08. Cái Tôi, Của Tôi Làm Ta Khổ & Cách Vận Dụng Vipassana – Ngày 9

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN

Chính cái “Tôi” và cái “Của Tôi” làm ta đau khổ

Cũng cùng một người, cùng một đối tượng được 5 người khác nhau nhìn đến. Cũng cùng một người ấy, 5 người khác nhau có 5 hình ảnh khác biệt về người đó. Họ phản ứng lại hình ảnh của riêng mình tạo ra chứ không phản ứng đúng bản chất người này. Hay cùng một đối tượng có thể tiếp xúc với tôi qua bất cứ giác quan nào, mắt, tai hay bất cứ giác quan nào, và tôi phản ứng theo 5 cách khác nhau.

Ví dụ, có lời nói nào đó đến tai tôi. Cũng cùng một lời nói đến tai tôi 5 lần, tôi đã phản ứng theo 5 lối khác nhau. Nếu tôi là người hành Thiền Vipassana lão luyện, điều này trở nên rất rõ ràng. Ví dụ, ví dụ này chỉ là một ví dụ, không có gì thật trong ví dụ này, chỉ là ví dụ thôi. Một buổi chiều tối, tôi đang đi bộ với 5 Thiền sinh, có người nằm ngay trên lối đi. Một trong 5 Thiền sinh vấp phải, đá trúng người này. Người này la lên: “Nhà ngươi mù à, mắt mũi để đâu thế?”. Những lời này đến tai tôi, tôi nhận thấy có những cảm giác tuyệt vời trong người, những cảm giác rất dễ chịu, một luồng cảm giác khoai khoái. Có người đã mắng chửi: “Mắt mũi ngươi để đâu thế?”, và tôi có những cảm giác rất dễ chịu. Đây là một trường hợp.

Trường hợp thứ 2, tôi đi bộ một mình và đụng phải người này và hắn la lên cũng cùng một ngôn ngữ ấy, một câu nói ấy và cùng một giọng điệu ấy: “Nhà ngươi mù à, mắt mũi để đâu thế?”. Bây giờ, tôi không có cảm giác dễ chịu gì cả mà lại có cảm giác khó chịu. Trường hợp thứ 3, một lần nữa, ví dụ chỉ là ví dụ thôi, tôi đi bộ với 5 Thiền sinh và đụng phải người này và hắn lại la lên cùng câu nói ấy: “Nhà ngươi mù à, mắt mũi để đâu thế?”. Và tôi thấy cảm giác khó chịu mãnh liệt hơn lần vừa rồi. Cũng cùng câu nói nhưng quả là khác biệt biết bao.

Trường hợp thứ 4, cũng chỉ là ví dụ thôi, tôi lại đi bộ một mình và đụng phải người này. Một lần nữa, hắn la lên cùng một giọng điệu ấy: “Nhà ngươi mù à, mắt mũi để đâu thế?”. Bất chợt, tôi nhận ra những lời này là của con trai tôi: “Con trai tôi à?”. Con trai tôi mắng chửi tôi: “Nhà ngươi mù à, mắt mũi để đâu thế?”. Ô! Cảm giác trở nên vô cùng khó chịu. Lần thứ 5, một lần nữa, ví dụ cũng chỉ là ví dụ thôi, tôi đi bộ với 5 Thiền sinh và đụng phải người này, hắn la lên cũng theo cách ấy. Tôi nhận ra, đấy là con trai của tôi, bây giờ, hoàn toàn không thể chịu đựng nổi. Tại sao vậy? Cũng cùng câu nói đến tai tôi 5 lần, tại sao mỗi phản ứng lại khác nhau nhiều đến như thế? Cái gì đã xảy ra thế? Người hành Thiền Vipassana lão luyện sẽ biết được chuyện gì đang xảy ra.

Khi những lời này đến tai tôi lần đầu tiên, Saññā của tôi bảo rằng: “Phải, đây là những lời mắng chửi, nhưng không phải cho tôi, mà cho học trò của tôi”. Và những Thiền sinh này, tôi luôn luôn chỉ dạy họ: “Hãy ý thức, đi trong ý thức, các Thiền sinh này sao ma non dại thế, họ chẳng hiểu gì cả. Họ vấp phải ai đó và bây giờ họ phải chịu khổ vì những lời mắng chửi này. Tôi là Thiền sư Vipassana, tôi không thế vấp phải lầm lỗi như thế được. Lời mắng chửi này không phải dành cho tôi mà cho học trò của tôi”. Và rồi có những cảm giác dễ chịu khắp người. Ngay khi người ta mở mắt chào đời, lớn lên và có được trí khôn, biết suy xét (Chuyện biết suy xét hay không biết suy xét làm sao ai mà biết được, nhưng theo ngôn ngữ thế tục ta nói biết suy xét), điều trước tiên người ta làm là tạc một hình ảnh của bản thân mình. Tôi, Goenka! Khi tạc một hình ảnh của chính mình, tôi tạc một Goenka rất đẹp, một Goenka tuyệt vời. Tôi tạo dựng hình ảnh này ở ngôi đền trong tâm tôi. “Tuyệt vời! Goenka thật tuyệt vời!”.

Trở về trường hợp thứ nhất, tôi biết rằng sự mắng chửi ném vào các Thiền sinh của tôi, họ còn non dại. Còn tôi, đây là Thiền sư Vipassana, con người rất là từng trải…Hình ảnh của tôi được đánh bóng thêm: “Ta thật tuyệt vời! Goenka thật tuyệt vời! Người nào đó lầm lỗi nhưng ông ta không có lầm lỗi”. Lần thứ hai, cũng một lời chửi mắng ấy, Saññā của tôi nói: “Lời mắng chửi này là dành cho ngươi đây, không phải cho các Thiền sinh đâu, chẳng có Thiền sinh nào ở đây cả”/ Và hình ảnh này đã được tạc lên, rồi sự ràng buộc vào hình ảnh này, hình ảnh này bây giờ bị tan vỡ: “Có người nào đang chửi tôi à, tôi một Thiền sư Vipassana vĩ đại như thế, ngươi bị sao thế? Ngươi không đổ máu mà ngươi cũng chẳng chết. Vậy thì chuyện gì vậy? Cớ sao lại la lối om sòm”. Toàn thể thái độ bây giờ bắt đầu thay đổi, các cảm giác rất khó chịu trỗi dậy.

Rồi lần thứ 3, tại sao lần này còn khó chịu hơn nữa? Bởi vì 5 Thiền sinh có mặt ở đó với tôi. Người ta tạc một hình ảnh về bản thân mình, tạo dựng lên trong chính tâm trí mình, và phát triển rất nhiều vào ràng buộc hình ảnh ấy, điều này tự nó là một sự điên rồ. Bây giờ, còn có một việc khác, người ta vẫn cứ tiếp tục làm, đó là dựng lên một hình ảnh đẹp đẽ của mình trong tâm trí người khác. Mỗi một Thiền sinh phải cảm thấy: “Goeka tuyệt vời! Ồ! Goenka thật tuyệt vời!”. Người ta dựng lên rất nhiều vỡ kịch, rất nhiều trò khác, chỉ để tạo nên một hình ảnh đẹp cho mình. Tôi đã làm nhiều điều để tạo dựng một hình ảnh đẹp đẽ về tôi trong tâm của 5 Thiền sinh này. Bây giờ hình ảnh ấy tan nát.

Trong trường hợp trước chỉ có một hình ảnh bị tan vỡ, bây giờ 5 hình ảnh đều vỡ tan. Tôi cảm thấy rất khốn khổ, khốn khổ gấp 5 lần. Nếu có ai chửi tôi, khi chỉ có một mình, tôi có thể cảm thấy rằng hắn đã chửi tôi, chẳng sao cả. Bây giờ, có người chửi tôi trước công chúng, trước mặt bao nhiêu người. Mắng chửi là mắng chửi, dù có một mình ta hay có mặt người khác nữa. Như thế có gì khác nhau đâu, sự khác nhau là ta đã tạc hình ảnh của mình trong tâm nhiều người khác. Và khi hình ảnh này bị tan vỡ, ta khổ sở hơn nhiều lắm. Khi ta đi sâu vào nội tâm và nghiên cứu, phân tích, điều này càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn. Lần thứ 4, tại sao khó chịu nhiều hơn? Tôi! Tôi Tôi, phạm vi của cái tôi bây giờ nới rộng ra của tôi. Ta bắt đầu sáng tạo ra những hình ảnh cái của tôi, con trai của tôi, con gái của tôi, vợ của tôi, chồng của tôi, mẹ của tôi, cha của tôi, cái này của tôi, cái kia của tôi, cái này cái kia của tôi.

Ta tạc lên một hình ảnh đẹp đẽ, rồi ta bắt đầu tạo thêm nhiều ràng buộc ghê gớm vào hình ảnh này. Ở mức độ bề ngoài, ta cứ tự lừa dối mình: “Tôi thương con trai tôi, tôi yêu vợ tôi, tôi yêu chồng tôi, tôi thương mẹ tôi, tôi thương cha tôi”. Nếu đi sâu hơn, ta sẽ hiểu rằng mình không thương yêu ai cả. Ở thời Đức Phật, vua Pesenadi được gặp Đức Phật. Nhà vua học Vipassana và trở thành một người hành Thiền lão luyện. Khi một người trong gia đình trở thành người hành Thiền giỏi, từ từ những người khác được lôi cuốn theo nên cả hoàng gia là những người hành Thiền Vipassana. Vợ vua, hoàng hậu Mallika cũng là người hành Thiền giỏi. Cả 2 người đều tu tập trong phòng Thiền tại cung điện.

Một hôm sau, một giờ ngồi Thiền, nhà vua hỏi hoàng hậu: “Nàng hãy nói cho ta nghe trên thế gian này, nàng thương yêu ai nhất?”. Hoàng hậu trả lời: “Thật tuyệt vời! Thiếp cũng có nghĩ đến câu hỏi ấy trong lúc đang ngồi Thiền và thiếp nhận ra rằng Thiếp không yêu ai cả, Thiếp chỉ yêu mỗi mình thiếp thôi”. Nhà vua mỉm cười và nói: “Cũng câu hỏi đấy, đến trong tâm ta, ta tự xem xét mình và nhận thấy rằng ta chỉ yêu mình ta thôi, ta không yêu ai cả”. Không có Vipassana, sự thể sẽ trở nên hoàn toàn khác hẳn. Hoàng hậu nói với nhà vua: “Thiếp chỉ yêu một mình thiếp thôi chứ không yêu Hoàng thượng”. Hoàng hậu gì lạ thế! nàng có thể sẽ bị rơi đầu. Nhưng ở đây, cả nhà Vua và Hoàng hậu đều là những người hành Thiền Vipassana. Cả 2 đều vui vẻ đến gặp Đức Phật và nói: “Thưa Ngài, trong lúc Thiền, điều này đã xảy ra như thế”. Đức Phật nói: “Sadhu! Sadhu! Sadhu! Lành thay! Lành thay! Lành thay!”.

Đây là bước khởi đầu, từ đó ta có thể bắt đầu tự sửa đổi mình. Một khi con người còn ảo tưởng: “Tôi yêu thương người này, người kia”, người ta sẽ không thoát khỏi sự điên cuồng này. Khi người ta bắt đầu nhận thức được rằng: “Tôi chỉ yêu thương tôi thôi, hãy nhìn xem con người tôi Vị kỷ làm sao, con người tôi ích kỷ làm sao?” Chỉ khi ấy, người ta mới bắt đầu tự sửa đổi mình. Những người mà tôi gọi là của tôi, con trai của tôi, vợ của tôi, chồng của tôi… Với những người ấy, ta có những ước mơ về họ, ta có những khát vọng nào đó. Ta mong đợi những người này sẽ thỏa mãn những khát vọng này, những mơ ước này. Ta ước mơ rằng: “Người này sẽ thỏa mãn những ước mơ của mình, ước mơ này, ước mơ kia”.

Đó là lý do tại sao ta lại thương yêu và trông mong được đền đáp. Khi ta thương yêu và trông mong được đền đáp, ta không thương yêu gì người này mà chỉ thương yêu chính mình mà thôi. Ta thương yêu khát vọng và những ước mơ của riêng ta. Một tình thương vị kỷ, tình thương ấy không có ích. Tình thương yêu tinh khiết, chỉ là con đường một chiều, ta cho đi, ta không trông mong được đền đáp điều gì cả, ta chỉ cho đi. Khi hành giả Vipassana nhận ra được điều đó, người ấy sẽ thoát ra khỏi tính ích kỷ, hẹp hòi này.

Bây giờ, trở lại trường hợp thứ 4, chuyện gì đã xảy ra? Đứa con trai của tôi, tôi có quá nhiều ước mơ về nó: “Khi trưởng thành, nó sẽ là người con trai của một Thiền sư Vipassana. Nó sẽ phục vụ Vị Thiền sư một cách đầy đủ. Nó sẽ rất ngoan ngoãn vâng lời và nó sẽ như thế này, như thế kia”. Giờ đây, Saññā, sự nhận biết của tôi nói rằng: “Những lời mắng chửi này thốt ra từ con trai tôi, con trai tôi mắng chửi tôi”. Nếu một người bình thường ngoài đường phố mà tôi không biết, tôi không có ước mơ tương lai nào về người ấy và anh ta mắng chửi tôi, tôi không tức đâu. Những sự mắng chửi này chẳng có ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng con trai của tôi, nếu nó mắng chửi tôi:“Ồ! Thật không thể chịu đựng nổi”.

Bây giờ nói đến ví dụ lần thứ 5, tại sao tôi khó chịu đựng hơn nhiều? Bởi vì tôi cứ tái phạm cùng một lầm lỗi ấy. Khi tôi cố gầy dựng hình ảnh về tôi trong tâm trí người khác, tôi cũng cố gầy dựng hình ảnh con trai tôi, con gái tôi, vợ tôi, người này người kia của tôi…, họ tuyệt vời lắm. Họ có thể có khuyết điểm nào đó, nhưng tôi cứ che giấu khuyết điểm ấy đi: “Ồ! Không đâu, không đâu, họ tuyệt vời lắm”. Giờ đây, những hình ảnh về con trai tôi mà tôi đã cố tạo dựng trong tâm trí của 5 Thiền sinh kia, những hình ảnh ấy giờ đây tan nát cả nên bây giờ, tôi khổ gấp 5 lần. Tất cả sẽ trở nên rõ ràng khi ta biết quan sát cảm giác của mình như thế nào. Có điều gì đã xảy ra và ta quan sát: “Tôi đang có loại cảm giác gì đây? Có điều gì đã xảy ra?”. Và ta lại xem xét: “Loại cảm giác gì đang xuất hiện đây?”.

Đây là cách mà Vipassana sẽ giúp cho ta. Trừ khi, ta vận dụng Vipassana trong đời sống hằng ngày của mình, nếu không, Vipassana sẽ trở nên như các tổ chức tôn giáo khác. Người ta đến đền miếu, nhà thờ, chùa chiền hay các Thánh đường Hồi giáo để cử hành nghi lễ này, nghi lễ kia và cảm thấy rất an lạc: “Tôi là người rất mộ đạo”. Điều này chẳng giúp được gì trong cuộc sống của họ, người ta đang tự lừa dối mình nếu Vipassana được thực hành theo cách ấy. Mỗi năm, tôi tham dự một khóa cũng như vào mỗi buổi sáng và chiều, tôi ngồi thiền: “Nhiệm vụ của tôi đã làm xong, bây giờ để ông Phật lo cho tôi. Ông Phật sẽ làm như thế vì tôi đã làm xong bổn phận của tôi. Ngài bảo tôi làm điều này và tôi đã làm xong. Bây giờ, bổn phận của ông Phật là cứu tôi thoát khỏi mọi khổ đau”.

Điều này không có ích lợi gì cả. Ta phải thay đổi khuôn mẫu thói quen của chính mình, hiểu thật rõ ràng tự trong thâm tâm ta đang tự làm khổ mình. Trong từng khoảnh khắc, ta tự tạo khổ đau cho mình, đó là ham muốn hay ghét bỏ, với cảm giác này hay cảm giác kia, cứ ham muốn, ghét bỏ. Ta là một đống khổ đau. Bây giờ, nhờ vào phương pháp Thiền này, ta đang thoát khỏi thói quen điên cuồng ấy, thoát khỏi khổ đau của mình. Không nên coi việc lấy một khóa Thiền như thế này là một nghi lễ hay nghi thức, phải có mục đích khi ta tới đây. Mục đích ấy chính là ta cần hiểu rõ thực tại nơi tâm và thân mình ở mức độ thực nghiệm. Mỗi lần ta tới đây, ta phát triển một số phẩm chất trong bản thân của ta, các phẩm chất này sẽ giúp ta đạt đến đích cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app