2.2.  Ý Nghĩa Của Giới

Ý nghĩa của từ ‘sīla’ là gì? Điều này có thể là không thú vị cho những ai không lưu tâm đến ngôn ngữ Pāḷi. Từ ‘sīla’ được giải thích ở đây có nghĩa là kết hợp, gìn giữ hay bảo tồn. Sự ‘bảo tồn’ này là cái gì? “Nó là sự điều phối, tức là sự không bất nhất của các hành động thuộc về thân, vân vân, do nhờ giới hạnh.”1 ‘Sự không bất nhất’ thật ra có nghĩa là sự không tán loạn của các hành động. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta thực hiện những hành động bất thiện, các hành động của chúng ta được nói là bị tán loạn, không được điều phối. Tôi nghĩ, từ ‘sự tán loạn’ thì hay hơn là từ ‘sự bất nhất’. ‘Sự đồng nhất’ có nghĩa là nó phải là không khác biệt với những cái khác hay cái gì giống như vậy. Nếu các bạn đồng nhất, trước sau như một, điều đó có nghĩa là các bạn luôn luôn thực hiện điều đó như vậy, không thay đổi. Nhưng điều đó có thể là một thói quen xấu. Cho nên, ở đây, nó có nghĩa là các hành động của các bạn là không bị tán loạn khi các bạn có giới (sīla).

“Giới (sīla) là sự nâng đỡ hay bảo tồn, có nghĩa là  một dạng nền tảng, vì nó hoạt động như là một nền tảng cho những thiện pháp.”1 Chỉ khi nào các bạn có giới (sīla), các bạn mới có thể có những trạng thái tinh thần thiện. Cho nên, giới (sīla) là cái gì đó giống như sự bảo tồn hay nâng đỡ. Đây là hai ý nghĩa của giới (sīla).

“Những người hiểu ngữ nguyên (tức là những nhà nghiên cứu văn phạm) chỉ chấp nhận hai ý nghĩa này. Tuy nhiên, những người khác bàn luận về ý nghĩa ở đây theo cách bắt đầu bằng ‘Ý nghĩa của giới (sīla) là ý nghĩa của cái đầu (siras), ý nghĩa của giới là ý nghĩa của sự mát mẻ (sītala)’.”2 Đây là sự chơi chữ. Thuật ngữ Pāḷi ‘sīla’ thì gần với từ ‘siras’ và cũng gần với từ ‘sītala’. Cho nên, các vị đó có thể giải thích theo cách này, nhưng điều này không được nhà chú giải (ND: ngài Buddhaghosa) chấp nhận ở đây.

2.3.  Đặc Tính, Chức Năng, Sự Biểu Hiện Và Nguyên Nhân Gần Của Giới

“Cái gì là đặc tính, chức năng, sự biểu hiện và nguyên nhân gần của giới (sīla)?”3 Tôi nghĩ các bạn quen thuộc với những điều này. Bất kỳ khi nào chúng ta cần phải hiểu điều gì đó, chúng ta phải hiểu nó thông qua đặc tính, chức năng, sự hiểu hiện và nguyên nhân gần. Chỉ rồi sau đó, chúng ta mới hiểu nó một cách thấu triệt.

Đặc biệt khi các bạn thực hành thiền, các bạn nhận ra hoặc hiểu ra các pháp đôi lúc thông qua đặc tính. Điều đó có nghĩa là các bạn thấy rõ các pháp thông qua đặc tính. Đôi lúc các bạn thấy chức năng. Đôi lúc các bạn thấy sự biểu hiện và đôi lúc các bạn thấy nguyên nhân gần. Do đó, chúng ta phải thông hiểu các pháp dựa trên hay thông qua bốn yếu tố này.

Như vậy, chúng ta phải hiểu giới (sīla) dựa trên hay thông qua bốn khía cạnh này. Đặc tính của nó là gì? Tức là cái gì là bản chất hay cốt lõi riêng biệt của nó? Đặc tính của giới (sīla) chỉ là sự kết hợp, như đã được nhắc đến ở trước. “Giống như đặc tính ‘có thể nhìn thấy được’ là đặc tính của sắc xứ thậm chí khi được phân tích ra thành nhiều thể loại như xanh, vàng, vân vân, bởi vì thậm chí khi được phân tích ra thành nhiều thể loại như vậy, nó cũng không thể vượt ra ngoài đặc tính ‘có thể nhìn thấy được’; cũng vậy, đặc tính kết hợp này, như được miêu tả ở trên, là sự điều phối của các hoạt động thuộc về thân, vân vân, và là nền tảng của các thiện pháp, là đặc tính của giới thậm chí khi được phân tích ra thành nhiều thể loại khác nhau như sự chủ ý (tâm sở tư), vân vân, bởi vì khi được phân tích ra thành nhiều thể loại như vậy, nó cũng không thể vượt ra ngoài đặc tính điều phối và nền tảng.”1 ‘Sắc xứ’ chỉ đơn giản có nghĩa là cảnh sắc. Trong số 28 sắc pháp, có một  loại có thể nhìn thấy được. Đó là pháp duy nhất mắt chúng ta có thể nhìn thấy được. Nó được chuyển ngữ thành ‘cảnh sắc’. Đặc tính của cảnh sắc chỉ là sự ‘có thể nhìn thấy được’. Sự việc nó có thể được nhìn thấy là đặc tính của nó. Mặc dầu chúng ta có thể nói các cảnh sắc là đỏ, vàng, xanh, trắng và vân vân, nhưng khi xét theo đặc tính thì chúng chỉ là một, các dữ liệu có thể được nhìn thấy vốn có đặc tính ‘có thể nhìn thấy được’.

Cũng theo cách này, chúng ta có thể miêu tả tâm sở tư (cetanā) là giới (sīla). Các tâm sở (cetasika) là giới (sīla). Sự chế ngự là giới (sīla). Sự không vi phạm là giới (sīla). Cho dầu có bao nhiêu loại giới (sīla) khác nhau đi nữa, thì đặc tính, tức là bản chất chung, của tất cả những loại giới khác nhau này cũng chỉ là sự kết hợp. Do đó, nó có đặc tính là sự kết hợp.

Chức năng của nó là gì? Thuật ngữ Pāḷi chỉ cho ‘chức năng’ là rasa. Rasa có hai nghĩa. Một nghĩa là hoạt động hay chức năng và một nghĩa khác là sự thành tựu. Đôi lúc, chức năng theo nghĩa hoạt động được dùng. Đôi lúc, chức năng theo nghĩa sự thành tựu được dùng. Ở đây, cả hai đều được nhắc đến. Chức năng của giới (sīla) là sự chấm dứt những hành vi bất chánh. Khi các bạn có giới (sīla), các bạn không vi phạm các giới điều. Các bạn không có những  hành vi bất chánh. Sự chấm dứt những hành vi bất chánh là chức năng của nó hay là bản chất của nó. Vô tội hay sự không bị chê trách là chức năng theo nghĩa sự thành tựu. Điều đó có nghĩa là khi các bạn đạt được sự thanh tịnh về giới (sīla), các bạn không bị chê trách. Sự không bị chê trách cũng được xem là chức năng của giới (sīla). Thuật ngữ Pāḷi ‘rasa’ có hai nghĩa – hoạt động và sự thành tựu.

Sự biểu hiện của giới (sīla) là gì? “Theo những vị hiểu biết nói, giới Có biểu hiện là sự thanh tịnh;

Và về nguyên nhân gần của nó thì các vị nói Hai pháp, lương tâm và sự hổ thẹn.”1

Sự biểu hiện của giới (sīla) chỉ là sự thanh tịnh. Khi chúng ta tập trung vào giới (sīla), nó xuất hiện hay biểu hiện ra cho chúng ta là sự thanh tịnh. Giới (sīla) là sự thanh tịnh thật sự. Cho nên, sự thanh tịnh là sự biểu hiện của giới (sīla).

Các nguyên nhân gần của giới (sīla) là lương tâm và sự hổ thẹn. Thật ra, các nguyên nhân gần là tàm và úy. ‘Tàm’ là sự hổ thẹn làm những điều bất thiện. ‘Úy’ là sự ghê sợ làm những điều bất thiện. Nếu chúng ta thực hiện những việc bất thiện, nếu hạnh kiểm của chúng ta không được trong sạch, chúng ta sẽ nhận những quả xấu. Cho nên, tàm và úy này được gọi là ‘những nguyên nhân gần của  giới (sīla)’. Miễn là mọi người có tàm và úy, họ sẽ giữ giới. Ngay lúc hai pháp này không còn ở cùng với họ, thì họ sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn.

Học viên: Thỉnh ngài định nghĩa nguyên nhân gần là gì.

Giảng sư: Có hai loại nguyên nhân – nguyên nhân gần và nguyên nhân xa. Đây là nguyên nhân gần.

Các bạn hãy đọc khoảng 20 trang, chuẩn bị cho tuần đến. Sau khi đọc xong, chúng ta sẽ thảo luận về chúng trong lớp học.

Học viên: Tôi nghe rằng nếu một ai đó thật sự muốn nghiên cứu Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda), người đó phải cần một cái hang và cần tài liệu này (ND: tức là  người đó xuất gia và vào hang động ở để có thể tu tập đúng đắn theo như hướng dẫn của tài liệu này).

Giảng sư: Đúng vậy. Tài liệu này rất được tôn trọng tại các quốc gia theo trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravāda). Thật ra là nó được đặt ngay sau (ND: những lời dạy của) Đức Phật. Đây là ấn phẩm ở Miến Điện bằng tiếng Pāḷi, tập 1.

Học viên: Tài liệu này dành cho các tu sĩ. Có chỗ nào trong đó dành cho cư sĩ tại gia như chúng tôi không?

Giảng sư: Các bạn phải kiên nhẫn với hai chương đầu tiên vì những giới điều và những sự hành trì (ND: được trình bày trong hai chương này) là dành cho các tu sĩ. Nhưng các bạn có thể sửa đổi một vài điều trong chương này và chương tiếp theo để làm cho chúng phù hợp với giới luật (sīla) của cư sĩ tại gia. Các tu sĩ được khuyến khích là phải rất nghiêm khắc trì hành giới luật. Họ được khuyến khích là không được vi phạm bất cứ giới điều nào cho dầu đó là giới điều nhỏ nhặt. Điều được ghi nhận là vị tu sĩ nên nhìn thấy sự nguy hại, thậm chí trong sự vi phạm nhỏ nhặt nhất. Theo cách này, nếu các bạn chuẩn bị thực hành thiền, các bạn phải làm trong sạch các căn quyền. Các bạn trước hết phải thiết lập một nền tảng giới hạnh trong sạch. Là cư sĩ, các bạn phải thọ nhận các giới điều, ít nhất là ngũ giới  và các bạn phải trì hành chúng. Các bạn không được vi phạm bất kỳ giới điều nào. Các bạn phải giữ cho chúng trong sạch nguyên vẹn. Các bạn có thể được khuyến khích là không được vi phạm bất cứ giới điều nào, thậm chí trong trường hợp sanh mạng của các bạn bị đe dọa. Chúng ta cũng có thể chỉnh sửa các lời giáo huấn trong chương này cho phù hợp với sự thực hành của các cư sĩ tại gia. Chương này bàn về giới hạnh (sīla) của các tu sĩ.

Tôi e ngại là các bạn sẽ tìm thấy nhiều hạnh kiểm xấu và những phương cách không thích đáng được đề cập đến ở đây. Các bạn sẽ thấy được rằng các tu sĩ tài lanh như thế nào trong việc thu kiếm những vật dụng cho chính mình và sắc sảo như thế nào trong việc tránh nói dối trực tiếp, nhưng lại nói vòng vo hay những điều tương tự.

Điều tuyệt vời về các Sớ Giải là trong đó có trình bày nhiều mẫu chuyện. Chúng ta có thể học tập từ những mẫu chuyện này. Từ chương thứ ba trở đi, tài liệu này bàn về việc thực hành thiền cho cả tu sĩ lẫn cư sĩ. Dĩ nhiên, trọng yếu vẫn là dành cho các tu sĩ vì vào lúc bấy giờ, các tu sĩ là những người thực hành thiền nhiều hơn các cư sĩ. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng nữa. Ngày nay, cư sĩ cũng rất vui thích trong việc hành thiền.

Tại Miến Điện, vào đầu thế kỷ, các tu sĩ đã trở nên quan tâm nhiều trong việc hành thiền minh sát (vipassanā). Các vị đã dành cơ hội cho các cư sĩ cùng hành thiền minh sát (vipassanā). Trước đó, các cư sĩ đã không nghĩ là họ có thể thực hành thiền nhiều được vì họ phải bận rộn với công việc tại gia. Họ nghĩ là tu sĩ là phải ẩn cư một mình tại nơi xa lánh và thực hành thiền. Vị thầy của thầy tôi, tức là thầy của ngài Mahāsi Sayadaw, đã là một trong những người tiên phong trong việc vực lại niềm ham mê hành thiền trong cả tu sĩ và cư sĩ. Tôi nghĩ ngài đã là người đầu tiên dạy thiền cho cư sĩ và đã chấp nhận cho cư sĩ vào tu viện để thực hành thiền tích cực như chúng ta làm ngày nay.

Học viên: Tên của ngài đó là gì ạ?

Giảng sư: Tên cá nhân của ngài là U Nārada, nhưng ngài được biết đến dưới tên gọi Mungun Sayadaw. Tên của ngài có được nhắc đến trong cuốn sách The Heart of Buddhist Meditation do ngài Nyanaponika viết. Cho nên, ngày nay, có nhiều cư sĩ thực hành thiền minh sát (vipassanā). Cũng vậy, ở quốc gia này (ND: Hoa  Kỳ), nhiều người vui thích trong việc hành thiền. Tôi nghĩ đây là một chiều hướng tốt cho Phật giáo. Vì cuối cùng thì thực hành là điều quan trọng. Chỉ thông hiểu hoặc chỉ hiểu biết trên mặt lý thuyết chẳng giúp ích gì nhiều cho chúng ta. Chúng ta phải đưa kiến thức hiểu biết này vào thực hành.

Tôi nghĩ học và hành phải đi chung với nhau. Chỉ nghiên cứu học hỏi không sẽ chẳng giúp chúng ta gì nhiều. Điều các bạn nhận thấy được thông qua thực hành sẽ giúp các bạn có được sự hiểu biết sâu hơn về những gì các bạn học được từ sách vở. Cả hai học và hành phải nên đi cùng với nhau.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Chúng ta hãy đi ngược lại phần dàn bài của Chương Một. Tôi muốn nói đến phần mục lục chi tiết. Chương này liên quan đến giới, tức là sīla trong Pāḷi. Một bài kệ trong Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya) được dùng làm phần giới thiệu. Rồi tác giả giải thích thanh tịnh đạo là gì cùng với chú giải về bài kệ này tại phần đầu của cuốn sách. Rồi tác giả tiếp tục giải thích về giới (sīla) – giới (sīla) là gì. Ngài đã giải thích rằng chủ ý (tâm sở tư) là giới, các tâm sở là giới, sự chế ngự là giới, và sự không vi phạm là giới. Điều này ngài giải thích dựa theo bản kinh có tên gọi là ‘Paṭisambhidā’ (Vô Ngại Giải). Liên quan đến sự chế ngự, tác giả đã giải thích năm loại chế ngự – chế ngự bằng hay thông qua giới bổn (Pāṭimokkha), chế ngự thông qua chánh niệm, chế ngự thông qua kiến thức hay sự hiểu biết, chế ngự thông qua sự kiên nhẫn và chế ngự thông qua sự tinh cần (trong đoạn văn số 18).

Sau khi giải thích giới là gì hay cái gì cần phải có để được gọi là giới theo giáo lý của Phật giáo Nam Truyền (Theravāda), tác giả tiếp tục giải thích ý nghĩa của thuật ngữ Pāḷi ‘sīla’ hay tại sao giới lại được gọi là ‘sīla’ trong Pāḷi. Sự giải thích được trình bày ở đây là vì nó điều phối các hành động thuộc về thân và về ngữ. Nó cũng hoạt động như là một nền tảng cho sự hình thành những pháp thiện. Như vậy, hai ý nghĩa cơ bản của thuật ngữ được trình bày ở đây. Một là sự điều phối và hai là nền tảng cho sự nâng đỡ hay gìn giữ.

Tiếp theo, tác giả trình bày đặc tính, chức năng, sự biểu hiện và nguyên nhân gần của giới. Các tác giả thuộc trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravāda) có thói quen hay tập tục là bất kỳ khi nào có vấn đề cần được nghiên cứu hay cần được thấu hiểu, các vị thường giải thích nó theo đặc tính của nó, chức năng của nó, sự biểu hiện của nó và nguyên nhân gần của nó. Trong Thắng Pháp  (Abhidhamma) cũng vậy, tâm (citta), 52 tâm sở (cetasika) và vân vân được giải thích theo đặc tính, chức năng, sự biểu hiện và nguyên nhân gần của chúng. Đặc tính, chức năng, sự biểu hiện và nguyên nhân gần của giới được trình bày ở những đoạn văn số 20-22.

Rồi tác giả trình bày những lợi ích của giới, những lợi ích của việc có giới hạnh (sīla) trong sạch. Rồi ngài miêu tả các loại giới khác nhau, phần này sẽ chiếm hết toàn bộ chương thứ nhất.

2.4.  Lợi Ích Của Giới

Tuần này, chúng ta sẽ bắt đầu học các lợi ích của giới. Trong đoạn văn 23, tác giả trước hết bắt đầu với một đoạn trích từ Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya). Các bạn có thấy những ký tự viết tắt A.v.1 không? ‘A’ có nghĩa là Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ). Đó là tên gọi của một trong năm bộ kinh văn. Bộ này bao gồm năm tập (ND: chúng tôi nghĩ ở đây đề cập đến ấn bản Pāḷi).

Xuống dưới, ở đoạn văn số 23, các bạn thấy D.ii.86. ‘D’ có nghĩa là Dīgha Nikāya (Trường Bộ). Đây là một bộ kinh văn khác. Bản dịch của bộ này được gọi là Trường Bộ Kinh, có ba tập.

Xuống dưới một chút nữa, các bạn thấy M.i.33. ‘M’ có nghĩa là Majjhima Nikāya (Trung Bộ). Đây là một bộ kinh văn khác nữa. Bản dịch của bộ này được gọi là Trung Bộ Kinh. Tôi hy vọng các bạn đã đọc hết những phần này. Đây là những lợi ích của giới.

Ở đoạn văn số 24 trên trang tiếp theo, tác giả trình  bày những lợi ích của giới dưới dạng thơ. Hàng thứ bảy và thứ tám tính từ câu thơ cuối nói rằng:

“Giới xóa bỏ đi tất cả

Nỗi sợ hãi của sự tự khiển trách và những điều tương tự.”

“Sự tự khiển trách và những điều tương tự” – còn những lợi ích khác là gì? Có bốn lợi ích của việc có giới hạnh (sīla) trong sạch. Cũng có bốn nguy hại của việc không có giới hạnh (sīla) trong sạch.

Điều thứ nhất trong số bốn nguy hại này là sự tự khiển trách hay tự hổ thẹn. Khi giới hạnh của chúng ta không trong sạch, sự khiển trách trước hết sẽ đến từ chính mình vì chúng ta là người đầu tiên biết chúng ta đã làm gì. Cho nên, sự tự khiển trách hay sự tự hổ thẹn đến trước.

Rồi tiếp đến là sự khiển trách hay sự chỉ trích từ những người khác. Nếu chúng ta không giữ giới luật một cách đúng đắn hay nếu chúng ta phạm luật, những người khác cũng sẽ khiển trách chúng ta. Tức là có sự chỉ trích hay khiển trách từ những người khác.

Điều bất lợi thứ ba của việc không có giới (sīla) tốt đẹp là sự trừng phạt. Nếu chúng ta không giữ giới, chúng ta có thể đã phạm các tội ác. Chúng ta có thể đã sát sanh hay thậm chí giết người. Chúng ta có thể trộm cướp và vân vân. Kết quả của việc này là chúng ta sẽ bị trừng phạt trong kiếp sống này. Đó là một nguy hại khác của việc có giới hạnh không trong sạch.

Điều nguy hại thứ tư là có một sinh thú bất hạnh. Điều đó có nghĩa là tái sanh vào bốn đọa xứ – tái sanh vào địa ngục, tái sanh làm súc sanh, tái sanh làm ngạ quỷ và tái sanh làm a-tu-la. Đây là bốn điều bất lợi của việc không trong sạch trong giới hạnh. Đối nghịch của bốn điều này là bốn lợi ích.

“Giới xóa bỏ đi tất cả

Nỗi sợ hãi của sự tự khiển trách và những điều tương tự.”

Giới xóa bỏ đi tất cả nguy hại của bốn điều này, tức là sự tự khiển trách, sự khiển trách từ những người khác, sự trừng phạt và sinh thú bất hạnh.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app