Nội Dung Chính
Videos 8. Quán 5 Triền Cái (1) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015
Quán 5 Triền Cái (1)
(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)
Hôm nay là ngày thứ 8 trong khóa thiền 14 ngày được tổ chức tại Thiền viện Phước Sơn. Chúng ta đã nghe Đức Phật giảng cách quán thân, quán thọ, quán tâm. Bây giờ chúng ta sẽ nghe Đức Phật giảng cách quán những ô nhiễm trong tâm, trong phần (Pali, 0:15) thuộc kinh Đại Niệm Xứ. (Pali, 0:17) “tỳ khưu chú tâm quán sát danh pháp, là 5 triền cái (Pali, 0:47) 5 triền cái này có nghĩa là 5 loại ô nhiễm ở trong tâm. Và này các tỳ khưu, thế nào là tỳ khưu quán pháp trong pháp, liên quan đến 5 pháp triền cái, liên quan đến 5 loại ô nhiễm trong tâm này. (Pali, 1:04) này các tỳ khưu, khi tham ái (Pali, 1:44) sinh khởi trong tâm, vị tỳ khưu biết tham ái đang sinh khởi trong tôi, khi tham ái không sinh khởi, vì tỳ khưu biết tham ái không sinh khởi trong tôi. Vị tỳ khưu còn hay biết tham ái chưa sinh khởi đang sinh khởi, tỳ khưu còn biết tham ái vừa sinh khởi đang bị loại trừ và tỳ khưu cũng biết rằng tham ái bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. Như vậy khi quán sát tham ái, tỳ khưu thấy rằng trước kia nó không có, bây giờ nó có mặt và khi có mặt rồi thì nó biến mất, nó không còn.
Chúng ta thấy rằng khi Đức Phật dạy kinh Đại Niệm Xứ, ngài dạy thiền một cách rất có hệ thống và theo tuần tự, Ngài dạy chúng ta quán thân trước, khi ngồi thiền, đi kinh hành và những hoạt động hằng ngày, rồi ngài dạy chúng ta quán thọ, ngài dạy chúng ta quán tâm, và rồi ngài bắt đầu dạy chúng ta quan sát, thấy những ô nhiễm sinh khởi trong tâm của mình.
Khi hành thiền trong giai đoạn đầu, để thấy được phồng xẹp hay dở bước đạp để có được tỉnh giác trong chánh niệm hằng ngày, thiền sinh phải cố gắng rất nhiều, cho dù cố gắng tâm vẫn phóng chạy liên tục, tâm vẫn suy nghĩ liên tục mà thiền sinh không hay biết, có khi chạy theo những suy nghĩ này trong một thời gian rất dài. Và sau khi hành thiền một thời gian thì thiền sinh thấy được suy nghĩ sinh khởi, và bắt kịp do có chánh niệm mạnh, thiền sinh dễ dàng ghi nhận các cảm thọ sinh khởi, thiền sinh dễ dàng ghi nhận tham ái, mong muốn sinh khởi cho nên có được sự an tịnh trong tâm và có thể ngồi thiền lâu.
Khi quan sát phồng xẹp, dở bước đạp, và chánh niệm trong những hoạt động hằng ngày, thì vào lúc tham ái mong muốn sinh khởi, thiền sinh quan sát được nó và nó mất đi. Vậy khi thấy tham ái sinh khởi, thiền sinh biết tham ái sinh khởi trong tâm, thấy tham ái mất đi, thiền sinh biết tham ái biến mất, thấy tham ái không còn, thiền sinh biết tham ái không còn sinh khởi trong tâm. Khi thấy tâm không có tham ái, thiền sinh biết tâm không có tham ái, khi thấy tâm có tham ái thiền sinh biết tâm có tham ái, khi thấy tâm tĩnh lặng, thiền sinh hay biết tâm tĩnh lặng.
Nếu chánh niệm kỹ lưỡng trong khi ăn, thiền sinh có thể thấy rằng với thức ăn ngon thì mình muốn ăn nhanh và ăn nhanh, mình muốn nuốt nhanh và mình nuốt nhanh, cho nên nói rằng nhờ hành thiền mà tham ái giảm, ít sinh khởi. Đến quản vị A Na Hàm thì người này không còn tham ái, không còn ham thích cảnh đẹp, âm thanh hay, mùi thơm, vị ngon, sự xúc chạm hài lòng nữa. Cho nên nhờ hành thiền mà chúng ta loại trừ tham ái là như vậy.
Như ta giặt áo càng giặt áo càng sạch, ta càng hành thiền thì tâm này càng lúc càng trong sạch. Như vậy nhờ hành thiền ta thấy nhiều loại tham ái khác nhau sinh khởi trong tâm, tham ái ham thích có nhà cửa, có xe cộ, ham thích được ăn mặc quần áo đẹp, ham thích có thức ăn ngon và khi thấy nhiều loại tham ái như vậy, những tham ái này mất đi khi ghi nhận, do vậy tham ái giảm dần, dù chưa mất hẳn.
Khi việc hành thiền tiến bộ, khi chánh niệm sắc bén và mạnh mẽ, chúng ta thấy rõ rằng bất cứ cái gì sinh khởi trong tâm ta hay biết, chúng ta thấy rõ tham ái đến, đi, chúng ta thấy rõ vui buồn đến rồi đi, chúng ta thấy rõ các pháp đến đi sinh diệt, thấy rõ như vậy thì ô nhiễm trong tâm yếu dần, và bị loại trừ tạm thời. Vậy muốn làm cho tâm này trong sạch, muốn loại trừ ô nhiễm trong tâm, chúng ta cần quán sát kỹ đề mục sinh khởi khi ngồi thiền, khi đi kinh hành, và trong những hoạt động hằng ngày.
Đức Phật lại dạy tiếp (Pali, 5:30) này các tỳ khưu, khi sân hận, ác ý (Pali, 6:09) sinh khởi trong tâm, vị tỳ khưu biết sân hận đang sinh khởi trong tôi, khi sân hận không sinh khởi, vị tỳ khưu biết sân hận không sinh khởi trong tôi, khi sân hận chưa sinh khởi và sinh khởi, tỳ khưu hay biết như vậy, khi sân hận vừa sinh khởi đã bị loại trừ, tỳ khưu hay biết như vậy và tỳ khưu cũng hay biết rằng sân hận đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa.
Người đời không hành thiền hay là thiền sinh sơ cơ không thể thấy được tâm sân, ác ý vào lúc nó phát sinh, do vậy tâm sân, ác ý, giận hờn bực bội này kéo dài có khi đến cả tiếng, nhưng khi chánh niệm sắc bén, khi định tâm mạnh mẽ, thì tâm trở nên tỉnh táo rõ ràng, cho nên nếu nhớ về quá khứ, như là nhớ về người chồng cũ, vợ cũ, thầy cũ hay kẻ thù thì chúng ta thấy rõ sân hay ác ý phát sinh, và chúng ta hay biết, quan sát thì nó mấy đi. Nhờ chánh niệm sắc bén và định tâm mạnh mẽ, nếu nghe tiếng ồn, bực bội phát sinh, chúng ta thấy rõ nó sinh và nó mất, thấy rõ là sự bực bội này không còn.
Khi tâm tỉnh táo, rõ ràng thì việc thiền tập sẽ có tiến bộ vì ta hay biết được sân, giận, bực bội không có mặt, ta hay biết sân giận, bực bội bắt đầu có mặt, sân giận hay bực bội đang có mặt, hay sân giận hay bực bội mất không còn nữa. Nhờ hành thiền minh sát ta thấy rõ tâm của mình hơn, trong thực tế ta giận không phải vì đối tượng bên ngoài mà vì ô nhiễm ở trong tâm của mình. Vì không thấy rõ ô nhiễm trong tâm làm cho sân sinh khởi, cho nên ta đi phàn nàn về người khác, làm như vậy thì làm sao có thể loại trừ được ô nhiễm trong tâm của mình.
Khi thiền sinh bên cạnh xoay trở, ồn ào, nếu không có chánh niệm hay chánh niệm yếu, nếu không quan sát kỹ phồng xẹp thì ta sẽ nổi sân, khi thiền sinh bên cạnh xoay trở ồn ào, nếu có chánh niệm mạnh, tâm vẫn chìm vào phồng xẹp nên không để ý gì khác, cho nên chúng ta không bị chi phối và nếu như chúng ta hay biết được tâm đang sân hận vì tiếng ồn thì chúng ta ghi nhận ngay, cho nên nó nhanh chóng biến mất, nó không còn sinh khởi nữa.
Khi đi đến nhà ăn, vào lúc thấy thức ăn không ngon hay phục vụ không tốt, tức giận sinh khởi rồi muốn báo cáo này nọ, v.v…chỉ vì ta không có chánh niệm, nhưng khi thấy thức ăn không ngon, phục vụ không tốt, ta có thể chấp nhận được và ta không thấy có gì phải phàn nàn khi mình có chánh niệm, như vậy khi có chánh niệm mạnh mẽ, tâm sẽ không bị ảnh hưởng dao động với những đối tượng xung quanh cho nên tham ít sinh khởi, sân ít sinh khởi và do vậy ta an lạc. Do đó cho nên thiền sinh cần chánh niệm, chú tâm vào thân tâm của mình khi ngồi thiền, khi đi kinh hành và trong những hoạt động hằng ngày. Tại thiền viện Pandita….thiền sư Jatila sau khi dự khóa thiền tích cực được ngài Pandita giao nhiệm vụ làm thiền sư, nhưng trong khi dự khóa thiền tích cực thì ngài thiền sư của mình không nhìn lên khuôn mặt của vị thầy mình trong lúc trình pháp. Và khi đi thì không để ý đến những gì xung quanh, không biết thiền đường ra sao, chỉ nhìn tới phía trước khoảng 2m, và khi trở thành thiền sư rồi, ngài Jatila gặp rất nhiều loại thiền sinh, có thiền sinh thiền rất tốt, có những thiền sinh thiền không tốt, có những thiền sinh biết cách trình pháp, cũng như có những thiền sinh không biết cách trình pháp, sư cố gắng giúp họ, cố gắng giải thích cho họ rất nhiều lần, nhưng có khi thiền sinh vẫn không tiến bộ vì chẳng chuyên tâm hành thiền mà cứ làm theo ý của mình. Vào lúc đó sư thấy sân hận bực bội sinh khởi trong tâm, và sư suy nghĩ rằng tại sao mình phải làm cho tâm mình ô nhiễm, làm cho ô nhiễm sinh khởi chỉ vì thiền sinh không tu tập, và sư quan sát tâm của mình. Từ đó sư vẫn cố gắng giải thích hướng dẫn và giúp đỡ thiền sinh, nhưng đồng thời sư vẫn chấp nhận sự việc xảy ra cho dù thiền sinh không tu tập tiến bộ nữa.
Chánh niệm quan sát những gì sinh khởi trong tâm, nhiệm vụ của thiền sinh là thấy được ô nhiễm phát sinh như là tham ái phát sinh, bực bội phát sinh, ganh tỵ phát sinh, v.v…và có thể loại trừ nó, làm được như vậy thì khi thiền sinh trở về nhà, những người thân nhận ra mẹ của mình, cha của mình, con của mình, anh hay chị của mình an lạc hơn và có nhiều tâm từ hơn.
Một bậc thánh A Na Hàm đã loại trừ tham ái nơi dục trần, không còn ưa thích cảnh đẹp, âm thanh, mùi vị nếm, sự xúc chạm, vị này cũng không còn sân hận nên không giận, không bực ai hay cái gì nữa, nhưng khi chưa là A Na Hàm thì tham muốn vẫn phát sinh, và giận, bực vẫn phát sinh, cho nên chúng ta cần quan sát cho thật kỹ. Khi quan sát thật kỹ thì vào lúc ô nhiễm này yếu, ta có thể loại trừ hay có thể ngừng nó. Khi ô nhiễm này mạnh, thì ta cần phải quan sát rất nhiều lần, nhiều ngày cho thật kỹ càng, và nhờ như vậy mà ô nhiễm sẽ không trở lại quấy rầy ta, nhưng nó vẫn chưa bị nhổ cỏ tận gốc. Ta bực, giận, ghét đối tượng bên ngoài như là chồng, vợ, bạn của mình, nhưng khi quan sát được sự bực, giận, ghét sinh khởi bên trong, thì ta có thể vượt qua và không còn chán ghét đối tượng ở bên ngoài nữa.
Mục đích của việc hành thiền là thấy những gì sinh khởi trong tâm để hiểu biết được những hoạt động của thân tâm cũng như bản chất vô thường, khổ, vô ngã. Mục đích của việc hành thiền là thấy ô nhiễm sinh khởi trong tâm và có thể loại trừ những ô nhiễm này, như vậy nếu xét thấy mình chưa đạt được mục đích này thiền sinh cần cố gắng nhiều hơn nữa, cần quan sát đề mục kỹ hơn nữa trong khi ngồi thiền, trong khi đi kinh hành và trong những hoạt động hằng ngày.
Cho nên Đức Phật dạy rằng khi có tham ái, thiền sinh biết có tham ái sinh khởi, khi không có tham ái sinh khởi, thiền sinh hay biết không có tham ái sinh khởi, khi sân hận đến, thiền sinh hay biết sân hận có mặt, khi sân hận mất đi, thiền sinh cũng hay biết sân hận không còn. Khi chúng ta làm được như vậy, thì tham ái sân hận không có cơ hội lớn mạnh và hành hạ chúng ta. Vậy cách thức, phương pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta thật là tuyệt vời, nó đem đến lợi lạc tức thời cho ta trong cuộc đời, cho nên Đức Phật nói trong bài kinh Đại Niệm Xứ rằng, để có được 7 lợi lạc, là: để thanh lọc tâm, để vượt khỏi buồn khổ, để vượt khỏi khóc than, để diệt trừ khổ thân, để diệt trừ khổ tâm, để thành tựu thánh đạo, để chứng ngộ Niết bàn, chúng ta cần phải hành bốn niệm xứ, đó là quán Thân, quán Thọ, quán Tâm và quán Pháp. Hôm nay ngài thiền sư không thể giảng hết phần quán các triền cái, ô nhiễm, và ngài sẽ tiếp tục giảng vào ngày mai.
(Bản text do Đinh Huế đánh máy)
BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA