BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ
Cảm giác là gì?
Một điểm cần nên hiểu thật rõ là cảm giác này là gì. Nếu không hiểu rõ chữ “Cảm giác”, ta có thể đi tìm cái gì đó và có thể còn nhầm lẫn. Rất đơn giản, hãy hiểu điều này cho rõ: “Cảm giác là những gì mình cảm thấy trên cơ thể như cảm thấy nóng, đổ mồ hôi, mạch đập mạnh, rung động, rần rần, nặng nề, tê cứng. Bất cứ những gì mà ta cảm thấy ở mức độ thân thể đều là cảm giác”.
Nhiều khi gặp khó khăn, dù đã được giảng giải nhiều lần, người ta vẫn không muốn hiểu cảm giác là gì, họ cứ đi tìm một cái gì đó. Nhiều lần chúng tôi gặp một trường hợp Thiền sinh nói: “Tôi chẳng cảm thấy cảm giác nào cả”. Như ngày mai chẳng hạn, khi Thiền sư phụ tá hỏi: “Có thấy cảm giác nào không?” và Thiền sinh trả lời: “Không! chẳng có cảm giác nào cả”. Và Vị ấy lại hỏi thêm:
- Quý vị có thể ngồi nguyên một giờ mà không đổi tư thế ngồi không?
- Ô! Không được! Tôi phải đổi tư thế nhiều lần.
- Tại sao vậy?
- Vì tôi bị đau nhức dữ dội.
Đau nhức dữ dội mà vẫn cho là không có cảm giác. Không có cảm giác nào mãnh liệt hơn là cảm giác đau. Vậy mà Thiền sinh đó vẫn nói không có cảm giác. Chỉ vì anh ta tìm kiếm một cái gì đó thật đặc biệt, một cảm giác thật sung sướng, hân hoan:
“A! Tuyệt diệu! Tôi đi Thiền để chứng nghiệm cực lạc. Cái đau này là cái quái gì? Tôi tới đây để quan sát cái đau hay sao? Tôi không đến đây để chịu đau đớn. Tôi đã có đủ đau khổ trong cuộc đời rồi. Tại sao tôi phải tới đây để chịu đau?”. Hóa ra,Quý vị đến đây để tìm kiếm một cái gì đó. Thật là gây go, chuyện này xảy ra ngay cả lúc Thiền Ānāpāna (Quan sát hơi thở). Vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3, khi ta nghe hỏi:
- Có cảm giác tại vùng này không?
- Không! Không có cảm giác nào cả. Và anh ta đưa tay gảy vùng đó như thế này.
- Vậy anh đang làm gì đó?
- Tại tôi chỉ bị ngứa ở chỗ này thôi.
Với người này, ngứa không phải là cảm giác, anh ta đang tìm kiếm một cái gì đó. Đôi khi có người đến hỏi tôi: “Ô! Ngài Goenka! Tôi thấy đau ghê lắm, đè ép, nặng nề, nóng, đổ mồ hôi, co thắt, tất cả những gì ông đề cập đến, nhưng chẳng có cảm giác nào cả”. Không có cảm giác, bởi vì tất cả những điều này không phải là cảm giác đối với anh ta. Anh ta đang tìm kiếm một cái gì đó rất là đặc biệt. Tôi luôn nhớ đến trường hợp của một người bạn tôi, khoảng mấy chục năm trước. Khi tôi đi dự khóa Thiền đầu tiên, thoạt đầu, gặp nhiều khó khăn. Vào ngày thứ hai, tôi muốn khăn gói bỏ về: “Ôi! Môn Thiền này không thích hợp với tôi. Tôi xuất thân từ một cộng đồng thương gia, nơi mà hầu hết mọi người trong đó có tâm bất chánh và xảo quyệt. Phương pháp này chỉ dành cho những người có tâm tánh đơn giản như các Thầy giáo, Giáo sư hay những người tương tự là những người tốt. Còn tôi không thể tập được”.
Và kế đó là tôi xuất thân từ một truyền thống và giai cấp khác biệt. Tôi suy nghĩ: “Những người này thực tập cái gì vậy? Thượng Đế ở đâu? Chẳng thấy có chỗ nào dành cho Thượng Đế cả. Thật tội nghiệp Thượng Đế biến mất rồi! Và linh hồn? Cũng không có linh hồn nốt. Họ nói cái gì lạ vậy? Thiền kiểu này là kiểu gì vậy?” Tôi nghĩ ngợi lung tung, tôi đang mong chờ một cái gì đặc biệt. Vào ngày thứ 2, tôi đã muốn bỏ đi.
Tôi rất mang ơn một người bạn đồng tu. Cô ta thật là tử tế, cô bảo tôi: “Ông ráng ở thêm một ngày nữa đi. Ông đang có những cảm giác ở vùng này rất tốt”. Trong ngày đầu tiên, tôi đã cảm giác được vùng bên trong mũi. “Chỉ quan sát nó thôi, Thiền sư chỉ muốn ông làm chứng đó thôi, cứ tiếp tục đi”.
Thế rồi, tôi ở lại. Tôi rất là biết ơn cô ấy nếu không, tôi đã bỏ lỡ mất một điều tuyệt vời trong đời mình. Và khi khóa Thiền chấm dứt, những người đã thật sự hưởng được lợi lạc ít nhiều do sự tu tập, đều không thể cầm lòng. Họ muốn kể cho người khác nghe: “Ô! Tuyệt diệu!”. Họ nói với người thân trong gia đình, cho bạn bè của mình: “Bạn hãy đến mà xem. Thật là hay! Bạn nên thử đi, tốt vô cùng. Tôi đã hưởng được rất nhiều lợi lạc. Bạn cũng sẽ được như vậy!”.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)