BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Các loại Saṅkhāra (Phản ứng)

Saṅkhāra (Phản ứng) là chủ ý của tâm, đưa tới hành động của tâm và hành động này sẽ mang lại quả. Saṅkhāra của ta sâu tới đâu, hạt giống mạnh như thế nào, chất lượng ra sao thì quả của nó sẽ đến như thế ấy. Có 3 loại Saṅkhāra mà chúng ta thường tạo ra. Loại thứ nhất giống như lằng vạch trên nước, vừa vạch xong, nó bị xóa ngay. Loại thứ hai giống như lằng vạch trên cát tại bờ biển. Vào buổi sáng, ta vạch một lằng trên mặt cát, chiều đến, nó bị xóa đi. Loại thứ ba giống như một lằng khắc trên đá bằng một cái đục và búa, được hằng sâu, phải mất nhiều năm mới có thể xóa đi được.

Loại thứ ba này rất nguy hiểm, đây là loại mà chúng ta vẫn thường tạo ra khi chúng ta luôn lặp đi lặp lại sự tức giận, oán hận, đam mê, sợ hãi, lo lắng, bâng khuâng, chán nản. Chúng ta luôn lặp lại những bất tịnh này, càng ngày chúng càng sâu hơn, và kết quả của chúng cũng sâu không kém. Loại thứ ba này tạo ra nhiều khổ đau hơn hai loại đầu.

Ta sẽ càng lúc càng hiểu nhiều hơn khi thực tập phương pháp Thiền này. Ta sẽ hiểu cách vận hành của tâm, bốn phần này của tâm, sự liên hệ của chúng với thân cũng như sự tương quan giữa thân và tâm. Làm thế nào một người tiếp tục ảnh hưởng đến người khác? Làm sao Saṅkhāra mà tôi tạo ra này trở nên sâu hơn? Bằng cách nào nếu tôi cảnh giác hơn, chú tâm hơn, có ý thức hơn, chúng sẽ không đi sâu và tôi thoát khỏi đau khổ? Điều này sẽ càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Cả ngày, chúng ta tạo hết Saṅkhāra này đến Saṅkhāra khác. Mỗi lần có cái gì xảy sâu tận bên trong thì có một vài cảm giác mà ta phản ứng. Hễ có cảm giác là ta phản ứng, ta làm như vậy từng giây, từng phút. Ban đêm, khi đi ngủ, ta hãy cố nhớ lại mình đã tạo ra bao nhiêu Saṅkhāra trong ngày. Vô số Saṅkhāra, ta không thể nhớ hết chúng được mà chỉ có thể nhớ một hay 2 Saṅkhāra đã gây ấn tượng sâu đậm trong tâm: “Ồ! Hôm nay, tôi đã làm điều này mà đáng lý ra tôi không nên làm. Tôi đã phản ứng như thế này mà đáng lý ra tôi không nên phản ứng như thế”.

Và đến cuối tháng, ta hãy cố nhớ lại những Saṅkhāra sâu đậm này, mỗi ngày một hay 2 lần. Tới cuối tháng không phải 30 hay 40 lần mà chỉ nhớ một hay 2 lần. Và cuối năm cũng thế, chỉ một hay 2 lần, những lần sâu đậm nhất trong năm. Tương tự như vậy, đến cuối cuộc đời, dù ta có muốn hay không, một vài Saṅkhāra sâu đậm nhất sẽ hiện lên trên bề mặt của tâm.
Vào lúc ta chết, đúng giây phút đó, tâm thức ngay lúc đó sẽ mang loại Saṅkhāra này. Tâm đầu tiên của cuộc đời kế tiếp là đứa con đẻ của tâm cuộc đời này. “Cha nào con nấy”, nó sẽ mang tất cả các tính chất tốt hay xấu. Nếu cái tâm cuối cùng đầy những sạn và đá nặng nề thì cái tâm kế tiếp (Tâm tái sinh) cũng sẽ đầy những sạn và đá, sẽ chỉ là sự đau khổ, chẳng có gì ngoài sự đau khổ.

Và nếu tâm cuối cùng của cuộc đời này đầy những chất bơ nhẹ nhàng thì tâm kế tiếp (Tâm tái sinh) sẽ tự động đầy những chất bơ. Nó là sản phẩm của tâm cuối cùng, tâm cuối cùng (Tâm tái sinh) rất là quan trọng. Vậy có nghĩa là ta phải chết như thế nào, nên chết trong nụ cười và đây là điều mà Thiền Vipassana dạy cho chúng ta. Dĩ nhiên, mọi người đều phải chết ngay cả Thiền sinh Vipassana cũng phải chết.

Nhưng chúng tôi thấy rằng nếu người nào vững mạnh trong Vipassana, dù chỉ chút ít, các Thiền sinh đó khi chết, chỉ có một người là còn chút ít nghi ngờ. Ngoài ra, trong số hàng trăm người đã chết, không có người nào chết trong sự vô ý thức, không một ai chết trong khóc lóc hay sợ hãi, tất cả đều chết rất tỉnh táo với nụ cười: “Ồ! Cái chết đang tới, đang tới, đang tới với cảm giác này, mọi thứ đang qua đi”. Vậy thì đã sao nào? Hãy quan sát, tại sao lại khóc? Đây là một sự thăng cấp, không phải là một sự giáng cấp. Người ta khóc lóc bởi vì nghĩ đây là một sự giáng cấp hay hình phạt. Còn khi đó là một sự thăng thưởng thì không có khóc lóc. Họ ra đi để đến một nơi tốt hơn, họ được thăng chức.

Một Thiền sinh Vipassana không bao giờ khóc trong giờ chết, anh ta học nghệ thuật chết. Nghệ thuật chết chỉ hoàn hảo nếu anh ta học được nghệ thuật sống. Nếu khi sống, ta khóc lóc cả cuộc đời, và rồi đến khi chết, ta muốn cười thì không thể được. Bởi vậy, ta phải học cách để cười suốt cuộc đời, nghệ thuật sống sẽ trở thành nghệ thuật chết. Nghệ thuật sống là những gì ta đang học bây giờ.

Mọi sự xảy ra bên ngoài tạo ra các cảm giác bên trong. Phần đầu (Thức) sẽ hay biết cái gì đó đang xảy ra. Phần thứ hai (Tưởng) sẽ đánh giá và sự đánh giá sẽ chuyển cảm giác thành dễ chịu hoặc khó chịu. Nếu ta huấn luyện tâm để nó không bị ảnh hưởng hay phản ứng với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu, thì ta đang thay đổi những khuôn mẫu thói quen của tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất. Cho dù ta có phản ứng thì Saṅkhāra cũng không đến nỗi quá sâu, bởi vì ta sẽ không lặp đi lặp lại phản ứng đó mà ta sẽ tỉnh ngộ. Dĩ nhiên, đây chỉ là mới bước đầu, hầu hết, trong một giờ, ta cứ lặp đi lặp lại Saṅkhāra này: “Ôi! Sao mà đau quá? Thiền gì mà kỳ vậy? Đau quá chừng! Tôi đâu có muốn bị đau”. Ta đang lặp đi lặp lại các phản ứng, thói quen cũ vẫn còn đó, nhưng cũng có đôi lần mình nói: “Được rồi! Để xem cái đau này tồn tại bao lâu. Nếu tôi không phản ứng, tôi sẽ không tạo ra Saṅkhāra ghét bỏ, hãy để tôi chỉ quan sát mà thôi. Những khoảnh khắc này là những khoảnh khắc tuyệt vời khi ta chỉ quan sát mà thôi. Ta ngốc đầu lên khỏi mặt nước, rồi lại bắt đầu phản ứng, đầu lại chìm dưới mặt nước và chẳng biết mình đang trôi dạt về đâu. Một lúc sau nữa, ta lại ngốc đầu lên khỏi mặt nước, những khoảnh khắc mà ta ngốc đầu lên khỏi mặt nước là những khoảnh khắc tuyệt vời. Những khoảnh khắc này sẽ trở thành vài giây, vài giây sẽ trở thành vài phút và cứ như thế, từ từ ta hay đổi tình thế. Ta thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm mình và sẽ thoát khỏi đau khổ.

Mỗi lần, ta phản ứng và tiếp tục phản ứng lâu hơn, ta thấy rằng mình đang đắm chìm trong đau khổ. Hãy thoát ra khỏi đau khổ, thoát ra khỏi bất hạnh. Phương pháp tuyệt diệu đã có sẵn đây và ta đến để tu tập. Sáu ngày còn lại thật là tuyệt vời, hãy cố gắng tập cho thuần thục kỹ thuật này và tận dụng nó trong suốt cuộc đời.

Sáu ngày còn lại thật là giá trị đối với chúng ta, mỗi khoảnh khắc đều quý giá. Phương pháp thực hành tuyệt diệu đã có sẵn đó, con đường giải thoát, định luật, thiên nhiên, thực tại (Dhamma) đã có sẵn đó. Hãy tiếp tục quan sát, quan sát, quan sát! Hãy tận dụng thời giờ quý báu! Hãy tận dụng cơ hội này! Hãy tận dụng những gì ta đang có ở đây! Hãy tận dụng Dhamma huyền diệu! Một kỹ thuật tuyệt vời để thoát khỏi khổ đau và phá vỡ màn vô minh khiến ta liên tục tạo ra hết Saṅkhāra đến Saṅkhāra khác. Hãy thoát khỏi ràng buộc này!

Hãy tự giải thoát và tận hưởng an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự!

Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ! Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app