Videos 3. Quán Thân Phần Hơi Thở | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Quán Thân – Phần Hơi Thở

(Thiền sư U Jatila – tại Thiền Viện Phước Sơn – Mùa Thu 2015)

Hôm nay là ngày thứ 3 trong khóa thiền 14 ngày tại thiện viện Phước Sơn, lần trước ngài thiền sư đã giới thiệu cách thực hành tứ niệm xứ quán thân, thọ, tâm,pháp một cách ngắn gọn trong phần Udesa của kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta).

Tối nay, thiền sư tiếp tục giảng về phần quán thân trong phẩm hơi thở  ānāpānapabbaṃ được Đức Phật giảng dạy thật chi tiết liên quan đến việc ngồi thiền.

Đức Phật nói: Kathañca pana, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati? Này chư tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu sống quán thân trong thân?

Thiền sư nơi đây cũng được ví như tỳ khưu bởi vì chúng ta đang hành thiền với mục đích thoát khỏi luân hồi.

Đức Phật nói tiếp: 

Idha, bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā.

Này chư tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu vào rừng tìm đến gốc cây hay nơi vắng vẻ ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng, thiết lập chánh niệm và hướng tâm đến đề mục.

Tỳ khưu vào rừng tìm cội cây hay nơi vắng vẻ, nơi đây thiền sinh rời bỏ gia đình vào thiền viện là nơi vắng vẻ để thực hành và phát triển chánh niệm. 

So satova assasati, satova passasati. Dīghaṃ vā assasanto ‘dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti. Rassaṃ vā assasanto ‘rassaṃ assasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā passasanto ‘rassaṃ passasāmī’ti pajānāti

Với chánh niệm vị ấy thở vô và với chánh niệm vị ấy thở ra. Thở vô dài vị ấy hay biết tôi thở vô dài, thở ra dài vị ấy hay biết tôi thở ra dài. Thở vô ngắn vị ấy hay biết tôi thở vô ngắn, thở ra ngắn vị ấy hay biết tôi thở ra ngắn.

‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, ‘sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati. ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati.

Vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn từ đầu đến cuối hơi thở vào, vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn từ đầu đến cuối hơi thở ra. Chú tâm như thế vị ấy làm hơi thở vào còn thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế, chú tâm như thế vị ấy làm hơi thở ra còn thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế.

‘Seyyathāpi, bhikkhave, dakkho bhamakāro vā bhamakārantevāsī vā dīghaṃ vā añchanto ‘dīghaṃ añchāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā añchanto ‘rassaṃ añchāmī’ti pajānāti evameva kho, bhikkhave, bhikkhu dīghaṃ vā assasanto ‘dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā assasanto ‘rassaṃ assasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā passasanto ‘rassaṃ passasāmī’ti pajānāti. ‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, ‘sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati, ‘passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati

Như người thợ quay thiện nghệ, khi quay dài hay biết tôi quay dài, khi quay ngắn hay biết tôi quay ngắn. Cùng thế ấy này các tỳ khưu, khi tỳ khưu thở vô dài tỳ khưu hay biết tôi thở vô dài. Khi thở ra dài vị ấy hay biết tôi thở ra dài, khi thở vô ngắn vị ấy hay biết tôi thở vô ngắn, khi thở ra ngắn vị ấy hay biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn  từ đầu đến cuối  hơi thở vào, vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn từ đầu đến cuối hơi thở ra. Chú tâm chánh niệm như thế vị ấy làm hơi thở vào còn thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế, chú tâm chánh niệm như thế vị ấy làm hơi thở ra còn thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế.

Vậy thiền sinh giỏi có thể chánh niệm hay biết rõ ràng và liên tục hơi thở dài, hơi thở ngắn, hơi thở nhẹ nhàng, hay biết từ đầu đến cuối chứ không phải thấy nó xẹt qua mà thôi.

 Đức Phật dạy quán sát hơi thở nơi mũi nhưng vì sao chúng ta lại quán sát phồng xẹp? Khi thở vào thì không khí đi vào nên bụng phồng, khi thở ra không khí đi ra nên bụng xẹp. Vậy quan sát hơi thở và phồng xẹp là như nhau. Quan sát hơi thở là đang quan sát yếu tố gió, quan sát phồng xẹp cũng là đang quan sát yếu tố gió

 Có thiền sinh đã quen quan sát hơi thở nên có thể tiếp tục quan sát hơi thở với chánh niệm như Đức Phật dạy. Nếu thiền sinh quen quan sát phồng xẹp thì nên tiếp tục quan sát phồng xẹp. Thiền sư hành thiền lấy phồng xẹp làm đề mục cho nên ngài hiểu rõ hơn về phồng xẹp. Do vậy nếu thiền sinh quan sát phồng xẹp và trình pháp thì thiền sư có thể hiểu rõ hơn và chỉ dẫn được kỹ hơn. 

Chúng ta cần hiểu là Anapana (quán sát hơi thở) có thể là thiền định cũng có thể là thiền minh sát. Khi để tâm nơi mũi quán sát duy nhất hơi thở vào và ra mà không quán sát để mục khác thì ta đang hành thiền định. Khi tâm để nơi mũi quan sát hơi thở và những đối tượng khác sinh khởi nơi đó nhưng những cảm thọ, phóng tâm suy nghĩ, vv,.. là đang hành thiền minh sát. Nếu chỉ quan sát hơi thở và chỉ duy nhất hơi thở mà thôi là người này đang hành thiền định và phát triển sự định tâm. Nếu quan sát hơi thở và các đề mục khác khi chúng nổi bật và chánh niệm trong khi đi, đứng, ăn, uống,..vv là người này đang hành thiền minh sát và nhờ đó mà trí tuệ minh sát phát triển. 

Nơi đây thiền sư dạy thiền sinh hành thiền minh sát, quan sát đề mục chính là phồng xẹp và quan sát những đề mục khác khi chúng trở nên nổi bật. Thiền sư dạy chúng ta thực hành quan sát dở, bước đạp khi đi kinh hành, dạy chúng ta tỉnh giác hay biết những gì sinh khởi nơi thân tâm trong hoạt động hằng ngày.

 Đức Phật dạy là thiền sinh nên chánh niệm quan sát đề mục chính là hơi thở vào ra thở vô dài, thở ra dài, thở vô ngắn, thở ra ngắn. Khi thiền sinh quan sát phồng xẹp lúc thở vào và thở ra thì lúc đầu thiền sinh chỉ thấy sự phồng lên và xẹp xuống, tiếp tục quan sát phồng xẹp thiền sinh sẽ thấy cái phồng dài và xẹp dài, cái phồng ngắn và xẹp ngắn, phồng dài xẹp ngắn, phồng ngắn xẹp dài,..vv nếu chánh niệm phát triển. 

Một lần nữa, dù chúng ta chỉ quan sát phồng xẹp thôi nhưng trong giai đoạn đầu chúng ta gặp khó khăn khi đưa tâm đến phồng xẹp. Tuy nhiên nhờ cố gắng quan sát phồng xẹp nên chánh niệm lớn mạnh, do đó thiền sinh thấy sự phồng lên và xẹp xuống, thiền sinh thấy phồng xẹp, dài ngắn khác nhau. Đức Phật nói rằng vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn từ đầu đến cuối tiến trình phồng, vị ấy thực tập chánh niệm hay biết trọn vẹn từ đầu đến cuối tiến trình xẹp.

 Khi thiền sinh quan sát phồng xẹp một cách cẩn thận sự định tâm và chánh niệm càng lúc càng phát triển cho nên thiền sinh thấy phồng xẹp rõ ràng hơn. Do vậy thiền sư cảm nhận sự căng cứng, sức ép nặng nhẹ duy chuyển, thấy trọn vẹn từ đầu đến cuối tiến trình phồng, thấy trọn vẹn từ đầu đến cuối tiến trình xẹp thiền sinh sẽ hiểu bản chất vô thường. 

Thiền sinh thấy có tiến trình phồng rồi hết phồng, có tiến trình xẹp rồi hết xẹp. Trước kia khi quan sát phồng xẹp thiền sinh kinh nghiệm sự nặng nề, duy chuyển mạnh, sự căng cứng khó chịu và những chuyển động như to nhỏ dài ngắn trong thân. Thiền sinh cảm thấy thân lắc, nóng, đau, ngứa,..vv.  Đến khi quan sát trọn vẹn tiến trình phồng xẹp thì phồng xẹp trở nên êm dịu, nhẹ nhàng, nhuyễn nhỏ chứ không nặng không thô như lúc đầu. Vào lúc này phồng xẹp nhẹ nhàng, tâm an lạc hơn nên thiền sinh hiểu biết rõ ràng đề mục sinh khởi cho dù đối tượng đó là gì, đối tượng đó cũng đến đi và thiền sinh cảm thấy dễ quan sát đối tượng và hiểu rõ bản chất vô thường.Do vậy, Đức Phật nói rằng chú tâm chánh niệm như thế vị ấy làm hơi thở vào thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế, vị ấy làm hơi thở ra còn thô thiển trở nên nhẹ nhàng vi tế. 

Vị ấy thiết lập chánh niệm chặt chẽ trên sắc uẩn của chính mình như thế và vị ấy hiểu rằng sắc uẩn của người khác cũng tương tự như vậy. Vì thế nên nói rằng vị ấy cũng chánh niệm trên sắc uẩn nơi người, vị ấy chánh niệm trên sắc uẩn nơi mình và nơi người. Vị ấy cũng hiểu được nguyên nhân và sự sinh khởi của sắc uẩn, nguyên nhân và sự diệt tật của sắc uẩn. Vị ấy hiểu được nguyên nhân cùng sự sinh và diệt của sắc uẩn. 

Đến đây khi hành thiền , bất cứ cái gì sinh khởi trong phồng xẹp thiền sinh thấy nó biết mấy không còn. Cái phồng sinh khởi rồi biến mất, xẹp sinh khởi rồi mất, cái đau sinh khởi rồi mất, căng cứng sinh khởi rồi mất, nóng sinh khởi rồi mất, chuyển động sinh khởi rồi mất. Thiền sinh thấy trước kia không có phồng, bây giờ phồng sinh khởi rồi không còn. Thiền sinh thấy trước kia không có xẹp, giờ xẹp sinh khởi rồi không còn. Thiền sinh thấy trước kia không có sự căng cứng, bây giờ sự căng cứng sinh khởi rồi không còn nữa. Qua đó thiền sinh nhận ra rằng các pháp luôn thay đổi sinh diệt và ta không thể điều khiển nó như ý ta muốn. 

Và Đức Phật nói tiếp để rồi vị tỳ khưu chánh niệm hay biết rằng chỉ có sắc uẩn hiện hữu mà thôi. Trong khi quán thân thiền sinh thấy trong thân này phồng sinh khởi, xẹp sinh khởi, căng cứng sinh khởi, mềm nhẹ sinh khởi, nóng sinh khởi, lạnh sinh khởi, đau sinh khởi, tê sinh khởi, ngứa sinh khởi và thiền sinh hay biết sắc uẩn trong thân sinh khởi như thế. Nhưng không những thấy sắc uẩn như là sự căng, giãn, nặng, nhẹ, cứng, mềm, nóng, lạnh, đau, tê, ngứa, nhức sinh ra và mất đi, thiền sinh còn thấy các cảm thọ như là sự dễ chịu, khó chịu sinh ra và mất đi. Thiền sinh thấy các loại tâm thích, ghét, an tĩnh, suy nghĩ,..vv sinh ra và mất đi. Thiền sinh thấy sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ sinh ra và mất đi. Thiền sinh thấy mọi thứ trong thân tâm này thay đổi liên tục, sinh và diệt trong từng sát na và thấy như vậy là thiền sinh có tuệ minh sát. 

Nơi đây Đức Phật đang dạy quán thân nên ngài chỉ nói đến hơi thở chứ không nói đến các cảm thọ và tâm nhưng thân tâm có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu thiền sinh thấy được sắc uẩn sinh ra và mất đi thì thiền sinh cũng thấy các cảm thọ và tâm sinh diệt. Có được tuệ này nếu tiếp tục thiền thiền sinh không còn thấy tôi đi, tôi nói, tôi ngồi, tôi ăn,…vv. Thiền sinh quan sát đề mục thật kỹ lưỡng thì thấy phồng xẹp đến đi, sinh diệt, thiền sinh thấy tâm và vật chất nơi thân này sinh diệt. Thiền sinh chỉ thấy có tiền trình tâm và vật chất rằng vì tâm muốn ngồi nên thân ngồi, vì tâm muốn đi nên thân đi, vì tâm muốn nói nên có sự nói. Thiền sinh không thấy có ai trong tiến trình tâm và vật chất, trong luồng tâm và vật chất liên tục sinh khởi này.

 Đức Phật nói tiếp vị ấy sống và quan sát những gì xảy ra trong thân của mình, vị ấy sống và quan sát những gì xảy ra ở bên ngoài trong thân của người khác, nơi sắc uẩn của người khác. Vị ấy sống, quan sát và hiểu biết những gì xảy ra nơi thân của mình và nơi thân của người. Vị ấy sống, quan sát sự sinh khởi trong thân. Vị ấy sống, quan sát sự diệt trong thân. Vị ấy sống, quan sát sự sinh và diệt trong thân.

 Khi thiền sinh hành thiền nhiều, liên tục và tinh tấn thiền sinh thấy thân, tâm thấy các pháp sinh diệt. Khi thấy mọi thứ sinh diệt thiền sinh chán chê thân tâm này. Nếu không thấy sự sinh diệt nơi thân tâm này ta vẫn còn ưu thích thân tâm này cho nên ngã mạn sinh khởi cho rằng có một cái tôi hiện hữu. Khi thấy chỉ có luồng tâm và vật chất tự sinh ra và mất đi mà không ai điều khiển được thì chánh kiến không có một cái tôi nơi đâu trong thân tâm này phát sinh. Khi thấy tâm và vật chất sinh diệt liên tục thì tham ái nên thân tâm này giảm. Không những vậy tham ái về của cải cũng giảm, ham muốn danh vọng giảm, thích ăn uống giảm, sân, bực giận giảm, ngã mạn tự hào về mình cũng giảm. Khi đó vào lúc ăn thiền sinh chỉ ăn mà không còn thích ghét khen chê. Khi thấy ai thiền sinh chỉ thấy không còn thích ghét khen chê nữa. Nếu tiếp tục hành thiền thì tham ái, ngã mạn suy giảm và dần dà đến mức không còn ngã mạn, không còn tà kiến về cái tôi, không còn tham ái nên thân tâm của mình, không còn tham ái nên thân, thọ, tâm, pháp, không còn tham ái nơi thân tâm của người khác. Khi hành thiền quan sát thân tâm ta có được chánh kiến về vô thường, khổ, vô ngã từ đó tham ái giảm. Nếu tiếp tục hành thiền thì sẽ không còn tham ái sân hận nữa.

Đức Phật lại nói loại hiểu biết này chỉ có được khi chánh niệm lớn mạnh các tầng tuệ minh sát tăng trưởng từ đó vị tỳ khưu một mực xa rời tham ái và tà kiến, không còn bám níu vào thân tâm, ngũ uẩn này. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu sống quán thân trong thân như thế. 

Đức Phật dạy ngồi thiền quan sát đề mục chính là hơi thở hay phồng xẹp để có được chánh niệm, quan sát thân cũng có thể hiểu được các cảm thọ, các loại tâm và các pháp khi chúng sinh khởi.

Như vậy, nhờ quan sát chánh niệm đề mục chính kỹ càng ta thực hành bốn niệm xứ và có được tuệ minh sát vô thường, khổ, vô ngã thấy được sinh diệt và kinh nghiệm niết bàn trở thành thánh nhân, tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm và a la hán loại bỏ mọi ô nhiễm và tham ái trong tâm. 

Vậy thiền sinh cứ quan sát đề mục phồng xẹp cho thật kỹ càng, đừng suy nghĩ gì, đừng suy nghĩ về đề mục. Làm như vậy thiền sinh có sự hiểu biết đúng đắn về đề mục do đó từ bỏ tham ái, loại trừ mọi ô nhiễm, phiền não trong tâm và có được loại hạnh phúc cao thượng. Đức Phật dạy hãy hành thiền và quan sát hơi thở như cách ngài chỉ dẫn và nhứt quyết không bỏ cuộc cho đến khi tự mình kinh nghiệm được những lợi lạc trên. 

Vậy thì thiền sinh nên quan sát để mục chính là phồng xẹp thật cẩn thận. Nếu bế tắc không tiến bộ dù hành thiền lâu, điều đó có nghĩa là thiền sinh đã không quan sát để mục chính một cách đầy đủ và kỹ càng. Khi thiền sinh hành thiền nhiều phương pháp khác nhau thiền sinh cũng không biết cách quan sát đề mục một cách đúng đắn và hiệu quả cho được. 

Có người cho rằng quan sát phồng, xẹp chỉ là quán thân nên họ muốn quán tâm, nhưng nếu xem phồng xẹp chúng ta cũng đang đồng thời quán thân, thọ, tâm, pháp hiểu rõ thân, thọ, tâm, pháp. Không thấy rõ phồng xẹp thiền sinh có thể đổi phương pháp khác và làm như vậy là không đúng đắn. Quan sát phồng xẹp cho kỹ, liên tục thiền sinh sẽ hiểu rõ các pháp trong thân tâm, kinh nghiệm niết bàn và trở thành thánh nhân.

 Ngài chấp dứt bài giảng hôm nay ở đây.

(Bản text do Tâm đánh máy)

 

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app