BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU
Chúng ta nghiện ham muốn hay cảm giác?
Toàn thể tiến trình quan sát cảm giác giúp cho ta hiểu vì ta đang bắt đầu chú trọng đến thực tại bên trong cơ cấu thân thể, sự thật ở tầng lớp thực nghiệm. Nếu không, suốt đời ta luôn chú trọng đến các cảm giác bên ngoài. Chúng ta đang ham muốn mà lại không biết mình đang ham muốn. Ta đang ham muốn các đối tượng bên ngoài. Các đối tượng bên ngoài này chiếm ưu thế và chúng cứ thế khống chế mình. Ta quên mất mình đang ham muốn và cũng quên là vì lòng ham muốn, ta đã đánh mất sự thăng bằng của tâm, rồi trở nên rất khổ sở.
Ta cũng không biết rằng mình trở nên nghiện sự ham muốn này. Ví dụ, ta có nhu cầu tự nhiên như cần nước khi đang khát, không có gì sai cả. Ta nỗ lực tìm nước để giải cơn khát. Khi không tìm thấy nước và ta mỉm cười: “Được rồi! Ta hãy cố tìm nước lần nữa. Không có nước, ta hãy cố tìm nữa”, nên ta không mất thăng bằng tâm trí. Nhưng một khi ta bắt đầu ham muốn: “Ồ nước! Vẫn không có nước, điều gì sẽ xảy ra cho tôi? Tôi có thể chết, nước, nước, nước”. Ta đã mất thăng bằng tâm trí và trở nên khổ sở. Người ta không quan sát tất cả điều này trong tâm. Nước không quan trọng đến như vậy.
Ta đang ham muốn, ngay cả đến ham muốn cũng không quan trọng đến như thế mà ham muốn mang lại khổ đau. Khoảnh khắc mà ta bắt đầu ham muốn một cái gì đó. Điều này có nghĩa là ta đang muốn một cái gì hiện không có ở đó. Ta không hài lòng và mãn nguyện tất cả những gì đang có, mà lại muốn cái gì không có ở đó.
Vì thế, ta trở nên rất khổ. Nếu ta nhận ra rằng: “Này, tôi đang khổ, tôi đang khổ” thì sẽ có cách thoát ra khỏi khổ đau ấy. Nhưng mình không biết điều này, nên bị nỗi khổ của sự ham muốn khống chế. Ta không biết mình trở thành kẻ ham muốn như thế nào. Rồi tình trạng trở nên tồi tệ hơn, người ta nghiện sự ham muốn. Khi ta bắt đầu quan sát một cảm giác, sớm hay muộn trong một số trường hợp, sẽ tới một giai đoạn, ta nhận ra rằng thực ra ta không muốn đối tượng này hay đối tượng kia mà là ham muốn một cảm giác đặc biệt nào đó. Khi ta ham muốn bất cứ một cái gì thì có một cảm giác nảy sinh. Và khi cơn ham muốn đó được thỏa mãn, sẽ không còn có cảm giác ham thích nữa. Ta lại muốn có cảm giác đó nữa. Thế là ta lại ham muốn một cái gì khác. Một khi cơn ham muốn được thỏa mãn, đối tượng đạt được thì đối tượng này trở nên nhàm chán và ta lại muốn một cái gì khác. Đạt được cái gì khác đó, nó lại hết thú vị, ta lại muốn một cái gì khác nữa. Do đó, ta trở thành người nghiện sự ham muốn.
Ví dụ, có người đang sống ở căn nhà có một phòng ngủ, hắn hoàn toàn hạnh phúc. Bỗng nhiên, trong tâm trí hắn hiện lên ý tưởng: “Căn nhà một phòng ngủ này ư? Ta phải có một căn nhà lớn có ít nhất 3 phòng ngủ”. Được rồi, giả sử bây giờ, hắn có một căn nhà 3 phòng ngủ. Rồi căn nhà phải được trang bị mọi tiện nghi với đủ loại đồ đạc này, đồ đạc kia.
Được rồi, căn nhà được bày biện đủ đồ đạc. Rồi có đủ thứ loại đồ đạc ấy, cũng không còn thú Vị nữa. “Bây giờ, ta phải có máy này, máy kia, truyền hình màu. Đầu máy video, đầu đĩa của Nhật, máy giặt, máy hút bụi, máy này, máy kia”. Và căn nhà đầy đủ tất cả các loại đồ đạc này, ngay chỗ để thở cũng không có. Thế nhưng, vẫn không có sự thỏa mãn, vẫn còn tiếp tục ham muốn, ham muốn: “Cái xe của tôi, Ồ! Cái xe này xoàng quá! Tôi phải có chiếc Toyota cơ”.
Có chiếc Toyota xong. “Ồ không! Tôi phải có chiếc BMW. Không, tôi phải có chiếc Mercedes Benz. Không! Tôi phải có chiếc Rolls Royce. ”Rồi không những chỉ có chiếc Rolls Royce kiểu này, kiểu kia mà phải kiểu mới nhất cơ. Và không chỉ có một hay 2 chiếc mà còn nguyên một đoàn xe Rolls Royce. Nhưng vẫn chưa mãn nguyện, người ta có máy bay trực thăng riêng, tôi cũng phải có mới được. Rồi có chiếc máy bay trực thăng: “Bây giờ, tôi phải có phi cơ riêng. Có được chiếc phi cơ, bây giờ, tôi muốn có chiếc phi thuyền để đi lên mặt trăng”.
Ồ! Rồi có chiếc phi thuyền cũng không còn thú Vị gì nữa: “Tôi phải có phi thuyền đi đến hành tinh này, hành tinh kia, không những thế, còn phải đến dãy ngân hà này, dãy ngân hà khác”. Ngay đến bầu trời cũng không còn giới hạn nữa. Đó là cái thùng không đáy, không bao giờ đầy vì chúng ta đã bắt đầu say đắm sự ham muốn. Ta không ham muốn một đối tượng nào đó mà ta ham muốn chỉ vì ham muốn mà thôi. Điều này làm cho tình trạng tệ hại hơn và đây là điều đang xảy ra.
Khi tiến bước trên con đường giải thoát, điều này càng hiện rõ ràng hơn. Khi ta nói người này nghiện rượu hay người nào đó nghiện thuốc phiện. Thực ra nói như vậy là sai. Ở bề mặt, mức độ bề ngoài thì có vẻ là như thế nhưng thực ra người ta nghiện cảm giác. Khi uống rượu vào, người uống cảm thấy một cảm giác nào đó và muốn có đi có lại cảm giác đó nên người đó lại phải uống đi, uống lại. Người ấy cứ phải dùng thuốc phiện mãi, cảm giác rất quan trọng như thế. Đây là khám phá của Đức Phật. Trừ khi học được cách quan sát cảm giác, nếu không, ta không thể thoát khỏi bất cứ sự nghiện ngập nào.
Nghiện rượu, nghiện thuốc phiện không là gì cả so với nghiện sự ham muốn, nghiện sự ghét bỏ của mình. Có rất nhiều bất tịnh trong tâm, ta bị nghiện sự bất tịnh này. Và tiếp tục lặp đi lặp lại những bất tịnh này vì ta đã nghiện một loại cảm giác đặc biệt nào đó. Ta muốn có đi có lại cảm giác ấy, nên ta tạo ra một số các bất tịnh để có được các cảm giác ấy. Khi cảm giác ấy hết đi, ta lại cố tạo ra cảm giác ấy bằng cách tạo điều bất thiện khác. Điều này đã trở thành khuôn mẫu thói quen của tâm. Làm sao để thoát ra khuôn mẫu thói quen ấy?
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)