BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Ngày thứ 6 đã qua, bây giờ Quý vị còn 4 ngày nữa để tu tập thật nghiêm túc, nhiệt thành, cần mẫn và bền bỉ để đạt được những kết quả tốt đẹp nhất trong những ngày lưu lại nơi đây. Ngày thứ 6 là một ngày rất quan trọng. Tôi vui mừng vì Quý vị đã vượt qua trở ngại này. Như tôi đã nói, ngày thứ 2 và ngày thứ 6 là những ngày mà người có đầu óc yếu đuối khó mà vượt qua. Vào ngày thứ nhất, ngay lúc Quý vị bắt đầu thực hành thiền Ānāpāna (quan sát hơi thở), cuộc giải phẫu đã bắt đầu. Vào ngày thứ 2, người ta cảm thấy muốn bỏ chạy. Rồi khi học Thiền Vipassana, vào ngày thứ 5 hay ngày thứ 6, cuộc giải phẫu tiến hành sâu hơn và người ta cảm thấy muốn bỏ chạy, viện lý do này hay lý do khác.

Dhamma không bi quan, mà lạc quan và trí tuệ

Một lý do là, vào buổi tối thứ 5, bài pháp thoại nói nhiều về Dukkhā (Khổ đau). Sự mở mắt chào đời bắt đầu bằng khổ đau. Rồi khổ đau có suốt cả đời, khổ vì bệnh, khổ vì già, khổ vì chết, khổ vì gặp những điều không theo ý mình, khổ vì những điều mình ưa thích không xảy ra,… Khổ hết kiếp này đến kiếp khác. “Ồ! Con đường này là con đường khổ đau.. Đây là giáo pháp rất bi quan, tôi phải bỏ đi thôi”. Người ta không muốn hiểu và cũng không cố gắng tìm hiểu nên tìm lý do để bỏ đi. Đây là con đường không hề bi quan, không có một mảy may bi quan nào trong lời dạy này. Nếu lời dạy nói rằng: “Chúng ta phải chịu khổ đau, có khổ đau và không có lối thoát”. Thì phải, đúng là bi quan, yếm thế. Những lời dạy này nói rằng có một lối thoát. Chúng ta có thể thoát ra khỏi mọi khổ đau của mình và đạt tới giai đoạn hoàn toàn hết khổ đau. Chúng ta có thể thọ hưởng an lạc thật sự, hòa hợp thật sự và hạnh phúc thật sự nên lời dạy ấy đầy lạc quan.

Có một câu chuyện bên Ấn Độ: Một người mẹ sai đứa con trai mình đến tiệm thực phẩm gần nhà mua dầu ăn. Bà đưa cho con một cái chai không và tờ giấy bạc 10 đồng Rubee. Thằng bé đi mua dầu ăn, dầu ăn được đổ đầy chai. Trên đường về, vì thiếu ý tứ nên thằng bé bị ngã xuống và dầu chảy ra ngoài bị mất một nửa. Thằng bé nhặt chai dầu bị vơi một nửa lên và đến bên mẹ mà khóc: “Ồ, mẹ ơi! Con đã làm đổ mất nửa chai dầu”. Thằng bé này rất bi quan.

Câu chuyện cũng chỉ là chuyện thôi, người mẹ ấy sai đứa con trai khác với tờ giấy bạc 10 đồng Rubee khác và cái chai không khác. Nó cũng đi mua dầu và đổ đầy chai. Và câu chuyện cũng chỉ là chuyện thôi, thằng bé ấy ngã xuống, chai dầu bị rơi xuống và chảy dầu ra mất một nửa. Thằng bé nhặt chai lên và rất vui, mỉm cười, chạy đến mẹ và nói: “Mẹ nhìn xem, con đã vớt vát, giữ được nửa chai dầu. Con bị ngã, chai dầu rơi xuống, cái chai có thể bị vỡ, dầu có thể bị chảy hết ra ngoài nhưng nhìn xem, con còn giữ được nửa chai dầu. 

Cùng một hoàn cảnh, mỗi đứa trẻ đi đến kết luận khác nhau. Một chai thì nửa đầy, chai kia thì nửa vơi. Một đứa khóc vì nửa chai vơi, rất là bi quan. Đứa kia vui với nửa phần đầy vì ít ra vẫn còn được nửa chai. Nó rất vui, rất lạc quan.

Câu chuyện cũng chỉ là chuyện thôi, người mẹ ấy sai đứa con trai thứ ba. Nó cũng đi mua dầu và đổ đầy chai. Và câu chuyện cũng chỉ là chuyện thôi, thằng bé ấy ngã xuống, chai dầu bị rơi xuống và chảy dầu ra mất một nửa. Thằng bé nhặt chai lên, giống như đứa con trai thứ hai, nó mỉm cười và chạy đến bên mẹ nói: “Con vớt vát và giữ được nửa chai dầu”.

Nhưng đứa bé này là đứa bé Vipassana không những lạc quan mà nó còn thực tế: “Ta đã làm đổ mất nửa chai dầu, đây là sự thật, chai dầu của mình bị vơi mất một nửa”. Và không những là một người thực tế, đứa bé còn là một người chịu khó làm việc.

Như trong Vipassana, bây giờ, ta phải làm việc. Nó quyết định: “Từ giờ đến chiều tối, ta phải kiếm được 5 Rubee để mua dầu đổ đầy chai này”. Như vậy, Dhamma không những lạc quan mà còn thực tế, còn đầy tính chịu khó làm việc. Mỗi cá nhân đều phải làm việc, luôn luôn lạc quan, không bi quan. Không chút mảy may yếm thế, bi quan nào trong Dhamma cả, tất cả là lạc quan.

Bây giờ, ta đã có con đường đã thoát khỏi khổ đau. Có khổ đau đấy, ta phải chấp nhận điều ấy, một nửa chai bị vơi, ta phải chấp nhận điều ấy, vậy thì làm sao đổ cho đầy? Có khổ đau đó, hãy chấp nhận khổ đau ấy và có cách thoát ra khỏi khổ đau. Hãy ứng dụng nó, đây là điều chúng ta đang làm.

Chúng ta đang chứng nghiệm sự thật, đây không chỉ là sự luyện tập trí thức mà là chấp nhận sự thật về khổ và chấp nhận phương cách thoát khỏi khổ đau này không phải vì lòng tin hay tình cảm. Chúng ta đang chứng nghiệm nó. Khi làm việc với các cảm giác, ta sống trong trí tuệ ấy. Sự thật có sẵn đó và ta đang chứng nghiệm sự thật đó. Nó không phải là trí tuệ của ai khác, cũng không phải là loại trí tuệ vay mượn. Nó là trí tuệ của riêng mình từ kinh nghiệm trực tiếp.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app