nghe nhiều học rộng hay kiến thức (suta), xả ly (cāga) và trí tuệ (paññā) mà ta đã đạt được nhờ đánh bại ngũ ma. Ta sẽ làm cho hoàng tử Rahula con trai của ta sở hữu di sản siêu thế này.” Sau khi đã quyết định như vậy, Đức Phật gọi đại đức Sāriputta đến và nói: “ Sāriputta, hoàng tử Rāhula xin của thừa tự từ Như lai. Hãy truyền phép xuất gia sa-di cho Rāhula.”
Bảy thánh sản mà Đức Phật thuyết giảng là:
Saddhādhanaṁ, sīla dhanaṁ
hirī ottappiyaṁ dhanaṁ
sutadhanañca cāgo ca
paññā ve sattamaṁ dhanaṁ.
Trong bài Kokhan pyo (Những câu kệ trong chín phẩm) đại đức Mahā Ratthasara đã so sánh bảy thánh sản này với bảy loại tài sản trong thế gian như sau:
(1) Tàm (Hiri) Bạc
(2) Quý (Ottappa) Vàng
(3) Văn (Suta) San hô
(4) Đức Tin (Saddhā) Ngọc lục bảo
(5) Giới (Sīla) Ngọc trai
(6) Xả ly (Cāga) Đá quý
(7) Trí tuệ (Paññā) Kim cương
Y theo lời dạy của Đức Phật, đại đức Sāriputta giữ vai trò ‘thầy tế độ’ (upajjhāya), đại đức Mahā Moggallāna làm thầy hướng dẫn xuất gia (pabbajjhācariya) trông coi việc cạo đầu, truyền y bát và truyền Tam quy. Trong khi đó, đại đức Mahā Kassapa làm thầy cố vấn (ovādācariya). Như vậy hoàng tử Rāhula được thâu nhận vào đời sống sa-di và trở thành vị sa-di (sāmaṇera). Dầu ba vị đại trưởng lão giữ ba vai trò khác nhau trong quá trình truyền phép xuất gia nhưng thầy tế độ (upajjhāya) có vai trò nổi bật trong việc truyền phép xuất gia cho hoàng tử Rāhula; hai vị pabbajjhacariya và ovādācariya có phận sự đại diện cho thầy tế độ (uppajjhāya) như là những vị phó. Do đó, trong Kinh tạng có đoạn rằng: “ Atha kho Āyasmā Sāriputto Rāhulaṁ Kumaraṁ pabbājesi – Rồi đại đức Sāriputta truyền phép xuất gia sa- di cho hoàng tử Rāhula, dường như vị ấy đã thực hiện tất cả công việc cần thiết trong cuộc lễ xuất gia.”
Điều luật được Đức Phật ban hành theo yêu cầu của vua Suddhodāna
Vua Suddhodāna rất phiền muộn khi nghe tin “Hoàng tử Rahula đã được thâu nhận xuất gia làm sa-di.”
(Ở đây có điểm cần giải thích cho sáng tỏ: Như các nhà tiên tri nổi tiếng đã tiên đoán chắc chắn rằng: “ Vị thái tử này sẽ trở thành Chuyển luân vương” sau khi thái tử Siddhattha sinh ra, và họ cũng đưa ra lời tiên đoán y vậy trong những ngày lễ sinh nhật của hoàng tử Nanda và hoàng tử Rāhula.
Với niềm hy vọng là được nhìn thấy sự uy nghi và vinh quang của thái tử Siddhattha trong địa vị Chuyển luân vương, vua Suddhodanan chỉ chứng kiến việc thái tử Siddhattha từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn, đức vua đầy thất vọng và đau xót, phiền khổ lần thứ nhất.
Rồi vị ấy lại nuôi hy vọng rằng: “ Chỉ khi đứa con nhỏ Nanda của ta trở thành vị Chuyển luân vương, ta sẽ thấy vẻ uy nghi và vinh quang của nó.” Nhưng Nanda cũng được Đức Phật cho xuất gia làm tỳ khưu. Lần thứ hai, vị ấy vô cùng sầu não.
Tuy nhiên, vị ấy đã nhẫn nại chịu đựng hai trường hợp này khi tự nhủ rằng: “ Hy vọng cuối cùng của ta là được chứng kiến với sự mãn nguyện viên mãn về sự uy nghi và vẻ vinh quang của cháu nội Rāhula khi nó trở thành Chuyển luân vương.” Nhưng Rāhula cũng được Đức Thế Tôn thâu nhận cho xuất gia làm vị sa-di và ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của vua Suddhodāna: “ Như vậy là dòng dõi hoàng đế của các vị Thích ca đến đây đã chấm dứt. Sự vinh quang và vẻ uy nghi của vị Chuyển luân vương còn đâu nữa?” Vua Suddhodāna buồn khổ trong tuyệt vọng hơn bao giờ hết (Lúc bấy giờ, đức vua mới đạt đến từng thánh Tư đà hàm – sakadāgāmin ariya nên sân phiền não trong vị ấy chưa được đoạn tận).
Nỗi đau đớn của thân và tâm khởi sanh quá sức chịu đựng và khốc liệt đến nỗi vị ấy đi đến Đức Phật và sau khi đảnh lễ Ngài, ngồi ở chỗ thích hợp, đức vua bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, trẫm muốn thỉnh cầu Đức Thế Tôn một đặc ân.” Nhân đó, Đức Thế Tôn đáp lại rằng: “ Thưa phụ hoàng của dòng dõi Gotama, chư Phật Chánh đẳng Chánh giác bỏ qua giai đoạn ban đặc ân.”
(Chú thích: Ban đặc ân và ban thưởng không phải là công việc của các vị Sa-môn, bản thân sống nhờ vào vật thực nhận được từ các thí chủ hào phóng. Đúng vậy, nếu có người đến xin đặc ân từ họ thì quả thật không thích hợp để các Ngài trả lời rằng: “ Hãy xin bất cứ đặc ân nào mà thí chủ mong muốn”. Đây không phải là pháp hành của chư Phật).
Nhân đó đức vua nói rằng: “ Trẫm chỉ có một yêu cầu vừa phải, đúng pháp cũng như trong sạch.” Chỉ khi ấy Đức Phật mới cho phép đức vua nói lời yêu cầu, Ngài nói rằng: “ Thưa phụ hoàng thuộc dòng dõi Gotama, phụ hoàng có thể yêu cầu bất cứ điều gì mà phụ hoàng muốn.”
“ Này con kính yêu, khi con xuất ly thế gian lần đầu tiên ta vô cùng phiền muộn và ta lại càng khổ đau khi con trai, hoàng tử Nanda xuất gia, và cuối cùng, cháu nội Rahula trở thành sa-di, nỗi thống khổ của ta không thể lường được.
Này con kính yêu, tình yêu của bậc làm cha mẹ và của ông bà đối với con cháu thấm sâu vào da thịt đến tận cốt tuỷ.”
Sau khi nghe thuyết pháp, vua Suddhodana rời khỏi tịnh xá. Đức Phật xem xét lời yêu cầu của vua Suddhodana và công bố điều học trước chúng Tăng.
“ Na bhikkhave ananunnāto mātāpitūhi putto pabbājetabbo; yo pabbājeyya āpatti dukkaṭassa – Này các tỳ khưu, nếu một cậu bé chưa được sự đồng ý của cha mẹ nó thì không được thâu nạp cho xuất gia. Vị tỳ khưu nào cho phép một đứa bé như vậy xuất gia thì phạm tội tác ác.”
Vua Suddhodāna chứng đắc quả thánh A-na-hàm (Anagāmi-phala)
Vào một ngày nọ sau biến cố này, khi Đức Thế Tôn đi đến hoàng cung để độ thực cùng hai chục ngàn vị A-la-hán, vua Suddhodāna cúng dường Đức Thế Tôn và các vị A-la-hán món cháo và bánh ngọt trước bữa ăn chính. Và trong khoảng thời gian ấy, vua Suddhodāna kể lại chuyện xảy ra giữa vị ấy với chư thiên như vầy: “ Này con kính yêu, khi con miệt mài trong các pháp tu khổ hạnh, một số chư thiên xuất hiện trong không trung và nói với trẫm rằng: “ Con trai của bệ hạ, thái tử Siddhattha, đã chết vì không có đủ vật thực.”
Nhân đó, Đức Thế Tôn bèn hỏi đức vua: “ Thưa phụ vương, khi ấy phụ vương có tin những lời của chư thiên không?” Đức vua đáp lại: “ Không, trẫm không tin. Trẫm phủ nhận lời của chư thiên đang đứng trên không trung, nói rằng: “Con ta không thể nào nhập Niết bàn khi chưa chứng đắc Vô thượng dưới cội cây bồ đề khả ái.”
Rồi Đức Phật nói rằng: “ Thưa phụ vương ( không chỉ trong kiếp này), trong một kiếp quá khứ nọ, phụ vương sanh làm trưởng làng Mahā Dhammapala, phụ vương cũng đã phủ nhận lời nói của một giáo sư nổi tiếng, khi ông ta nói với phụ vương rằng: “ Con trai của ông, chàng trai Dhammapala, đã chết rồi. Đây là xương cốt của con trai ông.” Và đưa ra mớ xương dê để làm bằng chứng. Khi ấy phụ vương đã phản bác lời nói của ông ta rằng: “ Dòng tộc Dhammapala của tôi, không ai chết khi còn trẻ cả.” Phụ vương hoàn toàn không tin ông ta. Giờ đây trong kiếp cuối cùng của phụ vương, làm sao phụ vương có thể tin những lời của chư thiên cho được? Chắc chắn phụ vương sẽ không tin.” Sau đó theo sự thỉnh cầu của vua Suddhodāna, Đức Phật thuyết giảng bài pháp về Mahā Dhammapala Jataka (Dasaka Nipata- Truyện Bổn sanh số 9).
Sau khi kể lại Bổn sanh, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng Tứ Diệu Đế (Catusacca Dhamma kathā). Vào lúc kết thúc thời pháp này, vua Suddhodāna an trú vững chắc trong quả thánh Anagāmin.
Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī dâng cúng Đức Phật bộ y do chính tay bà dệt
Như đã trình bày ở trên, vào ngày sau khi Đức Phật và các vị A-la-hán đến kinh thành Kapilavatthu, vua Suddhodāna sau khi bày tỏ cảm nghĩ khó chịu và không tán thành Đức Phật và các vị A-la-hán đi khất thực, đã thỉnh mời Đức Thế Tôn và các vị A-la-hán về hoàng cung thọ thực.
Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī chứng kiến tướng hảo rực rỡ và trang nghiêm của Đức Phật khi Ngài đến hoàng cung, bà ta không thể tưởng rằng: “ Tướng mạo của con trai ta tuyệt hảo như thế ” và tâm của bà tràn đầy vui sướng. Rồi bà tiếp tục suy xét:
“ Suốt 29 năm khi con trai của ta còn ở thế tục, chính ta đích thân chăm lo sự an lạc cho người, chăm sóc miếng ăn, y áo và chỗ ngụ, thậm chí đến việc bóc vỏ chuối sẵn cho người. Bây giờ con trai của ta đã là vị Phật Toàn giác, điều thích hợp và nên làm là ta hãy tự tay dệt nên một bộ y để dâng cho người.”
Bà sai người dựng lên một ngôi nhà dệt vải ở trong khuôn viên của hoàng cung và mua từ chợ về loại bông vải phẩm chất thượng hạng. Công việc tách hột khỏi bông vải và se chúng thành những sợi chỉ mịn do chính tay bà tự làm. Bà cho mời những người thợ dệt lão luyện đến hoàng cung và bảo họ dệt một tấm vải để làm một bộ tam y; bà cung cấp cho họ vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm của bà đang dùng và ban thưởng cho họ rất hậu hỉ. Thỉnh thoảng bà đến thăm chỗ dệt vải, đi cùng các công nương tôn quý trong hoàng cung, và chính bà cũng tham dự vào công việc dệt vải y.
Khi tấm vải mịn đã dệt xong và các thợ dệt được trả công hậu hỉ, bà đặt tấm vải trong chiếc hộp đựng hương để khi đem ra nó sẽ tỏa hương thơm và khi mọi việc đã xong, bà đến gặp đức vua và tâu rằng:
“Tâu bệ hạ, thần thiếp muốn dâng tấm y mới dệt này đến đứa con trai tôn quý của thần thiếp và thiếp sẽ tự tay mang tấm y đến tịnh xá.”
Đức vua truyền lịnh dọn dẹp con đường từ hoàng cung đến tịnh xá cho được sạch sẽ. Mọi con đường đều được quét dọn, những cái chum đựng đầy nước mát được đặt dọc theo đường, và hai bên đường được trang hoàng cờ xí vui tươi. Từ cổng hoàng cung đến tịnh xá Nigrodha, khắp mặt đường được rải đầy hoa.
Với sự lộng lẫy và vẻ kiểu cách, bà Maha Pajapati Gotami, mặc lễ phục trang nghiêm và trang sức rực rỡ, đội trên đầu chiếc hộp trầm hương có chứa xấp vải y; bà đi đến tịnh xá với đoàn tùy tùng gồm những công nương tôn quý và các nữ hầu, và khi đến nơi, bà tác bạch với Đức Phật:
“ Hỡi con trai đáng kính nhất, Ta, di mẫu của con, với ý định dâng bộ tam y cho con nên đã tự tay bóc hột, xe chỉ và dệt nên tấm vải. Ta mong con vì lòng bi mẫn đối với ta, hãy nhận xấp vải do ta dệt để dâng đến con.”
[ Câu chuyện chi tiết về bà di mẫu dệt tấm vải để làm bộ tam y và dâng nó đến Đức Phật được nêu ra ở 12. Dakkhina-vibhanga. 4. Vibhaṅga Magga Uparipaññāsa, bảng dịch tiếng Miến].
Điểm đặc biệt: Chú giải của bài kinh Dakkhina Vibhaṅga giải thích rằng: “ Di mẫu của Đức Thế Tôn đã có ý định dâng cúng bộ tam y đến Đức Phật khi Ngài viếng thăm Kapilavatthu lần đầu tiên.” Trong kinh tạng Pāḷi, đề cập rằng Đức Phật đã khuyên bà nên dâng nó đến chư Tăng (thay vì dâng đến một cá nhân) để bà đạt được phước báu nhiều hơn. Rồi đại đức Ānanda thay mặt chư Tăng nhận lễ vật cúng dường.
Ở đây có điểm cần xem xét. Đại đức Ānanda chưa phải là tỳ khưu trong thời gian Đức Phật đến Kapilavatthu; vị ấy xuất gia tại khu rừng xoài Anupiya, nước Malla trong chuyến từ Kapilavatthu trở về. Chú giải của bộ Jataka chỉ nêu ra sự kiện Đức Phật từ Kapilavatthu trở về, sau khi an trú cho vua Suddhodāna trong ba quả Thánh bậc thấp.
Do đó, để giải quyết điểm mâu thuẫn này, sẽ thích hợp nếu cho rằng Maha Pajapati Gotamī nuôi dưỡng ý định sẽ dệt một tấm vải may bộ tam y cúng dường Đức Phật và thực hiện ý định ấy trong lần Đức Phật viếng thăm Kapilavatthu lần đầu tiên, và bà đã dâng bộ tam y ấy với nghi lễ long trọng trong dịp Đức Phật trở lại Kapilavatthu lần thứ hai.