Chương Ba: Bắt Đề Mục Thiền

Hôm nay chúng ta bước vào chương thứ ba. Với chương này, chúng ta bắt đầu giai đoạn thứ hai của việc phát triển tâm linh, tức là giai đoạn của định (samādhi). Chương thứ nhất liên quan đến giai đoạn thứ nhất, giới (sīla). Chương thứ hai liên quan đến các hạnh đầu đà, tức là một dạng của giới hạnh (sīla). Từ chương thứ ba cho đến chương thứ mười ba, giai đoạn thứ hai, tức là giai đoạn của định (samādhi), được miêu tả chi tiết.

1.  Định Và Ý Nghĩa Của Định

Chương ba bắt đầu với định nghĩa của thuật ngữ ‘samādhi’. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu hoặc học cái chúng ta đang thảo luận. Thuật ngữ ‘samādhi’ được  dịch là định hay sự tập trung. Để hiểu một cách đúng đắn, chúng ta phải quay ngược lại từ Pāḷi ‘samādhi’. Từ ‘samādhi’ được tạo thành bởi ‘saṃ’, ‘ā’, và ‘dhā’ cộng với ‘i’. Tiền tố ‘saṃ’ có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là một cách thăng bằng hay cân bằng. Điều đó có nghĩa là theo phương cách hợp nhất, không phân tán. Nghĩa thứ hai là một cách đúng đắn, chính, thẳng. Điều đó có nghĩa là không bị xao lãng, không bị rối trí. ‘Ā’ và ‘dhā’ cùng nhau có nghĩa là đặt, để. Cho nên, “samādhi” có nghĩa là đặt mà không phân tán, hoặc đặt và giữ cho chúng được hợp nhất và không bị xao lãng.

Đặt cái gì? Đặt tâm và các tâm sở của nó. Đặt lên trên cái gì? Đặt lên trên một đối tượng duy nhất. Định (samādhi) là một tâm sở. Nó là một trong 52 tâm sở. Trong số 52 tâm sở, chúng ta gọi nó là ‘nhất tâm’ hay ‘định’ (ekaggatā). Ekaggatā và samādhi là đồng nghĩa hay là như nhau. Định (samādhi) là tâm sở mà đặt tâm và các tâm sở đi cùng với nó lên trên một đối tượng, không làm phân tán chúng, giữ cho chúng được hợp nhất và không bị xao lãng. Định (samādhi) chỉ đạo hay điều hành tâm và các tâm sở sanh lên cùng với nó và không cho phép chúng cũng như chính nó bị xao lãng hay đi lan man.

Trong một chương khác của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), định (samādhi) được miêu tả là sự vững chắc của tâm, giống như sự đứng vững của ngọn lửa của cây nến khi không có luồng gió. Trong một căn phòng không có luồng gió, chúng ta đặt một cây nến với ngọn lửa. Định (samādhi) thì vững chãi như ngọn lửa đó.

Sự vững chắc của định (samādhi) là một chuỗi của những thời điểm vững chắc. Nó không phải chỉ là một thời điểm. Nó là một chuỗi của những sát-na tâm sanh lên liên tiếp trên cùng một đối tượng. Định (samādhi) là một tâm sở, và vì là một tâm sở, nó phải sanh lên và diệt đi chỉ trong vòng ba tiểu sát-na mà thôi. Cho nên, ở đây, “ở trên đối tượng trong khoảng một thời gian mà không phân tán, được hợp nhất và không bị chi phối”1 có nghĩa là một chuỗi những sát-na định (samādhi) sanh lên và diệt đi, bắt chỉ một và cùng một đối tượng. Đó là cái được gọi là định (samādhi) trong Phật giáo.

2.  Đặc Tính, Chức Năng, Sự Biểu Hiện Và Nguyên Nhân Gần Của Định

Bất kỳ khi nào chúng ta muốn hiểu một vấn đề gì đó, chúng ta phải hiểu nó dựa trên hoặc thông qua đặc tính, chức năng, sự biểu hiện và nguyên nhân gần. Những điều này được trình bày trong đoạn văn 4. “Định có sự không xao lãng hay sự không quẫn trí là đặc tính của nó.”1 Đặc tính của định (samādhi) là sự không xao lãng, sự không lan man. “Chức năng của nó là loại trừ sự xao lãng. Nó được biểu hiện ra là sự không lung lay hay sự không giao động (sự không rung động). Nguyên nhân gần của nó là an lạc.”2 An lạc có nghĩa là sự thoải mái hay một cái gì đó như là hạnh phúc (sukha). Chỉ khi nào có một cái gì đó như là sự thoải mái của tâm trí và thân xác, thì lúc đó mới có thể có định (samādhi).

Trong một chương khác, đặc tính và những điểm khác được trình bày khác hơn một chút, mặc dầu chúng ít nhiều có nghĩa giống nhau, tức là chỉ cho cùng một thứ. Trong chương đó, đặc tính (của định) được ghi nhận là sự không lan man hay sự không xao lãng. Chức năng là kết hợp hay kết tụ các pháp sanh lên cùng, giống như nước kết tụ hay kết hợp các bột tắm. Tức là các bạn có một ít bột và các bạn bỏ một ít nước vào đó. Nước kết hợp hay liên kết chúng lại thành một vật rắn. Giống như việc nước liên kết các phần  tử của bột lại với nhau, định (samādhi) kết hợp, hội tụ, điều hành, tập hợp tâm và các tâm sở cùng sanh. Nó không để cho tâm (citta) và các tâm sở (cetasika) sanh lên cùng với nó bị rời rạc, bị phân tán. Nó giữ tâm và các tâm sở ở cùng nhau. Sự biểu hiện của nó tại đây được miêu tả là sự tĩnh lặng vì khi có định (samādhi) thì có sự tĩnh lặng. Nguyên nhân gần là lạc (sukha).

3.  Các Loại Định

Rồi tác giả miêu tả những loại định khác nhau. “Thứ nhất, nó chỉ có một loại với đặc tính không xao lãng, không phân tâm.”1 Tính theo đặc tính này thì chỉ có một loại định (samādhi). Nhưng rồi nó có thể có hai loại, ba loại, bốn loại và vân vân.

“Nó có hai loại là cận định và an trú định.”2 Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu ít nhất hai loại này – cận định và an trú định. ‘Cận định’ có nghĩa là sự định tâm gần kề. Nó ở trong vùng phụ cận của thiền (jhāna) và đạo (magga). Do đó, nó được gọi là ‘cận định’.

Giả sử một hành giả thực hành thiền với một đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), nhìn vào một cái đĩa, bắt nó làm cảnh, ghi nhận nó, cố gắng nhớ nó. Khi hành giả đó có được hình ảnh trong tâm, hành giả được gọi là đã có ‘thủ tướng’ hay ‘học tướng’. Rồi hành giả niệm quán thủ tướng này đi lại nhiều lần cho đến khi nó trở thành trong sáng và không còn những tì vết. Tại lúc này, hành giả được gọi là đã đạt được cận định. Hành giả có định khá mạnh vào lúc này. Cận định đi liền trước thiền (jhāna), tức là an trú định. Nó cũng đi liền trước Đạo (magga), tức là định trong đạo. Loại định này được gọi là ‘cận định’. Loại định đi ngay theo sau loại định này được gọi là ‘an trú định’.

Ở đây, ‘an trú’ hay ‘thẩm thấu’ không chỉ có nghĩa là thiền (jhāna). Thuật ngữ Pāḷi là ‘appanā’. ‘An trú (appanā) định’ áp dụng cho cả hai: định trong thiền (jhāna) và định trong Đạo (magga).

Học viên: Như vậy, định (samādhi) có thể được chia ra thành hai loại: định của thiền (jhāna) và định của Đạo (Magga).

Giảng sư: Đúng vậy. Định của thiền (jhāna samādhi) và định của Đạo (magga samādhi) thuộc vào an trú (appanā) định. Trước hết, chúng ta có cận định, và rồi chúng ta có an trú định. An trú định có thể được chia ra thành hai – định của thiền (jhāna) và định của Đạo  (magga).

Học viên: Như vậy, định (samādhi) là thuật ngữ rộng hơn và rồi thiền (jhāna) chỉ là một phần nhỏ ở trong định (samādhi).

Giảng sư: Vâng, đúng vậy!

Hai loại định này (cận định và an trú định) là dành cho thiền chỉ tịnh (samatha). Trong thiền minh sát (vipassanā), chúng ta có một loại định nữa, mà được gọi là ‘sát-na định’. Nó giống như cận định. Thật ra, nó không phải là cận định vì không có thiền (jhāna) ở đó. Nhưng đối với thiền chỉ tịnh thì có hai loại định này – cận định và an trú định. Và tôi muốn nhắc lại là ‘an trú định’ không chỉ có nghĩa là thiền (jhāna). Nó cũng còn có nghĩa là Đạo (magga).

Trong đoạn văn số 6, phần thứ hai chỉ trình bày các  đề mục thiền dẫn đến sự chứng đạt cận định, chứ không dẫn đến sự chứng đạt định của thiền (jhāna). Tôi muốn các bạn nhìn vào bảng nêu (trong tài liệu phát tay)1. Nó được viết bằng tiếng Pāḷi, nên có lẽ hơi khó một chút trong giai đoạn này. Các bạn nhìn vào bảng nêu, cột cuối cùng là về thiền (jhāna). Các bạn có thể thấy rằng nếu các bạn thực hành một đề mục thiền cụ thể nào đó, các bạn có thể chứng đạt ví dụ cả năm tầng thiền (jhāna), hoặc chỉ tầng thiền (jhāna) thứ nhất, hoặc chẳng chứng đạt tầng thiền (jhāna) nào cả.

Các bạn hãy nhìn vào khoảng giữa trang, phần mười đề mục tùy niệm (anussati). Thứ nhất là niệm ân đức Phật (Buddhānussati). Nếu các bạn thực hành đề mục này, các bạn sẽ không chứng đắc thiền (jhāna). Các bạn sẽ chỉ chứng đắc cận định. Các bạn sẽ không có định của thiền (jhāna) hoặc thiền (jhāna) thông qua sự thực hành loại đề mục này. Tương tự với niệm ân đức Pháp (Dhammānussati), niệm ân đức Tăng (Saṅghānussati) và vân vân, các bạn sẽ không chứng đắc thiền (jhāna). Trong những đề mục này, các bạn sẽ chỉ chứng đắc cận định, chứ không phải an trú định. Bảng nêu này sẽ có ích cho những chương khác nữa.

Tôi cố ý dùng Pāḷi vì dùng Pāḷi thì sẽ ngắn hơn. Nếu các bạn không dùng Pāḷi, các bạn phải viết ‘niệm ân đức Phật’ và vân vân (tức là dài hơn). Và tôi cần phải ghi nhiều điều khác trên một trang giấy này.

Bốn mươi đề mục hành thiền được trình bày về sau trong chương này. Danh sách 40 đề mục ở trong đoạn văn 104 và 105. Các bạn có thể xem trước tại đó.

Học viên: Các đề mục được trình bày trong sách có được sắp xếp theo thứ tự giống như trong bảng nêu không?

Giảng sư: Để tôi xem. Trong sách, chúng ta có mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), mười đề mục bất mỹ, mười đề mục tùy niệm, tứ vô lượng tâm, bốn đề mục vô sắc, một sự quán tưởng, một sự phân tích. Không, chúng không giống. Trong bảng nêu, chúng ta có mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), mười đề mục bất mỹ (asubha), mười đề mục tùy niệm, tứ vô lượng tâm. Những cái này thì giống. Trong cuốn sách, tiếp theo là bốn đề mục vô sắc. Nhưng chúng lại là nhóm cuối cùng trong bảng nêu. Một sự quán tưởng có nghĩa là saññā trong bảng nêu. Một sự phân tích có nghĩa là vavatthāna trong bảng nêu. Thứ tự trong bảng nêu được lấy từ tài liệu The Manual of Abhidhamma.

Những cách phân loại khác về định (samādhi) như hiệp thế và siêu thế, với hỷ (pīti) và không với hỷ (pīti), đi cùng với lạc, đi cùng với xả và vân vân – để hiểu những sự phân chia này, các bạn phải nhớ năm tầng thiền (jhāna). Sơ thiền được đi cùng với tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Nhị thiền được đi cùng với tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Tam thiền được đi cùng với hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Tứ thiền được đi cùng với lạc (sukha) và định (ekaggatā). Ngũ thiền được đi cùng với xả (upekkhā) và định (ekaggatā).

Tôi hy vọng các bạn nhớ rằng các tầng thiền (jhāna) có thể là bốn hoặc năm. Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), các tầng thiền (jhāna) được miêu tả là có bốn. Rất hiếm thấy nơi chúng được miêu tả là có năm trong các bài kinh (sutta). Nhưng trong Thắng Pháp (Abhidhamma), chúng được miêu tả là cả bốn và năm. Theo phương pháp chia bốn thì có bốn tầng thiền (jhāna), nhưng theo phương pháp chia năm thì có năm tầng thiền (jhāna). Thật ra, chúng là giống nhau. Sơ thiền trong phương pháp chia bốn thì giống với sơ thiền trong phương pháp chia năm. Nhị thiền trong phương pháp chia bốn là tam thiền trong phương pháp chia năm. Nếu các bạn nhớ được điều đó thì các bạn sẽ hiểu được sự phân chia này, nhưng nếu các bạn không nhớ thì cũng đừng lo lắng.

Trong đoạn văn 14: “Trong bộ tứ đầu tiên, có loại định với tiến độ khó khăn và trí tuệ chậm chạp, lờ đờ.”1 ‘Tiến độ khó khăn’ có nghĩa là thực hành khó khăn. Các bạn phải thực hành nhiều. Các bạn phải dành nhiều thời gian thực hành để có được sự tiến triển. ‘Trí tuệ chậm chạp, lờ đờ’ có nghĩa là sự hiểu biết chậm chạp, lờ đờ. Sự hiểu biết chậm. Sự hiểu biết, sự thông suốt có thể là nhanh hoặc có thể là chậm. Sự thực hành thì cũng khó khăn đối với người này và không khó khăn đối với người khác. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng được trình bày tại những trang này.

Về việc đã có thực hành từ trước, chúng ta hãy xem đoạn văn 17. “Bên cạnh đó, chúng nên được hiểu là được phân loại theo tham và si, và tùy theo việc hành giả đã có thực hành thiền chỉ và thiền quán chưa.”2 Ở đây, ý muốn nói là việc hành giả đã có thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā) trong những kiếp quá khứ chưa. Nếu các bạn đã có thực hành thiền chỉ (samatha) trong những kiếp quá khứ, thì khi các bạn tiến hành thực hành thiền chỉ (samatha) ở đây, tiến độ của các bạn là không khó khăn. Các bạn sẽ có tiến độ dễ dàng. Nếu các bạn chưa thực hành thiền như vậy trong quá khứ thì nó có lẽ sẽ khó khăn. Cho nên, ‘nếu vị đó chưa có thực hành’ có nghĩa là thực hành trong những kiếp sống quá khứ.

Trong đoạn văn 22, ở khoảng giữa đoạn văn “trạng thái tham dự vào sự xuất chúng là sự chứng đắc sự xuất chúng cao hơn”3. ‘Sự xuất chúng cao hơn’ ở đây có nghĩa là các tầng thiền (jhāna) cao hơn. Đôi lúc ‘sự xuất chúng’ có nghĩa là sự giác ngộ. Nhưng ở đây, ‘sự xuất chúng’ có nghĩa là các tầng thiền (jhāna).

“Trạng thái tham dự vào sự xuyên thấu là khả năng thể nhập vào tưởng và tác ý được đi kèm theo với ly dục.”1 Đây có nghĩa là thiền quán (vipassanā). ‘Tham dự vào sự xuyên thấu’ có nghĩa là dẫn đến hay đưa đến thiền quán (vipassanā).

Học viên: ‘Tham dự vào sự thối giảm’ có nghĩa là gì?

Giảng sư: Có nghĩa là vị đó không thực hành nó một cách tốt đẹp. ‘Thối giảm’ có nghĩa là thối lui hay đi ngược. Các bạn có thể mất đi độ tập trung (định) nếu các bạn không thực hành. Có khả năng đi đến sự đối nghịch. ‘Sự đối nghịch’ có nghĩa là các triền cái. Khi các triền cái ở gần với các bạn, thì các bạn có thể mất định (samādhi). Loại định (samādhi) này được gọi là ‘tham dự vào sự thối giảm’. ‘Sự trì trệ’ là khi định (samādhi) không thối lui cũng không tiến triển. Nó chỉ đứng lại đó, không có tiến triển gì cả. Đó được gọi là ‘tham dự vào sự trì trệ’2. Đó là vì vị đó không thể từ bỏ được sự dính mắc vào định (samādhi) đó. Vị đó dính mắc vào định (samādhi) và do đó, không thể tiến triển gì cả.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app