Videos 10. Quán Pháp | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Quán Pháp

(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)

Hôm nay là ngày thứ 10 trong khóa thiền 14 ngày được tổ chức tại Thiền Viện Phước Sơn, Thiền sư tiếp tục giảng cho chúng ta nghe về năm uẩn trong phần quán Pháp trong Pháp, thuộc Kinh Đại Niệm Xứ.

Đức Phật dạy rằng (Pali, 17:20) “Lại nữa này các tỳ khưu, vị tỳ khưu quán sát Pháp trong các Pháp liên quan đến ngũ uẩn thủ, liên quan đến sự tham ái vào năm uẩn, và thế nào là vị tỳ khưu quán Pháp trong Pháp, liên quan đến ngũ uẩn thủ. (Pali, 0:50), “này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu quán tưởng rằng, đây là sắc uẩn, đây là sự phát sinh của sắc uẩn, đây là sự hoại diệt của sắc uẩn, đây là thọ uẩn, đây là sự phát sinh của thọ uẩn, đây là sự hoại diệt của thọ uẩn, đây là tưởng uẩn, đây là sự phát sinh của tưởng uẩn, đây là sự hoại diệt của tưởng uẩn, đây là hành uẩn, đây là sự phát sinh của hành uẩn, đây là sự hoại diệt của hành uẩn, đây là thức uẩn, đây là sự phát sinh của thức uẩn, đây là sự hoại diệt của thức uẩn. 

Vậy chúng ta phải quán sát ngũ uẩn này ra sao? Thân tâm là năm uẩn, trong đó thân là sắc uẩn, tâm gồm có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Sắc uẩn có liên quan tới những hoạt động nơi thân như thấy, nghe, ngửi, nếm, ngủ nghỉ,…và trong thân gồm có 28 loại vật chất tạo thành. Trong đó có 4 yếu tố chính là đất, nước, gió, lửa. Sắc uẩn hay các thành phần vật chất có trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thọ uẩn là những cảm thọ hỷ, hay khổ hay xả. Tưởng uẩn là sự nhớ lại hay ghi nhận đối tượng vào lúc thấy, nghe…và hành uẩn là những hoạt động của tâm như tác ý, thức uẩn là sự hiểu hay hay biết. 

Như vậy cuộc sống của chúng ta là sự vận hành của 5 uẩn này, khi không biết về những hoạt động của năm uẩn này, ta cho rằng tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi, tôi nếm, tôi xúc chạm, tôi suy nghĩ. Và do nên chúng ta lầm tưởng rằng năm uẩn là một chúng sinh, cho rằng trí nhớ của tôi như thế này, sự hiểu biết của tôi như thế kia, thân tôi như thế này, v.v… Vì lầm tưởng năm uẩn là một chúng sinh như vậy, cho nên có sự bám víu, có tham ái vào năm uẩn này. Cho nên nói rằng có ngũ uẩn thủ, để thấy rõ được năm uẩn, để thấy rõ những hoạt động của năm uẩn này, để loại trừ tham ái nơi năm uẩn, chúng ta cần quán sát thân tâm một cách cẩn thận khi ngồi thiền, tức là khi đó chúng ta quan sát phồng xẹp, khi đi kinh hành, tức là quan sát dở bước đạp, và chúng ta cần phải chánh niệm tỉnh giác trong những hoạt động hằng ngày. 

Khi chánh niệm được rèn luyện và sắc bén, thì ta thấy rõ chỉ có luồng tâm và vật chất sinh khởi, ta thấy chỉ có những hoạt động của tâm và vật chất mà chẳng có ai, chẳng có người nào trong đó. Khi chánh niệm mạnh mẽ, ta thấy phồng xẹp là thuộc về thân, và sự hay biết quan sát là thuộc về tâm. Sự căng cứng, nóng mềm là thuộc về thân, ghi nhận sự căng cứng hay biết sự căng cứng là thuộc về tâm. Khi chánh niệm mạnh mẽ ta thấy các cảm thọ khác nhau, ta thấy sự thoải mái khi thân nhẹ, sự khó chịu khi thân đau nhức. Khi chánh niệm mạnh mẽ, ta thấy những hoạt động của tưởng uẩn, tưởng uẩn nhớ lại những gì xảy ra như là đã nói gì, đã thấy gì, đã nghe gì, và nhờ có tưởng uẩn nên chúng ta ghi nhận được những đề mục như là: đây là cái hoa, đây là hoa hồng, v.v…Như vậy hay biết những đề mục đó, hay biết những đối tượng đó là hoạt động của tưởng uẩn, và với hành uẩn, ta thấy tác ý muốn đứng dậy, muốn mở mắt, muốn suy nghĩ, v.v…và thức uẩn là sự hay biết, hay biết có sự thấy, có sự nghe. 

Không học giáo Pháp chúng ta sẽ không biết đây là sắc uẩn, là thọ uẩn, là tưởng uẩn, là hành uẩn, hay là thức uẩn. Nhưng vào lúc thiền thì thiền sinh kinh nghiệm sự nóng lạnh cứng căng, nóng lạnh cứng căng là biểu hiện của sắc uẩn, thiền sinh không cần biết đây là yếu tố đất, nước, lửa, gió gì cả, mà chỉ cần quan sát những gì sinh khởi trong thân mà thôi. Trong khi thiền chúng ta kinh nghiệm thọ hỷ hay thọ khổ, vậy thiền sinh hiểu được thọ uẩn qua việc hành thiền của mình mà không cần phải học. Khi hành thiền chúng ta kinh nghiệm những kỉ niệm trong quá khứ hiện về, và vào lúc đó chúng ta hiểu rằng tưởng uẩn đang hoạt động. Khi hành thiền chúng ta kinh nghiệm thấy được tác ý thích ghét, v.v…sinh khởi, và lúc đó chúng ta hiểu được hoạt động của hành uẩn, khi hành thiền chúng ta kinh nghiệm được sự hay biết là bây giờ tâm phát sinh, bây giờ cảm thọ phát sinh, v.v…cho nên thiền sinh hiểu được hoạt động của thức uẩn.

Như vậy thiền sinh không cần học và cũng không cần biết tên năm uẩn này. Chúng ta chỉ cần hành thiền thì chúng ta có thể hiểu được hoạt động của năm uẩn này, và rồi hành thiền thiền sinh hiểu được sự sinh ra và biến mất của năm uẩn này. Khi quan sát phồng xẹp, ta thấy có sự căng rồi mềm, có sự cứng rồi mềm, ta thấy phồng phát sinh rồi biến mất, ta thấy xẹp phát sinh rồi biến mất. Ta thấy sự rung động mạnh rồi mất, ta thấy sự rung động nhẹ rồi mất, ta thấy nóng phát sinh rồi mất, sự thấy phát sinh rồi mất, âm thanh phát sinh rồi mất, như vậy chúng ta hiểu được sắc uẩn sinh rồi diệt. 

Sắc uẩn trong thân này vào lúc một tuổi nó khác với sắc uẩn trong thân lúc 50 tuổi và nó càng khác với sắc trong thân khi già. Nhưng đến tuệ sinh diệt khi ngồi thiền, thiền sinh thấy sắc uẩn luôn luôn thay đổi, thiền sinh thấy những sinh diệt trong thân một cách liên tục trong phồng xẹp, trong từng sát na chứ không đợi đến vài năm. Đức Phật dạy chúng ta quán sát sắc uẩn như thế. Và Đức Phật cũng dạy rằng, đây là thọ uẩn, đây là sự sinh khởi của thọ uẩn, đây là sự diệt đi của thọ uẩn. Vậy ta hiểu thọ uẩn như thế nào trong khi hành thiền. Khi quán sát phồng xẹp ta thấy nó thay đổi đến đi, và trong một sự phồng xẹp ta thấy thọ lạc sinh khởi khi quán sát nó mất đi, ta thấy thọ khổ sinh khởi khi quán sát nó mất đi, ta thấy thọ xả sinh khởi khi quán sát nó cũng mất đi. Và dù là quan sát phồng xẹp hay dở bước đạp, ta thấy khó chịu đến rồi đi, ta thấy sự nhẹ nhàng, thoải mái đến rồi đi, ta thấy sự thanh thản đến rồi đi. Trong khi ăn thọ hỷ vào lúc ăn ngon phát sinh rồi biến mất, thọ khổ vào lúc không ăn được phát sinh rồi biến mất. Trước kia thọ khổ dường như kéo dài làm cho ta không chịu nổi, nhưng bây giờ ta thấy sự liên tục sinh rồi diệt, cho nên thọ khổ không kéo dài như ta tưởng trước kia. Như vậy thiền sinh quán sát các cảm thọ như thế. 

Đức Phật cũng dạy đây là tưởng uẩn, đây là sự sinh khởi của tưởng uẩn, đây là sự diệt tận của tưởng uẩn. Nhờ có tưởng uẩn mà ta nhớ lại những gì đã xảy ra và ta ghi nhận được những đối tượng mới. Nhờ có tưởng uẩn mà ta hiểu rằng, đây là người tôi thích, đây là người tôi không thích. Tôi nhớ rằng thức ăn này tôi ưa thích và nhớ rằng thời tiết này thích hợp với tôi, .v.v… Khi sự định tâm và chánh niệm trở nên mạnh mẽ, thì ta hành thiền tốt, vào lúc đó chúng ta nhớ lại rằng thời ngồi thiền đó rất là tốt, thời ngồi thiền này không tốt, nhớ lại rằng mình đã thấy, đã quan sát cái đau, cái nóng, v.v…và nó mất đi. Mình thấy hình ảnh đó hiện lên trong tâm rồi mất đi, tưởng uẩn nhớ lại những gì đã xảy ra, nhưng ta vẫn lầm lẫn cho rằng tôi nhớ lại, khi tưởng uẩn nhớ lại những gì xảy ra thì tham sân sẽ sinh khởi, nhưng ta lầm lẫn cho rằng tôi thích kỉ niệm đó, tôi ghét kỉ niệm đó. Trong thực tế chỉ có tham sân sinh khởi chứ chẳng có ai thích và ghét gì cả. Như vậy hành thiền thấy được quá khứ hiện lên dần trong tâm, cứ sinh rồi diệt thì chúng ta hiểu tưởng uẩn sinh và diệt như thế. 

Đức Phật cũng dạy rằng đây là hành uẩn,đây là sự phát sinh của hành uẩn, và đây là sự diệt tận của hành uẩn. Khi chánh niệm mạnh thiền sinh thấy tác ý quan sát phồng xẹp và tác ý này mất, tác ý đi và tác ý này mất, tác ý đứng và tác ý này mất, tác ý xoay và tác ý này mất, tác ý ngồi và tác ý này mất, tác ý nói chuyện và tác ý này mất, tác ý ăn và tác ý này mất, tác ý nuốt rồi tác ý này mất. 

Khi ngồi thiền chúng ta thấy tác ý muốn di chuyển thân sinh rồi diệt, ta thấy tác ý muốn mở mắt sinh rồi diệt, như vậy thiền sinh thấy những tác ý tốt xấu sinh diệt như thế. 

Đức Phật cũng dạy rằng đây là thức uẩn, đây là sự phát sinh của thức uẩn, đây là sự diệt tận của thức uẩn. Hay biết là hoạt động của thức uẩn, khi có sự thấy thì sự hay biết sinh khởi và mất. Khi có sự nghe hay biết sinh khởi rồi mất. Khi có sự ngửi hay biết sinh khởi rồi mất. Khi có sự nếm hay biết sinh khởi rồi mất. Khi có suy nghĩ hay biết sinh khởi rồi mất. Khi thọ khổ phát sinh, khi thọ hỷ phát sinh, khi thọ xả phát sinh, có sự hay biết sinh khởi rồi mất.

Như vậy nhờ hành thiền và phát triển chánh niệm thiền sinh quan sát cả năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức bên trong mình sinh rồi diệt. Do đó thiền sinh cũng hiểu rằng năm uẩn bên ngoài nơi người khác cũng sinh diệt. Hiểu như vậy thì thiền sinh không còn tham ái, bám níu vào thân tâm, vào năm uẩn này. Cũng như không còn tham ái, bám níu vào thân tâm hay năm uẩn nào khác. Chỉ khi hành thiền tinh tấn, chỉ khi chánh niệm và sự định tâm phát triển thì ta mới thấy hoạt động của năm uẩn như một luồng tâm vật chất liên tục trôi chảy, thay đổi. Thấy như vậy chúng ta thấy rằng chỉ có tâm muốn và thân làm. Chỉ có tâm muốn và sự suy nghĩ phát sinh, thấy tâm sinh rồi diệt, thấy sắc uẩn sinh rồi diệt, thấy các pháp sinh rồi diệt. Thiền sinh hiểu được tiến trình sinh diệt một cách tự động xảy ra không theo ý muốn của ai và không thể điều khiển nó được. Thấy như vậy thiền sinh hiểu ra bản chất vô ngã nơi các đối tượng, thiền sinh thấy chẳng có tôi, chẳng có ai trong đó. Khi thấy được bản chất vô ngã thì tham ái, ngã mạn là tôi thấy, tôi biết bị loại trừ. Vào khi đó thấy chỉ là thấy mà không còn thích ghét, nghe chỉ là nghe mà không còn thích ghét, do vậy chúng ta sống mà không lo lắng, mong chờ sân hận. Vậy cho nên khi thấy năm uẩn sinh diệt, thay đổi vô thường, ta sinh lòng chán chường sự thay đổi sinh diệt này, do vậy tham ái và ô nhiễm không sinh khởi và một khi tham ái, ô nhiễm vắng mặt thì ta có được loại hạnh phúc trong thiền tập, đó là loại hạnh phúc thoát khỏi tham ái, ô nhiễm. 

Thiền sư dạy rằng có năm loại hạnh phúc, gồm hạnh phúc trần gian (Pali, 12:39), hạnh phúc cõi chư thiên (Pali, 12:43), hạnh phúc có được do thiền định (Pali, 12:44), hạnh phúc thiền minh sát (Pali, 12:48), hạnh phúc đạt thánh đạo, thánh quả hay Niết bàn (Pali, 12:52). Hạnh phúc trần gian có được khi ta ăn ngon, mặc đẹp, khi được đi chơi, v.v…hạnh phúc chư thiên là gấp nhiều lần so với hạnh phúc trần gian, và hạnh phúc thiền định phát sinh khi chúng ta hành thiền định và chứng đắc các tầng thiền. Khi biết cách hành thiền minh sát, thiền sinh có thể quan sát mọi đề mục và thấy chúng sinh diệt, cho nên thiền sinh không còn tham ái, ham thích nơi đề mục này nữa, và do vậy mà hạnh phúc minh sát phát sinh. Cao hơn hạnh phúc có được qua thiền minh sát là hạnh phúc có được khi ta kinh nghiệm Niết bàn, kinh nghiệm thánh đạo và thánh quả. 

Như vậy hạnh phúc trong thiền minh sát khác với hạnh phúc trần gian, hạnh phúc có được từ thiền minh sát cao hơn muôn lần so với hạnh phúc trần gian. Nhưng có người nói rằng đừng có hành thiền, nếu hành thiền thì bị tẩu hỏa nhập ma, tâm thần, bất thường, nói như vậy là người này chưa hề kinh nghiệm loại hạnh phúc có được do thiền minh sát. Khi hành thiền minh sát ta thấy năm uẩn, thấy thân tâm này tự sinh rồi tự diệt, cho nên ta không ham thích năm uẩn này nữa, do vậy ta loại trừ được tham ái, bám níu, dính mắc với năm uẩn này. Khi tham ái và ô nhiễm không còn thì hạnh phúc sẽ đến. Như vậy nhờ hành thiền minh sát mà ta có được loại hạnh phúc minh sát và tiến xa hơn là ta có được loại hạnh phúc đạt được thánh đạo, thánh quả và kinh nghiệm Niết bàn. Nhưng vì sao có người không kinh nghiệm được hạnh phúc trong thiền minh sát, vì sao có người tâm thần không bình thường khi hành thiền, bởi vì người này không biết cách hành thiền đúng đắn, người này không cẩn thận quan sát những gì sinh khởi khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. Người này không thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã, người này không loại trừ được ô nhiễm trong tâm. Do vậy, người này không kinh nghiệm được loại hạnh phúc minh sát và tâm thần bất ổn không bình thường. Tâm thần không bình thường là vì không biết cách hành thiền đúng đắn chứ không phải vì hành thiền minh sát. Như vậy không biết cách hành thiền thì thay vì hưởng được hạnh phúc minh sát, người này lại bị đau khổ. Nếu hành thiền minh sát gây ra đau khổ thì Đức Phật không bao giờ dạy và khuyến khích ai hành thiền cả. 

Hạnh phúc minh sát cao hơn muôn vàn lần hạnh phúc trần gian, và hạnh phúc đạo quả Niết bàn có được do hành thiền minh sát là cao thượng nhất. Như vậy chúng ta nên hiểu cách hành thiền minh sát, hiểu rằng hành thiền minh sát đưa ta đến hạnh phúc chứ không làm ta đau khổ. Và ngài thiền sư kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây. 

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app