BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA
Bhāvanā mayā Paññā (Tuệ thực chứng) đưa đến sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn
Bởi thế, hai giai đoạn đầu có thể trở thành những trở ngại lớn. Nếu tiến vào giai đoạn Bhāvanā mayā Paññā (Tuệ thực chứng), ta sẽ bắt đầu tự mình chứng nghiệm được thực tại. Khi nào mình ta chưa chứng nghiệm được thực tại, thì nó vẫn chưa phải là hiện thực đối với mình. Nó luôn luôn bị méo mó. Mỗi cá nhân phải tự mình chứng nghiệm chân lý để đạt đến mục tiêu cuối cùng. Thái tử Siddhattha Gotama, người đã thấu hiểu chân lý ngay trong bản thân và đã tự phát triển Bhāvanā mayā Paññā để trở thành Bậc Giác Ngộ, Bậc Giải Thoát.
Paññā, trí tuệ do Ngài phát triển ngay trong bản thân, chỉ có thể giải thoát cho một người, đó là chính Ngài, không ai khác. Không ai có thể được giải thoát bằng trí tuệ của Ngài. Mọi người đều có thể nhận được sự hướng dẫn và nguồn cảm hứng từ trí tuệ của Ngài. Nhưng mỗi cá nhân phải tự mình phát triển trí tuệ cho chính mình, để đạt đến mục tiêu cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn. Bhāvanā mayā Paññā là trí tuệ riêng, là tuệ giác mà Quý vị phải tự trải qua, phải kinh nghiệm. Chỉ có nó mới có thể phá bỏ được vô minh, ham muốn, ghét bỏ và những thói hư tật xấu. Chỉ có tuệ giác này mới xóa bỏ được mọi phiền nào. Chỉ có tuệ giác này mới đưa tới kết quả. Chứ không phải tuệ thụ nhận và tuệ tư duy. Một ví dụ, một người rất đói bụng bước vào một nhà hàng. Anh ta ngồi xuống ghế, có người đem thực đơn ra. Anh ta đọc qua: “À! Thức ăn ngon quá! Các thức ăn nấu hôm nay thật ngon”. Và anh ta bắt đầu chảy nước miếng. Đây là sự việc thứ nhất. Bây giờ, anh ta bắt đầu gọi món ăn. Trong lúc chờ đợi món ăn, anh nhìn xung quanh, những thượng khách đến trước đang thưởng thức các món ăn một cách thích thú: “Chắc chắn là thức ăn phải ngon lắm! Nhìn kìa! Mọi người đều có vẻ thích thú lắm”. Một lần nữa, nước miếng anh ta lại chảy ra. Đó là sự việc thứ hai. Bây giờ sự việc thứ ba, đó là lúc thức ăn được dọn ra và anh ta bắt đầu thưởng thức món ăn đó.
Sự việc thứ nhất có thể ví như Sutta mayā Paññā (Tuệ thụ nhận). Anh ta chỉ mới đọc thực đơn nhưng chưa hề nếm qua món ăn. Việc thứ hai ví như Cinta mayā Paññā (Tuệ tư duy) vì anh ta chỉ thấy người khác thưởng thức món ăn một cách ngon lành. Mặt mũi họ hớn hở nên tâm trí anh ta biết rằng: “Nhìn kìa! Những người kia đang thưởng thức. Nhìn họ đang hớn hở ăn uống ngon lành. Như thế, chắc chắn món ăn phải ngon lắm”. Nhưng anh ta vẫn chưa được nếm. Chỉ đến giai đoạn thứ ba, khi món ăn được dọn ra và anh ta bắt đầu nếm thử. Lúc ấy, anh ta mới thật sự thưởng thức. Đây mới chính là Bhāvanā mayā Paññā (Tuệ thực chứng), Tuệ thụ nhận và Tuệ tư duy, không đủ để ta biết Vị thực sự của thực tại.
Một ví dụ khác, có một người bị bệnh phải đi Bác sĩ. Bác sĩ khám bệnh và kê toa thuốc. Bệnh nhân rất phấn khởi cầm toa thuốc ra về. Anh ta hoàn toàn tin tưởng vào Vị Bác sĩ của mình. Không có gì sai trái cả. Bệnh nhân cần phải tin tưởng vào Bác sĩ điều trị cho mình. Nhưng lòng tin đó trở thành tin tưởng mù quáng. Sự kính tín trở thành mê tín. Tại nhà, anh ta bày tưởng hay ảnh của Bác sĩ trên bàn thờ. Xong rồi anh ta dâng cúng hoa quả và nhang đèn. Rồi anh ta đi 108 vòng quanh bàn thờ và lạy ba lạy. Làm như thế thì đem đến lợi ích gì? Rồi anh ta lấy toa thuốc ra và tụng niệm: “Sáng một viên, trưa một viên, tối một viên. Sáng một viên, trưa một viên, tối một viên”. Làm như thế sẽ đưa ta đi đến đâu? Thật là điên rồ. Đó là trường hợp xảy ra khi đức tin trở thành mù quáng, khi sự kính tín trở thành mê tín.
Bây giờ là trường hợp thứ hai. Một người khác là người có lý trí nên người đó chạy đến phòng mạch và hỏi: “Tại sao Bác sĩ cho tôi cái toa này? Trong toa nói gì? Thuốc này sẽ chữa bệnh cho tôi như thế nào?”. Ông này là một Bác sĩ thông minh nên trả lời: “Đây là bệnh của anh và đây là nguồn gốc của bệnh. Nếu anh uống thuốc này thì sẽ trừ được nguyên nhân của bệnh. Khi nguyên nhân căn bệnh không còn. Bệnh của anh cũng sẽ hết”. “À! Thật là tuyệt! Bây giờ, tôi mới hiểu Bác sĩ của tôi thật là tài ba, thuốc của ông ấy cho thật là tuyệt vời”.
Và bây giờ, bệnh nhân ấy lại làm gì? Trở về nhà, anh ta bắt đầu tranh luận với hàng xóm: “Vô ích! Các Thầy Thuốc của Quý vị đều vô tích sự. Chỉ có Bác sĩ của tôi mới là tài giỏi. Thuốc men mà Thầy Thuốc của Quý vị cho là đồ bỏ. Chỉ có thuốc của Bác sĩ tôi mới là thần dược”. Và cứ thế, anh ta tiếp tục tranh luận, cãi lý. Anh ta không chịu uống thuốc mà chỉ lo tranh luận. Ôi! Mọi việc là như thế đó! Người có trí, các Thánh nhân, các Bậc Giác Ngộ! Khi các Ngài thấy chúng sinh khốn khổ, đau đớn, các Ngài cho toa thuốc Dhamma: “Quý vị hãy giữ Sīla, hãy thực hành Sammā samādhi và tu tập để phát triển Paññā. Quý vị sẽ thoát khỏi khổ đau”. Nhưng mấy ai có chịu thực hành đâu. Thay vào đó, họ lập ra môn phái, tín ngưỡng, giáo điều, nghi lễ, nghi thức và bị ràng buộc vào tất cả các chuyện này. Nhưng không thực tập thì chẳng có lợi lộc nào cả.
Paññā thứ ba là Bhāvanā mayā Paññā (Tuệ thực chứng), là áp dụng Dhamma vào cuộc sống qua kinh nghiệm trực tiếp. Chỉ có điều này, bằng kinh nghiệm trực tiếp của mình mới đem lại lợi ích. Cái khó là làm cách nào để ta chứng nghiệm trực tiếp về kinh nghiệm thân và tâm này. Làm sao để chứng nghiệm rằng những hiện tượng tương tác liên tục luôn diễn ra.
Và vì như vậy, bất tịnh bắt đầu nảy sinh. Nó bắt đầu sinh sôi, nảy nở và khống chế mình. Và bằng cách hiểu được mọi chuyện diễn ra như thế nào, ta có thể chấm dứt sự phát sinh của những bất tịnh này. Cho dù bất tịnh đã nảy sinh rồi, ta cũng không để cho nó sinh sôi nảy nở và khống chế mình. Tất cả các điều này phải được chứng nghiệm. Tất cả những điều này đều xảy ra rất sâu trong tâm. Ta phải phát triển được năng lực và khả năng để chứng nghiệm được hiện tượng này.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)